Quang Trung đại phá quân Thanh - Tranh : Nguyễn Thế Vĩnh |
Trong quá trình lịch sử dân tộc,
Nguyễn Huệ là một trong những vị anh hùng cứu nước vĩ đại nhất của giống nòi.
Ông là một thiên tài quân sự lẫn chánh trị. Trong suốt đời cầm quân, ông chưa
bao giờ thất trận: bốn lần vào Nam đuổi họ Nguyễn chạy tơi bời không còn manh
giáp, đánh tan quân xâm lược Xiêm do Nguyễn ánh cõng về, hai lần ra Bắc, dứt
được họ Trịnh, và tiêu diệt quân Thanh do Lê Chiêu Thống cõng về. Nguyễn Huệ là
niềm hãnh diện của dân tộc nên cứ mỗi lần Tết đến là mọi người đều nhắc nhở lại
chiến công Đống Đa bất diệt mà vị anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ đã thực hiện
được và thành công vào dịp Tết oai hùng năm nào… Bất cứ một người Việt Nam nào,
một người học trò Việt Nam nào cũng đều biết trận Đống Đa của dân tộc Việt Nam
anh dũng, một trận chiến thắng nổi tiếng nhất của Quang Trung Nguyễn Huệ đã đưa
vị anh hùng dân tộc lên ngang hàng với Napoléon, một thiên tài quân sự Pháp
được cả thế giới thán phục.
Đặc biệt năm nay là năm Kỷ Dậu (1969)
mà chiến công của Quang Trung Nguyễn Huệ lại thực hiện cũng vào năm Kỷ Dậu
(1789), nên tôi thấy cần phải nhắc lại chiến công đó trong mục Tuổi Hoa lai rai
này để gọi là thắp nén hương trước bàn thờ Tổ Quốc nhớ lại công ơn của các vị
anh hùng dân tộc đã cứu nước thoát khỏi gông cùm của ngoại bang, đã làm hãnh
diện con cháu Việt Nam đời đời vì có những bậc cha mẹ anh hùng.
Sử ghi:
Vì muốn bảo vệ ngai vàng vinh thân phì
gia, Lê Chiêu Thống đã chạy sang Tàu cầu cứu nhà Mãn Thanh. Lợi dụng sự cầu cứu
này, vua nhà Thanh bèn sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân qua nước Việt để đặt lại
nền đô hộ.
Trước thế mạnh như vũ bão của quân
Thanh, vì thế cô sức yếu, tướng Ngô văn Sở theo mưu kế của Ngô Thời Nhậm đã
phải bỏ thành Thăng Long rút lui để bảo toàn lực lượng hầu có thể kháng chiến
sau này. Ngô văn Sở cho quân cố thủ ở đèo Tam Điệp rồi cấp báo về Phú Xuân cho
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ hay. Quân Thanh chiếm Thăng Long, còn cho đóng quân ở
Ngọc Hồi, Hà Hồi và Phú Xuyên.
Nhận được tin, Bắc Bình Vương Nguyễn
Huệ bèn lên ngôi Hoàng Đế (nhằm ngày 24-11, Mậu Thân, 1788), đích thân chỉ huy
đại binh ngày đêm ra Bắc. Đến Nghệ An, Vua Quang Trung cho quân nghỉ 10 ngày để
tuyển thêm binh được độ 10 vạn. Đến ngày 20 tháng chạp Mậu Thân, Vua Quang
Trung ra lệnh tiến về Thăng Long, kéo đến đèo Tam Điệp. Quang Trung cho lệnh
tướng sĩ ăn Tết trước để đêm giao thừa Kỷ Dậu sẽ xuất quân đánh đuổi quân
Thanh.
Nửa đêm mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu
91789), quân ta vây kín đồn giặc ở Hà Hồi, Quân giặc hết hồn xin quy hàng. Mờ
sáng mùng 5 Tết, quân ta tiến đến Ngọc Hồi. Quân ta xung phong giết giặc. Xác
giặc ngổn ngang. Vua Quang Trung cỡi voi chỉ huy, áo ngự bào của Vua bị thuốc
súng làm đen như mực. Một lô tướng tài của nhà Thanh tử trận không kịp trối.
Sầm Nghi Đống phải thắt cổ ở Đống Đa. Tên tướng tổng chỉ huy xâm lược là Tôn Sĩ
Nghị phải chạy trối chết, cỡi ngựa không yên, bỏ cả ấn tín và bằng sắc mới
thoát được về Tàu.
Trưa ngày mùng 5, Quang Trung vào được
thành Thăng Long, cho quân rượt theo tàn quân Thanh đến tận ải Nam Quan. Thế là
ngày hôm đó, dân tộc Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Quang Trung Nguyễn Huệ
lại thêm một phen hãnh diện với chiến công oai hùng và lịch sử dân tộc lại được
ghi thêm một thành tích dũng cảm của một dân tộc bất khuất nhất thế giới, anh
hùng nhất thế giới, một dân tộc được cả thế giới khâm phục.
Chiến công Đống Đa năm Kỷ dậu (1789)
của Quang Trung Nguyễn Huệ đã làm người học trò Việt Nam hãnh diện mình là
người Việt Nam, cũng như quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam đã làm cả thế giới
khâm phục dân tộc Việt Nam.
Điều đáng để ý khi học sử Việt là dù
có thắng quân thù xâm lược, dân tộc Việt Nam bao giờ cũng vẫn phải trổ tài
ngoại giao cầu hòa. Chính Vua Quang Trung trước ngày ra quân mở đầu chiến dịch
Đống Đa đánh đuổi quân Thanh cũng phải nói với các tướng dưới quyền như thế
này:
- Chúng nó sang phen này là mua cái
chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân, đánh giữ đã có mưu rồi, đuổi
quân Tàu chỉ mất độ 10 ngày. Nhưng vì
nước nó lớn, nước ta nhỏ, thua tất nó lo báo thù, như thế chinh chiến dằng dai,
dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, nhờ Ngô Thời Nhậm viết
khéo cầu hòa, sau 10 năm nước ta cường thịnh, ta sẽ không còn sợ nó nữa”.
Điều này đã được ông A Pazzi nhận xét rất xác đáng trong tác
phẩm: “Người Việt Cao Quý”:
“Nếu ta thấy rằng dân Việt đã từng
chiến đấu thế nào ở trong lịch sử, thì sẽ thấm thía nhiều hơn nữa về cái đức
tính hiếu hòa của họ. Đó là dân tộc anh hùng mà không có anh hùng ca, bởi vì
người Việt không xem mọi sự chém giết là một vinh quang. Cho đến khi đã chiến
thắng oai hùng, họ cũng hiền lành như vậy. Nhưng vua chúa họ ngày xưa khi đã
quật ngã kẻ thù xâm lược vẫn chịu nhún nhường triều cống để mua thái bình cho
đất nước mình, dù phải trả bằng giá đắt của lòng tự ái cá nhân hay là bảo vật ở
trong kho tàng. Dù có mất công tìm kiếm bao nhiêu đi nữa ở trong văn chương của
họ, bác học cũng như bình dân, ta vẫn không thấy một tác phẩm nào đề cao lửa
máu chiến chinh. Mà bất cứ đâu cũng bày ra cảnh sản xuất êm đềm, những lời tình
tự trong sáng, nỗi niềm thương yêu, hy vọng chứa chan”, (N.V.C.Q trg 77, bản
dịch Hồng Cúc).
Và, ông A.Pazzi nhận xét thêm:
“Cho nên khi người Việt Nam giết Sầm
Nghi Đống rồi lại lập miếu để thờ họ Sầm không phải là trọng vọng tên giặc
cướp, mà chính là hoài niệm một kẻ có bản lĩnh bị họ trừ khử vì sự tự vệ chính
đáng. Trả lại cho kẻ thiệt thòi một chút an ủi tinh thần, đó là một thứ nghi lễ
của một dân tộc có nền văn minh độc đáo” (N.V.C.Q. trang 45)
HOÀNG
ĐĂNG CẤP
(Tuổi Hoa lai rai)
(Tuổi Hoa lai rai)