Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

MỘT GƯƠNG DANH NHÂN : BÀ HELEN KELLER - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Một em đã gửi đến chúng tôi: Thưa bác chủ nhiệm, trong báo Thiếu Nhi số 4 bác có viết: "... Tại sao em không nở nụ cười? Khi em còn đủ hai tay và hai chân, và còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Bà Helen Keller, khi nhỏ vừa mù, vừa câm, vừa điếc, nhưng bà có buồn đâu! Bà vui vẻ và cố gắng. Bà đọc sách nhiều gấp trăm người thường, đã viết bảy cuốn sách và diễn thuyết khắp nước Mỹ..." cháu thắc mắc làm thế nào bà Helen Keller lại diễn thuyết được khắp nước Mỹ và cháu xin bác kể lại cho cháu nghe cuộc đời của nhân vật phi thường ấy.

Em độc giả bé nhỏ của tôi ơi, em đã nhận xét rất đúng: người câm không làm sao diễn thuyết cũng như người chết không bao giờ nói được nữa. Trong đoạn trên, tôi có ghi rõ: Bà Helen Keller, khi nhỏ, vừa mù, vừa câm, vừa điếc.

Đúng ra, cô bé Keller khi sinh ra cũng lành lặn hẳn hoi như mọi đứa trẻ bình thường. Cô bé vẫn nhìn thấy mọi vật xung quanh. Cô bé vẫn nghe được những âm thanh như bao em bé khác. Cô bé vừa bập bẹ tập nói thì một chứng bịnh nặng làm cho em phải mù, câm và điếc, lúc ấy em bé Keller vừa mới lên được một tuổi rưỡi.

Từ đấy, cô bé Keller sống và lớn lên trong sự đầy khổ sở. Các em thử tưởng tượng nếu chúng ta bị câm và điếc hay chúng ta chỉ bị mù lòa thôi, chúng ta sẽ đau đớn, cực nhọc như thế nào?

Khi Keller đến tuổi đi học, cha mẹ em đến trường dạy các trẻ em mù tìm cho em một ông thầy để dạy riêng cho em.

May mắn thay, cha mẹ em được gặp cô Anne Sullivan, một cô gái mới hai mươi tuổi vừa rời viện Perkins là trường dạy các trẻ em mù ở Borton. Cô Annie Sullivan bằng lòng nhận một công việc vô cùng khó khăn là giáo dục một đứa bé vừa câm, vừa điếc lại vừa mù.

Đời cô Annie Sullivan cũng đầy nước mắt. Cô đã sống trong sự khổ nghèo. Năm lên mười tuổi cô cùng đứa em ruột bị đưa vào trại tế bần. Ở đấy đời sống quá chật vật, không đủ chỗ cho các em nghỉ. Đêm đến, hai đứa bé phải vào nhà xác mà ngủ. Sống trong trại được sáu tháng, vì quá vất vả, em cô bị bịnh và mất sau đó. Còn cô lây lất sống, khi đến mười bốn tuổi, cô cũng bị đau nặng đến đôi mắt gần bị mù. Người ta đã gởi cô đến viện Perkins để học chữ như những người mù khác. Nhưng may mắn cho cô, cô không bị mù hẳn, lần lần cô thấy được rõ ràng hơn.

Có lẽ vì cảm thông nỗi khổ sở của người cùng cảnh ngộ. cô Annie Sullivan đã nhận ngay việc dạy dỗ cô bé bạc phước Helen Keller. Nhờ sự cố gắng của cô, chỉ trong vòng một tháng, hai người có thể giao dịch với nhau. Cô Helen Keller rất sung sướng khi thấy mình tàn tật đến mức độ như vậy lại có thể giao dịch được với một người khác.

Khi cô Helen Keller lên đến mười hai tuổi, cô học hành đã khá. Cô được đưa vào trường trung học. Cô giáo Annie Sullivan cũng đi theo để giúp đỡ cô. Lúc ấy, cô bắt đầu tập nói và nhờ sự cố gắng, cô đã nói được tuy không rõ ràng. Cô lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần câu nói đầu tiên mà cô nói được: "Bây giờ tôi hết câm", lòng tràn ngập sung sướng.

Lớn lên, bà Keller viết sách và viết báo rất nhiều bằng lối chữ Braille là lối chữ dành cho người mù.

Bà cũng đọc rất nhiều sách, có lẽ nhiều hơn những người có may mắn còn đôi mắt.

Bà đã đi diễn thuyết khắp nước Mỹ, tuy giọng bà không được rõ ràng, hơi giống giọng của người ngoại quốc nói tiếng bản xứ.

Trong những lúc nhàn rỗi, bà thường đi dạo trong vườn, làm bạn với con chó mà bà rất quí mến. Bà thưởng thức âm nhạc bằng cách sờ tay lên môi của người hát hay đặt tay trên chiếc dương cầm hay vĩ cầm. Bà biết bơi, biết chèo thuyền, biết cỡi ngựa. Bà chơi cờ, dành riêng cho bà. Bà cũng hay đan hoặc thêu thùa.

Các em thân mến,

Với một ý chí mạnh mẽ, các em có thể vượt qua mọi trở lực một cách dễ dàng.
 
Đúng vậy, chúng ta được diễm phúc không phải tàn tật như bà Keller, chúng ta khỏi phải lần mò trong đêm tối, chúng ta chỉ cần một ít nghị lực là chúng ta đạt được những gì chúng ta ước muốn.


Thân ái                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 12, ra ngày 31-10-1971)



Không có nhận xét nào: