Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 6_MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI



6


Đồi thông xanh, cỏ nhung êm, tia nắng vàng nhảy múa lung linh, tia nắng vàng soi sáng hồn em. Em ngã vào vòng tay chị Vân, những ngón thon mềm vuốt nhẹ má em:

- Sơn của chị thật đúng hẹn.

Sáng hôm nay chị Vân mặc áo dài xanh như màu trời biêng biếc trên cao, như niềm hy vọng nhú lên từ những đồi thông tươi mát. Em hỏi chị:

- Chị không đem giá vẽ theo à ?

Chị Vân nắm tay em:

- Chị đến đón em về nhà chị chơi mà.

Em sửa lại mái tóc cho chị:

- Thích quá, rứa thì mình đi đi.

Chị Vân ngồi xuống thảm cỏ:

- Mình ngồi đây chơi một tí đã Sơn.

- Dạ.

- Trưa nay ở lại ăn cơm cùng chị nhé.

- Dạ.

- Em đã xin phép ba me chưa ?

- Ba me em đi Nha Trang. Em có dặn với bà vú ở nhà rồi chị.

- Trời hôm nay đẹp quá Sơn nhi?

- Chị Vân ơi, chị hát cho em nghe đi.

- Chị hát dở lắm.

- Mặc kệ, em thích nghe chị hát, chị chiều em nghe chị Vân.

- Ừ, chị sẽ chiều em.

- Hát đi chị.

- Em thích bài gì ?

- Bài chi cũng được, chị hát đi.

- Chị hát bài “Cỏ Hồng” nhé… “Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép bước đi ôm cỏ mềm”...

Tiếng hát chị Vân vút cao cho thời gian ngừng lắng. Em theo chị Vân về nhà khi mặt trời sắp lên tới đỉnh đầu. Ngôi nhà chị Vân nhỏ bé, nằm chơ vơ trên sườn đồi. Những cánh cửa sơn màu hồng và chiếc hàng rào gỗ bao quanh đồng màu làm nổi bật giàn Tigôn trắng yểu điệu giăng ngang. Em tìm thấy trong vuông vườn nhỏ trước nhà chị Vân lại hoa em say mê, đó là loại hoa có 8 cánh mỏng manh như cánh chuồn chuồn, màu phớt hồng như môi nàng trinh nữ, đính trên cành dài lá thưa trông có vẻ nửa lả lơi nửa dịu dàng dễ thương. Em chơi vơi bên giàn hoa, chị Vân đặt tay lên vai em:

- Em thích hoa này ?

- Dạ. Hoa chi rứa chị ?

- Hoa Cosmos đó em, người ta còn gọi là hoa Tố Nữ hoặc hoa chuồn chuồn.

- Hoa đẹp quá chị ơi, em thích hoa ni dễ sợ, ở Huế em, làm chi có.

Chị Vân dẫn em đến cửa, những tấm màn màu hồng, em cười:

- Đến nhà chị, em đoán ra một điều là chị rất thích màu hồng. Cửa hồng, màn hồng, hàng rào hồng và… cả khóm hoa Cosmos cũng hồng luôn.

Chị Vân chu môi nhìn em:

- Em quên một điều là giàn hoa Tigôn ngoài kia màu trắng…

Em nhanh nhẩu:

- Đó là hoa tím mà, Tigôn hồng tượng trưng cho tim vỡ nên chị trồng hoa trắng là đúng rồi.

Chị Vân xô nhẹ cánh cửa:

- Sơn của chị nguy biện hay lắm.

Người đàn bà đón chúng em bên bàn ăn là bà Yvonne Ngọc. Chị Vân cười với bà:

- Má, Sơn đây má, Sơn mà con thường nhắc đến với má đó.

Bà Yvonne Ngọc cười hiền hậu:

- Sơn đó à, cô bé xinh quá nhỉ?

Em vòng tay lễ phép:

- Dạ chào bác.

- Ừ, ngồi đây con, đói bụng chưa Vân ? Đói bụng chưa Sơn, thức ăn má hâm sẵn rồi, giờ chỉ việc múc ra.

Chị Vân lăng xăng:

- Sơn ngồi xuống đó đi em, chị sẽ dành cho em một ngạc nhiên bất ngờ.

Em nhìn theo dáng chị Vân khuất ra nhà sau, vui vui. Bà Yvonne Ngọc kéo ghế ngồi xuống cạnh em:

- Cháu năm nay học ở đâu ? Lớp mấy ?

- Dạ cháu học đệ Ngũ ở Bùi Thị Xuân.

Em vừa đáp vừa quan sát má nuôi của chị Vân. Đó là một người đàn bà đẹp, dù thời gian qua có làm tàn phai xuân sắc nhưng những nét thanh tú chưa mất hẳn trên gương mặt trái soan, đôi mắt sâu thẳm với hàng mi cong và chiếc mũi thật thẳng. Bà Yvonne Ngọc có một chiếc mũi rất đẹp, em thầm nghĩ, chắc các cô gái đến thẫm mỹ viện sửa mũi thì cũng chỉ đẹp đến thế là cùng. Người đàn bà đó đang bị mọi người ghét bỏ, người đàn bà đó đã có một thời nếp sống buông thả, nhưng trong dĩ vãng cơ, mà dĩ vãng dù vui hay buồn, tốt hay xấu thì cùng đã lùi dần vào kỷ niệm. Bây giờ trước mắt em, bà Yvonne Ngọc là một người mẹ tốt, đảm đang. Nghe chị Vân nói hiện nay, bà có một cửa hàng bán quần áo ở khu Hòa Bình, bà đã già từ cuộc đời vũ nữ kể từ ngày chị Vân có trí khôn.

Thế mà dư luận Đà Lạt vẫn không buông tha, vẫn lẽo đẽo như một bóng ma gieo tai họa, làm khổ mẹ con chị vân suốt mười mấy năm trời nay.

Chị Vân đem ra một ổ bánh lớn, em tròn mắt:

- Trời ơi, chị làm bánh chi mà to dữ rứa, làm răng em ăn hết đây.

- Bánh sinh nhật mà.

- Sinh nhật của chị hả ?

- Không, của em gái chị.

Em ngạc nhiên:

- Em gái chị ? Em gái chị mô ?

- Đây nè.

Chị Vân đặt ổ bánh xuống bàn, em reo lên:

- Ồ !

Trên mặt ổ bánh, hàng chữ kem màu xanh nổi bật: “Sinh nhật Xuân Sơn, 7-12”. Em cắn môi, em bối rối, nhìn lên tấm lịch treo trên tường, số 7 mầu đỏ của ngày chủ nhật ghi đậm nét son vào tim em. Em xúc động quá, em òa lên khóc.

Chị Vân nhìn vào mắt em:

- Kìa Sơn, sao vậy ?

Em ôm chầm lấy chị Vân:

- Chị thương em quá chị Vân ơi, em không biết nói răng đây để tỏ hết lòng biết ơn của em đối với chị.

Chị Vân giả vờ xịu mặt xuống:

- Chị em mà Sơn còn nói đến chuyện ân nghĩa nữa sao, chị giận cho coi.

Em hoảng hốt, em víu lấy tay chị:

- Đừng giận em chị Vân. Em xin lỗi chị, từ rày trở đi em không nói bậy rứa nữa mô. Em sung sướng quá chị Vân, chị đã đem lại cho em một niềm vui thật bất ngờ.

Bà Yvonne Ngọc đứng lên:

- Để má ra dọn thức ăn.

Em tựa đầu vào vai chị Vân, hỏi nhỏ:

- Răng mà chị biết được ngày sinh của em rứa ?

Chị Vân để ngón tay trỏ lên môi:

- Bí mật quân sự mà. Đố Sơn đấy.

Em nhíu mày suy nghĩ. A, em nhớ ra rồi, chị Vân đã thấy được ngày sinh của em trên tấm thẻ học sinh em đưa cho chị lãnh tiền ở Bưu Điện hôm sáng thứ hai vừa qua. Em bảo:

- Nếu em nói đúng chị thưởng chi ?

- Một cái hôn nhé ?

- Ít lắm.

- Hai cái hôn nhé.

Em lắc đầu:

- Chị hứa là chị phải thương em hoài hoài em mới chịu.

Chị Vân hôn nhẹ lên trán em:

- Cái đó thì đã hẳn rồi, em khỏi phải nhắc.

Em sung sướng:

- Rứa thì để em nói cho chị nghe, xem có đúng không hí. Chị nhìn thấy ngày sinh của em trên tấm thẻ học sinh phải không ?

Chị Vân lại hôn em:

- Thông minh nhất Sơn rồi.

Bà Yvonne Ngọc bưng ra một tô lớn bằng sứ nghi ngút khói, bà tươi cười bảo em:

- Sơn ăn xúp măng cua trước nhé, bổ lắm đó cháu. Vân, lấy vào chén cho em đi nào.

Em như bềnh bồng trên một giòng sông xanh, giòng sông hạnh phúc chan hoà tràn lan. Em lạc vào tòa lâu đài của bà tiên rừng đào thật rồi, có chim ca, có suối mát và có hai gương mặt thiên thần dịu dàng đang săn sóc lo lắng cho em. Em thương chị Vân, em thương bà Yvonne Ngọc, mặc cho dư luận chỉ trích, mặc cho Nguyệt Hồng không thích chị Vân, em nhất định làm em của chị Vân dù mọi người trong thành phố này có ghét lây đến em đi nữa, em cũng đành.

Em ăn hết chén xúp, luôn miệng khen ngon. Bà Yvonne Ngọc âu yếm:

- Cháu thích món này không ? Khi nào muốn ăn cứ nói với bác, bác nấu cho ăn nhé.

Chị Vân cứ giục em:

- Sơn ăn gì chậm vậy, nhanh lên chứ để còn đến món khác. Sắp đến giờ cắt bánh rồi đó.

Em ngây thơ:

- Cắt bánh cũng coi giờ sao chị ?

Chị Vân cười:

- Chứ sao, phải đúng giờ hoàng đạo mới tốt, Sơn của chị mới gặp mọi điều may chứ.

Bà Yvonne Ngọc mắng yêu con gái:

- Lớn rồi mà còn đánh lừa con nít.

Rồi bà nói với em:

- Đừng tin chị Vân, cháu Sơn, chị ấy nói đùa cho vui đấy. Cứ thủng thỉnh mà ăn, giờ nào cắt bánh lại chả được.

Em véo mạnh vào tay chị Vân, chị la:

- Ui cha, bàn tay cô bé này nhỏ tí xíu mà véo đau dữ.

Chị Vân mở hộc bàn lấy ra một cây đèn sáp lớn và năm cây nhỏ. Chị bảo em:

- Cây lớn trượng trưng cho mười năm, còn mỗi cây nhỏ là một năm. Chứ còn cắm một lúc mười lăm cây trông không đẹp.

Em tò mò:

- Vậy sinh nhật năm ni của chị, chị cắm mấy cây hở chị Vân ?

Chị Vân bật hộp quẹt:

- Chị ấy à ? Chị phải cắm hai cây lớn.

- Chị đúng hai mươi tuổi ?

- Ừ, chị ra đời đúng hai mươi năm bốn tháng, sinh nhật chị vào hồi tháng tám lận.

Bà Yvonne và chị Vân đứng ở hai đầu bàn, chị Vân bảo:

- Thổi nến đi Sơn.

Em đứng dậy, em lại xúc cảm, khóe mắt em rưng rưng. Ánh lửa trên 6 ngọn nến lung linh, em chu môi thổi từng cây. Tiếng vỗ tay dòn tan của chị Vân và má chị quyện lẫn vào nhau rào rạt, sao em nghe gần gũi quá, sao em nghe ấm cúng quá đi thôi. Em nhắm hờ đôi mắt, tưởng chừng mình đang sống trong mơ, giấc mơ đẹp tuyệt vời giấc mơ tràn đầy hoa bướm. Chị Vân âu yếm cài lên khuy áo em một đóa hoa Cosmos, lời chị rung rung:

- Chị ước ao những chuỗi ngày hồn nhiên của Sơn sẽ tươi mãi như đóa hoa này.

Em cầm bàn tay nuột nà của chị Vân:

- Em cám ơn chị, cháu cám ơn bác. Cháu… cháu có thể nói, ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời cháu.

Bà Yvonne Ngọc đưa con dao bạc cho em:

- Cháu sẽ được hạnh phúc mãi như vậy. Cắt bánh đi cháu.

Chị Vân lấy khăn thấm nước mắt cho em:

- Nín đi Sơn, ăn bánh đi. Bánh của chị làm đó, ăn xem có ngon không ?

Em đưa tay chùi mắt:

- Chị tài quá, chị giỏi quá. Khi mô chị dạy em làm bánh với nghe.

- Ừ, chị sẽ dạy em nếu em muốn.

Lòng ham muốn tập làm bánh lại dậy lên trong lòng em:

- Chị biết làm bánh “su-crème” không chị ?

- Biết chứ, em thích à ?

- Dạ, em thích mà em không biết làm nơi, chị dạy em nghe ?

- Ừ.

Em phụ giúp chị Vân dọn dẹp chén bát ra nhà sau.

- Để em rửa chén cho.

- Thôi em để đấy, vào đây chị cho em cái này.

Em theo chị Vân đi vào phòng ngủ. Chiếc giường trải drap màu hồng và chiếc đèn đêm hồng đặt trên table de nuit. Em lại trêu:

- Chị Vân răng mà ưa màu hồng rứa không biết, đáng lẽ chị phải tên là Hồng Vân mới đúng.

Chị Vân cười, đôi má lúm đồng tiền như hai nụ hoa:

- Nằm ngủ với chị một lát rồi về.

Em từ chối:

- Thôi chị cho em về sớm, cũng gần 3 giờ chiều rồi. Sợ bà vú ở nhà em lắm.

- Bà đó là gì mà em sợ dữ vậy ?

Em phân trần:

- Không phải em sợ, nhưng ba me em đã giao nhà và chúng em cho vú, em phải nghe lời vú chớ.

- Sơn ngoan lắm.

Khi em từ giã ra về, chị Vân trao cho em một tấm giấy cuộn tròn được bao kín bằng một lớp giấy hoa thắt nơ đỏ. Em nhìn chị:

- Chi rứa chị ?

- Quà sinh nhật cho em đấy.

Em đỡ lấy:

- Cho cho em chi mà nhiều quá rứa ?

- Không có chi đâu em, đừng sợ chị tốn tiền, về nhà em sẽ biết.

- Em cám ơn chị.

Em sang chào bà Yvonne Ngọc rồi theo chị Vân ra cổng:

- Thôi để em về một mình cũng được, chị khỏi mất công đưa.

Chị Vân ôm vai em:

- Để chị đưa em ra đến giòng suối.

Ánh nắng đã khuất sau những đám mây đen. Gió chiều lạnh lùng khua mấy hàng thông chạm nhau lao xao.

- Em lạnh không Sơn ?

- Dạ không chị. Ước chi em cứ được đi bên cạnh chị mãi, chắc là em sẽ không bao giờ biết lạnh.

- Sơn, em thương chị đến như vậy sao ?

- Dạ, em cũng không biết tại răng em lại thương chị nữa.

- Chị cũng vậy, chị thương em. Vì em ngoan ? Vì em hiền ? Chị không rõ. Tình thương là một cái gì thiêng liêng không giải thích được.

Trước mắt em giòng suối cũ đã chắn ngang đường. Em buông tay chị Vân:

- Thôi em về nghe chị Vân. Tuần sau em lại đến nhà chị. Bữa ni em đến một mình được rồi, khỏi phải dắt.

Chị Vân buộc lại tấm khăn quàng:

- Chị sẽ ra đón em tại đây. Phải dắt em đi chứ, cho dù em đã biết nhà.

Em cúi xuống xắn ống quần để lội qua giòng suối:

- Dạ, có chị đón chắc trời sẽ bớt lạnh hơn.

- Sơn ơi, em định bao giờ tập làm bánh su crème ? Tuần tới nhé, nói đi để chị chuẩn bị vật liệu.

Em ngập ngừng:

- Khi mô chị rảnh đã.

- Sáng chủ nhật nào chị cũng dành trọn cho em cả mà.

- Chị không vẽ à ?

- Chị định nghỉ vài tuần đó em.

Em đã qua đến phía bên này giòng suối, em nhắn chị Vân:

- Rứa thì tuần tới chị tập cho em làm bánh su crème nghe.

- Ừ

- Thôi em về. Chị về đi.

- Sơn về trước đi, chị đứng chờ cho dáng Sơn khuất sau sườn đồi bên kia.

Em về tới nhà ngồi ngay trên ghế fauteuil trong phòng khách từ tốn mở gói quà chị Vân trao hồi nãy. Qua lớp giấy hoa, một bức tranh được cuộn tròn cẩn thận, em run run tháo sợi giây hồng buộc quanh. Em choáng váng, bức tranh được chị Vân hoàn thành bên giòng suối mờ sương đang trải rộng trước mắt em, bức tranh đúc kết bằng tất cả rung động chân thành của chị Vân khi nhìn đám mây chập chùng giăng ngang đỉnh núi mỗi buổi sáng chủ nhật chị thả hồn cho mơ mộng bay xa. Bức tranh linh động tuyệt đẹp này, đáng lẽ chị Vân phải cất giữ bên mình như một báu vật, như một kỷ niệm êm đềm không mờ xóa. Sao chị lại cho em một kỷ vật quý giá như vậy, phải chăng chị đã thương em hơn cả bản thân chị, phải không chị Vân ? Em xin hứa với chị, em sẽ làm đứa em gái ngoan của chị suốt đời.

Bức tranh mang tên “Mây Trên Đỉnh Núi” của chị Vân được em lồng kính treo trong phòng học. Bức tranh xinh đẹp đó đã gây cho em bao niềm phấn khởi mỗi khi nhìn vào. Có một lần em chứng minh bài toán không ra, em nhìn bức tranh lẩm bẩm: “Mi dốt lắm Sơn ơi, mi ngu lắm Sơn ơi, bài toán rứa mà làm không ra. Gắng suy nghĩ một tí đi, đừng nản lòng, đừng thối chí, mi không xứng đáng là em của chị Vân chút nào”. Thế là đầu óc của em trở nên sáng suốt, em xé bỏ tờ nháp rồi vẽ hình lại, suy nghĩ cẩn thận, và cuối cùng em đã chứng minh xong.

Ba me đi Nha Trang về, thấy bức tranh trong phòng, ba hỏi:

- Bức tranh con lấy ở mô rứa ?

Em khoe:

- Của chị Vân cho con đó ba.

Ba nhíu mày:

- Chị Vân mô ?

Em kể cho ba nghe:

- Chị Vân con mới quen đó bạ Chị ở trong một ngôi nhà hồng bên thung lũng kia.

Ba lại hỏi:

- Con quen chị ấy trong trường hợp nào ?

- Dạ cách đây mấy tuần, con đang dạo chơi trên đồi thông sau nhà thì gặp chị Vân đang vẽ bên giòng suối.

Em chỉ bức tranh:

- Khi con mới gặp chị Vân thì chị đang vẽ bức tranh ni đó ba. Thiệt chị Vân vẽ đúng y phong cảnh ở đó, khi mô rảnh ba ra ngắm cho xem.

Me xen vào:

- Ôi hơi đâu mà đi ngắm cảnh tào lao rứa, ba con công việc bù đầu bù cổ, rảnh được giờ phút mô thì nằm nghỉ cho khỏe chứ thì giờ mô mà dạo chơi đây đó.

Ba cười:

- Mình nói rứa chớ làm việc thì làm việc, mà ngắm cảnh thì cũng là một sự nghỉ ngơi cho trí óc chứ.

Rồi ba quay sang em:

- Ờ, con nói đúng đó. Để khi mô rảnh, ba sẽ cùng con lên đồi thông.

- Thiệt hả ba ?

- Thiệt chớ.

Nhưng ba nói thì nói chứ ba me chả bao giờ được rảnh. Ba me về nhà vài ba bữa rồi lại đi ngay, lần này ba me về Saigon, và trước khi đi me bảo:

- Lần ni ba me đi có hơi lâu. Vú Thoan thì lẩm cẩm quá, ba me có nhờ Dì Nghĩa sang trông chừng nhà dùm và săn sóc hai con luôn.

Em cúi đầu vâng dạ chứ trong lòng em, em chả thích dì Nghĩa chút nào. Dì Nghĩa là em họ xa của mẹ, dì góa chồng và ở Đà Lạt từ bảy, tám năm nay rồi. Dì không con, ở chung với gia đình người em ruột là cậu Xuyến, và theo như lời cậu Xuyến nói thì dì Nghĩa là một người đàn bà khó khăn, tối ngày cứ kiếm chuyện gây gổ với mợ Xuyến hoài. Cậu thường nói với me:

- Chị nghĩ coi, ba me em mất rồi, gia đình chỉ còn hai chị em, không lẽ em đành bỏ chị ấy sao.

Me an ủi cậu, me bảo thôi gắng mà lo cho chị, có chồng cũng như không, cô đơn tội nghiệp.

Buổi sáng ra đi, me dặn em và bé Tuấn:

- Ở nhà ráng vâng lời dì Nghĩa nghe các con. Đừng làm cho dì ấy buồn, tội nghiệp dì a. Ba me về sẽ mua quà cho các con.

Bé Tuấn nhảy nhót thích thú khi nghe me nhắc đến quà, nó líu lo:

- Me, me nhớ nhắc ba mua cho con chiếc xe tăng bắn ra lửa nghe me.

Em buồn tủi cúi nhìn những ngón chân mình di động trên đá hoa. Me hôn lên trán em, ba hôn lên trán em, rồi chiếc xe mầu xanh lại khởi đầu cuộc hành trình, xa dần lớp sương mờ vùng núi đồi Đà Lạt thâm u.

Khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, dì Nghĩa xách gói quần áo đi vào cổng cất giọng oang oang:

- Anh chị Thọ mô rồi ? Anh chị Thọ mô rồi ?

Em vén tấm màn cửa nhìn ra:

- Ba me cháu đi Saigon rồi.

Dì Nghĩa quăng cái nón xuống nền nhà, đến ngồi chễm chệ lên salon:

- Ủa, răng mà đi sớm rứa không biết ?

Em nhìn dì:

- Dì tới ở đây với tụi cháu hả ?

Dì Nghĩa cố nhướng to đôi mắt ti hí:

- Con ni ăn nói lạ lùng, bộ ba me mi không nói chi cho mi biết hết cả à ?

Em làm mặt tỉnh queo:

- Dạ không.

Dì Nghĩa đập tay đánh đét vào đùi:

- Trời ơi, là cái anh chị Thọ ni thiệt hết nước nói, chỉ có chừng đó chuyện thôi mà cũng quên nói với con.

Rồi dì ngoắc em:

- Tới đây dì nói cho nghe, cả thằng nhỏ sau nữa, thằng chi hè… à, thằng Tuấn. Còn cháu nữa, tên là Sơn phải không ? Con gái mà tên giống đúc con trai. Lại đây lại đây, dì nói cho nghe.

Bé Tuấn đang ngồi gặm bánh mì trong góc nhà, nhăn mặt nhìn em. Em cũng chán nản cùng cực, thiệt dì Nghĩa là người đàn bà nói nhiều quá. Chắc là em phải điên lên mất khi từ đây cho đến ngày ba me trở về, em và bé Tuấn phải sống bên cạnh hai người đàn bà kỳ dị, vú Thoan suốt ngày lầm lì như cái bóng, còn dì Nghĩa thì không bao giờ cho phép cái miệng mình nghỉ ngơi.

Dì Nghĩa lại lên giọng:

- Ừ, con Sơn hỏi đúng đó. Dì qua đây ở với hai cháu thể theo lời yêu cầu của ba me cháu, vì kỳ này, ba me đi công việc có hơi lâu. Hai cháu cứ vững tâm, dì sẽ săn sóc và lo lắng cho hai cháu đàng hoàng tử tế.

Nhưng rồi em thấy, săn sóc đó là những lời chót lưỡi đầu môi, lo lắng đó là sự dòm ngó kiểm soát gắt gao giờ giấc đi về của em. Em có tỏ vẻ phản đối thì dì Nghĩa lại la lên:

- Ba me dặn dì phải coi chừng cháu, cháu nghe rõ chưa ?

Em tức quá, cãi lại:

- Coi chừng không có nghĩa là dì phải giữ cháu kỹ càng rứa. Cháu mô có phải là tù nhân.

Vậy là dì Nghĩa kể một loạt:

- Tù à, ai coi mi là tù đó. Tù mà đi chơi cả ngày, chủ nhật, thứ bảy tới bữa cơm mới thấy cái mặt.

Em cứng rắn:

- Cháu vẫn thường đi chơi như rứa. Suốt một tuần lễ cặm cụi học hành, thì phải cho cháu những giây phút giải trí chớ.

Dì Nghĩa đuối lý, nhưng dì vẫn không im lời:

- Con gái mà đi chơi hoài là con gái hư.

Em nổi nóng:

- Hư hay không mặc kệ tui. Dì đừng có ăn hiếp, tui không sợ dì mô.

Thế là dì hăm, dì dọa:

- Để anh chị Thọ về đây, tao mét hết, tao mét mi cứ bỏ nhà đi chơi hoài, đi cho no rồi về hỗn với tao.

Hai tuần rồi vẫn chưa thấy ba me trở về. Em và dì Nghĩa cứ cắng đắng nhau hoài. Càng ngày dì Nghĩa càng lộ ra bộ mặt gian xảo, em để ý hình như dì muốn lấy bất cứ cái gì có thể lấy được trong nhà này. Bé Tuấn thưòng bảo em:

- Chị Sơn ơi, em thấy dì Nghĩa sớt nửa chai Vani me làm bánh vào trong chai riêng của dì a.

- Chị Sơn ơi, em thấy dì Nghĩa lấy hết mấy gói bột giặt bỏ vào xách của dì đó.

Em định nói với dì nhưng rồi lại thôi, những sự ăn cắp lặt vặt đó nói ra nhỏ mọn, em định mai mốt me về sẽ nói cho me nghe. Vậy thôi. Chứ xá gì một ít vani, vài gói bột giặt mà làm sứt mẻ tình chị em giữa me và dì Nghĩa đi. Nhưng một hôm em đi học về, vú Thoan đến mách em:

- Sơn, cô Hoa đi Mỹ về có ghé cho me con mấy cái chai chi a, mà vú thấy dì Nghĩa lấy bớt một chai đó, chai đẹp lắm.

Em chạy vào nhà, thấy hai chai kem nuôi da “Lait de lanoline” để trên bàn ăn và một tấm giấy chỉ dẫn bên dưới. Dì Nghĩa từ phòng bên đi ra:

- Có ai gửi đồ chi cho me cháu đó.

Em không trả lời, em giở tờ giấy ra đọc:

“Chị Thọ mến,

Em vừa về tới Đà Lạt chiều qua. Sáng nay ghé thăm chị nhưng không gặp. Em xin gửi chị 3 chai kem này, gọi là chút quà mọn biếu chị. Mong chị vui lòng nhận. Thế nào em cũng ghé sang thăm chị khi chị đi Saigon về.

Thân chào chị,   
Huỳnh Hoa”
   

Cô Hoa là em bác Lộc, bạn rất thân của me. Cô là công chức cao cấp của Nha Địa Dư Đà Lạt. Cô vừa đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ cách đây 8 tháng. Hồi còn ở Huế, mẹ có nhận được thư cô cho biết chuyến đi vừa rồi và thời gian ở Hoa Kỳ, cô cũng thường viết thư cho me nữa.

Cô hay ra Huế trong những công tác và ở lại nhà em, nên chúng em đều xem cô như người trong gia đình. Em đọc lại lá thư một lần nữa rồi hỏi dì Nghĩa:

- Trong giấy, cô Hoa nói có ghi rõ là ba chai, răng chừ chỉ còn có hai chai thôi hở dì ?

Dì Nghĩa tránh cặp mắt em:

- Ai biết mô.

Em giận quá, chuyện này không thể bỏ qua được, nếu làm lơ cho dì chuyến này thì từ đây cho đến ngày ba me về sẽ mất thêm nhiều vật quý giá nữa. Dì Nghĩa xem thường em quá, dù em còn nhỏ nhưng em vẫn nhận thức được những phải trái chứ, bằng chứng đã sờ sờ ra vậy mà dì còn hòng lấy vải thưa che mắt thánh, em không thể để yên cho dì Nghĩa lộng quyền như vậy được. Em bảo:

- Dì không biết răng được, dì phải biết chứ. Chẳng lẽ chai kem mọc cánh mà bay được à.

Dì Nghĩa lúng túng:

- Mi đừng có nói điêu. Mi nghi tao lấy chai kem của me mi hả ? Xí, ai thèm.

Em nhún vai:

- Không nghi chi hết a. Mà chắc chắn gì lấy đó, có người thấy.

Dì Nghĩa chồm mình lên như bị điện giật:

- Ai thấy ? Ai thấy ?

- Vú Thoan.

Tiếng dì Nghĩa rít lên như bà chằn:

- Mi kêu vú Thoan ra đây

Rồi không chờ em gọi, dì Nghĩa nhảy ba bước tới bực cửa bếp lôi tay vú Thoan lên nhà trên:

- Vú lên đây mà trả lời, vú thấy tôi lấy chai kem hồi mô ? Chỗ mô ? Giờ mô ?

Vú Thoan ngơ ngác:

- Dì, thả tay tui ra, dì làm chi mà dữ rứa ?

Em đến bên vú Thoan, để tay lên vai vú, trấn an:

- Vú đừng sợ, vú cứ nói sự thật đi, vú thấy dì Nghĩa lấy chai kem phải không ?

Vú Thoan lắp bắp:

- Ừ, tao thấy dì lấy cái chai chi trắng trắng đẹp lắm.

Rồi nhìn lên bàn ăn, vú reo:

- Ừ, đúng rồi, dì lấy cái chai giống như ri.

Thế là dì Nghĩa khóc bù lu bù loa:

- Trời ơi ngó xuống mà coi, hai vú con bây toa rập nhau đổ hô cho tao là ăn cắp, bộ cái mặt tao như ri mà đi ăn cắp hả ?

Vú Thoan bỏ đi ra sân, em vào buồng nằm ngao ngán. Em mong sao chóng đến ngày ba me về để dì Nghĩa khăn gói ra khỏi cái nhà này cho xong, thà ba me để em và bé Tuấn ở một mình với vú Thoan còn dễ thở hơn. Vú Thoan tuy hơi khật khùng nhưng là người đôn hậu thật thà, chứ không gian manh như dì Nghĩa, vừa ăn cướp vừa la làng, thật em cũng phải sợ dì luôn.

Em vẫn sang thăm chị Vân đều đều mỗi buổi sáng chủ nhật. Sau tác phẩm “Mây Trên Đỉnh Núi” chị không ra thung lũng để vẽ nữa, chị ở nhà may vá thêu thùa và tập cho em làm bánh, chị thường bảo em:

- Từ ngày nhận Sơn làm em gái, chị thấy vui thật vui vậy đó. Chứ dạo trước, chủ nhật nào chị cũng một mình thui thủi, chả biết nói chuyện với ai.

Sáng nay, chị Vân lấy kim chỉ ra tập cho em thêu hình nổi. em lật cuốn mẫu thêu ra chọn hình. Em lựa hình hai con chim đang bay:

- Em thích thêu hình này, chị Vân.

Chị Vân cười, vuốt tóc em:

- Hai chị em mình đó, Sơn ơi.

Đang thêu nửa chừng thì chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng, em đứng lên từ giã:

- Em về.

- Ở lại ăn cơm đi Sơn.

- Thôi tuần trước ăn cơm ở nhà chị rồi, bữa nay phải về kẻo ở nhà trông.

- Em đem vải về thêu tiếp nhé.

- Dạ.

Em cuốn tất cả vải vóc cùng kim chỉ vào cái hộp tròn. Chị Vân đưa em ra ngõ. Em trở về nhà trong không gian mát lạnh, mặt trời khuất sau đám mây và gió lùa nhẹ tà áo bay bay, em hát khẽ: “Ôi, Đà Lạt thơ, bài thơ mến yêu gieo muôn đời, dệt bằng tiếng gió ngàn gieo qua đồi thông hay bên bờ suối. Ôi Đà Lạt là mơ, giấc mơ tiên nữ xuống trần, tóc mây buông lơ tha thước bên hồ, đợi tình quân đến…”

Em đã ra đến giòng suối trong veo lặng lờ trôi xuôi qua bờ cỏ, em mường tượng đến chị Vân đang xõa tóc bên hồ như nàng tiên trong bài hát “Bài thơ hoa đào” ấy, và em đăm chiêu, mơ mộng… Em không để ý đến bước chân ai ren rén đến sau lưng mình, em cứ ngỡ là tiếng lá rơi. Nhưng không phải, một tiếng thở mạnh làm em giật mình quay lại:

- Dì Nghĩa.

Dì Nghĩa nhe hàm răng khập khễnh:

- Tưởng mi tới nhà con Nguyệt Hồng, chừ tao mới biết, thiệt là không uổng công theo mi từ sáng đến giờ.

Em nhíu mày:

- Đi theo dõi rình mò như rứa là một hành động xấu.

Dì Nghĩa vênh mặt:

- Xấu cũng được. Mi đừng tưởng mi qua mặt được tao, mi còn nhỏ mà ranh lắm, mi đừng tưởng là tao bỏ qua chuyện chai kem vừa rồi, tao nhất định phải trả thù mi.

Em bĩu môi:

- Dì hèn lắm.

- Hèn cũng được. Nì, tao bắt được tay day được cánh rồi đó nghe.

Em xẵng giọng:

- Dì bắt được cái chi ?

Dì Nghĩa lại cười đắc thắng:

- Bắt được mi tới nhà mụ Yvonne Ngọc. Nì, mi liệu hồn đó, tao mét ba me mi liền.

Em chột dạ:

- Mét cái chi ?

- Mét mi giao du thân mật với con gái mụ Yvonne Ngọc, mụ nớ ngày xưa làm nghề chi mi có biết không ?

Em nghe tức tức:

- Tôi không biết chi hết a. Bà má chị Vân hiện nay đang trông coi một cửa hàng và chị Vân là người con gái tốt.

Dì Nghĩa bĩu môi:

- Tốt, tốt. Tao hỏi mi, tốt mà răng cả thành phố ni không ai thèm chơi với má con mụ Yvonne ?

Em không nói chuyện với dì Nghĩa nữa, em bỏ đi. Dì Nghĩa chạy theo:

- Nì, con ni khinh người quá ta, tao hỏi răng mi không trả lời ?

Em khoác tay:

- Chẳng có chi để trả lời hết. Ai không chơi với chị Vân mặc kệ, một mình tôi chơi cũng đủ rồi.


- Tao cấm mi.

- Dì không có quyền.

- Tao là dì của mi mà.

- Dì không xứng đáng là dì của tôi. Dì chi mà hay thù vặt, hay….

- Thôi mi im đi, thiệt mi hỗn hơn gấu, để ba me mi về đây tao sẽ nói chuyện.

Em liều:

- Đố dì nói đó.

- Khỏi cần đố con ơi.

Ngày ba me về dì Nghĩa mách thật. Trong bữa cơm tối, cái miệng dì nói tía lia:

- Anh chị coi đó, con Sơn mà dám tới nhà má con mụ Yvonne Ngọc.

Hình như ba me đã nghe dì Nghĩa kể lể tự sự hồi chiều, cùng những đường thêu dệt dĩ vãng của bà Yvonne, mà theo em đoán, với lời lẽ phóng đại của dì Nghĩa, chắc ngày xưa bà Yvonne phải là một nhân vật xấu xa ghê gớm lắm. Cho nên ba cứ nhìn em lắc đầu:

- Quá lắm rồi Sơn ơi.

Em nuốt cơm không nổi:

- Thưa ba me, chị Vân là người tốt.

Dì Nghĩa lại xen vào:

- Mẹ nào con nấy, cái thứ con hoang nớ mà.

Em nóng mặt:

- Dì không được nói chị Vân rứa.

Ba đập bàn:

- Sơn con không được hỗn.

Dì Nghĩa được thể, lên nước:

- Đó anh chị thấy chưa, ở nhà nó trả lời với tôi hàng một hàng hai rứa đó.

Em chảy nước mắt, lặng yên không nói một lời nào. Em thù dì Nghĩa, em ghét dì Nghĩa kinh khủng, dì đã tiểu nhân với em thì em không còn lý do gì để che dấu hành động xấu của dì nữa. Ngoài vụ dì ăn cắp chai kem dưỡng da, em sẽ mách thêm với me những sự cầm nhầm lặt vặt của dì trong thời gian dì đến ở nhà này nữa. Nhưng me gạt đi:

- Thôi bỏ qua đi con. Đồ đạc mà dì Nghĩa lỡ lấy rồi thì cũng chả đáng là bao, nói ra nó hết tình đi, rồi cậu Xuyến thêm buồn lây. Hơn nữa, mai mốt dì ấy về rồi.

Em cụt hứng, em bóp những ngón tay kêu rắc rắc:

- Con không ưa dì Nghĩa chút mô hết.

Me vuốt tóc em:

- Phải con ghét dì Nghĩa vì chuyện dì ấy đã cấm con đến nhà bà Yvonne Ngọc phải không ?

Em cúi đầu, me dịu dàng:

- Vừa mới lên Đà Lạt, me đã nghe phong thanh những dư luận không tốt về bà Yvonne Ngọc nhưng me cũng không để tâm mấy. Chừ đây, nghe tin con giao du với mẹ con bà ấy, me cũng thấy ngại ngại đó con.

Em chống chế:

- Dư luận thường hay a dua lắm me, một đồn mười, mười đồn trăm. Chứ theo con, con thấy bà Yvonne Ngọc phúc hậu lắm, còn chị Vân nữa, me chưa thấy đó, chị Vân là một người con gái dịu hiền.

- Dì Nghĩa đã nói...

Em như muốn khóc:

- Me đừng nghe lời dì Nghĩa, tâm địa của dì ấy thật xấu xa.

Me nghiêm nghị:

- Nhưng đó là sự thật, bà Yvonne Ngọc ngày xưa là một vũ nữ, bà đã phá hoại hạnh phúc biết bao nhiêu gia đình. Giờ người ta khinh bỉ bà ta cũng phải.

Em ràn rụa nước mắt. Em không thể cãi lời me được. Cái dư luận đó mạnh mẽ hơn những lời bênh vực của em, cái dư luận đó đã thành cây đa cổ thụ, rễ lớn rễ nhỏ ăn sâu vào tim, bám sâu vào óc những con người hẹp hòi thành kiến trong thành phố Đà Lạt nhỏ bé này. Nhưng ba me ngăn cấm em giao thiệp với chị Vân là một điều không tưởng, bởi chị Vân là làn sương, chị Vân là gió mát, chị Vân đã đem đến cho em biết bao tình thương mến đậm đà. Em hết thấy cô đơn, em hết thấy lạc loài giữa gian nhà thênh thang khi ba me em vắng mặt, em đã có chị Vân, cánh hoa hồn nhiên trong em đã tìm thấy được giọt sương mai dịu dàng vuốt ve. Em nghe mát rượt cuộc đời, em nghe ấm nồng ý sống, không lẽ ba me đành lòng xóa tan niềm vui trong em sao.

Dì Nghĩa vẫn chưa chịu về, dì tìm cách nấn ná lại ít ngày, chắc dì muốn chọc tức em chứ gì. Hồi chiều đi học về em nghe dì bảo:

- Tao ở đây hết tuần ni, để xem chủ nhật mi có dám tới nhà mụ Yvonne Ngọc nữa hết.

Em nói liều:

- Tới thì tới chứ sợ ai.

- Ừ, thử coi mi sợ ai, tao thì mi coi chẳng có kí lô nào, được lắm. Nhưng còn anh chị Thọ, bộ mi không sợ ba me mi chắc.

Em không thèm trả lời nhưng trong lòng vẫn thấy lo lọ Dì Nghĩ như con kỳ đà cản mũi làm sao em đến nhà chị Vân được. Còn me đã nói như vậy có nghĩa là me không muốn cho em đến nhà chị Vân nữa, không lẽ em đành lòng làm me buồn sao. Thiệt em bối rối quá, em không biết tính cách nào cho toàn vẹn cả đôi đường. Chủ nhật này chắc em đành thất hẹn với chị Vân mất, vì vừa rồi em nghe ba nói:

- Sáng chủ nhật này ba me sẽ dẫn Sơn và Tuấn đi picnic.

Em đề nghị:

- Thôi, mình đi chiều thứ bảy vui hơn ba.

Ba ngạc nhiên:

- Ai lại đi picnic vào buổi chiều bao giờ, hay là Sơn bận chuyện chi phải không ?

Dì Nghĩa lại được dịp xen vào:

- Sáng chủ nhật mô nó lại chẳng đến nhà me con mụ Yvonne nớ.

Me đang sửa lại tấm màn cửa quay lại:

- Dì đừng nghi cho cháu, tôi đã cấm cháu sang đó chơi rồi.

Me lại nói thêm một câu:

- Phải không con, Sơn. Bữa ni con đừng giao thiệp với nhà đó nữa nghe.

Em lặng thinh thở dài. Gió đã cuốn lên xô nhẹ đám mây xa lìa đỉnh núi, dì Nghĩa là cơn gió quái ác, là mụ phù thủy ác độc cố tình chia rẽ chị em em. Em bỗng thấy ghét dì Nghĩa kinh khủng.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 7