CHƯƠNG I
Vừa
ra khỏi cổng trường, Ti vội vàng băng ngã tắt về nhà. Không phải Ti
muốn về sớm để giúp đỡ cha mẹ trong công việc lặt vặt như lời thầy dạy
mà vì nó đói quá. Buổi sáng trước khi đi học rất ít khi Ti được nắm xôi,
hay khúc bánh mì như bạn học ; thường thì nó chỉ được chén cơm nguội
hay – sang hơn – là chén cơm chiên. Cứ sau giờ ra chơi là thằng bé đói
meo rồi. Ti biết bà ngoại rất thương nó, song bà không thể nào tỏ ra
rộng rãi với cháu được vì ông rất nghiệt, ông cho là nuôi đứa cháu ngoại
mồ côi này làm ông nghèo thêm, nó là cái gánh nặng bỗng dưng ông bị
trao cho, đáng ra nó thuộc về bên nội mới là đúng lý.
Tội
nghiệp Ti : nó mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn bé lắm nên không hiểu rõ
hai người chết vì lý do gì. Cho đến nay, nó gần qua khỏi bậc tiểu học,
nó vẫn còn mù mờ về điều đại bất hạnh của mình. Xung quanh, không ai nói
cho nó biết hết, kể cả ông bà ngoại.
Dân
trong vùng này – cứ theo cái lối họ nhìn thằng bé là nó hiểu – hình như
đều biết rõ mẹ Ti. Họ không ngớt lời khen mẹ nó : nào xinh đẹp, nào
giỏi giang v.v… đủ thứ, ngay trước mặt nó. Song luôn luôn sau những lời
khen kèm theo một cái tặc lưỡi, cái thở dài cùng với hai tiếng : “Thế
mà… “ rồi họ im luôn. Cái nhìn lúc bấy giờ nửa ái ngại, xót thương, nửa
như khinh rẻ làm cho đứa bé mồ côi cảm thấy khó chịu, vội vàng cúi xuống
và nó bắt gặp đôi xăng đan mòn, rách được bà ngoại dùng kim khâu khíu
cho đến nỗi không còn chỗ trống nào để đặt mũi kim ! Ti tủi thân muốn
khóc, song từ lâu lắm, nó được người ta dạy cho rằng con trai mà mỗi
chút
mỗi khóc là hèn, là đồ bỏ đi, sau này chẳng làm nên trò trống gì nên nó
cố nén, quay phía khác.
Ti
biết mẹ nó là con gái lớn của ông ngoại, hình như ông đặt nhiều hi vọng
vào người con gái xinh đẹp, giỏi giang đó song mẹ nó đã làm ông thất
vọng bằng cách từ chối lời cầu hôn của vài người có địa vị, sang trọng
mà bằng lòng làm vợ cha nó, một người thợ nhà in gốc gác đâu tận miền
Trung xa lắc, xa lơ. Ti còn biết là cha nó rất dễ mến, tính nết hiền
hoà, vui vẻ, lễ độ với tất cả mọi người. Nhưng với ông ngoại thì những
cái đó không có ích lợi thiết thực chi cả, vì vậy cha nó không được ông
ưa.
Ti
còn giữ được một tấm hình cha mẹ nó chụp chung vào ngày cưới, trông khá
đẹp đôi và phải công nhận là mọi người khen mẹ nó không ngoa. Và tuy
cha nó không đẹp như mẹ nó, Ti vẫn yêu cha lắm.
Ông
bà ngoại có cả thảy bốn người con, hai trai, hai gái. Trừ mẹ Ti đã
chết, người con trai kế chưa có vợ nhưng làm việc tận Sàigòn.
Lâu
lâu cậu Hân mới về bằng chiếc xe hơi của sở trông hết sức sang trọng
làm mọi người đều loé mắt, nhất là trông cái dáng bộ kênh kiệu của cậu
Hân. Cậu có vẻ là một người thành công trong đường đời – về mặt tài
chánh, dĩ nhiên – Trong nhà, cậu có vẻ hợp với ông ngoại nhất. Hai cha
con ngồi lại cùng đồng ý với nhau nhiều điểm, mà điểm chính là : có tiền mua tiên cũng được và họ bàn bạc hàng giờ về công chuyện làm ăn tại Saigon với giọng hăng say, tin tưởng.
Thỉnh
thoảng, cái gánh nặng đè lên vai ông ngoại (là Ti) được lôi ra mổ xẻ,
than phiền. Những lần như vậy, Ti luôn luôn muốn lẩn tránh nhưng không
được. Vì lẽ giản dị là nó đang phải đánh giầy, xếp áo cho cậu hay pha
nước, lấy tăm cho ông chi đó.
Cũng
may là cậu ít khi về, chứ cậu về đều đều thì không biết Ti sẽ khổ đến
mức nào, không phải Ti bực khổ vì phải chạy mua thuốc lá, bao diêm hay
vì giặt khăn mặt, mùi xoa cho cậu mà vì phải nghe ông ngoại phàn nàn về
chuyện cưu mang Ti. “Đó, con coi, tao chừng này tuổi rồi chớ phải đôi ba
mươi chi ? Thiệt là ăn bên nội, tội bên ngoại, cái đồ chó chết ! Cái đồ… “
Rồi
ông ngoại xoay qua than phiền chuyện học hành của cậu Toàn, con trai út
của ông : “Đã biểu thi vô Luật khoa mà không nghe, ưng đi Hải quân. Đồ
thứ ngốc, thời buổi này, đánh đá kiểu này… Tao chán con với cái quá đi”.
Dì
Mai, con gái thứ ba, em kế cậu Hân và là chị cậu Toàn lâu lâu cũng bị
ông ngoại rầy rà : “Ngồi đó mà ôm lấy ba cuốn sách, đói dài có ngày”.
Tóm lại, trong bốn người con, chỉ cậu Hân là được ông biệt đãi vì đã
biết chọn con đường lập nghiệp theo đúng ý ông.
Ông
ngoại thường nhắc cho dì Mai cái gương tày liếp là mẹ Ti, đã cãi lời
ông mà làm vợ một người thợ nhà in, và theo ông, tất cả bất hạnh xảy ra
là do hành động nông nổi của mẹ Ti mà nên nỗi.
Dì
Mai làm nghề dạy học, dì là một cô giáo tiểu học trường tư. Dì không
xinh đẹp, mảnh mai như mẹ Ti – điều này làm Ti rất ngạc nhiên vì họ là
chị em ruột – Ti công nhận khi nào dì vui trông dì khá ưa nhìn, dễ mến,
song khi dì cáu lên thì ôi thôi, khỏi nói : Ti chỉ mong mọc cánh mà bay
cho khuất mắt dì !
Ngoài
thì giờ đi dạy và bữa ăn, dì rút lui vào phòng riêng với bài vở học
trò, với cả chồng tạp chí, tiểu thuyết. Cây bút trong tay dì không chỉ
để chấm bài cho học trò mà còn để chép những vần thơ ướt át, hay ho.
Nghe đâu dì còn làm thơ nữa, nhưng thơ dì ít được ra mắt độc giả, vì
giông giống như thơ “con cóc” (theo lời cậu Toàn). Ti đoán rằng dì cũng
thương Ti đấy, song thì giờ đâu chăm sóc cho cháu ? Dì bận quá : học trò
này, bài vở này, sách báo này v.v…
*
Ti
sống trong gia đình ông bà ngoại cô độc như thế đó, nó phải tìm bạn ở
ngoài. Mà bạn học thì ưa trêu chọc, chế giễu nó về cảnh côi cút của nó
nên thằng bé trở thành nhút nhát, buồn rầu.
Tuổi
thơ của nó trôi đi trong những tháng năm dài ảm đạm, như thể là người
ta chịu đựng một mùa đông toàn những ngày mưa dầm u ám, lê thê. Song dạo
gần đây Ti chợt bắt gặp đôi tia nắng ấm hiếm hoi quí báu : Ti được quen
với anh Tùng.
Anh
ấy làm thợ máy trong một xưởng sửa xe hơi cách trường Ti cỡ vài cây số
ngàn. Ti còn nhớ rõ đôi bên đã quen nhau trong trường hợp bất ngờ và
thân nhau thật dễ dàng.
Hôm
đó trời mưa to, bãi học Ti lủi thủi ra về có một mình. Nhà nó xa hơn
hết so với lũ bạn. Cái áo mưa rách của bà ngoại cho vừa rộng , vừa dài
nhưng không ngăn nổi những giọt mưa lẻn vào làm ướt đẫm cả thân hình bé
nhỏ còm nhom của nó. Khi băng qua đường nó vội vàng, quên nhìn trước
nhìn sau đâm sầm vào xe anh Tùng (cùng trên đường về). Anh sừng sộ vì
phải một mẻ hoảng hốt, suýt cán nhằm thằng bé, hét lên :
- Thằng ranh ! Đi đứng kiểu gì vậy ? Hả ? May ta không thắng kịp thì sao ?
Ti vừa lồm cồm bò dậy, ướt loi ngoi, run lập cập, ấp úng không ra tiếng. Trông dáng bộ thằng bé, anh bỗng động lòng, dịu giọng :
- Phải để ý ngó trước, ngó sau chớ…
Và thêm :
- Em con ai vậy ?
Nghe thằng bé kê khai tông tích, anh hơi giật mình, dịu giọng hơn :
- Anh biết rồi. Anh biết mẹ em ! Tội chưa ? Đừng buồn anh nghe ? Tối rồi, thôi lên đây anh chở về…
Thấy nó còn do dự, anh tiếp :
- Lên đi ! Đừng sợ. Nhà anh cùng đường với nhà em mà.
*
Vậy là đôi bên quen nhau và trở thành thân nhau rất chóng.
Anh
Tùng thường mặc bộ quần áo ka ki xanh dương lấm lem dầu mỡ, cái mũ két
cũng cùng tình trạng. Khi biết được anh làm thợ máy, Ti càng mến anh
hơn. Đầu óc đơn giản của thằng bé, thợ nhà in và thợ máy cũng là thợ. Nó
tìm hình ảnh của cha nó xuyên qua anh Tùng và cảm thấy hình bóng cha nó
ẩn hiện thấp thoáng nơi anh. Anh vui tính, hồn nhiên, cởi mở lắm – chắc
cũng giống như cha nó ? Không kiểu cách chút nào, khác hẳn cậu Hân của
nó, anh không có những bộ com lê sang trọng, không có sơ mi trắng lốp,
không thắt cà vạt, không có cái cặp da đầy nhóc giấy tờ, thiếu cả đôi
bút máy vàng choé luôn luôn giắt ở túi áo trên như cậu Hân, nhưng anh
thừa lòng tốt và nụ
cười nhân hậu để ban phát cho Ti.
Lâu lâu, anh đặt câu hỏi :
- Ti ! Em thèm kẹo không ?
Rồi,
không đợi thằng bé trả lời anh thò tay vào túi quần lục lọi. Lần đầu
thấy anh làm vậy, Ti nín thở sợ lại phải thấy tái diễn trò đùa như cậu
Hân đối với mình (sau khi sai phái Ti một trăm linh tám việc, chưa kể
tối tối treo mùng, sáng sáng xếp dọn chăn chiếu, cậu đặt câu hỏi như vậy
rồi moi từ túi quần ra một tờ giấy trăm đỏ mới tinh, thở dài và nói :
- Cậu không sẵn tiền lẻ. Cháu ngoan lắm, thôi để bữa khác cậu cho tiền ăn kẹo, nghe !
Lạ
lùng một điều : luôn luôn cậu không sẵn tiền lẻ mỗi khi muốn cho Ti,
còn khi sai nó đi mua sắm thứ gì thì lại luôn luôn có sẵn.)
Nhưng không, Tùng lôi ra mấy tờ giấy hai chục và mấy đồng bạc chì một chục, đưa cho Ti đồng chì 10đ, vui vẻ bảo :
- Đây ! Mua kẹo ăn cho vui đi em, Ti !
Ti nhìn anh rồi nhìn đồng bạc, trong bụng phân vân không biết nên nhận hay không thì anh lại tiếp, giọng ôn tồn, âu yếm :
- Lấy đi, Ti ! Đừng ngại. Anh em mà. Anh mới biết em đây chớ anh biết mẹ em lâu rồi. Hồi bằng em, anh thèm kẹo lắm, Ti à !
Anh biết mẹ em ! Bốn tiếng đó có một hấp lực mạnh mẽ, xua tan mọi do dự trong lòng Ti.
Có
một lần Ti kể cho anh Tùng biết rằng hình như mọi người không ưa cha
Ti, bằng giọng buồn buồn. Anh xoa đầu nó, trầm ngâm một giây rồi tìm lời
an ủi :
-
Có anh đây ! Anh quí ba em lắm, dù anh không biết ba em. Em đừng buồn
nữa, nghe không. Mà Ti này, cần gì chuyện ưa hay ghét ? Một người đã
chết đâu cần cái vặt đó ? Quan hệ gì đâu ? Điều can hệ là người sống đây
này…
Ti thường suy nghĩ về lời anh Tùng và nhận là anh nói đúng.
Phải
! Đối với một ngưòi đã chết thì ai thương ai ghét có nghĩa lý gì ? Tình
thương chỉ cần thiết đối với người sống, nhất là đối với một đứa bé như
Ti đây này. Chao ơi ! Ti cần tình thương lắm, như thể nước, không khí
và ánh sáng mặt trời đối với một chồi non.
Thật
may mắn cho Ti : Ti đã gặp và thân được với một người tốt bụng như anh
Tùng. Sao anh ấy không là cậu Toàn, hay là cậu Hân nhỉ ? Ti sẽ sung
sướng đến ngần nào ?
*
Đôi
bạn vong niên mỗi ngày càng thân nhau. Anh Tùng quen lệ đưa Ti về nhà
mỗi buổi chiều sau khi tan học, dù nắng hay mưa. Anh nói với Ti là năm
tới anh sẽ có một cái xe honda mới rất ngon lành. Hiện giờ thì anh đã đủ
tiền để sắm nhưng còn trong mùa mưa, sắm xe mới vào mùa mưa là một điều
thất sách. Ti đồng ý với anh về điểm này. (Nói chung thì Ti luôn luôn
đồng ý với anh). Trong lúc chờ đợi qua mùa mưa, anh còn phải chịu khó
chở Ti và còn phải chịu khó ngồi sau cái yên xe cũ, mỗi lần xe chạy là
một lần điếc óc inh tai, khói phun mù mịt.
Một
bữa vào buổi chiều anh chở Ti về như thường lệ. Khi Ti xuống xe sắp vô
nhà, anh loay hoay nổ máy thì nó giở chứng không chạy tới, mặc dù tiếng
nổ càng lúc càng to, khói tung lên mù mịt, bay tuốt vào phòng dì Mai qua
cửa sổ. Hình như dì đang làm thơ thì phải. Cô gái giận dữ buông bút,
thò đầu ra cửa sổ quát lên :
- Ai mà kỳ vậy ? Nổ xe ngay trước mũi người ta vậy…
Anh Tùng bẽn lẽn khi bắt gặp khuôn mặt cô gái, đưa mắt nhìn Ti ngầm hỏi và Ti giới thiệu nho nhỏ :
- Dì Mai em đó, anh !
- Xin lỗi cô ! Cái xe này…
Mai vẫn chưa nguôi giận :
- Làm như đây là cái ga-ra không bằng.
Ti thấy khó xử quá, nó biết anh Tùng rất bực, muốn giúp anh mà không biết làm sao ; đành chỉ đứng nhìn, chia sẻ suông thôi.
Song rồi sau cùng anh ấy cũng làm cho xe chạy được. Ti đứng nhìn theo cho đến khi anh khuất dạng mới ôm cặp vô nhà.
Từ
hôm đó trở đi, anh không bao giờ chở Ti về tận hiên. Anh đậu xe bên
đường, gần nhà và đỗ người bạn vong niên xuống. Ti thắc mắc :
- Anh giận em sao ?
Tùng lầm lỳ :
- Không ! Anh không bao giờ giận em, nhưng dì em khó chịu quá. Mẹ em hồi đó dễ thương hơn.
Nghe nhắc đến mẹ, Ti tò mò hỏi vì muốn so sánh hai người :
- Dì em với mẹ em, ai đẹp hơn ?
- Mẹ em đẹp hơn dì em.
Rồi anh chợt đỏ mặt lên, thêm :
- Dì em cũng đẹp lắm chớ, nếu dì em đừng có làm bộ…
Lần này Ti lại thấy nó giống anh Tùng thêm một điểm nữa, khiến nó càng mến anh hơn.
Ti nghĩ rằng anh giận dì Mai nhưng nó không quan tâm mấy. Điều cần là anh không giận nó, thế là được rồi.
Lạ một điều : ít lâu sau đó, anh Tùng ưa hỏi Ti về người dì khó tính của Ti.
Một
hôm, sau khi hai anh em đi chơi về thay vì chở Ti về như thường lệ, anh
lại chở thẳng nó đến nhà anh. Giọng úp mở, anh tắt máy xe, bảo nó chờ
anh một chút anh ra liền.
Rồi
anh vô nhà hồi lâu. Khi trở ra, trên tay anh có một gói lớn hình chữ
nhật, lớn hơn hộp bánh bít-qui “Lu”, gói ngoài bằng một thứ giấy hoa
trang nhã, lại có thắt nơ bằng xa-tanh mầu xanh da trời thật đẹp. Anh
lặng lẽ ra hiệu cho Ti lên xe đoạn đưa gói giấy cho nó cầm…
Khi đến nhà Ti anh phóc xuống trước, giọng lần này trầm hẳn lại, không được tự nhiên như thường lệ !
- Anh nhờ em chút : đưa gói này cho dì Mai , giùm anh, nghe ?
Ti
ngạc nhiên quá : sao lại dì Mai chớ không phải là ai khác, hay là Ti ?
Làm gì có tình bạn giữa hai người này kìa ? Họ có ưa nhau đâu ? Dì mai
của Ti… Tuy nhiên, Ti không phật ý về chuyện nhờ cậy này. Trông thấy Ti
đứng yên, Tùng ngỡ thằng bé không bằng lòng, anh hỏi :
- Sao ? Em giúp anh không ? Anh gởi cho dì Mai, mà… mà anh vẫn thương em chớ không hết thương em đâu, đừng sợ…
- Em đâu có sợ ? – Ti đỏ mặt cải chính – Để em đưa cho dì Mai liền.
- Cảm ơn em ! Mà em nhớ đưa tận tay dì và đừng để cho ai biết nghe.
Nói xong, anh lại thót lên yên xe, rồ máy, phun khói chạy liền, như thể có gì làm anh lo ngại, không dám chần chờ.
Ti ôm khư khư gói quà xinh đẹp, cẩn trọng bước từng bước lên mấy bậc cấp vào nhà.
Không
thấy dì Mai ở phòng khách, bà ngoại thì đang bận rộn dưới bếp. Cậu Toàn
đang ông ổng ngâm thơ, giọng cậu mà ngâm mấy câu Kiều đầy vẻ êm đềm
thanh nhã thế này mới buồn cười làm sao :
- Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông…
Chợt
ngẩng lên, trông thấy Ti với gói quà sang trọng và bộ dạng tươi tỉnh,
cậu gọi giật nó lại sau khi huýt gió một cái ra vẻ ngạc nhiên :
- Ê ! Ti ! Cháu có gói quà ngon lành há ? Mua cho cậu phải không ?
Ti lúng túng đứng lại, đỏ bừng mặt lên, ấp úng :
- Dạ, đâu phải của cháu, đó là của… của…
- Của ai ?
Ti càng lúng túng thêm trước vẻ xoi bói, nghịch ngợm của cậu út nhà mình. Toàn giả vờ giận dữ :
- Hay là của ăn cắp ? Sao không nói ra, Ti ? Nói thật đi, cậu tha cho, cậu không mách ông đâu.
Ti
mà ăn cắp ? Trời ơi ! Cậu Toàn khinh Ti quá. Theo lời anh Tùng, thì cha
Ti, một người thợ nhà in suốt ngày sắp chữ, in những cuốn sách dạy
người ta phải lương thiện, ngay thẳng – thằng bé lúc nào cũng ngỡ là
những gì in thành sách đều hay đều tốt – Ti, đứa học trò cưng của thầy
giáo Hảo, vừa ngoan, vừa giỏi nhất lớp mà đi ăn cắp ? Cậu Toàn không
hiểu chi hết, hèn chi cậu thi Luật rớt phải quá mà ! Cơn giận làm Ti
phát khùng lên, quên cả lễ phép :
- Ai thèm ăn cắp…
Cậu Toàn làm như không thấy Ti nổi giận, gặng thêm :
- Vậy chớ không ăn cắp sao Ti giấu…
- Ti đâu có giấu ? Tại anh Tùng dặn đừng cho ai biết…
Cậu Toàn lại huýt gió một cái, ánh mắt sáng ngời thích thú :
- Của anh Tùng phải không ? Biết ngay mà ! Ti thấy cậu tài không ?
- Tài gì ? Biết gì ? Biết sao cậu còn hỏi Ti hoài vậy ?
Toàn cười khẩy :
- Hỏi chơi vậy thôi, chớ cậu biết rồi. Này, có phải của anh Tùng gởi cho dì Mai không ?
Ti trố mắt nhìn cậu, vẻ khâm phục :
- Dạ, của anh Tùng gởi cho dì Mai đó cậu.
Nói
xong, Ti sấp lưng đi ngay, thằng bé nóng gặp dì Mai để làm tròn sứ mạng
do người bạn vong niên giao phó. Song Toàn, cậu con trai nghịch ngợm
đâu đã chịu buông tha cho : cậu nhoài mình tới giữ tay nó lại dịu giọng :
- Giận cậu hả ?
- Không, Ti phải đưa cái này lên cho dì Mai, Ti đâu có giận cậu…
- Ti !
- Dạ !
Thằng bé nóng nảy như có kiến đốt ở gang bàn chân, song cậu nó vẫn ỡm ờ :
- Cậu đề nghị cháu cái này hay lắm chịu không ?
- Cái gì cậu ?
- Đi đâu lật đật vậy, cưng ? Nghe đây : hai cậu cháu mình mở ra coi thử có gì trong đó, chịu không ? Chắc hay lắm, Ti à !
Hay thì là cái chắc rồi. Nhưng liệu Ti có nên nghe lời đường mật của
cậu Toàn không ? Của anh Tùng gởi cho dì mai, Ti có phận sự trao gói
quà này từ tay người gởi đến tay kẻ nhận, không nên làm sai suyển một ly
con nào cả. Ti đã hứa với anh Tùng rồi. Không được. Không nên nghe lời
dụ hoặc của cậu Toàn. Lương tâm Ti không cho phép làm vậy – ấy, tuy còn
bé Ti cũng có lương tâm hẳn hoi, thưa quí bạn.
Ti mạnh dạn từ chối thẳng thừng, không do dự :
- Không được. Ti hứa với anh Tùng không đưa cho ai ngoài dì Mai. cậu kỳ quá.
Toàn cười ngặt nghẽo :
- Cậu cam đoan trong đó có kẹo, ngon lắm Ti ơi ! Mở ra đi ! Nếu là kẹo, cậu sẽ cho Ti vài cái… ăn chơi…
- Còn cậu ? Cậu có ăn không ?
Ti buột miệng hỏi, không kịp suy nghĩ. Toàn giơ cả hai tay lên trước mặt cháu :
- Không ! Không đời nào. Cậu xin thề, cậu đâu phải con nít như Ti mà thèm ăn kẹo ?
- Vậy cậu đòi mở ra làm chi ?
Ti vặn lại. Toàn càng cười khoẻ :
- À. Đó là cậu tò mò muốn biết coi trong đó có gì, vậy thôi. Cậu là kẻ bất vụ lợi, trong vụ này, nếu…
- Tò mò vậy xấu lắm. Thầy giáo Ti có dạy…
-
Tuỳ trường hợp, cháu ơi ! Theo cậu biết, tò mò chứng tỏ người đó trẻ
trung. Khi một người bắt đầu hết muốn tò mò, người ấy già khụ, cuộc đời
người đó kể như tàn, hiểu không ?
Ti
bật cười trước lập luận kỳ quái, hay hay của cậu Toàn, và thực tình Ti
luôn luôn thèm kẹo, song nét mặt hiền hòa, giọng nói trầm ấm, cái nhìn
tin tưởng của anh Tùng không cho phép Ti nghe lời xúi giục tầm phơ của
cậu Toàn. Anh ấy mà biết được thì anh ấy sẽ buồn lắm. Ti nghĩ. Thế là Ti
quyết định dứt khoát :
- Thôi đi cậu, để Ti đem cho dì Mai…
Giọng
thằng bé ướt sũng như sắp khóc. Người cậu tinh nghịch biết rằng đã đến
lúc nên chấm dứt trò đùa. Toàn cất giọng nghiêm nghị :
- Thôi, được rồi ! Đi đi ! Con chim xanh bé nhỏ kia ! Cậu tha cho !
Ti lập tức quay đi ngay vì sợ Toàn lại đổi ý, nhưng nó còn được nghe giọng cậu nó đuổi theo sau lưng :
- Khá lắm : sau này Ti có thể là một gentleman chớ không phải lơ mơ đâu !
Con chim xanh bé nhỏ ? Gent leman ? Ý cậu muốn ám chỉ gì đây ? Mà thôi, Ti gác lại mấy chữ tối nghĩa này. Sẽ có dịp tìm hiểu sau. Phải gặp dì Mai mới được.
________________________________________________________________________