CHƯƠNG
NĂM
Thằng
Hợi bảo lũ trẻ đi theo nó dừng lại trên một con dốc, con dốc có nhiều tán cây
nhỏ, rậm lá, và những tảng đá xanh nằm ghim cứng dưới đất, lú lên khỏi mặt cỏ
những chóp nhọn mòn như cục u. Nhìn những tàng cây lá che kín xong, Hợi đưa mắt
nhìn một thằng trong bọn đứng bên cạnh:
-
Chỗ này ngon hé tụi bây?
-
Nó thấy một đứa trong đám mình là hỏng bét hết.
-
Khỏi lo, mình núp sau mấy bụi cây này làm sao nó thấy được.
Hợi
móc trước bụng những quyển tập học ở trường ra, những quyển tập lem luốc vết
mực, góc cuốn lại như con sâu đo. Mấy quyển tập cong queo khi nó móc ra vướng
phải chiếc áo len bên ngoài.
-
Trước hết phải thanh toán mấy cái thứ vướng vào người cho rảnh cái đã.
Nó
quăng mấy quyển tập vào một bụi cây dưới chân. Bốn đưa theo Hợi đang kè kè cái
cặp trên tay thấy vậy cũng quăng vào một đống. Đứa nào bộ mặt cũng hớn hở,
thích thú vì chút nữa đây, thằng Hợi sẽ phục thù thằng Vũ.
Hôm
trước, Hợi dẫn ông Ngạt đến mắng vốn, thằng Hợi giả bộ hay ghê, khóc bù lu bù
loa. Ba nó thấy vậy dẫn đi. Không ngờ qua nhà Vũ gặp cái miệng con nhỏ Trang,
con nhỏ huỵch toẹt ra hết : nào thằng Hợi trốn học, thằng Hợi thẩy đáo lỗ,
thằng Hợi ăn cắp mận. Ôi, tùm lum lên không sót một chuyện gì. Ông Ngạt dẫn Hợi
về nhà đánh cho một trận đòn nên thân, cấm không cho đi đâu chơi hết ; ông còn
dẫn Hợi đến nhờ thầy hiệu trưởng lưu ý đặc biệt đến nó. Hôm đó, Hợi bị quỳ
trước cửa lớp. Giờ ra chơi, Hợi vẫn chưa được tha. Lũ học trò kéo nhau ra khỏi
lớp nhìn Hợi chằm dằm. Nhất là mấy đứa con gái, trong đó có con Trang, con Mận,
con Thoa. Chúng nhìn Hợi cười rúc rích. Hợi quê quá! Hợi như củ khoai lang
sùng, nó bỗng thấy ghét mấy con nhỏ nầy thậm tệ. Con nhỏ Trang hằng ngày Hợi
thấy dễ thương, nhưng hôm nay chả muốn dòm mặt một tí nào. Đã vậy con nhỏ còn
đi ngang nói kháy với con Mận, cốt cho nó nghe:
-
“Thằn lằn cụt đuôi rồi tụi bay”.
Nghe
mà tức, nhưng Hợi làm như không biết gì hết. Con gái chỉ giỏi tài chua ngoa,
tài khóc nhè, chớ làm gì được ai, nên Hợi hổng thèm chấp làm gì.
Nguyên
nhân cũng tại thằng Vũ, Hợi nhứt định lần này phải cho nó một trận biết tay.
Nhưng mấy hôm liền Hợi không thấy Vũ nên chưa có chuyện gì xảy ra. Vả lại, từ
hôm bị quỳ trước cửa lớp đến nay, Hợi không dám trốn học nữa, sợ nhà trường sẽ
gởi giấy về nhà. Nhưng có gởi giấy về nhà cũng không sợ bằng bị quỳ rồi bị bọn
con gái chua ngoa nhạo báng.
Hôm
nay lớp của Hợi được về sớm. Mang ý nghĩ phục thù Vũ, Hợi rủ thêm bốn đứa chận
ngay con đường dốc cao nầy.
Hợi
cởi chiếc áo len mặc bên ngoài ra. Buổi trưa, nắng lên nên không khí ấm áp, chả
thằng nào co ro như buổi sáng đến trường nữa. Cột hai tay áo thắt nút vào cổ
cho chiếc áo thòng ra sau lưng như cái áo choàng của mấy tay hiệp sĩ thời xưa,
Hợi thấy mình oai vệ quá! Nó cầm cái ống đồng dài nửa thước trên tay như một
thanh đoản kiếm, trông oai phong lẫm liệt ác.
Thằng
Vũ được tiếng là bắn ná hay, mấy cái hột ô môi của nó để vào đâu trúng đó. Mấy
lần trước Hợi chịu thua, là vì nó không phòng bị ống đồng nầy và một mớ đất dẻo
mang theo. Nếu có, chưa chắc thằng nào hơn. Hôm nay Hợi không ngán thằng Vũ một
tí nào.
Như
muốn biểu diễn cho mấy đứa kia thấy cái tài thổi ống đồng của mình, Hợi lấy ra
một gói đất sét dẻo, bóc một miếng vo tròn lại cho vừa khít ống đồng. Nhắm vào
một trái thông khô lủng lẳng trên cao, “soạt”, Hợi chu mỏ thổi một phát trúng
phóc. Trái thông đong đưa qua lại. Một vài con chim đậu trên cành hoảng hồn vỗ
cánh bay lên. Lũ trẻ đứng quanh đứa nào cũng phục sát đất. Một lần chúng đã
thấy Vũ bắn ná rồi, nhưng Vũ chưa biểu diễn đẹp như Hợi, nên đứa nào cũng khoái
lối thổi ống đồng của Hợi. Được bọn trẻ phục quá, Hợi lên hương:
-
Bữa nào chủ nhật nghỉ tao dẫn tụi mầy lên đồi thổi chim rồi tụi mình nướng ăn.
Nghe
thằng Hợi nói như vậy, cả bọn nghĩ ngay đến ông bán chim quay trước cửa trường.
Không biết ông ta bẫy chim sẻ ở đâu mà thiệt nhiều, đem về mổ bụng quăng ruột,
thoa phẩm lên rô ti thơm phức. Ông treo lủng la, lủng lẳng ở phía sau yên xe
đạp. Chim được để trên lò than nên lúc nào cũng nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, thơm
thơm, béo béo. Mới nghĩ đến thôi mà nước miếng chúng đã ứa ra, đọng lại hai bên
mép, đừng nói chi cắn vào một miếng thịt đỏ hỏn đó. Một thằng trong bọn khoái
ăn chim nướng quá, nói:
-
Nhớ nghe mậy. Hôm nay mình hạ thằng Vũ, chúa nhật ăn mừng thịt chim.
Thằng
khác chen vào:
-
Hoan nghinh ý kiến của thằng Toản, thằng Hợi hách ba chê!
Cả
bọn ngồi xuống bãi cỏ, mặt đứa nào đứa nấy sung sướng như đang ăn thịt chim
trước cửa trường. Tưởng tượng ra giọng nói của ông bán chim rao rang rảng đủ
thấy vui : “Mại vô! Mại vô, mấy cô mấy cậu, hai đồng một con ăn mau lớn, học
đâu nhớ đó”. Ông rao một dây nghe thiệt vui. Cũng như ông già bán chim, có một
lão chệt bán bột trộn với đường vò lại thành từng viên bằng viên đạn. Hễ ông
già bán chim vừa rao xong là lão chệt bắt đầu hát : “Cái bi don don, cái bi dòn
dòn”. Ngày nào hai ông già nầy đem hàng đến trường đều bán sạch.
Từ
đằng xa Hợi đã thấy một vài đứa trẻ đi học về. Hợi đứng lên:
-
Ê tụi bây, thằng Vũ sắp về rồi đó.
Tất
cả năm đứa, luôn cả Hợi tìm chỗ chạy trốn thật thuận tiện nhìn xuống con đường
nhỏ phía dưới. Chỗ bọn Hợi núp không cao lắm, nhưng dốc thẳng xuống, nhiều cây
rậm ngang lưng và đá xanh nên khó đi. Sơ ý có thể té lăn xuống đường như chơi.
Nằm
dài sau một bụi cây, Hợi mở gói đất sét vò lại nhiều viên tròn để chút nữa dễ
tấn công.
Trong
đám còn lại, một mình thằng Toản chường mặt ra để đợi Vũ. Toản quay lại nói với
Hợi:
-
Thấy nó, tao huýt gió cho mầy biết nghe.
Hợi
đang vò đạn, nghe nói ngẩng lên:
-
Nhưng mầy đứng đứng chàng ràng trước nó, tao thổi trúng thời ráng mà chịu à
nhen.
Buổi
trưa, nắng nhả xuống từng sợi dài trên đường. Toản đưa tay lên trán nhìn ra xa.
Qua một khúc đường quanh, thằng Vũ đang đi tới. Toản huýt sáo báo cho đồng bọn
biết. Nghe tiếng huýt sáo, Hợi nhìn xuống đường, đặt ống đồng lên nhánh cây chẽ
đôi, vừa tầm. Thằng Vũ đứng dưới đường sẽ lãnh trọn viên đất mà thằng Hợi muốn
thổi tới. Trên đường đi học về, Vũ không mảy may biết thằng Hợi đang sắp đặt
phía trước chờ Vũ đi tới. Vũ nghĩ đến chú Duy hết phép đi khi sáng. Chú đi buồn
ghê! Không biết đến khi nào chú mới về nữa. Vũ nhớ chú nói khi nào chú có thím
sẽ đưa Vũ về ở chung, cho đi học, Vũ sẽ được sung sướng hơn là ở đây với ba và
dì ghẻ.
-
Vũ!
Đang
nghĩ tới chú Duy, Vũ giật mình nghe tiếng gọi lớn phía trước. Vũ dừng lại nhìn
lên khoảng dốc. Một thằng, Vũ thường thấy đi chung với thằng Hợi, một chân đứng
gác trên tảng đá, hai tay chống nạnh, mặt hếch lên như khiêu khích. Không thèm
nói, Vũ bước đi.
Toản
thấy Vũ bỏ đi, nó gọi thêm một lần nữa:
-
Ê Vũ, thằng Hợi có chuyện muốn nói với mầy.
Vũ
quay lại:
- Chuyện gì?
-
Nó đang ở phía trên đợi mầy.
-
Sao nó hổng ra đây mà ở trên đó?
Toản
thấy Vũ vẫn đứng phía dưới ngóng lên, nó nghĩ ngay một cách có thể lừa Vũ lên
được, giọng nó không còn hách như lúc đầu nữa:
-
Tụi tao muốn nói chuyện đàng hoàng với mầy.
Bọn
nầy chắc đang kiếm cách gây sự với mình đây! Nghĩ thế, Vũ nói:
-
Để lúc khác, tao mắc về nhà, không thể ở lại chơi được.
Hợi
nằm trong bụi cây, nghe hai đứa nói qua, nói lại hơi bực mình. Nó huýt sáo khe
khẽ, Toản nghe hiệu xích qua một bên.
Ở
bên dưới, Vũ không hiểu thằng Hợi muốn nói gì với mình. Mấy hôm nay buổi sáng
nào Vũ cũng thấy nó đi học đàng hoàng ; có lẽ nó muốn làm thân với Vũ. Thôi để
xem nó muốn nói với mình những gì, Vũ bước lên.
Ống
đồng của Hợi nhắm ngay mặt Vũ thật đúng. Thấy Vũ bình tĩnh đi lên không hề biết
ống đồng thổi đất sét ướt sẽ trúng mặt mình, Hợi bồn chồn một chút. Thằng Vũ đi
học đâu có đem theo giàn ná. Vả lại, mấy lần đụng độ với Vũ, Hợi thấy Vũ cũng
hách ba chê lắm, nhưng không kiếm cách gây sự với ai như bọn Hợi. Vũ học giỏi,
bạn bè đứa nào cũng khoái nói chuyện, nhờ chỉ giùm những bài toán khó. Những ý
nghĩ đó làm cho Hợi hạ ống đồng xuống ngang vai của Vũ. Trúng ngay vai đỡ đau
hơn trên mặt. Vả lại, Hợi muốn cho Vũ biết cái ống đồng của Hợi cũng tài dách
không thua gì ná thun của Vũ.
-
“Suỵt”.
Viên
đạn đất bay trúng ngay phóc. Vũ không ngờ nên bị trúng một viên ngay vai, nhưng
nhờ chiếc áo ấm Vũ đang mặc trên người nên đỡ đạn được phần nào. Vũ quýnh quáng
chưa kịp tìm chỗ núp thì “suỵt”, thêm một phát nữa ngay đùi. Vũ phóng đến một
mô đá cạnh đó, cúi mọp sát người xuống, ló đầu lên một chút nhìn Toản:
-
Tụi bây chơi hèn lắm.
Toản
cười hỉ hả:
-
Cho mày xếp càng lại. Thằng Hợi cũng chì lắm chớ bộ.
Nhìn
thấy đầu Vũ ló lên nhưng Hợi không muốn thổi ngay mặt. Muốn cho thằng Vũ biết
mình cũng anh hùng, Hợi đứng lên:
-
Ê, Vũ, có ngon bước ra khỏi chỗ núp coi.
Vũ
thấy thằng Hợi trên tay cầm cái ống đồng dài như ống tiêu. Cục đất sét khi nãy
mà thằng Hợi thổi vô mặt chắc là đau lắm. Sao hôm nay thằng này tử tế quá vậy
cà? Thật khác hẳn mọi hôm.
Vũ
biết ý của thằng Hợi. Nhìn qua trái thấy một bụi rậm dễ núp hơn, Vũ ngồi chồm
hổm đợi Hợi sơ hở là chạy về phía đó. Vũ hơi tiếc một chút, giá như ngày nghỉ,
Vũ đem ná theo, chắc thằng Hợi sẽ hết khoác lác. Thình lình, Vũ ôm cặp che
ngang người chạy vụt qua. Hợi bước lẹ tới đưa ống đồng lên miệng, nhưng chân
của Hợi vấp phải cục đá tròn làm nó chúi nhủi về phía trước, lăn mấy tuôn xuống
dốc.
Mấy
đứa trẻ đi chung với Hợi xanh mặt. Hợi chống một tay ngồi dậy, mặt nhăn nhó vì
đau. Một chân nó để dài trên cỏ nhấc không muốn lên. Lũ trẻ xúm lại bụi cây lấy
cặp bỏ chạy về hết.
Vũ
chạy ra thấy lũ trẻ bỏ thằng Hợi đi hết, thấy tội nghiệp thằng Hợi liền bước
tới. Nhìn mặt nó xanh lét, mồ hôi chảy ra hai bên mép tai, Vũ quên là Hợi vừa
thổi đất sét vào người mình. Nó đặt cái cặp qua một bên, ngồi xuống:
-
Mầy có sao không?
Tay
Hợi chống xuống bãi cỏ run run:
-
Tao đau quá!
-
Đau ở đâu?
-
Ở chưn nầy nè!
Vũ
đưa tay rờ chưn của Hợi, chỗ mắt cá sưng lên. Hợi đổ mồ hôi:
-
Ái da!
-
Chắc mầy bị trật gân rồi đó.
Hợi
cố gắng đứng lên nhưng không nổi. Vũ phải đỡ một bên, Hợi mới đứng vững được.
Hợi thấy ngường ngượng khó chịu làm sao. Mấy thằng bạn của nó bỏ đi đâu mất
tiêu không còn một mống nào hết. Còn lại mỗi mình thằng Vũ là thù nghịch với
nó. Thằng Vũ vừa hưởng của nó mấy viên đạn đất trên vai, trên đùi. Thằng Vũ
không ghét nó còn ở lại lo lắng cho cái chưn trặc của nó. Hợi nhìn bộ mặt thằng
Vũ, thấy nó lo lắng thật tình, Hợi Cảm động khôn xiết. Nó chỉ bụi cây trên dốc:
-
Mầy lấy giùm tao mấy quyển tập trên đó.
Vũ
đi lên lấy xuống đưa cho Hợi:
-
Về đến nhà được không?
Hợi
thử bước đi, nhưng rồi nó thở hắt ra, mặt nhăn nhó. Vũ thấy vậy, đưa cặp của
mình cho Hợi cầm, xê lưng lại trước mặt Hợi:
-
Tao cõng mầy về.
Không
còn cách nào hơn, Hợi phải làm theo ý Vũ, khoác hai tay vào cổ Vũ để nó cõng
đi. Thằng Hợi nặng thiệt! Vũ phải hết sức khó khăn mới đi xuống được con dốc.
Mồ hôi đọng thành giọt trên trán Vũ. Vũ mệt, nhưng vẫn bước chậm sợ chân thằng
Hợi bị xóc nhiều đau thêm.
-
Vũ à…
Hợi
định nói gì đó với Vũ, nhưng nghĩ sao nó nín thinh. Về đến nhà Hợi, Vũ thấy ông
Ngạt đang ngồi ở sân cưa mấy khúc cây đóng vào mấy chân tủ. Ba của Hợi làm thợ
mộc, chả trách cái tủ ông đang đóng thật đẹp, không thua gì những chiếc tủ bày
bán ở các hiệu ngoài chợ. Ông Ngạt bỏ chiếc đục trên tay xuống, kéo cặp kính
trệ ở sóng mũi lên hấp tấp bước tới hỏi Vũ:
-
Nó sao vậy cháu?
Để
Hợi ngồi xuống bộ ván trong nhà, cầm cặp Hợi đưa, Vũ nói:
-
Đi học về cháu thấy Hợi bị té trặc chưn, cháu đưa về giùm.
Thấy
Vũ không nói gì về chuyện choảng nhau trên đường dốc, Hợi ngầm nhìn Vũ bằng đôi
mắt biết ơn. Ông Ngạt lăng xăng lấy dầu bóp chân cho Hợi. Má của Hợi đang làm
cơm dưới bếp, nghe vậy chạy lên. Bà cám ơn Vũ rối rít. Vũ ái ngại nói với ông
bà Ngạt:
-
Dạ thưa hai bác, cháu phải về.
Ông
Ngạt không còn nhìn Vũ với đôi mắt hằn học như hôm trước, khi dẫn thằng Hợi đến
nhà mắng vốn má của Vũ nữa. Ông cười niềm nở:
-
Khi nào rảnh, cháu đến chơi.
-
Dạ…
*
Vũ
vui vẻ trở về, nghe trong lòng nhẹ tênh như bông gòn. Thằng Hợi kể ra cũng còn
tốt, nếu không bây giờ cái mặt của Vũ sưng tù vù chắc khó coi lắm. Trong nhà
lại đổ thừa Vũ ham chơi đi đánh lộn.
Năm
nay Vũ phải cố gắng học thật nhiều, thật giỏi để năm sau nếu ba, chú Duy có đưa
Vũ đi học nội trú xa, vào trường mới Vũ khỏi sợ thua kém bạn bè. Hôm nọ, chú
Duy đã phác họa cho Vũ thấy ngôi trường trung học mới mà năm sau Vũ sẽ đặt chân
tới. Ngôi trường ở một thành phố lớn. Nó to gấp mười ngôi trường Vũ đang học,
do mấy sư huynh điều khiển, muốn vào học phải thi. Vũ thấy hơi lo, nếu không
vào nội trú được chắc chú Duy buồn lắm! Thật ra, Vũ không ham đi học xa một tí
ti nào! Ở đâu cũng vậy : giỏi hay dở là do mình.
Buổi
chiều, ba đi làm, còn Trang và chị Thu đón má từ Huế vô. Chị Thu là con của
người dì, bà con bên má. Chị học trường của mấy ma sơ, giỏi ghê. Tháng trước,
lớp chị tổ chức thi làm bánh, chị đứng hạng nhứt luôn. Chấm xong, chị đem về
nhà cho Vũ, Trang ăn no cành bụng. Nhà chị cách đây mấy con đường nên chị vẫn
thường đến chơi luôn. Con nhỏ Trang hay ăn hàng, thích trò chơi buôn bán nên cứ
đeo theo chị để hỏi vài kiểu bánh lạ mà chị biết.
Một
sáng chúa nhật, chị đến dẫn hai đứa đi chơi. Chị nói học hành cũng phải có thời
giờ đi chơi đây đó, con người thoải mái chữ nghĩa mới chui vô đầu được, chứ cứ
ngồi cắm cúi hoài thời mệt mỏi chứ không ích gì hết. Buổi sáng, trời còn lạnh
căm căm, sương giăng kín đường đi. Dưới chân ba chị em, nước loang loáng như
gương trong. Thế mà ba chị em vẫn đi bên nhau và còn cười vang cả đường phố
Dalat tinh mơ.
Vũ
lạnh ghê đi, nhưng vui quá quên cả lạnh. Chị Thu nhìn Vũ, hỏi:
-
Vũ không có áo ấm mặc sao?
Trang
trả lời thay, giọng buồn rười rượi:
-
Má chỉ đan áo cho mỗi mình em thôi.
Chị
Thu nắm lấy tay Vũ thật chặt:
-
Trời lạnh thế ni, Vũ chịu sao cho thấu!
Tiếng
chị lờ lợ chưa mất hẳn giọng Huế : chị sinh ra và lớn lên ở xứ Huế nghèo nàn, xứ
Huế cổ kính, xứ Huế mưa dầm dề, mưa liên miên ngày đêm từ tháng sáu, tháng bảy
trở đi.
Giọng
chị nghe dễ thương, nghe ngọt ngào, thơm tho như kẹo cau, như mè xửng. Chị cởi
chiếc áo len màu tím nhạt trên người khoác lên vai Vũ, cười tươi phô hàm răng
đều như trái bắp luộc.
-
Vũ mặc đi, chị không lạnh mô.
Chiếc
áo ấm dài hơn chiếc áo Vũ đang mặc cả gang tay. Nó bọc lấy Vũ gọn lỏn, ấm áp.
Nhưng Vũ nghĩ nó không ấm bằng đôi mắt hiền từ của chị, không ấm bằng bàn tay với
năm ngón tay thon dài trắng muốt của chị đang âu yếm cầm tay Vũ.
Suốt
ngày chúa nhật hôm đó, chị dẫn hai đứa loanh quanh công trường Hòa Bình, vườn
Bích câu, bờ hồ Xuân Hương. Những chỗ này không lạ gì với hai đứa, nhưng có chị
đi chung chao ôi là vui. Ba chị em chụp chung cả lô ảnh trong vườn Bích Câu.
Chụp nhiều nhất là con nhỏ Trang, đủ kiểu: Trang buồn rầu, Trang nhí nhảnh,
Trang cười tươi, Trang nhảy nhót, Trang ngây thơ. Con gái mà, có bộ mặt dễ
thương một chút là chụp ảnh tùm lum tùm la, đem khoe thiên hạ. Con trai dù có
đĩnh ngộ mấy đi nữa cũng chả thèm ngồi ra dáng ra vẻ, không muốn cười cũng phải
cười kiểu cho được. Thật là phiền toái.
Buổi
trưa, ba chị em ngồi trên bờ hồ Xuân Hương gậm bánh mì, nhìn sương bạc lóng
lánh vờn vờn dưới hồ, nhìn hoa pensée thèn thẹn khi nắng lên. Con nhỏ Trang táy
máy, ít khi nào ngồi yên một chỗ, cứ chực đứng lên bỏ đi loanh quanh.
Ném
một mẩu bánh còn lại ra xa, chị Thu phủi tay, hỏi:
-
Vũ có ghét má ở nhà không?
Đôi
mắt Vũ thả xuống lòng hồ:
-
Sao chị lại hỏi Vũ như vậy?
-
Chị thấy Vũ ít khi vui!
Vũ
cười buồn, cầm tà áo dài xoắn xuýt:
-
Không bao giờ Vũ ghét má, tại má không ưa Vũ thôi.
-
Chị không hiểu dì ra răng nữa! Đáng ra dì phải thương, phải lo cho Vũ. Người kế
mẫu không có quyền ghét bỏ con chồng. Tình cờ hôm trước con nhỏ Trang có đưa
chị xem bài luận Vũ làm, chị cảm động muốn trào nước mắt. Vũ viết buồn quá!
Chắc Vũ cũng phải rơi nước mắt khi viết những giòng chữ đó. Bây giờ có ai ghét
bỏ gì, mặc kệ. Vũ cứ lo chăm học, đừng nghĩ ngợi. Rồi một ngày nào đó ba phải
nhìn nhận Vũ, dì cũng phải nghĩ lại mà thương, mà hối hận việc đã tệ bạc với con
chồng.
Từ
hôm đó, chị Thu thường đến nhà chơi, có khi chị còn đem bài vở đến học chung
với hai đứa. Trong ba người, chị là người nghĩ ra nhiều trò chơi nhất cho những
ngày nghỉ học. Nhưng trưa hôm nay, chị phải đến đưa Trang đi đón má ở Huế về.
Trang sửa soạn xong, chị Thu hỏi:
-
Sao Vũ không sửa soạn đi với chị, và nhỏ Trang cho vui?
-
Vũ thích ở nhà.
-
Ở nhà một mình, buồn chịu chi nổi?
-
Sợ má không bằng lòng.
Chị
Thu ngồi chải sơ lại mái tóc cho Trang, nghe Vũ nói vậy, chị ngẩng lên:
-
Làm răng mà không bằng lòng? Vũ cũng như Trang, đứa mô cũng là con, dù không
phải mạ đẻ đi nữa cũng một cha, một giòng máu. Mạ đi hơn một tuần, hôm nay mạ
về thời Vũ mừng, Vũ đi đón chứ chi mà bằng lòng với không?
Vũ
muốn nói chị Thu không hiểu tánh ý của má. Mặc dù chị biết má có ghét Vũ, chị vẫn
còn chưa biết mỗi lần thấy mặt Vũ là má không ưa, má mất vui, má sẽ cau có khó
chịu luôn cả những người chung quanh. Nhưng Vũ vẫn đứng im ở cửa nhìn con nhỏ
Trang, mặt buồn buồn.
Một
lúc, xong xuôi hết rồi, chị Thu nắm lấy tay Trang bước đi. Ngang ngưỡng cửa,
chị cười gượng gạo với Vũ:
-
Vũ ở nhà, chị đi nha.
Tà
áo xanh của chị và chiếc áo đầm trắng của con nhỏ Trang thoáng mất ngoài cổng
nhà. Còn lại một mình, Vũ đứng buồn hiu ngang cửa. Chút đón má xong, chắc hai
người còn đi loanh quanh ngoài phố, hoặc ghé một chỗ vui nào đó đến chiều tối
mới về. Hôm nay má về, không biết trong nhà có còn vui như mấy hôm không? Gặp
Vũ, ba có còn hỏi, có còn cười hay bỗng dưng nhìn Vũ lạ hoắc. Ba có còn như hằng
ngày, giở sổ điểm, bài vở của Vũ ở trường không? Nhưng dù ba có thay đổi thế
nào đi nữa, Vũ biết ba thương Vũ lắm. Như thế cũng đủ lắm rồi.
Chị
Thu nói mà đúng. Ở nhà một mình buồn ghê. Vũ loanh quanh lẩn quẩn trong nhà
không biết làm gì cho hết chiều. Tuần này ở trường không có bài đem về nhà làm,
giờ này mà ngồi ôn lại bài cũ thì chán ơi là chán! Phải bài mới còn hăng hái,
hai con mắt còn mở sáng như đèn pha. Những bài xào đi xào lại chỉ có nước ngả
đầu ngáp dài trên bàn học, không thì gà gật như con kỳ nhông ngủ quên trên cành
thông.
Hôm
trước đi chơi, chị Thu có mua cho Vũ hai quyển sách nhỏ, bảo khi nào buồn lấy
ra đọc. Hôm đem về Vũ quăng vào hộc tủ và quên khuấy đi mất. Hôm nay mới sực
nhớ lại là quyển “Vô gia đình” còn quyển kia là “Căn lều của chú Tom”. Quyển
trước Vũ đã nghe chú Duy kể rồi. Vũ thích chú nhỏ trong truyện, chú nhỏ lang
thang với một lão già làm “xiếc” hết thành phố này đến thị trấn khác với một
con chó và hai con khỉ. Cuộc đời chú nhỏ buồn ghê. Buổi chiều nằm đọc truyện,
Vũ ngủ quên lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, Vũ thấy mình cũng phiêu lưu hết
tỉnh này đến tỉnh khác. Không phải chỉ mình Vũ mà có cả chị Thu, con nhỏ Trang,
luôn cả con Mận hiền như cục đất nữa. Con Mận trong giấc mơ cười với Vũ sao mà
dễ thương chi lạ.
________________________________________________________________________