Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

CHƯƠNG BA_RONG BIỂN



BA

Trước mặt Tuấn la liệt những nhật báo vừa được phát hành hồi chiều. Không nghĩ gì tới bữa cơm tối, Tuấn mải miết đọc những bài tường thuật và phê bình cuộc triển lãm hội họa của chàng. Tay cầm bút đỏ, Tuấn gạch dưới những hàng chữ quan trọng hay lấy kéo cắt những nhận xét xây dựng. Hầu hết các bài báo đều dành nhiều thiện cảm cho người hoạ sĩ trẻ mới “ra quân” lần đầu tiên. Tuấn thích nhất bài ghi nhận của một ký giả ký tên V.H. :

“Trong bộ môn hội hoạ, mỗi hoạ sĩ có một bút pháp riêng và một kỹ thuật dùng mầu sắc riêng để diễn tả đề tài muốn trình bày. Riêng Trường Tuấn, hoạ sĩ đã dùng sơn dầu để thực hiện các bức tranh mang khuynh hướng biểu tượng.
 
Nhìn tác phẩm của Trường Tuấn, người xem như được thấy thế giới mới của hình thức và mầu sắc như muốn bùng lên từ các hoạ phẩm này. Những mầu tro xám, mầu đỏ thẫm, mầu xanh lục, mầu vàng của buổi ban mai, mầu đỏ của hoàng hôn, mầu xanh của biển cả xuất phát từ trực giác của hoạ sĩ. Tất cả những đường nét mầu sắc hoà hợp nhau một cách kỳ diệu và nên thơ. Điều này chứng tỏ Trường Tuấn đã có một hướng đi đọc đáo, đã chế ngự được mầu sắc, đã thành công trong việc gởi gấm tâm hồn, tư tưởng của mình vào hoạ phẩm.
 
Khách viếng phòng triển lãm không thể quên được những hoạ phẩm thuộc loại sáng giá nhất như Gió cát, Nhiệt đới, Biển và người con gái cô đơn, Hoài vọng, Loài chim biển, Bơ vơ, Lộng gió, Giấc mơ của loài ốc biển, Đêm biển động... Tuy nhiên được chú ý nhiều nhất có lẽ là bức “Rong Biển”. Tranh khổ 1 thước 20 x 0.60 vẽ một khuôn mặt con gái mờ ảo trong dòng nước, lẫn lộn trong những cụm rêu biển, đá và sóng. Trường Tuấn đã sử dụng mầu sắc rất táo bạo và đường nét mạnh trong hoạ phẩm này. Chất nâu đen hòa hợp với chất xanh trộn đỏ đậm tạo cho khách xem một cảm giác vừa lạ lùng vừa diễm ảo... “Quan niệm của Trường Tuấn là tranh phải có hồn, phải tạo được “những cảm giác bất ngờ khi thoạt nhìn”... và hoạ sĩ phải chân thành mới gây được sức quyến rũ cho những người thưởng thức tranh.
 
“Được hỏi về nguyện vọng, hoạ sĩ Trường Tuấn cho biết chỉ muốn sao có đầy đủ phương tiện để sáng tác thật nhiều, để thâu thập những kinh nghiệm ngõ hầu tạo được những tác phẩm vĩ đại, đồng thời hoạ sĩ cũng mong ước có dịp học hỏi thêm về nghệ thuật hội hoạ của ngoại quốc để phong phú hóa kiến thức và khả năng.

“Thiết tưởng cũng cần ghi lại đây một vài “chuyện bên lề” trong cuộc triển lãm hội hoạ của Trường Tuấn. Đầu tiên chúng tôi nhận thấy một sự ngạc nhiên rất hữu lý của người xem tranh. Đó là khuôn mặt của người thiếu nữ trên các bức hoạ của Trường Tuấn đều có những nét giống nhau khiến người ta tự hỏi phải chăng hoạ sĩ có một người mẫu duy nhất hay hoạ sĩ trong khi sáng tác đã bị một hình ảnh dĩ vãng nào đó “ám ảnh”. Ngoài ra khách cũng không hiểu lý do hoạ sĩ Trường Tuấn đã không đề giá bán trên hoạ phẩm “Rong Biển” như trên các bức tranh khác và đã nhã nhặn từ chối bán mặc dầu đã có nhiều người trả giá rất cao.

“Trước câu hỏi của chúng tôi là người con gái ở trong tranh phải chăng là “Trường Tuấn phu nhân”, người hoạ sĩ trẻ 27 tuổi đời này chỉ mỉm cười thay câu trả lời... ” 
 
Giờ đây ngồi đọc bài báo trên Tuấn cũng đang mỉm cười. Chàng vẫn có cảm giác như đang sống trong ảo tưởng. Cuộc triển lãm hội họa đầu đời đã thành công ngoài ý muốn của Tuấn. Những lo âu, hồi hộp khởi đầu đã tan biến ngay từ sau giờ khai mạc phòng tranh. Bạn hữu chạy lui tới thông báo cho Tuấn những kết quả khả quan. Tuấn xúc động đến muốn rưng rưng nước mắt. Các ký giả vây quanh phỏng vấn, chụp hình khiến nhiều lúc Tuấn mất bình tĩnh, trả lời không đúng hoàn toàn như ý muốn. Chàng buồn cười nhất là khi các nhà báo và khách viếng phòng triển lãm quay chàng về sự thật “người con gái trong tranh”. Dường như không ai tin Tuấn cho biết người con gái làm mẫu đó hiện sống ở một tỉnh lẻ, thuộc miền duyên hải xa xôi, trái lại nghi ngờ một trong những người bạn gái trong ban tiếp tân của Tuấn. Cuối cùng chàng chỉ biết cười trừ. 
 
Đến hôm nay phòng triển lãm tranh của Tuấn đã mở cửa tới ngày thứ ba và số hoạ phẩm được khách mua lên tới hơn phân nửa. Công việc tương đối đã lắng đọng Tuấn mới có chút thời giờ để mắt tới những phản ứng của báo chí.

Sự yên tịnh của đêm dễ làm tâm hồn chàng chùng xuống. Một lúc sau, không muốn đầu óc rối bời suy nghĩ nữa, Tuấn lấy cây thước chặn trên mấy tờ báo rồi ra đứng tựa thành cửa sổ, đưa mắt nhìn ra bầu trời lấp lánh ánh sao. Điếu thuốc được thắp lên ; làn khói chưa kịp thoát ra hết khỏi miệng đã bị gió đánh toan loãng. Tuấn ngửa cổ hít một hơi mạnh. Không khí làm mát buồng phổi – dễ chịu. Dưới đường, xe cộ qua lại đã thưa thớt, bộ hành như không còn ai. Ánh đèn ống nhạt nhòa làm loang lổ thành phố.

Những giây phút vắng lặng tiếng động, nhất là vào đêm, dễ đem người ta về thời gian đã qua – những giây phút sống cho chính mình. Tuấn cũng đã khởi sự chìm sâu trong dĩ vãng, một dĩ vãng còn nóng bỏng xúc động và đầy ắp kỷ niệm – Thế mà đã hơn một tháng, khoảng thời gian tối tăm mặt mũi cho công việc sữa soạn phòng triển lãm, không chừa cho Tuấn giờ phút nào để được sống lại với những hình ảnh thân thiết. Câu hỏi đầu tiên hiện đến trong đầu óc Tuấn là “không hiểu giờ này Trâm ra sao, đã khoẻ lại hẳn chưa?” Trận đòn rơi trên thân thể Trâm in hằn trong trí tưởng của Tuấn còn làm chàng rùng mình mỗi lần nghĩ tới. Tuấn nghĩ nếu hôm đó mình không vô tình bắt gặp khi ở phố về có lẽ Trâm đã chết vì cơn điên của người cha. Những lời Trâm kể trước đó được chứng minh cụ thể trước mắt Tuấn. Và chàng đã sững sờ đến không tin nổi sự thật.

Tuấn nuối tiếc đã không gặp được Trâm trước ngày rời bỏ thành phố của biển cả. Chỉ tại mấy thằng bạn đem xe xuống đón sớm hơn dự liệu cả tuần lể. Hy vọng lá thư gửi lại bà chủ nhà sẽ giúp Trâm hiểu – nhưng liệu Trâm có tới được không để nhận thư ? Mà không hiểu tại sao bẵng đi cả nửa tháng mà không thấy Trâm lại? Giận? Ghét? Hay tại gia đình cấm không cho ra khỏi nhà? Tuấn níu kéo vào giả thuyết cuối cùng này để tạm yên lòng – Mặt hồ phẳng lặng tưởng đã vĩnh viễn bình yên không ngờ lại lăn tăn gợn sóng dưới cơn gió thoảng. Chính Tuấn cũng thắc mắc về mình. Lâu ngày Trâm không tới, Tuấn bắt gặp một khoảng trống, rơi vào uể oải và thẫn thờ. Tiếng nói trong như thủy tinh, nũng nịu và ngọt lịm vẫn vẳng lặng bên tai, trong trí khiến Tuấn nhiều lần phải bỏ cọ vẽ ra đứng tựa cửa, đốt liên tiếp những điếu thuốc để rồi giật mình khi thuốc cháy đến tận tay lúc nào không biết. Những khuôn mặt trong tranh có sự sống thực sự thì thầm với Tuấn để bắt Tuấn đứng lại hàng giờ để ngắm, để tưởng có thật và để tâm tình. Tuy nhiên khi trầm tĩnh lại, trở về với thực tại, Tuấn chối bỏ tất cả những gì đã sinh động trong tâm tưởng, những xôn xao trong tình cảm, những vu vơ trong ý nghĩ, những thơ mộng trong hình ảnh vẽ vời. Tuấn tự vạch một lằn mức giới hạn cho mình bằng một xác định của lý trí: vết thương cũ nội tâm vừa thành sẹo non mình không thể dấn thân vào bất cứ một cuộc phiêu lưu tình cảm nào khác nữa ; dĩ vãng đã rướm máu thì không thể để cho tương lai ung mủ. Chỉ có nghệ thuật để sống – Thế thôi! Vả lại Trâm còn nhỏ tuổi, đáng là người em, người cháu, chắc chưa biết gì về chuyện tình cảm thì mình cũng không nên bắt một trái xanh chín sớm : 
 
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua  
 
Đứng như vậy đến quá khuya, Tuấn mới quay vào ; ánh mắt chợt gặp một khuôn hình đặt trên tủ sách. Người con gái có khuôn mặt tròn tóc ngắn, đôi mắt mở lớn, cười trong ảnh. Tuấn tiến lại, nâng khuôn hình lên, phủi bụi, nhếch mép cười ; nụ cười không phải do sự thích thú, mãn nguyện tạo nên, nhưng gượng gạo, không tự nhiên và có cái gì cay đắng, mỉa mai trong đó. Dã Thảo đấy – loài cỏ dại đấy – người tình của Tuấn cách đây hai năm. Đặt chân vào đời chàng đầu tiên để rồi cũng đầu tiên làm cho chàng hoài nghi tất cả khi người con gái đó ra đi, để lại dẫy đầy cay đắng trong tâm hồn chàng. Cuộc tình kéo dài một thời gian ngắn để rồi kết thúc một cách vô vị. Nghĩ lại Tuấn cũng nuối tiếc những ngày tháng tình yêu thơ mộng: Chiều nào Tuấn cũng đến tận cổng trường đón Thảo để rồi hai đứa cùng sóng bước bên nhau dưới hàng lá me, trao nhau những câu nói rất thường, gần như vô nghĩa nhưng lại chất chứa yêu thương, ngút ngàn trữ tình. Lần nào thì Dã Thảo cũng bắt Tuấn hát bài ca lãng mạn của nhạc sĩ Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư) – “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Ôm nghiêng tập vở. Tóc dài tà áo vờn bay... Em đi dịu dàng. Bờ vai em nhỏ. Chim non lề đường nằm im dấu mỏ” ... rồi thì Dã Thảo hát khẽ “Kinh cầu tình yêu” – “Lạy trời cho con thương người con thương... Lạy trời cho con thương người con thương... Và lạy trời xui người con thương thương con, thương con, thương con, thương con đời đời... ". Thế mà không ai ngờ mối tình thơ mộng đó lại có thể chấm dứt được: Đậu xong tú tài toàn phần, Thảo đi làm cho một cơ quan ngoại kiều. Cũng từ ngày đó, tiếp xúc với một xã hội xô bồ, Thảo đổi thay, đua đòi chưng diện và son phấn. Những lời khuyên răn của Tuấn chỉ được trả lời bằng những thái độ lạnh nhạt, mỉa mai hay khinh khỉnh. Như con thiêu thân, Dã Thảo quay cuồng trong những cơn sóng vật chất. Cô nữ sinh trong trắng và hồn nhiên ngày nào đã hoàn toàn chết trong một Dã Thảo của cuồng loạn. Tình yêu không còn mầu nhiệm nữa. Cuối cùng Thảo đã chấm dứt niềm hy vọng của Tuấn bằng một câu nói tàn nhẫn: “Đừng theo đuổi tôi nữa. Tôi chán ngấy cái thứ ái tình không tưởng của anh rồi!”. Và chừng hai ba tháng sau Tuấn được tin Dã Thảo đã chính thức sống chung với một người đàn ông ngoại quốc.

Ngày đó Tuấn tưởng chừng như cả bầu trời sụp đổ. Mấy đêm liền, trên căn gác trọ chật chội Tuấn ngã gục bên những vỏ chai rượu. Nỗi buồn da diết bám sát Tuấn trong từng giây phút. Mắt quầng thâm và trũng sâu vì mất ngủ ; các đầu ngón tay vàng đen vì khói thuốc. Tuấn bỏ cọ vẽ, bỏ thế giới hội họa để tự đầy đọa trong vực thẳm tủi hận. Thân hình gầy guộc lang thang trên các hè phố như một thằng điên. Thật ra Tuấn không trách Thảo đã bị hoàn cảnh thay đổi, nhưng oán thù thân phận mình. Chàng cho rằng chỉ vì nghèo mà đành để bao mộng ước bị đui chột. Có lần Tuấn trách trời đất đã tác tạo chàng trong kiếp sống nghệ sĩ để rồi bây giờ và mãi mãi vẫn luôn trắng tay...

 Tuy nhiên theo thời gian, nhờ những lời khuyên can và khuyến khích của bạn bè Tuấn dần dần nguôi ngoai, lấy lại được phần nào bình tĩnh và quân bình tâm hồn. Vết thương nội tâm với ngày tháng dịu dần đi. Và Tuấn trở lại với hội họa. Chàng bắt đầu nhận ra rằng chỉ có nghệ thuật là chung thủy trọn nghĩa và là ý sống của cuộc đời. Bạn hữu thường xuyên đến với Tuấn bằng những khích lệ chân tình. Tuấn say mê vẽ. Mục tiêu gần nhất của Tuấn là cố gắng thực hiện cho bằng được một cuộc triển lãm các tác phẩm do chàng sáng tạo. Chàng di chuyển thật nhiều – đi hết tỉnh nọ đến miền kia – để tìm đề tài và cảm hứng. Trong những chuyến đi chàng đã nhận thấy quê hương mình thật đẹp, thật gấm vóc, thật tuyệt vời. Thiên nhiên của rừng núi trùng điệp, của những cánh đồng phì nhiêu và thẳng cánh cò bay, của sông dài, biển rộng, của trời đất bao la vô tận... đã tác tạo niềm vui cho Tuấn. Lạc quan đã chen sỏi đá vươn lên trong tâm hồn người họa sĩ trẻ tuổi để rồi được thể hiện, được hiện nguyên hình trong từng nét vẽ, trong các họa phẩm. Và nhất là từ ngày đặt chân tới một miền duyên hải, gặp được một tâm hồn “mê biển kinh khủng” thì Tuấn lại có cảm tưởng đất khô cằn đã nở hoa...
 
Dòng dĩ vãng chấm dứt, Tuấn trả khuôn hình người tình xưa về chỗ cũ. Tuấn lững thững bước ra balcon, mở tung cánh cửa. Khí lạnh chụp lấy chàng. Một điệu nhạc về đêm từ nhà ai còn thức khuya như chàng vọng đến. Trong sự hoang tịch của đêm Tuấn nghe rõ từng chữ trong tiếng hát khàn đục của người nữ ca sĩ – «... tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây. Những bước chân mềm mại đã đi vào đời người như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi... ». Những ngày trước mỗi lần nghe bài hát này Tuấn lại buồn ray rứt; mỗi nốt nhạc như kim nhọn xoáy tận đáy tâm hồn chàng. Giờ đây cũng bài hát đó, cũng những từ ngữ và âm thanh đó, tình cảm của Tuấn cũng xao động nhè nhẹ ; tuy nhiên cái xao động đó xuất phát từ nét diễm tuyệt của âm nhạc thuần túy, từ tính chất liêu trai của giọng ca giữa đêm – thế thôi – chứ tuyệt nhiên không vì một hình ảnh dĩ vãng nào...
 
Tiếng người xướng ngôn viên giới thiệu tiếp một bài thơ của một thi sĩ thời tiền chiến được “giao duyên” với bài hát vừa được trình bày. Thính giác của Tuấn không bỏ sót một tiếng nào. Giọng ngâm thật ấm, trầm, thật ngọt lịm như ru hồn người, len thấm vào từng tế bào, từng huyết quản li ti của Tuấn khiến chàng như đang sống trong một cõi hôn mê:
 
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ em của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đương cười ở phương trời,
Nhớ đôi mắt đứng nhìn anh đăm đắm.
Em! Xích lại! Và đưa tay anh nắm!” 
 
Bài thơ như có huyền lực làm thức giấc toàn diện tình cảm của Tuấn – thứ tình cảm của thời còn cắp sách tới trường – lần đầu tiên trong lứa tuổi mới lớn biết nhớ nhung một bóng hình rồi cả đêm thức trắng, làm thơ tỏ tình – thứ tình cảm thật nhẹ nhưng thật đằm thắm. Chàng như quên bài thơ mà chỉ mơ tưởng đến những hình ảnh do bài thơ tạo nên. Tâm trí chàng bay bổng về một chân trời, nơi đó có một người con gái chất phác, thật hiền dịu, thật dễ thương, nhưng lại đau khổ về thể chất, cô độc trong tâm hồn, nơi đó có biển trời bao la, có tiếng sóng độc điệu muôn thuở, có những cánh chim chiều chiều tìm về tổ ấm. Nghĩ tới nơi đó Tuấn thấy tâm hồn mình ấm lại.

Khi ánh đèn nhà bên kia tắt phụt, tiếng âm nhạc chết lặng, trả lại sự tĩnh mịch tuyệt đối của đêm, Tuấn quay vào, nằm vật xuống giường, đốt thêm điếu thuốc. Những vòng khói bay lên, dán trên đỉnh màn. Một làn gió mạnh hất tung mấy tờ giấy trên bàn xuống mặt sàn gạch. Tuấn không để ý.

Một lúc sau những dòng tư tưởng đang sôi động trong đầu óc Tuấn dịu xuống, tắt dần. Mẩu thuốc lá thoát khỏi hai đầu ngón tay, rớt xuống sàn gạch. Đầu Tuấn nghẹo sang một bên. Chàng đã thiu thiu ngủ tự bao giờ...
 
 Tuấn thấy mình lang thang trên bờ biển. Gió từ ngoài khơi đưa vào mát rợi. Chàng nhìn bao quát đại dương và cảm thấy một sự quạnh hiu bao la mà trong đó chàng hiện hữu. Những tia sáng mặt trời như đốt cháy mặt biển, ánh nắng phản chiếu xuống tấm gương trong dội lên làm chóa mắt Tuấn. Ở phía xa, nước biển lại xanh đậm, đậm đến độ như đã hóa thành màu tim tím. Tuấn không còn phân biệt được đường vòng chân trời. Tuy nhiên mắt chàng như bị thu hút bởi những ngọn đồi nổi bật hẳn lên nhờ tràn đầy ánh sáng. Những đám mây bao quanh đỉnh núi cho Tuấn có cảm tưởng ngọn núi được phủ tuyết. Trước mặt Tuấn một con chim biển với đôi cánh dài vẽ những đường vòng tròn trên nền trời. Bỗng con chim đâm thẳng xuống mặt nước rồi lại vụt lên làm tung tóe những giọt nước long lanh như thủy tinh...
 
Tâm hồn Tuấn trải rộng như mặt nước mênh mông. Chàng tiếc đã không đem theo giá vẽ và sơn mầu để chụp thiên nhiên lại trên khung vải. Nhớ lại một bài thơ đã thuộc khi còn là một cậu học trò bạch diện thư sinh nhưng nổi tiếng đa tình, Tuấn ngâm nga:

“Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
 Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
   Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
   Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
 
  Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
  Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
  Thơ học trò anh chất thành non
 Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu...  

Đang “ru với gió... và vơ vẩn cùng mây” bỗng Tuấn giật nẩy mình khi hai bàn tay ai từ phía sau bịt lấy đôi mắt chàng rồi tiếp theo là một tràng cười lanh lảnh. Tuấn đã nhận ra người nào rồi, tuy nhiên lại không muốn mất vội cảm giác ngây ngất đang được chuyền từ những ngón tay thon nhỏ mát lạnh vào da thịt chàng nên Tuấn giả vờ không biết:

- Ai vậy ?

Tiếng cười trong vắt lại nổi lên kèm theo một giọng nói đã được làm biến đổi cho không còn tự nhiên:

- Đoán thử coi? Đúng được thưởng!

Tuấn thích thú cười theo đồng thời kể một số tên tưởng tượng:

- Dung phải không ?

Im lặng. Tuấn tiếp:

- Thắm phải không ? Nguyệt phải không ? Thúy ? Hồng ? Hiền ? Thôi đúng là Tiên rồi ?

Đôi bàn tay trên mặt Tuấn lỏng ra. Tuấn quay lại, đóng kịch bằng một bộ điệu ngạc nhiên:

- Ồ Trâm! Thế mà chú không nhận ra chứ!

Nhưng trái với điều Tuấn nghĩ, Trâm đang vùng vằng bỏ đi. Tuấn sửng sốt thực sự:

- Ủa, sao đang yên giận chú vậy ?

Trâm vẫn không thèm quay đầu lại. Tuấn theo sát bên:

- Chú đâu có làm gì ?

Bộ mặt dỗi hờn của Trâm nhìn thật dễ thương ; Tuấn muốn được ngắm mãi, nhưng trước thái độ đổi thay bất chợt của Trâm, chàng lại ngại ngùng không dám kéo dài giây phút thần tiên này:

- Thôi cho chú xin đi, rồi muốn gì chú cũng đền.

Trâm phụng phịu:

- Hổng thèm!

- Chú sẽ vẽ tặng cháu ba bức tranh thật tuyệt!

- Hổng thèm!

- Hay chú sẽ đưa cháu đi… ăn cà rem này, đi xem các thắng cảnh này, rồi coi chớp bóng nữa…

- Hổng thèm!

- Đúng rồi, chú sẽ đưa cháu về Sàigòn chơi để...

 - Hổng thèm! Hổng thèm!

Tuấn bắt chước giọng giận dỗi:

- Thôi, nếu “hổng thèm” thì chú... đi về vậy. Ở đây “người ta”... ”hổng thèm” chơi với mình thì chẳng thà về ngủ còn sướng hơn.

Nói rồi Tuấn giả vờ bỏ đi. Trâm cuống quít:

- Chú! Chú Tuấn!

Tuấn làm như không nghe thấy gì, thản nhiên bước đi. Tiếng gọi đằng sau tức giận thét lên:

- Chú Tuấn!

Tuấn đành dừng chân, quay lại. Trong khóe mắt của Trâm đã long lanh hai giọt lệ
Đúng là cô bé mau nước mắt, “mít ướt” quá đi mất thôi Tuấn nghĩ vậy, mỉm cười:

- Còn giận “người ta” nữa thôi ?

Tay vân vê vạt áo, đầu hơi cúi thấp, đôi môi chu lại trong dáng điệu nũng nịu, Trâm ngập ngừng:

- Ư... ư... ai bảo trêu “người ta” ?

Tuấn ngạc nhiên, mở tròn mắt:

- Ủa, trêu hồi nào ?

- Còn không nữa!

- Sướng chưa! Chính cháu trêu chú trước chứ! Hỏi ai bịt mắt “người ta” trước rồi còn đổi giọng nói đi nữa chứ!

- Thế... ai kể tên những... người khác ?

Tuấn chợt thoáng hiểu, sung sướng trong lòng, nhưng vẫn làm ra vẻ ngây ngô:

- Thì “người ta”... đoán sai chứ bộ!

Giọng Trâm trở lại buồn buồn:

- Chú... quen... nhiều cô ghê!

Tuấn phá lên cười. Trâm ngạc nhiên:

- Sao lại cười ?

- Chú quen ai ? Hồi nào ?

- Thế những cô Thắm, cô Nguyệt, cô Thúy, cô Hồng, cô Hiền, cô Tiên chú vừa kể là gì đó ?

Tuấn lại cười ; nước mắt chảy cả ra. Trâm hơi khó chịu:

- Chú cứ cười hoài. Bộ... khinh cháu hả ?

Sợ Trâm giận nữa, Tuấn làm hòa:

- Những tên cô đó là do chú tưởng tượng ra đấy. Thật ra chú chỉ có... mình cháu mà thôi.

Trâm đỏ mặt, chớp chớp hàng mi cong vút:

- Cháu... không tin!

- Chưa bao giờ chú nói dối cháu.

- Thiệt hôn ?

- Chú thề...
   
-- Ứ... ừ...

Chợt giọng Tuấn nghiêm lại như vừa thoáng khám phá ra điều gì quan trọng:

- Cháu đứng yên, đừng nói, đừng động đậy gì cả.

Trâm nhíu mày, nghiêng nghiêng mặt:

- Gì vậy chú ?

- Đừng nói.

- … Ủa...
 
Nhìn sâu trong đáy mắt Trâm, Tuấn nói say sưa:

- Mắt cháu đẹp tuyệt vời. Chú có cảm tưởng tất cả biển xanh, tất cả trời mây, tất cả vẻ hoàn mỹ của vũ trụ đều nằm trong đôi mắt của cháu, ước gì...
 
Tuấn chưa nói hết câu, Trâm đã nóng ran cả người, ngượng ngùng không dám ngước nhìn lên, vội vàng quay đi:

- Chú... chú... nói... kỳ quá à...

Vẫn như trong trạng thái hôn mê, Tuấn nói bằng hơi thở:

- Cháu đẹp lắm, Trâm ạ. Chú có thể...

 - Cháu... hổng chịu đâu. Hôm nay chú lạ ghê!

- Trâm!

- Chú lại sắp trêu cháu rồi đó.

- Nghe chú nói điều này mà từ lâu...

 - Thôi... hổng thèm đâu!

- Trâm ạ, từ lâu chú đã thầm...

- Cháu biết rồi, chú lại trêu cháu chứ gì ?

- Không, điều này quan trọng lắm...

- Hổng thèm đâu!

Nói xong Trâm rời khỏi tay Tuấn, cất tiếng cười hồn nhiên rồi vụt chạy. Tuấn đuổi theo, bắt kịp Trâm. Hai bàn tay nắm lấy nhau. Những cụm mây trắng bay xà xuống bao chùm lấy Trâm và Tuấn. Bãi biển đã biến thành một thế giới thần tiên ; tiếng sóng là những điệu nhạc trầm bổng ; những cánh buồm đang rẽ sóng ngoài khơi thành những xe loan phụng ; và những rong biển là những dải hoa kết giăng nối kết các vì sao lấp lánh. Trâm chỉ cho Tuấn ngọn núi phía xa:

- Chúng mình lại kia đi chú Tuấn.

Hai người bay bổng bên nhau như đôi cánh hạc. Không ai nói thêm câu gì, như để thầm trọn hưởng hạnh phúc tuyệt hảo hiện hữu.

Nhưng khi Tuấn và Trâm vừa đăt chân xuống đỉnh núi thì một tiếng nổ vỡ tung trên không gian. Lập tức các vì sao hêt lấp lánh, tối đen, những cụm mây bạc tan nhanh, các cung nhạc tắt lịm. Chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra, Tuấn và Trâm lại rơi vào một kinh ngạc khác. Trước mắt hai người, đang bay lại một đám đông với những tiếng la hò dã thú ; dẫn đầu là một người đàn ông và một người đàn bà mà dáng vẻ hết sức quen thuộc tuy rằng đầy chất hung bạo. Trâm chợt la lên:

- Trời ơi, ba!

Tuấn cũng lắp bắp:

- Dã Thảo! 
 
Trâm nép vào bên Tuấn cầu xin sự che chở trong khi ông Thịnh và Dã Thảo đã tiến lại gần với bộ mặt đằng đằng sát khí, đôi mắt tóe lửa, miệng đầy máu và hai răng nanh nhọn hoắc nhe ra. Đàn quái vật bao quanh Tuấn, Trâm đồng thời cất lên những tiếng cười đắc thắng ghê rợn. Tuấn đẩy Trâm lại phía sau để một mình lãnh nhận hết những hiểm nguy sắp ập tới.

Tiếng ông Thịnh gầm vang:

- Trâm! Mày theo trai, tao giết mày!

Và tiếng Dã Thảo rít lên:

- Tuấn! Tên phụ tình, tao giết mày!

Trâm vội vàng xin trong nước mắt:

- Con xin lỗi ba. Ba tha lỗi cho con.

- Không tha gì hết! Mày phải chết!

- Tội con mà ba! Con sẽ theo ba về nhà.

- Ha! Ha! Ha!

Cố gắng trấn tĩnh, Tuấn chỉ vào mặt Dã Thảo:

- Chính cô mới là đứa phản bội. Cô tham vật chất, cô mê tiền bạc, dục vọng mà bỏ tôi!

- Ai bảo mày nghèo ?

- Đó chỉ là cái cớ để cô chà đạp tình yêu!

- Nhưng bây giờ mày phải về với tao!

- Không!

- Mày mê con bé kia hả ?

- Đúng!

-Vậy tao phải giết cả hai đứa!

- Dã Thảo!

- Mày muốn gì nữa ?

- Cút ra khỏi đây!

- Ha! Ha! Ha!

Tuấn và Trâm lui dần. Vòng vây của đàn quái vật khép chặt hơn. Cơn sợ hãi lên cực độ khiến Trâm bủn rủn thân thể, không còn làm chủ được các cử động. Tuấn, một tay đỡ Trâm, một tay cầm sẵn một hòn đá chờ đợi. Cả hai như đều thấy trước thảm kịch và cái chết tàn khốc. Trước mặt, ông Thịnh đã đổi vị trí cho Dã Thảo. Tay cầm cây gậy sắt nhọn hoắc, tay cầm một đuốc lửa, ông Thịnh tiến thẳng lại phía Tuấn:

- À, thì ra thằng này! Mày cám dỗ con gái tao!

- Ông Thịnh, ông lầm! Cả hai chúng tôi yêu nhau mà.

- Yêu ? Yêu ? Ha! Ha! Ha!

- Chúng tôi sẽ xin phép ông cưới hỏi đàng hoàng.

- Cưới ? Hỏi ? Ha! Ha! Ha!

- Hãy nghĩ tới hạnh phúc của con ông.

- Trả con tao đây! Trả con tao đây! Tao giết mày! Thằng khốn nạn kia! Trả con tao đây!

Trong khi đó Dã Thảo cũng cầm cây đinh ba vòng lại phía sau, sửa soạn nhào vào đâm Trâm:

- À, thì ra con này cám dỗ người tình của tao.

- Thưa... chị... em... đâu biết gì!

- Mày, mày, con khốn nạn! Mày biết không hơn hai năm nay tao đi tìm thằng Tuấn, không ngờ chúng mày du dương ở miền biển này.

- Em... xin lỗi chị!

- Vậy trả thằng Tuấn lại cho tao! Trả tao!

- Không! Em yêu Tuấn!

- Tao giết mày! Mày đã cướp tình nhân của tao.

- Em van chị! Em... không thể xa Tuấn được!

- Vậy mày phải chết! Mày phải chết!

- Trời ơi!

Bầy ác thú được lệnh ập vào, cắn xé. Tuấn chống đỡ mãnh liệt, nhưng vẫn không để rời Trâm. Tuy nhiên chỉ một lúc sau Tuấn đuối sức. Ông Thịnh giơ thanh sắt bổ vào đầu Tuấn ; chàng ngã người xuống né tránh thì cũng vừa đúng lúc Dã Thảo chụp được tóc Trâm. Say máu, ông Thịnh nhào tới giáng trên người Tuấn những trận đòn thù. Người mang đầy thương tích, bê bết máu, nhưng Tuấn không cảm thấy đau bằng khi nghe tiếng cầu cứu vô vọng của Trâm:

- Anh Tuấn! Anh Tuấn!... cứu em!

Trâm cũng đang chịu những mũi nhọn đâm nát thân thể. Dã Thảo vẫn sặc sụa cười man rợ, xoắn tóc Trâm vào cán cây đinh ba, kéo lê nàng trên những tảng đá nhọn. Tuấn muốn chạy lại cứu người yêu nhưng hai ống chân đã bị Ông Thịnh đập vỡ. Chàng dướn người lên, thều thào:

- Trâm... chờ... anh...

Tuấn lơ mơ thấy Dã Thảo kéo Trâm đến bờ vực thẳm. Hiểu ý định thâm độc của Dã Thảo, Tuấn cố gắng lết lại, nhưng ông Thịnh đã vội lấy chân đè lên mặt Tuấn đồng thời đặt thanh sắt nhọn trên cổ chàng. Tiếng cười của Dã Thảo vẫn nổi lên ghê sợ. Ông Thịnh ra lệnh:

- Ném nó xuống!

Tức thì Dã Thảo đẩy Trâm xuống vực thẳm. Tuấn nhắm mắt lại để khỏi nhìn thấy thảm cảnh. Bỗng tiếng Dã Thảo vang lại:

- Giết nó đi !

Tuấn chưa kịp phản ứng gì thì ông Thịnh đã mím môi, ấn mạnh thanh sắt nhọn xuống cổ chàng. Tuấn thét lên...
 
Tuấn thét lên thực sự rồi mở choàng mắt. Chàng nhận ra mình vừa sống trong một giấc mơ. Nét kinh hoàng còn in trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi.
 
Ngoài song cửa, trời tối đen.

Tuấn nhớ lại chàng đang phác họa những bức tranh thơ mộng từ một bài thơ nghe được từ một máy phát thanh về khuya rồi thiếp đi lúc nào không biết, rồi nằm mơ thấy đươc gặp lại Trâm ở ngoài bãi biển ; hai đứa đang say sưa với hạnh phúc thì gặp bầy yêu quái do ông Thịnh, cha Trâm và Dã Thảo, người tình cũ, cầm đầu... rồi trận ác chiến xẩy ra... rồi Trâm bị xô xuống vực thẳm và chàng bị đâm... Tiếng tim vẫn đập đập dồn trong lòng ngực ; mồ hôi rịn ướt da thịt, Tuấn vẫn còn cảm giác sống trong kinh hoàng. Tự nhiên Tuấn cảm thấy sợ – sợ cho Trâm. Nghĩ tới trận đòn tàn nhẫn Trâm chịu trước mặt mình ngày nào Tuấn lo lắng vô cùng – không hiểu bây giờ Trâm ra sao – mình phải về cứu Trâm, đem Trâm đi... Tuấn cố gắng lùa ra khỏi trí tưởng những hình ảnh đen tối.

Tuấn trườn người với bao thuốc nằm trong góc giường, nhưng không còn điếu nào. Tuấn đứng dậy, làm một vài động tác cho tỉnh người. Khi đi ngang qua khung ảnh của Dã Thảo, không hiểu nghĩ gì, Tuấn lật úp xuống rồi lấy mẩu nhang đốt muỗi dưới gầm giường, đốt lên, đặt trên khung hình. Làn khói uốn mình vươn lên cao.

Tuấn ra balcon. Gió đêm mát rượi làm chàng dễ chịu, thanh thoải, tuy nhiên những hình ảnh trong cơn ác mộng vẫn bâu đầy trong tâm trí Tuấn – phải chăng giấc mơ dữ dằn vừa rồi là dấu hiệu báo trước một tương lai – của Tuấn, của Trâm – sẽ dẫy đầy đá nhọn, vực thẳm và máu, nước mắt ? – Tại sao lại có mặt Dã Thảo ? Nàng sẽ quay trở lại phá phách hạnh phúc của ta của Trâm ?… Tuấn lẩm bẩm – phải về cứu Trâm, đem Trâm đi với bất cứ giá nào, gạt hết những ngại vật, chiến thắng bất cứ nhân vật nào – phải về… phải về…

Trên nền trời đen đặc, những vì sao thi nhau lấp lánh. Tuấn nhìn lên. Chàng tìm dải sao mang hình chữ T mà đã có lần Trâm nói là: “Tên chú và tên cháu đã đươc ghi trên trời, chắc khi chết chú cháu mình sẽ lại đươc gặp nhau”. Tuy nhiên Tuấn để ý nhất là gần đó có một vì sao thật nhỏ, nhưng thật sáng, đứng riêng biệt. Vì sao thật lẻ loi, tội nghiệp. Tuấn thầm nghĩ ước gì mình biến thành một vì sao khác để bay lên kết bạn với vì sao cô độc đó... Bất giác Tuấn mỉm cười với ý tưởng đơn sơ này... 
 
Ngước mắt nhìn lên
Rừng sao chi chít
Anh tìm hình em
Vì sao xa tít

Gió ơi, gió ơi!
Xin gió thổi mạnh
Cho vì sao rơi
Để hồn đỡ lạnh


Giữa biển sao đêm
Anh tìm thấy một
Vì sao sáng nhất
Sao đó là em …

__________________________________________________________________ 

Xem tiếp CHƯƠNG BỐN