Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

CHƯƠNG VII, VIII_MÁI NHÀ XƯA



 CHƯƠNG VII


Tôi trở về Saigon chỉ kịp ghé qua nhà Bưu điện gửi cho cô tôi lá thư dài mà tôi đã viết hôm ở lại tu viện Thủ Thiêm. Trong thư, tôi kể các cuộc tìm kiếm của tôi, và hy vọng lần này sẽ có kết quả.

Có thật lần này tôi sẽ tìm được "mái nhà xưa", tìm lại được cha mẹ tôi? Điều hy vọng đó vẫn chỉ là một ước mơ. Vợ chồng ông Nguyễn văn Thành không ai biết rõ ở đâu. Nhưng có một chi tiết tôi có thể bám víu vào sự hy vọng mong manh của tôi. Đó là nghề nghiệp của ông: Công nhân sở đồn điền. Ở miền Nam này hồi còn được coi là thuộc địa của người Pháp, họ đã khai thác rất nhiều mối lợi trong đó có các sở đồn điền. Trên mảnh đất quê hương Việt Nam biết bao nhiêu là đồn điền do những người Pháp thực dân làm chủ đã mọc lên trên các dải đất phì nhiêu dọc theo quốc lộ song song với đường hỏa xa từ Saigon lên vùng cao nguyên Kontum Đalat! Những đồn điền cao su, cà phê, trà, đều là những nguồn lợi được họ khai thác.

Tôi đã đọc cuốn Bão Rừng của nhà văn Nguyễn văn Xuân tả đời sống cơ cực của công nhân đồn điền. Không biết vợ chồng ông Thành có lâm vào tình trạng bi đát ấy không! Dù sao nếu quả thật tôi là con ruột của ông bà, tôi nhất quyết phải đi tìm.

Tôi dùng đường hỏa xa đi Đalat, định bụng sẽ dò hỏi các đồn điền từ vùng cao nguyên trở xuống.

Số tiền cô tôi cho làm lộ phí còn kha khá, nên tôi an tâm mua vé và ít quà bánh dùng ăn bữa tối.

Chuyến tàu tôi đi, khởi hành vào 7 giờ chiều. Trước giờ tàu chạy độ 5 phút, một bà mẹ hấp tấp dắt mấy đứa con nhỏ lên cùng toa với tôi. Tôi giúp bà chuyển hành lý và thu xếp cho các con bà có chỗ nằm ngồi thoải mái. Vì là chuyến tốc hành Saigon Đalat nên tàu sẽ chạy suốt đêm. Sở dĩ tôi chọn đi chuyến này, để khỏi phải ngủ đêm một mình ở khách sạn. Thân gái bơ vơ nơi quán trọ, nghĩ cũng ngại!

Trong lúc đoàn tàu lăn bánh, trườn mình vào đêm tối, tôi và bà khách cùng toa, trao đổi với nhau ít nhiều câu chuyện xã giao.

Chờ cho các con bà ngủ yên tôi mới gợi hỏi:

- Chắc bà cũng lên Đalat phải không ạ?

Bà đáp:

- Vâng, nhà tôi làm việc trên ấy. Tôi cho các cháu xuống Saigon chơi ít hôm, nay trở lên lại.

- Thưa, ông bà ở Đalat lâu chưa?

- Cũng khá lâu. Nhà tôi tùng sự ty điền địa đã ngót mười năm nay rồi, chúng tôi có nhà riêng và vườn ở trên ấy.

- Như vậy chắc ông bà biết nhiều về các đồn điền ở vùng cao nguyên.

Người đàn bà cười thật tươi:

- Ở vùng này có thiếu gì đồn điền. Nhưng cô muốn hỏi đồn điền nào?

- Dạ... em cũng không biết nữa! Em đi tìm người bà con thất lạc trên 10 năm nay. Em chỉ được biết đại khái là người chồng làm công nhân đồn điền và người vợ hồi ấy ở vú cho một gia đình nào đó.

Bà bạn đồng hành tròn mắt nhìn tôi:

- Cô chỉ biết được có bấy nhiêu về vợ chồng người bà con thôi à?

- Dạ...!

- Vậy mà cô đi tìm họ thì có khác gì cô làm công việc mò kim dưới đáy biển. Bởi vì như cô vừa nói, cô mất liên lạc với họ đã trên mười năm nay rồi, chắc hồi đó cô hãy còn nhỏ lắm?

- Vâng!

- Cuộc đời như vật đổi sao dời... lại thăng trầm bỉ cực tùy theo số mệnh. Biết đâu người bà con của cô nay không còn là công nhân đồn điền nữa. Hoặc giả nếu có còn chăng nữa, thì cũng phải biết rõ ở đồn điền nào mà tìm đến chứ?

Tôi thở dài ủ rũ. Bà khách suy nghĩ rồi khuyên:

- Theo tôi thì cô nên nhờ các báo nhắn tin dùm trên mục "tìm người nhà" may ra còn có hy vọng... Nhưng ở tuổi cô, tôi sợ nhỡ rơi vào tay bọn bịp bợm, điếm đàng thì khốn. Việc đi tìm vợ chồng người bà con này có cần thiết cho cô lắm không?

- Dạ, cần lắm.

- Nếu vậy, cô nên nghe tôi, hãy trao việc này cho những người lớn tuổi trong gia đình cô lo dùm. Bằng không thì phải nhờ một nhân vật nào thật đáng tin cậy. Ở tuổi cô...

Tôi cay đắng nghĩ thầm: "Phải rồi, ở cái tuổi còn non dại của tôi, liệu tôi có thể làm gì nên chuyện!"

Bà khách che tay lên miệng ngáp và câu chuyện giữa chúng tôi ngưng lại ở đây. Tôi cũng thiếp dần vào giấc ngủ, gật gưỡng với những u sầu.

*

Tôi mở choàng mắt khi đoàn tàu vừa rời một ga xép.

Lúc ấy trời vẫn còn tối. Thấy bứt rứt khó chịu trong người tôi định vào phòng vệ sinh rửa mặt cho mát. Lần theo hành lang để đi về phía cuối toa, tôi suýt kêu lên kinh ngạc.

Một người đàn ông vừa lách mình vượt qua đường nối của toa tàu để bước sang toa sau. Hắn là một người nhỏ thó, loắt choắt, dáng điệu thập thò trốn lủi như giống chuột thành phố.

Hắn có thể là một tên cắp vặt, lợi dụng trong lúc mọi người ngủ mệt, để trổ nghề móc túi... Tôi nghĩ ngay đến ví tiền của tôi, và người hành khách khả nghi kia có thể đã biết tôi lên tàu có một mình. Hắn đang rình rập và chờ cơ hội.

Tôi hấp tấp quay lại, hoảng hốt vượt qua cả ca-bin của mình mà không hay. Chừng quay đầu lại nhìn xem tên trộm có theo mình không, bất thần tôi chạm trán với một chướng ngại khác: Chương mỉa mai hỏi tôi:

- Lại gặp cô đây nữa!

Trong lúc cuống sợ, tôi quên cả ngạc nhiên khi gặp Chương.

Tôi hét lớn:

- Tránh ra cho tôi đi. Có tên trộm đang theo tôi.

- Tên trộm nào?

- Cái tên nhỏ người tôi vừa gặp.

- À, thằng "Chuột"! Nó không còn đây đâu. Nó đã chui vào hang rồi... hay nói cho đúng thì hắn đã về toa của hắn rồi. Nhưng cô khỏi lo vì không phải hắn theo rình cô đâu, mà là hắn theo tôi.

- Thật không?

- Thật.

- Tại sao vậy?

- À, điều này... thì tôi chưa rõ. Nhưng có ngày tôi sẽ biết. Đến lúc ấy, tôi sẽ đập nát mõm hắn ra.

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và lấy lại bình tĩnh, tôi rút chiếc lược nhỏ ra chải lại mái tóc xõa trên trán và rối bời trên bờ vai.

Chương nhìn cử chỉ của tôi mỉm cười:

- Vô ích!

- Anh bảo sao?

- Tôi bảo là cô chải đầu làm chi vô ích, gió ở hành lang này sẽ làm cho mớ tóc buông lơi của cô rối bời như cái ổ quạ!

Tôi trực nhớ lại dầu sao người con trai hợm hĩnh này cũng có những hành vi khả nghi như tên "Chuột" cái hỗn danh mà anh ta đã đặt cho người đàn ông nhỏ thó. Tôi cau mày hỏi:

- Anh đi đâu mà cũng có mặt trên chuyến tầu này?

- Tôi đi đâu kệ tôi! Cô hỏi làm chi! Có can dự gì tới cô không?

- Có chứ. Anh theo đuổi tôi như cái bóng ma, trong một cơn ác mộng.

Chương cười gằn:

- Tôi tự hỏi ai đã theo đuổi ai! Hôm tôi đến học hát ở nhà bà Đan Thanh...

Tôi mỉa mai:

- Chắc anh hát hay lắm nhỉ?

- Hay dở gì tôi cũng có quyền tự do của tôi chứ. Mắc mớ gì đến cô mà cô xía vô? Tôi rời Saigon đi Thủ Thiêm cũng lại thấy cô trong vườn tu viện. Và bây giờ trên chuyến tầu nầy tôi cũng lại gặp cô nữa! Khả nghi quá! Hay cô là đồng bọn với tên Chuột kia?

- Đừng có nói láo! Anh không thấy con chuột đó đã làm tôi sợ hay sao?

- Ừ nhỉ. Nếu vậy thì hắn là giống chuột chũi rồi. Mắt hắn thong manh nên mới không thấy dáng điệu khả nghi của cô.

- Còn anh nữa! Tôi không rình rập anh, vậy chính anh đã rình rập tôi.

- Kết luận lạ nhỉ!

- Chẳng lạ chút nào cả mà rất... hợp lý. Những vụ chạm trán ở nhà bà Đan Thanh, Dì Agnès...

- Dì Agnès? Cô đã gặp Dì ấy?

- Chứ sao! Tôi đến Thủ Thiêm với mục đích ấy! Anh còn chưa biết là suýt nữa thì chúng ta còn chạm trán nhau ở nhà báo Quê Hương nữa kìa!

- Hừ!

Chương cắn môi suy nghĩ, trán anh tỳ vào tấm cửa kính của thành tàu.

- Phải công nhận rằng cô và tôi, chúng ta cùng theo đuổi một việc. Nhưng vô lý quá, không thể được!

- Tại sao không thể được?

Chương lẩm bẩm như nói một mình:

- Ông Nguyễn văn Thành, và bà Đỗ thị Nuôi? Không... không...

- Anh vừa nói gì?

- Ồ, không. Cô đừng hỏi gì tôi cả. Cô cứ việc tiếp tục con đường của cô, và tôi mong rằng cô sẽ... thất bại!

Tôi chua chát:

- Nếu vậy, chúng ta còn có dịp gặp nhau. Tôi cũng chúc anh điều anh đã chúc cho tôi vậy.

Thật tình tôi muốn hỏi thêm Chương về vợ chồng ông Nguyễn văn Thành. Nhưng nhìn nét mặt lầm lì của Chương, tôi biết không khi nào anh ta trả lời. Hơn nữa tôi cũng tức giận vì những lời lẽ sống sượng của Chương mà không thèm hỏi nữa.

Tôi quay về ca-bin của tôi. Trước khi mở cửa bước vào, tôi liếc nhìn lần chót đối thủ của tôi. Chương vẫn đứng yên ngoài hành lang, chiếc sắc hành lý đặt sẵn dưới chân... Chi tiết này lóe sáng trong óc tôi: Chương sửa soạn xuống một ga sắp tới.

Chương đang tìm vợ chồng ông Nguyễn văn Thành...

Chắc chắn anh ta nắm được nhiều chi tiết mà tôi không có.

Không cần suy nghĩ gì hơn, tôi vội vã thu nhặt hành trang. Đoàn tàu đã từ từ chậm bớt tốc lực.

Tôi bỗng nảy thêm một sáng kiến. Để Chương khỏi nhận ra, tôi cột mớ tóc của tôi lại, và thay mặc chiếc áo khác.

Rồi tôi nhảy xuống sân ga, vừa kịp lúc đoàn tàu chuyển bánh, tiếp tục đoạn đường còn lại.

Chương hầu như đã biến mất.


 CHƯƠNG VIII


Tôi nhận ra đang ở sân ga Tháp Chàm. Đây là giao điểm của hai đường Đalat Nha Trang nên tàu còn đỗ lại khá lâu để dồn chuyến phân đi hai ngả.

Trời đã bắt đầu rạng sáng. Ánh đèn ở sân ga nhạt dần vào buổi bình minh mờ đục.

Chiếc va-ly của tôi khá nặng. Tôi chợt nhận ra tôi đã tham lam mang theo những thứ lặt vặt... rất là con gái! Những thứ ấy lúc này đeo nặng trên cánh tay mỏi rời của tôi, kéo trì vai tôi xuống. Tôi thở dài bực bội, thì vừa nghe có tiếng nói bên cạnh:

- Cô cho phép tôi giúp cô một tay!

Tôi khựng người lại. Người vừa nói câu đó là tên "Chuột"!

Hắn nhắc chiếc valy của tôi một cách nhẹ nhõm mà tôi không ngờ ở con người mảnh khảnh như hắn. Đầu óc tôi rối lên những ý nghi ngờ. Từ lúc mới thoáng gặp hắn trên tàu, tôi đã có thành kiến, coi hắn là một tên gian phi. Có phải hắn định xách giùm chiếc valy của tôi để rồi chuồn luôn? Làm sao bây giờ? Hắn đi trước tôi, và tôi chỉ còn có cách theo sau hắn.

Ra khỏi nhà ga, hắn dừng lại, bảo tôi:

- Xin lỗi cô, tôi không thể giúp cô xa hơn nữa. Tôi đợi đổi sang chuyến tàu khác.

Tôi ngỏ lời cám ơn, lòng nhẹ vợi. Rồi tôi chợt nảy ra một ý kiến: Người này đang theo dõi Chương. Hắn quyết định đổi tàu, tức nhiên Chương cũng đã đổi tàu.

Như vậy tôi còn ở lại ga này làm chi? Tháp Chàm thuộc thị xã Phan Rang. Nếu là khách nhàn du tôi có thể ở lại đi thăm ngôi tháp cổ của dân Hời, và ra bờ biển Ninh Chử tắm mát. Nhưng tôi không phải là du khách. Tôi đang có một mục tiêu theo đuổi. Còn đang suy tính lưỡng lự, muốn hỏi tên Chuột một vài điều thì hắn đã hỏi tôi trước:

- Tôi vừa thấy cô nói chuyện với một thanh niên trên tầu, chắc cô với anh ta là chỗ quen biết?

- Không, tình cờ tôi vấp phải anh ta, và đứng lại xin lỗi thôi.

Câu trả lời của tôi như giải tỏa được nỗi lo ngại của tên Chuột. Hắn hoan hỉ:

- Cám ơn cô lắm. Xin chào cô.

- Chào ông.

Tôi rời khỏi cánh cổng xép dành làm lối ra cho các hành khách, và trong lúc số hành khách này lên xe về thị xã Phan Rang thì tôi âm thầm vòng vào cửa chính, đặt chiếc valy nặng nề của tôi trước chỗ bán vé. Tôi lúng túng hắng giọng:

- Mấy giờ thì có chuyến đi...

Nhân viên bán vé niềm nở, gỡ rối hộ tôi:

- Nha trang phải không? Tầu đang dồn chuyến. Còn 5 phút nữa thì chạy. Cô lấy vé gay đi kẻo trễ.

Tôi mua vé, rồi hấp tấp ra sân ga.

*
Các hành khách đi Nha trang đang lũ lượt lên tầu. Tôi nhập bọn đi lẫn vào với họ. Chương và người đàn ông có hỗn danh là "Chuột" chắc đã yên chỗ trên tầu rồi, vì không thấy bóng họ dưới sân.

Cuộc hành trình làm tôi thấm mệt. Tuy nhiên, sau một đêm lắc lư với con tàu, tôi được hưởng cái thú ngoạn cảnh dưới ánh bình minh. Cảnh sắc thiên nhiên như bừng tỉnh sau một giấc ngủ triền miên nom thật đẹp. Chân mây ửng hồng đẩy vòm trời lên cao và càng cao da trời càng biếc. Đoàn tàu lướt nhanh, lúc băng qua những cánh đồng bát ngát, lúc xuyên đồi lượn theo các triền núi quanh co. Một bên là biển. Nước biển xanh như màu ngọc bích, loang loáng ánh dương huy. Mặt trời chiếu sáng những cánh buồm lững lờ ngoài khơi, hoặc nhuốm vàng cồn cát trắng.

Phong cảnh gợi rất nhiều ý thơ, mà tiếc rằng tôi không phải là thi sĩ. Tôi chỉ nhận ra đất nước của quê hương thật hữu tình. Giả như tôi không bận tâm về mục đích tôi đang theo đuổi thì cuộc hành trình này sẽ làm tôi vui thú biết bao.

Thỉnh thoảng tàu qua một khúc quanh, tôi thò đầu nhìn con tàu như một thân rắn khổng lồ uốn khúc, chợt bắt gặp đầu Chương cũng ló ra. Sự hiện diện của Chương ở trên tàu làm tôi yên trí. Cứ theo chân anh ta, tôi sẽ tìm thấy vợ chồng ông Nguyễn văn Thành.

Chương tìm họ làm gì?

Câu hỏi này vẫn làm tôi thắc mắc, nhưng hãy để "hạ hồi phân giải". Hiện thời tôi chỉ nên kiên nhẫn chờ đợi.

Con tàu hú một hồi còi dài, báo hiệu sắp sửa vào ga. Tôi nhấp nhổm nhìn ra. Thấy vẻ bồn chồn của tôi, một hành khách kế bên nói:

- Nếu cô đi Nha trang cô cứ ngồi yên, vì ga này mới được nửa đường.

- Thưa, đây là ga nào?

- Cam Lâm.

Hành khách xuống Cam Lâm khá đông, vì đây là đường đưa vào thị xã Cam Ranh. Nhìn xuống sân ga, tôi chợt giật mình: Chương đang trả vé, len ra cửa. Không kịp suy nghĩ, tôi xách vội valy.

Người ngồi kế bên tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tưởng cô đi Nha trang! Cô xuống đây à?

- Dạ...

Tôi nối đuôi theo đám hành khách đang tuôn ra cửa. Tên Chuột đang len phía trước, lưng hắn chỉ cách tôi có mấy người.

Cuộc săn đuổi có vẻ hào hứng. Tôi ra khỏi cửa ga vừa kịp thấy Chương lên chiếc xe hàng đón khách. Nấp sau một gốc cây tôi chờ cho chiếc xe hàng rời bến, mới leo lên chiếc xe Lam, bảo:

- Ông đuổi theo chiếc xe kia dùm tôi.

Người tài xế xe Lam nói:

- Xe tôi có thể vượt trước xe kia được! Cô vô quận Cam Lâm hay sang Cam Ranh?

- Tôi chưa nhất định, ông cứ làm ơn theo hộ tôi cái xe kia.

Chiếc xe Lam từ tốn theo sau. Chiếc xe hàng đỗ lại nhiều chặng, tùy nơi hành khách muốn xuống. Xe đậu rồi đi, chẳng hiểu đã qua những nơi nào vì tâm trí tôi rối bời, mắt chăm chú nhìn chiếc xe đàng trước, chỉ sợ lạc mất Chương. Một xứ đạo hiện ra với tháp thánh đường. Chiếc xe hàng ngừng bánh. Có ba hành khách xuống xe: hai người đàn bà tay mang xách nặng và Chương.

Tôi bảo người tài xế xe Lam:

- Ông cho tôi xuống đây thôi...

Sau khi trả tiền xe, tôi đi vào con đường Chương vừa quẹo. Bước chân tôi ngập ngừng trước cổng nhà thờ. Tôi hỏi một bà già đang lom khom quét ngoài sân:

- Bà làm ơn cho cháu biết, nãy giờ bà có thấy một cậu trai nào qua đây không?

Bà già hấp háy cặp mắt.

- Anh cô đó hả? Cậu ấy vừa đi về lối này.

Tôi lững thững đi theo hướng bà chỉ, vượt qua một cổng rào và tiến thêm ít bước trên con đường cát mịn, tôi nhận ra đây là một nghĩa trang. Gió thoáng lướt qua hàng ô-rô thấp, thoảng mùi nước mặn. Những cụm hoa dừa màu tím nhạt nở bên các nấm mộ xanh cỏ.

Chương đứng ở cuối góc nghĩa trang, lưng quay lại phía tôi.

Tôi thấy không cần phải ẩn nấp nữa, nhẹ nhàng tiến đến bên anh và tôi nhìn điều anh đang nhìn, lòng nặng u sầu.

... Trên tấm mộ chí đặt giữa hai ngôi mộ nằm song đôi, có ghi những hàng chữ:

Nơi đây yên nghỉ

Nguyễn văn Thành và Đỗ thị Nuôi

Sinh quán Bắc Việt, qua đời ngày...

Tiếp theo hàng số ghi ngày tháng... có thêm câu:

Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X