1.
Năm mới lên ba, tôi đã phải xa gia đình, xa Sài Gòn để về sống
với bác trai ở Châu Đốc, vì lúc đó má tôi vừa mới sinh thằng em út, vừa
lâm bịnh nặng, lại vừa phải mổ, nên bà không thể chăm lo cho tôi được.
Phải xa gia đình sớm như thế (mặc dù ở với bác trai là một người rất
nhân hậu, và các anh chị họ của tôi cũng vui vẻ), nên lúc nào mặt tôi
trông cũng dàu dàu. Lắm lúc tôi cứ khóc thầm một mình, khi gặp việc gì
gợi nhớ đến gia đình tôi. Nhưng người ta nói rằng trong họa có phúc, rất
đúng với trường hợp này. Hóa ra những năm tháng phải xa nhà đó lại là
những chuỗi ngày thần tiên, thơ mộng nhất mà tôi đã sống thuở ấu thời.
Trong
trí nhớ của tôi, Châu Đốc là một tỉnh lẻ quanh năm ngập tràn cỏ cây hoa
lá, nhưng hoa dại nhiều hơn là hoa được trồng tỉa trong vườn, và tôi
như một cánh bướm con con bốn mùa tha hồ tung tăng bay lượn trong khung
trời hoa mộng đó.
2.
Cứ mỗi cuối
tuần, ông giáo sư Luông, ở nhà "công vụ" gần nhà bác tôi, đều dắt tôi và
chị Tâm, chị họ của tôi, đi hái hoa ở một cái ao, đầm gần đó, ngay đàng
sau những căn nhà phố! Châu Đốc đúng là một tỉnh lỵ nửa tỉnh nửa quê :
bạn sẽ nghĩ mình đang sống trong phố thị khi đi ngoài đường, nhưng nép
mình sau bộ mặt hiện đại của những căn nhà phố đó lại là ruộng đồng như
ở một vùng nông thôn thứ thiệt! Sau khi đã xin phép những người nông
dân lảng vảng gần đó, ông giáo sư Luông sẽ leo xuống gần mép nước, và
hái cho hai đứa chúng tôi mỗi đứa một ôm hoa lục bình đẹp tuyệt vời! Màu
xanh xanh phơn phớt tím của những cánh hoa lục bình mong manh đó đã
chiếm một vị trí trang trọng trong ký ức của tôi, để rồi chỉ vài năm sau
khi đã "phải" xa Châu Đốc, kỷ niệm đó đã biến thành những vần thơ, áng
văn non nớt đầu đời, luôn luôn ca tụng một miền quê "ngoại" yên ả,
thần tiên, ngập tràn nhũng sắc hoa đồng nội! Sau khi đã hái hoa lục
bình, ông Luông lại xin phép những chú nông dân gần đấy lần nữa, sau khi
thấy những cành hoa lạ mọc bên bờ nước, để hái chúng cho tụi tôi, những
cành hoa chỉ mới là những nụ tròn tròn bé bé màu nâu, nên cho tới bây
giờ tôi vẫn không biết được đó là hoa gì. Ôm bó hoa lục bình xinh xắn
trong tay trên đường về, tôi cứ mê mẩn ngắm nhìn mãi tác phẩm diệu kỳ
của Thượng Đế ấy, vì chỉ lát nữa đây, tôi sẽ phải dúi chúng vào sau kệ
tủ, vì sợ bác trai trông thấy mà la rầy! Vào dịp Tết, ông giáo sư Luông
yêu trẻ con ấy thường gởi tặng chị Tâm và tôi những tấm bưu thiếp in
hình đủ loài kỳ hoa dị thảo trên đời, dù giáo sư Luông chỉ sống cách
chúng tôi khoảng năm, sáu căn nhà, và không ngày nào là không gặp mặt!
Nhưng những cánh hoa lộng lẫy nhưng xa lạ ấy đã không bao giờ làm rung
động được trái tim bé nhỏ của tôi, vì trọn tình yêu hoa của tôi ngay từ
thuở ấu thời, đã trao hết về những cánh hoa lục bình thơ ngây, đơn sơ
ấy rồi!
Vào dịp Phật Đản, cả
tỉnh Châu đốc
dường như rộn rịp hẳn lên. Ngay từ sáng sớm, những cô bác Phật tử cao
niên đã tề tựu đông đủ về nhà bác Giáo, một đầu bếp cừ khôi, cũng là
láng giềng của bác tôi, để chuẩn bị bữa cỗ chay thịnh soạn mừng sinh
nhật của Đức Phật. Lũ trẻ con chúng tôi đâu có việc gì làm, nên chỉ lăng
xăng chạy ra chạy vào, chỉ tổ quẩn chân người lớn, nhưng thỉnh thoảng
được họ dúi cho một miếng đồ chay gì đấy, ăn rất ngon vì lạ miệng. Các
chị Phật tử thì có nhiệm vụ đi hái các loại hoa đồng nội từ khắp các
nơi gần xa về, sẵn sàng cho buổi lễ long trọng sẽ được diễn ra vào buổi
tối. Tới giờ cử hành lễ, chính những chị Phật tử ấy, lần này trông
rất tươm tất trong những bộ đồng phục Phật tử, sẽ đi vòng quanh, lên
xuống bức tượng Đức Phật trang nghiêm, bệ vệ đặt ở giữa sảnh, vừa đi
vừa tung những vốc hoa muôn màu muôn sắc ấy lên thân tượng Phật, như
muốn thành kính dâng lên Ngài tất cả tình hoa của đất trời hội tụ. Trong
đời tôi, cho tới lúc ấy, tôi chưa từng được trông thấy nhiều loại hoa
như thế cùng tụ tập tại một chỗ, vì chỉ thỉnh thoảng ngắt trộm một dây
trái mồng tơi tím ở hàng rào nhà hàng xóm, hay nhặt một cánh hoa phượng
rơi trong công viên gần nhà, đối diện với chùa Bồ Đề, hoặc hái một đóa
hoa mười giờ trên bãi cỏ sân trường nữ tiểu học của tôi mà thôi. Vẻ đẹp
đơn sơ bình dị của vẻn vẹn mỗi một bông mỗi một lúc thì làm sao sánh
được với cả một lăng kính vạn hoa đủ màu sặc sỡ tập trung trong ngày lễ
đó : nào hoa giấy đời thường nhưng hiệu quả vì có đủ màu, hoa phượng
đang mùa nở rộ thắm đỏ sắc hè, hoa hoàng anh vàng tươi lộng lẫy, hoa
điệp hai màu đỏ vàng nhị hoa lún phún như ria mèo, hoa súng vẫn còn ướt
sũng và thoang thoảng mùi thơm nhè nhẹ, hoa cúc dại, hoa vạn thọ cũng
khiêm nhường góp mặt, hoa sao nhái mỏng manh nhưng hương sắc vẹn toàn,
bông bụp đỏ thắm, hoa ngũ sắc thơm sực nức, rồi hoa mào gà to xù,
thô kệch, trông y như mào con gà trống, hoa trang vàng, đỏ lia tia
từng chùm như pháo bông, hoa sứ, hoa lài tình khiết, hoa bằng lăng, hoa
mua tím hoang dại, hoa ngâu vàng lí ti như những hột cườm, hoa trúc
đào màu hồng tươi đẹp lung linh và thơm diệu kỳ, hoa nguyệt quế, hoa
dành dành trắng muốt... có cả những loại hoa dại cho tới bây giờ tôi vẫn
không biết được tên... Muôn vàn cánh hoa đồng nội, mỗi hoa một vẻ,
một hình dáng, sắc hương khác nhau, đã khiến tôi ngây ngất và đứng ngồi
không yên! Một mặt, tôi muốn chạy lên sân khấu để gom hết những đám hoa
ấy về chơi bán đồ hàng, mặt khác, vì quá nhút nhát, nên tôi cứ ngồi
chết dí một chỗ mà thèm ước. Nếu không có chị họ của tôi, tuy bằng tuổi
tôi nhưng lại rất bạo dạn, lên gom hết hoa vào một, rồi hai cái nón lá
to tướng, khệ nệ mang về cho tôi, thì ước mơ lúc đó của tôi vẫn sẽ mãi
mãi là mơ ước, và không bao giờ trở thành hiện thực được. Đêm đó, tôi
trôi vào giấc ngủ êm đềm đầy mộng đẹp, tưởng mình biến thành cánh bướm
tung tăng lạc vào vườn xuân, với cả một trời lá hoa tươi thắm.
Vẫn
còn một kỷ niệm hoa mộng nữa với Châu Đốc mà không hiểu sao suốt cuộc
đời tôi không thể nào quên, dù có lẽ đối với người khác, điều đó chẳng
là gì : một hôm tôi được phép lang thang một mình trong khu vườn hoang
vắng trong khuôn viên Ty Thuế Vụ, sở làm của bác tôi. Một khung cảnh đẹp
như phim hiện ra trước mắt tôi mà tôi vẫn không sao tin được rằng đó
là sự thật : một cánh đồng hoa sao nhái vàng óng rung rinh trong nắng
sớm, trong tiếng gió rì rào qua muôn ngàn lá trên đầu. Cánh đồng hoa
ngút mắt cao hơn đầu người, mà nếu lũ trẻ tụi tôi có chơi trốn tìm trong
đó, cả ngày chắc cũng khó tìm ra! Giữa đồng hoa sao nhái hoang dại thơm
ngát khiến hồn tôi lâng lâng bay bổng, bỗng mọc lên duy nhất một giò
hoa huệ vút cao và đơn độc, bên cạnh một cây cà chua lủng lẳng trái
thì còn xanh, trái đã chín đỏ, cũng lạc loài cô đơn không kém giữa
cánh đồng hoa sao nhái mênh mông. Sự hiện diện của chúng nơi đây quá đỗi
tình cờ tới độ ta chỉ có thể nói rằng đó là sự xếp đặt của Tự Nhiên mà
thôi.
3.
Năm lên tám tuổi, tôi lại
phải làm một cuộc chia ly nữa, kỳ này là để giã từ Châu Đốc (nơi tôi
không muốn đến năm lên ba, nhưng rồi lại không muốn xa rời năm năm sau
đó), để trở về với gia đình của tôi ở Sài Gòn, vì bác tôi đã tới tuổi
nghỉ hưu, nên phải trả lại nhà công vụ cho chính phủ, và trở lại Sài
Gòn sống với con cái.
Thời gian, giống như
cái chết, là tấm vé một chiều! Không ai tắm được hai lần trong cùng một
giòng sông. Bạn không thể trở về chốn cũ một lần nữa, vì mọi thứ đã
khác xưa, ngay cả tôi cũng không còn là cô bé năm, sáu tuổi vụng dại
ngày nào, luôn nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Chỉ ước được một lần
lang thang trên những hương lộ vắng vẻ, yên ả ngày xưa, trong ánh nắng
của hoàng hôn dần xuống, để vơ vẩn hái những trái mồng tơi tím bên
hàng giậu nhà ai, rồi bóp nhẹ để thấy màu mực tím hồng lan ra tay, hay
ngồi lại bên bờ ao ngắm những cánh hoa lục bình tìm tím lờ lững trôi xa,
để tìm lại màu hoa tím năm xưa, và sống lại những tháng ngày hoa mộng
êm đềm trong dĩ vãng.
Trần Thị Phương Lan