Mãi
cho tới mùa xuân năm đó, khu xóm Cổng Thành vẫn chưa có gì thay đổi cả.
Người ta lấy làm lạ là tuy cũng chung một tỉnh và cũng gồm thành phần
ấy, những công nhân tại xưởng đúc thép nọ lại sống bấp bênh vì việc làm
vô chừng vô đỗi, lúc thì bận bịu tối ngày, khi thì suốt tháng chơi
không, thế mà sao lại quá nhiều cách biệt đến thế.
Ở
những chỗ khác, đường phố trải nhựa rộng rãi, điện nước tiện nghi, nhà
cửa khang trang sơn phết đẹp đẽ với cái mảnh vườn xinh xinh tươi mát,
hoa nở rực rỡ thì nơi đây điều kiện sinh sống thiếu thốn cùng cực.
Nếu
vào những ngày nắng ráo, oi bức, con đường đất đỏ chạy dài giữa khu phố
vẫn thường bị gió lấy đi từng đám bụi để tung bay mù mịt sang hai bên
phủ lên dãy nhà lụp xụp cũ kỹ, tường không quét vôi, cửa tróc sơn hoặc
bao vây bằng những tấm bìa, mảnh tôn, tấm ván thì trái lại, mùa mưa đến,
nơi đó trở thành con sông nhỏ, nước đục ngầu che giấu khá nhiều ổ gà
sâu hoắm đầy nguy hiểm.
Dù
lầy lội, ướt át, bẩn thỉu, đám dân nghèo vẫn thích mùa mưa hơn, bởi lẽ
khí hậu đã mát mẻ dễ chịu lại đỡ phải vất vả dùng đôi thùng sắt tây đi
xách nước mãi tận ngoài giếng lộ thiên gần khu đổ rác, hoặc phải tranh
nhau xếp hàng chờ đợi tại vòi nước công cộng ngay trước cửa ngôi trường
duy nhất trong tỉnh cách xa khu xóm hàng hai ba cây số. Đã vậy, đêm đến
ít ai muốn đi đêm ngoại trừ trường hợp cần thiết chẳng thể đừng được mà
thôi, vì đèn đường chưa có nên tối âm u, âm u y hệt cuộc đời của trên
hai trăm gia đình trong xóm hầu như ù lì lười biếng vô cùng. Họ dễ dãi
chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và có lẽ không hề nghĩ đến một tương lai
tươi sáng hơn, cũng như bất kể tới ai nếu có dịp phải tiếp xúc khi đi đó
đi đây.
Thấy
lối sống như vậy, ai nấy đều cho rằng thật khó mà có thể làm thay đổi
toàn diện khu xóm Cổng Thành nếu chính người dân nơi đó không tự cải
tiến mọi mặt. Thế rồi, chỉ nhờ một chiếc áo choàng xanh đã thức tỉnh họ
đồng tâm hợp ý sửa đổi tất cả để mỗi ngày một khá hơn.
Như
thường lệ, hôm đó, vào lúc điểm danh đám học trò lau nhau trong lớp, cô
giáo bỗng chú ý tới cái Lụa, cô bé kháu khỉnh con của một gia đình duy
nhất nơi xóm Cổng Thành đến học tại đây, ăn mặc lôi thôi lếch thếch quá
thể. Quần áo xẻ ngược xẻ xuôi, nhàu nát những cáu ghét. Cô bèn gọi Lụa
lên:
- Tại sao trước khi đi học em không chịu rửa mặt? Ít nhất thì em cũng phải sạch sẽ với cô chứ?
Bé Lụa, mắt rưng rưng nhìn xuống đất chẳng biết trả lời ra sao.
Sáng
hôm sau, đầu tóc chải gọn ghẽ, mặt mũi sạch sẽ, bé Lụa hớn hở tới trình
diện cô giáo, rất hy vọng sẽ được khen, nhưng cô giáo vẫn chưa vừa ý:
- Lụa ngoan lắm, tuy nhiên chốc nữa tan học về nhớ xin mẹ giặt quần áo đi nhé.
- Vâng ạ.
Tuy
vâng vâng, dạ dạ hẳn hoi, vậy mà ngày sau đó nó vẫn mặc bộ quần áo hôi
hám bẩn thỉu hôm trước khiến cô giáo nghĩ rằng bà mẹ của Lụa quá lười
biếng. Chỉ có việc giặt quần áo cho con thôi mà cũng không làm dù đã
nhắc nhiều lần. Không nản chí, cô giáo bèn tìm cách khuyến khích cha mẹ
Lụa.
Cuối
tháng đó, bé Lụa được xếp hạng cao, nhân dịp này, cô giáo tặng riêng
cho nó một chiếc áo choàng xanh để mặc vào kỳ lạnh sắp tới. Sung sướng,
bé Lụa, miệng lí nhí cám ơn xong, ôm chặt gói quà vào lòng chạy thẳng
một mạch về nhà.
Buổi học kế, gặp cô giáo, bé Lụa khoe:
-
Thưa cô, hôm qua con đưa áo của cô cho mẹ con coi, mẹ con thích lắm và
dặn con để dành khi lạnh hãy mặc... Mẹ con cũng gửi lời cám ơn cô nữa.
- Thế bố con có nói gì không?
-
Dạ thưa không, vì bố con đi làm mãi tới tối mịt mới về nên chưa biết là
con có áo mới. Con đã nhắc mẹ con giặt quần áo rồi, cô thấy chưa?
Vừa nói Lụa vừa chìa vạt áo sạch sẽ cho cô coi vì tưởng cô chưa thấy. Cô giáo mỉm cười hài lòng.
Tối
hôm đó, bé Lụa được mẹ cho mặc chiếc áo choàng xanh vào trình diện bố.
Quá ngạc nhiên, ông chăm chú ngắm nhìn con gái yêu súng sính trong chiếc
áo mới, và điều làm ông ngạc nhiên hơn nữa là hình như trong nhà có gì
thay đổi mà lúc nãy khi mới về nhà ông chưa kịp nhận ra. À phải rồi,
giường chiếu, bàn ghế, kệ sách, tủ áo đều được sắp xếp gọn ghẽ, tươm
tất, sạch sẽ. Ờ mà sao hôm nay vợ ông lại chịu khó giặt nhiều quần áo,
khăn màn, chăn mền thế nhỉ? Ông vẫy Lụa:
- Mẹ mới mua cho con áo này đấy ư?
- Không, cô giáo thưởng con đó.
- Con làm gì mà cô giáo lại thưởng?
- Tại con học khá.
- Thế hả?
-
Bố ơi bố, cô giáo bảo là học giỏi thì giỏi vẫn phải ăn ở sạch sẽ, có
như vậy mọi người mới nể nang, quý trọng chứ quần áo bẩn thỉu chẳng ai
ưa đâu, phải không bố?
Câu
hỏi vô tình của đứa bé khiến người cha suy nghĩ. Ông càng suy nghĩ hơn
nữa khi thấy vợ hỏi con tắm rửa thay quần áo để giặt, rồi lau nhà, dù
nền nhà chỉ tráng xi măng chứ không lót gạch hoa. Ông đứng dậy lững
thững ra sau miệng lẩm bẩm điều gì.
Chủ
nhật tuần đó, người ta thấy ông dậy sớm và không la cà quanh xóm như
thường lệ, trái lại, ông giục vợ con phụ giúp mình nhặt cỏ ngoài vườn,
sửa chữa hàng rào cho ngay ngắn, khai thông cống rãnh, xếp đặt đống củi
thay vì vất bừa bãi thành một đống cạnh bếp.
Và
cũng kể từ đó, mỗi buổi chiều sau khi tan sở, ông đều cố gắng về sớm để
bỏ chút thì giờ làm việc nọ việc kia giúp đỡ gia đình vợ con cho tươm
tất hơn. Khi thì ông lo cuốc vườn trồng cây, chôn cọc mắc dây phơi quần
áo, khi thì tráng xi măng phần đất trước nhà, lúc thì vá chỗ tường vỡ,
hôm thì quét vôi, sơn cửa v.v... nhờ vậy nhà ông nổi bật hẳn lên.
Dần
dần, những người lân cận cũng chịu khó sắp đặt lại nhà cửa nên bớt vẻ
lụp xụp, dơ bẩn. Ai nấy đều thích thú thay đổi vì nếp sống mới mẻ này.
Nhưng điều đáng nói là tất cả đã biết nghĩ tới lợi ích công cộng mà
chung nhau tiền bạc cùng sức lực để đặt ống cống chính ngoài đường, ngõ
cho sạch sẽ.
Thấy
dân xóm Cổng Thành tỏ ra tiến bộ, chính quyền hân hoan giúp đỡ họ sửa
sang đường phố, đặt ống nước, ống cống, dựng cột đèn, mắc dây điện,
trồng cây hai bên đường rồi trải nhựa và lót gạch vỉa hè.
Chỉ
trong vòng nửa năm sau, bộ mặt khu xóm Cổng Thành khác hẳn những ngày
trước kia. Thật vậy, khách bộ hành có thể yên tâm qua lại trong những
ngày nắng ráo mà không sợ bụi đường bám đỏ cả quần áo, hoặc khỏi phải
xắn quần lội bì bõm giữa vũng nước bùn đầy rác rưới bẩn thỉu vào những
ngày mùa mưa. Ban đêm, đèn đường sáng trưng, nhiều nhà buôn bán nhộn
nhịp mãi tới khuya mới đóng cửa. Tất cả đã thay đổi và luôn luôn thay
đổi.
Nhưng
có điều ít ai ngờ, lý do khiến người dân khu xóm Cổng Thành đạt được
mức độ này chính là nhờ chiếc áo choàng xanh, nhất là cô bé học trò tên
Lụa cùng vợ chồng bác Cả Cổn đã sớm nhận định được ý nghĩa hành động
tặng quà khích lệ của cô giáo dành cho con mình để tự sửa đổi nếp sống
riêng tư và nhờ đó lôi cuốn người khác.
ĐẶNG HOÀNG
(phóng tác)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)