Trời hôm nay thật lạnh, cái lạnh của một chiều cuối mùa đông… Mặt trời đã lặn từ bao giờ nhưng còn để sót lại một vài tia nắng yếu ớt trên ngọn cây gió đưa phe phẩy. Tôi ngồi ở bàn học nhìn qua cửa sổ, mấy chậu hoa để trước sân vội vàng hé nụ dầu đông chưa đi và xuân cũng chưa về… Tôi đưa mắt nhìn lên tấm lịch treo trên tường, nay nó chỉ còn một tấm bìa… theo thời gian nó đã thành vô dụng. Tôi lặng yên đứng lên ghế với tay mở tấm bìa lịch xuống. Rồi tôi lại mỉm cười trong ý nghĩ vu vơ : đời người cũng theo thời gian vơi dần như tấm lịch. Tôi lại cười khi nghĩ rằng có lẽ mình sẽ thành một triết gia. Tiếng máy xe nổ ở đầu ngõ báo cho tôi biết ba tôi đi dạy đã về.Ba tôi là giáo sư Việt-văn ở một trường trung học thành phố. Ông vẫn thường nói với tôi : “Có lẽ sau này con cũng đi bán cháo phổi như ba…” Tôi tự nhiên thấy thích nghề dạy học, lý do không phải tôi muốn mô phỏng theo cuộc sống hiện tại của người cha thân yêu, nhưng có một cái gì vô hình đóng khung lấy ý muốn của tôi. Tôi ghét cay ghét đắng những ông luật sư, bác sĩ. Tôi nghĩ rằng bác sĩ chữa bịnh tài tử bóp cổ người khác lấy tiền ; luật sư đi cãi mướn vì tiền, phi chính nghĩa… Ngay đến những nhân vật chính trị nổi danh tôi cũng thấy ác cảm với họ. Tôi cho rằng làm chính trị là lừa gạt, là giết người…
Tôi xô cửa chạy ra hiên khi
nghe tiếng ba tôi gọi:
- Vũ ơi, dắt xe vô nhà cho
ba.
Tôi đến dắt xe đi vào nhà.
Ba tôi nhìn tôi vừa cười vừa hỏi:
- Trường con bao giờ nghỉ
Tết?
Tôi không ngờ thời gian trôi
quá nhanh như thế. Sắp đến Tết rồi sao? Một năm nữa đã đi lùi vào quá khứ? Làm
sao tôi lấy lại được ; tôi sợ những ngọc ngà của tuổi trẻ vô tư chắp cánh bay
xa, để rồi tôi sẽ không còn là tôi trong quá khứ và hiện tại. Tôi muốn ghì kéo
thời gian để nó ngừng đứng lại. Nhưng thời gian vẫn đi, đi thật nhanh, tôi bất
lực… Tôi suy nghĩ mê man quên hết những gì hiện diện xung quanh. Ba tôi nhắc
lại câu hỏi : “Sao, hồi mô con nghỉ tết?” Tôi giật mình, như người vừa mới ngủ
dậy ú ớ trả lời:
- Thưa ba tuần sau, thứ năm
tuần sau.
Ba tôi lại nhìn tôi mỉm cười.
Tôi cảm thấy lúng túng dưới ánh mắt của ba. Bằng một giọng thật ngọt thật êm ba
hỏi:
- Sương, Tuyết đi học về
chưa hả con?
- Thưa ba, hai chị đi học về
lâu rồi, đang giúp má làm cơm dưới bếp.
Tôi chợt nhớ đến anh Phong,
đứa con trai đầu của ba má tôi. Hiện giờ anh đang học văn khoa năm thứ hai trên
Đà Lạt. Bên tai tôi còn nghe văng vẳng giọng cười tiếng nói của anh Phong.
Không biết tết này ảnh có về hay không. Nhiều lần ảnh viết thư cho tôi, ảnh nói
rằng “Đà Lạt sương mù là thiên đàng của những người có tâm hồn thi sĩ.” Tôi
chưa được diễm phúc đặt chân đến thiên đàng của ông anh yêu quí, tôi không biết
Đà Lạt có đẹp hay không. Nhưng một điều tôi chắc chắn cảnh Đà Lạt buồn mơ như
những bài thơ anh tôi viết trên những trang giấy xanh hồng… Tôi tự hỏi sao mọi
người trong gia đình đều có máu văn chương. Ba tôi là giáo sư Việt Văn. Anh
Phong theo văn khoa mặc dầu tú tài một và hai lại đi ban toán. Thật là kỳ. Chị
Sương, chị Tuyết cũng đi ban C. Tôi, lẽ tất nhiên muốn trở thành một giáo sư
Việt Văn như ba. Còn má tôi thì sao? Lạ thay, xưa kia má cũng đi ban C nốt.
Những lúc vui miệng ba tôi
vẫn thường kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa. Ba bắt đầu bằng hai tiếng
“Ngày xưa” rồi cười nhìn má tôi. Má tôi cũng mỉm cười yên lặng. Ba tôi đưa
chúng tôi trở về quá khứ, vùng xa mờ chưa có sự hiện diện của chúng tôi, và lúc
đó ba má tôi theo học đệ nhất. Học cùng trường lại học cùng lớp, cùng bàn. Ba
tôi thầm yêu cô bạn gái cùng lớp dễ thương, tên là Thanh Thủy. Thanh Thủy là
tên má tôi. Ba tôi yêu má tôi, nhưng còn ngập ngừng chưa dám tỏ, chỉ liếc mắt
nhìn trộm. Rồi thời gian trôi, tình yêu lớn dần trong tim ba tôi. Má tôi như vô
tình làm cho ba tôi một thời “ra ngẩn vào ngơ”. Đầu xuân năm ấy, buổi học cuối
cùng, ba tôi đánh bạo trao cho má tôi một mảnh giấy nhỏ ghi mấy dòng như sau:
- Ngày 1 tháng 1 năm 1
Cho vơi sầu khi nàng xuân ngự trị
Tôi lang thang bước trên thảm cỏ dưới giàn hoa
Làm kiếp lãng nhân tôi say trong tơ nắng nhạt nhòa
Quen đơn lạnh xuân về tim chưa ấm.
Mới đầu mẹ tôi lấy làm ngạc
nhiên không hiểu lời thơ cha tôi gởi muốn nói gì. Nhưng cách đề ngày kỳ quái
của cha tôi làm cho mẹ tôi chú ý, và đã tìm ra bí ẩn của bài thơ. Chữ thứ nhất
trong bài thơ ghép thành bốn chữ : “Cho tôi làm quen”. Tim mẹ tôi bắt đầu đổi
nhịp. Hai người yêu nhau…
Mẹ tôi cũng biết làm thơ.
Hai người cho nhau những bài thơ chơi chữ thật hay, thật bí ẩn.
Tôi đứng mơ mộng bên khung
cửa. Óc tưởng tượng đang vẽ lên hình ảnh Bạch Sơn – Thanh Thủy, ba má tôi, thời
xa xưa. Chưa bao giờ tôi thấy quí báu và nuối tiếc quá khứ bằng lúc nầy. Tôi hy
vọng nơi tương lai một cái gì tốt đẹp hơn hôm qua, hôm nay, nhưng tôi sợ tương
lai vì trong tương lai tôi sẽ và phải vĩnh biệt hiện tại. Tôi thấy mình thật vô
lý. Nhưng tôi lại nghĩ mình cũng có lý. Tôi điên. Tôi sợ thời gian cuốn đi
những gì đẹp nhất của tuổi trẻ. Tôi sợ… tôi sợ… Thật ra tôi không biết mình sợ
cái gì. Có lẽ tôi sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ già như ba tôi. Thật bông
lông, tôi không hiểu được chính tôi.
Ba tôi đến đứng phía sau tự
lúc nào. Ba đặt hai tay trên vai tôi và hỏi:
- Con đang nghĩ gì vậy?
- Thưa ba, không…
- Sao không?
Tôi đánh trống lảng:
- Tết nầy anh Phong có về
không ba?
- Đến 27 nó mới về con ạ!
- Sao ảnh về trễ thế ba?
- Tại vì nó yêu Đà Lạt, hơn
nữa đại học nghỉ trễ.
Tôi đã hiểu được ý ba tôi
muốn nói gì về anh Phong qua ba chữ “yêu Đà-Lạt”. Biết đâu anh Phong lại chẳng
có… Tôi mỉm cười tự khen mình phán đoán đúng.
Tôi không chờ xuân đến mà
nàng cứ đến. Tôi thấy tiêng tiếc cái lạnh của con gió mùa đông. Tôi yêu giọt
mưa những chiều đông tí tách trên mái nhà. Tôi ngược đời quá. Có lẽ mùa đông
thích hợp với tính hay buồn vô cớ của tôi và gây nguồn thi hứng trong tim tôi:
- Chiều đông lạnh mưa rơi tí tách
Nghe lòng mình len nhẹ nỗi cô đơn.
Ba tôi đã tập cho tôi làm
thơ từ năm đệ lục. Tôi bắt đầu say mê vẻ đẹp của trăng của gió của mây và biết
mơ mộng biết buồn từ đó. Tôi nghĩ rằng thơ đến ngự trị hồn tôi quá sớm.
Ngoài tôi ra, mọi người náo
nức mừng nàng xuân trở về sau ba mùa hè nắng thu buồn đông lạnh. Anh Phong đã
đáp máy bay từ Đà Lạt về nhà hôm 25 thay vì 27 như ba tôi nói. Anh cười nói
luôn. Nhưng tôi thấy anh không được vui như mấy lần trước. Tôi hiểu lý do tại
sao có chuyện đó và nhủ thầm:
- Có ngày rồi mình cũng như
vậy…
Buổi chiều cuối năm xuống
thật nhanh. Má tôi gọi tôi vào ăn cơm. Ngồi vào bàn, tôi cảm thấy vui lây cái
vui của những người xung quanh. Nhiều lần tôi phải bật cười trước những câu nói
khôi hài của anh Phong. Chị Sương chọc anh Phong:
- Tốt nghiệp văn khoa, anh
Phong phải gánh văn chương lên trời bán.
Anh Phong đáp lại:
- Cho tôi xin, tôi hỏi cô đi
ban C để làm gì?
Tôi đưa mắt nhìn quanh nhà.
Thật khác hẳn, thế mà bây giờ tôi mới nhận ra. Anh Phong, hai chị và má tôi lo
dọn dẹp đón tết, đón xuân còn tôi coi như không có gì đặc biệt! Tôi nhận ra sự
vô lý của mình. Ngày tết phải là ngày trọng đại nhất của dân tộc. Phải chăng
tôi muốn dứt bỏ truyền thống của cha ông? Không, không… và tôi thấy hương xuân
thoang thoảng đâu đây. Tôi muốn hét to lên khi niềm vui căng đầy buồng phổi con
tim. Tôi mỉm cười khi nghĩ rằng có lẽ mình đã điên giờ mới được bình phục… Tôi
thấy căn phòng ấm lại. Mọi vật tôi nhìn đều đẹp. “Xuân” đã đi vào tim tôi, dầu
cách đây không đầy nửa tiếng đồng hồ tôi gạt bỏ “xuân” ra ngoài. Tôi biết rõ
nguyên nhân vì đâu tôi không được vui trọn vẹn trong những ngày cuối năm. Phải
chăng tôi nhớ ánh mắt nụ cười của một người? Thế tôi giống anh Phong mất rồi.
Nhưng thật may, nay tôi đã tìm ra được một niềm vui trong bầu không khí đón
Xuân tràn ngập hương hoa… Nàng xuân đã đột nhập vào tim tôi. Ánh mắt nụ cười
của ai đó dần phai mờ để cho tôi vui hưởng khung cảnh gia đình đầm ấm hiện tại.
Tôi bỏ đũa xuống, rót nước uống. Thức ăn thật ngon thật nhiều món nhưng tôi đã
no niềm vui. Chị Sương cầm ly nước lên uống cạn rồi nhìn tôi, chị nói:
- Thằng Vũ, sao mày ăn quá
ít?
Tôi vừa cười vừa trả lời
bằng một câu hỏi tương tự:
- Chị Sương, răng chị uống
hơi nhiều?
Anh Phong vỗ tay và hét lên:
- Hoan hô nữ sĩ Huyền Sương
và nhà đại thi hào Tuấn Vũ.
Mọi người đều ngạc nhiên
không biết anh Phong muốn gì. Anh Phong cắt nghĩa:
- Thưa ba má, con xin đề
nghị ba má thưởng cho Sương và Vũ. Con không ngờ chúng nó “xuất khẩu thành thi”
mà lại đối nhau “chan chát”. Đây ba má nghe con ngâm hai câu thơ của hai nhà
đại thi hào (Anh cất giọng ngâm thật buồn cười):
- Thằng Vũ, sao mày ăn quá ít
Chị Sương, răng chị uống hơi nhiều.
Mọi người à lên một tiếng.
Tôi và chị Sương bây giờ mới biết mình đã “xuất khẩu thành thi”.
Tôi mỉm cười khi chị Tuyết
chọc chúng tôi (chị Sương và tôi):
- Là thi sĩ nghĩa là tru với
chó.
Chị Sương đỏ cả mặt. Anh
Phong cười ha hả. Má tôi lên tiếng:
- Bây giờ tôi ra câu đối, bố
con ông đối được tôi sẽ chịu giữ nhà cả ba ngày Tết, để bố con ông đi chơi. Bèn
không tôi sẽ niêm kho các thức ăn và để bố con ông nhịn đói nhé.
- Được, bà ra câu đối đi –
Ba tôi trả lời.
- Vũ Phong che kín dòng Thanh Thủy. Đối đi.
Ba tôi ngập ngừng một chút
rồi cất tiếng:
- Vũ Phong che kín dòng Thanh Thủy
Sương Tuyết phủ đầy đỉnh Bạch Sơn.
Đó bà thấy tôi đối như thế
có “chỉnh” không?
- Hay quá ba ơi – Chúng tôi
reo lên.
Hai câu đối thơ trên không
những đối nhau đúng luật về thanh cũng như về ý mà lại còn chứa đựng tên của
tất cả mọi người trong gia đình. Tôi nhẩm học thuộc lòng. Niềm vui dâng lên tận
mắt. Tôi muốn khóc. Tôi thầm cám ơn Thượng đế đã cho tôi sinh ra trong gia đình
nầy. Hạnh phúc vây bọc lấy tôi.
Màn đêm đã phủ xuống tự bao
giờ. Đêm thật đen. Như mọi năm gia đình tôi thức chờ giao thừa. theo lời đề
nghị của ba tôi, chúng tôi sẽ làm mỗi người một bài thơ khai bút. Ba tôi sẽ là
giám khảo cho điểm định thứ vị… phát phần thưởng… Đó là cách “lì xì” ba tôi vẫn
thường áp dụng. Ba cho chúng tôi những cuốn sách thật đẹp thay cho những đồng
bạc mới. Ba vẫn thường nói với má tôi : “Đừng cho tiền các con, chúng nó chưa
biết dùng đúng chỗ”.
Đồng hồ treo tường điểm 12
tiếng. Những ánh hỏa châu rực sáng phá tan đêm đen. Không một tiếng pháo. Tiếng
súng xa xa vọng vào tai làm cho tôi thêm nuối tiếc những mùa xuân khi đất nước
còn yên bình.
Chúng tôi tụ họp ở phòng
khách. Tôi đưa mắt quan sát như vào nhà lạ. Chậu hoa lan thật đẹp, cành mai vừa
hé nở… Mọi sự đều mới đều đẹp dưới mắt tôi. Tiếng Radio ở nhà bên vang lên một
khúc ca mùa xuân : “Ngày xuân nâng chén, ta chúc…” Ba tôi tuyên bố cuộc thi thơ
bắt đầu…
Má tôi làm một bài song thất
lục bát. Chị Tuyết viết trên tờ giấy màu hồng một bài thơ mới bảy chữ. Chị
Sương yêu cung điệu ca dao làm mười mấy câu lục bát. Anh Phong : một bài thơ
mới tám chữ. Ba tôi, tất nhiên một bài thất ngôn bát cú đường luật. Còn tôi thì
sao? Tôi làm tổng hợp tất cả mọi loại. Chính vì cái “ngông” của tôi mà bài thơ có
nhiều nhạc điệu, tôi nói thế ; tôi không biết đúng hay sai. Ba trịnh trọng
tuyên bố : bài thơ của tôi chiếm giải nhất. Tôi nghĩ rằng đã có sự sắp đặt
trước trong óc ba tôi. Tôi không thể tin được bài thơ của tôi hay hơn của anh
Phong, của chị Sương, chị Tuyết.
Với giọng thật êm thật trầm
ba tôi nói:
- Vũ khá nhất. Phong, Tuyết,
Sương đồng hạng. Ba có lời khen tất cả các con. Chúc các con sang năm mới tiến
hơn. Thơ khá lắm.
Chị Tuyết ngắt lời ba:
- Còn thơ của má và ba thì
sao, hả ba?
- À bây giờ để anh em chúng
mày chấm. Đây đọc đi…
Anh Phong nhận tờ giấy từ
tay ba rồi cất giọng ngâm:
Xuân lại đến hoa cười hé nụ
Niềm vui còn say ngủ trong tim
Bao năm trở gót im lìm
Thời gian chấp nối cánh chim về rừng
Tuổi ngọc ngà xa tầm tay với
Níu thời gian xin đợi cùng đi
Mùa xuân xưa cũ còn ghi
Sống bằng kỷ niệm nhớ gì đêm nay…
Hay thật hay.
Má tôi mỉm cười yên lặng
nhìn ba tôi. Má tôi không nói một lời nào từ nãy đến giờ ; có lẽ niềm vui đang
ngập lụt trong tim má hay má đang trở về quá khứ… Qua ánh mắt long lanh, qua nụ
cười yên lặng, tôi đoán má tôi đang sống lại thời vàng ngọc xa xưa bằng kỷ niệm
bằng ký ức bằng tưởng tượng.
Đây là thơ của ba – Anh
Phong cắt ngang ý nghĩ của tôi.
Hương hoa ngào ngạt mến thương nhiều
Điệu nhạc vang xa nhạt nắng chiều
Vương nhẹ giải mây hồn ngất lịm
Cỏ hoa thêu dệt lụa thương yêu
Sương gieo thoảng gió cây cành lá
Nhẹ cất chân son bước diễm kiều
Đường nẻo rộn vang reo nhịp bước
Sương đầy cây lá gió hiu hiu.
Ba tôi cắt nghĩa:
- Bài thơ trên ba không chú
ý đến ý nghĩa mấy. Chúng con thử đọc ngược từ dưới lên trên đi.
Anh Phong reo lên:
- A tuyệt quá, được một bài
thơ nữa:
“Hiu hiu gió lá cây đầy sương
Bước nhịp reo vang rộn nẻo đường
Kiều diễm bước son chân cất nhẹ
Lá cành cây gió thoảng gieo sương
Yêu thương lụa dệt thêu hoa cỏ
Lịm ngất hồn mây giải nhẹ vương
Chiều nắng nhạt xa vang nhạc điệu
Nhiều thương mến ngạt ngào hoa hương”.
Giọng cười hòa lẫn điệu nhạc
mừng xuân vang lên trong căn phòng ấm cúng. Hạnh phúc ngang tầm tay với. Tôi
muốn dìu thời gian bước thật chậm, để phút giây êm đềm này dừng chân đứng lại,
để cho lòng tôi ngập lụt mến thương trong cảnh êm ấm gia đình.
THIỆN MỸ GIANG