Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

CHƯƠNG II_MƯA SA MẠC


CHƯƠNG II


Dì Mai đang ngồi trầm tư bên cửa sổ. Ti vào sát bên dì mà dì vẫn chưa hay biết. Dì ít lời, khác hẳn tính cậu Toàn. Dì và cậu Toàn ít khi hoà thuận, nói vậy không có nghĩa là hai người cãi cọ nhau, nhưng tính cậu Toàn tinh nghịch, cậu hay trêu chị làm cho dì Mai cáu lên sau năm phút trò chuyện.
 
Ti yêu cả hai người, không ai hơn, ai kém, dù là cậu Toàn cũng hay trêu chọc Ti, nhưng cậu vui tính. Còn dì đôi khi cũng vuốt tóc Ti, nhưng dì rất hà tiện một nụ cười.
 
Trông thấy vẻ trầm ngâm của dì, Ti mất hết hăng hái, không dám nói liền phải vờ ho khan một tiếng.
 
Như bị đánh thức khỏi cơn mơ, dì quay phắt lại :
 
- Ủa, Ti đó à ? Cháu đi chơi về phải không ? Vui không ?
 
- Dạ, vui lắm dì ơi !
 
Dì Mai cũng vừa thấy gói quà :
 
- Cái gì vậy, Ti ?
 
- Dạ, của dì đó, đẹp không ?
 
Cô gái cau mặt :
 
- Đừng giỡn với dì…
 
Ti vội vàng tiếp :
 
- Của dì thiệt mà, … gởi cho dì đó, dì ơi !
 
- Ai ? Ai gởi ?
 
Mai hấp tấp hỏi. Ti cười nhe cả hai hàm răng :
 
- Dạ, của anh Tùng gởi cho dì. Dì biết anh Tùng không ? Ảnh hay đi chơi với Ti đó mà. Anh Tùng thợ máy đó… cái anh làm khói vô phòng dì…
 
- Biết ! Lạ gì gã thợ máy đó mà phải giới thiệu dài dòng…
 
Đôi mắt u buồn của dì Mai chợt sáng lên trong một giây khi nhìn kỹ gói quà rồi sầm tối lại ngay sau câu trên làm Ti khó chịu :
 
- Thợ máy thì sao dì ?
 
- Không có làm sao hết, mà dì không ưa, vậy thôi.
 
- Ti thấy ảnh dễ thương mà.
 
- Mà mày thương chớ dì mày không thương, hiểu chưa ? Ai biểu mày nhận làm chi vậy, hả Ti ?
 
Ti bối rối gãi gãi ở cổ, cúi đầu :
 
- Ti đâu có nhận, anh Tùng năn nỉ Ti đem về giùm cho dì…
 
- Trả lại cho đi, Ti !
 
Người ta lớn hơn mình mà kêu người ta bằng nó. Như vậy là vô phép chớ gì nữa ! Vậy mà lại làm cô giáo mới là kỳ ! Ti bất bình, nghĩ thầm. Giọng dì Mai lại cất lên, lần này dịu hơn một chút ;
 
- Ti ! Cháu có nghe dì biểu cái gì không ?
 
- Dạ, nghe, dì biểu cháu trả lại cho anh Tùng. Dì ác… Ảnh dễ thương, sao dì ghét ảnh ?
 
- Dì không ghét, mà dì không thương được, hiểu chưa ?
 
- Chớ dì thương ai ?
 
Dì Mai bật cười :
 
- Cháu hỏi làm chi ? Muốn đòn hả ?
 
Dì Mai nói câu trên bằng giọng vui vẻ nên Ti bạo dạn thêm :
 
- Thiệt đó dì, ảnh dễ thương lắm đó dì, ảnh hiền lắm.
 
Miệng nói, tay Ti đưa gói quà đến cho dì. Lần này Mai đón lấy :
 
- Cháu biết cái gì trong này không ?
 
- Dạ không ! Làm sao cháu biết được ? Đi chơi về, ảnh chở cháu lại nhà ảnh, ảnh vô lấy ra rồi đưa cháu đem về. Ảnh tội lắm mà, dì !
 
- Chắc phải trả lại, nếu cháu không muốn thì để dì… dì sẽ…
 
- Đừng dì, tội nghiệp ảnh !
 
Ti hoảng hốt kêu lên. Lần này không hiểu bị cám dỗ vì món quà đẹp hay cảm động vì giọng van lơn của đứa cháu mồ côi, dì Mai đổi ý :
 
- Được rồi ! Thôi, không trả. Cháu bằng lòng chưa ?
 
Ti cười toét miệng vì sung sướng còn dì nó thì thẫn thờ như nói một mình :
 
- Phải chi nó là của người khác thì… hay quá.
 
- Dì ưng nó là của ai, dì ?
 
Ti tò mò hỏi, dì Mai buột miệng :
 
- Ai cũng được, trừ anh Tùng… chẳng hạn như… của ông Trung uý Phó quận trưởng. Ông đó…
 
Bây giờ đến lượt Ti bất bình ra mặt, nó kêu lên :
 
- Trời ơi ! Dì lầm rồi, ông đó tệ lắm.
 
- Làm sao cháu biết được bằng dì ? Cháu là con nít…
 
- Cháu không biết mà tụi bạn học cháu biết, tụi nó kể lại.
 
- Kể làm sao ?
 
Mai run rẩy hỏi, giọng nóng nảy. Ti trả lời :
 
- Mà dì đừng la cháu, cháu mới dám nói.
 
- Được rồi, dì không la đâu.
 
- Dì đừng mách lại bà ngoại nữa kìa.
 
- Được rồi. Kể đi !
 
- Ông Trung uý đó bậy lắm.
 
- Hoài ! Tệ rồi bậy. Cháu nói xấu người ta mà không có bằng cớ gì hết, làm sao dì tin ?
 
- Để cháu nói cho dì nghe : dì biết chị thằng Dũng không ? Chị đó bỏ nhà đi hồi năm ngoái đó, nhớ không ?
 
- Biết, nhớ, dì có quen sơ với Lệ mà. Rồi sao ?
 
- Thằng Dũng kể cho cháu biết là ông Trung uý Phó quận trưởng dụ chị nó bỏ nhà đi đó, dì ơi.
 
- Sao chắc được ?
 
- Sao không chắc, dì ? Thằng Dũng cho cháu coi thơ của chị nó viết cho ông Phó mà.
 
Mai “ồ” lên một tiếng có vẻ sung sướng (vì cô gái chứng minh được là thần tượng của mình bị nghi oan) bảo cháu :
 
- Lệ chỉ biết đọc, chớ không biết viết làm sao viết thơ được ?
 
Ti ngắt lời dì :
 
- Dạ, chớ sao, chị Lệ không viết được, chị nhờ thằng Dũng, thằng Dũng viết xong đưa cháu coi trước khi gởi cho ông ta.
 
Mai xám ngoét mặt, hỏi dồn :
 
- Thiệt không ? Cháu nhớ thơ viết sao không ?
 
- Thiệt chớ, cháu nói dối dì làm gì ? Mà cháu không nhớ hết, nhớ sơ sơ…
 
- Sơ sơ cũng được, nói cho dì nghe, chị Lệ, à quên, thằng Dũng viết làm sao ?
 
Ti ngẫm nghĩ giây lâu, nhưng dù sốt ruột, dì nó không dám giục, cô gái nôn nả muốn biết sự thật mà cũng mong trì hoãn cái phút ghê gớm ấy lại càng lâu càng tốt. Sau cùng, Ti chẫm rãi kể :
 
- Nó viết là : … “Em đã trao tặng cho anh hết cái gì quí báu của đời em trong tay anh, bây giờ anh lại nói là anh có vợ, không thể cưới em, em còn mặt mũi nào… Chắc em phải bỏ xứ mà đi chớ cha mẹ em làm sao chịu nhục cho nổi. Nó viết là : Anh có ăn học mà không ngay thẳng, nếu em biết vậy em lấy dân cày còn hơn, dân cày thiệt thà, không có lừa dối. Nó viết nhiều lắm, dì ơi, con nhớ không hết. Nó viết hay lắm, lạ lắm, ban đầu con tưởng nó viết được như vậy, con phục lắm, sau nó nói với con là chị nó đọc cho nó viết. Chị Lệ không biết viết mà cũng văn chương lắm, thằng Dũng nói vậy đó, dì.
 
Mai gặng lại :
 
- Tại sao chuyện nhà nó, nó lại kể cho cháu làm gì ?
 
- Cháu cho nó cóp bi toán, nó cho cháu cóp bi luận văn, nó nói muốn cho cháu coi cho biết để sau làm luận dễ.
 
Mai bật cười tuy cô tan nát cả lòng. Ông Phó quận trưởng ! Người trong mộng của Mai ! Thần tượng mà cô tôn thờ bao lâu nay, phút chốc tan tành đổ vỡ ! Ti vẫn thao thao, nó không hay biết gì về những dao động ghê gớm trong lòng dì nó :
 
- Thầy giáo không bao giờ chịu ra một đề luận văn như vậy chớ nếu có thì chắc chắn cháu với nó ăn đứt cả lớp liền !
 
Mai ngồi lặng, chán nản dâng ngập lòng cô. Trời ơi ! Tàn nhẫn biết bao nhiêu ! Đau đớn biết bao nhiêu ! Chàng trai thành phố có một bề ngoài oai dũng, hiên ngang đó không những đã có vợ con mà còn làm điều tồi tệ xấu xa : cám dỗ một cô con gái quê mùa, ngây thơ rồi bỏ người ta làm cho cô gái phải lìa nhà lìa cửa, trở thành một người hư hỏng (Mai có gặp Lệ một bận khi cô lên Sài Gòn chơi, dạo hè vừa rồi, trông Lệ không còn vẻ ngây thơ, nhí nhảnh, hồn nhiên nữa ; mà dày dạn phong trần cho đến nỗi chạm mặt nhau họ ngượng nghịu, cả hai cùng phải lờ nhau đi, không cả một tiếng chào)
 
Hừ ! Con người đểu giả như vậy mà đã nhiều ngày Mai mơ đến hình dáng anh ta, đã nhiều đêm anh ta đi vào giấc ngủ của Mai với nụ cười tự tin, với mái tóc bồng bềnh, với đôi mắt tình tứ… Chao ơi ! Mai như vừa tỉnh mộng, bàng hoàng bán tín bán nghi, dù là cô biết cháu cô cũng như thằng bé Dũng, trẻ con không bao giờ nói dối, nhất là nói dối một chuyện ghê gớm như thế.
 
Mai còn nhớ khi Lệ bỏ nhà đi biệt tích, trong vùng mỗi người đoán ra một nguyên do khác nhau, song mọi nguyên do đều hướng về phía xấu. Người thì rằng Lệ đi phá thai, người thì rằng Lệ ham tiền nên lên Sài Gòn lấy Mỹ, song tuyệt nhiên, không ai có thể đoán ra sự bỏ nhà của Lệ có dính líu, liên hệ đến ông Phó quận xinh trai và oai vệ của cái quận này. Thế rồi, trong vùng, động nhà nào có điều gì muốn khuyên răn con gái, họ đều lôi Lệ ra làm cái gương soi chung. Ai có ngờ đâu…
 
Mai bồi hồi nhớ lại lần thứ nhất cô gặp người trong mộng, cô run cho đến nỗi muốn ngã khụy xuống trước mặt anh ta, cô như bị anh thu hết hồn vía. Anh ta lịch sự chào Mai và ngỏ lời mời cô đến văn phòng thăm cho biết chỗ làm việc. Mai sung sướng lắm, nhưng cô cảm động quá không nói nên lời, chỉ gật đầu tỏ dấu bằng lòng. Gã đàn ông nghiêng mình kiểu cách chào Mai trước khi chia tay, trên môi vẫn giữ nụ cười lịch thiệp. Trong phút chốc, gã ta đi khuất mà Mai còn đứng lặng, tim đập thình thình như trống trận trong lồng ngực. Chao ơi ! Phút gặp gỡ sao mà thần tiên, thơ mộng… Làm sao cô không cảm động : cô, một cô giáo quèn như cô mà được cái hân hạnh quen với người có uy thế, tiếng tăm như vậy, đâu phải chuyện tầm thường ?
 
Nhưng – rủi hay may ? – quận đường quá xa trường Mai dạy nên rất ít dịp họ gặp nhau. Phần nữa, Mai không dám đường đột đến thăm anh ta tại chỗ làm việc. Con gái mà như thế thì… trơ tráo quá, vả lại Mai đâu phải là một cô gái tầm thường : Mai là cô giáo kia mà. Vì lẽ đó, hình ảnh của thần tượng đi theo cô vào giấc ngủ, hay trong những lúc rỗi rãi một mình, và cho đến nay Mai chỉ mới khăng khít với anh ta trong thầm lặng, bằng mộng mơ thôi.
 
Không biết Mai đã ngồi im như thế bao nhiêu lâu, cô dìm mình trong mối tuyệt vọng lớn lao sau khi cháu cô phát giác điều tệ hại, quên cả giữ ý đối với cháu, cô thở dài, buông ba tiếng :
 
- Khốn nạn thiệt !
 
- Dì đừng mắng người ta, tội nghiệp !
 
Ti ngỡ dì mắng anh Tùng liền can thiệp. Mai như quên chuyện buồn lòng, cười gượng gạo, cải chính :
 
- Không đâu dì mắng người khác, dì đâu có mắng anh Tùng của cháu.
 
Ti hiểu ngay người khác là ai, tiếp lời dì :
 
- Cháu cũng ghét… nó…
 
Mai ngạc nhiên nhìn cháu, vì cô nghĩ giữa cháu cô và người đàn ông kia có gì đến nỗi nó cũng bất bình.
 
- Tại sao cháu ghét… ?
 
Mai vẫn không thể dứt khoát gọi thần tượng của cô là dễ dàng như cháu cô. Ti đáp gọn :
 
- Tại… ông đó mà thằng Dũng với cháu giận nhau.
 
- Ủa, lại có chuyện đó nữa à ? Tại sao ?
 
- Thằng Dũng nghi cháu kể lại với bạn học chuyện chị Lệ, dì à.
 
- Vậy à ? Vậy cháu có kể cho bạn biết không ?
 
- Đời nào cháu ngu vậy ? Cháu biết giữ bí mật cho nó chớ, mà tại sao không hiểu, tụi bạn cũng biết hết đó, dì ơi ! Tức không ?
 
Mai thở dài :
 
- Dì tin cháu. Bây giờ hai đứa hết giận nhau chưa ?
 
Ti nhoẻn cười :
 
- Hết lâu rồi, dì !
 
Rồi chợt nhớ ra, Ti hỏi dì :
 
- Bây giờ dì tính sao, hả dì ?
 
- Sao cái gì, Ti ?
 
Mai lơ đãng hỏi cháu, tâm trí gửi tận đâu đâu. Ti la lên :
 
- Trời ơi ! Dì làm sao vậy ? Cháu hỏi chuyện gói quà chớ cái gì nữa, dì mau quên vậy ?
 
Mai sực nhớ, lừng khừng :
 
- Cũng chưa biết sao đây.
 
Ti giục dì :
 
- Mở ra coi đi dì !
 
Cô gái phì cười, vui vẻ, quên cả chuyện lâu đài thần tiên thơ mộng mà cô dày công xây đắp lâu nay vừa bị đổ vỡ bất ngờ. Ờ phải ! Vô lý quá, nếu như vậy là tình yêu. Cô tự cãi với mình rồi tự bênh mình : sao lại không ? Người ta có quyền yêu đơn phương như vậy chớ, sao không ? Có hại chi đâu ? Có điều may là nhờ có giáo dục và biết dè dặt, cô đã giữ mình, không như Lệ. Tội nghiệp cô gái ngây thơ thất học dại dột đó biết ngần nào.
 
Tình yêu ! Đẹp thật ! Nhất là tình yêu thầm lặng như mình. Đau đớn thật. Vì bị phản bội (!) nhưng cũng đáng kể lắm chứ !
 
- Mở ra đi dì !
 
Ti lại giục. Thằng quái không để cho cô gái yên thân mơ mộng, nhưng cô khó mà làm mặt giận nó nổi. Nó ngây thơ, xinh xắn, đáng yêu quá đi thôi. Đột nhiên, một thứ tình thương mạnh mẽ, rào rạt nổi dậy trong lòng người dì đối với đứa cháu mồ côi, bất hạnh. Và cùng lúc, Mai chợt cảm thấy hối hận dâng tràn. Trẻ trung, dồi dào sinh lực, cô giáo Mai đã mơ mộng xằng bậy, chọn lầm đối tượng để yêu thương. Mẹ cô ngỡ cô bận rộn bài vở của học trò, kỳ thực trong lúc mẹ cô bù đầu vì công việc nội trợ, cô đã phí thì giờ để mường tượng đến gã đàn ông họ Sở ! Cho đến nỗi cô từ chối cả việc mạng vá giúp cháu hay em cái áo, cái quần…
 
Mai vuốt tóc cháu :
 
- Được ! Cháu mở ra đi !
 
- Coi ! Sao lại cháu ? Của dì, để dì mở chớ.
 
- Cháu biết không ? Dì đã thề sẽ không lấy chồng nếu không gặp được người xứng đáng. Thà dì sống độc thân…
 
- Sống độc thân buồn chết đi, dì ơi !
 
- Ai nói với cháu vậy đó ?
 
- Dạ, anh Tùng.
 
- Lại anh Tùng !
 
Anh Tùng ! Mai chợt nhớ buổi chiều Mai thò đầu ra cửa sổ sừng sộ vì khói xe… Cái anh chàng đó khá lương thiện, cần cù, nhưng nó làm sao ấy, Mai chưa thấy mình có chút cảm tình với anh ta. Đàn ông con trai gì mà nhút nhát thấy gái là đỏ mặt lên, lúng túng như học trò bị thầy truy. Đàn ông thì phải như… Lập tức, vừa nghĩ đến đó, Mai lái tư tưởng về hướng khác, không muốn tâm trí lởn vởn mãi với cái hình ảnh con người đáng khinh kia.
 
Có nên mở gói quà ra không ? Chắc chắn là nếu cô không mở, cháu cô sẽ buồn lắm. Mai tặc lưỡi một cái, bảo Ti :
 
- Được rồi ! Để dì mở ra cho.
 
Trong lúc đôi tay khéo léo của dì thong thả mở mối dây băng bằng xa tanh, Ti hồi hộp đứng nhìn và không nén được :
 
- Đố dì, cái gì trong đó ?
 
- Làm sao dì biết được ? (giọng tâm sự) Nói thiệt với cháu : trong đời dì, dì chưa hề nhận một món quà của kẻ lạ bao giờ, quà của đàn ông… chuyện đó quan trọng lắm, cháu biết không ?
 
Lớp giấy hoa được bóc ra khỏi món quà. Ti sáng ngời mắt nhận ra một cái hộp bằng sơn mài, trên nắp có hình đôi chim đang tung cánh. Thật là một món quà đẹp, quá đẹp, Ti nghĩ thầm. Mặc dù nó không biết chuyện một cô gái nhận quà của đàn ông quan trọng đến mức nào, Ti rất mừng khi thấy dì không còn có ý muốn trả lại cho người tặng nữa, Ti trả lời dì, giọng nghiêm trang như người lớn :
 
- Dạ, cháu biết, quan trọng lắm !
 
Dì nó đẩy tờ giấy gói sang một bên, bưng cái hộp lên đem lại gần cửa sổ, mở ra. Không ai bảo ai, hai dì cháu cùng chụm đầu lại và cùng “ồ” lên một tiếng. Bên trong hộp chia làm hai ngăn, một ngăn đựng cái khăn choàng bằng voan màu ngọc thật mịn, thật đẹp, còn ngăn kia, trời ! – chu đáo quá : đựng đầy nhóc kẹo tây… những viên kẹo bọc trong thứ giấy gói xinh hết sức xinh. Chưa hết: mặt trong nắp hộp có gắn kính soi mặt nữa chớ !
 
Ti bật lên thành tiếng :
 
- Đẹp quá, phải không dì ?
 
Dìu nó không nói, chỉ gật đầu, mắt nhìn ra khung cửa sổ, như vẫn còn thả hồn bay bổng tận đâu đâu. Ti hơi bất bình thấy dì không sốt sắng vồn vập đối với lòng tốt của người bạn vong niên thân nhất của mình, nhưng không dám phàn nàn. Nó mang máng hiểu rằng gã Phó quận đáng ghét kia có một phần trách nhiệm về thái độ thờ ơ lạnh nhạt của dì nó trong vụ này, vì vậy, Ti càng ghét gã thêm. Buột miệng, nó hỏi dì :
 
- Dì ơi ! Ông Phó quận đó lấy cái gì quí báu của chị Lệ, dì biết không ?
 
Thật ra, không phải Ti vô tình đặt câu hỏi. Trong đầu óc ngây thơ của thằng bé thì gã đàn ông kia không cho Lệ gì cả mà còn lấy nhiều quà quí giá, khác hẳn anh Tùng : anh ấy không xin của dì nó, anh ấy tặng. Nhưng anh ấy tự ý tặng, còn gã kia thì dụ hoặc Lệ. Lệ dám ăn cắp tiền của cha mẹ mua quà cho gã lắm chớ không phải chuyện chơi. Ti muốn gián tiếp nhắc cho dì biết điều xấu xa của gã để dì đừng có thái độ thờ ơ với bạn mình, một người rất tốt theo ý Ti.
 
Ti không ngờ, thoạt nghe cháu hỏi, dì nó quay lại, hầm hầm nét mặt :
 
- Ti ! Cháu quá rồi. Coi chừng dì mách bà ngoại giờ, nghe ! Mày nghĩ sao mà hỏi dì câu đó ?
 
Ti không ngập ngừng chi hết :
 
- Dạ, cháu không biết, cháu với thằng Dũng bàn tán hoài mà không hiểu ; cũng không dám hỏi ai. Bữa nay tại dì biểu cháu kể ra, cháu nhớ lại nên hỏi dì đó chớ. Cháu có làm gì bậy đâu mà dì giận?
 
Dì Mai dịu giọng, gặng lại :
 
- Thiệt cháu không nói chuyện này với ai hết, chắc không ?
 
- Dạ, chắc. Chỉ nói với dì bữa nay thôi.
 
Dì gật gù :
 
- Được ! Vậy là tốt lắm. Con nít không nên mách lẻo, xấu lắm, hiểu không ?
 
- Dạ, cháu biết rồi, dì khỏi dặn (chợt nhớ lại, nó nhìn dì chăm chú) Dì ơi ! Dì chưa nói cho cháu biết ông Phó lấy cái gì của chị Lệ…
 
- Đừng nhắc đến chuyện đó nữa, nhớ chưa ?
 
Dì Mai cau mặt gắt, song dì đổi thái độ liền :
 
- Cháu ăn kẹo không ? Dì chắc là kẹo anh Tùng cho cháu đó ! Ăn đi !
 
Nói xong, Mai đưa cái hộp lại gần cháu. Ti nhón một cái đưa lên mũi :
 
- Thơm dễ nể đó, dì !
 
- Dĩ nhiên, kẹo mà…
 
- Không ! Kẹo này ngon hơn, thơm hơn mấy thứ kia, dì ơi !
 
Ti tức mình vì thấy dì không đánh giá đúng mức món quà quí giá – Lúc này nó quên thắc mắc về nỗi mất mát lớn lao của chị Lệ rồi – nên cao giọng nói. Dì nó bật cười :
 
- Dì không biết sao cháu bênh anh Tùng dữ vậy, hả ? Cháu ăn gì của ảnh ? Nhiều lắm phải không?
 
Ti đỏ mặt cải chính :
 
- Tại ảnh dễ thương nên cháu thương chớ đâu phải cháu ăn gì của ảnh…
 
Rồi nó tiếp :
 
- Ảnh có cho cháu tiền mua kẹo, nhiều lần lắm, mà không phải vì vậy cháu thương ảnh đâu. Dì chơi với ảnh dì sẽ thấy ảnh dễ thương.
 
Trong lúc thằng cháu thao thao nói, người dì sẽ sàng tháo cái khăn voan mầu ngọc ra ngắm nghía. Đôi mắt u buồn của dì lại sáng lên trong thoáng chốc, rồi dì bỗng thở dài. Ti bận thưởng thức kẹo, không quan sát dì nữa. Nó đã nhai đến cái thứ hai và cảm thấy có bổn phận mời dì cho bằng được :
 
 Dì ơi ! Dì ăn thử một cái coi, cháu nói thiệt, ngon lắm !
 
Trông nét mặt rạng rỡ, tươi tỉnh của Ti, Mai như vui lây :
 
- Biết rồi ! Không cần Ti quảng cáo. Cháu muốn ăn nữa, cứ ăn đi, dì không ăn đâu.
 
- Tại sao vậy, dì ?
 
Dì nó sa sầm mặt :
 
- Tại sao cháu hỏi làm chi ? Sao cháu tò mò quá vậy, hả ? Coi chừng !
 
Và rồi đột nhiên dì nó bật lên khóc tấm tức làm Ti hốt hoảng, ngừng nhai. Viên kẹo trong miệng chừng như hết cả thơm, cả ngọt. Ti lo lắng, hỏi dì :
 
- Sao vậy dì ? Dì giận cháu sao ?
 
Mai không nói gì hết, không phải giận cháu mà vì đang khóc, cô không nói được. Ti cảm thấy bứt rứt, không biết làm cách nào cho dì thôi khóc. Nó muốn đi ra khỏi phòng dì nhưng không làm, dù nó không an ủi dì được câu nào, nó vẫn nghĩ rằng nó nên có mặt cạnh dì nó, tốt hơn.
 
Tiếng khóc dì Mai cao lên, nức nở một chốc rồi dịu lại. Sau cùng dì thút thít nho nhỏ và… ngừng hẳn. Bấy giờ dì mới nói :
 
- Dì không giận cháu đâu. Cháu ăn kẹo nữa đi ! Rồi cháu đi chơi đi ! Để dì ngồi yên một mình, dì muốn được ngồi yên một mình. Dì khổ lắm, cháu không hiểu được đâu, Ti à !
 
Ti thấy vững lòng về câu đầu tiên dì nói. Nó nhón thêm cái kẹo nữa và đi ra. Ti không trách nhiệm gì về cái khổ của dì cả. Ti đã làm trọn cái nhiệm vụ mà anh Tùng nhờ cậy. Thế không đủ rồi sao ?
 
*
 
Bữa cơm tối diễn ra trong bầu không khí tẻ nhạt như thường lệ. Vẫn những câu cằn nhằn của ông ngoại về vụ ăn tiêu phung phí. Vẫn thái độ kiên nhẫn, chịu đựng đáng thương của bà ngoại. Cậu Toàn nhất định vừa ăn vừa mơ màng đến biển cả và tàu bè chi đó – Ti đoán thế - vì nếu cậu mà không mê mải suy nghĩ về vấn đề này thì cậu đã tỏ vẻ khó chịu, buông đũa rất sớm vì những lời cha. Ti đã quá quen với bầu không khí nhà này nên không còn khổ sở lo lắng như khi vừa mới về đây.
 
Hiện, Ti chỉ có một điều thắc thỏm : dì Mai có còn buồn khổ không ? Ti sẽ lén nhìn về phía dì ngồi, lạ quá : trông dì tươi tỉnh hết sức, như tuồng câu chuyện ban chiều đã xảy ra từ năm ngoái vậy ? Khi tia mắt dì bắt gặp mắt Ti, dì cười như có vẻ khuyến khích nó điều gì đó. Ti yên lòng quá.
 
Cơm xong, dì bảo Ti :
 
- Lát nữa lên phòng dì, đừng đánh răng liền, nghe Ti !
 
Lúc đó, ông bà ngoại đã xong bữa rồi, ông ngồi đọc báo đằng xa lông, còn bà thì đang rót nước uống cạnh cái bàn dài kê sát vách trong góc bếp. Cậu Toàn nheo mắt, giọng chế giễu :
 
- Con chim xanh bé nhỏ ! Khá khen cho ngươi sớm thành công.
 
Ti ngơ ngác không hiểu ý cậu muốn nói gì, nhưng dì Mai quay lại em trai, sừng sộ :
 
- Toàn ! Mày nói cái gì đó ? Hả ? Nhắc lại tao nghe coi !
 
- Em nói gì đâu ? Chị sao lúc nào cũng dễ nổi sùng. Em giỡn với thằng Ti mà ! Chị cấm nữa sao ?
 
Và rồi, cậu cười ngặt nghẽo, tiếng cười cậu như đuổi theo sau lưng hai dì cháu Ti.
 
Vào đến phòng, dì trở lại vui vẻ, hỏi Ti :
 
- Ti ! Hồi chiều cháu có nói gì với thằng Toàn vụ gói quà không ?
 
- Dạ, không. Cháu…
 
- Vậy sao nó biết ?
 
- Dạ, tại cháu đem vô cho dì, cậu thấy, cậu chận cháu lại hỏi rồi cậu đòi mở ra, cháu không chịu, rồi cậu kêu cháu là con chim xanh.
 
Dì mai lại cười. Mỗi lần dì cười, Ti thấy dì đẹp hơn lên và cảm thấy gần dì thêm một chút. Ti cũng cười theo ;
 
- Con chim xanh là sao, dì ?
 
- Sao không hỏi cậu Toàn ? Nó đặt cho cháu tên đó thì nó biết, chớ dì làm sao biết được ?
 
Dì xoa đầu Ti rồi bưng hộp kẹo ra, Ti hiểu tại sao dì bảo mình đừng đánh răng : để ăn kẹo xong đã. Dì cũng… khá chớ ! Dì bảo cháu :
 
- Bây giờ ăn kẹo nữa đi cho đã thèm. Dì mời cháu đó ! Dì biết cháu ưa…
 
Ti không đợi mời thêm lần nữa, thò tay vô hộp liền song nó vẫn giữ nguyên ý định, kỳ kèo dì ăn một cái thử coi. Và dì nó cũng vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn từ chiều :
 
- Không ! Dì đã nói dì không thèm là không thèm mà. Dì không phải là con nít đâu mà dễ xiêu lòng. Dì có tánh cương quyết từ nhỏ.
 
Ti không được vui vì giọng nói của dì. Nó tiên cảm rằng dù không bị trả lại món quà, xem ra anh Tùng có vẻ thất bại trong sự cầu thân sơ khởi rõ ràng rồi. Nó sẽ nói sao với anh Tùng về thái độ cứng rắn của dì đây ? Nói thật ư ? Chắc anh buồn lắm. Ti không muốn anh ấy buồn chút nào cả, anh ấy rất tốt, rất dễ thương. Nhưng mà thôi, mặc anh ấy, cái đó không phải lỗi ở Ti. Ti đâu có quyền buộc dì làm điều dì không muốn ?
 
Trông dáng bộ trầm ngâm của cháu, dì Mai gợi chuyện :
 
- Sao ? Kẹo ngon không ? Coi bộ cháu không bằng lòng dì phải không ?
 
- Cháu đã nói ngon cả chục lần rồi…
 
Ti lầm lỳ nói. Dì Mai lại hỏi :
 
- Nói cho dì nghe trong đó có gì mà cháu khen dữ vậy ?
 
- Dạ có cái có mật ong bọc chính giữa, có cái bọc rượu rum, có cái bọc mứt nhiều thứ lắm, mà cái nào cũng bọc bao ngoài bằng một lớp sô cô la. Có phải dì thích sô cô la không ? Hồi năm ngoái cháu được phần thưởng cũng có hộp kẹo mà nó làm sao đâu, nó hôi mùi rệp quá, dì nhớ không ? Cái này thơm…
 
Hình như dì Mai mất dần vẻ cương quyết :
 
- Có mật ong chính giữa nữa hả ? Thiệt không ?
 
- Cháu nói láo với dì làm chi ? Dì nếm thử coi ! Để cháu lựa cho dì cái có mật ong, nghe ?
 
- Ừ. Lựa cho dì cái nào có mật ong chính giữa đi, Ti !
 
Ti vui thích đến nỗi nó nhảy tót lên giường dì, trổ tài nhào lộn một vòng rồi mới bưng hộp lên, chọn cho dì viên kẹo mà nó tin chắc là có bọc mật ong chính giữa.
 
Mai đón lấy, thong thả tháo lớp giấy gói, thong thả cho vào miệng, thong thả nhai. Ti nín thở theo dõi dì, cho đến khi dì nó nhìn nó, thong thả buông ba tiếng :
 
- Cũng đường được !
 
Thằng bé đa cảm thở phào một cái, nhẹ nhõm trong lòng, cùng lúc nó hơi bất bình : ngon hẳn đi chớ đường được là nghĩa lý gì ? Chợt dì nó la lên :
 
Ti ! cái kẹo này không có mật ong !
 
Ti sốt sắng ;
 
- Cháu lựa lộn, cháu lựa dì cái khác, nghe ? Chắc chắn lần này không lộn nữa.
 
Mai không phản đối đề nghị của cháu. Khi người dì nhận cái kẹo thứ hai thì đứa cháu cũngchọn cho mình một cái y như cái đưa dì và vội vàng mở giấy, ăn liền để biết chắc là mình không lựa lầm nữa. Quả nhiên, lần này dì nó gật gù khen :
 
- Phải ! Có mật ong. Ngon thiệt đó, Ti !
 
Khi đã bắt đầu, người ta khó lòng mà ngừng lại. Vì vậy, cháu mời thêm dì một cái, dì mời lại cháu một cái, trong thoáng chốc ngăn đựng kẹo vơi dần. Dì cháu nhìn nhau, bình phẩm suýt soa, cái này thơm hơn cái kia, cái kia ngon hơn cái đó… Hình như dì trẻ lại, nhỏ xuống ngang hàng cùng đứa cháu, cách biệt thua dì đến trên chục tuổi trời !
 
Đang vui vẻ, bỗng dì Mai thở dài :
 
- Chết rồi, Ti ơi !
 
Ti giật mình, trố mắt nhìn dì :
 
- Cái gì vậy dì ?
 
- Dì đã ăn kẹo của anh Tùng, biết nói sao đây ?
 
- Cần gì phải nói ? Anh Tùng có đòi dì phải nói gì với ảnh đâu ?
 
- Cháu khờ lắm. cần gì người ta đòi ?
 
- Giờ dì tính sao ?
 
- Mai cháu gặp ảnh không ?
 
- Dạ, có, ảnh hẹn gặp cháu chỗ vườn hoa, lúc năm giờ.
 
- Vậy thì đươc. Cháu nói với anh ấy là dì có nhận hộp quà, dì cảm ơn nghe không ?
 
- Dạ, cháu sẽ nói.
 
- Chưa hết đâu. Nếu ảnh có hỏi dì sao không trả lời thơ ảnh…
 
- Ủa, có thơ sao dì ? Sao cháu không thấy đâu hết ? Ảnh có viết thơ sao ?
 
- Cháu thấy gì nổi ? Ai thấy kẹo cho cháu mà cháu thấy thơ ?
 
Ti bẽn lẽn cười song vẫn thắc mắc không rõ cái thư nằm chỗ nào trong hộp kẹo mà mình không thấy. Dì Mai nói tiếp :
 
- Nói với ảnh là ảnh đừng hy vọng gì hết, tốt hơn, nhớ không ? Đâu, cháu lặp lại lời dì coi.
 
- Dài quá, cứ nói cảm ơn không thôi không được sao, dì ?
 
- Cứ nói y như dì dặn, đừng có lôi thôi. Đâu nói lại dì nghe thử coi !
 
Giọng dì Mai nghiêm nghị. Ti hơi phật ý song vẫn vâng lời dì :
 
- Nói với ảnh là dì gởi lời cảm ơn gói quà mà ảnh đừng có hy vọng gì hết.
 
Dì Mai quát lên :
 
- Ti ! Cháu giở chứng gì vậy, hả ? Sao lại nói cảm ơn gói quà là nghĩa lý gì ? Phải nói rõ ràng chớ. Cảm ơn người cho quà chớ sao lại cảm ơn gói quà ? Cháu học tới lớp mấy rồi mà ăn nói ngu vậy?
 
- Được rồi ! Cháu nói tắt vậy chớ cháu đâu có ngu ?
 
Bầu không khí thân mật, cởi mở, vui vẻ trước đây năm phút tiêu tán tức thì. Dì Mai trở lại khó đăm đăm. Ti cũng xịu mặt xuống, đi ra khỏi phòng dì.
 
Vừa đi, thằng bé vừa ngẫm nghĩ về những lời dì nó dặn. Được rồi. Cảm ơn anh Tùng về chuyện biếu quà. Ti tự nhủ sẽ nói câu này đầy đủ, không thêm, không bớt. Còn câu sau hả ? Đừng hòng. Ti đâu có ngu : tại sao Ti lại làm khổ anh Tùng chớ ? Ti sẽ không nói một tiếng về câu sau. Không bao giờ. Dì giỏi, dì cứ nói thẳng với anh Tùng. Ti không nói. Ti không muốn anh Tùng khổ. Ti thương anh ấy lắm !
 
Chợt nhớ đến lời cậu Toàn, Ti lẩm bẩm : Hừ ! Con chim xanh ! Mình mà được làm con chim xanh thử coi, mình đã bay tuốt đi mất, mình cóc thèm ở trong cái nhà đầy người khó chịu như thế này !

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III