Các em thân mến,
Chúng
tôi hết sức vui mừng báo tin cùng các em, hai thiếu nhi Việt Nam đã
đoạt giải thưởng về Hội Họa Thiếu Nhi Quốc Tế Shankar 1971 tổ chức tại
Tân Đề Li, thủ đô Ấn Độ.
Đấy
là hai em thiếu nhi NGUYỄN THỊ KIM KHÁNH, 14 tuổi, học sinh trường nữ
trung học Lê văn Duyệt, Gia Định và LƯƠNG MỸ HOA cũng 14 tuổi, học sinh
trường nữ trung học Trưng Vương Saigon.
Chúng
tôi cũng xin nói rõ giải thưởng Shankar gồm hai bộ môn : văn chương và
hội họa, đã được 112 quốc gia tham dự, với trên 150.000 tác phẩm do các
em thiếu nhi trên thế giới sáng tác và chánh phủ trong xứ của các em đã
chọn lọc gởi đến. Năm 1971, có đến 447 thiếu nhi trúng giải, trong số
này có 50 em trúng giải về văn chương và 397 em về hội họa.
Chúng
tôi cũng xin nhắc lại cho các em, năm 1970 cũng có hai em thiếu nhi
Việt Nam đã rtúng giải Shankar trong số nầy có em NGÔ LÊ MINH được huy
chương vàng và được ban tổ chức đặc biệt mời sanh Tân Đề Li lãnh giải.
Cũng như những năm trước, lễ phát thưởng Shankar 1971 sẽ được tổ chức vào cuối năm 1972 tại Tân Đề Li.
Thiếu nhi Việt Nam từ xưa đã được tiếng thông minh.
Đời
nhà Trần, thiếu nhi Nguyễn Hiền mới 13 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên (đỗ
đầu) cùng một khoa Đinh Mùi (1247) với ông Lê văn Hưu đỗ Bảng nhỡn (đỗ
nhì) lúc đó 18 tuổi và sau này là một sử gia danh tiếng, tác giả bộ Đại
Việt Sử Ký gồm 30 cuốn. Nguyễn Hiền đã đối đáp thông suốt làm cho sứ Tàu
phải phục nước mình có người tài giỏi.
Đời
nhà Lê, có thiếu nhi Trịnh Thiết Trường chưa đầy 10 tuổi mà tiếng tăm
tài giỏi văn chương lừng lẫy khắp nơi. Lớn lên, thi đỗ tiến sĩ, Thiết
Trường không lãnh sắc phong, trở về tiếp tục học để 6 năm sau (1448) thi
lại đỗ Bảng nhỡn, tức đỗ đầu khoa ấy (khoa này không ai đỗ Trạng
nguyên). Khi sang sứ bên Tàu, gặp khoa thi, vào thi, đỗ Bảng nhỡn, được
vua nhà Minh nước Tàu phong làm lưỡng quốc Bảng nhỡn (Bảng nhỡn 2 nước),
làm rạng danh nước nhà.
Cuối
đời nhà Lê, thiếu nhi Lê Quí Đôn nổi tiếng thông minh và có trí nhớ lạ
thường. Người ta kể chuyện, một hôm Lê Quí Đôn đi thi, ghé vào một hàng
nước ở vệ đường, để dùng cơm và luôn tiện nghỉ trưa.
Lê
Quí Đôn hỏi thăm bà hàng nước có sách chi cho mượn xem đỡ buồn. Bà hàng
nước trả lời chỉ có quyển vở ghi những người khách ăn còn thiếu tiền,
muốn xem thì xem. Cậu học trò này đành phải cầm quyển sổ nợ đọc cho qua
giờ. Khi đi thi xong trở về, gặp bà hàng nước than sau khi cậu rời khỏi
nơi đây ít lâu, cửa hàng bị cháy cùng với quyển sổ nợ nên bây giờ không
còn nhớ ai thiếu bao nhiêu để đòi tiền. Lê Quí Đôn bèn lấy giấy ghi lại
đầy đủ tên những người khách hàng với số tiền còn nợ làm cho bà hàng
nước mừng rỡ vô cùng.
Các em thân mến,
Các
em thiếu nhi Việt Nam phần đông thông minh. Đấy là một sự hãnh diện cho
xứ sở chúng ta. Các em nên chịu khó chăm chỉ học hành, nhờ trí thông
minh sẵn có, các em tiến bộ mau lẹ và chóng đến thành công.
Thân mến chào các em
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.