Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

LỜI NÓI ĐẦU_BÍ MẬT DẦU LỬA


Nguyên tác : “LE SECRET DE L’OR NOIR”. Dịch giả xin trân trọng cảm ơn Tác giả, ông Robert Gaillard và nhà xuất bản Dumas – Paris – đã vui lòng cho phép dịch và xuất bản cuốn này.

Xin nhớ : Những chú thích trong sách đều của Dịch giả.



Tựa


Hồi 11, 12, tuổi tôi không hiểu tại sao những cây đèn dầu lửa (dầu hôi) nhỏ lại gọi là đèn Huê-kỳ, nhất là mỗi khi đi qua phố hàng Thiếc ở Hà-nội tôi thấy tiệm nào cũng có vài ba người thợ đương chế tạo những cây đèn mà trong Nam này gọi là đèn trứng vịt ấy. Tôi nghĩ : “Đèn lớn thì gọi là đèn Tây còn đèn nhỏ thì gọi là đèn Huê-kỳ, chắc vì Tây giỏi hơn Huê-kỳ.” Và tôi yên trí với ý ấy. Thật là ngây thơ!

Sau này, khi đọc một bài báo tôi mới hiểu ở cuối thế kỷ trước, người Huê-Kỳ, đào được nhiều mỏ dầu lửa, cần phải kiếm thị trường để tiêu thụ thứ dầu ấy, mà khắp thế giới không có thị trường nào mênh mông bằng thị trường Trung-quốc, cho nên họ bèn làm hàng ức chiếc đèn dầu lửa rồi chở vô Thượng-Hải, cho không người Trung-Hoa. Vâng, họ cho không cũng như bây giờ họ cho không chúng ta bột D.D.T., lại phái người đi từng nhà, rất lễ phép yêu cầu chủ nhân cho xịt thử để trừ ruồi muỗi giùm chúng ta vậy. Dân Trung-Hoa dùng đèn và tất nhiên phải mua dầu của họ. Do đó mới có tên đèn Huê-kỳ.

Nửa thế kỷ trước họ phải quảng cáo lối “Mỹ” ấy vì nhân loại chưa thấy rõ công dụng ghê gớm của dầu lửa. Họ gọi nó là “Oil”, người Pháp kêu nó là “Pétrole”, các nhà hóa học mệnh danh nó là “Naphte”, nhưng các kỹ nghệ gia lại đặt cho nó cái tên là “Hắc-kim”, còn các chính trị gia xưng tụng nó là “cái gân của chiến tranh”. Vì nước nào có nhiều dầu lửa nhất thì chắc chắn là thắng trận.

Người ta đã biết nó từ thời thượng cổ. Trong Thánh kinh có nói ông già Noé thoa nó lên chiếc thuyền của ông, cho gỗ lâu mục, chiếc thuyền mà ông dùng để cứu vớt giòng giống loài người và thú vật trong trận Hồng Thủy. Các người Ai Cập lại dùng nó để ướp thây ma. Nhưng thời ấy người ta chỉ biết rằng nó là một thứ dầu đặc nổi ở trên mặt sông hoặc mặt hồ thôi.

Mãi tới năm 1859, Đại tá Edwin Drake, người Mỹ mới có ý nghĩ rằng ở dưới đất chắc phải có mỏ dầu lửa và ông lại gần bờ hồ Erié (tại Bắc Mỹ) đào một giếng dầu ở giữa cảnh rừng núi hùng vĩ của người Da-đỏ.

Ngay sau khi ông thành công, đồng bào của ông cuồng nhiệt ùa nhau đi kiếm dầu khắp nơi, như khoảng mười năm trước họ cuồng nhiệt đi đãi vàng ở Cựu-Kim-Sơn vậy.

Ở Pensylvanie, Californie, Texas, chỗ nào cũng có người hỳ hục đào. Người ta phá rừng, đục đá, làm xáo lộn cả mặt đất. Rồi thì, y như trong truyện thần tiên của Á-rập, những châu thành đông đúc đua nhau nổi lên ở giữa những nơi hoang vu với những nhà máy rầm rầm, những ống khói tua tủa. Trong một thời, biết bao nhà triệu phú phát lên, nhưng cũng biết bao sản nghiệp sụp đổ, vì có kẻ may, chỉ đào 13 thước đã thấy dầu thì cũng có người rủi, xuống tới 200 thước mà chưa gặp. Vả lại đào một giếng dầu không những tốn kém hàng ức Mỹ Kim mà nhiều khi lại nguy hiểm nữa : nếu không biết đề phòng trước mà đào nhằm lớp hơi ở trên mặt dầu thì hơi phì lên, bùng cháy và có thể thiêu ra tro cả một vùng rất rộng.

Các báo chí hồi ấy hoan nghênh nhiệt liệt sự phát minh của Đại tá Drake. Các nhà khoa học nghiên cứu dầu, tìm cách lọc và được những chất thạch lạp (paraffine) (1), những chất dung-môi (solvant) (2), dầu trơn (lubrifiant) và những nhiên liệu (combustible) (3) như dầu lửa, dầu ma-dút (mazout), các thứ dầu nặng (huiles lourdes) và nhất là dầu xăng.

Nhờ những nhiên liệu ấy, các động cơ phát triển một cách dị thường. Trong có vài chục năm người ta thấy xuất hiện ra biết bao kiểu xe hơi, máy bay, xe tăng, tầu biển, tầu chiến, máy cày, máy điện… Ta có thể nói không có dầu lửa (4) thì không có nền kỹ nghệ ngày nay, mà chiến tranh cũng không có bộ mặt như bây giờ. Đại tá Drake đã đoán đúng : Sự phát kiến của ông đã làm xáo lộn cả thế giới. Và chỉ cần đọc những tin đăng trên mặt báo hồi này về sự tranh chấp dầu lửa giữa Anh và Ba-tư, ta cũng đủ biết sự quan trọng của thứ “hắc-kim” ấy.

Đại tá cũng lại là một trong những người thứ nhất đưa ra giả thuyết này : dầu lửa do những thảo vật và thú vật chết, tan nát, biến chất rồi bị vùi xuống dưới lớp phù sa, cát, sỏi ở đáy biển, hoặc dưới lớp đá trong những cuộc biến chuyển vĩ đại hồi tiền sử.

Giả thuyết ấy chưa lấy gì làm chắc và hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của dầu lửa.

Hầu hết các mỏ dầu lửa bây giờ đều do Mỹ và Anh khai thác. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng giúp họ thắng nổi Đức và Nhật trong chiến tranh vừa rồi. Nhưng các nhà bác học đã tính rằng chẳng bao lâu nữa những mỏ dầu sẽ cạn hết và họ đương tìm nhiều cách để cứu vãn tình thế nguy hiểm ấy. Họ đã chế ra được thứ dầu hóa hợp (synthétique) nhưng giá còn đắt quá. Họ lại đã tìm được dầu ở dưới đáy biển. Và mới rồi một tờ báo cho hay bác sĩ Zobell đương nghiên cứu cách “cấy giống” dầu lửa, nghĩa là nuôi các vi trùng tạo thành dầu lửa và diệt các vi trùng phá hoại dầu lửa để cho giếng dầu lâu cạn.


*

Cuốn “Bí mật Dầu lửa” này tả đời mạo hiểm, gian lao của Đại tá khi ông đi tìm và đào mỏ dầu lửa đầu tiên ở làng Titusville, miền Pensylvanie. Ông được chàng Sam Smith giúp từ đầu chí cuối. Năm 1935, nghĩa là 76 năm sau, chàng còn sống và kể lại chuyện Đại tá cho những khách du lịch tới thăm quê hương của dầu lửa.

Tác giả, ông Robert Gaillard là một trong những khách du lịch ấy. Khi về Pháp, ông viết cuốn “Le secret de l’or noir” để chép lại chuyện đó. Ông tiểu thuyết hóa nó một chút, nhưng chuyện vẫn là chuyện thật.

Khung cảnh trong truyện là một miền mênh mông hoang vu giữa nơi rừng núi của dân Da đỏ Cherakee ở gần hồ Erié. Vai chính gồm năm người:

● Đại tá Drake, có nhiều sáng kiến, cương quyết, chịu hy sinh cho khoa học và nhân loại, nhưng tính rất nóng nảy.

● Chàng Sam, được lòng người Da đỏ, có chí làm giàu và một lòng tin vô biên ở Đại tá.

● Ông già Smith, thân phụ chàng Sam, điềm tĩnh, mềm mỏng và rất có nhiều kinh nghiệm.

● Nàng Marjorie vui vẻ và kiên nhẫn.

● Và chàng Hoggan can đảm, tận tâm vô cùng.

Những đức tính của năm vai đó bổ túc lẫn cho nhau. Thiếu một người thì công việc không thành.

Không có chàng sam thì Đại tá không tới được miền có dầu lửa và cũng không được người Da đỏ giúp sức.

Không có ông già Smith thì Đại tá vì nóng nảy quá, không biết mềm mỏng với thổ dân mà tất lỡ việc.

Không có Hoggan kiếm thêm được tiền để mua khí giới và máy móc thì công việc phải bỏ dở.

Và không có nàng Marjorie thì không ai đủ kiên tâm để đào bới lớp dầu hết. Nàng vui vẻ an ủi, khuyến khích, săn sóc mọi người. Mối tình của nàng với Sam thật êm đềm. Tác giả đã khéo tả, vừa cho ta có cảm tưởng Marjorie là một nàng Tiên trong những truyện thần thoại, vừa cho ta thấy địa vị quan trọng của đàn bà trong nhiều công việc phát minh của nhân loại.

Một nhân vật khả ái nữa là Kaghamisham tù trưởng Da đỏ : chàng cùng với bộ lạc chống bọn người Mỹ khi ngờ họ lại chiếm đất đai, nhưng khi biết người Mỹ chỉ tìm dầu lửa thì chàng tặng cho bọn Đại tá Drake một cánh đồng dầu lửa để đáp ơn cứu sống chàng.

Vì vậy, đọc truyện này, chẳng những các bạn trẻ biết được phong cảnh hoang vu và hùng vĩ của một miền ở Bắc Mỹ, biết cách mạo hiểm trong rừng sâu, biết đời sống và tính tình của một bộ lạc Da đỏ, mà còn học được những gương quyết tín ở sự thành công rực rỡ, hy sinh cho một lý tưởng cao cả không màng danh lợi, kiên nhẫn đi cho tới đích, biết cương quyết, nhưng cũng có lúc nên mềm mỏng và luôn luôn phải tập suy nghĩ, có óc sáng kiến. Có đủ bấy nhiêu đức thì mới thành công trong những việc lớn được.

Thấy truyện của Robert Gaillard đã hứng thú lại rất có lợi cho sự đào luyện nhân cách, cho nên tôi dịch lại để cống hiến các bạn thiếu niên một món giải trí bổ ích và mong rằng các bạn tập được tinh thần mạo hiểm của người phương Tây để sau này tìm kiếm khai thác những mỏ kim thuộc còn đương yên giấc ngủ hàng triệu năm trong lòng đất của non sông, tại miền thượng du Bắc Việt và dãy núi Trường Sơn ở Trung Việt. Và biết đâu đấy, một ngày kia các bạn chẳng đào được một mỏ dầu lửa như Đại tá Drake (5), hoặc một mỏ… uranium nữa, để cải thiện đời sống của nhân loại chứ không phải để chế bom nguyên tử!

Long Xuyên ngày rằm tháng chạp năm Tân Mão (1951)
                                                                                    DỊCH GIẢ
______________

(1) Chất trắng lấy ở dầu lửa dùng làm nến (đèn cầy) và làm dầu xổ.

(2) Chất lỏng có thể hòa tan chất khác được.

(3) Chất đốt cháy.

(4) Tiếng dầu lửa trong bài tựa này có 2 nghĩa : Khi thì chỉ thứ dầu đen, đặc, mới lấy ở dưới đất lên như ở đây ; khi thì chỉ thứ dầu đã lọc rồi mà ta dùng để đốt đèn như trong tiếng đèn dầu lửa.

(5) Cách đây vài tháng, báo hằng ngày đăng tin một kỹ sư ngoại quốc bảo rằng Việt Nam có thể có mỏ dầu lửa (Chú thích tháng 10 năm 1968)

_____________________________________________________________________