Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 3_NHƯ NẮNG XUÂN PHAI


3


Sáng nay đi học buồn ơi là buồn. Bàn tôi vắng đến hai đứa, Bích Hà và Thúy Hậu. Điều tôi hết sức ngạc nhiên là bữa nay có hai giờ thầy Trung, lẽ nào Thúy Hậu lại ngang nhiên nghỉ không kèn không trống như vậy được. Chắc hồi hôm cô nàng thức khuya học bài nên chừ dậy muộn, bài của thầy Trung mà, Thúy Hậu tụng còn hơn nhà sư thuộc kinh nữa, Thúy Hậu phải chăm học để thầy Trung chú ý mà. Tôi chợt mỉm cười một mình, dậy trễ sáng nay chắc Thúy Hậu quýnh lắm, thì giờ đâu mà tô phấn hồng, mà đánh rối làn tóc cho những lọn tóc mềm bồng bồng xõa xuống bờ vai. Đánh rối đầu tóc là một mode mới, dùng chiếc lược răng so le xới đầu tóc tung lên như ổ chuột rồi lại dùng một chiếc bàn chải khác vuốt suông lớp trên. Phần rối bên dưới sẽ làm cho tóc mình có vẻ nhiều hơn, bồng bềnh hơn, và gương mặt do đó trở nên xinh tươi hơn. Trước đây, có nhiều lần tôi đánh rối tóc để đi học, đi dạo phố....nhưng sau thấy mất thì giờ quá nên tôi bỏ. Tôi nghĩ, buổi sáng để mười phút nằm nướng trên giường thích hơn là phải dậy sớm o bế đầu tóc, mà rồi cũng chẳng đi đến đâu, chả ai chú ý đến tôi và tôi cũng chưa mơ đến một hình bóng nào cả... Chợt tôi có ý định, chiều nay đến dự lễ sinh nhật Chương, thế nào tôi cũng phải để ra nhiều thì giờ chải đầu tóc thật đẹp.

- Diệu Hạnh.

Tôi giật mình nhìn lên bảng, thầy Trung đã vào từ hồi nào và đang giở sổ gọi tên tôi. Nhỏ Cầm sau lưng thúc tôi :

- Thầy gọi mày lên trả bài đó.

Tôi ngẩn người một giây rồi mở cặp lấy vở đi lên. Thầy Trung nhìn tôi chăm chú :

- Nãy giờ vào lớp đã lâu mà sao tôi thấy chị mải suy nghĩ đâu đâu như người từ cung trăng mới rớt xuống vậy.

Tôi đành cười chữa thẹn :

- Dạ em... dạ em... có nghĩ chi mô.

- Thôi trả bài đi, chị nói cho tôi nghe về địa thế...

Tôi đọc một hơi, bài hôm nay dễ thuộc, hơn nữa trưa qua tôi đã ngủ một giấc mê say, nên chiều tối, tôi khỏe khoắn thanh toán xong bài vở hôm nay và cả đến ngày mai nữa. Thầy Trung có vẻ bằng lòng, thầy gật gù cho mười sáu điểm vào sổ, thầy hỏi thật nhỏ trước khi tôi về chỗ ngồi :

- Chị Hạnh, sao hôm nay Thúy Hậu không đi học ?

Tôi ngập ngừng không biết trả lời sao, mãi vài giây sau tôi mới nói được :

- Thưa thầy... em... em cũng không biết nữa.

- Thôi được rồi, chị về chỗ.

Tôi ngồi yên lặng nhìn các bạn lần lượt lên trả bài. Trời bên ngoài nắng lên thật đẹp, giá có Thúy Hậu bên cạnh tôi nhỉ, nắng soi lên đôi má Hậu hồng, chắc là đẹp lắm. Tôi chợt nhớ đến nỗi thắc mắc của Hậu "Liệu có hy vọng chi không ?". Hy vọng lắm chứ Hậu, thầy Trung đã để ý đến mi rồi đó, bằng chứng là thầy vừa hỏi thăm mi đó kìa, mặc dù bàn của mình có đến hai đứa nghỉ lận, và Bích Hà cũng xinh đẹp nào kém mi đâu. Nhất định phải báo "tin mừng" này cho Thúy Hậu biết, nhất định phải bắt Thúy Hậu khao một chầu bò bía mới chịu. Kể ra Thúy Hậu nghỉ như vậy cũng hay, có thế tôi mới có dịp biết được nỗi lòng thầy Trung chứ, có thế tôi mới sắp được làm sứ giả tình yêu đem tin Xuân đến cho lòng Thúy Hậu rộn rã nở hoa chứ. Vui ghê, tự nhiên tôi thấy hồn mình chơi vơi kỳ lạ, đến nỗi nhỏ Hồng Hà bên cạnh phải nhắc :

- Lấy vở chép bài kìa Diệu Hạnh, con Thúy Hậu nghỉ rồi mày ốm tương tư à.

Tôi lại giật mình, không hiểu sao sáng nay tôi giật mình nhiều lần vậy, chắc phải rụng tim ra ngoài mất, chắc phải lấy dây treo quả tim lên không thì chết. Tôi vốn mắc bệnh yếu tim từ hồi nhỏ, ban đêm một chiếc lá rơi nhẹ cũng đủ làm cho tôi giật thót người và đau nhói ở tim. Bác sĩ thăm bệnh cho tôi thường bảo : "Cô nên tránh những xúc động mạnh, những cảm giác căng thẳng cũng rất hại đến tim". Vậy mà lạ, tôi lại ưa xem những phim kinh dị nghẹt thở và ma quái rùng rợn như Dracula, mặc dù ba hết sức ngăn ngừa. Cuốn phim kinh dị đầu tiên làm tôi say mê là Vertigo, có diễn viên Kim Novak đóng hai vai trong một âm mưu giết người vô cùng tinh vi mà bây giờ mỗi lần nghĩ lại, tôi càng muốn đi xem thêm lần nữa...

Chuông báo giờ chơi, tôi buông viết ra khoan khoái, bài hôm nay viết không kịp thầy Trung hẹn tuần sau, cả bọn lao nhao :

- Tuần sau học bài không thầy, tuần sau học bài không thầy ?

Thầy Trung vừa bước ra cửa vừa đáp :

- Học chứ, chép được chừng nào học chừng đó.

Tôi cất vở vào hộc bàn, bước ra sân. Hôm nay vắng Thúy Hậu buồn ghê. Chợt có tiếng gọi tôi :

- Chị Hạnh, chị Hạnh.

Nhỏ Liên, cô em họ Thúy Hậu đưa cho tôi một tờ giấy :

- Chị Hậu đau, chị Hậu gửi cho chị cái thư nì.

Tôi đưa tay đón lấy :

- Hậu đau chi rứa Liên ?

- Chị Hậu bị cúm, tại chiều hôm qua mới mắc mưa.

- Rứa à ? Thôi cảm ơn Liên nghe.

Liên chần chừ :

- Chị Hạnh, chị Hậu nói chị coi xong thư trả lời liền đó.

- Rứa à. Liên chờ chị một xí nghe.

Tôi giở thư Hậu ra :

"Hạnh ơi,

Chiều qua tao lên phố gặp mưa và gặp thêm một chuyện ly kỳ, nên hồi hôm dệt rất nhiều mộng đẹp. Định sáng lên kể cho mi nghe, ai ngờ ngủ dậy trời đất quay cuồng, đầu óc nặng trĩu, đành nghỉ ở nhà với "mối hận lòng triền miên". Nè Hạnh, buồn nhất là sáng nay có giờ "dung nhan mùa hạ" của tao, nhớ ghi bài cho rõ ràng rồi mai mang theo tao mượn chép lại nhé, bài của ai chớ của "chàng” thì nhất định không thể thiếu được. Mai tao sẽ cố gắng lết tới trường.  

 

Thúy Hậu”   

Tôi gấp thư lại, bảo Liên :

- Liên chờ chị vào lớp lấy vở đem về cho chị Hậu nghe.

Hai giờ sau thầy Minh cho làm bài tập, chép đề xong, tôi còn nghĩ ngợi vẩn vơ. Không biết có chuyện gì ly kỳ mà nhỏ Hậu định kể cho mình nghe đây, tính tò mò của tôi bừng dậy mãnh liệt, tức ơi là tức, đau ốm gì mà bất tử quá vậy, thì cứ đến kể cho tôi nghe xong rồi đau có được không. Hậu ơi, Hậu ơi, tao thù mi vô hậu, tao ghét mi quá chừng, mi nỡ mô làm tao hồi hộp đến thế ni hả Hậu ? Chắc tao làm bài không ra, chắc tao suy nghĩ không nổi, tao mà ăn trứng vịt kỳ ni cũng tại mi đó, nghe không Hậu. Mộng đẹp của mi màu chi ? Chắc là màu hồng mơ? Chắc là màu hồ thủy ? Hay là màu thiên thanh như màu áo chemise thầy Trung thường mặc ? Giấc mộng đó có thầy Trung không mi ? Chắc là có, một trăm lẻ một phần trăm là có, đúng không Hậu ? Có tao không ? Chắc là không, một trăm lẻ một phần trăm là không, có tao rồi tao làm kỳ đà cản mũi thì mộng làm sao đẹp được phải không mi ? Tôi giở tờ thư Hậu ra xem một lần nữa, Hồng Hà thúc tay tôi :

- Thầy Minh nhìn mày kìa, lo làm bài đi chứ, bộ mày dư thì giờ lắm sao ?

Tôi ôm lấy ngực, tôi lại giật mình. Tim đập mạnh làm tôi mệt ngất. Định thần một lúc, tôi bình tĩnh trở lại và cuối cùng, hai bài toán đã được tôi chứng minh gần xong, chỉ bí câu chót hỏi về quỹ tích. Tiếc ghê, giá tôi đừng ngẩn ngẩn ngơ ngơ như hồi nãy, tôi đã kịp thì giờ hoàn tất bài toán một cách tốt đẹp rồi.

Tôi ôm cặp ra về bị Hồng Hà chọc :

- Sáng nay nhỏ Diệu Hạnh tương tư. Nó và nhỏ Thúy Hậu là cặp "Ương Ương" mà, vắng một đứa đứa kia làm sao chịu được.

Tụi bạn tôi nhao nhao :

- Đúng rồi, đúng rồi, đúng chúng nó là "Ương Ương trong chuồng".

Tôi vừa cười vừa đi thật nhanh :

- Thôi dẹp tụi bay lại, thôi dẹp tụi bây lại.

Tôi ra tới nhà để xe vẫn còn buồn cười, đúng là nhất quỷ nhì ma... tụi bạn tôi thường đùa nhau bằng những danh từ độc đáo lạ. Tôi còn nhớ cách đây mười ngày, cô Hà dạy Việt văn có đề cập đến hai chữ "Uyên Ương" cô bảo người ta ví hai kẻ yêu nhau tha thiết là đôi Uyên Ương, một loài chim thường hiện diện nơi đâu cũng đủ cặp, không bao giờ rời nhau một bước. Con chim trống gọi là Uyên, chim mái là Ương, và nếu một con chẳng may bị chết, thì con còn lại sẽ nhịn ăn mà chết theo... Thoạt đầu, Hồng Hà gọi tôi và Hậu là đôi Uyên Ương, nhưng sau chợt nhớ ra, Hồng Hà cười toáng lên bảo chúng bạn :

- Ý chết, tao quên hai nhỏ Hạnh và Hậu đều là chim mái cả nên phải gọi chúng là đôi "Ương Ương" mới đúng.

Từ đó, hai đứa tôi đành mang tên "Đôi Ương Ương" một cách bất đắc dĩ và mới hôm qua, nhỏ Tâm Thanh mua tập nhạc “Uyên Ương trong lồng" của đôi vợ chồng ca sĩ Lê Uyên Phương, đem đến lớp khoe với các bạn, do đó chúng tôi lại có thêm một cái tên mới nữa là "Ương Ương trong chuồng".

Đường về nắng lọc qua cành lá đổ hoa vàng lung linh xuống mặt đường. Tôi cho xe chạy chầm chậm, gió tung bay làn tóc mơn man tà áo trắng thướt tha. Trời hôm nay dễ chịu lạ, nắng không chang, không đổ lửa, mà êm đềm dịu vợi như ánh nắng mùa xưa ngày Xuân nào giao tơ vàng giữa vườn cây xanh lá, của một thời ấu thơ mật ngọt đã ngậm ngùi chia xa... Chưa bao giờ tôi ao ước trở về dĩ vãng bằng lúc này, chưa bao giờ tôi vấn vương tiếc nhớ những bóng hình đã chìm phai vào ký ức xa xăm như lúc này, kể từ ngày Chương trở về từ một quá khứ mù khơi... từ tuổi ngây thơ đầu đời chưa biết thẹn thùng mắc cỡ, quyến luyến bên nhau nửa bước không rời... Bây giờ, giữa tôi và Chương như có một cái gì ngần ngại, như có chút tơ mềm vương vấn bàn chân ngăn cản chúng tôi đuổi bắt nhau trên lối cỏ, nô đùa tự nhiên bên nhau cho tiếng cười thủy tinh rộn rã từng chiều. Tuổi dậy thì đưa nhẹ bước chân non vào đời giã từ thơ ấu, tôi hiểu rằng từ đây tôi phải dè dặt hơn, ý tứ hơn mỗi lần nói chuyện, mỗi lần sửa soạn ra đường phải tươm tất lượt là... buồn thật buồn và lo quá là lo.

Chị Sương đón tôi ngoài cổng với nụ cười dí dỏm trên môi :

- Chao ôi, tơ quá là tơ, tình quá là tình.

Tôi ngoái đầu ra sau xem có ai theo mình không, nhưng tuyệt nhiên, con đường hoàn toàn vắng lặng, bà hàng rong vừa đi ngang cất tiếng rao cao :

- Ai ăn chè đậu xanh nước đá không ?

Tôi dắt xe vào sân :

- Chị ni dị chưa, khi không đi chọc người ta.

Chị Sương đẩy xe dùm tôi lên bậc thềm :

- Khi không răng được, tao nói có sách mách có chứng chứ bộ.

- Thôi đi chị ơi, chị ăn rồi không có việc chi cứ lo chọc tui hoài, tui méc ba cho coi.

- Ừ, vô mà méc ba đi, ba đang đợi mi trong phòng khách đó.

Tôi nhíu mày, tại sao ba lại đang đợi tôi ? Có chuyện chi vậy ? Thật tôi không hiểu gì cả, định hỏi chị Sương nhưng thấy nét mặt chị nhơn nhơn lên dễ gai quá, tôi bỏ đi lên lầu. Chị Sương gọi giật:

- Ba đợi mi tề, Hạnh.

- Để tui thay áo đã.

Nghĩ mà ấm ức chị Sương, tôi nằm dài trong phòng không chịu xuống cho đến khi chị Bếp lên gọi tôi xuống ăn cơm.

Tôi thản nhiên ngồi vào bàn trước đôi mắt ngắm nghía của chị Sương :

- Con Hạnh bữa ni lớn rồi, trổ mã ra, ngó đẹp ghê ba hí.

Ba nhìn tôi cười không nói. Cho đến khi ăn hết chén cơm, ba mới chậm rãi bảo tôi :

- Hạnh, hồi nãy Chương có đến, nó xin ba cho phép con đến dự sinh nhật nó chiều nay. Ba đã bằng lòng, con nhớ sửa soạn trước đi, năm giờ nó lại đón.

À ra thế, đó là nguyên nhân chị Sương trêu ghẹo tôi từ nãy đến giờ, tôi cúi mặt nói thật nhỏ :

- Dạ, trưa qua anh Chương cũng có tới mời con, nhưng con nói tùy ba.

Chị Sương nhún vai rất đầm :

- Ôi em tôi yểu điệu thục nữ quá xá quà xa.

Rồi chị nhìn sang tôi :

- Nì mà Hạnh ơi, răng kép của mi cù lần biển rứa, tổ chức sinh nhật mà chỉ mời có mỗi mình mi, còn tao, còn ba, cu cậu chẳng thèm nhớ tới.

Tôi xới thêm chén cơm, không biết phải trả lời sao tuy trong lòng tôi cũng hơi thắc mắc, không lẽ Chương lại vô tâm đến vậy sao. Nhưng ba gạt đi :

- Con Sương nhiều chuyện, thật tình ngày xưa con Hạnh mới là bạn của thằng Chương thì chừ nó mời mỗi con Hạnh là đúng rồi. Còn ba, ba già rồi, đâu còn hạp với không khí vui nhộn của tuổi trẻ nữa.

Chị Sương đứng dậy :

- Buồn năm phút, Chương không mời làm chiều nay tao thất nghiệp, không biết có bal không, không biết có nhạc sống không. Vui hí, Hạnh chiều nay nhớ mặc áo màu vàng nghe.

- Chị ni bày đặt, áo vàng em cũ rích.

- Cho mi mượn áo tao.

Rồi chị ngâm nga :

- "Áo Hạnh vàng Chương về yêu hoa cúc..."

Tôi ngắt lời :

- Thôi chị ơi, đừng có sửa thơ người ta nữa.

Chị Sương cười tỉnh bơ :

- Ủa, tao không biết làm thơ thì tao phải ngâm thơ của thiên hạ chớ, phải đổi đôi chút mới hợp cảnh hợp tình chớ bộ.

- Nguyên Sa sẽ kiện chị.

- Tao sẽ mặc áo vàng ra hầu tòa, tao sẽ mặc quần màu lá cây ra hầu tòa và tao sẽ ngâm :

"Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Quần nàng xanh anh mến lá sân tòa."


Tôi lắc đầu :

- Đúng chị là mụ điên.

- Điên mà khỏe, khỏi lo nghĩ, khỏi ưu tư, làm người điên mà sướng, bao nhiêu người muốn điên không được.

- Thôi em ngủ đây, nói chuyện với chị mười năm không dứt.

Chị Sương đến khép cửa sổ phòng ăn lại:

- Ừ, đi ngủ đi, ngủ cho no đôi mắt, cho đẹp màu da, không có người con gái mô xấu cả sau giấc ngủ trưa muộn, gò má sẽ căng như hai trái đào.

Tôi đi lên lầu :

- Nhớ thức em dậy lỡ em có ngủ quên nghe chị Sương.

- Ừ, có cần chuyên viên trang điểm không ?

- Thôi chị ơi, chị làm chi mà quan trọng hóa cuộc đời rứa.

- Ồ, dĩ nhiên là quan trọng, không có ngày mô quan trọng bằng ngày đầu tiên đi chơi với người mình yêu.

Tôi nhăn mũi :

- Rùng rợn, chị ni nói chuyện kinh dị quá, chị làm như Chương là bồ của em không bằng.

- Chớ chi nữa, để rồi mi coi.

Tôi vào phòng, niềm vui vu vơ len qua từng thớ thịt. Buổi trưa yên lặng quá, tôi nghe tiếng gió thoảng qua cành lá êm như lời ru, nắng vẫn dịu dàng giữa khung trời xanh vương vấn bóng mây cho hồn tôi cũng vừa thoáng gợn nhẹ sóng lòng. Tôi đến bên tủ áo, không biết chiều nay nên mặc áo mầu gì, mang giày mầu gì và có nên trang điểm tí xíu không ? Tôi bỗng nóng bừng đôi má, mình lại quan trọng hóa cuộc đời rồi, có phải chiều nay là lần đầu tiên mình đi chơi với người yêu như lời chị Sương nói không ? Mình đã yêu Chương thật rồi ư, sao mà giây phút nào, hình bóng Chương cũng chập chờn trong trí tưởng, cũng đậu nhẹ trên đỉnh màn, mặt gối, mền nhỏ, nệm hoa? Tôi ngã mình xuống giường, thôi đừng nhớ gì cả, ngủ một giấc cho khỏe, thôi đừng nhớ đến đôi mắt Chương lôi cuốn, câu chuyện ly kỳ bí mật của Thúy Hậu và bài toán thầy Minh hồi sáng làm chưa được hoàn toàn.

Tôi tỉnh giấc khi đồng hồ trên tường đếm bốn tiếng rời rạc, ngân dài. Tiếng chị Sương gọi chị bếp dưới nhà :

- Chị lên phòng coi con Hạnh dậy chưa gọi dùm một tí, năm giờ người ta đến mà chừ còn ngủ.

Chương đến giữa lúc ba sửa soạn đi công chuyện, ba cười thật tươi :

- Cháu ngồi chơi đợi Hạnh nghe.

- Dạ, bác để mặc cháu.

- Nhớ đưa Hạnh về sớm nghe cháu.

- Dạ, xin bác yên tâm.

Tôi bước vào phòng khách, Chương đứng dậy :

- Chúng ta đi.

- Dạ, anh uống nước đã.

- Thôi lận, mình đi chừ cho rồi, Hạnh hí.

- Dạ, răng cũng được, tùy anh.

Tôi e ấp vén vạt áo dài ngồi ghé sau Chương, lựa chọn cho lắm, cuối cùng tôi mặc chiếc áo dài lụa trắng đi học hồi sáng, chị Sương lại cười tôi nhà quê, đời thuở mô đi chơi với bồ mà mặc áo dài có bảng tên phù hiệu.
Xe ra khỏi cổng, tôi còn nghe tiếng cười của chị Sương đuổi theo và hai câu thơ Nguyên Sa (đúng chị này là chúa ngâm thơ để chọc) :

"Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông... "


Xe đi thẳng đường Công Lý ra tới bến tàu, tôi ngạc nhiên :

- Ủa, nhà anh ở ngoài ni à, răng bữa trước anh nói với Hạnh là nhà anh ở Đại Học xá Minh Mạng?

- Tôi vẫn ở đó chứ. Nhưng bây giờ mình ra Mỹ Cảnh.

Tôi buột miệng :

- Chà anh Chương le quá ta, tổ chức sinh nhật ngay tại nhà hàng.

Chương ngừng xe, tắt máy :

- Le chi mô nờ, tôi có tổ chức chi mô.

Tôi tròn mắt :

- Ơ... anh mời Hạnh đến dự tiệc sinh nhật anh mà.

Chương vừa khóa xe vừa đáp :

- Thì đúng rồi, nhưng tôi chỉ mời có mình Hạnh...

Tôi lại ngạc nhiên :

- Rứa các bạn cùng lớp của anh ?

Chương lại nói :

- Chỉ mỗi mình Hạnh.

- Rứa các bạn thân của anh ?

- Chỉ mỗi mình Hạnh.

Tôi nóng bừng đôi má bước vào vùng ánh sáng mông mênh. Gió từ mặt sông tràn lên lồng lộng tung bay tà áo quấn quít đôi chân Chương đang theo sau, tôi cảm nhận rõ ràng hơi thở của anh nhẹ đều thoảng qua mái tóc, cho hồn tôi ngây ngất biết bao. Một vài người nhìn tôi tò mò, có lẽ giữa đám thực khách diêm dúa sang trọng, màu áo trắng học trò đã làm tôi lạc lõng, tôi như con nai vàng ngơ ngác, tôi như cành Lan trắng cô đơn trong một vườn hồng lộng lẫy ngát hương. Chương chọn chiếc bàn kê sát mặt sông:

- Mình ngồi đây đi Hạnh.

Tôi bỡ ngỡ :

- Anh Chương... chỉ có anh và Hạnh thôi à ?

- Hạnh không nghe tôi nói nãy giờ sao ? Chỉ mỗi mình Hạnh thôi mà.

Rồi Chương.dí dỏm :

- À quên, có cả tôi nữa chứ... bây giờ Hạnh uống chi ?

Tôi cúi đầu :

- Chi cũng được anh.

- Hạnh chọn đi chứ.

- Thôi, cho Hạnh Sprite đi.

Chưởng đẩy tấm thực đơn lại gần tôi :

- Hạnh chọn thức ăn luôn nghe.

Tự nhiên, tôi thấy mắc cỡ kỳ lạ :

- Hạnh không biết, anh chọn đi.

Chương nhìn tôi âu yếm . :

- Hạnh, Hạnh tự nhiên lên đi chứ, Hạnh chọn món ăn đi.

Tôi đáp lí nhí :

- Dạ, có lẽ đúng, có lẽ... Hạnh... đang mất tự nhiên... tại vì... tại vì... lần đầu tiên... Hạnh dị...

Chương ngắt lời tôi : .

- Hạnh dị với ai thì được... chớ tụi mình quen nhau từ lâu rồi mà...

- Hồi nớ, mình còn nhỏ... chừ thì...

Chương lắc đầu cười :

- Chừ thì răng... Hạnh vẫn là Hạnh và Chương vẫn là Chương, có khác chi mô. Khác chăng là thời gian, khác chăng là không gian, nhưng tâm hồn con người khó mà đổi thay, phải không Hạnh?

Tôi dõi mắt nhìn ra sông, trời tối dần, những làn mây trắng thẫm bóng hoàng hôn đang trôi bơ vơ về một phương trời xa xôi nào đó. Lời Chương thật êm :

- Cũng như Hạnh vẫn luôn luôn thích ngắm những đám mây giang hồ mỗi khi chiều xuống...

Tôi quay sang Chương, nụ cười của anh đầy cuốn hút :

- Hạnh đang nghĩ chi ?

Tôi cười e ấp :

- Hạnh đang ngắm mây trôi như anh nói. Phải, đúng đó anh, tâm hồn Hạnh cũng không khác chi ngày xưa, Hạnh hay mơ mộng vẩn vơ lắm.

Chương lại để tấm thực đơn trước mặt tôi:

- Và Hạnh vẫn thích món cua như ngày xưa mỗi lần hai gia đình mình đi picnic ở Thuận An chứ. Chừ thì Hạnh chọn món ăn đi, món cua rang muối ở đây khá lắm.

Tôi lại mắc cỡ, lại thấy chân tay mình thừa thãi vụng về. Tôi gật đầu không suy nghĩ :

- Tùy anh mà, chi cũng được.

Chương gọi món ăn xong, bảo tôi :

- Hạnh biết không, mọi năm trước, đến ngày này tôi thường đi lang thang, rồi kiếm một quán kem nào đó, ngồi trầm ngâm một mình, hay vào rạp ciné, làm sao cho hết một buổi chiều thì thôi.

Người bồi bàn đã đem nước ngọt ra, Chương vừa rót vào ly tôi vừa nói :

- Năm nay, sinh nhật đầu tiên trong đời, tôi mời một người thân yêu nhất cùng chung vui với tôi.

Tôi thẹn đỏ mặt, tôi ngượng run tay, tôi không nói được lời nào. Chương tiếp :

- Thật đó Hạnh, đã từ lâu, tôi vẫn nhủ với lòng mình, người chung vui trong ngày sinh nhật mình không phải là những người bạn trong lớp, cũng không phải mấy đứa bạn thân khệ nệ đem quà đến cho với những lời chúc tụng khách sáo để rồi sau đó ăn uống, đấu láo, nhảy nhót, cười đùa nghiêng ngả. Tôi quan niệm rằng, ngày kỷ niệm đó phải thật yên tĩnh hơn thường ngày, để mình có dịp thoáng nhớ chút thiêng liêng giây phút mình mở mắt chào đời. Dù cuộc đời này chả lấy gì làm vui thú, nhưng mình đã trót sinh ra, mình phải thừa nhận sự hiện hữu đó, Hạnh nghĩ có phải không ?

Thấy tôi im lặng, Chương nói :

- Có thể Hạnh không đồng ý với tôi, nhưng đó là quan niệm riêng của tôi. Cũng như ngày xưa, Hạnh nhớ chứ, tôi vẫn thích cô đơn trừ những dịp được cùng Hạnh tung tăng nhặt hoa cau thả tung theo chiều gió... Trong suốt quãng đời thơ ấu, dù đám trẻ láng giềng sang chơi thật nhiều, nhưng tôi chỉ mến có mỗi mình Hạnh...

Tôi xoay ly nước ngọt trong tay, cảm động :

- Hạnh còn nhớ, anh vẫn thích ngồi một mình bên hồ để nhìn ngắm bầy cá thia tàu bơi lội tung tăng.

Chương cười :

- Dạo đó, mấy người lớn cứ ghẹo tôi là ông cụ non, mà thú thật, mỗi lần vậy tôi lại ngẩn người ra chẳng hiểu mô tê chi hết.

Tôi cười theo Chương.

- Hạnh uống nước đi.

- Dạ, Hạnh uống nì.

Thức ăn đã bày biện lên bàn. Ban đầu tôi còn ngượng, ăn thật chậm, dè dặt, nhưng sau đó không khí càng thân mật hơn, tôi đã tự nhiên trở lại. Chương gắp bỏ vào chén tôi luôn tay :

- Hạnh ăn đi, Hạnh ăn ít rứa.

- Hạnh vẫn ăn tự nhiên mà, anh Chương cũng ăn đi chớ, gắp cho Hạnh hoài rứa.

- Tôi vừa ăn vừa xem Hạnh ăn.

Tôi bối rối :

- Trời ơi, anh làm rứa thì ai mà ăn cho được.

Chương nâng ly nhấp lên môi, cười :

- Đùa Hạnh đó, tôi chỉ ăn thôi, không nhìn Hạnh mô mà dị.

Đêm tối dần và những ánh đèn càng rực rỡ trên sông. Không biết chừ đã mấy giờ rồi, tôi thầm nghĩ, sao thời gian như ngừng trôi, sao không gian như bàng bạc mầu xanh của lá, mầu trắng của mây, đưa khung cảnh êm đềm này trở về dĩ vãng, nơi nào có Chương là tôi sống mơ màng trong hai thế giới khác nhau, nơi nào có Chương là hồn tôi rộn ràng tiếc nhớ thuở ấu thời hồn nhiên đuổi bướm hái hoa. Hạnh bây giờ và Hạnh ngày xưa nào có khác chi nhau, vẫn con bé ngây thơ khờ khạo thích ngắm mây trôi, thích ăn canh mít, thích nhặt những cánh hoa cau trắng ngà tung lên trời làm "công phét ti" và nhất là trong trái tim non nớt đó, hình ảnh cậu bé láng giềng tưởng đã phai mờ trong ký ức giờ chợt bừng lên như ngọn lửa hồng sưởi ấm chiều đông.

Buổi tối đưa nhau về khung trời lác đác muôn sao. Sao rơi trên tóc, sao cài lên áo và hai vì sao thật lạ đã rơi vào mắt Chương. Em thấy mắt anh long lanh, em nghe hơi anh thở ấm nồng phút giây từ giã dưới giàn hoa giấy nơi cổng nhà em :

- Để tôi đưa Hạnh vào tận cửa.

- Thôi lận, anh để Hạnh vô một mình cũng được.

Chương nhìn vào đồng hồ tay :

- Cũng hơi khuya, tôi phải đưa Hạnh vào để còn tạ tội với bác, tại tôi có hứa với bác là sẽ đưa Hạnh về sớm.

Hai đứa lại đi bên nhau thêm một đoạn đường, cho nhớ thương đêm nay dài thêm chút nữa, cho cơn mộng đêm nay xanh thật là xanh. Sỏi trắng lao xao dưới bước chân, hai hàng cây trứng gà chụm đầu vào nhau rì rào nói chuyện tâm tình, chúng tôi yên lặng đi bên nhau, ngôn ngữ là tiếng đập nhẹ của con tim. Cửa khép hờ, chị bếp vẫn ngồi trên ghế cạnh đó ngáp vắn ngáp dài :

- Cô Hạnh về đó hả, thôi mau vô cho tôi đóng cửa, chờ cô buồn ngủ bắt chết.

Tôi hỏi :

- Ba tôi đâu ?

- Ông có việc đi Biên Hòa, mai mới về. Còn cô Sương ngủ từ sớm.

- Thôi chị đi ngủ đi, để tôi đóng cửa.

Chị bếp đứng lên, mắt nhắm mắt mở :

- Cô đóng cửa cẩn thận nghe.

Tôi quay lại tìm Chương, anh vẫn còn đứng trên thềm :

- Hạnh vào nghỉ đi, tôi về.

Tôi theo Chương bước xuống bậc thềm :

- Để Hạnh đưa anh ra rồi còn đóng cổng luôn.

Chương cười :

- Cho tôi đề nghị ri nghe, Hạnh đưa tôi ra cổng, tôi đưa Hạnh. vào nhà, rồi Hạnh lại đưa tôi ra cổng... cứ như rứa mãi...

Tôi kêu nhỏ :

- Ơ anh có ý kiến chi lạ rứa... rứa thì đến sáng luôn cũng chưa ai đi tới mô hết.

- Thì đi tới cổng và tới bậc thềm...

Trời giăng mây đầy cho khu vườn bỗng tối tăm. Chương lên xe nổ máy, tôi đứng.tựa cổng hồng lưu luyến không đi. Chương lại tắt máy, xuống xe, đến gần tôi :

- Hạnh đóng cổng đi rồi vào nghỉ, khuya rồi.

- Thì anh về trước đi. 

- Hạnh phải quay lưng đi, tôi mới về được.

- Anh đi rồi, Hạnh mới đóng cửa được.

Chương đứng sát tôi hơn :

- Rứa thì anh sẽ cố gắng về, cho Hạnh vào nghỉ.

Chương đã đổi cách xưng hô, tim tôi đập liên hồi trong buồng ngực.

- Chúc Hạnh ngủ ngon. Thôi anh về.

Bàn tay tôi đã nằm gọn trong lòng tay Chương, linh hồn tôi đã chìm vào bể mắt long lanh đó, và có lẽ từ giây phút này, tôi cảm thấy đời mình không thể thiếu Chương.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4