Trước
hết, chúng tôi xin trân trọng cảm tạ tất cả các vị giáo chức, đã vui
lòng đảm nhiệm một nghề rất vất vả, mà sự đãi ngộ lại quá đạm bạc. Hình
ảnh những cụ đồ Nho già, nhà tranh vách đất, ngày hai bữa cơm đỏ, rau
dưa tương cà, lấy niềm hãnh diện đã đào tạo nên những "con người"
đúng nghĩa, làm nguồn vui triền miên, không nghĩ tới sự đói rách của
bản thân và gia đình, miễn sao dành hết thì giờ để giảng đạo thánh hiền,
thật là cao đẹp, đã khiến cho người Á Đông, những dân tộc trọng lễ
giáo, phải luôn luôn tôn bậc thầy lên địa vị cao hơn cả cha mẹ, chỉ đứng
dưới có vua mà thôi.
Riêng
đối với chúng tôi, thì phải nói rằng dù đã trên 30 năm trôi qua, chúng
tôi vẫn còn nhớ như in các thầy giáo lớp năm, lớp tư, những bậc thầy đã
tận tâm dậy dỗ chúng tôi, những ánh mắt thương yêu trìu mến. Giờ này nhớ
lại, chúng tôi còn thấy hiện lên trên bục gỗ, những bậc thầy đáng kính,
năm này qua năm khác. gắng công nối tiếp truyền thống của tiền nhân,
cho xứng đáng với thứ bậc "sư rồi mới tới phụ".
Cho
nên, trong nhiệm vụ giải đáp thắc mắc tâm tình của các em, chúng tôi đã
khựng lại ở mấy vụ sau này, không thể giải thích cho các em cảm thông
được. Chúng tôi thiết nghĩ, gần đây, chúng ta thường có ấn tượng xấu về
giới trẻ, cho là giới trẻ đã có nhiều hành động vô ơn bạc nghĩa, hỗn
hào, không tôn trọng thầy như thời xưa. Thiết tưởng chúng ta cũng nên
duyệt xét lại coi trong sự cư xử của các bậc thầy ngày nay, liệu rằng có
điều gì khiến cho các em mất niềm tin tưởng không? Dĩ nhiên là những
chuyện đáng thắc mắc chỉ là một phần nhỏ, nhưng thực tế là nó đã xảy ra.
Mà "giáo dục là nêu gương", nếu các em đã không tin tưởng thì sự dậy dỗ
quả là khó khăn.
Trong
nhiệm vụ tạo niềm cảm thông sâu xa, để thầy trò càng hiểu nhau thêm,
ngõ hầu dựng lại được truyền thống tốt trong tòa nhà giáo dục, chúng tôi
xin đưa mấy thắc mắc này ra để xin quí vị giáo chức liên hệ cho lời
giải thích, ngõ hầu gây lại niềm tin nơi các em đối với các bậc thầy.
Thư của em... Bảo Lộc:
...
Thầy em mở thêm lớp dạy tư toán ở nhà, không nói ra là bắt đứa nào đi
học cả, nhưng khi cho bài tập trong lớp, thầy chỉ cho các bài mà học trò
riêng của thầy đã làm. Còn đứa nào không học tư, không làm được bị thầy
mắng là:
- Đồ mặt mẹt, mặt mo. Dốt thì sao không chịu bỏ tiền đi học tư thêm. Còn lo thụt bi da, ăn quà vặt...
Thưa
chị, em không hề thụt bi da, ăn quà vặt, nhưng ba em đã mất, má em ở
trong hội quả phụ tử sĩ, được lãnh đồ may, mỗi tháng kiếm được gần mười
ngàn. Tụi em có tới bốn anh em, tiền ăn còn không đủ, làm sao em dám
ngửa tay xin tiền đóng tiền học tư thêm.
Thư của em... Chợ Lớn:
Chắc
chị biết trường... của em, một cơ sở giáo dục lớn và dậy dỗ cẩn thận
nổi tiếng. Nhưng đấy là "tiếng" thôi. Thực tế là bà giáo sư Pháp Văn của
em, người vừa đẹp vừa hách, nhưng dạy dỗ lại chẳng đẹp chẳng hách tí
nào. Nhiều hôm bà vừa giảng bài cho em, vừa dũa móng tay, rồi sơn mầu,
chờ cho khô mới cầm phấn. Trong lớp em có mấy bạn học chương trình Pháp
nên rất giỏi Pháp Văn, bà rất cưng họ và nói:
- Tôi nói cho các cô hay, học trò tôi là phải giỏi. Ai giỏi tôi nâng lên, ai dốt tôi đạp xuống bùn cho chết luôn.
Thắc mắc:
Chúng
tôi công nhận là hiện nay, có một số em học lực quả là yếu kém. Nhưng
nếu vậy, xin cho các em đó qua một kỳ thi xác định khả năng. Nếu kém quá
thì cho xuống lớp dưới, để dành chỗ cho các em có trình độ tương đương
nhau cùng học với nhau sẽ có ích hơn. Chứ biện pháp học kèm như thế rất
là vá víu, dễ gây ngộ nhận, tạo mặc cảm cho các em nghèo không có tiền
học thêm lớp riêng.
Trong
dĩ vãng, chúng tôi đã thấy có một số giáo sư chịu bỏ ra mấy giờ ngày
nghỉ để kèm thêm cho nhóm học sinh có khả năng mà chỉ bị kém một vài
môn. Nhưng các vị đó không thu tiền. Sau buổi học, trò kéo nhau ra sân
nhà thầy cuốc đất trồng cây dọn dẹp. Thành ra những mệt nhọc của thầy
hầu như tiêu tan hết trong tình đằm thắm thầy trò. Dĩ nhiên rằng thời
buổi khó khăn chật vật này mà đòi hỏi thầy điều đó là quá. Nhưng cũng
xin quí vị lưu ý tới cách cư xử sao cho tế nhị để tình thầy trò khỏi bị
tiền bạc làm hoen ố.
Riêng với bà..., chúng tôi chỉ xin bà nhớ cho rằng trước mắt các em, bà là khuôn vàng thước ngọc để các em noi theo.
Thư của em... Saigon:
Cháu
học lớp 9 trường... Cô giáo cháu bảo chúng cháu thuyết trình bộ Anh
hùng xạ điêu. Chúng cháu đã lục soát hết cả Thiếu Nhi từ số 1 đến 112
nơi mục "Thắc mắc của em" mà không thấy tiểu sử Kim Dung. Cháu lại lục
tìm ở nhiều cuốn Giảng văn nhưng cũng không có. Mà ngày thứ sau 9-11-73
là cháu phải thuyết trình rồi. Chú tìm gấp cho cháu, tối thứ tư cháu đến
xin chú...
Thắc mắc:
Chúng
tôi rất ngạc nhiên thấy có vị giáo sư lựa đề tài này cho các em lớp 9
thuyết trình. Hãy dẹp vấn đề phán xét giá trị giáo dục của cuốn truyện
qua một bên, chỉ bàn tới cái thời giờ mà các em phải bỏ ra để nghiền
ngẫm cả bộ đâu cỡ hai ngàn trang. Học sinh lớp 9 làm một bài thuyết
trình, phải đọc 2000 trang sách, liệu rằng thời giờ của các em có được
sử dụng hợp lý không? Lại phỉ nói rõ là truyện kiếm hiệp của Kim Dung
đọc rất lôi cuốn Bằng chứng là có một dạo báo chí hàng ngày phải giành
nhau, đặt trước từ Hồng Kông, để được gửi gấp tờ báo mới nhất về V-N, và
các dịch giả làm việc gấp rút cho có bài đăng kịp lên báo. Nếu báo nào
không có truyện Kim Dung kể như mất một số độc giả. Vậy mà nay giáo sư
cho các em thuyết trình Anh Hùng Xạ Điêu, thì chắc chắn sau khi nghiền
xong AHXĐ để làm bài, các em sẽ trở nên say mê, đi tìm kiếm các các cuốn
khác trong toàn bộ như Võ Lâm Ngũ Bá (cỡ vài ngàn trang), Cô Gái Đồ
Long (cỡ vài ngàn trang) và còn những cuốn khác nữa đã được in trên nhật
báo trong suốt 10 năm, hẳn là thời giờ để các em gậm nhấm sách Kim Dung
đủ choán hết tuổi thanh xuân của các em mất rồi.
Ngoài
ra, còn một mối nguy nữa, là các bậc cha mẹ thường ngăn cấm con cái đọc
kiếm hiệp. Sự ngăn cấm đó có nhiều phần hợp lý. Bởi vì nếu truyện kiếm
hiệp, nhất là kiếm hiệp Kim Dung, nhờ tính chất khoác lác, hoang đường
của nó, có giúp người lớn những giây phút trốn chạy thực tế, ẩn mình vào
tháp ngà thụ động, bỏ rơi cả xã hội cực nhọc quanh mình, thì chính
những truyện kiếm hiệp đó lại tác hại đầu óc trẻ em vô cùng.
Bởi
vì trẻ em ưa bắt chước. Truyện kiếm hiệp lại thường có những cảnh đánh
chém giết. Cho nên các em thường phong cho mình một vai trò, nhất là
những vai trừ gian diệt bạo, hay là anh hùng cái thế, đập phá đánh chém,
tự cho mình bổn phận phải san bằng những bất công xã hội. Rồi chia phe
chia đảng, đánh đấm nhau, vừa tốn thời giờ, vừa sinh ra thói đáng đấm
hung bạo, các bậc phụ huynh ngăn cấm cũng phải.
Xin
bà giáo sư nào đó đừng hợp thức hóa tình trạng đọc truyện kiếm hiệp, để
mai đây các em có thể ngang nhiên mướn kiếm hiệp về nghiền ngẫm tối
ngày sáng đêm rồi khi bị cấm đoán, lại gân cổ lên:
- Coi cho biết kẻo mai mốt cô giáo ra bài, làm không được!
Chúng
tôi xin nói rõ lại là với bài này, chúng tôi chỉ mong sao quí vị nhận
thấy những nỗi thắc mắc và cảm thông với trái tim nhỏ bé của các em. Nếu
quả là đã có một vài vị sơ ý mà làm hại chung cho uy tín của giáo giới,
thì chúng tôi ước mong mọi sự sẽ được cải thiện và tình sư đệ càng ngày
càng trở nên tốt đẹp hơn.
Đó chính là ước mong tha thiết nhất của chúng tôi khi nhớ lại những ân đức của các thầy cô xưa đã hết lòng dậy dỗ học trò.
ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 14-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.