Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

CHƯƠNG III, IV_MÁI NHÀ XƯA



 CHƯƠNG III



Vợ chồng chị Hương đối với tôi thật tốt. Có lẽ Bác Sáu đã nói rõ hoàn cảnh của tôi cho anh chị biết nên cả hai đều đối xử với tôi hết sức ân cần. Khi đi chơi về, thấy vẻ mặt bí xị của tôi, anh chị cũng không khó chịu về thái độ của người bạn đồng hành mà có lẽ anh chị đã phải tiếp nhận một cách miễn cưỡng. Chị Hương vỗ về tôi:

- Bữa nay đã muộn rồi! Lát nữa chúng mình sẽ đi ăn cơm chiều ở nhà hàng, rồi về nghỉ ngơi cho khỏe. Đến sáng mai anh chị sẽ đưa em đi tìm người bà con, em chịu không?

Tôi đáp:

- Cám ơn anh chị. Nhưng anh chị định đi nhà hàng nào? Em thì muốn vô Chợ lớn ăn ở nhà hàng Long Hải!

Vợ chồng chị Hương nhìn nhau. Anh An chồng chị Hương cười đùa:

- Sao em giỏi thế! Mới chân ướt chân ráo lên Saigon đã biết cả hàng ăn trong Chợ lớn? Chắc nhà hàng này có nhiều món đặc biệt lắm phải không?

- Không, nhưng em muốn nói chuyện với một người Tàu.

Đến lượt chi Hương tròn xoe đôi mắt:

- Em quen người Tàu nào? Bộ em nói được cả tiếng Tàu nữa hả?

Tôi phải giải thích đầu đuôi cho vợ chồng chị hiểu. Khi nghe ra chị Hương hối hả muốn mở cuộc điều tra ngay. Chúng tôi sửa sang lại nhan sắc cho đỡ lem luốc rồi kiếm xe vô ngay Chợ lớn.

Nhà hàng Long Hải là một tiệm ăn cỡ trung bình, không đồ sộ như những nhà hàng lớn hai ba tầng lầu, cũng không luộm thuộm ồn ào như các tiệm ăn tạp nhạp khác. Có thể nói đây là một tiệm ăn xinh xắn do một người ít vốn, nhưng biết cách tổ chức: sạch sẽ với những bàn ăn trải khăn trắng, ấm cúng và thanh lịch với những thực khách biết thưởng thức các món ăn ngon của nhà hàng.

Vợ chồng chị Hương chọn mấy món ăn thật ngon và lạ miệng. Vừa ăn chúng tôi vừa để ý quan sát. Làm sao phân biệt được ai là ông Lủ giữa đám người Tàu lặng lẽ phục dịch quanh các bàn? Có thể ông không có mặt trong phòng ăn, vì ông còn bận giữ vai trò quan trọng: vừa chủ nhân vừa đầu bếp.

Chúng tôi cố kéo dài bữa ăn, nhấm nháp từng ngụm nước trà sau phần tráng miệng. Tôi cảm thấy thất vọng, chán nản, mất hết nhuệ khí lúc đầu.

Anh An an ủi tôi:

- Bỏ cái mặt buồn thảm ấy đi Khánh! Để anh hỏi thăm xem sao.

Anh đứng lên bước lại phía quầy trả tiền nói chuyện với cô thu ngân. Rồi anh quay về bàn ngồi uống nước chờ đợi. Khách ăn bắt đầu vãn dần, chỉ còn lơ thơ ít người cũng đang sửa soạn rời chỗ. Lúc ấy ông Lủ mới ở trong nhà bước ra. Ông tiến lại bàn chúng tôi nghiêng mình cúi chào. Tôi cứng lưỡi ngồi nhìn ông, chẳng biết nói gì. Anh An thay tôi hỏi thăm các chi tiết về chuyến tàu Bạch Phượng. Ông Lủ gật đầu đáp:

- Tôi nhớ vụ đắm tàu đó.

Chị Hương hấp tấp hỏi:

- Ông còn nhớ số người Việt sống sót trên chuyến tàu ấy là bao nhiêu không?

- Nhớ chứ! Có chừng bảy tám người.

Câu trả lời không ngập ngừng đó làm chúng tôi ngạc nhiên.

- Ông có nhớ tên họ không?

- Có!

Anh An kêu lên:

- Khó tin quá! Mười mấy năm trời mà ông còn nhớ được cả tên đám hành khách ấy nữa sao? Huống chi ông không phải là thuyền trưởng, mà chỉ là...

Ý anh An muốn nói ông ta chỉ là đầu bếp dưới tàu, không có phận sự tiếp xúc với hành khách, thì làm sao nhớ tên họ được. Nhưng chị Hương do linh cảm tế nhị của đàn bà, đã vội gạt:

- Tại sao anh lại nghi ngờ? Chắc ông Lủ đây phải có lý do nào đó nên mới nhớ lâu như thế.

Ông Lủ gật đầu, hướng về phía chị Hương, trịnh trọng:

- Dạ, thưa cô, quả có thế...

Giọng nói của ông Lủ không khác gì một người Việt thanh lịch. Ông tiếp:

- Vâng, hồi đó các xí nghiệp lớn đều do người Pháp nắm giữ. Nhân viên hãng Ba Sao đa số là người Pháp, kể cả ông thuyền trưởng chiếc tàu Bạch Phượng. Tôi đã đi nhiều nơi, thông thạo nhiều thứ tiếng nên ngoài chức vụ đầu bếp dưới tầu tôi còn được dùng làm thông ngôn nữa. Hơn nữa, trí nhớ của tôi không đến nỗi kém cỏi lắm.

Tôi thốt nói:

- May quá! Nếu vậy xin ông vui lòng cho tôi biết ngay tên những người ấy...

Nhưng lần này ông Lủ lắc đầu. Anh An vừa bị hố lúc đầu, nên nhỏ nhẹ giải thích với tôi:

- Ông Lủ tuy có giữ vai trò thông ngôn, ông nhớ được số hành khách đã là giỏi lắm rồi. Còn tên tuổi làm sao ông ấy nhớ cho nổi.

Giọng ông Lủ vẫn thản nhiên như nét mặt ông ta:

- Tôi không quên bao giờ. Tôi ghi chép và còn giữ lại tất cả.

- Để chi vậy?

- Để kiếm lợi cũng có và đôi khi cũng để giúp đỡ người ta nữa. Trong thời buổi nhiễu nhương này, cái biết của mình càng tăng thêm sự khôn ngoan.

Tôi khẩn khoản:

- Ông làm ơn cho tôi biết tên những người hành khách ấy ngay đi.

- Ngay bây giờ thì chưa được. Xin khất cô đến mai.

Tôi được biết theo lời ông Lủ giải thích, thì ông có giữ một cuốn sổ tay. Cuốn sổ đó hiện ông còn giữ, trong khi bao sổ sách giấy tờ của tàu Bạch Phượng đã mất hết.

Sáng hôm sau tôi trở dậy hơi muộn. Trong đêm vừa qua tôi trằn trọc mãi gần đến sáng mới thiếp đi được. Khi tôi xuống phòng khách thì vợ chồng chị Hương đã có mặt tại đấy. Anh chị mỉm cười chìa cho tôi mảnh giấy có ghi tên tám hành khách của chiếc tàu Bạch Phượng gồm có:

Nguyễn Văn Thành công nhân đồn điền và vợ Đỗ thị Nuôi

Huỳnh Phương, ký giả

Ông Bà Võ Quốc Oai

Dì Phước Agnès Augustine, Dòng Thánh Tâm

Đan Thanh, nữ ca sĩ.

Bà Nguyễn Trục Trinh.

Tôi đọc đi đọc lại mảnh giấy tới ba bốn lần. Một trong những tên họ ghi ở đây sẽ là tên họ của tôi. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều:

- Ủa, sao không thấy tên đứa trẻ nào cả?

Anh An nói:

- Anh có hỏi ông Lủ điều ấy. Ông cho rằng trẻ con, đối với ông ta cũng chỉ như những bọc hành lý hành khách mang theo, không đáng quan tâm. Vì vậy ông không để ý ghi chép mất công.

Tôi bẩm bẩm:

- Không biết em thuộc giòng máu của Nguyễn Văn Thành hay Võ quốc Oai đây? Nữ ca sĩ Đan Thanh lúc ấy có đem theo con gái đi không nhỉ? Dì Phước Agnès thì... có thể dì được người ta trao phó một đứa trẻ lắm chứ... Còn cái ông ký giả nhà báo, chắc chắn ông không bồng theo trẻ thơ bên cạnh rồi!

Chị Hương góp ý kiến:

- Biết đâu được, có thể ông ta là người Việt, nhưng vợ là ngoại quốc, trong đám người Pháp chẳng hạn!

Anh An phá lên cười:

- Nếu vậy thì Khánh phải có bộ tóc vàng, mắt xanh và mũi cao chứ. Em thử nhìn Khánh xem có nét nào lai tây phương không!

- Thế thì trong đám người Tàu! Người Trung Hoa và người Việt Nam đều là dân Á đông cả.

Tôi thở dài:

- Nói vậy thì, trừ bà Nguyễn Thục Trinh là cô của em ra, còn có bảy gia đình em phải đi tìm. Mà tuyệt nhiên chưa có được chút tia sáng nào hết! Ông Lủ có cho biết thêm chi tiết nào nữa không?

Chị Hương vuốt ve tôi:

- Đừng vội nản chớ cưng! Những điều ông Lủ cho biết cũng quí hóa lắm rồi.

Tôi thở dài.

- Vâng. Nhưng, bây giờ...

Anh An tiếp:

- Bây giờ thì Khánh nên nhớ là Khánh có một người bà con ở Saigon. Nếu Khánh chưa thoái chí, anh chị sẽ đưa em đi tìm người bà con ấy. Hy vọng người bà con này sẽ giúp đỡ Khánh được.

Không, tôi chưa thoái chí. Tôi vẫn cương quyết muốn tìm cho ra tông tích của tôi dù có phải lặn lội tới bất cứ góc biển chân trời nào.


 CHƯƠNG IV


Ngăn trở đầu tiên tôi gặp ở Saigon là người bà con của cô tôi: Bác Tuyết. Anh chị An đưa tôi lại nhà bác thì bác đang nằm điều trị trong bệnh viện. Nhà bác đóng kín cửa không có ai ở nhà. Người hàng xóm cho biết: Bác bất thần bị bệnh sưng gan, đau tưởng chết nên hàng xóm chở bác đi bệnh viện ngót tuần nay rồi. Tôi hỏi thăm bệnh viện bác nằm để đến thăm. Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt bác Tuyết. Bác xanh xao nằm trên giường nệm trải khăn trắng, yếu đuối bảo tôi:

- Cháu Khánh đấy à? Bác có nhận được thư của cô Trinh cháu. Nhưng rủi quá, vừa được thư thì bác lên cơn đau bất tử phải vô đây nằm. Rồi bây giờ làm sao đây cháu?

Tôi biết làm sao bây giờ?! Tôi đi tìm một nâng đỡ, thì bây giờ chính tôi lại phải làm ra vẻ mạnh dạn để trấn an người tôi định nhờ vả:

- Xin bác cứ yên tâm, tĩnh dưỡng cho khỏe.

- Nhưng rồi cháu lên đây... không lẽ cháu...

Tôi hiểu bác Tuyết muốn nói gì. Chẳng lẽ tôi trở về nhà với cô tôi? Mà ở lại thì lấy ai hướng dẫn tôi giữa thành phố xa lạ nhiều bất trắc này? Tôi ngắt lời bác:

- Cháu lên đây với vợ chồng chị Hương, con bác Sáu. Cháu sẽ nhờ anh chị ấy lo dùm khi cháu còn ở Saigon.

- Phải con ông Sáu, trưởng ty y tế dưới quận đó không?

- Dạ phải.

- Tội nghiệp, cháu lên đây không may gặp lúc bác đau ốm, nhà lại không có ai. Mấy đứa con của bác đứa đi lính, đứa theo chồng đi xa hết rồi.

- Xin bác yên tâm, cháu lo một mình được.

Bác Tuyết nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi:

- Cháu tuy có lớn nhưng vẫn còn non dại. Vợ chồng con ông Sáu đi Đalat rồi thì cháu không ở Saigon này một mình được đâu. Cháu nên về Phong Điền với cô cháu là hơn, chờ khi nào bác khỏe, rời bệnh viện về nhà, cháu hãy lên đây. Rồi bác sẽ giúp cháu.

Tôi miễn cưỡng nói thêm ít lời xã giao, hứa hẹn một vài điều và từ giã bác Tuyết.

Ngay chiều hôm đó, tôi viết thư cho cô tôi.

Anh chị An không để tôi bơ vơ một mình. Anh chị gửi tôi vào một nhà trọ quen nơi chị Hương đã trọ khi còn là nữ sinh Trưng Vương và giới thiệu tôi với một vài người bạn quen của anh chị. Xong xuôi đâu đó, đôi vợ chồng trẻ ấy chúc tôi gặp nhiều may mắn, rồi mới từ giã tôi lên xe đi Đalat.

Tôi quyết định nán lại Saigon cho tới khi nào tìm ra tông tích những người mà ông Lủ đã ghi trên mảnh giấy. Ít nhất cũng có hai người có mặt tại nơi này.

*
Tôi bắt đầu bằng ký giả Huỳnh Phương.

Theo tôi nghĩ, một ký giả nhà báo phải là người có tiếng tăm. Vì đã đọc báo thì phải biết tên người viết ra bài văn bài báo mình đọc.

Có điều, Saigon thật là nhiều báo. Báo hàng ngày, hàng tuần, bày kín các sạp, hoặc treo đầy cửa quán sách. Nhìn vào cũng thấy hoa mắt lên rồi! Chẳng lẽ tôi phải mua đủ hết từng ấy thứ báo đem về đọc để tìm tên một người!

Trong nhà tôi trú có nhiều nữ sinh trọ học. Đa số là sinh viên đại học rất vui tính, cởi mở, nên cũng dễ làm quen. Sau bữa ăn tối, nhân thấy một chị ngồi đọc báo tôi đến bên gợi chuyện:

- Chị biết ký giả Huỳnh Phương không chị?

Chị ngước nhìn tôi cười:

- Báo nhiều, nên ký giả cũng nhiều. Chị chỉ quen tên vài ba ông trong các báo chị ưa đọc thôi. Em vừa nói tên ký giả nào nhỉ?

- Huỳnh Phương!

- Một ký giả có thể có nhiều bút hiệu, cho nhiều loại bài khác nhau. Chị chưa gặp bài bào ký tên Huỳnh Phương trong mấy tờ báo chị quen đọc cả. Nhưng em hỏi ký giả Huỳnh Phương làm gì? Em biết ông ta à? Ông ta già hay trẻ?

Tôi lúng túng:

- Em không biết ông ta nên mới hỏi thăm chị. Có lẽ ông ta lớn tuổi rồi, vào loại cha chú chúng mình. Em muốn biết ông ta ở báo nào để tìm gặp...

- Bộ em có bài muốn đăng báo hả? Muốn tấp tểnh làm văn chứ gì?

Tôi đỏ mặt. Chuyện viết văn, làm báo, chưa bao giờ tôi dám mơ ước. Nhưng chuyện riêng của tôi, tôi cũng không tiện nói ra với chị.

- Không! Em mà viết lách gì chị! Sở dĩ em tìm gặp ông vì có một chuyện rất cần...

Chị ngồi yên không hỏi nữa, chỉ giữ nụ cười nghịch ngợm trên môi. Có lẽ chị cho rằng tôi đã nói dối vì mắc cỡ. Bằng chứng là vẻ lúng túng và hai vành tai đỏ ửng của tôi! Chắc chị cho tôi là một mầm non văn nghệ, và việc tìm gặp một ký giả lão thành không ngoài mục đích nhờ cậy về văn chương!

Chị hóm hỉnh gặng:

- Cần thật à?

- Dạ cần lắm! Em sẽ mang ơn chị rất nhiều nếu chị giúp được em...

- ?!

-  ... Điều tra hộ em xem ký giả Huỳnh Phương hiện viết cho báo nào?

Nhìn nét mặt thành khẩn của tôi, chị không đùa nữa, suy nghĩ rồi bảo:

- Để chị hỏi con nhỏ bạn chị xem. Nó học ở Văn Khoa, chuyên về ngành báo chí chắc nó biết...

Và chị cao giọng nói chõ vào phòng trong, nơi ngồi học của các chị.

- Ê, Trâm, mày có biết ký giả Huỳnh Phương không?

- Biết!

- Làm ơn cho tao tiểu sử của ông ấy đi.

- Chi vậy?

- Ơ, con nhỏ này hay nhỉ! Việc riêng của tao mà. Mày biết thì nói ngay lên dùm tao...

- Mày không nói, tao không bảo!

- Tao... tao giúp một cô bé làm thuyết trình!

Giọng chị Trâm như một cô giáo khi giảng bài:

- Huỳnh Phương là một nhà biên khảo chuyên sưu tầm tài liệu về các di tích lịch sử của nước nhà. Ông đã từng du hành nhiều nơi và viết ra cuốn: "Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu", cuốn "Di tích người Chàm"... mày chưa đọc hai cuốn này hả, cù lần?

Tôi sợ chị Trâm lại giỡn với bạn hồi nữa, vội thúc chị ngoài này:

- Chị làm ơn hỏi hộ em hiện ông ta đang viết cho báo nào?

Câu hỏi được truyền vào và chị Trâm đáp:

- Ngoài mấy cuốn sách đã xuất bản, ông còn viết cho tờ Tuần san Quê Hương phụ trách mục "Giang sơn gấm vóc" nữa.

Tôi mừng quá, đến nỗi quên cả cám ơn và luýnh quýnh gạt đổ ly nước trên bàn xuống đất. Nghe tiếng thủy tinh vỡ, chị Trâm hỏi vọng ra:

- Chi đó mày, Quyên?

Tôi nhặt những mảnh ly vỡ. Chị Quyên trả lời bạn:

- À! Ly nước đổ đó.

Khi chị cúi xuống nhặt phụ với tôi, tôi hỏi:

- Nhà báo Quê Hương ở đâu chị?

- Ở đường Phạm Ngũ Lão.

Tôi phấp phỏng mong cho đêm qua mau. Ngày mai tôi sẽ đến con đường Phạm Ngũ Lão tìm tòa báo Quê Hương gặp ký giả Huỳnh Phương.

*
Tấm biển mang nhãn hiệu tuần báo Quê Hương làm tôi hồi hộp vô cùng. Tôi chưa hề bước chân vào một nhà báo bao giờ, nên cứ lượn đi lượn lại hai ba lần ở trước cửa. Nhìn vào thấy mấy đầu người cúi gằm phía sau quầy, dáng điệu chăm chú, kẻ chống tay đỡ vừng trán với vẻ suy tư, kẻ như đang triền miên theo giòng chữ viết, khiến tôi càng rụt rè hơn. Mãi sau, gặp một ông từ bên trong đi ra, đứng nhàn rỗi trước cửa tôi mới dám tiến lại hỏi:

- Thưa ông, tôi muốn gặp ký giả Huỳnh Phương.

Ông ta mở to mắt nhìn tôi:

- Hả? Cô hỏi ai?

Tôi nhắc:

- Dạ, ký giả Huỳnh Phương; ông ấy có đây không ạ?

- Ồ, cả cô cũng hỏi ông ký giả này nữa à!

Một thoáng lưỡng lự, rồi ông mỉm cười Tôi không hiểu có gì vui mà ông ta cười như vậy Ông chỉ tay vào cánh cửa thông với nhà trong, bảo:

- Cô đi thẳng vô, có cầu thang lên lầu, leo tuốt lên trên đó, gõ phòng ông Tổng thư ký báo Quê Hương mà hỏi.

Tôi rụt rè bước bào. Qua cái quầy, mấy đầu người làm việc phía sau không hề ngửng lên. Gian trong là nhà in, chỗ các ấn công đứng sắp chữ. Những người này cũng không thèm nhìn đến tôi. Hình như họ không cần quan tâm đến người lạ từ ngoài bước vào, mặc nhiên cho rằng chỗ họ đứng làm việc là lối đi lên tòa soạn đặt trên lầu. Tuy trông thấy cầu thang, tôi vẫn ngại ngùng hỏi thăm một anh thợ trẻ. Anh chỉ gật đầu, xác nhận điều tôi hỏi là đúng rồi tiếp tục làm nốt công việc của anh. Tôi leo lên cầu thang vừa cúi nhìn những chiếc máy in đặt phía trong cùng. Tiếng máy chạy rầm rập không át nổi nhịp tim đập trong ngực tôi. Người ta gọi tiếng tim đập hồi hộp là tiếng "trống ngực" quả đúng. Tôi nghe rõ tiếng "trống ngực" của tôi càng lúc càng mạnh khi lên tới gần tòa soạn báo Quê Hương.

Tôi gõ cửa. Có tiếng bên trong đáp:

- Mời vô!

Ông Tổng thư ký tòa soạn báo Quê Hương là người đã trọng tuổi. Nét mặt ông nghiêm nghị. Ông ngước nhìn tôi qua cặp mắt kính trắng:

- Cô cần gì?

- Tôi xin gặp ký giả Huỳnh Phương.

Vừa nghe hỏi, ông Tổng thư ký tòa soạn báo Quê Hương bỗng nhiên bừng bừng nổi giận, ông nhảy nhổm trên ghế, giọng gay gắt, gần như quát tháo:

- Tôi không có thì giờ đùa rỡn. Tôi cũng không ưa cái lối đùa nghịch của các cô cậu học trò tinh quái. Đây là một nhà báo và chỗ này chúng tôi cần làm việc, cô nghe rõ chưa? Thôi, chào cô!

Ông đẩy tôi ra đóng sập cửa lại. Tôi ngẩn ngơ bước xuống cầu thang.

Thấy tôi đi ra, người đàn ông mách lối cho tôi hỏi:

- Sao cô? Gặp ông ấy chưa? Vui vẻ chứ?

Tôi sụ mặt:

- Tôi chẳng thấy vui ở chỗ nào hết. Tự nhiên, ông ấy nổi sùng lên với tôi. Người đâu mà bất lịch sự...

Nước mắt tôi ứa ra, giọng uất nghẹn:

- Tôi chỉ mới hỏi đến... ký giả Huỳnh Phương...

- Là hắn nổi sùng lên chứ gì?

- Vâng! Tôi chỉ hỏi có vậy mà ông ấy cho là tôi đùa giỡn.

- Cô không có ý đùa thật à?

Thấy tôi gật đầu mà nước mắt tràn mi người đàn ông có vẻ hối hận, ấp úng tiếp:

- Nguyên là ký giả Huỳnh Phương đã chết cách đây ba năm rồi...

- Ồ!

Tôi bật kêu lên kinh ngạc. Và sững sờ giây lát tôi hỏi:

- Ông ta chết trong một vụ đắm tầu phải không ông?

- Không, ông chết vì bệnh ở nhà thương.

- Bà vợ ông ta còn ở Saigon này không?

- Ông sống độc thân mà! Làm gì có vợ con!

Như vậy là cuộc điều tra về ký giả Huỳnh Phương chấm dứt. Tôi khỏi còn thắc mắc về ông ta nữa, nhưng tôi còn bất mãn về cách tiếp đãi của ông Tổng thư ký báo Quê Hương. Tôi hậm hực nói:

- Dù sao, cái ông ở trên lầu cũng... kỳ cục!

Ông chủ nhà in bây giờ tôi mới biết cười hì hì:

- Đó là lỗi tại tôi. Tôi là chủ nhà in này nên biết rõ tính nết các ông nhà báo đến in báo ở đây. Thấy ông chủ bút báo Quê Hương có tính hay bẳn gắt nên tôi định đùa một chút cho vui. Ai ngờ cơn chọc giận này lại đến lượt cô hứng chịu.

- Tại sao thế?

- Vì cô là người thứ ba đến đây hỏi thăm ký giả Huỳnh Phương.

- Những người trước tôi là ai?

- Một người nhỏ thó, không thể đoán được thuộc hạng nào, và một thiếu niên vạm vỡ. Cậu trai này đi với một người bạn, nghe người bạn gọi tên cậu ta là Chương.

__________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI