Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

CHƯƠNG XVI, XVII, XVIII, XIX, XX_MÁI TÓC HUYỀN


XVI

HÙNG THẮC MẮC


Có một sự bí mật bao trùm quanh Thu Cúc? Đó là một câu hỏi mà Hùng đặt ra với một sự lo âu mỗi ngày mỗi gia tăng, nhất là từ buổi lỡ hẹn với người lạ mặt. Trước khi tới hẻm Vân Sơn, Hùng đã phỏng đoán rằng nơi hẹn có lẽ là một cái bẫy, nhưng chàng vẫn nuôi hy vọng tìm thấy một dấu tích gì để khám phá ra bọn người muốn hãm hại Thu Cúc. Nhưng chàng chẳng tìm thấy gì, ngoài một đầu thuốc lá đang tắt và một điều chắc chắn rằng người bí mật đến đợi Thu Cúc ở đó đã rút lui khi thấy bọn Hùng tới.

Ngồi sau chiếc bàn giấy lớn, miệng ngậm điếu thuốc, đầu ngả trên lưng ghế, nhà cựu thám tử đang suy nghĩ lung lắm. Trước hết, Hoàng thị Thu Cúc là ai? Và tên thật của con nhỏ là gì? Hùng đã gởi bản điều tra lý lịch đến Nam Vang và được trả lời rằng không có tên nào là Hoàng thị Thu Cúc trong sổ hộ tịch của thành phố Nam Vang cả!

Những tài liệu mà bà Tảo đã khai ra cho Hùng đều không đúng và chàng có những chứng cứ để có thể đưa mụ ta vào khám. Nhưng Hùng hãy còn do dự, chưa muốn tố cáo vội, vì sợ rằng sự can thiệp của cơ quan Cảnh sát sẽ làm trở ngại công việc điều tra riêng của chàng. Vả lại, bắt giam bà Tảo lúc này thì có ích lợi gì? Thực ra, mụ chỉ biết rất lờ mờ về Thu Cúc. Mụ đã nhận con nhỏ về nuôi với hy vọng được lãnh một số tiền lớn, còn ngoài ra mụ cũng chẳng cần tìm hiểu con nhỏ từ đâu đến và mụ cũng cần tỏ ra kín đáo để người ta tin cậy. Bây giờ, nếu chất vấn mụ thì chẳng đi tới đâu, mà đem giam giữ mụ thì tất nhiên Thu Cúc phải vào một viện mồ côi. Khi đó, con bé sẽ hết là cái mục tiêu của những kẻ đang tìm kiếm nó và như thế thì điều bí mật sẽ chẳng bao giờ khám phá ra được nữa.

Hùng đập tay xuống bàn với vẻ bực tức và tự nhủ : Không được! Phải hết sức tránh không cho sở Cảnh sát biết vụ này, vì ta nghĩ chỉ có một cách duy nhất để giải quyết sự bí mật là cứ để yên cho hai phe đối lập tới gần con bé. Còn chàng thì phải đứng trong bóng tối để theo dõi, hầu tóm được một dấu tích gì, hoặc tìm ra một đường lối đưa tới điều giải đáp. Và điều giải đáp này chàng nhất định phải khám phá cho kỳ được, vì Thu Cúc mà cũng vì một người nữa : cô Mai.

Lại còn miếng giấy do thằng Đức kiếm ra, có viết địa chỉ của cô Mai, chàng cũng thấy bị nó ám ảnh như một cơn ác mộng. Làm sao cô Mai có thể dính líu vào vụ này được? Cô đã xác nhận rằng không biết một tí gì cả và chàng không thể nào nghi ngờ lời nói của cô được. Tuy nhiên, giòng chữ bí hiểm “đường Phan Đình Phùng, số 29A” vẫn làm chàng phải suy nghĩ đến nát óc.

Hùng nắm hai tay và mắm môi lại như người muốn phát điên lên : dù sao chăng nữa, chàng cũng phải khám phá ra vụ này và chàng quyết phải đi tới cùng với bất cứ giá nào! Nhưng phải lấy khởi điểm từ đâu bây giờ? Làm thế nào để kiếm ra đường đi nước bước khi không có một dấu tích gì? Chàng đã vận dụng khối óc và mánh lới khôn ngoan của một nhà thám tử, nhưng cho đến giờ phút này, chàng vẫn phải tự thú nhận rằng mình hãy còn đang lần mò trong khoảng trống. Những tài liệu thu lượm được thì rất lờ mờ : một chiếc khăn vuông đen, một giọng nói khàn khàn của một bà lão bán hàng rong, hai tên cướp cạn, một người có sẹo ở bên má phải đã lấy lại con búp bê của thằng Oánh và đã đứng ở cửa sổ để thông tin cho Thu Cúc… Từ các sự việc trên, chàng chưa kiếm ra được một điều gì khác : trong thành phố này thì thiếu gì bà lão chít khăn vuông đen, những tay anh chị và những người mang sẹo bên má phải?

Hùng đã tưởng có thể tìm ra tên Xuân là người đã giao Thu Cúc cho bà Tảo và do đó sẽ biết được sự bí mật về con nhỏ. Nhưng tới bây giờ, việc điều tra ở Nam Vang chưa mang lại kết quả nào. Trong sổ hộ tịch, chẳng có ma nào mang tên là Phùng văn Xuân và Hoàng thị Thu Cúc cả. Tòa Đại sứ Việt Nam cũng chẳng biết họ là ai, trong số những người hãy còn sống hay đã chết, hay đã mất tích. Do đó, chàng phải phỏng đoán rằng người ấy đã cho bà Tảo một tên bịa đặt và bây giờ muốn kiếm ra người đó là cả một chuyện đáy bể mò kim.

Hùng thở dài não nuột. Trong trí não của chàng, hình ảnh con Thu Cúc hiện ra, yếu ớt dịu dàng, đầu hơi nghiêng nghiêng bên vai, đôi mắt đượm một vẻ buồn xa xôi mà cô Mai đã diễn tả thật tài tình trên bức tranh do nàng sáng tác. Bỗng chàng cảm thấy bồn chồn nóng ruột. Chàng nghĩ rằng lúc này mà để con bé thiếu sự bảo vệ trong khi bao nhiêu kẻ thù đang rình rập nó là một điều quá khinh suất. Cái bẫy giăng ra tại ngôi nhà ở hẻm Vân Sơn đã thất bại, nhưng kẻ thù có thể giăng một cái bẫy khác. Lo lắng hiện ra nét mặt, chàng nhấc điện thoại hỏi cô Mai:

- Bữa nay cô có thấy Thu Cúc không thế?

- Bữa nay thì Mai không thấy! Sao anh lại hỏi vậy? Có chuyện gì thế anh?

- Không, xin lỗi đã làm rộn cô, để lúc khác sẽ xin gặp cô.

Chàng đặt máy nói xuống, khoác chiếc áo mưa rồi mở cửa ra đường. Lúc này chàng không thể đến thẳng ngay nhà Thu Cúc vì sợ bà Tảo nhận ra. Chàng bèn đi đến vườn bách thảo để hỏi thẳng Đức xem có tin tức gì về con nhỏ không. Nhưng linh tính báo cho chàng biết rằng kẻ thù không xa đâu và chàng phải đề phòng cẩn mật.



XVII

MỘT VỤ BẮT CÓC


Thu Cúc đến vườn bách thảo, nhưng thằng Đức không có đó. Lúc đó, trời đã chạng vạng tối, bóng đêm đã bao trùm các cây cối bên vệ đường. Bỗng Thu Cúc thấy rùng mình, nó vội vàng rảo bước. “Trời đã tối – nó nghĩ thầm – mà sao đèn đường chưa thấy ngọn nào lên thế này?”. Vừa lúc đó, ở cuối đường một ngọn đèn bật sáng, nó trông thấy hai người đàn ông đi tới.

“Xin lỗi cô, cô có gặp một bà lão…” một người trong bọn hỏi Thu Cúc.

Con nhỏ lắc đầu và sắp trả lời thì đã bị người kia nắm lấy cánh tay và bịt chặt miệng nó lại không cho kêu. Thu Cúc dãy dụa để cố gỡ ra nhưng không được. Nó cố sức kêu lên nhưng tiếng kêu của nó đã bị tắc nghẹn trong cổ họng và nó thấy gần như bị nghẹt thở.

Con nhỏ hơi sức được mấy mà chống cự nổi, nó liền bị hai tên kia lôi nghiến đi và đẩy vào trong một chiếc xe hơi đậu gần đó. Nó nghe thấy tiếng máy chạy và hiểu rằng nó đã bị bắt cóc. Mối nguy hiểm đang chờ đợi làm thức tỉnh bản năng tự tồn của nó. Nó vội vùng đứng dậy và lấy tay đấm hết  sức mạnh vào tấm cửa kính. Nhưng các cửa kính xe đều có màn che kín mít.

Cực chẳng đã, Thu Cúc đành phải ngồi phịch xuống ghế. Trong bóng tối nó không nhận rõ mặt của hai tên kia. Lúc ấy nó cảm thấy kinh hoàng tột độ, và thét lên một tiếng kêu dữ dội. Một lần nữa, nó muốn lao vào tấm cửa kính nhưng một tên đã giữ lấy cánh tay nó, còn tên kia nói dằn giọng:

- Có ngồi im không hả, con nhỏ này?

Nó vội òa lên khóc, vừa kêu:

- Các ông bỏ tôi ra!

- Phải đợi khi nào tới nơi đã – tên kia đáp với một giọng ôn tồn hơn.

- Thế các ông định dẫn tôi đi đâu thế này?

Không có tiếng đáp lại. Nó nghe thấy hai tên bàn nhau nho nhỏ. Sau đó, một tên từ trước vẫn im tiếng trả lời:

- Đừng có sợ gì hết, chúng ta hành động có lợi cho mi đó.

- Nhưng tôi không biết các ông là ai và tôi không muốn đi đâu cả. Để cho tôi xuống! Tại sao các ông bắt tôi?

Cũng tên đó trả lời:

- Đến sáng mai sẽ biết rõ. Bây giờ thì không được hỏi gì nữa. Tốt hơn nên nằm ngủ đi, mi có buồn ngủ không?

- Tôi không buồn ngủ!

Xe vẫn chạy đều đều và con nhỏ bỗng cảm thấy đầu nó choáng váng. “Có lẽ ta buồn ngủ rồi – nó tự nghĩ – ấy chết, nguy hiểm lắm, ta không nên ngủ lúc này.” Nó cố sức chống lại giấc ngủ nhưng vô ích, và đầu nó đã gục xuống. Những tên kia đã cho nó ngửi thuốc mê nên nó ngủ thiếp đi, không còn biết trời đất gì nữa.

Khi nó tỉnh dậy thì nó cảm thấy như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng. Nó tưởng đang nằm trong giường ở nhà nó, nhưng khi mở mắt ra nó giật mình nom thấy một ánh đèn xanh dương mà nó chưa hề bao giờ thấy ở nhà cô nó. Nó vội ngồi nhỏm dậy, dụi mắt để nom cho rõ hơn, thì nó thấy hình dáng lờ mờ của những đồ vật khác lạ. Nó đang ở chỗ nào đây? Việc gì đã xảy ra? Nó cúi đầu xuống và chau mày suy nghĩ. Mắt nó gặp ngay cái chăn phủ giường bằng gấm xanh thêu kim tuyến.

Nhìn theo những cành hoa thêu trên tấm chăn, nó sực nhớ lại những việc đã xảy ra hôm trước. Nó biết rằng đây không phải là một giấc mơ! Nó nhớ lại hai gã đàn ông đi về phía nó, rồi cái thùng xe tối om, nó tưởng như còn nghe rõ tiếng kêu dữ dội của nó bị tắc nghẹn trong cổ họng và câu nói sẵng giọng của một tên bảo nó:

“Có ngồi im không hả, con nhỏ này?”

Bây giờ thì nó hiểu rằng nó đã bị bắt cóc thực rồi, nó đã ngủ thiếp đi trên xe và người ta đã đem nó về giam trong cái phòng này.

Nghĩ đến đây, nó vùi đầu vào gối và bật khóc nức nở một cách tuyệt vọng, vì nó không còn biết cầu cứu nơi đâu. Bỗng một bàn tay đặt nhè nhẹ lên vai nó làm nó giựt mình. Vừa ngoảnh lại, nó trông thấy một người đàn bà bận đồ đen đứng bên giường bảo nó rằng:

- Em ơi, khóc lóc có ích gì?

Giọng nói của người này nghe thật là lạnh lùng và xa xôi, y hệt như nét mặt của mụ vậy. Tuy nhiên, Thu Cúc nẩy ra một tia hy vọng vì đây là một người đàn bà và nó nghĩ đàn bà thì có lẽ dễ mủi lòng hơn.

- Bà ơi – nó nói với một giọng cầu khẩn – bà làm ơn thả tôi ra.

Đôi mắt nó nhìn với vẻ van xin rất đáng thương, nhưng mụ kia vẫn lẳng lặng đi ra, mặt không để lộ một nét gì xúc động cả.

- Bà ơi bà! – Thu Cúc vừa khóc nức lên vừa đứng dậy định níu lấy mụ ta nhưng mụ đã ngăn nó lại:

- Cô đừng bảo tôi thả ra nữa mất công, vì việc ấy đâu phải thuộc quyền tôi?

- Thế thuộc quyền ai? Nhà này là của ai? Ai đã cầm tù tôi ở đây vậy?

Mụ kia không đáp. Mụ mở một cánh cửa tủ nằm trong tường, đưa cho con nhỏ một bộ quần áo rất đẹp và nói:

- Mời cô dậy đi, nước tắm đã sẵn sàng rồi đó.

Thu Cúc lắc đầu. Mụ đàn bà khoanh hai tay, rồi vừa lùi bước ra cửa vừa nói:

- Thôi được, cô muốn dậy lúc nào tùy ý. Có chuông ở đầu giường, khi nào cô cần chi xin cứ gọi tôi.

Xong mụ ta vén một tấm màn và mở cửa bước ra. Thu Cúc nghe thấy cửa khép lại và chìa khóa vặn hai vòng trong ổ.


XVIII

THU CÚC MẤT TÍCH


Như chúng ta đã rõ, Hùng định bụng đi kiếm thằng Đức và chàng đã tới vườn Bách Thảo sau khi Thu Cúc đã qua đó được một lát nhưng thằng Đức không có ở sạp báo. Bữa nay, báo ra một phụ trương đặc biệt nên thằng nhỏ phải chạy đến nhà in để lấy thêm.

Đảo mắt nhìn một vòng, Hùng không thấy thằng Đức đâu bèn quay gót đi, đang do dự chưa biết nên đi đâu, tự nhiên, chàng thấy lo lắng trong linh cảm nên không nghĩ ngợi gì nữa, chàng bước về phía nhà Cúc.

Lúc đó con nhỏ vừa quặt ở đầu đường đằng kia thì chàng cũng vừa tới đầu đằng này. Do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, Hùng vẫn đi cùng một đường với con nhỏ để về nhà nó, mà vẫn không hề trông thấy nó. Tới một ngã tư, chàng thấy hai đứa trẻ đang hành hạ một con mèo, chàng bèn đứng lại để bảo chúng phải thôi đi. Nhưng chúng làm như không nghe thấy nên chàng phải nắm lấy cả hai đứa và dọa cho mỗi đứa vài bạt tai, bấy giờ chúng mới chịu thôi.

Hình như số trời đã định nên, một lần nữa, con nhỏ không được giải cứu kịp thời khi nó bị hai người đàn ông bắt cóc mang lên xe, mặc dầu nó chỉ cách nhà phóng viên có vài trăm thước. Khi Hùng đi tới chỗ con nhỏ bị bắt chàng chỉ còn thấy một chiếc xe hơi chạy ngang qua, màn che kín mít. Chàng có ngờ đâu rằng Thu Cúc đang bị nhốt trong xe đó, nên chàng thản nhiên tiếp tục bước đi.

Khi tới nhà bà Tảo, chàng thấy cửa hàng đã đóng kín, nhưng cửa sổ trên lầu vẫn còn mở và có ánh đèn sáng. Lắng tai, chàng nghe thấy tiếng bà Tảo đang nói chuyện với một bà hàng xóm về bí quyết nấu món riêu cua, rồi sang đến chuyện bà định cho Thu Cúc đi học trường. Hùng thấy tình hình trong nhà vẫn bình thường và đoán rằng Thu Cúc vẫn ở trong phòng yên ổn, không có chuyện gì xảy ra.

Chàng đưa tay lên xem đồng hồ rồi đi tới nhà cô Mai như đã hứa lúc chiều.

Vào tới phòng khách, chàng thấy cô Mai đang ngồi đàn trên chiếc dương cầm nên chàng vội yêu cầu cô tiếp tục đàn hết bài Dạ Khúc của Chopin. Hùng ngồi nghe với vẻ say sưa và khi nốt nhạc vừa dứt, cô Mai đứng lên để đi pha cà phê. Ngả người trên ghế xích đu, chàng tiện dịp được nghỉ ngơi một chút, sau một ngày suy nghĩ và lo lắng.

Sau cùng, mấy người bạn đã rủ chàng đến đánh cờ tướng, nhưng hồi này chàng không thiết cờ lắm vì còn bận công việc điều tra. Khi cô Mai trở vào với khay cà phê, chàng xin cô tiếp tục ngồi vào dương cầm. Lần này cô Mai vừa đàn vừa ca mấy bài êm dịu “Tiếng hát quê hương”. Bỗng một hồi chuông reo làm cô giựt mình dừng tay lại. Ai mà đến gọi chuông vào giờ này, nhất là cô chỉ rất ít bạn bè ở Sàigòn? Vẻ mặt băn khoăn, cô bước ra khỏi phòng khách.

Hùng thì vẫn điềm nhiên ngồi hút thuốc, mắt nhìn ra cửa phòng khách. Bỗng thằng Đức hiện ra, mặt tái mét và hốc hác. Chưa trông thấy nhà phóng viên, nó vội chạy ngay tới chỗ cô Mai hỏi với giọng lo lắng:

- Thu Cúc… Cô có thấy Thu Cúc không?

- Thu Cúc à? Chị không thấy – cô đáp, trong khi Hùng bình tĩnh hơn, hỏi thằng nhỏ xem có chuyện gì.

Khi trông thấy nhà phóng viên, Đức mỉm cười vững dạ:

- A! Ông Hùng ở đây! May quá! Ông sẽ có thể giúp đỡ chúng em…

Hùng vội hỏi:

- Có chuyện chi vậy?

- Thu Cúc đã bị mất tích!

Cô Mai thốt ra một tiếng kêu và chân tay rụng rời, nhưng Hùng đã tới nắm lấy vai thằng bé bảo nó nên giữ bình tĩnh. Rồi chàng hỏi Thu Cúc đã mất tích từ bao giờ.

- Thưa ông, em không biết đích xác, có lẽ từ vài ba tiếng. Cúc không về nhà lúc bữa cơm tối, bà Tảo đợi một lát rồi chạy tới hỏi em có thấy Cúc không. Bà và em đi tìm quanh đó nhưng không thấy, em mới nói với bà hãy trở về nhà để em chạy tới đây.

- Em có hỏi bà ta hồi mấy giờ Cúc ra phố không?

- Dạ có, lúc hơn sáu giờ.

- Bà có biết Cúc đi đâu không?

- Dạ đi vườn Bách Thảo. Nhưng giờ đó em bận ra nhà in để lấy phụ trương đặc biệt.

Hùng lẩm bẩm : “Lúc hơn sáu giờ, nghĩa là vài phút trước khi ta…”

- Thưa ông, sao ạ?

- À, ta cũng có tới sạp báo để tìm em và hỏi tin tức Thu Cúc, vì linh tính báo cho ta rằng có chuyện gì xảy ra. Và bây giờ ta lại thấy không nên coi thường linh tính. Vậy Thu Cúc đã làm gì lúc đó? Ta phỏng đoán rằng : lúc đó trời bắt đầu tối nên Cúc trở về nhà. Nó đã đi cùng một đường với ta. Nếu ta đi nhanh hơn thì đáng lẽ ta đã đuổi kịp con nhỏ. Trời ơi! Chiếc xe với màn che kín mít, phải rồi!

Trong sự xúc động, Hùng cắn môi đến rướm máu. Phải! Thu Cúc ở trong chiếc xe đó ; nếu chàng không dừng lại chỗ ngã tư để can thiệp vào vụ hai thằng bé hành hạ con mèo thì chàng đã bắt kịp con nhỏ! Hùng ngồi phịch xuống ghế, lấy hai tay ôm đầu.

- Thật là chuyện ác ôn! – Chàng nhắc lại với vẻ vô cùng bực tức và hối tiếc.


XIX

CHẤT VẤN BÀ TẢO LẦN THỨ NHÌ


Nhưng Hùng không phải là người để cho sự xúc động và hối tiếc chi phối. Than vãn về một sự đã rồi là một điều vô ích : bây giờ phải hành động gấp rút để tìm ra dấu tích của con nhỏ.

Lúc đó, nơi phòng khách nhà cô Mai không khác gì một hội nghị quân sự. Sau khi hỏi ý kiến cô Mai và thằng Đức, Hùng nhất quyết đi ngay tới nhà bà Tảo để cật vấn một lần nữa. Kể từ đây, bà hàng và nhà phóng viên sẽ đối đầu một cách công khai và biết đâu bà ta không tiết lộ thêm một vài chi tiết có thể giúp ích Hùng trong việc tìm kiếm Thu Cúc.

Những tên lạ mặt vừa bắt cóc con nhỏ có lẽ chính là bọn đã bắt cóc nó hồi xưa. Nếu khám phá ra gốc tích của Thu Cúc thì có thể hy vọng sẽ tóm được trọn ổ bọn này.

Cô Mai và thằng Đức cũng suy luận và hy vọng như thế, nhưng Hùng không đồng ý cho lắm mà chàng không nói ra. Chàng định đi đến nhà bà Tảo là để hỏi cho ra lẽ chớ không phải vì tin tưởng, vì chàng đoán trước rằng mụ này sẽ không thay đổi một chữ nào trong lời khai trước. Tuy nhiên, lúc này, mụ là khởi điểm của công việc tìm kiếm và Hùng định lần này phải báo cho sở Cảnh sát nếu chàng không muốn bị chê trách là đã hành động vô phương pháp. Chàng muốn cáo từ cô Mai để đi một mình, nhưng cô tỏ ý muốn đi theo:

- Có lẽ anh không muốn để Mai đi, nhưng vì Mai quá lo lắng về Thu Cúc nên Mai không có can đảm ngồi đợi ở đây một mình được. Đi cùng với anh, Mai có cảm tưởng như mình cũng có ích lợi nhiều cho công việc.

- Vậy thì mời cô cùng đi – Hùng đáp – Nhưng cô chẳng nên tin tưởng quá vào kết quả của cuộc chất vấn này nhé.

- Anh cứ yên tâm. Nhưng biết đâu bà Tảo lại không khai thêm điều gì hữu ích.

Ba người cùng mở cửa ra đường. Hùng kêu một chiếc tắc xi cho mọi người cùng lên, rồi thúc bác tài chạy hết tốc độ. Xe vừa đỗ thì bà Tảo đã chạy ra hỏi:

- Đức đấy à?

Thằng nhỏ không đáp. Bà ta tới gần và trông thấy một ông và một bà khách xuống xe nhưng vì trời tối bà ta không nhận rõ mặt. Bà khách chào nho nhỏ và bước vào nhà, còn ông khách thì đi cùng thằng Đức vào sau, rồi đóng cửa lại. Khi ông ta quay lại định nói với bà Tảo thì bà ta đã kêu lên:

- Lại ông này! Lại ông này!

Hùng mỉm cười với vẻ ngạo nghễ:

- Phải, chính tôi đây mà!

Bà Tảo phải dựa vào tường để khỏi ngã và tự nghĩ : chính thằng cha này đã tự xưng là thẩm sát viên và đã lục vấn ta về con nhỏ. Có lẽ hắn… Rồi bà ta vừa nói vừa thở:

- Vậy là chính ông đã bắt cóc con Thu Cúc!

Hùng lắc đầu và lạnh lùng đáp:

- Tôi ấy à? Không phải đâu… Tôi đến đây cốt là để hỏi bà về tin tức Thu Cúc kia mà.

Chàng vừa nói dằn giọng, vừa nhìn chòng chọc vào mắt bà Tảo.

Bà này cũng không vừa, đáp lại:

- Ông muốn tôi biết cái gì kia chứ? Nó đi mà chẳng nghĩ gì đến sự lo lắng của tôi. Còn như nó…

Hùng cắt ngang:

- Thôi, bà đừng lớn tiếng như vậy. Chắc bà muốn biết trong khi không phải là bà con thân thích gì với Thu Cúc, tại sao tôi lại săn sóc đến số phận nó như thế! Tôi phải nói cho bà rõ : Đó chỉ vì lòng nhân đạo, vì công lý… Tôi muốn bảo vệ nó đối với bà cũng như đối với bọn người đã mắc cái tội bắt cóc nó hồi xưa, rồi lại còn mắc tội giao nó cho bà, làm cho nó trở thành một nạn nhân của sự tham lam và độc ác của bà!

Không nao núng vì lời buộc tội đó, bà Tảo vênh mặt lên như muốn thi gan với đối phương. Vậy ra lão này không phải là cha ruột của con nhỏ, mà chỉ là một tên xảo quyệt dòm ngó vào công việc của người khác. Ý nghĩ này làm mụ thêm tự tin và mụ tấn công luôn:

- Trước hết, tôi muốn biết ông có quyền gì…?

Hùng vội ngắt lời:

- Để vấn đề quyền gì ra một bên, tôi có một chuyện quan trọng hơn nhiều để cho bà biết về đứa cháu bà.

Nói tới đây, chàng tạm ngưng một lát để hút thuốc và tìm chiến thuật. Rồi, sực nhớ ra sự hiện diện của cô Mai, chàng quay lại và mới cô ngồi xuống ghế. Mặt xanh mét và dáng điệu mỏi mệt, cô vâng lời ngồi xuống và mắt không rời nhà phóng viên ; cuộc đối thoại lạ lùng tiếp theo đó sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ của cô.

- Tôi bảo cho bà biết – nhà phóng viên nói tiếp – những lời bà khai trước với tôi đều láo khoét. Tôi đã điều tra ở Nam Vang : chẳng có tên nào là Hoàng thị Thu Cúc trong sổ hộ tịch cả!

Bà Tảo nhún vai nói một cách dửng dưng:

- Nếu nó không mang tên ấy thì tức là nó có tên khác chớ sao.

Hùng tiến lại gần nhìn bà ta trừng trừng và nói:

- Bà coi chừng! Nếu bà biết cái tên khác đó thì bà phải nói cho tôi biết trước khi cơ quan Cảnh sát hỏi bà!

Nghe nói vậy, bà ta biến sắc và nói ấp úng:

- Nếu tôi biết thì tôi đã tìm ra tung tích của con Cúc từ lâu rồi!

- Như vậy là bà đã cho tôi tài liệu bậy bạ một cách dụng ý.

- Không, tôi chẳng biết gì cả, tôi chỉ nghi ngờ thế thôi. Họ bảo tôi rằng con nhỏ tên Hoàng thị Thu Cúc và tự nhiên tôi nghĩ ngay rằng đó là một cái tên mượn.

- Được rồi! Bây giờ ta nói chuyện về cha mẹ đứa nhỏ, họ đã quyết xa con nhỏ là để nó khỏi bị bắt cóc… Bà chưa bao giờ tin như thế chứ?

- Đã đành rồi! Tôi đâu có ngây thơ đến thế? Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào lời của tên Xuân khi hắn bảo tôi rằng một ngày kia cha mẹ con nhỏ sẽ lãnh nó về và thưởng công cho tôi xứng đáng.. Và bây giờ thì con ranh đã mất tích, có lẽ chính cha mẹ nó bắt cũng nên, như vậy là công tôi đã thành công cốc, chưa kể những số tiền tôi phải chi tiêu để nuôi nấng nó, rồi lại còn chiếc áo mới và đôi dép mới vừa mua được ít ngày nay!

Mụ nói với vẻ căm hờn tột độ, nên chẳng ai còn nghi ngờ sự thành thật của mụ nữa.

Hùng vừa đứng lên vừa nói:

- Tôi rất tiếc là phải báo nhà chức trách về vụ Thu Cúc bị bắt cóc.

- Thì ông cứ báo đi! Tôi chẳng có tội lỗi gì mà phải sợ cảnh sát. Dầu sao tôi cũng đã bị gạt một cách quá đau rồi!



XX

THU CÚC BỊ CẦM TÙ


Ngồi trên thành giường, Thu Cúc cứ đếm đi đếm lại những bông hồng trên tấm thảm. Nó thừa biết một chiều có 15 bông và một chiều có 19 bông, nhưng nó cứ đếm mãi, đếm hoài để tập trung tư tưởng vào một vật gì cụ thể, hầu quên được cái cơn ác mộng đã ám ảnh nó từ mấy ngày nay.

Nó không khóc nữa, nhưng mặt nó đã hốc hác, hai mắt nó đã thâm quầng. đôi khi, lấy hai tay ôm đầu, nó nghĩ tới thằng Đức, cô Mai và ông Hùng thì tiếng thổn thức lại nghẹn ngào trong cổ. Rồi nó lại bắt đầu tự nhủ : Thôi, khóc mà làm chi? Không phải bằng những giọt lệ mà nó có thể trốn khỏi nơi đây và nó cần phải thoát khỏi căn phòng này trước khi những nỗi lo lắng và đau khổ làm cho nó kiệt lực hẳn.

Nhiếu lúc nó đi quanh căn phòng để quan sát mấy giờ liền. Đây là một căn phòng rộng rãi, trang hoàng rất lịch sự, không giống một nhà tù chút nào cả. Nhưng cái cửa duy nhất thông với bên ngoài lại bị khóa chặt. Nhiều lần nó đã rón rén tới gần cái cửa này để nghe ngóng, nhưng nó không dám thò tay ra vặn quả nắm vì sợ có ai đứng gác bên ngoài sẽ nhận rõ mưu toan của nó. Ý nghĩ này làm nó hoảng sợ vô cùng, vì nó nhớ lại cái hôm nào nó bị hai gã đàn ông đã bắt nó và tống nó lên xe.

Bởi vậy, trong những ngày đầu bị giam cầm, Thu Cúc sống trong sự lo âu không bút nào tả xiết. Dần dần, nó trở lại bình tĩnh hơn. Nó không thấy ai ra vào căn phòng này cả, ngoài mụ đàn bà tên Tám hằng ngày vẫn phục dịch con nhỏ trong sự im lặng. Mụ cũng không dám nhìn nó, sợ gặp đôi mắt van lơn của nó làm mụ sẽ mủi lòng thương hại.

Bây giờ thì con nhỏ không dám bảo mụ ấy thả cho nó ra ngoài nữa. Điều nó muốn biết là tại sao người ta bắt cóc nó và ai đã cầm tù nó như thế này.

- Bà Tám ơi! Cho tôi biết là ai đã cho bắt tôi? Và lý do vì sao? Tôi có làm gì ai đâu mà người ta bắt tôi? Bà cho tôi biết người đó là ai và tôi phải làm sao để được gặp người ta và van xin người ta thả tôi ra? Bà giúp tôi đi bà Tám!

Nó vừa nói vừa khóc lóc thảm thiết và níu áo mụ ta lại. Nhưng mụ cứ nín thinh rồi đi ra, hoặc đến mở cái tủ và chỉ cho con nhỏ những bộ áo mới mà người ta đã mua cho nó. Rồi mụ xếp dọn đồ đạc, thay nước bình hoa, và sửa soạn nước nóng với xà bông thơm cho con nhỏ tắm.

Ngồi thu hình một xó, hai tay bưng lấy mặt, con nhỏ hình như không trông thấy gì vì nó cần chi các thứ xa xỉ phẩm đó nếu nó phải mất tự do?

Nó cũng dửng dưng trước những món ăn thịnh soạn mà hàng ngày mụ Tám bưng vào. Nó chỉ ăn qua loa vài miếng cho khỏi chết đói mà thôi. Một đôi khi, nó cầm lên những con dao, những chiếc nĩa bằng bạc chạm trổ tinh vi để ngắm nghía và tự hỏi ai là chủ nhân các đồ quí giá này, tại sao người ta lại giam cầm nó trong khi cuộc đời tầm thường của nó chẳng đáng cho ai để ý tới, ngoài thằng Đức và cô Mai ra.

Suy nghĩ đến đây, nó nhớ lại bà lão ở vườn Bách Thảo và con búp bê với mái tóc huyền đã làm đảo lộn cuộc đời của nó. Nó nghĩ tất hẳn phải có một sợi dây liên lạc giữa các sự việc xảy ra, và chỉ khi nào tìm ra nguồn gốc tức là con búp bê, mới khám phá ra được lý do của vụ bắt cóc.

Thu Cúc đã mất nhiều công suy luận, quan sát các đồ đạc trong phòng, lục lọi các ngăn kéo, hộc tủ nhưng vô ích. Nó đã giở từng trang sách trong tủ để tìm một dấu tích gì có thể giúp nó vén màn bí mật, nhưng cũng thất vọng.

Chán rồi, nó đến dán mắt vào cửa kính để nhìn ra ngoài. Nó thấy một khu vườn rộng và xa xa một con đường đất chạy ngang. Thỉnh thoảng một chiếc xe bò chậm chạp đi qua, nhưng xa quá, dù con bé có cả gan đập bể tấm kiếng ra thì cũng chẳng mong gì ai trông thấy hay nghe thấy nó.

Lúc đầu, nó hy vọng rằng một ngày nào, cánh cửa vườn sẽ mở cho một người khách đi vào thì nó sẽ kêu cứu, nên nó cứ đứng trông gần hết cả ngày để khỏi lỡ dịp.

Nhưng hết ngày này qua ngày khác, nó chẳng thấy một ai vào cả. Nó tự hỏi cái nhà này không có ai ở hay sao?

Một buổi tối kia, không thể nén lòng được nữa, nó bèn hỏi mụ Tám thì mụ nói:

- Tôi không thể nói gì với cô được hết. Lối vào ở phía kia.

- Ở phía kia? Sao kỳ vậy? – con nhỏ gặng hỏi.

Mụ tám khoanh tay trả lời:

- Cô hỏi những câu đó thật là vô ích. – Rồi mụ ta lui ra.

Tới đây thì Thu Cúc hiểu rằng hy vọng cuối cùng của nó đã tan như mây khói. Tuy nhiên, nó vẫn không rời tấm cửa kính và tiếp tục ngóng trông con đường đất đằng xa, nhìn khung trời lúc xanh lúc trắng và các cây cối trong vườn. Nó tự nghĩ:

- “Ước gì có ai qua đây, hoặc có các bạn ta vào trong vườn này thì may quá!”

Và, như người bị thôi miên, nó chăm chú nhìn tấm cửa sắt trong khi nó thấy các bộ mặt quen thuộc của thằng Đức, cô Mai và ông Hùng hiện ra qua màn lệ rơi lã chã trên áo nó.

Và một ngày kia, điều mơ ước của nó đã thành sự thật : Nó thấy một người bạn tiến vào vườn. Nó phải bám lấy thành cửa cho khỏi ngã và nó không còn đủ sức để mà khóc nữa.


________________________________________________________________________