Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

CHƯƠNG I_HOA ĐỖ QUYÊN


CHƯƠNG I


Thắng ngồi im lặng, thả hồn theo những cơn gió thoảng cuối chiều. Hoàng hôn trải dài từ chân đồi xuống ngôi làng dưới thung lũng. Những mái nhà ngói đỏ, những mái nhà tranh xám, san sát nhau như một mô hình kiểu mẫu. Cây bàng cổ thụ gốc cả mấy người ôm vươn mình ngạo nghễ. Cây phượng nở hoa mùa hè giờ chỉ còn vài cánh trổ muộn. Thu đẹp, bàng bạc như một giòng ngân thủy.

Thắng là một trong bốn Khóa Sinh được bổ nhiệm về làng Mai Lộc trong chiến dịch "Về làng". Anh và các bạn phải trú ngụ tại nhà dân chúng trong làng, hòa mình sống với họ, giúp đỡ họ trong khả năng mình, đồng thời cũng giải thích cho họ biết đâu là chính sách của quốc gia.

Làng Mai Lộc, nằm dưới chân ngọn đồi một thung lũng trù phú. Dân làng sống hiền hòa với nghề trồng cây ăn trái, trồng hoa kiểng để mỗi năm gần Tết chở về Sàigòn bán. Thắng cho rằng mình may mắn được gởi về một ngôi làng thanh bình như Mai Lộc.

Anh chợt nheo mắt hướng về phía chân đồi: một tốp năm đứa con gái chừng mười lăm, mười sáu tuổi đang nắm tay dung dăng dung dẻ hướng về phía đỉnh đồi. Ngọn đồi thoai thoải, không cao lắm, nhiều hoa dại và nơi Thắng ngồi là một khoảng đất trống dưới gốc một cây bàng lớn, chắc số tuổi nó cũng bằng số tuổi cây bàng cổ thụ dưới làng.

Mấy đứa con gái trong những bộ đồ màu mè, giản dị, vừa đi vừa chuyện trò có vẻ vui lắm. Chúng nhảy chân sáo và thỉnh thoảng lại rượt đuổi nhau.

Khi chúng đến gần, Thắng mới nhận ra đứa con gái đi đầu cầm một cuộn dây thừng. "A, các cô bé kiếm chỗ nhảy dây chứ gì? Thắng nghĩ thầm khôn thật, lên tới đây nhảy dây là nhất rồi".

Và đúng như anh dự đoán, lũ con gái lên tới đỉnh đồi đi ngay lại phía anh không do dự. Dân làng Mai Lộc còn lạ gì ngọn đồi này, một phần trong giang sơn của họ mà.

Cô bé đi đầu quăng sợi dây ra. Cả năm xúm lại, chơi trò "tay trắng tay đen" để xem ai phải cầm dây. Kết cuộc cô bé giữ dây lúc nãy và một cô bạn là nạn nhân đau khổ.

Năm cô bé bắt đầu trò chơi thật hăng say. Chúng thấy Thắng ngồi đó, đưa mắt nhìn anh rồi thản nhiên quay dây và nhảy. Thắng nghĩ có lẽ làng Mai Lộc rộng và đông đúc nên mình không biết mặt mấy cô bé này.

Anh bỏ những ý nghĩ để theo dõi trò chơi của bọn trẻ. Chúng nhảy dây theo đủ kiểu, nhiều kiểu thật lạ mắt. Có khi hai đứa quây cho ba đứa nhảy, có lúc chúng gập đôi sợi dây để quây hai lằn dây song song theo kiểu nhảy thang tre của người Thượng.

Thắng cũng thấy mình bị lôi cuốn trong trò chơi của mấy cô bé. Chàng nhìn từng đứa: chúng cùng trang lứa nhau, tóc đứa nào cũng dài chấm vai, chỉ có cô bé giữ dây lúc nãy là có mái tóc ngắn lạ mắt.

Trong bọn, cô ta cũng đẹp nhất. Đẹp theo lứa tuổi thơ ngây hồn nhiên của cô: da trắng, mắt to, tròng đen thật lớn, mũi cao thẳng và miệng cười thật tươi, nụ cười làm sáng gương mặt bầu bĩnh.

Ngọn đồi còn bóng chiều khi bóng tối đã phủ xuống làng Mai Lộc. Mấy cô bé cuốn dây kéo nhau về. Thắng cũng lững thững xuống đồi. Trên tay anh, gói Bastos đầy ứ giờ chỉ còn hai điếu.

Tụi con gái xuống đồi nhanh hơn khi lên. Chúng đi như chạy. Thắng giữ mực bước để mình khỏi bắt kịp chúng. Không hiểu sao anh thích nhìn những bước chân chim bé bỏng của tuổi thơ lạ lùng.

Cô bé tóc ngắn bỗng vấp vào một vật gì đó, ngã sóng soài. Triền đồi thoai thoải làm cô ta lăn mấy vòng không gượng nổi. Lũ con gái kêu lên thảng thốt. Thắng vội nhảy từng bước dài qua chỗ cô bé lăn để chận lại. Anh đỡ cô ta lên, vừa hỏi:

- Đau lắm không em?

Đứa con gái vừa phủi bụi đất trên quần áo vừa lắc đầu:

- Dạ không nhưng em hết hồn.

Nó ngước đôi mắt đầy tròng đen nhìn Thắng, bây giờ anh mới nhìn thấy hàng mi rậm vút cong của cô bé. Cô ta ngập ngừng:

- Em cám ơn anh. Không có anh em lăn hết triền đồi này rồi đó.

Cô bé mỉm cười với Thắng rồi chạy theo cho kịp các bạn. Trong cái lành lạnh của làn gió bàn giao giữa chiều và tối, Thắng nghe những giọng cười trong trẻo chen nhau.

*

Chiều hôm sau Thắng cũng lên đồi. Anh cho phép mình dành một khoản thời gian buổi chiều để tìm thanh thản. Hòa, Phát, Tiến, ba thằng bạn Thắng chế nhạo anh đi tìm thi hứng "Cho mày làm thi sĩ nửa mùa Tụi tao đi đánh Domino đi nhậu khoái hơn".

Lại năm đứa con gái chúng đến sớm hơn hôm qua. Đi ngang anh, cô bé tóc ngắn mỉm cười giơ tay chào. Thắng vẫy tay chào lại. Mấy cô bé mở dây nhảy cách chỗ Thắng ngồi chừng vài chục thước.

Thắng quay hẳn tia nhìn về nơi tụi nhỏ đang nhảy dây, theo dõi trò chơi của chúng. Thỉnh thoảng cô bé tóc ngắn nhìn về phía anh mỉm cười. Thắng nhủ thầm: "Con bé thật xinh, năm ba tuổi nữa khối cậu mệt vì nàng".

Đột nhiên, hai đứa trong bọn nói gì với các bạn rồi đi xuống đồi. Còn lại ba cô bé, chúng tiếp tục chơi dây nhưng lần này có vẻ uể oải. Chỉ độ nửa giờ chúng xếp dây.

Hai đứa trẻ nắm tay nhau đi nhanh. Cô bé tóc ngắn chậm chân, vừa bước vừa đùa những viên đá nhỏ. Đi ngang chỗ Thắng ngồi cô bé dừng lại.

- Bộ anh ưa lên đây lắm hở?

Thắng gật đầu:

- Sao hôm nay mấy em nghỉ sớm vậy?

- Tại các em bận. Anh thấy hai đứa bỏ về trước đó, nhà tụi nó có giỗ.

- Còn ba đứa cũng quay dây được chớ.

- Dạ được. Mà điều ít đứa buồn thấy mồ đi.

Con bé tự nhiên đến ngồi xuống cạnh Thắng. Nó nhìn trời bâng quơ:

- Ngồi đây nhìn xuống thung lũng đẹp ghê anh há?

- Em thấy đẹp?

- Chớ sao. Không đẹp sức mấy anh lên đây ngồi. Anh khôn ghê, lên đây ngồi hút thuốc một mình khỏi sợ ai xin.

Thắng bật cười:

- Đâu phải mục đích anh lên đây là để khỏi bị xin thuốc.

- Anh em nè, cứ mỗi lần hết thuốc ảnh lại kêu "mấy thằng quỉ, có bao thuốc nào tụi nó chia nhau bao thuốc đó". Anh lên đây ngồi một mình đâu có ai chia thuốc.

Sự dẫn chứng ngồ ngộ của đứa con gái làm Thắng thấy vui vui.

Cô bé hỏi Thắng:

- Bộ anh mới tới đây hả?

- Sao em biết?

- Tại giờ em mới thấy anh.

Thắng nhìn xuống thung lũng:

- Em là người làng Mai Lộc?

- Dạ không.

Cô bé chỉ về bên kia triền đồi:

- Em ở bên này nè. Làng Mai Lĩnh. Cách làng Mai Lộc một ngọn đồi.

- Sao anh thấy em lên phía bên làng Mai Lộc?

- Mấy đứa bạn em ở đó. Qua rủ tụi nó đi tập nhảy dây.

Thắng ngạc nhiên:

- Nhảy dây mà cũng phải tập cơ à?

- Chứ sao anh. Tụi em tập để thi mà.

- Thi ở đâu?

- Trường tổ chức đó anh.

- Tổ chức nhảy dây thi?

- Dạ không, nhiều môn nữa. Nữ công gia chánh, thể dục, vẽ, nhảy dây.

- Trường em trong làng này?

Cô bé lắc đầu:

- Tụi em học trường Quận. Trường làng học trò Tiểu học thôi.

Thắng nhìn dáng dấp mảnh dẻ của cô bé:

- Em học lớp mấy rồi?

Đứa con gái nhỏ không để ý đến sự tò mò của Thắng:

- Dạ em học lớp chín.

Nó nhìn bộ quân phục Thắng mặc:

- Anh lính hả?

Thắng gật.

- Lính gì vậy anh?

- Bộ binh. Nhưng anh còn học trong quân trường.

Cô bé ngẫm nghĩ:

- Anh là Sinh viên Sĩ Quan?

- Phải rồi. Em giỏi quá.

- Anh Ba em ở nhà cũng đi lính. Ảnh đi lính nhảy dù. Nhảy dù oai há anh?

- Ừ.

Cô bé lại thắc mắc:

- Vậy sao anh không đi nhảy dù?

- Anh chưa ra trường mà.

Thắng thấy khó mà giải thích rành rẽ cho cô bé hiểu vấn đề quân đội. Anh lảng qua chuyện khác:

- Bao giờ trường em thi?

- Noel này nè anh. Em học trường Bà Phước.

- Sao em không thi mấy môn khác? Như làm bánh chẳng hạn.

Cô bé nhe răng cười:

- Bánh ấy à? Bánh thì em biết ăn hà.

Mặt trời khuất dần sau những tàng lá bàng xum xuê. Cô bé đứng lên:

- Em về nghe.

Chợt nhớ, Thắng hỏi:

- À, cô bé tên gì nhỉ? Để anh còn gọi...

Không trả lời Thắng, đứa con gái nhỏ chạy một mạch xuống đồi.

Thắng ngồi lại một lúc. Anh vừa định xuống đồi thì thấy Hòa và Tiến đi lên.

Thắng hỏi trước:

- Có chuyện gì vậy?

Tiến lắc đầu:

- Có gì đâu, tụi tao thấy mày mất dạng nên đi tìm.

- Thằng Phát đâu?

Hòa trả lời:

- Nó đi nhà bưu điện.

- Chi vậy?

Tiến cười:

- Nó sợ mày đi lạc nên đánh điện về nhờ ti vi lên tiếng tìm "trẻ em đi lạc" dùm.

- Ông đấm tụi mày vỡ mặt à, ở đó mà đùa dai.

Hòa tiếp:

- Mục đó kêu là "đùa dại" chứ không phải là đùa dai đâu.

Tiến đứng dạng chân, che tay ngó quanh quất.

- Mẹ, có gì hay ho trên cái đồi trọc này mà thằng Thắng nó mê dữ ta.

Hòa bĩu môi:

- Nó "mát" nặng mày không biết sao?

Thắng trả đũa:

- Nơi này chỉ dành cho những văn nhân có tâm hồn thanh nhã Còn tụi phàm phu tục tử làm quái gì thấy đẹp.

Tiến, Hòa thôi không cãi. Tiến móc bao thuốc. Bao xẹp lép. Tiến kêu:

- Bỏ xừ, hết thuốc rồi.

Hắn quay sang Hòa:

- Còn tao điếu mày.

Hòa lắc đầu chỉ Thắng:

- Tao cũng cạn. Thằng này ngồi có một mình chắc còn.

Vừa lấy thuốc đưa cho bạn, Thắng vừa nhớ đến lời dẫn chứng ngồ ngộ mà thực tế của cô bé ban chiều, và anh mỉm cười trước vẻ ngạc nhiên của Hòa và Tiến.

*

- Chiều nay các bạn em không lên nhảy dây sao?

Thắng hỏi khi thấy cô bé tóc ngắn lên đồi một mình.

- Dạ không. Bữa nay tụi nó bận đi họp Đạo Binh Đức Mẹ.

- Sao em không đi?

Cô bé ngồi xuống trên mấy chiếc lá khô.

- Em ở làng khác, giờ họp không giống nhau.

- À, anh quên.

Thắng nhìn cô bé:

- Rồi em lên đây một mình?

- Dạ.

- Sao em không đem dây theo tập?

- "Xời" ơi, anh nói ngộ ghê, có một mình em mà tập gì.

- Tập một mình.

Cô bé lên giọng:

- Anh hổng biết nhảy dây gì hết. Tập một mình chán liền hà.

Thắng nói cho qua:

- Vậy hả.

Anh nhìn vài chiếc lá bàng khô lảo đảo trong gió nhẹ.

Đứa con gái thắc mắc:

- Sao anh ưa lên đây vậy?

- Tại... anh ưa.

Cô bé không chịu câu trả lời đó.

- Hổng phải. Dưới làng vui hơn chớ. Chắc tại anh... nhớ nhà hả?

Thắng lắc đầu:

- Người lớn đâu có nhớ nhà.

- Sao kỳ vậy?

- Thì tại mình... lớn rồi.

- Bộ anh hổng nhớ má anh hả?

- Má anh mất rồi.

Cô nhỏ xịu mặt:

- Tội nghiệp anh quá há. Hồi má anh chết anh có khóc không?

Tự dưng Thắng tâm sự:

- Có, anh khóc nhiều lắm.

- Buồn anh há.

- Ừ... Buồn.

Cô bé lặng thinh. Dường như cô ta muốn tỏ ra thông cảm với Thắng về nỗi bất hạnh đó. Cô ta bỗng hỏi:

- Anh có má ghẻ không?

- Không. Ba anh không lấy vợ nữa.

Cô bé gật gù:

- Vậy đỡ. Má em nói có má ghẻ khổ lắm. Họ là bà chằn dữ lắm, thế nào anh cũng bị đòn.

Thắng vờ rùng mình:

- Nghe em nói, anh sợ quá.

Cô bé thích chí:

- Chứ sao. Má em nói má mà lỡ có chết là má gởi tụi em về ở với ngoại, với mấy dì, khỏi cho ở với ba em đi.

- Ba má em đông con không?

Cô bé gật đầu:

- Sáu đứa.

- Em thứ mấy?

- Em thứ năm.

- Chắc má em cưng dữ há?

Cô bé vênh mặt:

- Má em cưng em tại có mình em là con gái. Ba cưng em tại em giống má.

- À, bé tên gì, sao hôm qua anh hỏi không nói?

Cô bé hỏi lại:

- Anh tên gì?

- Anh tên Thắng.

Mắt cô gái nhỏ long lanh:

- Em... hổng có tên.

- Sao kỳ vậy?

- Thiệt mà.

- Thế ở nhà ba má kêu em là gì?

- Kêu em là... Năm. Tại em thứ Năm.

- Anh không tin. Em phải có một cái tên, một cái tên đẹp.

- Anh muốn biết tên em há?

Thắng gật.

Cô bé không nói gì thêm, cắm đầu chạy về phía bên kia đồi. Thắng ngơ ngác không biết cô ta làm gì. Anh chờ và thấy cô ta trở lại chỗ mình, hai tay ngoặc giấu sau lưng.

Đến trước mặt Thắng cô bé dừng lại:

- Anh nhắm mắt đi.

Thắng làm theo.

Tiếng cô bé:

- Rồi. Mở mắt ra.

Cô bé đưa trước mặt anh một chùm hoa vàng nho nhỏ:

- Anh biết hoa gì không?

Thắng nhìn bông hoa: những cánh nhỏ phơn phớt vàng, nhụy hoa tim tím. Bông hoa thật dễ thương nhưng là một loài hoa dại anh chưa gặp bao giờ

- Anh chịu. Chắc là hoa dại hả em?

- Không. Nó có tên mà.

Thắng im lặng.

- Anh thua há?

- Thua. Em nói đi.

- Hoa Đỗ Quyên.

Thắng suýt soa:

- Tên hay quá. Hoa Đỗ Quyên... ai nói em biết vậy?

- Người ta gọi tên như vậy mà.

- Nhưng anh đang hỏi tên bé, sao bé lại hái hoa Đỗ Quyên cho anh.

Cô nhỏ chu môi:

- Thì tên em đó. Hoa Đỗ Quyên. Anh gọi như vậy đi.

- Anh muốn biết tên thật của bé.

- Thôi, kêu đại như vậy đi mà. Em thích tên này. Tên thật của em... một lúc nào đó em sẽ cho anh biết.

Thắng thấy đứa con gái nhỏ có những bí mật là lạ. Vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Anh hỏi lại:

- Bao giờ bé cho anh biết tên?

- Khi nào em thích, giờ thì anh cứ gọi em là Hoa Đỗ Quyên, bằng lòng như vậy, há?

Thắng gật gù:

- Thôi cũng được, anh chìu ý Hoa Đỗ Quyên.

Cô bé reo lên thích thú. Nhưng chợt nhớ ra điều gì, cô ta trầm giọng lại:

- Mà điều em ra điều kiện là anh không được xuống làng hỏi bất cứ ai về tên em nhe, kể cả mấy nhỏ bạn em nữa. Để em nói trước hà. Khi nào em muốn nói, nhen?

- Xong rồi!

- Anh hứa nhen? Em mà nghe anh biết tên em... không do em nói ra... nghỉ chơi anh luôn. Anh hứa đi?

- Ừ, anh hứa. Cô bé cẩn thận ghê.

Hoa Đỗ Quyên đưa cho Thắng những bông hoa dại nho nhỏ xinh xinh. Thắng cầm hoa, nhìn đứa con gái nhỏ. Anh thấy tròng mắt nó nhánh đen, hình như thăm thẳm, tim tím như nhụy hoa Đỗ Quyên.

______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG II