Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

CHƯƠNG XI, XII, XIII, XIV, XV_MÁI TÓC HUYỀN


XI

NGƯỜI LẠ MẶT Ở NHÀ BÊN CẠNH


Nửa tháng đã trôi qua. Một buổi sáng kia, trong khi Cúc đang phơi quần áo ở sân thì hình như nó nghe thấy tiếng huýt sáo. Nó vội ngẩng lên nhìn về phía tiếng động thì nó thấy một người đàn ông cúi mình qua cửa sổ lầu hai của nhà bên cạnh. Người đó làm hiệu cho nó và giơ tay như muốn ném cho nó một vật gì. Nhưng, ngay lúc đó, có hai người ở phía sau nhảy ra túm lấy vai hắn và lôi tuột vào trong nhà.

Sự việc xảy ra nhanh như chớp, đến nỗi Thu Cúc không đủ thời giờ để kêu lên. Nó đứng lặng người đi, mắt nhìn chòng chọc vào khung cửa sổ và tự hỏi rằng có phải nó mơ hay không?

Nhưng không phải là một giấc mơ. Chính hai tên gian phi trước đã đánh cướp con búp bê của nó, vừa rồi lại đã cản trở người lạ mặt không cho hắn ném cho Thu Cúc bức thư mà lần trước đã được cất giấu dưới mái tóc con búp bê. Con nhỏ tin chắc là đúng cái thư đó, nên nó rất ân hận rằng chỉ thiếu chút nữa thì sự bí mật đã được khám phá ra.

Bỗng tiếng gọi của bà Tảo làm nó trở về với thực tại : “Mày làm gì trên đó mà lâu thế hả đồ ăn hại? Xuống ngay, không thì chết với tao bây giờ!”

Cúc giật mình đến thót một cái, phơi nốt đống quần áo rồi vội vã chạy xuống nhà.

Sau khi quét tước trong phòng cô nó, làm giường và dọn dẹp bếp nước xong xuôi, nó lấy chiếc hộp để đi bán hàng. Trước hết, nó vội đi kiếm thằng Đức để thuật lại hoạt cảnh mà nó vừa được mục kích ban nãy. Thằng nhỏ chau mày nói:

- Tao đoán người lạ trên cửa sổ, bà lão bán hàng và cái ông đến đòi con búp bê của thằng Oánh chỉ là một người mà thôi, chắc chắn như thế.

- Hoặc giả là ba người khác nhau mà hành động theo chung một kế hoạch.

Cúc đáp lại, vì nó không giàu óc tưởng tượng như bạn nó, nên nó không tin vào sự cải trang đến ba lần như thế.

Đức im lặng xếp những tờ báo, rồi nó gật đầu thở dài nói:

- Lời giải đáp nào cũng thấy hữu lý cả, thật khó mà phân biệt : màn bí mật lại mỗi ngày mỗi dày đặc thêm, bực quá đi mất!

- Hay là chúng mình đi gặp ông Hùng? – Cúc đề nghị.

- Ngay bây giờ tao không thể bỏ sạp báo mà đi được. Vả lại, với tài trinh thám của ông ấy, ông cũng chưa tiến xa hơn tụi mình được bao nhiêu. Dầu sao, mày cũng nên đi báo cho ông rõ sự việc ban sáng, nhưng tao không yên tâm để mày đi một mình.

- Nếu vậy, tao đến nhờ cô Mai đưa tao đi.

- Ừ, ý kiến ấy hay đó! Nhưng khi ở nhà ông Hùng ra, mày nhớ tạt qua đây cho tao biết ông ấy nghĩ sao nhé.

Rồi hai đứa chia tay. Nhà cô Mai ở cách vườn bách thảo không xa mấy, khi Cúc tới thì cô vừa điểm tâm xong.

- Có chuyện chi vậy, em Cúc? – cô hỏi.

Con nhỏ bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện và nhờ cô đưa đến nhà ông Hùng.

- Thôi, để chị kêu dây nói cho ông tiện hơn.

Rồi cô Mai quay số gọi:

- Alô, chào anh Hùng! Anh có thể qua nhà Mai một chút được không? Phải, một báo cáo thượng khẩn. Trong 5 phút hả? Tốt lắm.

Cô đi thay áo và bảo chị Năm mang cà phê sữa cho Cúc, vì sáng nay vội đi nó vẫn còn lòng không dạ đói. Vài phút sau, cô Mai trở lại phòng khách thì ông Hùng cũng vừa tới. Nhà phóng viên rất chăm chú nghe câu chuyện do Cúc kể lại rồi đặt câu hỏi về địa thế căn nhà bà Tảo và hai ngôi nhà lầu bên cạnh trông xuống sân gác nhà Cúc. Con nhỏ cố gắng trả lời thật đúng và nó tiếc rằng lúc này thằng Đức không có đây để giúp nó.

- Thưa ông – nó nói – sân gác nhà em hình chữ nhật, phía trước là bức tường bếp nhà em, phía sau là bức tường ngăn cách một khu vườn, còn bên phải và bên trái là hai ngôi nhà cao.

- Rồi! Thế cái cửa sổ mà em thấy người lạ mặt đứng sáng nay là thuộc dãy nhà nào?

- Thưa ông, thuộc dãy bên phải, dãy bên trái hiện bỏ trống.

- Thế em có biết những người ở dãy bên phải là ai không?

- Thưa ông, có. Lầu nhất có một bà góa, lầu nhì đang bán, còn những người thuê lầu ba thì hiện đang đi nghỉ hè, không có ai ở nhà.

- Em nói người lạ mặt đứng ở lầu nhì phải không?

- Thưa ông, vâng, cửa sổ ở góc nhà, gần sân nhà em nhất.

- Đúng vậy, vì là một căn nhà trống, hắn có thể ra vô dễ dàng. Nhưng vì sao hắn biết rằng đứng ở cái cửa sổ ấy thì trông thẳng xuống sân nhà em?

- Thưa ông, em cũng không rõ, vì khu nhà đó quay ra mặt lộ, nếu từ ngoài lộ nhìn vào thì chẳng ai có thể đoán biết rằng các cửa sổ trông thẳng xuống sân nhà em.

- Vậy thì phải đoán rằng người đó đã nghiên cứu địa thế từ trước rồi – ông Hùng nói nho nhỏ – Này em! Có thể cho ta biết trong thời gian vừa qua, cô em có…

- À, thưa ông, người khách muốn thuê phòng của cô em! Đúng rồi!

- Người nào vậy? – Ông Hùng và cô Mai đồng thanh hỏi dồn dập.

Cúc bèn kể lại câu chuyện thuê phòng mà chúng ta đã rõ và không quên khai rằng sau khi xem xét nhà cửa cẩn thận rồi, người khách lạ đã không trở lại.

- Em có chắc rằng hắn đã đi ra sân không? – Ông Hùng hỏi.

- Thưa ông, chắc ạ, cô em nói thế! Cô em còn nói rằng ông ấy đã đứng ở sân một lúc lâu và nói rất thích hóng mát buổi chiều ở đó.

- Nếu vậy thì chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa : ba nhân vật ấy đúng là một người. Nhưng em Cúc, sao em không báo tin cho ta biết sớm hơn? Đáng lẽ ta đã có thể bắt đầu điều tra từ nửa tháng nay rồi.

Con bé đỏ mặt đáp:

- Thưa ông, em không ngờ là việc ấy quan trọng đến như thế.

- Lúc này thì bất cứ điều gì cũng rất quan hệ cho em đó. Vậy ta dặn em : từ nay nếu trông thấy hoặc nghe thấy điều gì mới lạ, em phải báo cho ta biết ngay.

- Thưa ông, vâng – Cúc nói. Và như để tạ lỗi, nó thêm – Bữa trước em không nói vì em không hiểu thế nào cả.

- Thôi được rồi. Không nên than vãn, mất thời giờ vô ích. Ta muốn đây là một bài học cho em về sau.

Nói xong, ông Hùng đứng lên.

- Anh về bây giờ ạ? – Cô Mai ngạc nhiên hỏi.

- Vâng, tôi muốn đi điều tra một lát!

Rồi ông vội vã đi kiếm người gác cổng khu nhà nói trên thì được biết rằng một người đàn ông đã tới đây nhiều lần để thăm thú căn nhà ở lầu nhì, nói rằng định mua.

Lần thăm chót vào buổi sáng hôm nay, và người lạ mặt có một vết sẹo ở bên má phải.


XII

KIỂM TRA LÝ LỊCH


Từ hôm bà Tảo bị gạt trong vụ mướn nhà thì bà ta tỏ vẻ dè dặt với khách hàng. Nếu là người lạ, không phải từ các xóm lân cận tới, bà ta tiếp đãi rất nhạt nhẽo.

Một bữa kia, một ông tay ôm cuốn sổ lớn vào cửa hàng và tự giới thiệu là Thẩm sát viên do quận phái về kiểm tra lý lịch các gia đình. Nghe nói là người trên quận, bất đắc dĩ bà ta phải tiếp đãi ân cần.

Người đó không phải ai xa lạ, mà chính là Hùng, nhà phóng viên kiêm thám tử.

- Xin bà vui lòng cho biết lý lịch – Hùng vừa nói vừa mở sổ trên quầy và sửa soạn viết. Bà Tảo bèn đưa ra tấm thẻ căn cước. Sau khi ghi chép đầy đủ, Hùng hỏi:

- Gia đình bà có mấy người?

- Thưa, tôi là góa phụ không có con.

- Thế bà có người thân thích tá túc ở đây không?

- À có, một đứa cháu gái mồ côi, con người anh họ.

- Tên cháu là gì?

- Hoàng thị Thu Cúc.

- Cháu là con ai?

- Chuyện này đã lâu nên tôi cũng không nhớ rõ tên cha mẹ nó.

- Lạ nhỉ, bà không nhớ rõ tên người anh họ – Hùng nghiêm giọng – có lẽ bà định giỡn tôi hay sao đó?

- Thưa ông không. À… ừ… đó là người chị em họ tên Thu Vân, nhưng tôi không biết tên người chồng là gì.

- Vậy là bà biết tên mẹ con nhỏ. Thế cháu sinh ở đâu?

- Tại Nam Vang.

- Năm nào?

- Tôi chỉ nhớ mang máng vào khoảng 12 năm nay.

Hùng ghi các lời khai của bà Tảo một cách bình tĩnh và hỏi:

- Con nhỏ sinh ở Nam Vang sao bây giờ ở Saigon?

Bà Tảo suy nghĩ một lát rồi đáp:

- Hồi đó tôi cũng ở Nam Vang. Khi người chị họ tôi mất đi, tôi đem con nhỏ về nuôi vì lòng nhân đạo.

- Hồi đó đứa nhỏ mấy tuổi?

- Độ hai tuổi.

- Có chắc chắn là bà trở về Saigon sau khi người chị họ mất không?

- Vâng, vài tháng sau, vì tôi đã có ý định về đây từ trước rồi.

- Vậy là con nhỏ sanh tại Nam Vang, bà có chắc chắn như vậy không?

Đến đây bà Tảo hơi biến sắc:

- Thưa chắc chắn.

- Bà hãy coi chừng, tôi có thể kiểm soát lại dễ dàng, nếu bà khai man bà sẽ bị liên lụy đó. Vậy tôi khuyên bà nên nói đúng sự thật.

Bà Tảo lấy tay quệt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán và đáp ấp úng:

- Tôi… Tôi… không biết. Ở Nam Vang, họ bảo tôi…

- Ai bảo bà và bảo cái gì? – Hùng trừng mắt hỏi.

- Người đã giao con nhỏ cho tôi.

- Thế không phải là người chị họ à?

- Thưa không, người mẹ con nhỏ đã chết, người giao con nhỏ cho tôi là một người bạn gái.

- Tên người đó là gì? Nhưng thôi, bà cũng chẳng cần mệt óc làm chi : tôi có thể nhắc dùm bà. Đó là một người đàn ông tên Xuân!

Nghe thấy thế, bà Tảo suýt té xỉu và phải bám tay vào quầy hàng mới đứng vững.

- Sao… sao… ông biết? – Bà nói trong hơi thở phều phào.

- À tôi biết chứ. Tôi còn biết rằng tên Xuân đã đưa cho bà một số tiền lớn để bà về Saigon, có đúng không?

Lúc đó bà Tảo như người chết đứng, không nói được lên thành tiếng nữa.

- Đó, bà coi, nói dối có ích lợi gì đâu? Tên con nhỏ không phải là Hoàng thị Thu Cúc và nó cũng không phải là con người chị họ của bà. Vậy tên thật nó là gì?

- Tôi không rõ. Khi tên Xuân mang con nhỏ đến cho tôi, hắn dặn tôi tên nó là Hoàng thị Thu Cúc và nó sinh ở Nam Vang. Đó là sự thật một trăm phần trăm, tôi xin thề với ông.

- Thôi được, tôi tin lời bà. Nhưng còn điều này nữa : tại sao tên Xuân đã giao con nhỏ cho bà và tại sao bà đã đưa nó về Saigon? À, mà trước hết tên Xuân là ai đã?

- Hắn là một người bạn của chồng tôi, tôi biết hắn khi còn ở Nam Vang.

- Thế chính hắn đã giao con nhỏ cho bà hay ai?

- Vâng, chính hắn. Một bữa kia, hắn tới thăm tôi và bảo nếu tôi muốn có một số tiền lớn lại được dọn về Saigon ở mà không tốn kém một xu thì hắn sẽ giúp. Hồi đó ở trong tình cảnh góa bụa, lại túng thiếu nên tôi ưng thuận.

- Tôi nói cho bà biết : tôi đã ghi vào sổ tên tuổi của con nhỏ. Nếu tôi hỏi lại ở Nam Vang mà không đúng như thế thì bà đừng có trách đó.

Bà Tảo sợ quá vội kêu:

- Không, không, tôi xin nói thật hết cả. Vả lại tôi chẳng làm gì nên tội, nếu tôi cứ im lặng mãi thì tôi sẽ tự cho mình là thủ phạm. Vậy, tên Xuân có bảo tôi rằng : người ta có gởi hắn một đứa nhỏ, là con một gia đình giầu lớn tại Nam Vang. Cha mẹ nó muốn cho nó lánh đi xa một thời gian để bọn gian phi khỏi bắt cóc hoặc hãm hại. Vì thế họ muốn giao cho tôi mang con nhỏ về Saigon như một đứa cháu vậy.

- Thế bà đã ưng thuận?

- Lúc đầu tôi từ chối, vì tôi thấy số tiền họ hứa cho tôi sẽ không đủ để nuôi con nhỏ. Hai nữa, tôi rất sợ dính líu vào một chuyện mờ ám, vì chưa bao giờ tôi có gì rắc rối với Sở Cảnh sát, nên tôi đắn đo mãi. Nhưng tên Xuân đã thuyết phục tôi rằng đây là một công việc từ thiện, cha mẹ đứa nhỏ sẽ gởi tiền cho tôi đều đều qua sự trung gian của hắn, và khi họ có thể đón được đứa con về thì họ sẽ thưởng cho tôi một số tiền lớn. Thưa ông, vì tôi muốn làm việc nghĩa và hy vọng được trở về Saigon để dưỡng già ở nơi chôn nhau cắt rốn, nên cuối cùng, tôi đã xiêu lòng và nhận lãnh con nhỏ.

- Ồ, rồi sao nữa?

- Thưa ông, như thế là hết. Tôi đã chuyển về Saigon và sau đó tôi chẳng nhận được tiền bạc gì cả, lại còn phải đèo bồng thêm con nhỏ trên tay. Lắm lúc tôi đã định ra khai việc này với nhà chức trách để thoát cái của nợ này, nhưng rồi tôi lại thôi, hy vọng rằng một ngày kia cha mẹ đứa nhỏ sẽ tới đây để xin con nhỏ về. Ông cũng hiểu cho rằng sau bao nhiêu năm tận tụy, tôi chẳng muốn bị xôi hỏng bỏng không.

- Phải, tôi hiểu.

- Nhưng bây giờ thì tôi đã chán ngấy rồi. Khi nói hết cả sự thật với ông, tôi không ân hận gì cả. Với các tài liệu tôi vừa đưa ra, ông muốn làm chi thì làm, nhưng lương tâm tôi được yên ổn. Tôi đã chịu biết bao nhiêu khổ cực với con nhỏ mà nay phần thưởng của tôi như thế đó, ông nghĩ coi. Thôi cũng đành! Nhưng tôi mà kiếm ra được lão Xuân thì hắn phải biết tay tôi, ông ạ!

Lúc này thì Hùng đã hiểu rõ lý do vì sao mụ này lại ghét bỏ Thu Cúc đến như thế ; chỉ vì con nhỏ đã mang cái tội là không đem lại cho mụ sự giàu sang mà mụ hằng trông đợi từ bấy lâu.

- Bây giờ thì phải tìm cho ra tên Xuân chứ – Hùng nói.

- Thì chính tôi vẫn luôn luôn bận tâm về chuyện đó. Đã bao phen tôi gởi thơ qua Nam Vang cho hắn, nhưng tuyệt vô âm tín, có lẽ hắn đã bỏ đi nơi khác rồi.

Hùng vừa gập cuốn sổ lại vừa nói:

- Chúng tôi có thể biết rõ tung tích của hắn, nhưng xét ra cũng chẳng ích lợi gì mấy. Mà có thể hắn chết rồi cũng nên.

- Chết hay sống thì tất cả đều do lỗi tại hắn. Tôi chẳng làm điều gì ác độc nên tôi không ngại chi hết.

- Về những việc quá khứ thì tôi đồng ý. Nhưng trong hiện tại và tương lai thì bà không nên hành hạ con nhỏ nữa. Sở Cảnh sát tinh lắm đấy, nếu họ hay biết điều chi thì rất phiền cho bà đó.

Nói xong, Hùng xách cuốn sổ bước ra cửa. Bà Tảo nghe câu nói vừa rồi nửa khuyên bảo nửa dọa dẫm thì thấy chột dạ. Một lát sau, hoàn hồn trở lại mụ tự hỏi không biết ông này có đúng là nhân viên của quận hay không.

Rồi mụ lại tự nghĩ : Hay ông ấy là bà con gì với con nhỏ, hoặc là cha ruột nó không chừng. Nên mụ thấy rất hối hận, vì ban nãy mụ đã thốt ra tất cả sự ghét bỏ cảu mụ đối với con nhỏ, rồi đến khi ông ta nói đến vấn đề mụ bạc đãi nó, mụ cũng không hề cải chính gì cả.

Nghĩ đến đây, mụ ngồi phịch xuống ghế, vừa bực tức, vừa lo lắng.


XIII

NỖI LO SỢ CỦA BÀ TẢO


Kể từ hôm đó, Thu Cúc đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó thấy bỗng nhiên bà Tảo đối đãi rất tử tế với nó. Trước hết bà cất cái hộp hình ảnh đi, rồi bà cười thật tươi vừa nói với nó:

- Con ơi, thôi từ nay con đừng đi bán hình nữa. Con đã lớn rồi, cô muốn con ở nhà tốt hơn.

Thu Cúc trợn tròn mắt, không hiểu ra thế nào cả. Bà Tảo vội nói tiếp : “Cô biết con sẽ rất ngạc nhiên về điều này, nhưng đã từ lâu nay cô vẫn có ý định cho con học một nghề gì, mặc dầu sự buôn bán lúc này cũng khó khăn và gia đình ta ở trong cảnh eo hẹp”.

Bà ngưng một lát rồi nói tiếp : “Nhưng cũng phải cố gắng một tí chứ! Cô sẽ rất khổ tâm nếu cô phải hy sinh tương lai của con đó, con ạ!”.

Nghẹn ngào vì quá xúc động, Thu Cúc đáp run run:

- Nhưng, thưa cô…

Bà Tảo ngắt lời:

- Cô biết là con sẽ hỏi cô định để con ở nhà làm gì? Con khỏi lo, tất nhiên cô phải kiếm cho con một công việc chớ. Thế con có thích học nghề thêu không?

- Thưa cô, con thích lắm.

- Vậy thì tốt lắm. Hàng ngày, cô sẽ mượn người tới đây để dạy con thêu thùa, nếu việc buôn bán của nhà ta được khá hơn một chút, cô sẽ cho con đi học trường.

- Ồ, thật là tuyệt! Cô thương con quá!

Bà Tảo vội lôi con nhỏ lại gần, vừa vuốt ve nó vừa nói:

- Con tha lỗi cho cô nhé! Cô đã già rồi nên sinh ra bẳn tính và nhiều khi cũng hơi quá nghiêm khắc với con. Nhưng con thông cảm cho cô : Suốt đời khổ cực nên tính nết cô hơi cáu kỉnh. Nhưng tính nết là một chuyện mà tấm lòng lại là chuyện khác. Con nên tin rằng tấm lòng của cô đối với con lúc nào cũng như một người mẹ hiền, con ạ!

Rồi bà đưa tay lên vờ quệt mắt như để chùi một giọt lệ, mà người tinh ý đến đâu cũng phải cho là thật. Tuy nhiên, Thu Cúc hãy còn nhớ quá rõ những sự bạc đãi của bà Tảo nên nó chưa dám tin hẳn vào sự thành thật của bà ta. Nó tự hỏi vì lý do gì lại có một sự thay đổi đột ngột như thế, nhưng nó chưa tìm ra được lời giải đáp.

Một lát sau, bà Tảo chạy ra chợ Thị Nghè rồi mang về cho Thu Cúc một chiếc áo kiểu và một xấp vải để may áo dài mới tinh và một đôi dép quai da. Con nhỏ không biết nghĩ thế nào về cử chỉ hào phóng đó và nó tự hỏi : Hay bà ta đã trúng số… Hay bà ta đã hóa điên chăng!

Từ lúc đó, Thu Cúc lại thêm nhiều sự ngạc nhiên khác. Tối hôm ấy nó được ăn một bữa cơm thịnh soạn, đến lúc đi ngủ nó lại thấy chiếc giường của nó được kê ngay trong phòng bà Tảo.

- Cô thấy hồi này con hơi xanh – bà nói – và cái phòng nhỏ mà con vẫn ngủ có lẽ không được tốt lắm. Vậy từ nay con lên ở phòng này với cô, có nhiều ánh sáng và không khí, để sức khỏe con được khá hơn!

Sáng hôm sau bà Tảo kêu cô Lý đến để dạy Thu Cúc thêu thùa, và con nhỏ bắt đầu bước vào một cuộc sống mới.

Bà Tảo xuống mở cửa hàng như mọi ngày, còn Thu Cúc vẫn ở lại trong phòng với cô Lý để học làm rua. Nó cũng quen dần với cuộc sống mới, nhưng một điều làm nó bứt rứt là làm thế nào để đi gặp thằng Đức và cô Mai?

Nhưng tới buổi chiều, bà Tảo như đoán biết ý muốn của nó liền bảo:

- Con đã quen sống hoạt động ngoài trời, vậy chiều mát con nên ra phố chơi một vòng để giải trí.

Thiếu chút nữa thì con nhỏ kêu rú lên vì vui mừng. Chiều ý bà Tảo, nó lấy một chiếc áo mới màu trắng hoa thiên thanh mặc và chân đi đôi dép mới.

Khi trông thấy nó, thằng Đức há hốc miệng ra mà nhìn nó từ đầu đến chân trong sự ngạc nhiên tột độ:

- Thu Cúc, có chuyện gì vậy? Quần áo ở đâu thế?

Con nhỏ vừa cười vừa tiến vào ngồi trong sạp và kể cho nó nghe các tin tức cuối cùng rồi kết luận:

- Mày có thể tưởng tượng được không? Cô tao sắp cho tao đi trường học rồi đó!

- Ừ ừ – thằng nhỏ đáp – không có lửa làm sao lại có khói?

Thu Cúc hỏi nó nói như thế là nghĩa gì, nhưng Đức không đáp. Nó ngờ rằng hành động của bà Tảo có che giấu một cái gì bất thường và nên cẩn thận đề phòng. Nó đưa con nhỏ tới nhà cô Mai và dặn nó nên thận trọng. Cô họa sĩ cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy Thu Cúc mặc bộ đồ mới và khi nó kể thay đổi bất ngờ của bà Tảo. Riêng ông Hùng thì coi là sự thường khi cô Mai kể lại cho nghe chuyện của Thu Cúc.

- Anh nghĩ thế nào? – cô hỏi – thật là lạ lùng quá xá!

Hùng gật đầu thầm nghĩ : mụ ta đã hoảng sợ những lời cảnh cáo của ta rồi đó.

- Cô bạn của tôi ơi! – chàng nói với một giọng rất văn vẻ – trong cõi đời này ta phải nên sẵn sàng đón nhận tất cả, vì những việc rất kỳ lạ có thể xảy đến bất cứ lúc nào!



XIV

BỨC THƯ VÔ DANH


Một buổi sáng chúa nhựt, khi ở tiệm bánh mì về, Thu Cúc vấp phải một viên đá lúc nó sắp bước qua ngưỡng cửa để vào nhà. Nhìn xuống, nó thấy viên đá ấy có cuộn một mảnh giấy trắng, nó vội nhặt lên xem.

May quá, lúc bấy giờ không có ai. Bụng lo lắng, nó vội giở mảnh giấy ra coi thì thấy có chữ viết bên trong. Trống ngực đập thình thình, nó phỏng đoán đây là một bức thư mà một người bí mật muốn gởi cho nó. Không dám đọc ngoài đường, nó vội bỏ thư vào túi rồi chạy một mạch lên cầu thang.

Bà Tảo chạy ra mở cửa.

- Con dùng thêm chút cà phê sữa nhé?

Bà hỏi với một giọng niềm nở đã thành quen thuộc, nhưng con nhỏ vẫn nhận thấy một cái gì kỳ lạ bên trong..

- Thưa cô thôi ạ, con no rồi – con nhỏ đáp.

Lên tới phòng, nó vội lấy bức thư ra đọc:

- “Nếu cháu muốn biết nội dung bức thư đã giấu dưới mái tóc con búp bê thì chiều mai hồi bốn giờ, cháu tới căn nhà trống đang sửa chữa mang số 123 thuộc hẻm Vân Sơn đường Hùng Vương (Gò Vấp)… Cháu sẽ gặp một người bạn vẫn hoạt động để giúp cháu và sẽ cho cháu những điều chỉ dẫn rất quí báu”

Bức thư đó viết lối chữ in và không ký tên. Thu Cúc đọc lại cẩn thận và thấy cần phải chạy ngay lại nhà ông Hùng mới được. Nhưng trước hết, nó phải tìm một cớ gì để có thể ra ngoài.

Vẻ mặt suy tư, nó liền đi xuống bếp.

- Thưa cô… – nó nói với vẻ rụt rè.

- Gì thế con?

- Con muốn xin phép cô cho con ra phố một lát. Bây giờ trời đẹp và con không có việc gì làm cả.

- Được, được, con đi đi – bà Tảo chấp thuận ngay vì bây giờ bà không dám từ chối con nhỏ một điều gì cả.

Cúc mừng quá chạy vội đi, nhưng cô nó gọi theo:

- Con đi đâu vậy? Vườn Bách Thảo phải không?

- Thưa cô, vâng ; con chỉ đi một vòng rồi về ngay.

- Ừ, được. Cô đợi con về ăn cơm đấy nhé.

Con nhỏ chạy ba chân bốn cẳng tới sạp báo gặp ngay thằng Đức.

- Có gì lạ không? – Thằng nhỏ hỏi.

- Mày đọc coi! – Cúc vừa nói vừa đưa cho nó lá thư.

Đức đọc thật nhanh rồi quay lại hỏi:

- Thế mày tính sao? Mày có định tới chỗ hẹn không?

- Có chứ.

- Mày định đi một mình à?

- Ừ, nếu mày không đi được với tao.

- Mai tao có thể thu xếp đi được. Nhưng trước hết mình phải hỏi ý kiến ông Hùng đã chứ.

- Tao cũng nghĩ như vậy, nhưng tao chưa dám làm gì trước khi đưa mày coi bức thư này.

Thằng nhỏ cảm động về lòng tin cậy của con bạn nó, nên nó vừa mỉm cười vừa nói:

- Tao chưa kiếm được cách gì giúp mày cả, nhưng ông Hùng là một người tài ba : mày phải đi nhờ ông ta giúp mới được.

Cúc vừa nhìn đồng hồ trong sạp vừa nói:

- Đã mười một giờ rồi! Thôi tao phải đi ngay bây giờ, vì tao phải về nhà trước giờ cơm.

Nó cáo từ Đức, vuốt ve con Lu rồi chạy đi. Đáng lẽ nó muốn qua nhà cô Mai trước, nhưng vì sợ trễ giờ, nó vội đi thẳng đến nhà ông Hùng.

Một bà người làm ra mở cửa, Cúc bèn hỏi:

- Thưa, ông Hùng có nhà không?

- Thưa cô, có ; cô cho biết quí danh để tôi vào thưa với ông tôi.

- Em là Thu Cúc, ông chủ đã biết.

Bà già đưa Cúc vào và đi thưa với chủ nhân. Một lát sau, bà ta trở ra và mời Cúc đi theo vào văn phòng ông chủ. Đang ngồi sau chiếc bàn giấy đầy sách vở và báo chí, ông Hùng không giấu được sự ngạc nhiên vội hỏi:

- À Thu Cúc! Em tới đây thật bất ngờ! Có chuyện chi vậy?

Cúc đợi cho bà già lui ra rồi đáp:

- Thưa ông, em xin lỗi đã làm phiền ông, nhưng em đã bắt được vật này – nó vừa nói vừa đưa bức thư ra.

Nhà phóng viên đọc lá thư mà không tỏ vẻ gì ngạc nhiên cả.

- Em thấy thư này ở đâu vậy? – Ông hỏi.

- Thưa ông, em nhặt được dưới đất, ngay trước cửa nhà em.

Ông Hùng gập lá thư bỏ túi.

- Hẻm Vân Sơn đường Hùng Vương không xa mấy, đi xe hơi chỉ mười lăm phút là tới.

- Thưa ông cùng đi với em ạ?

- Chắc thế. Để em đi một mình sao được?

- Vậy, xin ông cho phép Đức cùng đi.

Ông Hùng vừa mỉm cười vừa nói:

- Còn hơn thế nữa kia, ta bắt buộc hắn phải đi. Bây giờ để ta kêu dây nói cho cô Mai ; cô không có gì tiêu khiển, vậy ta mời cô đi chơi luôn thể. Thế mai thứ hai hồi 3g30, em đợi sẵn ở cổng vườn Bách Thảo nhé.

- Thưa ông em sẽ đúng hẹn – con nhỏ đáp và xin cáo từ.


XV

LỠ HẸN


Do ông Hùng cầm tay lái, chiếc xe chạy bon bon trên mấy phố, lúc bấy giờ người qua lại hãy còn thưa thớt. Thỉnh thoảng cô Mai và Thu Cúc trao đổi một vài câu chuyện. Còn Đức ngồi cạnh ông Hùng, nhìn chăm chăm trước mặt. Chẳng mấy lúc, xe đã tới đầu hẻm Vân Sơn, ông Hùng bèn đậu xe ngoài lộ. Bốn người xuống và thả bộ vào trong hẻm. Đi một quãng xa, mọi người thấy nhà cửa thưa thớt dần, nhiều cây cối um tùm che rợp những khoảng vườn vắng lặng. Ở cuối hẻm là một ngôi nhà không lầu bỏ trống mang số 123. vật liệu sửa chữa bỏ lổng chổng ngoài sân, hình như lúc này thợ nghĩ việc. Hùng đẩy cửa bước vào nhà, theo sau là Đức, Cúc và cô Mai. Đây là một phòng nhỏ không có cửa sổ, phía trong có một cái cửa gỗ đóng kín. Ông Hùng mở tấm cửa này và mọi người tiến vào một căn phòng khá rộng, có cửa sổ mở ra khu vườn bỏ hoang. Cô Mai nhìn đồng hồ tay và nói nho nhỏ : “Tới giờ rồi”, còn thằng Đức thì nghĩ bụng : “Chưa có ai tới cả”.

Ông Hùng bước lại gần cửa sổ, cúi người nhìn quanh ngoài vườn, rồi trở lại giữa phòng để quan sát đồ đạc, một chiếc bàn cũ phủ đầy bụi và mấy cái ghế mục. Bỗng ông ta ngửi thấy mùi gì khen khét : ông cúi xuống và thấy trên mặt đất một đầu thuốc lá đang tắt.

“Vô ý quá!” ông vừa nói vừa lấy chân giẫm lên đầu thuốc cho tắt. Rồi suy nghĩ một lát, ông nói thêm : “Thôi, chúng mình có thể ra về được rồi!”

- Sao vậy? – Mọi người ngạc nhiên hỏi.

- Phải, chúng mình ra về mà! – ông Hùng nhắc lại.

- Nhưng mới có bốn giờ hai phút! – cô Mai cãi lại.

- Vâng, nếu cô muốn ở lại đây thì chúng ta sẽ ở lại tới chiều – ông Hùng mỉm cười đáp – nhưng cái người mà chúng ta đang đợi thì đã tới đây từ nãy rồi… và cũng đã đi khỏi rồi!

- Đi khỏi rồi! Sao kỳ vậy?

- Phải, mà tôi còn biết hắn đi lối nào nữa cơ : đây, hắn đã nhảy qua cửa sổ này. Và đúng hơn là hắn đã chuồn mất ngay lúc chúng ta mới vô tới cổng. Đây là một đầu thuốc lá mới vứt xuống đất được vài phút : nó hãy còn đang cháy khi tôi tìm thấy…

- Nhưng…

Thu Cúc muốn nói thì ông Hùng ngắt lời:

- Ta đoán biết em muốn nói gì rồi. Em nghĩ rằng có thể là một người nào khác đã vứt đầu thuốc đó phải không?

- Thưa ông, vâng.

Ông Hùng gật gật đầu:

- Một người không liên hệ đến vụ này, lại tới đây chừng năm phút trước giờ hẹn, mà lại không đi ra đàng hoàng lối cổng chánh? Đó là một sự trùng hợp khó thể xảy ra được! Vả lại, ta không tin rằng những kẻ lang thang trú ngụ ở đây lại hút thứ thuốc lá đắt tiền mà ta vừa thấy.

- Nhưng, thưa ông, tại sao người lạ mặt lại bỏ đi? – Đức hỏi.

- Em chịu khó suy nghĩ một chút sẽ tự tìm thấy câu trả lời.

- À, em hiểu rồi! – Đức nói với giọng đắc thắng – hắn thấy bọn ta đông người, hắn ta bèn chuồn mất.

- Đúng, có gì là khó hiểu đâu? – ông Hùng đáp.

Cô Mai vừa quàng vai Cúc vừa nói:

- Thế nghĩa là chỗ hẹn này là một cái bẫy à? Nếu không thì sao người lạ mặt lại không dám gặp chúng ta?

Ông Hùng vội đáp:

- Hiện giờ, ta chỉ có thể nói được rằng hắn chỉ có ý muốn nói chuyện riêng một mình với Thu Cúc mà thôi, chẳng hiểu với mưu tính gì. Ngoài ra ta chẳng nên đưa ra những giả thuyết quá táo bạo.


Nói rồi Hùng bước ra cổng và mọi người đi theo.


________________________________________________________________________