An vòng xe vào mé sau. Cổng trường hôm nay mở sớm nên An không phải bấm chuông. Thành ra lũ trẻ không nghe thấy dấu hiệu để chạy ùa ra như mọi lần. Có hôm, chúng nó chạy ra rồi xô vào nhau ngã lỏng chỏng. Người mù có những giác quan khác rất tốt. Tai họ nghe rõ hơn. Họ có thể dùng tay sờ mó để nhận xét phân biệt mọi vật và hình như họ có linh tính nữa.
Cho
nên, dù trường mù đông đúc như thế, mà họ đi lại ít khi va vào nhau. Nhưng
những chủ nhật An đến, vì cổng đóng, nên An bấm chuông và chỉ sau hai tiếng
chuông xe đạp, là lũ trẻ con đã xô nhau chạy để bấu vào song sắt cửa mà châu
mặt ra ngoài nhao nhao. Lần nào khi đem chìa khóa ra mở cổng bác gác cũng phải
la ó:
-
Mấy ông tướng dẹp ra, cho nhà cháu nhờ nào.
Vứa
nói, bác vừa quay tít xâu chìa khóa. Đám trẻ lại lục tục rời xa cánh cổng và
chỉ sau tiếng kít kít, chúng biết cổng đã mở, chúng lại rối rít vây lấy An.
Chủ
nhật nào An cũng đến trường mù đọc truyện cho lũ trẻ nghe. An cũng không nhớ
tại sao An lại có thể siêng năng đến như thế. Kỷ niệm lần đầu tiên An biết
trường mù thật tình cờ. Buổi sáng hôm ấy, An đi học nhạc ở đường Nguyễn Thượng
Hiền. Nàng phải đi quanh hồ Thuyền Quang. Thế nào xe lại nổ lốp. Trời đẹp quá.
An không gọi xích lô chở xe về mà lững thững dắt bộ. Nắng thu ấm áp trông như
tơ vàng óng. Gió mơn man thổi tạt những sợi tóc mai rủ quấn quít quanh cổ An.
Nước hồ trong vắt lăn tăn vài gợn sóng. An ngửa cổ nhìn trời. Trời xanh cao.
Len lỏi từng mảng mây trắng ẩn hiện qua kẽ lá của hàng cây ven hồ.
An
ưỡn ngực hít từng hơi dài. Hơi gió mát lạnh ngấm vào từng thớ thịt. Thật là
khoan khoái. Bỗng, một người đi ngược chiều đâm xầm vào xe của An. Nàng hoảng
hốt dừng lại. Người đàn ông chới với chúi xuống. Nàng lật đật buông tay xe mà
đỡ vội để ông ta khỏi ngã. Sau phút hoảng hốt An định cự ông ta. Nhưng nhìn vào
mặt ông, An có cảm tưởng như ông không thấy nàng. Đôi mắt ông hơi dại dại. Ông
ấp úng nỏi nhỏ nhỏ và cúi xuống mò mò cái gậy. Đúng là ông ta mù thật rồi.
Nhưng ông này không giống những người mù mà An thường gặp ở chỗ mắt ông vẫn
chớp chớp bình thường chứ không có sâu
hoắm vào hoặc trắng bệch như cùi nhãn. An nhặt gậy đưa vào tay ông và ân cần:
-
Cháu xin lỗi ông nhé. Tại cháu không biết ông…
An
vội ngừng ngay lại. Nàng vẫn có cái tật nghĩ gì nói nấy, nên nhiều khi mẹ bảo
là vô ý vô tứ. Ai lại nỡ nói cái tàn tật của người ta ra. Nhưng ông khách đã
nhoẻn miệng cười ngay:
-
Cô không có lỗi đâu. Tại tôi không đeo kính mà mắt tôi lại có vẻ bình thường
nên cô không nhận ra chứ gì. Mà người bình thường thì phải tránh xe chứ, đúng
không cô. Nhưng mà, tại cô nhé, sao cô lại đi xe trên đường.
Suýt
An lại cãi là An đâu có đi xe, An dắt đấy chứ. Nhưng nàng nghĩ ngay là vì ông
mù, ông không trông thấy nàng, nên an không cãi nữa sợ ông tủi thân. Nàng nhìn
vào chiếc quần tây màu ngà của ông bị mấy vết đất ở bánh xe bám vào, đề nghị:
-
Nhà ông ở đâu, cháu đưa ông về nhé. Quần ông lấm đất rồi, ông đi chơi người ta
cười đấy.
Ông
khách khua chiếc ba toong về mé đàng trước:
-
Nhà tôi ở trướng mù này. Tôi làm hiệu trưởng.
An
nhìn theo. Nàng bỗng thấy tò mò. Từ bé, nàng chỉ trông thấy người mù ngồi xin
ăn ở bến xe. Đôi khi, mẹ dắt nàng theo đi coi bói ở đền Ngọc Sơn. Ông thầy bói
cầm cái mu rùa lên xóc xóc mồm đọc những câu gì nghe đầy vẻ huyền bí. An thấy
như thế giới của họ ẩn sau chiếc kính râm kia cũng mù mịt và đầy vẻ bí mật,
không dễ hiểu như những người sáng mắt, như An. Gần gũi An lắm, chỉ đến vợ
chồng bác xẩm mù và thằng con trai nhỏ tối tối vẫn vịn vai nhau lần mò trên vỉa
hè. Có khi, họ ngả đồ nghề ra ngay ở cửa nhà An. Đồ nghề của họ là manh chiếu
rách. Cả gia đình ngồi xếp bằng. Giữa là chiếc thau đồng bẹp nhỏ. Người chồng
cầm cây đàn một dây và kéo lên những điệu nhạc khàn khàn. Vợ ông ta thì gân cổ
lên mà hát những bài nghe cổ quá đến nỗi An tưởng như họ từ ở một thế giới nào
tới và làm những việc cũng lạ lùng không thích hợp với đời sống ngày nay nữa.
Thằng bé cầm cái que thỉnh thoảng gõ vào cái thau bẹp rồi lại giương mắt nhìn
ra chung quanh. Trò chơi chả có gì vui mà dần dần cũng kéo được khá đông người
vây quanh. Vài đồng bạc ném xuống kêu loảng xoảng. Tiếng đàn tiếng ca càng ngày
càng xa vời mơ hồ. Bao giờ An cũng ngủ trước khi họ cuốn chiếu trở về.
Cho
nên ông hiệu trưởng trường mù mà lại mù là một điều lạ đối với An. Nàng tưởng
xã hội người mù chỉ gồm có những người nghèo nàn và bí mật như thế mà thôi. An
muốn đi theo ông để xem họ sống ra làm sao.
An
được giới thiệu với bà hiệu trưởng. An có cảm tình ngay với bà. Bà cao và gầy.
khuôn mặt bà trắng xanh và không hay cười. Nhưng giọng bà êm ả và có tiếng
ngân. Mẹ thường bảo những người nói giọng có tiếng ngân là những người nhân
hậu. An thấy bà chỉ cần có giọng nói êm ả là đủ. Vì nụ cười là để dành cho
những người mình thương mến. Mà những người bà thương mến ở đây đều mù. Như thế
sẽ chả ai được hưởng món quà đó.
Ông
bà hiệu trưởng có hai người con trai chín và bảy tuổi. Sau này, khi thân nhau
rồi, An được biết bà là người miền Nam. Xưa kia, ông yêu bà, nhưng bà không
ưng. Ông là một cầu thủ, sau lần bị thương trong một trận cầu tranh giải liên
tỉnh, ông bị mù.
Bà
tới thăm ông và thấy ông là người can đảm, không rên la than khóc, lại nhân vì
đồng cảnh ngộ, thương lũ trẻ mù lòa, ông quyết tìm cách nâng cao đời sống của
những người mù. Bà cảm phục sự can đảm và lòng nhân ái đó, quyết giúp ông, bèn
tỏ lòng yêu quí và muốn sống chung để giúp ông trong công việc đó.
Ông
xin chính phủ cho được coi một trường mù. Nhân vì cả hai ông bà đều có học vấn
cao nên được chỉ định ra làm Hiệu trưởng trường mù tại Hà Nội.
Sau
khi dẫn An đi coi qua trường, thấy An tỏ ý muốn giúp bà, bà khuyên An mỗi sáng
chủ nhật nên đến chơi, đem theo truyện hay đọc cho họ nghe. Bà tiếc rằng thì
giờ của bà dành cho quá nhiều việc nên không còn có thể giúp họ hiểu biết thêm
về văn hóa, về xã hội bên ngoài. Họ có thể đọc chữ nổi nhưng sách in theo kiểu
chữ Braille dành riêng cho người mù còn quá ít ỏi.
Từ
đó, mỗi chủ nhật An đều đến và đem theo truyện để đọc cho họ nghe. Thường là
một truyện ngắn, có khi là một khúc của truyện dài. An rủ họ ra ngoài hiên, ở
đó có những ghế nhỏ để chiều chiều họ ngồi chơi hóng mát. An quây ghế thành
vòng tròn. Không phải tất cả đều nghe nàng đọc. Có những người ngồi lạnh lùng ở
một góc nào đó. Hồi đầu, An tìm cách mời tất cả lại với nàng. Sau nàng biết là
có những điều không thể. Bởi vì họ quyết liệt từ chối, đôi khi, họ tỏ vẻ ghét
nàng. Có hôm An tức phát khóc. Nhưng bà Hiệu trưởng luôn luôn an ủi nàng. Bà
cho biết rằng họ không ghét An, nhưng họ đầy mặc cảm tự ti, cứ để mặc kệ họ, họ
đỡ tủi thân hơn.
Đọc
chừng một giờ rồi, An cất sách và dắt mấy em nhỏ xuống sân sỏi để kể truyện cổ
tích và bầy trò chơi. Lũ trẻ thì rất quí nàng.
*
Cất
xe xong, An rón rén bước để lên gác. An định òa một tiếng cho lũ trẻ giật mình,
vậy mà chúng đã chạy ùa ra túm lấy áo nàng cuống quit:
-
A! Chị An, sao bữa nay chị tới sớm thế?
-
Chị kể truyện trước đi. Lát chị hãy đọc truyện. Chị kể nốt truyện “Hoàng tử có
bờm” đi!
Có
tiếng hét:
-
Bờm gì! Ê! Hoàng tử rụng bờm rồi. Hôm rụng bờm cậu đau bụng mà.
-
À, tại hôm ấy cậu ăn nhiều quá mà. Giá có nghe truyện thì cũng chìm xuống dạ
dày rồi, đâu còn nhớ được.
An
vỗ tay:
-
Hôm nay chị đến sớm. Vậy nếu các em muốn thì chị kể truyện trước, rồi chúng ta
ra sân chơi. Lát nữa nắng lên, chị sẽ đọc truyện, được không?
Lũ
trẻ lại nhao nhao:
-
Được, được, chị ơi, mà truyện gì? Truyện gì hay hay cơ ý nhé.
-
Hôm nay chị kể truyện “Hoàng tử và con chim vàng”.
Nàng
hắng giọng:
-
Ngày xưa, có một Hoàng tử rất nhân từ. Chàng có một đôi mắt xanh biếc rất đẹp.
Đôi mắt sáng long lanh như ngọc.
Có
đứa hỏi:
-
Xanh biếc là thế nào hở chị?
-
Xanh biếc là xanh thẳm ý mà em.
Đứa
bé hỏi lại:
-
Nhưng mầu xanh thì nó thế nào cơ chị, em chưa biết.
An
ngẩn người:
-
Ủa, chị quên, mầu xanh là mầu…
-
Thôi chị ạ, em biết mầu xanh rồi, chắc là đẹp lắm hở chị? Em mù từ bé…
An
luống cuống:
-
Không đâu em. Chị vô ý, mầu xanh cũng thường như mọi mầu, mầu xanh…
-
Mầu xanh đẹp thật đấy. Nó biêng biếc và trong vắt như bầu trời, như pha lê, như
viên ngọc, có phải không ạ? Có lẽ tôi còn nhớ một chút chứ nhỉ. Phải không cô
An?
An
đã quay lại từ nãy, lúc mới có tiếng ngắt lời nàng. Đó là Tòng, một người không
bao giờ chịu nghe truyện An kể, cũng không nghe An đọc truyện.
Tòng
đứng dựa gốc cây lan, khoanh tay. Đôi mắt sau cặp kính mát, nhưng An vẫn tưởng
như đang nhìn mình với vẻ chế giễu. An ấp úng:
-
Đúng đấy anh Tòng ạ. Tôi thật vô ý. Để tôi kể truyện khác cho các em.
Tòng
mỉm cười:
-
Cô sợ hả? Cô sợ chúng sẽ lại ao ước được nhìn thấy đời sống một lần. Cô sợ gợi
cho chúng nỗi niềm chua xót cho thân phận hả? Đúng đấy, cô nên tìm truyện gì
đừng có hình ảnh, mầu sắc, để khỏi bị phiền phức, cho lòng bác ái của cô được
yên ổn.
An
nghẹn lại, không trả lời.
Chủ
nhật sau, trong khi An đang đọc truyện trên hiên thì Tòng đến. Chàng lần vào
một cái ghế trống sát trong góc. Lúc hết giờ, Tòng tiến đến nói nhỏ:
-
Hôm nay tới phiên tôi cần sự yên ổn. Chắc hôm trước cô giận tôi lắm.
An
đáp vội:
-
Tôi ít giận.
Tòng
cười:
-
Chả lẽ lại thèm giận kẻ mù lòa. Xin lỗi cô, tôi thật không muốn cô buồn. Nhưng
sao tôi…
Tòng
ngừng lại. An rủ Tòng xuống sân nghe nàng kể truyện cho lũ nhỏ.
Lần
lần, lũ trẻ biết hầu hết những truyện thần tiên mà An được đọc suốt thời thơ
ấu. Một đôi khi, chúng cãi nhau về chi tiết của truyện nào đó tới cả tuần. An
cũng thân với chúng hơn. Nhiều hôm, An ở lại tới giờ ăn cơm trưa. Nàng theo vào
phòng ăn để gắp giúp mấy em còn quá nhỏ, phụ bà giám thị. Những cậu lớn khi
ngồi vào bàn, họ quờ tay một lượt là biết vị trí của các món. Còn bát của họ
thì đã để vào một cái khuôn đục lõm xuống bàn trước mặt mỗi người cho khỏi đổ.
Họ ăn uống rất gọn gàng. Nhưng mấy em nhỏ trông rất tội nghiệp. Có em thì mắt
bao màng trắng như miếng cùi nhãn. Có em mắt đã nổ, lại không có kính nên với
cái hốc mắt lép đổ ghèn ra, các em cứ cố nhướng lên nhìn vào món nào đó. Mấy
hôm đầu, thấy thế An phát khóc. Cái cảnh tượng trên một dẫy bàn dài đổ vãi đầy
đồ ăn với hai hàng ghế đầy những em nhỏ không còn trông thấy gì mà cứ hau háu
tìm kiếm làm An khổ tâm quá. An vẫn sợ thấy người nào đó ao ước cái gì mà không
đạt được. Nhưng An không thể làm gì cho các em này. Các em chỉ đang ước nhìn
thấy mấy món ăn để chỗ nào. Lớp màng trắng kia, tròng mắt lép kia đã ngăn cách
các em đời đời với thế giới đầy mầu sắc, thế giới náo nhiệt bên ngoài, đã chôn
vùi tuổi thơ với những món đồ chơi dù tầm thường, với những buổi hái hoa đuổi
bướm. An thấy bất lực trước nỗi đau khổ mà tất cả quanh An đã chịu đựng. Và
nàng cảm tạ Thượng Đế, ôi, ích kỷ biết bao, rằng may thay nàng còn có đôi mắt.
Nàng cũng thấy ân hận với sự kiêu hãnh ngầm của nàng mỗi khi nàng ở trường mù
trở về. Nàng đã cảm thấy kiêu hãnh rằng đã giúp đỡ họ, đã thương xót họ. Tội
nghiệp thay, trong khi đáng lẽ họ cũng được như nàng. Nhưng Thượng Đế sao lại
cho họ phải đui mù như vậy. Cho nên An càng cố gắng giúp họ như là một hành
động để đền ơn.
Một
hôm An đọc truyện Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh. Mọi người chăm chú nghe. Tới chỗ
Minh bị mù có tiếng thở dài. Đến đoạn Minh ghen định tự tử, có một cậu phản
đối:
-
Trời! Sao lại tự tử? Cái anh chàng thật là hồ đồ. Chẳng biết phải trái gì cả.
-
Nếu cứ tự tử là xong mọi chuyện thì chết là điều dễ nhất. Nhưng còn người sống,
còn Liên kia, nàng sẽ đau khổ xiết bao.
An
nhìn anh chàng vừa góp ý và mỉm cười. Anh ta thật yêu đời và dễ dãi quá, thật
là hiếm thấy trong chốn này. Bỗng An bắt gặp Tòng đang nhìn ra phía ngoài. An
lại gần hỏi:
- Anh Tòng nhận xét thế nào?
Tòng
cười:
-
Tôi thấy ông Nhất Linh để Minh tự tử là đúng. Nhưng ông lại cho sống lại. Và
hình như, nếu tôi nhớ không lầm thì ông lại cho sáng mắt nữa. Thật có hậu và
tốt đẹp. Nhưng cô tưởng tượng coi, nếu anh chàng Minh không sáng mắt lại, rồi
sau này đi làm thầy bói, thì cô Liên yêu quí và xinh đẹp kia sẽ ra sao. Sẽ cắp
tráp theo sau hay là cầm đầu gậy dẫn đường.
An
tức uất lên. Hình như Tòng bất mãn và muốn tàn phá hết cả ý định tốt đẹp của
nàng. Nàng đã bỏ buổi sáng chủ nhật để tới đây, đọc những truyện mà nàng đã coi
rồi, chẳng còn hứng thú gì cả. Nàng chỉ muốn làm cho họ đỡ khổ, ngày chủ nhật
của họ đỡ tẻ nhạt, để an ủi họ, cho họ đỡ phiền muộn trong một vài giờ của cuộc
đời tối tăm dài dằng dặc. Nhưng họ có muốn không. An bỗng cảm thấy nàng nghĩ
sai. Mình ở thế giới khác. Không phải họ, không giống họ, không có cái cảm giác
của họ, nên điều mình nói ra đều là những điều xa lạ và kênh kiệu khiến họ
không thông cảm. An đứng im bối rối. Tòng lại tiếp:
-
Tâm hồn tôi mục nát quá phải không cô? Người ta nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm
hồn”. Tiếc thay, cửa sổ của tôi đã đóng chặt bằng khóa chữ do tay anh điên.
An
chạy một mạch xuống nhà lấy xe về thẳng.
Mấy
tháng sau, An trở lại. Lần này An đến để từ biệt họ. An sắp đi lấy chồng. Sau
khi cưới nàng sẽ theo chồng đi xa. Lúc nàng lên tới hiên, nàng thấy họ đã ngồi
đông đủ và đang lần tay trên cái khuôn để viết chữ nổi. Dù An đi rất nhẹ, cũng
có người reo lên:
-
A! Cô An!
Đúng
là mắt đã kém thì tai thính. An vui mừng chạy lại chào họ. Họ hỏi thăm rối rít
và đòi nàng đọc truyện. Nàng nói rằng chỉ tới chơi được một lúc thôi. Một vài
người cho nàng biết là họ đã trách Tòng dữ lắm. Nàng vừa trả lời vừa tìm Tòng:
-
Không phải lỗi tại anh ấy. Tại tôi bận.
Và
mắt nàng đã gặp Tòng. Chàng ngồi trong một góc, đang chăm chú viết trên cái
khuôn. Mặt chàng xanh xao. An lại gần chàng cúi xuống nói:
-
Anh đừng buồn nhé. Tôi không giận anh đâu. Tại tôi bận.
Tòng
không đáp, cứ cắm cúi ấn tay xuống tờ bìa. Một lúc sau Tòng nói:
-
Cô đi ở riêng à?
An
ngạc nhiên:
-
Vâng, sao anh biết?
Tòng
vẫn cúi:
-
Những người mù thì trời lại phú cho linh tính bén nhậy.
Bỗng
nhiên, chàng luống cuống làm rớt cái dùi để viết. Chàng chụp vội bàn tay An
đang chống trên bàn. Nhưng vì cái dùi rơi, An đang cúi xuống nhặt, thành ra
Tòng chụp hụt.
Tòng
vụt thấy rõ, rất rõ, sự kém cỏi, mù lòa của mình. Linh tính cho chàng biết tay
An chống lên bàn, mà không kịp thấy An đang nhặt dùm chiếc dùi. Sau giây phút
đó, Tòng lại trở về cái vỏ ốc cũ của chàng. Tòng nói nhỏ:
-
Đã ba năm nay, đây là lần đầu tiên tôi cám ơn trận đau đã làm cho tôi trở thành
mù lòa, vì nhờ nó, tôi khỏi nhìn thấy khuôn mặt sáng rỡ của cô.
Tòng
vừa đứng lên vừa nói:
-
Cô tốt lắm. Đủ rồi! Tôi sẽ không quên trên đời có người hào hiệp và thương
người như cô.
Tòng
sờ soạng tiến về phía dẫy nhà ngang. Nước mắt An chảy dài xuống má. Lời nói cay
đắng của Tòng không làm cho nàng giận nữa. Nàng đã hiểu phần nào tâm trạng của
những người đau khổ này. An tiếc đã không sớm cảm thông với họ, mà giận họ,
uổng đi bao ngày mà lẽ ra An có thể giúp đỡ họ được.
ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 39, ra
ngày 21-5-1972)