Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

LẶNG LẼ - Lệ Hằng


Viết cho rừng thông Collège d' Adran
Để tin tưởng tình thầy trò muôn đời vẫn đẹp

- Thầy vào kia cô nương. Khiếp, mơ mộng dữ quá.

Đăng Xuân hất nhẹ tay tôi, kèm theo cái nháy mắt láu lỉnh. Tôi dài mắt lườm nó:

- Kệ tui, can chi O mà lải nhải dữ rứa.

Con bé định dài giọng với tôi. Nhưng nó vội vàng mím môi lại ngay. Đôi mắt thày đang lặng lẽ nhìn hai đứa. Tôi khép nép đứng lên. Lớp học im như tờ. Thày đưa mắt nhìn từng đứa một. Tôi nghe rõ tiếng lá thông mi nhau dưới thung lũng.

Thày bắt cả lớp đứng lên để chịu trận đôi mắt của thày. Tôi có cảm tưởng đôi mắt thày chứa cả ngàn câu nói rất thầm lặng. Và mỗi đứa nhận một câu khác nhau. "Loan hư nhé, không thèm đứng lên chào thày". Đó là lời nói mà đôi mắt thày dành cho tôi. Ông thày có cái tên "Lặng Lẽ".

Thày khoác một cái măng tô cũ. Màu nó rất khó gọi. Xám không ra xám. Ngà không ra ngà. Chúng tôi gọi nó là màu thời gian. Cổ kéo cao. Thường thường thày đội thêm chiếc mũ, vành sụp xuống. Tay cầm ống píp, phì phèo từng đợt khói thơm ngai ngái. Trông thày bình thản như pho tượng im lìm nơi công viên.

Thày từ từ cởi chiếc áo màu thời gian ra, vắt lên thành ghế dựa. Rồi mỉm một nụ cười nửa miệng. Thày giơ tay. Cả lớp lục đục ngồi xuống. Thày vẫn đứng trên bục, chậm rãi viết đề bài lên bảng. Giọng đọc như người Mỹ của thày đều đều vang lên. "Bài thứ mười hai. Các em nghe đây. Hôm nay chúng ta bàn về khoa học...". Chẳng đứa nào dám xì xào lúc này cả. Lơ đãng một chút ông cứ giảng đều bằng tiếng Anh, có mà mù tịt hàng giờ. Mặt mũi đứa nào cũng nghiêm trang lại, làm như cả lớp đều là dân gạo ấy thôi. Tôi chỉ lo ông "Lặng Lẽ" ông ấy lặng lẽ trỏ mình thì nguy to. Tôi rủa thầm mình: "răng mà xui rứa, đã quên đoạn bài trước, lại quên đứng lên đón ông, ông để ý mặt mũi mình giờ ni đố mà thoát nạn".

Ông "Lặng Lẽ" ác dữ lắm. Tỉnh bơ giảng bài xong đâu đấy ông thường mời vài tên đứng lên. Rứa là cứ ào ào quay con người ta bằng tiếng Anh. Cánh tay ông giơ ra, vai hơi nghiêng theo để mời mình. Nhưng coi chừng, dáng điệu lịch sự ấy, đôi mắt đẹp sâu thẳm và nhìn xoáy hồn người ấy, sẽ âm thầm nhìn mình, sẽ âm thầm khoanh tròn con số không vào sổ nếu mình ngọng nghịu nói không ra câu. Lúc đó đôi mắt ông "Lặng Lẽ" như có tài mai mỉa nữa cơ.

Đăng Xuân thì thào:

- Hôm nay thày hơi buồn mày nhỉ.

Tôi che miệng, mắt vẫn chăm chú nhìn ông "Lặng Lẽ" giảng bài:

- Răng mi biết?

- Tao thấy mắt ông chớp chớp và bớt "kinh khủng" khi nhìn con Thi nói chuyện.

Tôi gật gù làm cứ như đang hiểu lời thày giảng dữ lắm:

- Ờ! Ờ! Thôi im đi, tao sợ ông "mời" mình đấu tiếng Anh ví ông lắm mi nợ. Mắt ông dễ sợ chi lạ.

Nhỏ Xuân vẫn che miệng lải nhải:

- Thôi bà cô, cho tôi xin đi. Nói tiếng Huế mà lai lung tung nghe vô duyên chết đi được.

Tôi đỏ mặt lầu bầu:

- Kệ tui, cô có duyên mặc cô chứ. Mẹ tui người Huế. Bố tui người Bắc. Tui đẻ ở Sàigòn. Tôi sống ở Đà Lạt. Tôi phải lai chứ bộ. Rặt Bắc cầy rau muống như cô có chuyên lắm đí, xì! Cái mặt. Người ta lai, người ta nói tiếng lai kệ người ta chứ. Răng con gái Bắc lắm điều rứa hỉ?

Đăng Xuân háy hó lung tung:

- Con khỉ nào đang lắm điều đó. Mày gái Bắc chứ gái Mèo gái Mán hay sao mà rủa tao.

- Mi nói rứa mà nghe được hỉ. Tui Bắc mà lai Huế mới "Noble" chứ. Bắc cầy chính cống quê thấy mồ.

Nhỏ Xuân nguýt dài:

- Giời ơi... dai như đỉa, đúng là dân lai. Thèm nói với cô nữa, mệt xác ghê.

- Mời Đăng Xuân và Hồng Loan lên đây.

"Chết cha rồi" Tôi kêu thầm.

Thày nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt vừa buồn vừa giận dữ của thày làm tôi quýnh quáng quơ chân tìm đôi dép.

Đăng Xuân ngoe nguẩy đi lên, không thèm đợi tôi.

Tôi toát mồ hôi, dù ngoài kia trời Đà Lạt vẫn hiu hiu lạnh. Tôi cứ ngồi trơ ra chân quơ lung tung tìm chiếc dép quái quỉ.

Tiếng thày lạnh lùng, ánh mắt xoáy mạnh như thác đổ:

- Loan! Lên ngay.

Tôi rưng rưng:

- Thưa thày... em mất dép làm sao lên ạ.

Thày cười bằng mắt, tôi lúng túng không hiểu ông muốn gì. Đành lê chân đất rón rén đi lên bảng. Có tiếng xì xào:

- Cha! Tội nghiệp tiểu thư, chân cá vàng, gót son hồng, rứa mà lấm bụi trần ai. Coi rón rén từng bước kìa tụi bay.

Tôi giận tái mặt như đành chịu trận. Căng tai, tròn mắt, méo môi, nghe ông "Lặng Lẽ" ông í quay tiếng Anh. Thần kinh tôi chắc chạy vắt giò lên cổ. May quá giọng tiếng Anh của ông dễ nghe, nếu không chắc tôi xấu hổ đến chết mất.

Tôi quên cả giận Đăng Xuân vì lo sợ bị thày phạt. Hình phạt của ông thật nhẹ mà thật độc. Ông sẽ nói chậm rãi từng tiếng:

- Cám ơn em. Đành cho em số không, và mời em đứng đấy nghe bạn trả bài.

Tội nhân, sẽ trơ mặt ra chịu trận. Mặt hoa quay xuống lớp. Cho đến hết giờ. Thỉnh thoảng ông lại từ tốn hỏi mình:

- Nghe Ái nói chưa? Em hiểu chưa? Dễ quá mà phải không?

Đã thế thỉnh thoảng Frère giám thị, có khi cả Frère giám học nữa lững thững đi ngang, nghiêm mặt nhìn mình như một tên tử tù. Khổ nhất, một bận tôi đã bị ông "Lặng Lẽ" phạt và sợ ông đến già vì mấy anh đệ Nhất, đệ Nhị thấy tôi bị phạt cứ kiếm cớ đi qua đi lại hoài. Những ánh mắt nghịch ngầm ấy dễ ghét kinh khủng.


Nhưng tất cả thua đôi mắt thày tôi. Đôi mắt làm tôi vừa xót xa vừa tủi thân và vừa xấu hổ mỗi lần bị phạt. Cái nhìn của thày thật nghiêm khắc, hàng mi rậm của thày chớp chớp như thương đứa học trò bị phạt. Và chiều sâu của màu mắt, lặng lẽ sâu thêm, vời vợi mênh mông khôn cùng.

Cả trường đồng ý quên hẳn tên thày. và gọi thày là ông "Lặng Lẽ". Vì thày dạy học trò, phạt học trò bằng chính đôi mắt của thày. Người ta nói và la mắng bằng miệng lưỡi. Thày tôi nói bằng mắt nhiều hơn. Lạ lùng làm sao, cái lớp nhiều con gái nghịch phá nhất trường của tôi lại sợ thày nhất mới kỳ chứ!

Vừa về chỗ, tôi lại chứng nào tật nấy. Có lẽ nói chuyện là chứng bệnh kinh niên của tôi:

- Chu choa ui. Hết hồn. Ngày nào cũng học ông ni chắc tao điên cái đầu mất. Vô nhà thương điên Biên Hòa mấy hồi mi hỉ.

Con bé Xuân chưa kịp đáp lễ thì mắt ông Lặng Lẽ lại hướng về phía tôi. Tôi cúi gầm mặt. Ánh mắt thày làm tôi ray rứt. Tôi bỗng nhớ bố tôi quay quắt. Nước mắt ứa ra, tôi thấy đôi mắt thày mờ đi qua màn lệ mỏng và hình như thày thở dài quay đi.

Lúc làm bài tập, thày ngồi im lìm trên bàn, thỉnh thoảng từ từ cầm cây bút đỏ chấm một cái vào bản đồ lớp. Một vài đứa tái mặt, một vài đứa lo ngay ngáy vì trót nói chuyện.

Đăng Xuân nói khe khẽ:

- Ông này thế mà ác. Cứ chấm chấm làm mình hồi hộp ghê mày nhỉ. Ông cây tăm, ông í ghi tên lên bàng, đứa nào láu, chờ lúc ông ngơ ngác tìm vần thơ tỉnh bơ lên chùi bảng là thoát. Cận thị hạng nặng mà mày.

Tôi cười nghiêng người nói nhỏ:

- Cũng có bữa chính ông chùi bảng mi nợ. Có thấy chi mô đâu, buồn cười chi lạ mi hỉ?

Vừa lúc đó chuông rung. Thày đứng trên bục cao giơ tay nhận bài tập. Tôi lăm le chờ ông í vẫy vẫy cái tay là ùa chạy ra liền. Cả lớp lao xao. Tôi lúi húi tìm dép, mắt vẫn lom lom ngó chừng Thày.

Thày cười tủm tỉm. Môi nhếch nửa bờ. Ánh mắt từ từ duyệt binh từng đứa một. Xuân thì thào:

- Giời ơi cái nhà ông này! Hành con người ta dữ quá. mắt lừ lừ thấy mà ghê. Quát tháo om xòm cho nó xong.

- Mi ngu rứa! Dạy học nói nhiều quá thày thành cây tăm còn chi nữa, mà tụi mình có sợ mô nà.

- Hứ, mi chuyên môn bênh ông này, cái mặt lành lạnh sợ bỏ xừ. Cứ như gã Thâm của Hoàng Hải Thủy ấy.

Thày cầm chiếc áo màu thời gian hờ hững trên tay, khoát tay nhè nhẹ:

- Cám ơn. Các em về, Hồng Loan ở lại.

Tim tôi đập mạnh. Ruột tôi đang đói meo cũng thắt lại hết dám vòi. Cả lớp lần lượt ra về. Tôi từ từ đi lên bàn thày như tên tù đi vào máy chém.

- Dạ. Em xin lỗi thày.

Thày nhìn tôi, một cái nhìn thật lạ, nửa xót xa nửa ngậm ngùi:

- Thày hiểu tại sao em hay nói chuyện. Nhưng đừng dại thế nữa. Nói chuyện lúc giáo sư giảng bài em thiệt thòi rất nhiều vì không hiểu bài. Gắng làm chủ mình.

Tôi cắn chặt môi. Tôi thu mình như con ốc nhỏ. Chẳng ai hiểu tôi cả. Tôi cô đơn quá. Tôi dửng dưng nhìn thày. "Chẳng bao giờ thày hiểu được em đâu dù thày nổi tiếng là vị giáo sư thương học trò".

- Em nói chuyện. Hay nói chuyện. Em xin lỗi thày. Nhưng xin thày đừng nhìn em như rứa.

Thày cười nhè nhẹ:

- Em không nói, nhưng thày biết hết. Cô Hà đã nói tất cả hoàn cảnh của em cho thày nghe rồi.

Tôi hồi hộp:

- Dạ, thưa thày. Cô Hà nói chuyện chi rứa thày?

- Em có nhớ hôm thày định đưa em ra hội đồng kỷ luật không Loan?

Tôi cúi mặt di di chiếc dép trên sàn lớp lành lạnh đá hoa xanh.

- Dạ, em nhớ. Hôm đó em đã hỗn với thày.

- Hôm đó thày giận em lắm, em nói chuyện quá nhiều. Thày định phạt nặng để chữa bệnh nói chuyện cho em. Cô Hà gặp thày và đã cho thày rõ nguyên nhân tâm trạng bất thường của em. Em tìm ở lớp học một sự bù trừ cái không khí lặng lẽ của gia đình em phải không? Em nói chuyện để che giấu tâm sự bi đát của em? Em phá lớp để quên đi nỗi cô độc ghê gớm đang ám ảnh em, có đúng không Loan? Em muốn đóng vai cô bé nghịch ngợm, láu lỉnh suốt ngày để không ai thương hại cảnh cô đơn của em phải không?

Tôi rưng rưng nước mắt nhìn thày giáo tôi. Thày thở dài:

- Lúc biết ba em mất tích ở ngọn đồi 31 Hạ lào, lúc biết mẹ em bị lãng trí, thày thương em lắm.

Tôi úp mặt vào hai tay òa khóc nức nở. Thày đứng lên, đôi mắt chùng xuống nhìn tôi thật dịu dàng. Đôi mắt đó gợi tôi nhớ bố tôi. Bố tôi cũng nhìn tôi đầy yêu thương che chở như thế. Tôi vụt chạy ra khỏi lớp. Mặc thày thở dài nhìn theo.

*

Buổi chiều tôi ở nhà. Mẹ tôi ngồi đó như một chiếc bóng. Bà ngồi im, hàng giờ không nói năng. Thỉnh thoảng bà thì thào những câu vô nghĩa, đã mấy tháng nay rồi. Tôi lủi thủi trong ngôi nhà rộng thênh thang với mẹ tôi. Dần dần cứ về đến nhà là tôi cũng im lìm câm nín như mẹ tôi. Hai mẹ con chỉ còn sống bằng kỷ niệm của bố tôi. Tôi ngồi xuống ôm đầu gối mẹ:

- Mẹ ơi! Nói chuyện với con đi. Chiều ni trời đẹp và buồn chi lạ mẹ hỉ.

Mẹ tôi vuốt ve từng sợi tóc của tôi, bà nói se sẽ như tiếng gió thì thào trên tường đá lạnh ngoài kia:

- Ờ, hôm qua mẹ  gặp bố con. Bố con bảo bố con đói bụng, rứa mà mẹ không mần răng nấu cơm cho bố được tề. Nội con bảo người Bắc không ăn cá nục kho tiêu, người Bắc hay ăn canh rau đay với cà cơ. Rứa là bố con bỏ đi. Bố con đi đâu lâu ghê hỉ? Thôi con đi dọn cơm đi, lát nữa bố con về. Bố thích ăn tiết canh lòng heo lắm.

Tôi bùi ngùi muốn khóc. Tóc mẹ xõa dài đen như đêm tối. Đôi mắt mẹ xa vời như dõi tìm hình bóng một người xa rất xa. Mẹ còn đó mà như không có đó. Tôi mất bố và đang dần dần mất mẹ. Tin bố mất tích đưa về đúng ngày mẹ sinh em bé. Mẹ ngất đi và chìm vào một thế giới xa rời hiện tại. Em bé chết ba ngày sau đó, mẹ cũng không hề biết. Mẹ lặng lờ như hình như bóng trong ngôi nhà ươm đầy kỷ niệm của bố, của những ngày hạnh phúc xưa. Đã xa rồi những sáng, những chiều, bố cởi đôi giày sault để tôi cầm đi cất và tíu tít mang dép lại cho bố.

Cũng từ đó tôi nổi tiếng là con bé hay nói chuyện nhất lớp. Càng bị phạt, tôi càng nói. Tôi bị "câm" hàng giờ ở nhà, đến lớp gặp Đăng Xuân tôi mê man nói chuyện. Vì Đăng Xuân nói tiếng Bắc y như bố. Tôi thích nói chuyện để thày chú ý rồi la mắng, rồi khuyên nhủ và nhất là nhìn tôi đăm đăm để tôi nghĩ rằng đó là đôi mắt của bố tôi.

Tôi đứng một mình ở góc sân. Hoa hồng, hoa kim ngân, hoa pensée nở đầy dưới chân tôi. Tôi nhìn ngơ ngác hàng ngàn gốc thông chạy dài dưới thung lũng. Trường tôi nằm cuối con dốc cong cong. Hai bên là hai thung lũng xanh rì, thông reo vi vu bất tận ở dưới đó. Tôi nhìn nhà tôi chênh vênh trên ngọn đồi bên kia. Tường đá xám, ngói đỏ, mái cong cong, vòm cổng hun hút buồn. Mẹ tôi đang chìm chìm nổi nổi. Chắt chiu từng ngày ngọc ngà của dĩ vãng xa xưa ở đó. Đáng nhẽ tôi bỏ học vì biến cố bi thảm đó rồi. Nhưng cô Hà nhất định khuyên tôi đi học. Cô khóc hôm tôi đến báo tin bố tôi đã mất tích, mẹ tôi đã lãng trí, em tôi đã chết. Cô ôm tôi vào ngực. Cô vuốt tóc tôi. Tôi ứa nước mắt hứa với cô sẽ học chăm hơn cả ngày bố tôi còn. Và dù nhà không đến nỗi nghèo, mỗi tháng cô Hà vẫn đều đều đóng học phí cho tôi trong số lương giáo sư ít ỏi của cô. Đa số bạn bè tôi bây chừ hết kính phục thày cô. Họ bảo thày cô vì tiền mà đi dạy. Tình thày trò nhẹ như bấc. Riêng tôi, tôi nhất định tin rằng tình thày trò muôn đời bất diệt. Tôi tìm ở thày Lặng Lẽ, tìm ở cô Hà, tìm ở thày Thành những tin yêu thần thánh. Cô Hà dễ thương nè, học giỏi nè, cô có thể làm sở Mỹ thiếu gì tiền, đâu có nghèo, mặc hoài và cái áo vải rẻ tiền như cô. Ông "Lặng Lẽ", tiếng Anh nói như gió vậy mà chịu đi dạy lương chả đủ ăn, áo quần cũ rích đấy thôi.

Nhiều đứa bạn cùng lớp ghét tôi thậm tệ. Chúng bảo tôi giỏi nịnh thày nịnh cô, chứ học dốt và phá như giặc, chỉ vì tôi luôn luôn ca tụng thày tôi. Tôi không thể nào tin nổi cô Hà và ông Lặng Lẽ dạy học vì tiền.

Đăng Xuân kéo tay tôi:

- Nữa, lại buồn rồi. Rầu bà quá đi, con gái Huế lãng mạn thật. Báo tin mừng này, dám được nghỉ giờ Anh Văn cả tháng mày ơi, nghe đâu ông Lặng Lẽ bị kêu lính.

Tôi bàng hoàng:

- Hả? Răng rứa, ông Lặng Lẽ mà đi lính à?

Đăng Xuân cười:

- Chứ nàm thao mà răng rứa hoài thế, cái con này kỳ.

Một vài đứa lăng xăng kéo nhau đi về phía chúng tôi.

- Ông nạnh nùng, ông Lặng lẽ, ông í đi lính bay ơi. Giời ơi tao sợ giờ Anh Văn của ông í thấy mồ. Đỡ khổ quá.

- A! Mà cũng buồn đấy nhỉ? Ông ấy khó khó chứ dễ thương đáo để. Biết thày khác có dạy hay bằng ông ấy không. Chúng mày nhỉ.

Tôi mất hồn đi theo chúng diễu qua hàng quà một tua như thói quen thường lệ của tụi con gái chúng tôi. Hàng ổi, hàng bún bò, hàng bún riêu. Ôi trăm thứ hấp dẫn nước bọt.

Bốn năm đứa bu quanh hàng quà. Bỗng một chiếc xe lam dừng lại. Ông Lặng Lẽ bước xuống, móc bóp trả tiền. Có lẽ cái xe vespa già nua của thày lại ăn vạ cảm cúm chi đây.

Ông xe lam, có lẽ thấy thày tôi là giáo sư, lại kẹt giữa một bầy trò con gái nên kỳ kèo:

- Thày cho thêm, thời chừ một trăm bạc được tô phở ăn thua chi. Bao chuyến mà thày. Hai trăm đi thày hai.

Thày tôi trừng mắt:

- Im đi! Không lôi thôi đâu nhé! Một trăm là một trăm.

Ông xe lam tiu nghỉu quành xe đi mất. Thày xốc cao cổ áo, phì phèo vài hơi thuốc. Chiếc píp cong cong hình dáng xù xì quen thuộc nằm lệch trên môi thày. Trông thày ga lăng kinh khủng. Thày chậm rãi tiến về phía chúng tôi. Miệng vẫn ngậm píp thuốc. Mũ vẫn sụp vành. Áo vẫn kéo cao cổ. Trông thày như một lãng tử phiêu lưu đây đó. Tôi hồi hộp cúi mặt xuống hàng bún bò thơm phức, béo vàng nước mỡ, óng ánh ớt đỏ. Thày bỗng dừng lại. Cả bọn con gái đỏ mặt ngồi im không đứa nào hiểu thày sẽ làm gì.

- Này bà, cho ít bột ngọt thôi nhé. Kẻo hư bao tử học trò tôi hết.

Nói xong câu đó với bà hàng bún bò, thày lại lặng lẽ bước đều trên con dốc dẫn vào sân trường.

Cả bọn ngơ ngác nhìn theo. Tôi nao nao xúc động. Ôi con người lạnh lùng làm sao mà cũng tha thiết đằm thắm đến vô cùng.

*

Tôi ngồi như dán người trên ghế ở nhà thày. Buổi học hôm đó thày đến để "tạm biệt" cả trường. Thày dùng chữ tạm biệt cho bớt xót xa. Nhưng lớp tôi hôm đó đứa mô cũng khóc hết. Thày nói những học trò cũ của thày có tổ chức một buổi họp mặt cuối cùng. Thày đi dạy hơn mười năm trời, học trò rải rác khắp nơi. Chừ thày sắp đi lính, học trò cũ mới của thày gặp nhau chúc thày lên đường bình an. Trong các em ai muốn đến tiễn thày không đây?

Chừ tôi ngồi đây, trong căn phòng ấm cúng, có màu đèn vàng. Buổi chiều Đà Lạt lười biếng chìm vội trong đêm, nên thày phải bật đèn hơi sớm, nên hồn tôi dật dờ như chiếc lá vàng khô.

Tôi đến sớm, chọn một ghế khuất trong góc, để tự do nhìn vu vơ ra ngoài trời. Qua khung cửa, cây xanh im lìm rũ bóng. Lần lượt học trò thày bước vào từ khung cửa buồn bã đó. Đăng Xuân cũng đến. Con bé mặc áo tím buồn rưng rức như liễu rũ ven hồ Hoàn Kiếm. Nó bảo rứa đó.

Lúc tôi đang cắn nhè nhẹ miếng bánh ngọt thì một người đàn bà bước vào. Thân hình gầy ốm trong chiếc áo dài nội hóa rẻ tiền. Bà ta ngập ngừng nhìn quanh. Thày tôi đứng lên:

- Thu! Thày mừng gặp Thu. Lâu quá! Vào đây Thu. Sao Thu chít khăn tang hả Thu?

- Thưa thày! Chồng con, anh Đăng học B2 đó thày nhớ không? Anh ấy chết rồi.

Thày bùi ngùi:

- Ờ, ờ! Nhớ, Đăng guitar chứ gì. Nó đàn cho Thu hát những dịp văn nghệ của trường phải không? Tội quá. Ngồi đây đi Thu.

Tôi nhìn chị Thu đăm đăm. Tôi nhớ màu áo trận của bố tôi vô ngần. Ôi màu áo định mệnh của bao nhiêu đời đàn ông Việt Nam.

Bỗng nhiên chị Thu hơi chồm người lên. Một bà có vẻ sang trọng và mệnh phụ đứng nhìn sững chị Thu. Tà áo dài rực rỡ làm đẹp buổi chiều mù mù ngoài khung cửa. Bàn tay quí phái, trắng nuột nà lấp lánh những hạt kim cương quí giá. Bà ta reo lên:

- Thày! Thày nhận ra con không thày?

Thày tôi cười:

- Thúy Ái! Trông oai và hách gớm. Gặp ngoài đường chắc thày nhận không ra đâu. Ngồi bên Thu đi Ái.

Chị Ái sà xuống bên chị Thu. Họ tíu tít nói chuyện. Cùng là học trò của thày, vào đời họ sống hai cảnh khác hẳn nhau. Tự nhiên tôi thương chị Thu chi lạ. Chị Thu đến  bằng xe lam. Chị Thu đi dép thấp. Bên cạnh chị, Thúy Ái đến từ chiếc xe nhà bóng loáng, áo quần rực rỡ, nữ trang đầy người.

Đăng Xuân ghé tai tôi:

- Học trò cũ của thày đông ghê mày nhỉ? Tao đếm được hai chục người rồi.

- Chứ răng, thày dạy học mười mấy năm rồi mờ.

Giọng khàn khàn của một anh đang vỡ tiếng:

- Hôm nay thày cho tụi em say một bữa đi thày.

- Tự do. Thày không phạt nữa đâu mà sợ.

Thày cầm ly nước ngọt ân cần hỏi một chị áo hồng đứng gần chỗ tôi ngồi:

- Sao, lúc này Liên ở đâu?

- Thưa thày em đi làm ở Cam Ranh ạ. Tiện dịp về Đà Lạt vài ngày. Nghe tin thày sắp đi lính em ở lại thêm một ngày để tiễn thày.

Thày quay ra. Có những bước chân rộn rã trên lối đi trải sỏi ngoài sân nhà. Những tiếng cười, những tiếng reo. Một nhóm người ùa vào khung ấm màu vàng. Thày tiến ra, dang tay vỗ vai từng anh một. Một anh có cái sẹo ngang trán, bô bô nói:

- Tụi em kéo cả tiểu đội thăm thày đây. Tuần trước em tưởng mình chầu ông bà rồi chứ.

- Thày cười hể hả:

- Giờ anh đóng ở đâu?

- Sàigòn thày. Lính bị thương mà thày.

- À còn cái ông Râu này của thày sao? Có gì lạ không?

Tôi nhìn người thày đang bắt tay. Anh ấy mặc đồ Biệt động quân. Đôi mắt anh ta có vẻ nghịch nghịch. Nụ cười lém lỉnh nở giữa bộ râu rậm rì.

- Dạ! Em đóng đồn ở Đaktô. Rừng rú lắm thày, để râu luôn cho tiện.

Thày cười dòn:

- Ối chà thày nhớ lúc đi học em cũng để râu đấy thôi. Điệu ra phết đấy.

Anh "Râu" cười hì hì:

- Hồi đó em điêu đứng vì bộ râu với thày, vui thật!

Mọi người bỗng quay hết ra cửa.

Tôi tròn mắt ngó lên. Giữa vùng ánh sáng mờ mờ vàng, giữa những tiếng rì rào to nhỏ của thày trò chúng tôi, một người lính áo trận đầy nét phong sương xuất hiện. Anh có đi mắt sáng. Khuôn mặt vuông. Tóc húi cao, chân anh dang ra. Thày cười rạng rỡ:

- Trời! Long. Em mau lớn quá sức.

Thày lắc tay anh. Thày vỗ vai anh. Nụ cười thày rực rỡ như hoa nở. Rứa mà có đứa bảo thày tôi lạnh lùng.

- Nghe tin thày sắp đi lính, em dù về thăm thày ngay để kể chuyện nhà binh cho thày nghe trước.

Thày cười dòn:

- Tốt! Dạy thày dần đi là vừa. Mai kia gặp Long thày phải chào Long trước là cái chắc phải không trung úy?

Anh Long reo:

- Trời đất! Bao nhiêu năm thày vẫn hay pha trò như xưa. Em chịu thày luôn đấy.

Thày trò chúng tôi mừng tủi bên nhau. Anh Long đang cười vang vang, căn phòng ấm hẳn lên từ lúc anh bước vào.

Anh Long nheo mắt lúc thày giới thiệu tôi với anh:

- Cô nhỏ này có vẻ suy tư dữ thày nhỉ? Chắc lây bệnh thày rồi. Có phải không em?

Thày cười khe khẽ. Chị Thu bóc cho tôi một cái kẹo cà phê:

- Cô bé ăn đi. Lúc này thày còn phạt các em dữ không? Giời đất, lúc nhỏ chị sợ và ghét thày kinh khủng. Sau này chị mới hiểu và quí mến thày.

Chị Ái nháy mắt:

- Bé này, chị Thu lúc bằng bé hay nhè lắm. Thày phạt hoài vì tội ăn quà và lí lắc trong lớp đó. Nói cho bé biết thày hiền lắm, làm bộ dữ đó. Đừng lo nghe cưng.

Có tiếng động nhẹ ngoài cửa. Một người đàn ông dìu một người còn trẻ tuổi đeo kính đen lần từng bước một trên tam cấp. Nét mặt hằn sâu những khắc khổ, dù anh còn rất trẻ.

Thày dang hai tay. Thày ôm chầm lấy anh. Nước mắt thày rưng rưng. Anh ấy quơ chiếc gậy. Chiếc gậy chạm vào chai Coca cola, màu nước nâu sậm đổ đầy nền đá hoa màu trắng. Tôi choáng váng như người say sóng biển. Tôi lặng người nhìn thày ôm anh ấy.

Anh ấy không thấy gì nữa cả. Anh ấy kêu được có một tiếng:

- Thày!

- Dũng!

Rồi anh để mặc thày dìu đi. Chưa bao giờ tôi xúc động như lần này. Chưa bao giờ tôi gặp được hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa về thày tôi. Hai giọt lệ ngập ngừng trên khóe mắt thày.

Anh ấy cúi mặt xuống không nói gì cả.

Thày nghẹn ngào:

- Trong quãng đời dạy học của thày, chưa bao giờ thày xúc động như cuộc họp mặt này. Thày muốn nói nhiều lắm. Những em học trò cũ đã lớn, những em đang sắp lớn. Thày đón những người thành công trở về. Và thày cũng dang tay đón những người thất bại trở về nữa.

Thày tôi đứng đó. Học trò lớn nhỏ cũ mới bao quanh thày. Tôi đứng lên từ lúc nào? Tôi khóc từ lúc nào mà môi tôi mằn mặn.

Trên đường về nhà, gió hiu hắt lạnh. Mặt hồ dựng bóng đèn thành phố và những cụm sương mỏng. Những vì sao lấp lánh cài hờ trên nền trời đen thẳm. Lòng tôi ngất ngây. Đôi mắt thày chơi vơi. Tôi nghĩ đến anh ấy. Khuôn mặt trẻ măng, đôi mắt đời đời đen tối, như đêm về trong hang sâu thẳm.

Hai tay ủ kín trong túi áo măng tô, tôi đếm bước trên con đường tràn ngập gió đêm. Tôi rùng mình "Lạnh quá bố ơi! Bố"

Mắt tôi cay cay. Nhưng tôi vội cắn chặt răng lại. Đời tôi ít may mắn thật. Nhưng ở đời còn bao nhiêu người bất hạnh hơn tôi? Tôi còn trẻ quá sao cứ sầu thảm hoài. Thày nói đúng. "Hôm nay là ngày đầu tiên trong những ngày còn lại của mình" Tôi hát khe khẽ. Tôi mỉm cười Tự an ủi mình.


LỆ HẰNG       
Biển hạ 71        


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 156, ra ngày 1-7-1971)