Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

MỘT GƯƠNG DANH NHÂN : BÀ HELEN KELLER - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Một em đã gửi đến chúng tôi: Thưa bác chủ nhiệm, trong báo Thiếu Nhi số 4 bác có viết: "... Tại sao em không nở nụ cười? Khi em còn đủ hai tay và hai chân, và còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Bà Helen Keller, khi nhỏ vừa mù, vừa câm, vừa điếc, nhưng bà có buồn đâu! Bà vui vẻ và cố gắng. Bà đọc sách nhiều gấp trăm người thường, đã viết bảy cuốn sách và diễn thuyết khắp nước Mỹ..." cháu thắc mắc làm thế nào bà Helen Keller lại diễn thuyết được khắp nước Mỹ và cháu xin bác kể lại cho cháu nghe cuộc đời của nhân vật phi thường ấy.

Em độc giả bé nhỏ của tôi ơi, em đã nhận xét rất đúng: người câm không làm sao diễn thuyết cũng như người chết không bao giờ nói được nữa. Trong đoạn trên, tôi có ghi rõ: Bà Helen Keller, khi nhỏ, vừa mù, vừa câm, vừa điếc.

Đúng ra, cô bé Keller khi sinh ra cũng lành lặn hẳn hoi như mọi đứa trẻ bình thường. Cô bé vẫn nhìn thấy mọi vật xung quanh. Cô bé vẫn nghe được những âm thanh như bao em bé khác. Cô bé vừa bập bẹ tập nói thì một chứng bịnh nặng làm cho em phải mù, câm và điếc, lúc ấy em bé Keller vừa mới lên được một tuổi rưỡi.

Từ đấy, cô bé Keller sống và lớn lên trong sự đầy khổ sở. Các em thử tưởng tượng nếu chúng ta bị câm và điếc hay chúng ta chỉ bị mù lòa thôi, chúng ta sẽ đau đớn, cực nhọc như thế nào?

Khi Keller đến tuổi đi học, cha mẹ em đến trường dạy các trẻ em mù tìm cho em một ông thầy để dạy riêng cho em.

May mắn thay, cha mẹ em được gặp cô Anne Sullivan, một cô gái mới hai mươi tuổi vừa rời viện Perkins là trường dạy các trẻ em mù ở Borton. Cô Annie Sullivan bằng lòng nhận một công việc vô cùng khó khăn là giáo dục một đứa bé vừa câm, vừa điếc lại vừa mù.

Đời cô Annie Sullivan cũng đầy nước mắt. Cô đã sống trong sự khổ nghèo. Năm lên mười tuổi cô cùng đứa em ruột bị đưa vào trại tế bần. Ở đấy đời sống quá chật vật, không đủ chỗ cho các em nghỉ. Đêm đến, hai đứa bé phải vào nhà xác mà ngủ. Sống trong trại được sáu tháng, vì quá vất vả, em cô bị bịnh và mất sau đó. Còn cô lây lất sống, khi đến mười bốn tuổi, cô cũng bị đau nặng đến đôi mắt gần bị mù. Người ta đã gởi cô đến viện Perkins để học chữ như những người mù khác. Nhưng may mắn cho cô, cô không bị mù hẳn, lần lần cô thấy được rõ ràng hơn.

Có lẽ vì cảm thông nỗi khổ sở của người cùng cảnh ngộ. cô Annie Sullivan đã nhận ngay việc dạy dỗ cô bé bạc phước Helen Keller. Nhờ sự cố gắng của cô, chỉ trong vòng một tháng, hai người có thể giao dịch với nhau. Cô Helen Keller rất sung sướng khi thấy mình tàn tật đến mức độ như vậy lại có thể giao dịch được với một người khác.

Khi cô Helen Keller lên đến mười hai tuổi, cô học hành đã khá. Cô được đưa vào trường trung học. Cô giáo Annie Sullivan cũng đi theo để giúp đỡ cô. Lúc ấy, cô bắt đầu tập nói và nhờ sự cố gắng, cô đã nói được tuy không rõ ràng. Cô lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần câu nói đầu tiên mà cô nói được: "Bây giờ tôi hết câm", lòng tràn ngập sung sướng.

Lớn lên, bà Keller viết sách và viết báo rất nhiều bằng lối chữ Braille là lối chữ dành cho người mù.

Bà cũng đọc rất nhiều sách, có lẽ nhiều hơn những người có may mắn còn đôi mắt.

Bà đã đi diễn thuyết khắp nước Mỹ, tuy giọng bà không được rõ ràng, hơi giống giọng của người ngoại quốc nói tiếng bản xứ.

Trong những lúc nhàn rỗi, bà thường đi dạo trong vườn, làm bạn với con chó mà bà rất quí mến. Bà thưởng thức âm nhạc bằng cách sờ tay lên môi của người hát hay đặt tay trên chiếc dương cầm hay vĩ cầm. Bà biết bơi, biết chèo thuyền, biết cỡi ngựa. Bà chơi cờ, dành riêng cho bà. Bà cũng hay đan hoặc thêu thùa.

Các em thân mến,

Với một ý chí mạnh mẽ, các em có thể vượt qua mọi trở lực một cách dễ dàng.
 
Đúng vậy, chúng ta được diễm phúc không phải tàn tật như bà Keller, chúng ta khỏi phải lần mò trong đêm tối, chúng ta chỉ cần một ít nghị lực là chúng ta đạt được những gì chúng ta ước muốn.


Thân ái                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 12, ra ngày 31-10-1971)



Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

CÂU CHUYỆN VỀ ĐỨC TÍNH CỦA MỘT VỊ BÁC SĨ - Nguyễn Phúc

  

Xưa có một vị Bác sĩ mà tiếng tăm và lòng nhân đạo của ông đã vang dội khắp nơi. Một ngày nọ, người ta mời ông đến chữa bệnh miễn phí cho một người đàn ông nghèo nàn thất nghiệp. Ông không từ chối.

Sau khi khám mạch cho bệnh nhân, bác sĩ bảo vợ y:

- "Thôi! Tôi hiểu bệnh của anh rồi. Đây là căn thuốc chị cần cho anh uống để mau khỏi" Nói xong ông đưa chị ta một cái hộp to, nặng rồi ra về.

Các bạn có biết hộp đựng gì không? Thật là bất ngờ, khi chị vợ mở hộp ra cho chồng uống thuốc, chị kinh ngạc thấy hộp toàn là tiền. Tiền nén, tiền vàng nhiều vô kể so với kẻ nghèo mạt sát đất như gia đình chị. Và sau đó, vì một lẽ tự nhiên, anh chồng hết bịnh ngay sau khi thấy món tiền đó.

Thực ra anh không có bệnh gì ngoài căn chứng buồn khổ vì nghèo và thất nghiệp. Vị bác sĩ nhân ái kia đã thấu rõ việc đó, và cho một bài thuốc hợp tình. Ấy là hành động mà anh chị sẽ không bao giờ quên được, có lẽ suốt đời họ.

Về sau, anh chị mới biết vị cứu tinh cao quí nọ chính là ngài Goldsmith. Mà tên tuổi nay còn vang dậy trong lịch sử Y học.


Nguyễn Phúc       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 55, ra ngày 15-10-1966)


Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

CHỊ DỖ EM - Trịnh Công Truyền

 

Trời đổ mưa rồi em nín đi
Ngủ say trong tiếng nhạc mưa về
Má mình còn bước sâu trong ruộng
Vun xới đất nghèo đượm thắm quê

Trời đổ mưa rồi em thấy không?
Bóng chim thấp thoáng ướt lông mềm
Run run đói rét không nương tựa
Núp dưới hàng khoai suốt cả đêm

Trời đổ mưa rồi dột mái tranh
Tí tách âm vang vọng bên mành
Gió reo thổi mạnh ngoài cây mít
Xào xạc lá dừa bên gốc chanh

Trời đổ mưa rồi võng chị đưa
Ngủ ngon chút xíu nữa má về
Má còn khổ cực hơn em nữa
Sớm, tối băng đồng lội khắp đê

Trời đổ mưa rồi em nín đi
Ru em chị tắt tiếng khan lời
Ầu ơ...
Gió đưa bụi chuối sau hè
Má còn bương bả...
Ầu ơ...
Má còn bương bả chèo ghe qua đồng

                                TRỊNH CÔNG TRUYỀN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 184, ra ngày 1-9-1972)





Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

LỬA VÀ NƯỚC - Nguyễn Tài Năng

 
 
Lửa khoe lửa cháy bừng bừng,
Bốc lên cao nghệu đến từng mây xanh.
 
Đốt thiêu mọi vật tan tành,
Đến đâu tiêu đấy, một manh chẳng còn.
 
Lửa bèn chê nước chui lòn,
Chẳng từ cống rãnh, không còn sạch dơ.
 
Sống đời nhu nhược, mù mờ,
Mỏng mềm, yếu đuối, khù khờ, nhủi chui.
 
Nước liền tỏ vẻ bùi ngùi,
Ra chiều điềm tĩnh, ngọt bùi thở than:
 
Cúi xin hai chữ bình an,
Chứ không bạo động, huênh hoang thư hùng.
 
Lửa bèn la hét đùng đùng,
Tỏ bày kiêu khí, vẫy vùng xem chơi.
 
Máu hăng lửa cháy sáng ngời,
Lượn qua liếm lại, thêm lời bạo hung.
 
Lửa mời nước hãy tranh hùng,
Lửa luôn khiêu khích, ý dùng xỏ xiên.
 
Nước luôn trầm tĩnh, thản nhiên,
Ung dung nhẫn nhịn, làm hiền nhiều phen.
 
Tấn công lửa hét rùm beng,
Buộc lòng nước tạt, lửa bèn tắt ngay.

"Thất phu chi dũng" là đây,
Lửa mà chọi nước thế nầy đáng thương.

"Nhu thắng cương, nhược thắng cường"
Nước tuy chảy thấp, lửa đương được nào.

                                              NGUYỄN TÀI NĂNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)


Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

K'XONG VÀ CON CỌP VẰN KIKI - Giang Thảo

 
 
Ông Trưởng sóc Đang-kya thấy nói không lại với vợ chồng K'Ten và thằng K'Xong, liền quát lớn:
 
- Tôi nói với ông bà một lần sau hết : nếu ông bà không bảo thằng K'Xong đem con cọp vằn thả vào rừng nội trong ngày hôm nay, thì ngày mai, dân sóc Đang-kya này sẽ đuổi cả nhà ông bà đi không cho ở trong sóc nữa. Ông bà có nghe tôi nói không thì mặc!
 
Nói xong, ông hầm hầm quay lưng ra về. Vợ chồng K'Ten vào nhà, buồn rầu chị K'Ten ôm lấy con:
 
- K'Xong à, con đã nghe ông Trưởng sóc nói đó. Thôi con đem con Kiki vào rừng, thả cho nó đi đâu thì đi cho rồi. Con cứ giữ nó trong nhà rồi người ta sẽ đuổi chúng ta ra khỏi sóc mất thôi!
 
K'Xong không biết làm sao để giữ con Kiki lại được nữa, nó mếu máo bảo mẹ:
 
- Cha mẹ cho con giữ con Kiki trong nhà một đêm nữa. Mai con sẽ đem nó vào rừng thật sớm.
 
Anh K'Ten buồn bã bảo con:
 
- Ừ, con nhớ đem nó đi lúc mặt trời chưa mọc, kẻo rồi ông Trưởng sóc đến mà thấy Kiki còn ở trong nhà thì lôi thôi!
 
Tối hôm ấy, K'Xong buồn quá không ăn được, mà hình như con Kiki cũng hiểu nó sắp phải xa chủ nó, nên nó cũng ăn rất ít. Ăn xong, K'Xong bồng Kiki đi ngủ. Sáng mai là nó phải xa Kiki thân yêu rồi, nên nó ôm chặt lấy Kiki mà khóc sụt sùi. Con Kiki thè lưỡi liếm nhẹ vào mặt chủ cách âu yếm. K'Xong tức giận ông Trưởng sóc hết sức.
 
Năm ngoái cũng vào độ mùa rét này : một đêm, ông Trưởng sóc và mấy người trai tráng trong sóc vào rừng bắn muông thú. Sáng ngày, cả bọn khiêng về một con cọp đực to lớn. Họ bảo mọi người:
 
- Chúng tôi bắn trúng hai con cọp kia, nhưng một con, có lẽ bị nhẹ, nên nó chạy mất tìm không ra.
 
Hai hôm sau, tình cờ K'Xong đi đốn củi, bỗng nghe tiếng tru tréo như tiếng mèo con. Nó cẩn thận dò tiếng kêu, đi tìm, thì ra trước cửa một cái hang rộng, một con cọp cái to nằm chết ngay đơ, dưới lưng máu chảy ra đông đặc một đám lớn. Một con cọp nhỏ bằng con mèo con, lông vằn, chạy quanh xác cọp mẹ, rồi lại trèo lên người mẹ nó mà tru tréo. K'Xong đoán con cọp mẹ này bị ông Trưởng sóc bắn trúng hôm nọ, nó bị thương nhưng còn chạy về được hang mới chết. Và con cọp con kia, mấy ngày hôm nay không có gì ăn, nên chắc kêu đói. K'Xong chạy lại ôm lấy con cọp con, tí nữa, bị nó cào cho xước tay. K'Xong lấy cơm trong ống cho nó ăn. Con vật trở nên hiền từ, cúi xuống ăn cơm cách ngon lành. K'Xong mừng quá, vất cả củi đã kiếm được. Nó cởi áo ngoài bọc con cọp con chạy về nhà, giấu kỹ, rồi đến tìm ông Trưởng sóc:

- Ông Trưởng à, K'Xong tìm được con cọp ông Trưởng bắn hôm nọ, nó chết rồi. Mà nó có một con cọp con. Nếu ông Trưởng cho K'Xong nuôi con cọp con, thì K'Xong chỉ cho ông Trưởng chỗ con cọp mẹ chết.

Ông Trưởng sóc nghe nói thế mừng lắm, ông bằng lòng ngay : được con cọp mẹ thì quý nhất rồi, ông cần gì con cọp con. K'Xong được như ý hí hửng về nhà khoe với cha mẹ, rồi hì hục lấy củi làm một cái chuồng cho cọp con ở. Tuy vậy chẳng mấy lúc cọp con phải rúc vào đó, vì đi đâu K'Xong cũng đem nó theo, tối đến K'Xong ôm cọp con nằm ngủ. K'Xong đặt tên cho cọp con là Kiki. Kiki mến K'Xong lắm. Hôm nào K'Xong phải đi đâu mà không đem Kiki theo được Kiki nằm thừ trong chuồng không buồn ăn  uống gì cả. Vậy mà nghe tiếng K'Xong về ngoài cửa, Kiki liền nhảy nhót kêu tru tréo trong chuồng. K'Xong vừa mở cửa chuồng, thì Kiki nhảy vọt vào hai tay K'Xong đang giơ ra đón coi bộ thích thú lắm. Trẻ con trong sóc ban đầu thấy con cọp nhỏ bằng con mèo con, chẳng sợ gì : Hễ thấy K'Xong đem Kiki đi chơi, đứa thì đưa chuối cho Kiki ăn, đứa thì bắt chuột cho Kiki vồ. Nhưng ít lâu sau Kiki lớn gần bằng con chó con bộ mặt nó dữ ra và lông nó lại nổi vằn lên, trông thật khiếp. Từ đó, không những trẻ con mà người lớn trong sóc cũng sợ Kiki nữa. Vì thế mà họ yêu cầu ông Trưởng sóc bắt K'Xong phải thả nó vào rừng.

K'Xong cãi nhau với ông Trưởng sóc:

- Họ nói thế, chớ Kiki đã làm gì ai đâu. K'Xong quyết rằng Kiki không làm hại ai cả mà. Với lại, ông Trưởng đã bằng lòng cho K'Xong nuôi mà!

Cả cha mẹ K'Xong cũng nói vào giúp với con nhưng ông Trưởng sóc không nghe, bắt buộc K'Xong phải thả con cọp vào rừng ngay... K'Xong khóc tấm tức rồi ngủ thiếp đi...

Gà trong sóc bắt đầu gáy sáng. Mẹ K'Xong đánh thức con dậy:

- K'Xong à, trời gần sáng rồi, con dậy đem Kiki vào rừng đi con!

K'Xong sực tỉnh, nó buồn bã, càu nhàu với mẹ nó:

- Con không đem Kiki vào rừng đâu, năm ngoái ông Trưởng sóc hứa cho con nuôi rồi mà!

Mẹ nó ngọt ngào:

- Thì hôm qua chúng ta cũng đã nói với ông ấy rồi, mà ông ta bảo là dân trong sóc không chịu chớ không phải ông. Trong sóc sợ mai kia Kiki lớn lên rồi nó ăn thịt người ta thì sao?

K'xong ôm lấy cổ mẹ, nũng nịu:

- Thôi cha mẹ đem nhà đi chỗ khác ở cho rồi. Con không muốn xa con Kiki!

Mẹ nó vuốt tóc nó, âu yếm:

- Con nói bậy bạ thế! Ra khỏi sóc rồi đi ở đâu? Ở xa nhà người ta, cha mẹ sợ lắm mà, con! Con đem nó đi, mẹ mấu cơm trong ống cho con đây rồi. Con cứ thả Kiki nơi chỗ con thường kiếm củi. Ngày nào con cũng lên đó, sẽ gặp nó mà!

K'Xong đành phải vâng lời đem Kiki đi. Lên đến rừng thì trời đã trưa, K'Xong lấy ống cơm chia phần cho Kiki ăn, vuốt ve nó một lúc rồi bảo:

- Thôi Kiki vào trong rừng xa mà ở, K'Xong không được nuôi Kiki nữa. Mỗi ngày K'Xong lên đây gọi thì Kiki ra chơi nhá!

Con vật như hiểu ý, nó thè lưỡi liếm tay chủ như từ giã, đoạn bước dần vào rừng sâu. K'Xong nhìn theo Kiki cho đến khi nó khuất vào lùm cây rồi ôm mặt khóc nức nở. Chiều hôm ấy K'Xong về nhà không mang theo một bó củi nào. Nó đi ngủ ngay chẳng buồn ăn uống gì. Sáng hôm sau mẹ nó đánh thức, nó đã dậy tức tốc đi vào rừng. Đến chỗ cũ nó bắt tay lên miệng làm loa gọi:

- Kiki! Kiki!

Con cọp nhỏ từ xa nghe tiếng chủ, nó vừa kêu vừa phóng lại phía chủ. K'Xong vui mừng ôm lấy nó vuốt ve và cho nó ăn cơm, nói chuyện với nó như nói với người bạn thiết. Hôm nào K'Xong bị ốm thì tối đến Kiki lại lần mò về thăm. Nó đi cách khôn khéo lắm, nhưng cũng có lần bị người trong sóc trông thấy la lên tưởng cọp về bắt gà bắt heo. Tức thì trong sóc, tiếng mõ phèng la nổi lên hòa lẫn với tiếng người quát tháo đuổi rần rộ khiến Kiki chạy trối chết.

Thấm thoát Kiki trở về rừng được hơn một năm. Được thở không khí tự do lại có chồn có cáo mặc sức Kiki đuổi bắt, ăn thịt no nê nên Kiki lớn như thổi. Trước đây Kiki chỉ bằng con mèo nay Kiki to hơn con chó, trông oai vệ và có vẻ dữ tợn hơn trước. Nhiều lúc K'Xong thấy Kiki chạy tới đã sợ hết hồn vì tưởng là con cọp nào khác.

Một buổi trưa, K'Xong còn đang ngồi chơi với Kiki dưới bóng cây bỗng nghe tiếng người kêu la thất thanh và tiếng chân chạy dồn dập. K'Xong nhìn xuống, thì ra ông Trưởng sóc và một người nữa đang bị heo rừng đuổi cắn, khiến hai ông phải vất cả súng săn mà chạy có cờ. Đàn heo dữ tợn vừa đuổi vừa hộc lên những tiếng ghê rợn. Thấy ông Trưởng sóc lâm nguy, K'Xong chợt tỉnh chỉ tay xuống:
 
 
- Kiki! Chạy xuống cứu Kiki!

Kiki hiểu ý phóng xuống như bay, chận đàn heo rừng và gầm lên:

- À-uôm! À-uôm!

Đàn heo rừng bất ưng thấy con cọp vằn to lớn ở đâu chạy ra chặn lối vội vàng chạy ngược trở lại mỗi con mỗi ngả biến vào rừng.

Ông Trưởng sóc và người bạn vẫn chạy chân vắt lên cổ. K'Xong chạy theo kêu một lúc, cả hai mới nhìn lui. Thấy K'Xong và con cọp vằn đang đi tới, mà bầy heo rừng không còn nữa ông Trưởng sóc hiểu ngay là nhờ con cọp K'xong đã nuôi trước đây, cứu ông. Ông chạy lại cầm lấy tay K'Xong:

- Cám ơn K'Xong! Cám ơn K'Xong nhiều, nhiều lắm!

Rồi ông nhìn con Kiki. Thấy mình thoát chết nhờ có nó, ông nói với K'Xong đem Kiki về nhà lại, ông hứa sẽ nói với dân
trong sóc cho. Nhưng K'Xong lắc đầu tỏ ý không muốn nữa. K'Xong đã hiểu : Kiki là con vật của rừng sâu núi rộng, nó cần được tự do tung hoành và ăn uống đầy đủ, không nên bắt nó sống cuộc đời tù  túng và ăn uống thiếu thốn.

Tuy không còn gần nhau, nhưng tình bạn giữa K'Xong và Kiki vẫn không thay đổi, như thế là K'Xong mãn nguyện rồi.


Giang Thảo         

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 11, ra ngày 25-11-1963)


Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

NỖI KHỔ TÂM CỦA KẺ THUA CỜ TƯỚNG - Thúy Nhị

 

Nếu ai đã có dịp chơi rồi, thì có lẽ đều chung cùng hoàn cảnh của Hân, là mê say không thể dứt áo từ biệt với bàn cờ tướng đó được.

Cứ mỗi tối, sau khi ba coi báo xong, và bé Huy cũng đã học bài rồi, thì bàn cờ tướng được đem ra "chiếu tướng". Cu cậu Huy với cái miệng lách chách, còn ba thôi thì lúc nào cũng ngồi trầm ngâm, cứ thế mà mãi đến 10 giờ khuya, khi má la ầm lên, hai cha con mới chịu dẹp, để lên giường. Lắm khi, má đòi bỏ thùng rác cái bàn cờ tướng, để "hai cha con ông ấy" không được chơi nữa, những lúc đó, Hân theo phe má, đả đảo ba kịch liệt. Thấy thế, thằng bé Huy bàn mưu kế với ba thế nào không biết, nhưng cứ mỗi buổi tối đến, cu cậu chẳng đánh cờ với ba nữa, mà nó lại trân trọng mời Hân ngồi, và sau đó nó bắt đầu chỉ Hân cách đánh cờ. Sau ba đêm, kết quả thật là bất ngờ! Hân khoái đánh cờ kinh khủng. Thế là, tối nao Hân cũng vội vàng gọi nó đánh cờ với Hân (vì không giành trước, nhỡ ba giành rồi làm sao?! Mê mà lỵ!). Nhưng thằng bé Huy khôn ghê gớm, nó không thèm chơi với Hân nữa, và nói đủ thứ: chị là con gái, thì không nên mê cái thú giải trí của đàn ông, con trai. Hân tức khí nên bảo:

- Chứ hồi đó, ai bảo Huy dạy chị đánh cờ làm gì?

Cu cậu liền trả lời rằng:

- Ấy, chị khoan nóng. Hồi đó em chỉ cho chị là để chị nầy nọ vậy thôi, chứ em đâu có chỉ chị mê nó làm gì, vả lại... đánh cờ với chị chán ngấy ai chơi cho nổi.

Hân tức mình lắm, nhưng đành đấu dịu, nhỏ nhẹ năn nỉ nó luôn mồm. Thế mà nó vẫn trơ trơ như đá, mặc những lời nói nãy giờ của Hân. Thấy nó lì ra để chọc tức, Hân liền nạt một tiếng lấy "oai":

- Chơi không? Thấy chị năn nỉ rồi làm phách đấy hả?

- Dạ. Tâu Công Chúa (nó vẫn thường gọi Hân như thế, mỗi khi mà Hân bắt buộc nó điều gì) em bằng lòng ạ!

Hân khấp khởi mừng, nhưng nó lại thêm:

- Lần này chị không được chơi ăn gian nữa nhé, không được nổi cộc nữa nhé, không được bắt em chỉ nước cờ đi nữa nhé, và v.v... Ô Kê! thì em mới chịu.

Những điều kiện và sự nhấn mạnh đề cao chữ "nữa nhé" của cu cậu dặn dò làm em phát nổi nóng, nhưng thôi, tạm tha cho nó vậy, và cuộc "chiếu tướng" bắt đầu:

Mở đầu, tiếng cu cậu Huy đã ong óng vang lên:

- Ý da! Sao chị đi con ngựa kỳ quá dzậy?

- Sao kỳ, đi như vậy đó, có làm sao không?

- Cha! Chị chơi khôn quá ta, chơi cờ tướng mà còn cái vụ đi đường tắt ngang không như vậy đó hả?.

Biết chơi ăn gian với nó không được, vì dù sao nó là "sư phụ" chỉ cho mình cách chơi, nên Hân vội cười hòa bình với nó... và chỉ một lát sau, tiếng của cu cậu Huy có dịp phát ra:

- A ha! Chị "bí" rồi. Thôi chịu thua em bàn nầy đi.

Hân nghe nó nói, giật mình một cái ở trong bụng, nhưng phải làm oai la:

- Thua đâu? Chưa chi đã vội mừng la ẩu coi chừng tao cú đầu bây giờ đấy.

- Thôi đầu hàng đi chị ơi, thua rồi còn làm bộ hoài. Cộc rồi hả chị?

Hân thấy mình bị thua, nên vội cầu cứu ba. Thấy cu cậu Huy chọc tức Hân mãi, nên má la:

- Thôi nhé, sao chọc chị hoài vậy Huy. Còn con Hân nữa, vui thì chơi, còn như coi bộ cộc rồi thì nghỉ đi, chứ má nhắm là một lát nữa con dám "quánh" em lắm đó nghe không?

Thằng bé Huy được má che chở, ngồi vênh vênh cái mặt trông phát ghét, và để kết thúc, nó còn chót cái miệng thêm một câu:

- Hí... hí, thua rồi ta ơi. Lần này thì phải là: Quân tử nhất ngôn... là chị thua rồi ai ơi ha... ha!

Hân ấm ức mãi trong lòng. Và cứ mỗi đêm, màn kịch duy nhất lại được diễn lại là Hân vẫn thua, vẫn cộc và rồi Hân "kí" đầu cu cậu Huy, rồi hai chị em gây nhau, để rồi cuối cùng Hân vẫn phải nhịn nhục để năn nỉ nó luôn, để nó chịu ngồi xuống mà đánh cờ với Hân.

Cái khổ của Hân là thế đó. Tuy có một màn, nhưng Hân vẫn thường tức mình, khổ sở. Các bạn có cách nào mách giúp chỉ dùm lối đánh cờ thật hay cho Hân không? Cứu Hân với các bạn, không thì có ngày Hân chết mất. Chết vì nạn đánh cờ mãi mà vẫn bị thua...


THÚY NHỊ        
(Âu-Cơ)          

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)



Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

THẦN ĐỒNG VIỆT NAM - Nguyễn Hùng Trương

 
 
Các em thân mến,

Chúng tôi hết sức vui mừng báo tin cùng các em, hai thiếu nhi Việt Nam đã đoạt giải thưởng về Hội Họa Thiếu Nhi Quốc Tế Shankar 1971 tổ chức tại Tân Đề Li, thủ đô Ấn Độ.

Đấy là hai em thiếu nhi NGUYỄN THỊ KIM KHÁNH, 14 tuổi, học sinh trường nữ trung học Lê văn Duyệt, Gia Định và LƯƠNG MỸ HOA cũng 14 tuổi, học sinh trường nữ trung học Trưng Vương Saigon.

Chúng tôi cũng xin nói rõ giải thưởng Shankar gồm hai bộ môn : văn chương và hội họa, đã được 112 quốc gia tham dự, với trên 150.000 tác phẩm do các em thiếu nhi trên thế giới sáng tác và chánh phủ trong xứ của các em đã chọn lọc gởi đến. Năm 1971, có đến 447 thiếu nhi trúng giải, trong số này có 50 em trúng giải về văn chương và 397 em về hội họa.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại cho các em, năm 1970 cũng có hai em thiếu nhi Việt Nam đã rtúng giải Shankar trong số nầy có em NGÔ LÊ MINH được huy chương vàng và được ban tổ chức đặc biệt mời sanh Tân Đề Li lãnh giải.

Cũng như những năm trước, lễ phát thưởng Shankar 1971 sẽ được tổ chức vào cuối năm 1972 tại Tân Đề Li.

Thiếu nhi Việt Nam từ xưa đã được tiếng thông minh.

Đời nhà Trần, thiếu nhi Nguyễn Hiền mới 13 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu) cùng một khoa Đinh Mùi (1247) với ông Lê văn Hưu đỗ Bảng nhỡn (đỗ nhì) lúc đó 18 tuổi và sau này là một sử gia danh tiếng, tác giả bộ Đại Việt Sử Ký gồm 30 cuốn. Nguyễn Hiền đã đối đáp thông suốt làm cho sứ Tàu phải phục nước mình có người tài giỏi.

Đời nhà Lê, có thiếu nhi Trịnh Thiết Trường chưa đầy 10 tuổi mà tiếng tăm tài giỏi văn chương lừng lẫy khắp nơi. Lớn lên, thi đỗ tiến sĩ, Thiết Trường không lãnh sắc phong, trở về tiếp tục học để 6 năm sau (1448) thi lại đỗ Bảng nhỡn, tức đỗ đầu khoa ấy (khoa này không ai đỗ Trạng nguyên). Khi sang sứ bên Tàu, gặp khoa thi, vào thi, đỗ Bảng nhỡn, được vua nhà Minh nước Tàu phong làm lưỡng quốc Bảng nhỡn (Bảng nhỡn 2 nước), làm rạng danh nước nhà.

Cuối đời nhà Lê, thiếu nhi Lê Quí Đôn nổi tiếng thông minh và có trí nhớ lạ thường. Người ta kể chuyện, một hôm Lê Quí Đôn đi thi, ghé vào một hàng nước ở vệ đường, để dùng cơm và luôn tiện nghỉ trưa.

Lê Quí Đôn hỏi thăm bà hàng nước có sách chi cho mượn xem đỡ buồn. Bà hàng nước trả lời chỉ có quyển vở ghi những người khách ăn còn thiếu tiền, muốn xem thì xem. Cậu học trò này đành phải cầm quyển sổ nợ đọc cho qua giờ. Khi đi thi xong trở về, gặp bà hàng nước than sau khi cậu rời khỏi nơi đây ít lâu, cửa hàng bị cháy cùng với quyển sổ nợ nên bây giờ không còn nhớ ai thiếu bao nhiêu để đòi tiền. Lê Quí Đôn bèn lấy giấy ghi lại đầy đủ tên những người khách hàng với số tiền còn nợ làm cho bà hàng nước mừng rỡ vô cùng.

Các em thân mến,

Các em thiếu nhi Việt Nam phần đông thông minh. Đấy là một sự hãnh diện cho xứ sở chúng ta. Các em nên chịu khó chăm chỉ học hành, nhờ trí thông minh sẵn có, các em tiến bộ mau lẹ và chóng đến thành công.


Thân mến chào các em             
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)



Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

TO ĐẦU MÀ DẠI - Hoành Sơn

  1. - Thuở xưa ở trong  một khu rừng nọ có một chàng thanh niên sống về nghề săn thú. Anh ta rất láu lỉnh, thông minh và gan dạ. Nhiều người cho rằng chính vì có những cá tính đó mà anh ta đã chọn nghề săn thú làm nghề sinh nhai độ nhật. Anh ta bắn rất giỏi. Có thể nói là trong trăm phát tên được bắn ra, đã có tới chín mươi chín phát trúng đích. Thế nhưng tài năng nhiều, tai họa lớn - Chẳng bao lâu khu rừng anh ta cư ngụ hết nhẵn cả mồi. Mà nhẵn cả mồi thì chỉ có nước chết đói. Điều này bắt buộc anh chàng thiện xạ phải khăn gói lên vai di cư đến một khu rừng khác ở chân ngọn núi gần đấy. Ngọn núi này từ lâu vẫn vắng dấu chân người vì là nơi định cư của hai ông thần tai to mặt lớn.
 

Hai ông thần này là hai vị rất "hẩu xực" các món thịt. Nhất là các món xào, chiên, lăn, nướng, thui thì, ôi thôi! Khỏi chê, các vị là những mạng sành sỏi hơn ai hết. Giả thử mà hai ông cụ còn sống đến bây giờ thì chắc chắn là tất cả cả bợm nhậu nổi danh trên quả đất nhỏ bé này sẽ phải nằm bò xuống đất mà tôn hai cụ làm sư tổ. Khỏi phải nói, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được là hai cụ đã tích trữ số thú vật nhiều đến thế nào. Cái đám loài vật đó hai cụ dồn vào khu rừng ở chân ngọn núi, mặc kệ chúng sinh sống với nhau. Ngày hai bữa, các cụ vác dây, vác ná xuống rừng, thộp cổ vài con về làm đồ nhậu.

2. - Không may cho hai cụ là anh chàng thợ săn lại nhè khu rừng đó mà cất chòi để ở. Và bao nhiêu "gia súc" của hai cụ anh ta lần lượt chộp gáy, mang ra chợ bán. Hai cụ dĩ nhiên không thể ngồi như phỗng đá mà chứng kiến được. Hai cụ bèn bàn kế. Kế của hai cụ rất (xin lỗi các bồ tèo) là "cù lần" nhưng lại đắc dụng đáo để : hai cụ đào một cái hố thật sâu, bên trên che kín. Anh chàng thợ săn cứ nghênh ngang đi bừa, a lê hấp! Thế là lộn tùng phèo xuống. Hố đã sâu lại hẹp, bay từ trên miệng hố xuống đáy là chỉ còn có nước nằm thẳng cẳng ra mà bất tỉnh nhân sự. Hai cụ thần lúc ấy chỉ việc ung dung mà thòng móc, lôi chàng ta lên, trói gô lại, khênh về núi trị tội.
 

Anh thợ săn vừa tỉnh dậy là đã bị hai cụ mắng như tát nước vào mặt. Chán chê rồi, hai cụ mới họp "Tòa án quân sự" để xử vụ "vi phạm gia cư và chiếm đoạt gia súc" của anh chàng thợ săn láu cá. Dĩ nhiên các cụ thủ vai chánh án, kiêm biện lý, kiêm nhân chứng, kiêm trạng sư biện hộ. Vừa nhậu nhẹt vừa họp án, cuối cùng hai cụ tuyên bố: "Nay xét lý do này... lý do nọ... xét vì duyên cớ này... duyên cớ nọ... Tòa tuyên án "tử hình rô-ti" tên thợ săn bị cáo để đền mạng cho những thú vật bị hắn thịt (và nhân để cung cấp thêm món nhắm cho hai cụ đương lúc trà dư tửu hậu).

3. - "Tòa" vừa giải tán, án lệnh lập tức được thi hành. Bây giờ hai cụ kiêm chức đao phủ, trói gô chàng thợ săn lại và sửa soạn chất thêm củi lửa để "quay" bị cáo. Anh thợ săn chảy mồ hôi như tắm, nghĩ thầm: "Trong vòng mười giây nữa, nếu cái bộ óc láu tôm láu tép của mình không nẩy ra được mẹo gì để đánh lừa hai lão thì chỉ còn cách đi tàu suốt xuống... âm phủ..." Và anh ta lấy làm kỳ lạ khi thấy bộ óc mình bỗng dưng đờ ra như xe máy hết xăng. Thì ra vì cuống quá mà một tay lém lỉnh như anh cũng đành bó... chân chịu chết.
 

Thình lình anh thợ săn bỗng phát lên cười, cười "nức nở", cười bò ra đất, cười lăn lộn, cười như sắp đứt ruột. Càng cười, anh ta càng hứng, càng há to miệng ra mà cười nghiêng ngửa.

Hai cụ già ngạc nhiên, lúc đầu còn đứng yên, sau một cụ sốt ruột quá, thét ầm lên: "Thằng khỉ khô kia, sao mày cười?" Anh thợ săn không thèm trả lời, cứ tiếp tục mà cười... cười mãi.

Cụ kia cáu tiết, xách cổ anh dí vào ngọn lửa đỏ hừng hực, miệng cật vấn: "Mày còn cười nữa không? Tao cho mày cười nữa nhé?" Vậy mà anh thợ săn, vẫn cứ dẫy dụa cười mới tức chứ. Cụ thần đành đấu dịu, đặt anh ta xuống đất, cởi trói chân cho anh ta và hỏi: "Làm sao mà chú cười dữ vậy?" Chàng thơ săn đủng đỉnh trả lời: "Ấy là vì lúc sắp chết, tôi sực nhớ đến cái chỗ "Hố cười" của tôi nên tôi không thể nào nhịn được.

4. - Hai cụ nghe nói, nổi tính tò mò, bèn muốn đi xem thử coi cái "Hố cười" nó ra "nàm thao", sau đó có chọc tiết anh thợ săn cũng chưa chậm. Nghĩ là làm, hai cụ đẩy anh thợ săn ra ngoài hang và bảo: "Dẫn tụi tao đến cái Hố cười của chú, bằng không tụi tao xẻo thịt chú mày ra từng mảnh" Chàng thợ săn mừng húm, vội vã dẫn hai cụ xuống núi, đi vào rừng. Quanh co một lúc, anh ta đến trước một bộng cây lớn, chân dừng lại, tay anh chỉ vào đó và vừa cười vừa nói: "Thưa hai cụ, cái Hố cười của cháu đí ạ". Hai cụ thần giương mắt nhìn nhau nói nhỏ: Chẳng có gì đáng cười cả, hay là nó xí gạt mình? Anh thơ săn biết ý nói thêm: xin hai cụ chui đầu vào trong bộng cây mới thấy rõ. Cam đoan phần đầu là hai cụ sẽ cười ra nước mắt!
 

Hai cụ chưa nghe dứt lời đã vội vàng nhảy xổ tới, tranh nhau chui đầu vào trước. Hai cái đầu vừa thọc vào một lúc bỗng la oai oái và thụt ra nhanh như chớp. Rồi cứ thế hai cụ bưng đầu mà chạy. Đàng sau, một bầy ong ùn ùn rượt theo sát nút. Chúng túa ra từ bộng cây và nhào đến cắn xé hai cụ thần ngốc nghếch. Hai cụ vắt giò lên cổ mà chạy. Chạy bở hơi tai mới đến bờ ao, cả hai nhảy ùm xuống lặn miết chẳng dám ngóc đầu lên nữa.

Trên bờ, anh chàng thợ săn láu cá cười rung cả mặt nước: "Hai cụ ơi, hai cụ đã tin lời cháu chưa. Cháu có nói sai đâu? Đúng là cười ra nước mắt mà lỵ?" Rồi anh ta hóm hỉnh tiếp: "Cái hố cười ấy của cháu chứ có phải của hai cụ đâu mà hòng xem hở? Tuy thế, cháu cũng lấy làm ân hận lắm lắm..."
 
Hai cụ thần trong lúc cuống cuồng, quên bẵng hết cả pháp luật, bây giờ chỉ còn có nước lõm bõm dưới nước mà la hét om sòm!

HOÀNH SƠN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 35, ra ngày 25-11-1965)




Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

MƯU GÃ THỢ SĂN - Minh Quân

 

Trong rừng vùng Ardennes thợ săn tài ba không phải là hiếm hoi chi. Hầu hết mọi người đều biết cầm súng săn... và đôi khi họ đi săn cả những vùng đất cấm. Vì rằng quan trọng không phải là sợ mấy bác cảnh binh chộp được, bởi sự thực thì mấy bác cảnh binh đôi khi cũng biết nhắm mắt làm ngơ nếu bọn thợ săn có chút thông minh, biết điều với họ. (cho phép người kể chuyện được mở cái dấu ngoặc ngang đây, đặng bênh vực những kẻ đại diện nhà nước vài lời dù là những kẻ đó với người kể chuyện vốn không hề quen biết nhau, không có họ hàng dây mơ rễ má gần xa chi cả. Họ ở trời Tây xa tít tắp, còn người kể chuyện thì ở phương Đông, tại một nước hình cong chữ S nhưng nay bị cắt đôi vì nạn phân qua). Tại sao tôi lại bênh vực mấy bác cảnh sát dị chủng làm chi. Bởi tôi nghĩ rằng cái việc ăn của lót không có gì lạ dưới ánh mặt trời!

Huống chi, một số đông các bạn đồng nghiệp của các bác người nào cũng được mặc những bộ đồng phục thẳng hàng, xanh ngăn ngắt đội những cái mũ viền sáng loáng, mang những đồi giày đánh bóng soi rõ mặt người ; ngày ngày bọn này chắp tay đi dạo quanh các công viên, tha hồ ngắm hoa ngắm cảnh hoặc ung dung đứng gác ở trước cửa các công thự, các tư dinh hoặc các công sở lớn, hoặc được đứng giàn chào các quan khách trong ngoại giao đoàn, hoặc được ngồi trên xe theo đoàn hộ tống mỗi khi Tổng Thống hay các nhân viên cao cấp trong chính phủ đi đây, đi đó ; hoặc đứng chỉ đường huýt còi tại các đường phố lớn ở Ba Lê. Trong khi đó thì bất công thay: các bác bị chỉ định phục vụ tại một vùng hẻo lánh quê mùa, suốt ngày lo coi giữ rừng già, làm bạn với chim muông và loài khỉ, chuyên môn kêu "khẹt, khẹt" chả ra cái thể thống chi cả!

Phải! Tiếng thì rằng chúng ta là thủy tổ của loài người mà mặt mũi nom không... được tí nào. Chưa kể đôi lúc còn phải hoảng hồn vì tiếng gầm của một loài thú dữ, hay dấu chân của một con gấu hung hăng! Đó là chưa kể phải đương đầu với một lũ thợ săn lầm lì, không thông pháp luật mà lại rất ư nóng tính, chỉ tin vào sức mạnh của đôi tay và nòng súng! Khó khăn thay! Nguy hiểm thay!

Đó, đó là nguyên cớ khiến thợ săn lậu với cảnh binh thông cảm dễ dàng! Nhưng không phải chỉ thế đâu, nếu cảnh binh dễ tính bao nhiêu thì bọn Giữ Rừng khó tính bấy nhiêu. Bọn này, những tay lão luyện giang hồ, không phải là thứ chỉ biết mang súng lục và chỉ biết bắn chỉ thiên như cảnh binh đâu. Họ có thừa can đảm sức khỏe, họ đủ sức tước súng của bọn thợ săn khi bọn này dám táo gan léo hánh đến vùng rừng cấm thuộc quyền canh giữ của họ.

Nhưng thợ săn đâu phải hạng tầm thường? Họ chỉ cần nghiên cứu kỹ các địa điểm, cần biết tránh né những vùng mà bọn giữ rừng đặc biệt lưu ý, rồi hễ đợi cho bọn giữ rừng quay lưng, chợp mắt là tức khắc họ ra tay - quên, nổ súng - ngay.

Như thế nên chuyện săn bắn đối với họ đôi khi còn là một trò hú tim đầy hứng thú.

Này! Bạn đừng tưởng, mấy bác thợ săn chịu bỏ công lén lút để chỉ hạ vài con chim lạ hay mấy chú thỏ rừng đâu. Không, họ rình rập những con mồi đáng kể kia. Thường thường là heo rừng, gấu, chó sói v.v... tóm lại họ ưa hạ những con thú rừng phá hại mùa màng và chộp cả gia súc của họ nếu họ không phòng bị. Vậy thì diệt trừ chúng là phải: vừa bảo vệ gia súc mùa màng của họ vừa có thịt ngon, da tốt để cung cấp cho dân thành phố vốn chuộng thịt rừng, ưa làm dáng! Cấm đoán cái nỗi gì? Mà cấm làm sao nổi?

Tridon, một chàng thợ săn trẻ tuổi đã nghĩ thế khi vác súng lên vai. Anh là một thanh niên sinh trưởng tại làng Villiers, một thôn trang nhỏ bé cận biên giới Bỉ quốc, không xa những khu rừng rậm là bao, giữa khoảng sông Meus và La Semoy.

Tridon chỉ được cái vui tính song việc nhà quả có hơi nhác. Anh ta cho rằng tài trai cần phải vùng vẫy trong rừng sâu hay trên bể cả, chứ ru rú với cán cày, cán cuốc thì phí cả tài đi! Mà quả như vậy, khi có cây súng trong tay, đố ai qua mặt được anh. Dân trong vùng đều đặt cho anh biệt danh "Tridon thiện xạ". Nhưng anh không lấy thế làm mãn nguyện mà ngừng sục sạo, tìm tòi.

Anh chịu khó lùng kiếm cho kỳ được những con thú thực to để hạ, bất chấp cả sương dày, đêm lạnh. Đối với anh thì hạ những con thú nhỏ cũng nhục nhã như xách súng về không.

Vốn là một anh chàng tốt bụng, ưa hoạt động và nóng tính, nhất là những khi thấm hơi men. Điều này chị Tridon hiểu rõ hơn ai cả. Ở tửu quán, khi đã chén chú, chén anh, thì thế nào Tridon cũng bắt đầu cao giọng kể lại kỳ công của mình trong rừng rậm và không thể nào tránh khỏi những cuộc đấu võ mồm, vì bạn láng giềng vẫn cho là anh thêm thắt, thêu dệt quá lố. Cũng may, không có gì đáng tiếc xảy ra sau đó. Cãi cọ xong, mỗi người đều say bí tỉ, nằm kềnh ra một góc, ngáy pho pho, hơi rượu tỏa nồng trong quán. Riêng Tridon, lúc nào cũng không rời khẩu súng, anh gối đầu lên súng hay ôm chặt vào lòng, thiêm thiếp giấc nồng!

Chị Tridon, vốn là một chị đàn bà lắm điều nhiều chuyện, vẫn mở mồm trách chồng:

- Anh chừng như quí cái súng khốn nạn đó hơn cả vợ anh?

Chị tưởng nói thế thì anh sẽ quì xuống mà xin lỗi mình, như kiểu những đàn ông khác (dĩ nhiên đàn ông ở bên trời tây) và chị sẽ sụt sùi khóc, anh sẽ lau nước mắt, y như chuyện trên màn ảnh mà chị đã có dịp coi một lần đâu đó. Ngờ đâu, Tridon nhà ta cáu sườn lên, cao giọng gắt:

- Này, đừng có giở trò! Ừ thì ta quí cái súng hơn mi đó, đã làm sao chửa?

Chị đang còn ngạc nhiên, không ngờ rằng anh có thể vũ phu đến như thế, xử tệ với mình đến như thế, thì anh đã dõng dạc thêm rằng:

- Cái súng nó không có nỏ mồm, nhọn miệng như mi, nó theo bên ta trung thành tận tụy, mỗi khi ta cần đến là nó vâng lệnh ta răm rắp. Không có nó ấy à? Mi lại không đói rã họng mi ra?

Chị vợ chỉ còn biết ấm ức bưng mặt khóc ròng, tủi thân mình không được đối xử bằng một vật vô tri.

Công bình mà nói, ai cũng nhận anh quả không hề mèo chuột lăng nhăng, ngoài giờ săn thú, anh tạt vào quán rượu nâng đôi cốc tự thưởng tài mình, rồi thì là dông thẳng về nhà với vợ.

Một chiều mùa hạ, Tridon được các bạn báo tin rằng có một chú heo rừng cực đại hiện đang phá phách ruộng rẫy ở một vùng lân cận.

À! Tuyệt lắm! Hãy để nó đó, Tridon này trị nó cho! Các anh chớ bận tâm!

Thế là Tridon nhà ta nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đầy đủ súng đạn lên đường.

Tridon chọn một chỗ kín ở ngã tư Crète, chỗ mà chú heo tai quái thường qua lại nhiều lần.

Quả nhiên, không phải chờ đợi chi lâu, chú lù lù dẫn xác đến. Đúng như lời các bạn, đó là một chú heo rừng rất lớn, Tridon chưa từng thấy bao giờ.

Đợi cho nhịp tim trở lại bình thường, Tridon ngắm nghía cẩn thận bấm cò liền ba phát. Con vật to lớn lăn kềnh ra, máu giây đỏ cả một khoảng đất, chỗ mà nó dãy dụa hồi lâu trước khi tắt thở. Gớm cái tiếng nó hộc lên mới dễ sợ làm sao! Nếu là tay lơ mơ, không nhắm đúng chỗ nhược của nó, chỉ làm nó bị thương xoàng thì cũng đến toi mạng với nó và cả một vùng đó sẽ bị nó chà nát ngướu như tương...


Tridon nhà ta, sau phút ngạc nhiên đến khựng lại vì sự to lớn phi thường của con vật mà anh vừa hạ, cố ước lượng xem con vật nặng cỡ bao nhiêu.

- Dễ cũng trên ba trăm ký nhỉ?

Rồi anh lại tự cãi với mình:

- Ba trăm thế nào được, ít nào cũng ba trăm rưởi ấy chứ.

Tridon nở một nụ cười đắc thắng và kiêu hãnh, gác súng trên một cành cây, đoạn bằng cả hai tay và sức mạnh của toàn thân, kéo con vật đi, song chao ơi! Anh toát mồ hôi mà nó vẫn ỳ ra, không nhúc nhích, không nhúc nhích lấy một phân.

Sau hơn cả tiếng đồng hồ hì hục, loay hoay một cách vô vọng, Tridon đành chịu thua, không thể kéo xác con vật về nhà. Anh ngồi phệch xuống đất, dựa vào một gốc cây thở dốc, vừa nghĩ cách để mang con thịt ra khỏi nơi này. Tridon bụng bảo dạ: "Ồ, mình ta thì không lôi con vật đi được rồi, mà có kêu vợ mình lên cũng vô ích thôi, chỉ phí thì giờ. Gọi hàng xóm ư? Chà! Lại phải cảm ơn, chưa kể phải chia phần chia phiếc lôi thôi... Không! Không cần nhờ ai hết, thế nào ta cũng mang được con vật về kia, cho tụi nó lác mắt đi kia, ta mới hả lòng, ông cao xanh ạ!"

*

Sáng hôm sau, người ta bắt gặp Tridon ủ rũ trên đường về. Bạn láng giềng gợi chuyện:

- Chào Tridon thiện xạ! Thế nào? Anh đã trị được con ác vật chưa?

- Xui quá, chả bắn được phát nào, may mà tôi nhanh chân chứ không thì toi mạng rồi, anh ạ! Thôi đừng nhắc đến...

Và anh bỏ đi ngay, tay xuôi xị, súng lủng lẳng sau vai nom cũng buồn như chủ, đôi chân thì như muốn quị xuống vì đã chở thân hình lực lưỡng của anh chạy quá nhiều. Nom anh chàng mới thảm não làm sao. Trái với lệ thường: Tridon đi thẳng về nhà, không tạt vào quan rượu, mặc tiếng cười chế giễu đuổi tận bên lưng...

Chị Tridon là một người đàn bà tinh ý, tuy phải cái lắm mồm, nhưng rất mực yêu chồng. Nom dáng bộ thiểu não của chồng, chị rất quan tâm. Chị đỡ lấy khẩu súng, dịu giọng:

Nom anh mệt quá, phải không? Hãy đi nằm nghỉ một tị. Anh săn có được gì không?

Với tất cả vẻ buồn rầu, chán nản, Tridon lắc đầu nhìn vợ, không nói một lời.

- Chào! Hơi đâu mà buồn, đi săn bữa có bữa không là thường chứ. Nào! Em hâm cà phê cho anh nhé?

Chị tất tả đi đốt lò sưởi hâm nóng cà phê. Anh lủi thủi mang súng treo vào một góc, dáng bộ khổ sở hơn bao giờ hết. Không nén được tò mò, chị gợi chuyện:

- Anh làm sao vậy? Có điều gì khiến anh buồn đến như thế? Em nghi là chuyện quan trọng phải không?

Tridon sửng sốt trố mắt nhìn vợ, nửa như khâm phục, nửa như sợ hãi:

- Làm sao em biết? Phải, chuyện quan trọng lắm... nhưng mà...

Anh xua tay ra tuồng không tiện nói, thay vào bằng tiếng thở dài sườn sượt.

- Có chuyện gì, anh cũng không nên giấu em mới phải, chúng ta là vợ chồng với nhau. Buồn chung lo, vui chung hưởng chứ! Anh không tin em sao?

- Chúa ơi! Xin Chúa tha tội cho con! Em ơi! Anh đâu muốn giấu em nhưng anh chỉ sợ em không kín miệng! Anh chịu làm sao nổi câu chuyện ghê gớm nó đè bẹp anh ra bây giờ đây...

Và anh luôn miệng kêu "Trời", hai tay bưng mặt, ra tuồng khổ sở vô vàn.

Chị Tridon là phụ nữ mà hầu hết phụ nữ đều là con cháu bà EVA, mà bà EVA ngày xưa đã từng làm khốn đốn đức lang quân vì tính tò mò, huống chi ngoài nết tò mò thừa hưởng của Tổ Mẫu, chị còn là người đàn bà lắm chuyện, nhiều lời.

Đời nào chị chịu để anh ôm giữ điều bí mật ghê gớm gì đó trong lòng? Nàng thề thốt, nàng dỗ dành, nàng hứa hẹn, nàng dọa dẫm trăm thứ... cho đến nỗi, sau cùng Tridon như không thể chịu nổi, đành lên tiếng:

- Em nói phải, vợ chồng với nhau làm sao không thành thật với nhau, nhưng em phải thề đi, rằng em quyết giữ kín chuyện này không nói với ai, anh mới dám...

- Em xin thề, em xin thề độc!

Nàng sốt sắng giơ tay, cương quyết nói. Tridon chậm rãi kể:

- Hôm qua, khi vào rừng, anh gặp một anh bạn cũ - Anh Pierre - Ngày xưa hai đứa thân nhau lắm...

- Pierre? Em chưa hề nghe kể đến tên anh ấy bao giờ?

- À, anh ấy đi làm ăn xa, cũng làm nghề thợ săn như anh. Nhưng mà này, anh đã rối ruột thế này, em còn gặng hỏi lôi thôi, anh không kể nữa đấy nhá...

- Xin lỗi anh, thôi, em xin nghe không hỏi nữa. Nào, anh kể nốt đi! Em nóng biết...

- Phải, anh ấy với anh là chỗ bạn thân. Gặp nhau bất ngờ mừng quá. Anh định sau khi săn sẽ đưa anh ấy về nhà. Ảnh cũng nhận lời rồi. Trò chuyện một lúc, hai người gặp một chú nai tơ. Cả hai cùng bắn tranh một lúc. Con vật bị hạ nhưng không ai chịu nhường ai, anh thì thấy rằng chính tay anh hạ nó, nhưng Pierre cứ khăng khăng là con mồi thuộc về ảnh, chính tay ảnh bắn. Thú thật với em, anh không phải quí con mồi hơn bạn nhưng anh tức ở cái chỗ ảnh đã tranh... công anh. Giá dụ như ảnh nói: "Tridon, đành là mày bắn nó, nhưng thôi mày hãy cho tao" thì anh không hẹp gì, đằng này...

Tridon vụt ngưng bặt, đầu cúi thấp, hai tay che mặt, thở dài, nghẹn ngào, bối rối. Chị vợ giục:

- Rồi sao nữa?

- Lời qua tiếng lại, sinh ra ẩu đả nhau, rồi... Chúa ơi! Em ơi! Ma xui quỉ ám làm sao... súng anh nổ lên một tiếng...

Nàng há hốc mồm, run rẩy hỏi dồn:

- Anh? Chính anh giết bạn anh?

- Không! - Tridon xua tay, mặt lộ vẻ khổ đau, hối hận - Không! Em mà cũng nghi anh ư? Anh thề là không có chủ tâm giết bạn. Có điều chắc chắn là ảnh đã tắt thở ngay sau đó, xác còn nằm tại chỗ...

- Trời ơi! Lam sao đây? Khổ thân tôi! Anh...

Vợ kêu lên bằng giọng kinh hoàng. Tridon thấp giọng:

- Im! Mình định giết tôi phỏng? La lên làm chi vậy?

Hậu duệ của EVA sực tỉnh, dịu giọng:

- Phải! Em hứa phải giữ kín. Chẳng qua vì quá sợ... Nhưng bây giờ mình phải tính sao chớ không lẽ...

- Đúng! Nhưng em đừng lo: anh đã kéo xác anh ấy giấu kín một chỗ rồi vội vã chạy về. Không ai biết nếu em kín miệng, anh tin em, đừng phụ lòng anh. Nhưng sao anh vẫn lo lắng thế nào ấy.

Vợ an ủi:

- Như thế chắc không sao, anh hãy yên lòng. Hãy bình tĩnh! Đây! Anh uống một cốc café nóng rồi ngủ đi một giấc cho khỏe.

- Em có lý. Cảm ơn em. Anh cần ngủ một giấc, mệt lử đi thế này này!

Chàng đón ly café trên tay vợ nốc cạn một hơi rồi nằm vật ra giường. Và chỉ trong một nhoáng, anh chàng đã ngáy pho pho.

Chị vợ nhìn nét mặt bình thản và nghe tiếng ngáy của chồng mà phát uất. Người đâu mà vô tâm vô tứ: đã phạm tội sát nhân mà còn tỉnh như không. Làm y như vừa hạ một con vật không bằng! Mình thì lo nẫu cả gan ruột thế này... Chị đi ra, đi vào như có kiến đố trong lòng, như có kim châm vào ruột, miệng hết kêu Chúa lại kêu Trời, cuống cuồng quay quắt.

Sau cùng, không chịu nổi, chị mặc thêm áo ấm, đội khăn lên đầu, chạy bay qua nhà bạn láng giềng. Giọng chị như rên:

- Simonne ơi! Thật khổ cho em! Em đến chết mất thôi, chị ạ!

- Có việc gì thế? Việc gì đến nỗi?

- Thôi! Chuyện này thì sống để dạ, chết mang theo, em không thể tiết lộ ra đâu...

- Ái chà! Chuyện gì mà ghê gớm thế? Thằng Tridon lại có mèo chăng?

- Không đời nào! (chị chồm lên) Nếu là chuyện đó thì em bắn chết nó ngay tức thì ấy chứ, việc gì mà khổ sở? Chuyện này ghê gớm lắm chị ơi! Em khổ lắm, nhưng em không thể kể ra đâu. Em đã hứa với ảnh rồi, mà ảnh có cố tâm đâu, chẳng qua là một sự rủi ro thôi...

- Chuyện rủi ro? Nó là chuyện gì? Này chị Yvonne, chúng ta là bạn thân từ khi còn thò lò mũi xanh, chị không tin tôi ư? Hãy nói tôi nghe xem nó là chuyện gì? Biết chừng đâu tôi lại không giúp được chị? Đừng ngại...

- Nhưng biết chị có kín miệng không? Tôi chỉ lo...

- Tôi xin thề... chị em mình xưa nay lại chả hiểu nhau ư?

- Em cấm chị kể cho một người thứ hai biết, nghe không?

- Đã hẳn!

Chị Tridon dọn giọng:

- Chị có ngờ không: ảnh vừa lỡ tay giết một bạn thân. Em đã hứa không cho ai hay, nhưng chị với em là chỗ thâm giao, em không thể giấu chị. Chị biết nỗi khổ tâm của em nó to lớn là dường nào không? Xin chị kín miệng, nghe không? Nếu mà việc này đổ bể, vợ chồng em sẽ bị lôi thôi to... đến tù tội chứ không phải xoàng đâu.

- Tội nghiệp Yvonne của tôi biết ngần nào! Chuyện ghê gớm quá! Xin Chúa che chở chị. Tôi không nói với ai đâu. Chị yên lòng đi!

Trong lúc Yvonne rời nhà bạn trở về thì Simnne cũng ngừng tay làm việc. Ôi chao! Một chuyện ghê gớm đến như vậy, chịu làm sao nổi? Tridon giết người! Mà giết một bạn thân! Hừ! Thằng cha thế mà đáo để... Nơi cô thôn hẻo lánh này mà xảy ra một việc tày trời đến như thế có dễ sợ và... thú vị không? Để trong bụng nó ấm ức chịu làm sao nổi? À à...

Nhưng kể ra ư? Chợt nhớ đến lời hứa vừa rồi... lại nhớ câu của chị Tridon dặn:

- Em cấm chị kể ra cho một người thứ hai, nghe không?

Ừ, thì không kể cho một người thứ hai đâu, mình chỉ kể cho một người biết mà thôi. Chị Fanny! Đấy: thì Yvonne nó cũng chả kể cho mình biết là gì? Có sao đâu? Người ta tin mình, mình nỡ lòng nào không kín miệng, làm hại bạn cho cam tâm? Mình phải cho Fanny biết, để chị ấy hiểu nỗi khổ sở lo lắng của chị Tridon...

Thế là trong vòng nửa ngày, câu chuyện Tridon lỡ tay hạ sát bạn thân trong khi săn thú bay đi khắp làng trên, xóm dưới. Bà này sau khi kể không quên dặn dò bà kia nên kín miệng. Và kết quả là từ già chí trẻ đều biết Tridon giết người giấu xác trong rừng. Ngoài quán rượu, trong hiệu ăn, trong chợ, trong mái gia đình, tin đó đều được mọi người mổ xẻ, bàn tán, xôn xao như tin cọp về làng!

Ai cấm được tin đó lọt vào tai cảnh sát? Cảnh sát người ta chỉ có thể làm ngơ khi thợ săn giết thú, chứ không thể nhắm mắt khi thợ săn giết người. Ấy thế là họ kéo một toán trên nửa tiểu đội đi làm phạn sự. Họ trực chỉ hướng nhà Tridon.

Viên đội trưởng uy nghi lẫm liệt, xung phong đi trước, tiến lên gõ cửa nhà kẻ sát nhân:

- Tốc! Tốc! Tốc!

- Ai đó?

Vợ Tridon hồn kinh, phách lạc, run rẩy hỏi. Có tiếng dõng dạc trả lời:

- Chúng tôi đây! Đại diện pháp luật đây! Biết điều thì bảo chồng chị ra nạp mình, chính phủ sẽ khoan hồng, không nên chậm trễ!

Chị vợ lóc cóc hồi lâu, không phải cố ý trùng trình cho chồng tẩu thoát mà bởi quá sợ, run bây bẩy. Viên Đội Trưởng thị uy:
 

- Này! Có phải các người định âm mưu chi đây không? Liệu hồn! Lưới trời lồng lộng, biết điều thì...

Ông chưa dứt câu, ánh cửa bật ra, vợ Tridon đầu tóc rũ rượi, mặt mũi ủ ê, hai mắt sưng húp. Đội trưởng hỏi bằng giọng hằn học (vì ông cứ ngỡ là sẽ gặp Tridon trong dáng bộ khúm núm, sợ hãi).

- Chồng chị đâu? Sao chưa ra mặt? Hử?

Chị vợ vừa khóc vừa chỉ lên giường: Tridon nhà ta đang pho pho ngáy như một kẻ sung sướng nhất trên đời! Viên đội trưởng lồng lên:

- Như thế này là nghĩa lý gì? Khinh nhờn nhân viên nhà nước phải không? Bay đâu! Lôi cổ nó dậy! Tra còng vào tay nó ngay tức khắc, coi nó còn dám khinh nhờn người nhà nước hay không?

Lạ thay: kẻ sát nhân vẫn không nhúc nhích sau những tiếng gầm gần bằng tiếng sấm, Phải lay thật lâu anh ta mới dụi mắt choàng dậy, có vẻ ngỡ ngàng:

- Các ông làm cái gì kỳ vậy?

- Ha! Lại còn làm bộ tỉnh: đúng là quân mặt sứa gan lim! Này anh thợ săn ơi! Chúng ta biết tỏng ra rồi, khôn hồn thì khai hết đi.

- Ơ hay! Khai cái gì kia chớ? Tôi có phạm tội chi đâu? Việc gì phải khai với khẩn?

- Này đừng có cứng đầu vô ích, thiên hạ đều biết hết rồi! Phải thật thà! Anh có giết một người và con giấu xác trong rừng phải không? Hãy đưa chúng tôi đến đó làm biên bản...

- Vâng! Quả tôi giết... nhưng không phải... tôi không hề... xin để tôi...

Giọng run run, Tridon nói đứt quãng. Đội trường quát to:

- Không phải dài lời! Đi ngay! Đưa ta đến đó! Nếu không ta bắn vào sọ mày tức thì!

Tridon vô phương bào chữa, phân trần, đành phải cúi đầu tuân lệnh. Nhưng anh như kiệt sức không đi nổi, làm cho Đại Diện Nhà nước càng nóng nảy thêm lên. Một bác cảnh sát đề nghị:

- Kìa xem! Hắn đi không vững, chi bằng ta lấy xe chở hắn cho chóng.

Đề nghị được hoan nghênh liền.

Nhưng xe ở đâu có sẵn bây giờ? Sau cùng họ điều đình với lão Rémy mượn đỡ cái xe ngựa của lão ta.

Rémy là lão già keo kiệt, quí cái xe ngựa hơn cả bản thân, nhưng với người nhà nước lão không do dự. Thế là Dội Trưởng, đội viên và Tridon cùng lên xe, trực chỉ đến khu rừng gần ngã tư Crète, nơi xác nạn nhân đã bắt đầu có mùi hôi ; theo sự tưởng tượng của mọi người nhà nước, dĩ nhiên.

Quanh qua, quẹo lại trên hai tiếng đồng hồ liền, họ đến nơi. Tridon có hơi bình tĩnh lại. Anh ra hiệu cho cả bọn xuống xe. Đội trưởng nóng nảy:

- Đâu? Xác chết đâu?

Tridon nhà ta chẳng nói chẳng rằng chỉ tay vào đống lá cảnh phủ lên ùn thành một đống to tướng ngay trước mặt mọi người. Tức khắc mọi người ùa tới, vẹt phăng cành lá một bên, bới hết lá khô ra họ nhìn thấy... chao ơi! Không phải là xác người mà lá xác một con heo rừng to quá là to!

Bấy giờ, anh thợ săn ranh mãnh nhà ta mới cười lên thành tiếng:

- Đấy! Thưa quí ngài! Xác chết đấy! Rõ ràng chưa?

Trong lúc toán cảnh binh kể cả viên đội trưởng - còn đang há hốc mồm vì kinh ngạc thì Tridon ung dung cười mỉa, thêm rằng:

- Đó, quí ngài nhìn kỹ đi! Một con heo rừng to tướng như vậy, từng phá hại không biết bao nhiêu hoa mầu trong thôn ấp, tôi chịu khó ra tay trừ nó, đáng ra, quí ngài phải nên khuyến khích, đàng này đã không có một lời nào làm mát lòng người ta lại còn dựng dậy trong lúc người ta đang ngủ, la hét om sòm, còn tra còng vào tay người ta, lôi cổ đi...

- Sao anh không nói rõ?

- Tôi nói rõ cách nào? Các ông có cho tôi nói gì đâu? Từ đầu chí đuôi có phải tôi chỉ có nói được từng này lời: "Vâng! Quả tôi có giết... nhưng không phải... tôi không hề... xin để tôi..." rồi thì bị tra còng vào tay và bắt câm miệng không nào? Các ông nhớ lại đi, tôi có nói ngoa không?

Đội trưởng và cả đoàn đều hết sức bẽ bàng, ngượng nghịu. Họ lúng túng nhìn nhau, không biết ứng phó cách nào đây? Chả lẽ hạ mình xin lỗi thì... cũng khó coi, mà không nói gì thì cũng không xong.
 

Tridon vốn là anh chàng tinh quái. Anh cứ huýt sáo miệng, thỉnh thoảng lại nói:

- Bây giờ quí ngài tính sao đây? Khi không mà còng tay tôi, vu oan cho tôi, kế đó, kết tôi vào tội giết người, đâu có dễ dàng như vậy?

- Dù sao thì chuyện cũng đã rồi (Đội trưởng dịu giọng), anh hãy bỏ qua cho. Chúng tôi đâu có muốn vu oan cho anh làm gì? Anh muốn chúng tôi bồi thường thiệt hại thế nào, chúng tôi cũng xin... vâng...

- Dễ nghe chưa? Danh dự tôi tiêu ma rồi, phen này thì vợ tôi nó đòi li dị chứ chứ không chơi, mặt mũi nào mà nhìn bà con làng xóm?

- Thôi, anh Tridon thân mến! Anh hãy bỏ qua, chúng tôi hứa sẽ ra thông cáo dán tại công quán về vụ lầm lẫn đáng tiếc này...

Tridon vênh mặt lên (tuy khá hài lòng) mà rằng:

- Chưa đủ!

Đội trưởng lau mồ hôi trên trán, nài nỉ:

- Thế anh còn muốn gì nữa?

Làm bộ suy nghĩ giây lâu, anh chậm rãi ra điều kiện:

- Trước hết, quí ngài phải khiêng giúp con lợn to tổ bố kia lên xe, chở nó về tận nhà tôi...

- Ui chao! (một bác cảnh binh kêu lên) Chở nó thì tụi tôi có nước mà đi bộ. Nom nó nặng thế kia, chưa kể bẩn cả xe lão Rémy, lão bắt đền chết.

- À, quí ngài tiếc cái xe phỏng? Thì ra cái xe quí hơn danh dự con người ư? Nếu thế tôi sẽ làm to chuyện cho mà xem! Thằng Tridon đội trời đạp đất... xưa nay không để cho ai đụng đến một cái lông chân, nay bỗng không các ngài xông đến nhà tôi, còng tay tôi...

- Lỗi tại anh, anh úp mở... anh cũng muốn lừa chúng tôi một mẻ, đúng không?

Một bác cảnh binh khác, trầm tĩnh và khôn ngoan, bẻ lại. Tridon sợ già néo đứt dây, nhưng vẫn nhơn nhơn không nao núng. Anh thầm nghĩ: mình gặp đối thủ rồi đây! Và anh cao giọng hỏi dồn:

- A! Xin lỗi các ngài chứ! Đâu phải khi không, khi khổng mà tôi lôi các ngài đến đây? Ai đã đầu đơn tố cáo tôi về tội sát nhân? Hay các ngài đi nghe một lũ đàn bà rỗi việc? Ai gõ cửa nhà khi tôi đang ngủ? Ai đánh thức tôi dậy? Ai tra còng vào tay tôi? Ai bảo tôi: "Câm miệng lại"? Các ngài trả lời thông thì tôi xin để các ngài trở về liền, không làm khó dễ gì cả. Bằng không, tôi liều bỏ con mồi đáng giá này, đi tận Tối Cao Pháp Viện đầu đơn...

Các cảnh binh và đội trưởng kéo nhau ra một góc xa xa bàn tính. Sau cùng, họ thỏa thuận như sau: Tất cả đều xúm khiêng con mồi nặng chình chịch cho lên xe, chỉ mình đội trưởng và Tridon được ngồi cùng con vật. Các bác cảnh sát đành cuốc bộ về sau, nếu không cái xe đến gãy vụn dọc đường. Đội trưởng sẽ chịu một nửa tổn phí về việc rửa xe và công chuyên chở, còn một nửa thì mấy bác cảnh sát chia nhau chịu với cấp trên.

Ngoài ra, đội trưởng sẽ nhờ một người có hoa tay viết cho mười lăm cáo thị dán khắp các đường làng (chỗ nào có đông người tụ tập), dán ngoài công quán, ngoài chợ, các quán rượu và hiệu ăn, kể lại kỳ công của Tridon. Tuyệt nhiên, hai bên đều đồng ý bỏ qua vụ giết người tưởng tượng của mấy mụ đàn ba đặt điều lắm chuyện.

Tridon còn buộc đội trưởng phải cho xe về công quán trước. Mọi người ùa ra xem. Họ xiết bao ngạc nhiên khi thấy Tridon ung dung, tươi tỉnh ngồi ngang Đội Trưởng, phía sau thùng xe là con vật to sù, trong lúc ai cũng ngỡ rằng Tridon sẽ mang cái hình dáng của một phạm nhân: đầu cúi thấp, tay mang còng và bên cạnh là xác chết nạn nhân được phủ kín bằng vải thô, chơ... khám nghiệm!


MINH QUÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 140, ra ngày, 1-11-1970)