ĐOẠN KẾT
Ông
ngoại Ti bị đặt trước một tình thế đã rồi. ban đầu ông phản đối đề nghị
của hoạ sĩ Tâm Anh , nhất định bảo là cháu ông không cần phải học hành
chi nữa. Giờ đây là lúc nó phải tập làm việc để kiếm ăn.
Tâm
Anh – cùng góp lời có cả dì Mai và chú Tùng nữa – hết lời nài nỉ, ông
vẫn không thay đổi ý định. Tâm Anh cầu viện đến đấng tối cao, rằng ông
sẽ phải nặng tội nếu dìm thằng bé có năng khiếu này trong cửa hiệu chú
Bỉnh, rằng tương lai nó không nên chôn trong bụi gạo, vụn đường, phấn
bột và mùi dầu lửa lẫn mùi lạp xưởng, cá khô như ông tính. Quyết định đó
sai. Thấy ông không sợ tội, không chút nao núng, Tâm Anh xoay sang doạ
dẫm rằng sẽ lôi ra ánh sáng vụ ông ngoại đã khai man cháu là con, mà
không lo lắng như với một đứa con, chưa kể bắt nó đi làm…
-
Đó ! Xin cụ suy nghĩ kỹ càng đi ! Trước nay dân địa phương này vẫn kính
trọng cụ nhưng khi mà mọi sự thật không tốt đẹp được phanh phui ra thì
chỉ có trời biết họ sẽ nhìn cụ ra sao.
Tâm Anh gằn giọng nói. Ông già keo kiết dài dòng kể lể về công lao nuôi nấng cháu, về tuổi già cô độc một mình v.v… đủ thứ.
Sau
cùng, Tâm Anh thắng, Ti sẽ lên Sàigòn với Tâm Anh để chuẩn bị đi học
trở lại. Hội “Giúp Trẻ Nghèo Hiếu Học” đài thọ một nửa học bổng, còn một
nửa do chú dì đảm trách. Ti sung sướng không thể nào tả xiết.
Nhưng
khi nhìn ông ngoại ủ rũ, ngồi lọt thỏm vào lòng ghế bành rộng, Ti chợt
thấy hối hận dâng tràn. Ti có thể bỏ ông ngoại mà đi, không chút lưu
luyến hay sao ? Bà ngoại mất rồi, dì Mai bận gia đình riêng, cậu Toàn
phiêu lưu trên biển cả, cậu Hân hàng mấy tháng mới thò mặt về một giờ -
khác với khi còn bà, cậu ở lại đôi ngày để được bà nấu ăn, chìu chuộng -
nếu Ti đi nữa, ông ngoại sẽ ra sao ? Ai dậy sớm pha cà phê cho ông sáng
sáng ? Ai pha trà cho ông sau bữa ăn tối, ăn trưa ? Ai giặt giũ cho ông
? Đành là có dì Mai lo phần chợ búa và đôi khi lo cả thức ăn, nhưng
tưởng tượng đến lúc ông phải thổi cơm, nhóm bếp, Ti ái ngại làm sao… Đã
hết đâu :
ăn xong, ai lo dọn dẹp và rửa bát ?...
Vả
lại, Ti đâu có cần lên học tận Sàigòn ? Ti có thể học tại đây vài năm
nữa. Ti cầu mong ông đừng bắt Ti bỏ học là quá đủ rồi, đừng bắt Ti đi
làm là quá tốt rồi.
Ti
sẽ dậy sớm pha cà phê cho ông trước khi đi học. Tan học, Ti sẽ nhanh
chân về sớm để lo bữa ăn trưa cho ông. Buổi chiều, Ti thừa thì giờ để
học bài, làm bài trước khi vào bếp lo bữa tối. Ngày lễ và chủ nhật thay
vì dạo chơi như lúc còn bà, Ti sẽ dùng thì giờ đó mà giặt gịa, lau quét
v.v…
Ti
sẽ nói rõ ý định mình với mọi người, ngay bây giờ đây… Nhưng Ti còn
đang lúng túng thì ông ngoại ngồi thẳng người lên, run giọng :
- Ông Tâm Anh ! Hãy dắt nó đi đi ! Tôi không cần nó, không cần ai nữa cả. Đi đi ! Đi khuất mắt tôi !
Quay sang con gái và con rể, ông tiếp, giọng mỉa mai :
-
Cả hai đứa bay nữa ! Đi luôn đi ! Từ nay đừng lui tới thăm viếng tao
làm chi. Tao không cần bất cứ đứa nào hết. Tao không ngờ tụi bay âm mưu
với người lạ để phản tao. May quá ! Mẹ bay đã chết, nếu bà còn sống, bà
sẽ khổ đến mức nào !
Ông già cười gằn, giọng nghẹn lại :
- Đúng là “tò vò mà nuôi con nhên, mai sau nó lớn, nó quyện nhau đi, tò vò ngồi khóc tỉ ti, nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào”. Đúng là “uổng công cà cưỡng tha mồi, nuôi con tu hú lớn rồi nó ba…ay”
Chưa thốt trọn tiếng bay sau
cùng, ông đưa hai tay ôm ngực, ho rũ rượi một tràng dài… Vẻ nhọc mệt,
ông tựa lưng ra ghế, tái xanh, mắt nhắm nghiền. Dì Mai cuống quít lại
gần cha, quì xuống :
-
Thưa ba, xin ba bớt giận, chúng con không có ý định phản ba, chúng con
chỉ muốn giúp cháu được đi học. Ông khách đây cũng vậy, xin ba bình
tĩnh, xin ba nghĩ lại…
Hai người đàn ông lẳng lặng ngồi yên, không biết phản ứng cách nào.
Ti
kêu lên hai tiếng “ông ơi !” và nó lao tới ôm chặt ông ngoại, vùi đầu
vào ngực ông, khóc lên rưng rức. Đột nhiên ông già keo kiệt bỗng mềm
lòng, ông cũng khóc lặng lẽ, những giòng nước mắt hiếm hoi quí báu như
làm mềm quả tim khô cằn, sắt đá của ông, quả tim từ bao nhiêu năm qua
không rung cảm vì một thứ tình thương nào, quả tim vẫn theo thói quen
nhường chỗ cho tính bủn xỉn, sự tính toán và chỉ biết đập mạnh khi chủ
nhân có lợi. Ông mở rộng vòng tay ôm cháu vào lòng, hai ông cháu cùng
nghe rõ nhịp tim nhau, chúng như hoà chung nhịp đập. Bao nhiêu giận tức
cùng sự keo kiệt như tiêu tan đi trong phút chốc. Rồi, ông đưa bàn tay
khô cằn vuốt lên mớ tóc
rối bù của đứa cháu đáng thương, miệng lẩm bẩm như chỉ nói với chính
mình :
- Tội nghiệp cháu tôi, tội nghiệp biết chừng nào…
Ti ngẩng đầu lên, nó cười, nụ cười hồn nhiên mà từ khi bà chết không hề thấy nở trên đôi môi nó.
Như được khuyến khích vì cử chỉ âu yếm của ông, nó đưa tay gạt lệ, giọng ngây thơ :
- Ông hết giận cháu rồi, phải không ông ?
- Phải ! Ông không giận cháu đâu. Cháu đi học là phải, ông đã sai lầm…
Quay sang hoạ sĩ Tâm Anh, người mà ông thù ghét thậm tệ cách đây mươi lăm phút trước, ông cất giọng buồn buồn :
- Cảm ơn ông, nếu không có ông thì cháu tôi sẽ khổ suốt đời vì lòng ích kỷ của tôi. Xin ông tha cho già về sự khiếm nhã…
-
Ấy chết, cụ dạy quá lời. Tôi rất sung sướng thấy cụ nghĩ lại. Có lẽ hôm
nào tôi phải xin phép cụ để được mời cụ và cháu Ti làm mẫu cho một bức
vẽ của tôi. Thú thực, ngắm cái cảnh hai ông cháu âu yếm vừa rồi, tôi
thấy đẹp quá, cảm động quá đi thôi, cụ ạ !
- Cảm ơn ông, tôi rất vui lòng.
Rồi sực nhớ ra, ông hỏi :
- Ông định hôm nào thì đưa cháu lên Sàigòn để…
- Cháu không đi nữa – Ti kêu to lên – cháu ở nhà với ông, cháu không muốn bỏ ông một mình…
- À ! À, cháu làm sao thế, hở Ti ?
- Cháu phải đi học, vì đó là điều cháu ao ước lâu nay mà !
Hai người đàn ông, chú Tùng và Tâm Anh cùng nói. Họ ngỡ đâu thằng bé hoá rồ, nhưng không, nó dõng dạc nhắc lại :
-
Cháu không thể bỏ ông ở nhà, nhưng cháu vẫn muốn đi học. Nếu ông cho
cháu học lại, cháu học ở đây cơ, tuổi cháu đâu cần phải đi xa, cháu
thương ông lắm…
- Vậy còn cái học bổng ? Đừng tưởng ở yên một chỗ mà họ gửi tới cho cháu…
Đến lượt ông già làm mọi người kinh ngạc :
- Không cần cái học bổng, tôi đủ sức lo cho cháu ngoại tôi !
Giọng ông chắc nịch, mắt ông ngời sáng vì một chút tinh nghịch, vì biết mình đã làm cho ai nấy kinh nghi.
Dì
Mai, chú Tùng và hoạ sĩ Tâm Anh cùng há hốc miệng ra không kêu lên
thành tiếng. Chỉ riêng Ti không chút ngạc nhiên, nó ôm chầm ông ngoại,
cười toét miệng nhưng nước mắt tuôn ròng ròng vì quá sung sướng : nó
được ông yêu ! Ông già cười bao dung :
- Thôi chứ, vào tuổi ông cái gì cũng vừa thôi, đừng làm quá, hại đến trái tim ông…
Tâm
Anh như hụt hẫng vào khoảng không. Thế này là nghĩa lý gì ? Họ định đùa
dai kiểu gì vậy chứ ? Bao nhiêu là công phu, lo lắng đợi chờ mới được
nửa cái học bổng cho thằng bé, bây giờ lại nói không cần. Ngay cả thằng
bé nữa…
Ông ngoại Ti nói với Tâm Anh bằng giọng cảm mến :
-
Thưa ông, ông cháu tôi hết sức cảm động vì lòng tốt của ông. Song tôi
đã nghĩ lại, tôi thấy không nên tranh phần của người nghèo. Tuy không
nhận chúng tôi vẫn cảm ơn ông nhiều lắm, ông Tâm Anh ạ !
Tâm Anh vẫn hậm hực, giọng mỉa mai :
- Tôi vẫn chưa hiểu : ông cụ nghĩ lại hồi nào mà mau quá… vừa mới đây…
Ông ngoại Ti vẫn không phật ý :
- Tôi chỉ vừa biết nghĩ lại đây thôi.
Thật vậy, ông Tâm Anh ạ ! Tôi không thể cắt nghĩa cho ông hiểu được…
nhưng tôi như vừa được mở mắt ra, sáng suốt hơn vì tiếng khóc và nhịp
đập của tim đứa cháu, đứa cháu đáng thương mà tôi không hề đoái tưởng
lâu nay, tuy nó sống cạnh tôi. Người ta lầm lạc thì lâu dài mà khi tỉnh
ngộ thì mau chóng. Vâng ! Ông chỉ có thể hiểu khi ông vào tuổi của tôi. Ở
đời có những trường hợp như thế đó, ông ạ ! Mong ông đừng giận ông cháu
tôi.
- Chú đừng giận ông cháu nhé ? Chú Tâm Anh ? Chú không giận chứ ?
Tâm Anh cười gượng gạo :
-
Không đâu ! Sao tôi lại giận ông cụ và cháu ? Mục đích của tôi là cháu
được đi học, tôi chịu khó chỉ vì điều đó, mà nay cháu đã được như ý…
Nói
đến đây, Tâm Anh chợt cảm thấy mình hậm hực vô lý, mình muốn được thi
ân, được giúp thằng bé, muốn làm một điều tốt. Mất dịp tỏ ra hào hiệp
mình tức tối, vậy thì mình cũng tầm thường quá, có gì đáng kể đâu ? Vậy
mà mình lại trách ông già, rõ là “việc người thì sáng”. Chú Tùng chen
vào :
- Thôi thế là tốt quá, gia đình chúng tôi mang ơn ông. Chúng tôi mong ông sẽ lui tới nhà này luôn mỗi khi có dịp…
-
Và ngày mai, để đánh dấu ngày đáng nhớ của cháu tôi, chúng tôi xin mời
ông lại dùng cơm với ba tôi và chúng tôi, trước khi ông trở về Sàigòn.
Mong ông không từ chối, vì tôi biết nếu ông từ chối, ba tôi sẽ buốn lắm,
thưa ông.
Nói với hoạ sĩ xong, dì Mai quay sang cha :
- Có phải vậy không, thưa ba ?
Ông già tươi ngay nét mặt :
- Đúng vậy đó, ông Tâm Anh ạ !
Sao
mà Ti sung sướng quá : những người nó yêu thương đều tốt với nhau ! Ti
nhìn Tâm Anh không nói nhưng ánh mắt nó còn hơn cả những lời nài nỉ. Tâm
Anh trả lời, giọng tinh quái :
- Vâng ! Tôi đâu dám làm tổn thương đến trái tim của cụ nhà ! Vả lại, tôi phải làm vừa lòng người mẫu của tôi chứ, thưa quí vị !
Ti lại toét miệng cười, chưa bao giờ nó cảm thấy hạnh phúc đến như thế.
Giọng liến thoắng, nó xáng lại bên dì :
- Dì đi chợ nhé ? Cháu sẽ thổi cơm cho. Và cháu sẽ làm bánh kem để đãi ông với chú Tâm Anh.
- Thế còn chú đây với dì Mai thì nhịn hẳn ?
Chú Tùng vui vẻ đùa với cháu. Mọi người cùng vui vẻ. Chưa bao giờ căn nhà lại ấm cúng như thế này kể từ khi bà ngoại ra đi.
Ti thấy mình nhẹ hẫng, tưởng có thể bay bổng như một cánh bướm giữa trời xuân.
MINH QUÂN
11-72