Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

BUỔI HỌC ĐẦU - Nguyễn thị Mỹ Thanh



Viết cho các thầy, cô của con.
Kính mến tặng thầy Trần Sĩ.  
NGUYỄN THỊ MỸ THANH  


Những bậc thang dẫn lên lầu thu ngắn dần. Thầy bước thật nhanh và nghe trong lòng rộn vui. Mới một tháng thôi, một tháng nghỉ hè thôi, mà Thầy tưởng như đã lâu lắm không được nhìn những nét mặt học trò. Một tháng nghỉ hè của trường tư quá ngắn mà sao đối với riêng Thầy lại quá dài. Một tháng rồi, Thầy được nghỉ ở nhà, ra vào hút thuốc, đọc sách. Thầy được thư nhàn quá, dư thì giờ để nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể khi tuổi già mỗi ngày một chồng cao. Nhưng Thầy không thấy vui, không thấy khỏe, mà Thầy nhớ. Mỗi ngày không được chấm bài học trò, không được soạn bài, và nhất là không nhìn thấy những mái tóc nghiêng nghiêng, những tà áo trắng tung tăng, Thầy nghe nhớ lạ lùng. Để rồi đến hôm nay, ngày đầu của niên học, Thầy lại nhận dạy lớp Đệ Nhị A như năm ngoái, cũng ở lầu hai của trường nầy. Thầy hân hoan nhìn ngắm khoảng sân trường đầy nghẹt xe, ngắm dãy lớp mới được quét vôi, và ngắm chiếc cầu thang quanh co đưa Thầy lên lớp cũ.

Thầy mỉm cười khi vừa bước lên hết mấy bậc thang. Sức Thầy vẫn còn tốt lắm mà, vì Thầy không thấy mệt. Cửa lớp đây rồi, Thầy đã quen thuộc bao năm nay!

*

Căn phòng cũ, bàn ghế cũ, quạt máy, đèn nê-ông cũ. Nhưng các khuôn mặt thì mới lạ. Những tiếng rì rào nói chuyện hầu như nín bặt khi Thầy bước vào. Vài học sinh đứng lên. Dăm ba học sinh nữa đứng lên. Và khi những trò còn đang loay hoay chùi ghế, tìm sách vở hay ngồi tán gẫu ý thức được rằng xung quanh mình không ai ngồi cả, thì chúng vội vàng đứng lên. Thầy tìm thấy sự yên lặng của ngày đầu niên học năm xưa. Các con ơi, phải ngoan một tí cho bằng mấy anh chị năm ngoái nhé! Thầy ra hiệu bằng hai tay cho học sinh ngồi xuống.

Khi đã hết bị bó buộc vì phải đứng xuôi hai tay mở mắt nhìn lên Thầy, các trò ngồi xuống thoải mái và bắt đầu những câu chuyện với nhau. Thầy nhìn xuống và chợt thấy một nữ sinh tréo hai chân lại và cho cả lên ghế. Thầy mỉm cười. Thầy đã già rồi! Cử chỉ của con là một cử chỉ trẻ nít rất đáng tha thứ. Và Thầy cũng chưa nên nhắc nhở lúc này vội, vì Thầy còn có công việc phải làm ngay lúc này nữa: tự giới thiệu.

Thầy phải tự giới thiệu! Phải, Thầy tự giới thiệu. Vì trường chỉ có một người giám thị già bận la hét, quát tháo và chỉ lớp cho học sinh bên dưới. Và ông giám đốc kiêm giám học, sẽ kiêm luôn chức thâu ngân viên, đang vất vả cộng tiền học phí đầu năm của học sinh dưới văn phòng. Các thầy phải tự giới thiệu vì không có ai dẫn các thầy vào lớp để cho học sinh biết tên tuổi của thầy, môn dạy của thầy, cùng những đức tính, những kỷ luật đặc biệt của thầy.

Những câu chuyện hầu như cứ kéo dài một cách lén lút mà mặc nhiên đã công khai. Thầy thoáng thấy vài đôi mắt bình yên nhìn Thầy, chờ đợi. Vài đôi cánh tay khoanh lại ngay ngắn trên bàn. Vài nếp áo trắng dịu dàng xen lẫn giữa những chiếc áo hoa hòe không đủ làm dịu đôi mắt Thầy sau gọng kính già…

- Các con nghe đây! Thầy sẽ phụ trách dạy các con môn Pháp văn trong năm nay. Các con đã học môn nầy từ năm đệ tam rồi. Thầy mong các con sẽ thấu đáo hơn khi Thầy giảng dạy. Trò nào còn kém, Thầy sẽ cố gắng dạy thêm. Nói chung, Thầy mong cả lớp sẽ tiến đều, để cuối năm các con đủ sức làm bài thi. Các con đừng nên quan niệm đây là “môn phụ” mà lơ đễnh, vì môn nào Thầy nghĩ cũng cần thiết cả.

Vài tiếng xì xầm phát ra từ dãy giữa mà Thầy nghe rất rõ:

- Nầy, Pháp văn hệ số mấy đó mầy?

- Hệ số một chứ bao nhiêu!

- Ít thấy mồ! Học chi cho mệt!

Thầy cảm thấy một cái gì chận ngang cổ làm Thầy không nói hết lời được. Thầy ngồi xuống, nhìn một lượt khắp cả những nét mặt đang trông lên Thầy. Chỉ mới năm nay thôi, các con bắt đầu biết suy tính đắn đo rồi đấy! Các con đã bận tâm đến những vấn đề hệ số, môn chính, môn phụ. Các con ngồi đây, nhưng Thầy biết rằng trong tâm trí các con có lẽ đang nghĩ ngợi lo lắng đến kỳ thi cuối năm. Khó khăn đang chờ các con. Các con ơi! Nào phải sự học chỉ nhằm mục đích duy nhất là thi cử đâu! Sao các con không nghĩ đến việc kiến thức sẽ được mở mang, tâm hồn các con sẽ được rộng rãi hơn, khi các con hấp thu những tinh hoa của sự học? Thầy không làm sao xóa mờ hay ít ra làm cho các con bớt thấy mình đang bị đè nặng bởi chữ “thi” to lớn trong đầu. Một lần nữa, Thầy không muốn trách các con. Các con hãy còn bé lắm mà!

*

Nào các con hãy viết đi : “Le vieux professeur”, bài học đầu tiên Thầy dạy các con đây! Thầy nắn nót viết lên bảng thật lớn, thật rõ cho các con trông thấy. Thầy đã già rồi nhưng nét chữ của Thầy đâu có run rẩy lệch lạc. Học trò của Thầy vẫn thường khen chữ của Thầy giống như nét chữ hoa mỹ trong những sách truyện thần tiên. Thầy nghe rõ ở hàng ghế đầu có tiếng xuýt xoa “Thầy viết chữ đẹp quá!” Phải đấy các con ơi! Thầy đã chừng này tuổi rồi, Thầy còn nắn nót từng chữ. Thầy muốn các con cũng như thế, để sách vở các con sạch sẽ, tươm tất. Không phải học càng cao rồi chữ của chúng ta càng nguệch ngoạc khó coi. Bất chợt Thầy mỉm cười trách mình. Sao lúc nào Thầy cũng nhìn các con như nhìn những đứa trẻ nít? Có phải tại tuổi già đã chồng chất nơi Thầy quá nhiều chăng?

Bài học của các con không dài, chỉ mươi dòng thôi. Thầy đã đề tên tác giả bên dưới rồi. Không chép câu hỏi vội, Thầy muốn xem các con viết mau hay chậm, vả lại Thầy muốn chỉ cho các con những lỗi chính tả thông thường nếu có.

Quay mặt xuống, Thầy thấy những mái đầu nghiêng nghiêng im lặng, tay chép, mắt nhìn. Các học trò của Thầy đã tỏ ra ngoan rồi đó! Rồi đây trong suốt niên học thầy trò làm việc bên nhau, Thầy sẽ kể cho các con nghe về cuộc đời dạy học của Thầy. Phải đấy các con ạ! Đời dạy học có nhiều chuyện đáng nói lắm. Và người dạy học, là một con người buồn vui luôn luôn kế tiếp nhau không thôi. Thầy buồn giận khi học trò phá phách hay chểnh mảng học hành, nhưng Thầy sẽ vui vẻ ngay nếu các con biết phục thiện và học hành đứng đắn.

Thầy đến gần từng bàn, xem học trò chép bài. Chữ của các trò, có đứa viết thật ngay ngắn làm Thầy hài lòng, trái lại có đứa thật cẩu thả, cố tình thêm vào chữ viết nét cong queo làm Thầy phải giương to đôi mắt một lúc mới hiểu ra trò đang viết đến chữ nào. Học trò của Thầy! Thầy biết con muốn tạo cho mình một nét đặc biệt, để con không giống một ai cả. Nhưng con ạ, cái đặc biệt của con, không cần con tạo nên, con đã có sẵn rồi. Đó chính là nét mặt của con, dáng đi của con, khối óc của con, thiên tư của con. Không phải chỉ cái lối viết chữ dị hình kia mới làm cho con độc đáo. Trái lại, con đã vô tình làm khổ mắt những người thầy, mà nhất là người thầy già như Thầy. Con đã làm bực mình những người bạn của con khi xem vở hay đọc thư của con. Và, nguy hiểm hơn, con đã vô tình tạo khó khăn cho tương lai của chính thân con.

Thầy đã xem bài con quá lâu. Thầy nghĩ về chữ viết của con quá nhiều. Một lần nữa, Thầy lại mỉm cười…

Đến gần một trò trai, Thầy bỗng giật mình. Trò này không chép bài mà đang cặm cụi làm toán.

- Tại sao con không chép bài?

Anh học trò đứng dậy, ngập ngừng không nói. Vầng trán cao, đôi mắt sáng, Thầy đoán anh là một học trò thông minh. Thầy hạ thấp giọng:

- Anh biết giờ này là giờ gì không?

- Thưa Thầy, biết ạ.

- Thế tại sao anh lại đem toán ra làm?

- Thưa Thầy…

Trong ánh mắt anh, Thầy thấy vẻ hối lỗi hiện ra. Thầy biết anh không phải là kẻ biếng lười hay muốn phá Thầy. Nhưng anh đã quan niệm về sự học một cách sai lầm. Thầy cho anh ngồi xuống.

*

Nói chung, các con hãy còn kém lắm mặc dù có vài trò tỏ ra xuất sắc. Các con đã chép sai nhiều chữ thật thông thường. đó là do các con đã không để ý khi lần đầu gặp chữ ấy, nên về sau cứ sai mãi. Và khi Thầy gọi vài trò đọc, các trò ấy đã đọc bằng một giọng lạ thường mà Thầy chưa từng nghe bao giờ.

- Các con còn kém lắm! Và Thầy sẽ chữa những lỗi ấy cho các con. Thầy hy vọng qua một năm, các con sẽ tiến bộ. Thầy sẽ biến một môn học mà các con quan niệm là “môn phụ” thành một môn học thích thú, vui tươi. Hai giờ Pháp văn trong một tuần quá ít, Thầy muốn dạy thêm cho các con. Chiều thứ bảy nhé! Các con sẽ học với Thầy hai giờ nữa. Các con bằng lòng chứ?

Vài tiếng “dạ” cất lên, nhưng không đủ lấn át những tiếng kêu “trời!”, Chiều thứ bảy mà Thầy! Tụi con còn đi phố, đi xi-nê. Một chiều đẹp nhất trong tuần mà Thầy bảo tụi con đi học, thật là trái lệ. Những tiếng xầm xì than vãn vang lên khiến Thầy ngẩn ngơ.

Một nữ sinh áo hồng mạnh dạn đứng lên:

- Thưa Thầy, xin Thầy cho học ngày khác, chiều thứ bảy chúng con mắc việc ạ.

- Những ngày khác Thầy phải đi dạy, chỉ có chiều thứ bảy là rảnh giờ. Những phút nghỉ ngơi của Thầy, Thầy muốn tặng cho các con mà không tiếc, các con lại tiếc hay sao? Nếu các con không muốn thì thôi vậy.

Thầy nghe lòng chán nản chi lạ. Các con lặng thinh nhìn Thầy. Chỉ có một nữ sinh áo hồng phát biểu ý kiến thôi sao? Cả lớp, không có một ai muốn học? Những học trò ngoan ngoãn dịu dàng kia, các con nghĩ gì???

Thầy cầm sách lên, sắp sửa giảng bài, thì… “pừng… pừng…” hai tiếng động dị thường phát ra. Cả lớp cười rộ. Có những gương mặt rắn lại, khó chịu. Vài trò quay lại phía sau, tìm kiếm. Thầy hết chịu nổi rồi! Thầy bước xuống, đến từng bàn học trò ở dãy nam sinh. Thầy đã tìm thấy nguyên nhân! Ở bàn cuối, một sợi dây cao su cột căng thẳng giữa hai chân bàn. Anh học trò to lớn, vẻ mặt hung dữ tay còn cầm một cây thước kẻ to. Anh đã dùng cây thước ấy gảy lên sợi dây cao su làm phát ra âm thanh quái gở trên.

Lần đầu tiên trong đời dạy học Thầy gặp một học sinh xấc xược như thế. Và cũng lần đầu tiên, từ lúc mang đôi kính lão, Thầy nghe lòng giận sôi lên. Thầy hất cằm, nói:

- Anh đứng dậy!

Anh học trò nghe theo lời Thầy. Nhưng gương mặt hắn vẫn vênh váo. Thầy giơ tay tát thẳng vào má hắn. Cả lớp kinh hãi, ngồi lặng thinh. Cơn giận của Thầy, sau cái tát, như nước triều hạ xuống. Thầy lặng nhìn năm dấu tay in hằn trên mặt anh học trò. Anh ta sau khi nhận lãnh hình phạt bất ngờ, đã hổ thẹn gục mặt xuống những bìa vở vẽ đầy hình ảnh lem luốc. Ôi học trò của Thầy, con khốn khổ quá đi thôi! Con là ai? Là một “thư sinh”, danh từ cao quý từ ngàn xưa? Hay con là hiện thân của một xã hội bất ổn? Học trò của Thầy! Thầy thương con quá đi thôi!

Thầy lại nâng sách lên, mở lời toan giảng bài, thì tiếng chuông reo như cho phép các học sinh nhốn nháo, tiếp tục những câu chuyện. Một giờ đã qua…

*

Thầy không đi xuống văn phòng. Thầy không buồn uống nước mặc dù cổ họng của Thầy khô khan chưa từng thấy. Ngồi lặng yên ở bàn, trên bục gỗ cao, Thầy nhìn những tà áo đi qua đi lại trước mắt. Màu trắng, màu hồng, màu xanh… nhan nhản, Thầy thấy thành một màu nhòa nhạt không làm dịu mắt Thầy. Những trò trai tụ tập cả trước hành lang, nhìn xuống đường. Những trò gái ngồi trong lớp dụm thành từng nhóm, nói những chuyện mà Thầy nghe mơ hồ là quanh quẩn những đề tài hàng vải, giầy dép, tóc tai… Một vài mái đầu cúi xuống trên trang giấy, lẩm nhẩm đọc bài…

- Thưa Thầy!...

Một nét mặt thật quen thuộc hiện ra trước mắt Thầy: một nữ sinh học với Thầy năm ngoái đến thăm Thầy. Như được một ngọn gió mát thổi làm dịu tâm hồn, Thầy mỉm cười:

- Anh Thư đấy hả? Thi đậu không con?

Hai tay khoanh lại, cô học trò dịu dàng đáp:

- Thưa Thầy, con đậu rồi ạ. Con xin được vào trường công, đầu tháng con nhập học.

Thầy vui mừng nhìn người học trò cũ. Học trò của Thầy giỏi quá, không phụ công các thầy! Các thầy khác cũng sẽ vui như Thầy vậy. Thầy hân hoan nghĩ đến những lớp học trò ngày xưa. Có đứa giờ đã trở thành bác sĩ, luật sư, giáo sư… Có đứa nay ở bên trời Âu du học. Thầy mơ màng tưởng tượng có một ngày nào đó, các học trò lớn, nhỏ, cũ, mới của Thầy sẽ tụ tập dưới mái trường này, nghe nhau ôn kỷ niệm. Lúc đó Thầy già, già hơn bây giờ nữa, râu tóc Thầy bạc phơ. Thầy sẽ vuốt râu gật gù nhìn các con của Thầy, các học trò thân mến!

- Thưa Thầy, con đến trường thăm Thầy, nhân tiện xin mời Thầy chủ nhật này đến nhà con. Ba mẹ con có làm một bữa ăn đạm bạc mời các Thầy. Xin Thầy nhận lời cho.

- Thôi con ạ! Bày vẽ làm gì con? Các con thi đậu là Thầy mừng rồi. Đó là phần thưởng danh dự nhất cho Thầy. Con đến thăm Thầy đây làm Thầy vui lắm, Thầy không mong gì hơn. Vả lại, chủ nhật Thầy còn bận soạn bài, chấm bài cho học trò, chắc Thầy không đến được đâu. Thầy cáo lỗi với ba mẹ của con nhé!

Thầy mãi giữ nụ cười trên môi cho đến khi cô học trò chào Thầy ra về. Thầy vui vô cùng. Thầy hy vọng trong đám học trò mới năm nay cũng sẽ có nhiều trò như thế. Thầy như quên chuyện buồn phiền vừa qua. Những tiếng nói chuyện bên tai, Thầy nghe như tiếng chim ca buổi sáng. Các học trò yêu dấu! Thầy chỉ mong có chừng ấy thôi…

- Thưa Thầy, con đến thăm Thầy..

A! Lại một học trò cũ nữa. Buổi học đầu hôm nay Thầy gặp lại những hai đứa học trò năm ngoái. Thầy nhớ rất rõ mà, trò Tấn đây! Thi đậu chưa con? Các bạn con thế nào?

- Thưa Thầy, con đến thăm Thầy lần chót, ngày mai con đi lính. Con … thi rớt rồi ạ!

Thầy trố mắt ngạc nhiên. Anh Tấn, anh học giỏi lắm mà, sao lại rớt? Nhà anh nghèo, ba anh mất sớm nên anh phải đi làm, không có thì giờ để học thi, anh rớt. Một mẹ già, một đàn em dại, anh đi lính. Thương quá, con của Thầy! Một năm dài, Thầy hy vọng rất nhiều về anh…

- Thưa Thầy, lớp con năm ngoái có anh Hà, anh Đạm cũng đi lính với con. Các anh ấy bận nên không đến được, có nhờ con chuyển lời thăm Thầy.

- Có gì lạ nữa không con?

- Dạ không, à, chỉ có anh Ngạc, Thầy nhớ anh Ngạc không? Anh không học hành, đi hoang, theo du đãng chống cự với cảnh sát, bị bắn chết, mới hôm tuần trước.

Trời ơi! Học trò của Thầy!... Những tia nắng ngoài cửa chiếu vào, nhảy múa trên đôi kính lão làm mắt Thầy hoa lên. Anh Ngạc, người học trò nghịch nhất lớp, ban đầu cũng vênh váo với Thầy, nhưng nửa năm sau anh đã tỏ ra khuất phục trước những lời khuyên của Thầy. Thầy còn nhớ rõ lắm chứ! Sao anh lại trở thành như thế???

Anh Tấn không còn gì để nói. Anh khoanh tay cúi đầu chào Thầy ra về. Bóng anh khuất sau ngõ quanh của hành lang. Thầy nào thấy gì đâu! Những màu sắc lại lòe loẹt trước mắt. Tiếng nói chuyện mà Thầy nghe như chim hót lại trở thành một thứ tiếng động chói tai làm trí óc Thầy quay cuồng…

Tiếng chuông reo thúc giục các học trò trai trở vào, học trò gái ngồi lại ngay ngắn. Không ai bảo ai, tất cả đều nhìn lên Thầy bây giờ đang im lặng như một pho tượng. Một thoáng xúc động đến bất chợt, làm cả lớp im phăng phắc. Tất cả học trò đều nhìn thấy giọt nước mắt của Thầy long lanh sau cặp kính già.

*

- Các con, hãy học đi! Hãy nghe Thầy giảng bài. Đừng phá phách, đừng nói chuyện, đừng nhìn ra cửa sổ. Đừng bỏ phí một chút thì giờ nào hết. Thì giờ của các con ít ỏi lắm. Vì đời người vốn đã ngắn. Đời học sinh lại còn ngắn hơn. Và đời học sinh của các con đây – những người học sinh sống giữa buổi loạn ly – thì có được bao nhiêu? Các con đã thấy, một số các con đã thấy đó! Đau lòng cho Thầy lắm, nếu một lớp học mà chỉ có một vài người thi đậu. Thầy có nói nhiều quá chăng?...

Lớp học im lặng quá, cái im lặng mà Thầy chưa được thấy từ lúc bước chân vào lớp. Nắng đã lên cao ngoài kia. Trong nầy, Thầy thấy rõ từng đôi mắt, từng đôi mắt sáng ngời. Hãy giữ mãi sự im lặng quý giá nầy các con nhé! Thầy bắt đầu giảng bài đây, chúng ta đã phí thì giờ quá nhiều.

- Bài học nói về một người thầy già. Cứ mỗi năm, người thầy già lại sắp xếp những bài làm của học trò. Ông đọc từng dòng chữ và nhớ lại những kỷ niệm thầy trò mà ông đã sống qua trong quá khứ.

Thầy dừng lại một chút. Thầy nhìn đám học trò đang ngước nhìn lên Thầy. Những cây viết vướng vít trên tay. Những trang giấy mở ngỏ… Thầy thu hết những hình ảnh ấy vào trong đôi mắt.

- Các con nghe Thầy dịch đoạn sau đây: “Các học trò thân mến ơi! Khi nhắm mắt lại, Thầy hình dung rõ từng gương mặt, Thầy thấy rõ từng lớp học với hàng trăm trẻ nhỏ. Thầy nhớ những trò giỏi nhất và cả những trò tệ nhất; những học trò đã mang niềm vui đến cho Thầy và cả những học trò làm cho Thầy phiền não. Bởi trong bầy cừu non hiền lành, có những con rắn độc. Nhưng mà, các con ơi, Thầy yêu thương đồng đều tất cả…”

Giọng Thầy run run vì xúc động. Tác giả đã nói thay cho Thầy. Thầy cũng giống như người thầy già trong bài vậy. Mấy ngàn học trò thương của Thầy từ mấy mươi năm nay. Những đôi mắt đọng buồn nhìn Thầy trìu mến. Chợt Thầy nhìn xuống anh học trò bị Thầy tát ban nãy. Bây giờ anh ta cũng ngồi ngay ngắn và chăm chú nghe giảng. Thầy nhớ đến Ngạc, đến Tấn, đến Đạm, đến Anh Thư… . đến những người học trò dở dang và những học trò đã thành tài. Các con! Các con hãy còn bé lắm, và các con đã biết xúc động.

Một trò trai bỗng đứng dậy, nói:

- Thưa Thầy, xin phép Thầy cho con được nói. Đây là ý kiến của con và một số bạn lớp này. Chúng con muốn xin Thầy đến dạy thêm cho chúng con vào chiều thứ bảy. Chúng con cần học thêm lắm ạ! Xin Thầy bỏ qua những lỗi lầm do lớp chúng con gây ra. Thầy nhận lời cho.

Thầy ra dấu cho anh ngồi xuống. Học trò của Thầy đã biết phát biểu theo đúng ý Thầy muốn rồi đó. Thầy nhận lời ngay chứ, vì chính Thầy đã muốn tặng cho các con những phút nghỉ ngơi của Thầy mà! Dù năm, mười người học, Thầy cũng sẽ đến dạy. Nào, còn các trò khác, ai sẽ đi thêm chiều thứ bảy giơ tay cho Thầy biết.

Cả lớp giơ tay lên. A, các con thân mến! Các con làm Thầy vừa ngạc nhiên vừa vui sướng. Việc gì đã khiến cho các con rung động? Vì hai người học trò cũ của Thầy? Vì giọt nước mắt bất ngờ của Thầy? Vì bài học đầy ý nghĩa mà Thầy vừa giảng? Hay chính vì có một sự cảm thông giữa thầy trò ta? Sống đã gần trọn đời người, Thầy luôn luôn thấy rằng: chiến tranh, loạn lạc, sự nhiễu nhương… có thể tàn phá tất cả, nhưng dưới mái học đường có một thứ không bao giờ mất: đó là tình cảm học trò non thơ.

Thầy mơ màng nghe dưới đường, trên lầu, ngoài hành lang, trong lớp, và lan tràn trong không khí, tiếng chuông reo ra về. Nhưng bầy chim non chưa buồn đứng dậy. Những bờ môi hằng líu lo chưa cất tiếng xôn xao. Vì thầy, vì trò đang say sưa trong cái im lặng quý giá như hạt sương buổi sáng, cái im lặng đầy cảm thông trìu mến vô ngần…


NGUYỄN THỊ MỸ THANH   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 143, ra ngày 15-12-1970)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com