Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

QUÊ! - Phương Vy


Tuy thích xi nê kinh khủng, nhưng Phương ít khi đi. Không phải vì phim thiếu lành mạnh, không phải Phương bận, cũng chả phải tài chánh eo hẹp nhưng vì Phương không thể đi một mình. “Các cụ” có tuổi cả không thích chỗ ồn ào, nhất là rạp hát. Ngày nghỉ ba thường đi đánh tổ tôm ít khi có ở nhà, giá ba có ở nhà, chưa chắc Phương dám đòi đi xi nê vì ba hơi nghiêm, Phương ngại lắm. Ngoài những lúc bận rộn với công việc, me chỉ ưa chuyện trò với mấy bà bạn. Với me, một ô trầu xanh mơn mởn, vài quả cau tươi là đủ làm cho câu chuyện thêm đậm đà rồi. Chuyện của me chỉ xoay quanh những vấn đề huê hụi buôn bán làm ăn, ấy vậy chứ các bà cười hỉ hả ra chiều tương đắc lắm. Phương chỉ được theo mẹ những lần đi lễ chùa thôi. Nhà có chị Hạnh thì chị đi học ở Sàigòn, chỉ về vào những dịp hè, tết rồi lại đi. Những ngày chị về, thật là vui! Phương chả muốn chị đi Sàigòn tí nào hết. “Có chị là một điều hạnh phúc” Con nhỏ Hòa Diên vẫn thường nói như vậy. Nó là chị cả, nó cũng oai lắm nhưng thèm có anh chị chi lạ! Dạo ấy Phương nào biết “có chị là một điều hạnh phúc”. Đến lúc chị Hạnh đi Phương mới thấy thiếu nhiều, một cái gì quen thuộc dịu êm, một cái gì làm cho mình thấy bé thơ lại. Những lúc bị mẹ mắng, được bàn tay chị vỗ về, vuốt nhẹ lên mái tóc hay được an ủi bằng những lời dịu dàng, Phương thấy lòng nhẹ hẳn đi…

Chị Phương đi, nhà còn anh Bảo với thằng Cò. Nhưng còn lâu Phương mới chịu đi chung với anh em hắn. Hai người đi như hỏa tiễn, mau ơi là mau, Phương không làm sao bắt kịp được. Có “rên rỉ” thì cũng chỉ bị nghe:

- Gớm! Các cô con gái bao giờ cũng điệu rơi điệu rụng! Mất thì giờ. Đi thì đi nhanh nhanh, cứ làm cái bộ… đi dạo biển hả?

Đó, “con nhà Bảo” mở miệng ra là “điệu rơi điệu rụng”, nghe nhàm cả tai. Anh í làm như mình chả điệu một ly ông cụ nào hết vậy. Ai chứ anh Bảo thì khỏi phải nói, có lúc anh ấy soi gương vuốt tóc đến hàng giờ đồng hồ rồi ngắm đi ngắm lại, cứ như là sắp thi hoa hậu không bằng. Vậy nên mỗi lần anh Bảo chế Phương điệu là Phương đọc “đáp từ” ngay:

- Xí! Làm như… le dữ! Cái đầu láng bóng ruồi đậu trợt lên trợt xuống như trượt tuyết. Thế cũng nói người ta.

Và Phương đã hét to:

- Phương không thèm đi xi nê với anh nữa đâu, đứa nào đi với anh là ngu hết sức.

Anh Bảo hóm hỉnh cười:

- Ừ nhớ đấy! Bận sau đứa nào nhõng nhẽo “anh Bảo cho Phương đi với” thì phải đòn và quê đầy đầu nghe chưa?

- Nhất định. Phương nói một là một, hai là hai.

- Chà! Oai quá nhỉ?

- Chứ sao!

Phương đành đi xi nê với Ái, em út của Phương. Con bé thật lạ, đã 7, 8 tuổi đầu mà còn sợ chi đâu ấy. Đi với Ái là cả một tai họa.

Đang xem say sưa, Ái đòi về vì “Ái sợ ông khổng lồ quá à” hay là “sao bắn hoài vậy chị, đi về thôi Ái sợ lắm”. Phương dỗ mãi con bé mới chịu nán lại ngồi đến phút chót. Từ đó “au revoir” bé Ái. Tụi bạn Phương cũng thường rủ Phương đi xi nê nhưng toàn những phim Phương không thích. Con Túy Vân chỉ ưa phim trinh thám, con Anh Loan thì thích phim Tầu, có Lăng Ba, Lạc Đế, cứ í, a… í… á mãi sốt cả ruột. Chỉ có Hòa Diên là si Hayley Mills và thích Walt Disney như Phương, nhưng má nó lại ít cho đi chơi. Phương chỉ còn cầu mong chị Hạnh chóng về. Và chị Hạnh về thật. Về chiều hôm qua. Hôm nay là ngày chót của phim “La baie aux emeraudes” chị Hạnh hứa sẽ dẫn Phương và Ái đi. Nhất định là không bỏ qua phim này. Chị Hạnh bảo với phim này, Hayley Mills đã diễn xuất vai trò trưởng thành lần đầu tiên thật linh động. Từ trước đến giờ Phương chỉ xem những phim Hayley Mills đóng vai con nít, lần này thử coi cô nàng “nàm thao”. Đáng lẽ ba chị em đi xuất 3 giờ 30 kia, nhưng mẹ bảo chiều có món chả giò, ăn nóng mới ngon. Chiều lòng mẹ, chị Hạnh đình buổi xi nê đến xuất 6 giờ 30, ăn xong đi cũng không sao. Này nhé, độ 9 giờ tan, đi ăn kem rồi về, còn sớm chán. Phương vui lắm, lòng như mở hội.

- Anh Bảo hết làm phách nữa nhé. Phương đâu thèm đi với anh!

- Ở đó mà không thèm. Chứ không phải là “cô” muốn đi với “tôi” nhưng vì mắc cỡ vì đã thề là không thèm sao? Lêu lêu! Anh hùng rơm!

- Còn lâu ạ. Sướng ghê! Chị Hạnh bao đi xi nê. Anh Bảo xìu như bánh xe xẹp lốp.

Nhưng anh Bảo không “xìu” chút nào cả, anh vẫn tỉnh bơ:

- Lạ chưa? Việc gì mà xìu. Anh em người ta đi với nhau càng thích, Cò nhỉ? Các cô con gái chỉ điệu! Mất công chờ.

Thằng Cò lại về phe anh Bảo để chế cái tội điệu của Phương, bao giờ cũng thế cả. Thật ra, Phương cũng đâu có điệu gì lắm, chỉ sơ sơ một tí thôi, cho nó dễ thương, có hại gì đâu nào. Nhưng lần này Phương không thèm cãi lại làm gì. Phương còn nhờ anh nhiều việc nữa cơ: Tìm hộ tiểu sử Khái Hưng thật chi tiết cho bài thuyết trình “Nửa chừng Xuân” tuần tới này, thay hộ mấy cái dây đàn đứt hôm qua này, kẻ hộ mấy chữ trên tấm bản đồ của đội thật fantaisie này…

*

- Xong chưa? Đi nào, Có.

Cò ngước mắt nhìn anh:

- Ủa không chờ chị Hạnh, chị Phương sao?

Anh Bảo lắc đầu quầy quậy:

- Thôi! Đi lẹ lên, chờ mấy tiểu thơ ấy trễ đấy, người ta còn làm dáng nữa cơ mà.

Hai anh em dắt nhau ra khỏi cổng.

- Phương ơi! Chải tóc đi em, nhanh lên kẻo trễ, 6 giờ rồi đấy. Còn Ái, lại đây chị chải đầu rồi vào thay áo đẹp nào.

Phương thắt hai “cái bính” buộc giải nơ hồng rồi nhìn vào gương, xoay hết đằng trước lại đến đằng sau.

- Chị Hạnh nhìn thử Phương thắt bính có được không? Sao nó có vẻ quê quê thế nào ấy. Quê không chị?

Chị Hạnh nhoài mình về phía Phương, nhìn chăm chú rồi nói:

- Kể ra thì cũng tạm được.

Phương le lưỡi thật dài:

- Eo ôi! Nói chữ “kể ra” Phương đã hoảng cả hồn, chị còn thêm hai chữ “tạm được” nữa!!!

Phương loay hoay với mái tóc mất đến hơn 15 phút. Cuối cùng chị Hạnh bảo:

- Ừ buộc cao lên vậy được đấy.

Phương nhoẻn miệng cười, chui nhanh vào buồng thay áo. Phương mở tủ, ngẩn người ngắm hàng loạt áo đủ kiểu đủ màu rồi lấy ra ướm thử.

- Chị Hạnh ôi! Phương mặc áo gì?

Chị Hạnh có vẻ gắt:

- Mặc áo gì thì mặc! Hỏi dấm dớ chưa!

Ái đã chỉnh tề trong chiếc váy đầm màu trắng tươi. Cô bé chạy đến bên Phương.

- Chị Phương mặc áo này đi! Ái thích chị mặc robe xanh cơ.

Phương lấy cái robe xanh may hồi hè ra và bẹo má Ái:

- Này, không được đòi về đấy, nghe “cô”.

Thêm một lần soi gương, thêm một lần xin ý kiến chị Hạnh:

- Chị Hạnh à, buộc tóc cao mà mặc robe xem “nửa nạc nửa mỡ” thế nào ấy. Có quê không chị? Sao Phương thấy nó quê quê!

- Quê thì thay áo khác chứ có khó gì.

Và điệp khúc “Sao Phương thấy nó quê quê” cứ tái diễn mãi theo mỗi lần thử áo. Hai chị em lo mặc cho hợp tình hợp cảnh, quên mất: “thì giờ như thể tên bay”. Khổ thật! Mọi ngày Ái nó vẫn thuộc và đọc làu làu, sao hôm nay không chịu nhắc hộ một tí.

Lúc chị Hạnh xem đồng hồ tay, mới hay đã 7 giờ rồi. Chị kêu lên:

- Chết! Muộn quá rồi!

Phương cũng vừa kịp nghe đồng hồ lớn trên phòng khách điểm 7 tiếng rõ mồn một. Me ở dưới bếp bước vào phòng Phương.

- Ơ hay! Chị em bay chưa đi à? Thôi trễ mất rồi còn đâu. Thằng Bảo, thằng Cò đi rồi chứ?

Hai chị em ngẩn người ra, nhìn đồng hồ rồi lại nhìn nhau. Ái nắm tay chị Hạnh lay mạnh:

- Kia, đi thôi chứ. Anh Bảo, anh Cò đi từ hồi nào!

Chị Hạnh ngồi phịch xuống ghế, thở dài:

- Thôi, khỏi đi. Không xem cũng chả chết ai. Còn có xuất này, không đi là hết. Xuất 9 giờ 30 về khuya lắm, ai dám đi. Phương thay áo ra, cả Ái nữa, mai mình đi ăn kem Khả Khánh.

Đôi mắt hạt nhãn của Ái tròn thêm:

- Ơ! Không đi hả chị?

Thấy chị Hạnh gật đầu, miệng con bé méo xệch, nước mắt chẩy tràn hai má. Lúc anh em Bảo, Cò về, Ái mếu máo chạy ra kể lể:

- Tại chị Phương cứ soi gương rồi bào “quê, quê!” mãi nên trễ, Ái không được đi xi nê hu… hu… ghét chị Phương ghê anh Bảo ơi!

Cò nhảy cẫng lên, vỗ tay reo:

- Nhào! Ai bảo điệu cho lắm vào! Trời ơi! Phim này hay kinh khủng, ác liệt! Hồi hộp, bất ngờ và độc đáo! Bỏ qua rất uổng, bà con cô bác ơi!

Anh Bảo điềm tĩnh hơn, từ từ tiến đến tủ gương, soi mình và nói thật điệu:

- Ối giời ơi! Sao mà Phương quê thế này!...

Phương nguýt dài, mắt rưng rưng muốn khóc. Cò vẫn vỗ tay theo một nhịp đều và cười khanh khách…


PHƯƠNG VY   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 65, ra ngày 15-3-1967)