Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

TẾT TRÊN QUÊ HƯƠNG MƠ TƯỞNG - Nhã Đảo


Từ một lúc nào đó, tôi bỗng thấy lờ mờ một cơn mưa. Mưa trái mùa thật đấy nhưng vẫn mang đầy đủ những gì thuộc về riêng nó. Tiết cuối chạp, lạnh se da mặt, thêm vào một vài giọt nước lay phay cho tôi nhiều ý nghĩ về hạnh phúc. Bố tôi thường nói rằng: Những cơn mưa như thế nầy làm bố nhớ mưa xuân miền Bắc ngày xưa của bố. Từ những ý nghĩ, từ một cơn mưa và từ câu nói của bố, trí óc tôi có thể tưởng tượng dễ dàng những vẻ đặc biệt của quê hương mù tăm đó. Sự tưởng tượng không mấy khó đối với một con bé mê đọc sách như tôi. Tôi có thể đọc sách đến quên ăn quên ngủ vì sách vở đã vẽ lên trong tim tôi một miền quê hương đầy ước mơ đầy xao động. Miền quê hương còn trong mơ tưởng, xa nghìn trùng và bằn bặt tăm hơi. Phải nói rằng mù tăm, phải nói rằng nghìn trùng mơ tưởng vì quê hương đó tôi chưa bao giờ được sống và mai sau biết đâu tôi mãi mãi không có dịp về thăm.

Quê hương đó có sách báo mô tả, có nhiều tâm hồn hoài niệm, có đầy những bóng dáng thời còn bé của bố tôi. Cái lạnh kéo dài, cái rét mướt giăng giăng và cả sự phong phú trên niềm thương đó.

Một thời gian đi qua, một khoảng ngày không mong đợi. Tôi bình thản lắm trước thời tiết. Tuổi thơ của tôi là một giấc ngủ ngây ngô cho nên không có gì đáng gọi là vàng ngọc. Cũng vẫn những tình cảm náo nức rất là con nít đang vọng động trong tôi. Ít ra cũng là một chút gì trưởng thành. Có thể nói chính sự tưởng tượng của tôi đã giúp tôi rất nhiều.

Và tôi đang tưởng tượng đây:

Nơi đó. Quê tôi có con sông Nguyệt Đức dàn trải hai bờ cỏ mướt, thả rộng lũy tre làng. Dòng sông in thấp thoáng bóng dáng bà nội tôi và đôi quang gánh đầy gạo nàng hương xuôi chợ qua cầu. Hai bờ cỏ mướt, lá mảnh và hoa thêu trên đó, loài thúy cúc tím, loài thủy cúc, hoàng anh. Với tất cả thiết tha vẫy gọi của hình ảnh bố tôi thơ thẩn bên lũy tre hun hút sâu. Màu xanh thăm thẳm màu xanh nồng nàn, xanh rất đỗi xanh với nắng dọi qua khung trời ngả loang loáng thật vàng thật chói nhưng không oi bức, một khía cạnh nghệ thuật làm sống lại ước mơ thầm.

Phương đó cũng có rừng có núi có lũng thấp có đồi già. Mùa xuân bắt đầu từ khi rừng mai trổ nụ, hương tết bắt đầu từ khi vòng trúc thêm xanh. Thiên hạ lũ lượt viếng chùa. Xuân chỉ ở đây trong lòng người khách thập phương khi bước vào chùa. Xuân trong hương trầm xuân trên cành lộc. Chùa Long Giáng và cuộc hội hè những tấm áo tứ thân những chiếc khăn mỏ quạ. Rộn ràng là những cô thiếu nữ. Tết trên mắt tết trên môi. Từng khoảng nhỏ không gian với hương trầm uyển chuyển. Cỏ mọc len lách trên đường lên chùa. Bước chân mùa xuân đáp dịu dàng như những bước chiêm bao.

Thiên hạ ăn tết. Tết ở quê hương ngày còn mơ tưởng tôi có thể hình dung được mặt hồ sáng bạc khi chuyến xe cuối năm băng qua Trúc Bạch. Chuyến xe có thương yêu nặng chĩu có niềm vui cần được san sẻ. Bóng tối tỏ rạng những khuôn nhà lặng lờ rõ nét bên những vòng hoa giấy trước cổng. Chuyến xe về quê làm ấm lòng người. Mặt đường thâu nhỏ và trải đất đỏ. Màu đất đỏ dễ làm vàng ố đi quần áo bây giờ như một báo hiệu nhiệm mầu. Đã về đến quê ăn tết.

Và rồi đi chùa, viếng thăm xông đất. Trầm trồ khen cặp đối đỏ cây nêu xanh với chiếc khánh lửng lơ.. Người dân trong làng Tiền An sống lam lũ bên dòng Nguyệt Đức dẹp quang gánh xếp lại việc mùa vui chơi hè hội suốt tháng giêng. Những xôn xao những kiểu cách làm đẹp cho mùa xuân. Vùng quê hương nghe ra cũ kỹ nhưng sao tôi nghe mê nghe bận bịu cả những lúc đầu não muốn vô tư.

Quê hương chỉ có vậy mà mời gọi mà thiết tha. Tết còn là tất cả. Tết là mơ ước đoàn tụ, là tình cảm dễ biểu lộ, là háo hức con nít, là đắn đo người lớn. Chỉ có tết để về quê và nếu không về thì để nghĩ để tưởng. Không được về quê ăn tết buồn không gì bằng.

Quê hương mơ tưởng ơi! Hãy nghĩ đến tôi đến bố tôi những người ăn tết xa quê hương. Hãy để dành phần cho chúng tôi. Hãy nhớ đến tôi như tôi đã mơ ước được thấy lại Quê hương.

Tiền An với dòng Nguyệt Đức của Ninh Bắc hiền hòa và nghệ sĩ. Mùa xuân biết có đợi tôi không?!


NHÃ ĐẢO      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân Giáp Dần, ra ngày 15-1 và 1-2-1974)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com