Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

CHƯƠNG II_VƯỢT ĐÊM DÀI



CHƯƠNG II


Mấy năm trước cha mẹ Tâm cũng không đến nỗi nào. Gì chớ thứ xôi thì nó ăn phát ngấy lên tận cổ, vào ngày mùa. Đôi khi nó còn được ăn bún, ăn bánh nữa kia. Mùa gặt tới, cha mẹ nó đi gặt suốt ngày ngoài đồng. Tâm qua nhà dì Tư ăn cơm nhờ. Chiều về mẹ nó mang một rá to đầy nhóc bún mà bà đổi lúa ngoài đồng lúc xế.

Khoai lang bò lổm ngổm dưới gậm giường và cánh phản. Tâm thù thứ phó sản này lắm vì Tâm chê là ăn bứ. Bún Tâm ưa hơn, con bún mềm mại, dài và trắng muốt, mỗi lần và qua cổ cứ trôi tuồn tuột đi, mát ơi là mát !

Thình lình, người ta nhộn nhịp lên vì chuyện đánh nhau sao đó. Một đôi người vội vã bỏ làng thiên cư lên Sài Gòn, vì theo họ đất này dễ sống, dễ làm ăn, hái ra vàng. Đó là những người giàu có nhất.

Cha mẹ Tâm không đi và nhiều người nữa cũng không. Họ bám vào đất đai, ruộng vườn khăng khít tưởng như không bao giờ rời bỏ được, trừ cái chết.

Nhưng mà từ đó nhiều đêm Tâm bị đánh thức lôi cổ xuống hầm trú ẩn vì những tiếng súng nổ dữ dội sát bên hè. Lâu dần, súng không chỉ nổ ban đêm mà còn nổ ngay giữa ban ngày. Có người bị lạc đạn chết ngoài ruộng khi đang gieo mạ hay đang cuốc đất trong vườn. Trường làng đóng cửa. Ban đêm, nghe một tiếng chó sủa đầu xóm là mọi người toát mồ hôi vì kinh hãi. Cái chết đến bất ngờ, dễ dàng đáng kinh sợ thật. Cho đến sau cùng thì một số người gan lì nhất cũng phải bỏ làng. Cha mẹ Tâm thuộc trong số đó.

Tâm còn nhỏ quá nên không thấy quyến luyến buồn rầu gì. Nó tưởng đó cũng là một chuyến đi chơi xa như lên thăm bà ngoại ngày trước khi bà còn, vậy thôi. Tâm không ngờ rằng gia đình mình đi vào ngã rẽ. Cha Tâm vốn là nhà nông chuyên nghiệp, sểnh lưỡi cày, cán cuốc, thúng mạ, bó rơm ông ta ngơ ngác, lúng túng tựa cá rời mặt nước, chỉ thoi thóp thở, chờ ngày…

Phải công bình mà nhận rằng ông không phải hạng đàn ông say sưa, hung tợn hay ăn bơ làm biếng. Ông ta đã cố sức tranh sống, chấp nhận hoàn cảnh mới, xoay sở đủ cách, song có thể ví ông ta như con rùa bị lật ngửa, ông ta không thể nào tự mình lật sấp trở lại hay thoát khỏi cái mai lịch kịch nặng nề kia.

Rời quê hương với một sản nghiệp gồm có ít quần áo, chăn mền, nồi niêu và mấy tờ giấy bạc mỏng tanh tanh, gia đình ông ta nào có gì làm vốn ? Ở làng, cha Tâm không phải hạng nghèo mạt, không có tấc đất cắm dùi, song khi ra đi thì đất đai ở lại, tình trạng ông ta chẳng khác chi những cùng đinh khác. Đất đai từ nay mặc nắng lửa mưa dầu, cỏ hoang tha hồ hút hết phân phóng mà cha Tâm từng đổ mồ hôi chăm bón. Cha Tâm gục đầu vào hai bàn tay khóc tựa như đứa trẻ và tiếng khóc lớn dần cho đến lúc tiếng động cơ của chiếc xe đò ọp ẹp nổi lên. Tiếng động cơ làm cho ông cảm thấy kinh sợ, hãi hùng. Và rồi, sự lo lắng, kinh sợ lấn át nỗi đau đớn sắp phải lìa quê, ông ráo hoảnh mắt, lắng tai nghe những người tỏ ra thành thạo, từng sinh nhai tại đô thị kể lại những khó khăn, vất vả mà họ trải qua.

Cũng trên chiếc xe đò ọp ẹp đó, ông ta lại nghe người khác khuyên cứ bình tĩnh, đô thành khối việc chờ mình. Trông vẻ băn khoăn của cha Tâm, người kia trấn an :

- Ông bạn đừng lo, vạn nhất không tìm ra việc thì đã có cơ quan từ thiện nuôi cơm…

- Ô, không ! (Cha Tâm đỏ mặt lên) tôi đâu có định đi xin ? Tôi mạnh khoẻ, chỉ muốn hỏi cho biết công chuyện làm ăn…

- Đừng ngại, bồ ! Cứ tin tôi, bồ ! Đã nói rồi, khối việc mà.

Gã đàn ông thân mật một cách bất ngờ, vỗ vai cha Tâm,nói. Dù không mấy tin tưởng lời hắn, cha Tâm nào biết tựa vào đâu cho vững lòng ? Hắn là tấm ván mục trôi trên sóng nước mà cha Tâm thì quả đuối sức rồi ! Tuy càng ngắm kỹ hắn, người nông dân chất phác kia càng thấy rõ hắn là một tên vô lại, là thứ người chưa từng sống bằng cách đổ mồ hôi, cha Tâm vẫn cứ lắng tai nghe hắn huênh hoang, hy vọng hiểu biết gì đôi chút về cái thành phố mình sắp trôi giạt đến.


*


Quả thật, nhờ những lời chỉ dẫn của gã nọ, cha Tâm tìm ra được một chỗ trọ tạm thời trong hẻm Bàn Cờ và mướn được chiếc xích lô đạp. Đó là cái nghề bất đắc dĩ mà cha Tâm có thể làm được nếu không muốn ăn xin hay… chết đói.

Trông người ta làm thì dễ, nhưng đến khi mình mang xe ra khỏi đó rồi cha Tâm mới cảm thấy tất cả khó khăn đang đợi, đón mình. Mồ hôi vã ra như tắm cha Tâm mới đạp xe về đến chỗ trọ. Sử dụng được chiếc xe mất hết nửa ngày ròng. Phải cẩn thận thế, cha Tâm không dám liều lĩnh rước khách ngay, phần thì chưa biết luật giao thông, phần nom thấy xe cộ nườm nượp ông tưởng như mình sắp bị lôi đi, bị chà nát, cuốn trôi, bị nhận chìm trong làn sóng xe và người ngoài công lộ.

Ông tưởng như cả trăm cặp mắt đều đuổi mãi theo sau lưng mình mà mỉa mai, bàn tán, xì xào về chuyện ông bỏ làng, bỏ đất lên Sài-gòn làm cái nghề kỳ quái !

Mẹ Tâm hớn hở ra mặt khi thấy chồng về, còn Tâm, nó vỗ tay nhiệt liệt, và một hai nằng nặc đòi cha chở đi thử một vòng cho đến lúc mẹ nó quắc mắt lên, doạ phết vào đít, nó mới thôi.

Phải mất hai ngày trời cha Tâm mới dám đón khách. Và chỉ dám chạy những đường thẳng, những quãng gần. Cuốc đầu tiên được mười đồng bạc, cha Tâm mừng cuống. Ở nhà quê ông ít khi nắm giữ tiền bạc trong tay. Mười đồng không phải nhỏ đối với người nông dân ngờ nghệch đó, ông ta mừng lắm.

Nửa ngày ròng rã, đếm lại thấy trả tiền thuê xe xong, mình còn có hai mươi đồng bạc, người đàn ông bỗng rời rã, kinh hoàng.

Cố trấn tĩnh, cha Tâm định thuê chạy cả buổi chiều luôn, song suy nghĩ một lát, cha Tâm biết rằng không thể được. Tuy quen làm việc nặng, nhưng công việc cày cuốc gieo vãi khác xa việc đạp xe. Nó kỳ cục làm sao chứ ! Lại còn phải lanh miệng mời mọc, nếu không kẻ khác tranh mất mối đi, cha Tâm không quen… Nguyên một việc không thạo đường cũng bất lợi rồi. Cha Tâm sợ nhất là phải gặp người làng. Cũng may, chưa bao giờ ông lâm vào trường hợp đó, Sài-gòn rộng lớn quá.

Mỗi chiều về, ông mệt phờ, đêm nằm kêu rên không ngớt. Mẹ Tâm mua dầu nóng xoa bóp cho chồng.

Nhiều bữa trưa, gặp mối bất ngờ cha Tâm không về nhà ăn cơm được, ăn ngoài thì đắt, thành ra ăn uống thất thường. Dần dần, quen bè, quen bạn, cha Tâm vào quán làm cốc rượu cho giãn xương theo lời khuyên của vài đồng nghiệp mới !

Ông dần dà đổi tính : càng ngày càng thô lỗ, cục cằn. Ông thấy vợ và con bỗng trở thành gánh nặng
một điều trước nay ở quê nhà ông không hề để ý Những buổi trưa nắng lửa của Sài-gòn, phải gò lưng đạp một cuốc xe, mồ hôi tuôn ra, ướt đẫm cả áo, chảy từ trán xuống, qua khỏi lông mày, chui vào cả mắt chát ngăn ngắt và sức lực ông ta hình như cũng tiêu tán theo những giọt mồ hôi ấy ! Đó lại cũng là một sự khác biệt mà hồi ở nhà quê ông không hề cảm thấy. Ở nhà quê ấy ư : những giọt mồ hôi làm ông ta phấn khởi khoan khoái thêm lên và mỗi chiều ngồi vào mâm nhai cơm lức một cách ngon lành. Bây giờ đây, gạo đô thành trắng quá, nhạt thếch, phải dùng rượu để cho bớt chán.

Đã thôi đâu, hai tiếng báo động : hết gạo luôn luôn được thúc giục, nhắc nhở bên tai người đàn ông. Hết gạo ? Đó đâu phải là phần việc của ông ? Hồi ở nhà quê, có bao giờ ông phải quan tâm đến điều nhỏ nhặt đó ? Lúa trong bồ, cứ việc xúc ra xay, giã, dần, sàng rồi đổ vào khạp đậy kỹ, ăn dần. Hết gạo là chuyện của bọn đàn bà, con nít chứ ! Đàn ông, người ta chỉ lo việc đồng áng, việc gieo vãi, cày bừa, gặt đập. Có bao giờ ông ta phải đong gạo bữa như bây giờ đâu ? Đong gạo bữa ! Nghe mới tủi cực làm sao ! Mỗi lần nhớ tới điều này, người đàn ông thấy nghẹn ở cổ như khi vội vàng nuốt trộng một búng cơm to. Nhưng chưa, đó chưa phải là điều làm ông ta tủi cực nhất. Điều làm ông thấy mình thấp thỏi, cực nhục nhất là chứng kiến cảnh đồng nghiệp tranh mối của nhau, và tệ hơn nữa là thấy mình cũng nhiễm họ tự hồi nào không kịp biết !

Càng ngày, số tiền ông giao cho vợ càng ít dần, trong lúc gạo, củi, mắm, rau cứ đều đặng tăng, tăng không ngớt.

Gã đàn ông gặp trên chuyến xe đò lần đầu, gã đàn ông mà thoạt gặp cha tâm đã biết ngay rằng không phải thuộc hạng người kiếm sống bằng cách đổ mồ hôi đó, tuy trong lòng không có cảm tình nhưng ông luôn luôn nhớ cái ơn trời bể của hắn ta : đã chỉ vẽ đường đi nước bước, đã tìm giúp chốn ở nơi ăn, đã bày cách cho ông mướn xe kiếm gạo. Hắn thường nham nhở bòn sạch cả đồng bạc cuối cùng trong cái ví bằng bẹ chuối
kỷ vật mang tự quê lên được chủ nhân nâng niu giữ kỹ vốn luôn luôn lép kẹp của cha Tâm. Hắn tự cho mình có quyền làm thế, mà buồn cười thay, cha Tâm cũng thấy mình có bổn phận phải đối xử như thế. Chỉ tốn nước bọt thôi, gã ta sống rất nhàn, làm cho đôi khi người đàn ông quê mùa thoáng thấy thèm khát cuộc sống đó, may thay, chỉ một thoáng cha Tâm nóng bừng mặt lên vì xấu hổ, gạt ngang cái ý nghĩ này ngay.

- Ê ! Bồ ! Ngừng xe lại, vô quán làm xị đế coi. Tội gì mà cứ hành xác chớ ?

Cha Tâm ghé xe sát lề tay phải, theo chân gã đàn ông, tuy trong lòng rất muốn phản đối.

Ngày tháng trôi qua, lòng biết ơn của cha Tâm đã, không chỉ làm ông hao hụt những đồng bạc kiếm một cách khó nhọc mà còn làm cho ông mang tật nghiện rượu càng ngày càng nặng. Rượu hầu như thay thế bữa ăn của ông. Cha Tâm uống tràn mỗi khi cảm thấy cái hy vọng trở về quê, được nhỏ giọt mồ hôi trên thửa đất của ông như trước ngày càng mỏng manh, mờ nhạt.

Đạp xe ra khỏi hẻm thì hít phải khói, bụi, xăng. Sợ nhất là phải chạy sau xích lô máy, mà ông cứ phải chạy… sau xích lô máy. Khi mệt nhoài, trở về chòi thì ngẩng lên không thấy trời đâu, cúi xuống chẳng thấy đất đâu. Mặt đất đầy rác rưởi, ruồi nhặng, luôn luôn ngửi thấy mùi tanh nồng của cống rãnh không thoát nước. Nghe mãi tiếng nheo nhéo cãi cọ của bọn đàn bà, chí choé của lũ trẻ con hàng xóm. Ông ta nhớ màu xanh của ruộng đồng cây cỏ. Nhớ không nguôi. Lúng ta lúng túng, bực tức giận dữ, không trút vào đâu được, cha Tâm uống rượu và trút vào vợ, con mình.

Rồi đến một hôm kia trong cơn say, ông ta lính quính vì tránh một chiếc xe nhà binh, lại trút luôn khách hàng xuống đường. May mắn làm sao : người kia chỉ văng vào lề, còn ông thì bị chiếc xe đổ ập đè nghiến ngang bàn tay – tay phải !

Hết cầm cày ! Người nông dân khốn khổ rên lên khi tỉnh rượu. Băng bó thuốc men mất mấy tháng trời, nhưng không thể nào trở lại nghề xích lô đạp khi lành được nữa.

Phải đổi nghề. Hằng ngay, theo lời gã đàn ông ân nhân, cha Tâm tha thẩn mấy khu chợ, bến xe, làm phu khuân vác, song đó lại cũng là một nghề không dễ kiếm ăn như ông tưởng. Bàn tay gãy ngăn trở thêm lên : mỗi khi ngoặc hai tay ra sau giữ vật nặng trên vai, bỗng nghe đau nhéo một cái, tưởng như nó sắp gãy lại. Tức thì, cha Tâm kinh hoàng buông xuống, dù đó là giỏ rau cải, bao gạo hay một cái thùng niêm kín mà người thuê không ngớt kêu : “coi chừng bể, coi chừng bể” bên tai.


*


Bây giờ thì cha Tâm không đi làm nữa. Sinh kế do mẹ Tâm đảm nhận. Không làm gì nữa nhưng vẫn tiếp tục uống rượu, chửi bới vợ con.

Đôi khi chợt tỉnh, cha Tâm hối hận, xấu hổ, cương quyết gạt bỏ thói nghiện ngập và những đêm ấy, người ta thấy theo phụ với người đàn bà đổ rác không phải là đứa trẻ lên mười mà là một gã đàn ông. Nhưng chỉ được vài hôm, cha Tâm đã lại giở chứng cũ : trong khi người vợ gò lưng kéo chiếc xe rác đi trước thì ông ta đi sau, lúc bưng rác, lúc đi không, miệng không ngớt lầu bầu chửi rủa bằng những lời thô lỗ, tục tằn.

Thường thường, không ai bảo ai, cứ khi kéo xe ngang nhà bà Ngọc thì mẹ Tâm buông càng xe ra, kéo vạt áo lau mồ hôi và ngồi phệch xuống thở dốc một hồi. Cửa sổ phòng ngủ của bà Ngọc ngay đó, dưới tàng cây trứng cá. Bà này lại ưa mở cửa sổ ban đêm để hưởng chút gió mát. Chỗ đó tương đối thoáng hơn hết trong con hẻm, nên mẹ Tâm ngồi rốn, thấy mát cũng chần chờ không vội đứng lên. Bà Ngọc vốn tỉnh ngủ, mùi hôi từ xe rác theo ngọn gió hiu hiu ập vào phòng ngủ của bà làm bà vô cùng bực tức. Bà Ngọc đứng lên, giơ tay toan đóng hai cánh cửa sổ đang mở rộng, vừa vặn đúng lúc cha Tâm chửi vợ :

- Mồ tổ cha mày ! Mồ tổ mẹ mày ! Con mọi kia ! Hà cớ gì mày hành hạ thân tao ? Hả ? Tao ăn uống gì đâu ? Vài đồng bạc rượu… Mồ tổ cha mày… Tao gãy tay cũng vì mẹ con mày. Đồ chó đẻ! Đồ…

- Tôi lạy ông ! (giọng mẹ Tâm nhỏ nhẹ, vừa nói, người đàn bà vừa liếc vào khung cửa sổ) ông có làm giúp thì làm, không thì mai tôi biểu thằng Tâm, la chửi ó lên người ta nghe bây giờ…

- Ông cứ chửi ! Ông cứ chửi ! Mày làm gì ông ? Ông không phải là hạng đi làm cái nghề con chó đẻ này. Ông có ruộng đất… Bữa này là bữa chót nghe không ? Đừng hòng hành xác thân tao. Mồ cha mày !

- Được rồi ! Ngày mai ông đừng đi, cực khổ như thế này mà còn… ngày càng tệ… rượu chè say sưa (giọng người đàn bà nghẹn lại). Sao mà thân tôi khổ vậy, hả trời ?

Bà Ngọc đứng sững, quên cả việc đóng cửa ngăn mùi hôi đang ập vô mũi mình. Bà thấy xót xa cho người đàn bà và giận người chồng quá đỗi.

Trong khi người vợ sùi sụt khóc, lão ta lại hét dựng lên :

- Tao không có làm mọi đổ rác cho mẹ con mày. Đồ chó ! Tao ăn uống gì đâu ? Một mình tao, tao uống xị đế là đủ. Vì mẹ con mày, chỉ vì mẹ con mày…

Quá ! Quá sức rồi. Bà Ngọc nghĩ. Muốn chửi nhau thì về nhà mà chửi chứ, nửa đêm kéo nhau đến ngay bên tai mình mà chửi, lại để xe rác ngay trước mũi mình… Bà thò tay kéo hai cánh cửa đóng sầm một cái. Người đàn bà giật mình vội đứng lên gò lưng kéo…


*


- Này, chị Hai ! (Bà Ngọc nói trong khi trả tiền rác cho mẹ Tâm) tại sao vợ chồng chị cứ đi ngang phòng ngủ của tôi là ngừng lại chửi lộn hoài như vậy ? Đêm hôm khuya khoắt làm ồn không sợ làm buồn lòng hàng xóm hay sao ? Phần thì xe rác…

Ý bà Ngọc định nói “xe rác hôi nồng bay vô phòng chịu không nổi” song bà thoáng nghĩ rằng nói trắng như vậy làm người ta tủi thân, tội nghiệp ! Cũng là người cả, mà mình chỉ vài phút kêu không chịu nổi, còn người ta thì ngày nào cũng hốt, bưng, đổ, kéo kè kè sau lưng… ngày nào cũng phải hít cái mùi khó chịu đó hàng hai ba giờ đồng hồ thì sao ? Bà Ngọc ngừng lại nửa chừng. Mẹ Tâm ấp úng :

- Dạ, đâu có làm ồn ? Tại ổng… ngồi nghỉ một chút thôi… tại ổng… nói bà thương… khổ quá…

- Khổ quá ! Khổ quá ! Rồi cãi nhau như vậy có bớt khổ chút nào không ?

Nhớ lại mùi hôi của xe rác đêm nào, bà Ngọc không dằn được, gằn giọng hỏi. Song nói xong câu đó bà lại hối vì mình nặng lời. Người đàn bà càng lúng túng :

- Dạ, nghèo khổ quá, chớ đâu có muốn, thưa bà… khổ quá !

Vì mới gặp bà Ngọc và bị bà phiền trách lúc chiều cho nên đêm nay mẹ Tâm tự dặn mình dù chồng chửi mắng gì mặc kệ, cứ nhịn cho yên.

Từ bóng tối người đàn bà kéo xe rác ra, ông chồng đi phía sau lè nhè nhiếc nhóng. Không như mấy đêm trước, lần này ông ta chỉ đi sau, đi không thôi, không phụ bưng rác, cũng chẳng đổ giúp vào xe. Người vợ lẳng lặng hạ càng xe xuống, đứng đợi. Khi thấy chồng bắt kịp mà không lại giúp, bà ta lầm lũi bưng rác đổ vào xe, trả thùng về chỗ cũ, đoạn kéo xe tới một khúc rồi lại hạ càng xe, bưng, đổ…

Đột nhiên, mẹ Tâm buông càng xe xuống, đưa hai tay ôm bụng xuýt xoa khe khẽ :

- Chết cha rồi… lại lên cơn chắc…

Sau lưng, tiếng ông chồng vẫn bay tới sặc nồng mùi rượu làm người vợ quên cả ý tứ giữ gìn, phần thì bị cơn đau hành hạ, nên cũng hét toáng lên :

- Câm họng bớt đi ! Sao ông ác vậy hả ? Tôi đau như thế này mà ông không giúp một tay, cứ chửi người ta hoài…

- Biểu ai câm, con mọi ? Đau ốm kệ mẹ mày chớ. Tao về tao ngủ đây. Tao đâu có ngu ? Bộ hết nghề sao mà bắt tao làm cái nghề con chó đẻ này ?

Cuộc cãi vã lần này lại diễn ra ngay chỗ cũ. Mùi rác và tiếng nheo nhéo của đôi vợ chồng nhà đổ rác cùng ập vào phòng bà Ngọc một loạt, làm bà tỉnh phắt dậy.

- Nói ai chó đẻ ? Ông đừng có hồ đồ quá vậy. Mẹ cha tôi làm sao mà ông chửi ? Từ ngày lên đây bắt chước say sưa, đổ thói côn đồ, từ nay mà tôi còn thấy thằng cha khốn đó mò tới nhà thì ông biết tay tôi, tôi đuổi nó ra khỏi nhà liền. Vì nó mà ông đổ tật hư…

- Hả ? Sao ? Ai cho phép mày động đến người ân nhân của tao ? Đồ chó đẻ ! Liệu hồn mày đó, tao đánh chết cha mày, cha mày ăn gì…

Lão hùng hỗ xông đến bên vợ, nom dáng bộ lão, bà Ngọc cuống lên, tưởng lão sắp đánh người đàn bà đáng thương kia. Nhưng không ! Lão không đánh, lão chỉ dí tay vào trán vợ, nhiếc :

- Con mọi kia ! Vì mẹ con mày mà tao phải bỏ xứ, bỏ làng, bỏ đất đai lên đây. Tại mẹ con mày mà tao ra thân lưu lạc. Từ nay đừng hòng tao làm cái nghề con chó đẻ này. Tao về tao ngủ đây.

- Tội nghiệp tôi ! Tôi đau quá ! Ông giúp tôi một bữa nữa mà. Mai nhất định tôi kêu thằng Tâm…

Người đàn bà ôm bụng rên vừa bật lên rưng rưng khóc. Bà Ngọc lặng người, xao xuyến trong lòng. Song ông chồng khăng khăng nói :

- Mày đừng phỉnh tao. Tao có ngu đâu ? Tao ăn cái chó gì ? Một cút rượu là xong. Tao về tao ngủ, hôi hám lắm, đừng có hành hạ thân tao. Từ nay đừng hòng…

Nói sao làm vậy, người đàn ông khật khưỡng bước vào bóng tối, miệng lầu nhầu cho đến khi mất hút, mặc vợ và xe rác dở dang.

Bà Ngọc về giường nằm xuống, song bà không sao chợp mắt được, lại đứng lên, mở cửa sổ, mùi rác lại ập vào. Bà ôn tồn hỏi :

- Chị làm sao vậy, chị Hai ?

- Dạ, ngồi nhờ một chút, xin bà… ổng bỏ về rồi…

Vừa nén tiếng rên, mẹ Tâm vừa trả lời bà Ngọc. Giọng bà Ngọc nóng nảy :

- Biết rồi. Tôi biết ổng bỏ về rồi, tôi hỏi chị đau gì kia ?

- Dạ, đau bụng. Tôi có tật đau bụng bão, chút xíu thì bớt, không sao.

- Chị xức dầu không ?

- Dạ, xức… mà…

- Đây này, (bà Ngọc tung lọ dầu nóng ra cửa sổ) xức lên một chút coi có đỡ không ?

Lọ dầu lao vút ra ngoài, lấp lánh cái nắp dưới ánh điện đường rồi rơi xuống đất, gần chỗ mẹ Tâm ngồi. Người đàn bà nhặt lên, mở nắp xoa dầu vào bụng.

 *


Sau đêm đó, không bao giờ cha Tâm theo phụ với vợ nữa. Dù mẹ Tâm hết sức nài nỉ, ông ta vẫn nói rằng :

- Quân tử nhứt ngôn. Tao đã nói không làm cái nghề chó đẻ là không làm. Đừng có nói điếc tai tao. Đừng hành hạ tao. Tao ăn gì…

Thằng con phải làm giúp mẹ. Một đêm hai đêm, một tháng hai tháng, một năm hai năm… Mẹ nó dường như quen dần, song nó thì không, không bao giờ quen được với công việc đổ rác hết.

Bấy giờ vào mùa mưa, nên phải lo đổ rác sớm chứ không đợi khuya nữa. Nhiều nhà còn thức, hễ trông thấy là bịt mũi liền làm Tâm càng khó chịu hơn. Xe rác cao, Tâm vói không tới, mẹ nó sai nó bưng thùng rác đổ vào trong cái giỏ to, năm ba thùng một lượt rồi hai mẹ con khiêng lại gần xe, đổ vô xe cho tiện và mau. Cơn bệnh của mẹ nó hay trở lại bất thường, những bữa như vậy nó phải è ạch lôi giỏ rác đầy ắp lại bên xe, vương vãi khắp sau hẻm nhà bà Ngọc. Bà Ngọc tức giận lắm, cho là mẹ Tâm làm ăn cẩu thả nên quyết định chộp một bữa. Và… bữa đó tới : trời nhá nhem Tâm kè kè cái giỏ không vòng ra sau hè, xóm nhà bà Ngọc, nó cúi xuống đỏ bừng mặt bưng từng thùng, từng thùng rác đổ vô giỏ rồi ì ạch lôi cái giỏ cao nghệu những rác chạy băng băng. Phía sau rác tung khắp lối, nó càng lôi khoẻ. Bà Ngọc mở cửa sau, phóng theo kêu lên. Khi bắt kịp thì hoá ra không phải ông chồng, không phải người vợ mà là một đứa bé xanh xao, gầy yếu bên cạnh giỏ rác to kềnh ! Mẹ nó cũng vừa trờ tới. Bà Ngọc nhìn hai mẹ con, cơn giận lắng xuống, bà nói :

- Chồng chị đâu mà hành thằng bé…

- Trời ơi ! Khổ quá ! Từ đêm đó tới giờ ổng có chịu giúp nữa đâu. Đành phải nhờ con chớ đâu muốn hành con, thưa bà !

- Nhưng mà chị nhìn coi, cái giỏ bao nhiêu ? Sức nó…

- Đó là tại con chớ không phải tại mẹ con.

Tâm nhanh nhẩu đỡ lời cho mẹ. Tự nhiên bà Ngọc thấy có cảm tình với thằng bé, bà xoa lên đầu Tâm, dịu dàng hỏi :

- Con mấy tuổi ?

- Dạ, con mười một.

- Mười một tuổi ? Trời đất ơi !...

Bà Ngọc lại một lần nữa, kìm giữ ý nghĩ của mình. Quả thật lên 11 mà nó muốn nhỏ hơn đứa con thứ ba của bà, con bé vừa lên chín ! Đột nhiên bà Ngọc hỏi một câu và vừa hỏi xong bà thấy hối :

- Con có đi học không ?

- Dạ, không !

- Sao không cho nó đi học ? (Bà Ngọc lại lỡ lời lần nữa).

- Dạ, nghèo quá, thưa bà, nghèo quá, chớ đâu có muốn…

Mẹ Tâm trả lời gọn, thằng con lo lui cui xách thùng rác từ xa, nghe tiếng được tiếng mất, lại ngỡ rằng mẹ nói với bà Ngọc mình đâu muốn học nên nó tức đỏ mặt lên, thả cái thùng không xuống, quay lại cải chình liền :

- Dạ, con muốn học chớ, mà tại…

Nó ngừng lại bất ngờ, trí khôn của nó không cho phép nó nói toạc ý nghĩ nó ra, nó không thể nói tại cha, tại mẹ, lại càng không thể nói tại nghèo. Nghèo ? Vậy chớ mẹ con Cúc đó, bà ta giàu có gì đâu ? Mà lại không có chồng, vậy mà còn rán cho con đi học nữa là.

Mỗi lần nghe ai đả động đến chuyện học hành Tâm lại đỏ rần mặt vì xấu hổ và tức tối.

“Kiếp giang hồ đây đó” thốt nhiên trong tiềm thức thằng bé vọng lại tiếng hát ngọt ngào đầy cám dỗ của anh hàng sách ngày nào, nhớ lại trận đòn, nhớ cả cuốn vần nằm yên dưới mí chiếu ở nhà. Được rồi ! Rồi đây mẹ nó sẽ khóc vì nó ! Nghĩ đến đó Tâm thấy hả hê trong lòng một chút.

Rồi nó vụt nhớ, không phải một chuyện mà rất nhiều điều xảy ra trong đời nó, đời một đứa trẻ đồng quê vì giặc giã nên trôi giạt tận Sài-gòn. Nhưng rất nhanh, mọi chuyện chỉ thoáng qua một chút là mất dạng trong trí nó. Chỉ riêng cuốn vần với những trang, những hàng chữ chi chít là in đậm trong trí nó không nhoà nhạt.

A ! Những chữ đó, nó đã biết nhẵn hết còn gì. Từ lâu, Tâm coi cuốn vần, không, những chữ trong cuốn vần đó y như những con người, những người bạn câm của nó chứ không phải là những ký hiệu vô tri.

Ban đầu, Tâm lật qua rồi xếp lại. Sau, nó nhìn kỹ từng chữ, những hàng chữ cách khoảng nhau đều đặn không khác chi đám mạ ngoài ruộng mẹ nó cấy thẳng hàng. Nó bỗng thấy vui vui lật tiếp. Những trang sau nó bắt gặp hai chữ đứng sát nhau, rồi càng lật thì những chữ đó như có vẻ khắng khít hơn : có khi ba, bốn, có khi năm, sáu chữ dính chùm nhau chứ không rời rạc từng chữ một như mấy trang đầu nữa, ra tuồng thân mật dữ !

Thật ra, theo nhận xét của Tâm thì cũng không nhiều chữ lắm đâu. Tâm biết được vậy là nhờ những bận đi ngang trường tiểu học tư thục T.
– trường này là một trường nghèo, học trò phần đông y như Tâm – Tâm đứng nép vào một góc sân, chỗ cổng trường, nhìn thấy tấm bảng to tướng bằng giấy bìa đen, trên đó từng chữ một (đứng rời như trang đầu trong cuốn vần của nó) mầu trắng rất rõ ràng.

Về nhà, Tâm coi lại trong vần thấy chẳng khác chi, ngoài có cái là thu nhỏ lại bỏ gọn lên trang giấy! Có chữ đứng thẳng như cái sào, nhưng cái sào thì đầu to đầu nhỏ còn chữ này thì không, mà lại có hòn bi đứng trên đầu. Đó là chữ Tâm nhận ra trước tiên (chữ i) dù Tâm không biết đọc ra sao. Thứ đến, Tâm ưa mấy chữ tròn, vừa tròn vừa dài cho nên ban đầu nó định cho đó là chữ mặt trăng, nhưng sau Tâm biết là không đúng, những chữ đó giống cái trứng vịt hơn. Kỳ một cái : đôi khi cái trứng vịt lại đội thêm cái nón mê như mẹ nó, khi lại vứt nón đâu mất, nối lên đầu phía tay mặt một cái lưỡi câu tí xíu trông vui mắt và không bao giờ Tâm quên được (o, ô, ơ).

Có nhiều chữ có sọc, khi thì sọc đôi, khi sọc ba, khi dính liền trên, hở dưới, khi lại dính dưới hở trên (n, m, u, ư).

Có anh phềnh bụng bên phải (b). Đùng một cái, Tâm thấy tiếp hai anh phềnh bụng bên trái đi liền nhau, hai anh giống nhau như đúc một khuôn, chỉ khác cái là anh đi sau vác thêm chiếc đòn gánh lên ngang vai (d, đ).

Lại có mấy con nhỏ mặc áo eo thắt chặt cứng, y như siết ngang bụng lại, coi kỳ quá sức (k, x). Trời ơi ! Con nít mà bắt chước mấy cô ! Quá sức… đồ con gái mới tí xíu đã học đòi làm tốt ! Tâm chê thầm trong bụng.

Vì những người bạn câm này, theo tưởng tượng của Tâm thì cũng bằng trang tuổi nó, trai có, gái có, có đứa nó ưa, có đứa nó ghét; ưa thì Tâm cho đó là con trai như thằng Tí, thằng Tèo ở nhà quê mà bây giờ nó phải xa, ghét thì nó nghĩ ngay đến con Cúc, đứa con gái không có cha, nghèo sát đất như nhà nó mà được mẹ cho đi học đàng hoàng. Con nhỏ sao dễ ghét quá đi thôi, lúc nào thấy Tâm là vênh mặt lên, lại còn tặc lưỡi kêu :

- Trời ơi ! Thằng Tâm dơ quá, ưa không nổi !

Coi bộ mấy thằng con trai cũng khá lộn xộn, nếu không, sao lúc anh kia cong đầu, cong đuôi mà vẫn đều đặn (s) thì có vài tướng lại vói lên cao (h) hay trụt xuống thấp (q, y) là nghĩa lý gì ?

Tâm đặc biệt mê những trang chữ viết, nó không hiểu tại sao những anh nhỏ này lại thương nhau đến mực : hễ đứng xa thì thôi mà đứng gần là nắm tay nhau chặt cứng không rời, và lúc nào cũng như chồm tới đằng trước, sắp chạy (vì chữ viết dính liền nhau, và in nghiêng) lại ưa đá móc lên hoài. Anh thì nhón chân, anh thì giang tay, anh thì xoạc cẳng, rõ là một lũ trẻ lấc cấc rất dễ mến, dễ yêu !

Trong đêm khuya, những chữ đó bỗng rời sách, vụt lớn lên, xúm lại bên Tâm, lôi Tâm ra sân, ra ruộng, nắm tay nhau vây thằng bé vào chính giữa, ca hát vang lừng ! Rồi chợt tiếng gà cất lên ó o từ đằng cuối xóm là tất cả cuống quít tự thu nhỏ mình lại trong một chớp mắt, chui vào sách y như cũ. Mặc Tâm một mình đứng ngẩn ngơ, luyến tiếc. Giật mình dậy, mồ hôi ướt đẫm, thằng bé vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, vừa sờ sợ trong lòng.

Không nén được tò mò, Tâm lật mí chiếu lên : vẫn những trang giấy chi chít chữ, Tâm hết sức yên Tâm. “Cứ tưởng tụi mày bỏ tao đi luôn chứ” Tâm nâng cuốn vần lên thì thào nói.

Suốt ngày hôm đó, Tâm tủm tỉm cười hoài làm mẹ nó ngạc nhiên, nhưng bà không thèm hỏi han chi hết. Thằng bé cố ôn lại giấc mơ kỳ thú : nó được giẫm chân lên lối cũ ở quê nhà, dưới bóng trăng đêm xanh biếc cùng những người bạn chữ vốn câm kia, bỗng cất lên tiếng hát trầm bổng ngọt ngào !

Buồn cười cho thằng bé hiếu học và cũng đáng thương cho nó ! Mỗi lần khám phá ra một điều mới lạ nó lại náo nức trong lòng mà không biết chia xẻ cùng ai.

Chẳng hạn, ít lâu nay, nó nhận ra điều này : những anh phềnh bụng phía trái (d, đ) và những đứa con gái mặc áo thắt ngang eo như mấy cô lớn (k, x) cũng như anh hiền hiền, cao cao, ôm ốm (l) và cả anh phềnh bụng phía phải (b) đều đi tiên phong, đi trước, đứng đầu. Đặc biệt hơn nữa không khi nào chịu đội trên đầu một cái lưỡi mác hay con lăng quăng cả, dù cho là lưỡi mác đó nằm xuôi (dấu sắc) hay nằm ngược (dấu huyền) dù cho con lăng quăng đứng thẳng (dấu hỏi) hay nằm ngang (dấu ngã) cũng vậy. Các anh này cũng không bao giờ chịu đứng trên đầu một hòn bi con cả (dấu nặng). Tâm ưa mấy anh này lắm.

Nếu có ai hỏi vì sao Tâm cũng đến chịu không trả lời xuôi, nhưng Tâm phải thú nhận rằng mình ghét cay, ghét đắng, ghét đến muốn đào lỗ chôn quách hai chữ g và r (thật ra bởi hai chữ này khó nhớ song Tâm không chịu nhận như thế, mà chỉ cho rằng đó là hai đứa kiêu kỳ, làm dóc nhất đời, nên chẳng thể ưa, Tâm ghét g và r hơn x với k nhiều lắm).

Về chuyện đi đầu, đi cuối hay đi giữa, Tâm đã nhiều phen mệt muốn đứt hơi và đôi khi gần tuyệt vọng, vì mới hôm trước đinh ninh thế này là đúng, hôm sau coi lại thì biết ngay mình nhận xét sai. Ví dụ như có lần Tâm nhất định cho rằng mấy chữ t, h, c luôn luôn đi đầu như mấy chữ d, đ, l, b, và mấy con bé k, x vậy mà rồi Tâm bỗng bắt gặp mấy tướng này tụt ra sau (chốc, lát, khách, tách) làm Tâm toát mồ hôi ! Nó thấy mệt chẳng khác chi khi đi theo mẹ đổ rác !

Lại lần khác, Tâm biết thêm mấy anh sọc đôi, sọc ba (n, m) mà Tâm cũng ngỡ rằng đứng trước, lại không chịu dẫn đầu như thường lệ mà tuột ra sau một con bé mặc áo eo (xin, xum). Rồi mấy ông tướng mà nó quả quyết rằng cả đời chuyên đứng sau đuôi thiên hạ như u, ư, (tu, tư) lại đùng đùng nhẩy tọt ra đằng trước, dẫn đầu (ung, ưa, ưng). Đó là chưa kể một lũ tồi tệ, vô liêm, tráo trở như c, a, e, (và còn vô số đứa nữa không đếm xiết) bọn khốn này khi đứng đầu : ca, an, em, khi đứng chót : ác, oa, ke, rồi đột nhiên lại chui vào chính giữa : bích, ran, ken, thật chẳng còn biết đằng nào mà dò, mà đoán. Tâm tưởng mình muốn điên lên mất thôi, nếu không quẳng sách vào một xó. Tâm không thèm mó tới cuốn vần một dạo khá lâu.

Nó không nói ra, mà cũng chẳng biết nói với ai, song cái ý nghĩ mấy anh d, đ, l, mấy con bé k, x rồi cũng có thể phản lại nó một ngày nào đó, không chừng. Ừ, có ai bắt buộc được tụi nó đứng luôn một vị trí đâu ?

Nhiều ngày trôi qua, Tâm thấy nhơ nhớ cuốn vần, như nhớ những thằng bạn cũ, không cầm lòng được nên giở ra, xem lại. Tâm run run, hồi hộp… song lần này không những nó tin chắc rằng mình nhận xét đúng mà còn khám phá thêm : cái anh nhọn đít, xoè đầu (v), cái anh cong trên, cong dưới (s) và cả anh mà nó vẫn ghét cay (r) lại là những tay anh hùng tí hon, không bao giờ bọn này thèm đứng sau lưng một đứa nào, dù cho là những đứa to lớn như h, hay cao ngất nghểu như l đi nữa, Tâm thở phào một cái, lòng tràn hy vọng. Tâm biết thêm g là đứa hai lòng : khi đứng sau, khi đứng trước, chứ không có thái độ dứt khoát, cương quyết như r, v, s. Con bé x coi xoàng vậy mà là đứa khá : luôn luôn tỏ ra mình cũng quân tử như ai, làm Tâm có hơi nê nể, hết dám khinh thường con gái.

Từ bấy giờ, mỗi bận mẹ sai đi đâu, Tâm cũng rẽ ngang trường nghe lỏm. Trời ơi ! Nó nghe nhiều tiếng hết sức lạ tai : u, ư, a, ă, rồi thì nào dê, đê, ca, hát… nghe mê quá là mê ! Tâm men lại, kiểng chân lên để nhìn cho kỹ những chữ cô giáo viết lên bảng, những chữ nó đã nhẵn mặt trong cuốn vần, nhưng có vẻ ít hơn một số chữ kia – và to hơn, dĩ nhiên – thì bất ngờ, gã gác cổng trường dậm cái cẳng gỗ của lão xuống nền xi măng nghe còng cọc, còng cọc một cách rất là phá đám, mồm la lên quang quác :

- Nhãi con ! Lò dò lại chi ? Xéo mau ! Chực ăn cắp hả ?

Tức thì, cả bọn học trò quay lại, ác thay : trong đám này có cả con bé lẻo mép là con Cúc nữa, con bé tai ác quai mồm lên, phổ biến ngay nguồn tin mà nó cho là quan trọng :

- Thằng Tâm, con nhà đổ rác đó, tụi bay ơi !

Tụi nhãi con cười ầm như chợ vỡ. Tâm xấu hổ chỉ những mong đào đất chui ngay xuống trốn biến cho xong. Nhưng rồi nó vẫn đứng yên, hét to lên :

- Ai thèm ăn cắp ? Lão què ! Cha lão què ! Nói láo. Cha què nói láo ! Gà mổ mắt cho coi.

Câu nói của đứa trẻ quả tình không ác ý, nó tức vì bị sỉ nhục vô lý, giữa lúc đó nó lại chú ý đến cái cẳng què của kẻ làm nhục nó nên nói bừa cho hả, thế thôi. Nhưng gã gác cổng giận đến sùi bọt mép, vì một đứa trẻ con nhà hốt rác dám đả động, dám khơi dậy đến chỗ tàn tật, đau đớn của gã (dù chỗ đó đã lành rồi) làm gã đau nhói như bị ong vò vẽ đốt. Gã run rẩy, gào to :

- Mẹ con nhà hốt rác, bố con nhà hốt rác, ông mà vớ được mày thì ông xé làm đôi !

Và gã làm như lao ra cửa tóm thằng bé. Tâm chuồn ngay tắp lự qua bên kia đường đoạn đứng lại vừa thở, vừa lè lưỡi ra trêu tức gã ta, vì nó biết mình đã đến phần đất an toàn. Tâm nói :

- Ra đây mà bắt tao này, lão què nói láo kia ! Tao thách lão đó ! Giỏi ra đây !

Lão què nhìn ngược nhìn xuôi, lượng sức mình nên đành chỉ đứng yên, chửi với :

- Bố mẹ con nhà hốt rác, tao mà tóm được mày… Liệu hồn, từ nay bán xới đường này, nhá ? Mày mà còn léo hánh đến đây thì ông bảo !

Cơn giận nguôi rồi, Tâm hối hận quá. Không phải hối vì đã trót hỗn với người tàn tật (ai dạy nó đâu mà nó biết điều đó ?) song hối vì từ nay còn hòng gì men lại gần trường để nghe dạy học được, thế thôi.

Đang làm việc, nghĩ ngợi lan man, Tâm bỗng nhớ ra chữ a, chữ mà Tâm thấy nhiều lần song không hề để ý vì hình dáng cầu kỳ của nó. Phải, chữ a ! Tâm nhớ rồi. Còn bao nhiêu chữ kia : d, đ, k, h, Tâm đều quên tuốt tuột sau cơn giận và trận chửi nhau.

A ! Tâm vừa nhấc thùng rác, rướn thân hình nhỏ xíu của mình lên, đổ vào thùng xe, vừa bật lên thành tiếng, trong lúc khuôn mặt đỏ gay, bóng nhoáng như có tẩm dầu và chiếc cẳng gỗ nện mạnh xuống sàn nhà nghe còng cọc của lão gác cổng hiện lên rành rành trong trí nhớ. Vốn không thù dai, nhưng nó cũng buột miệng kêu lên :

- Thứ đồ ác, hèn chi què là phải ! Đáng lắm !

Bỗng Tâm giật mình, buông rơi thùng rác vì một giọng nói đột ngột cất lên sau lưng :

- Nhỏ ! Em ưng học lắm phải không ?

Thằng bé quay lại, nhận ra ngay đó là anh “mặt mới”, cái anh đã có lần làm nó thắc mắc vì mấy tiếng lạ tai. Tuy chỉ gặp có một lần mà Tâm không bao giờ quên anh, có lẽ vì cái dáng bộ hiền lành của anh ấy cũng nên ? Tâm nhoẻn cười, mắt sáng rỡ, ấp úng trả lời :

- Dạ, ưng lắm chớ !

- Nếu em muốn học anh sẽ dạy cho em. Không dạy thường được, nhưng mà buổi tối rảnh…

- Dạ, tối em mắc đi đổ rác.

- Ờ, anh quên. Thì buổi chiều, được không ?

- Dạ, buổi chiều… (Tâm định nói “buổi chiều nó mắc coi em” song nó lại thôi, liếc sang mẹ cầu cứu) dạ…

- Ít nhất, mỗi ngày em cũng có được một chút thì giờ rảnh chớ ? Anh nghe bà Ngọc nói…

Giọng anh mặt mới trang nghiêm, dò hỏi. Tâm cuống quít :

- Dạ, dạ… hễ anh dạy giờ nào thì em học giờ nấy, em rảnh giờ nấy.

Mẹ Tâm vẫn lẳng lặng nhìn hai người không góp một lời, làm Tâm càng lúng túng. Anh mặt mới cười :

- Thôi, để đó, không gấp gì. Sáng mai (anh nhìn Tâm thật kỹ) sáng mai em có ở nhà không ? Rảnh không ?

- Dạ, không rảnh mà em có ở nhà.

- Được ! Sáng mai anh tới. Em biết mặt chữ chưa ?

- Dạ biết, dạ biết. Em biết.

- Tốt lắm. Vậy thì dễ. Mai nghe em ?

Nói xong anh quày quả vô nhà liền, lúc bấy giờ Tâm mới thấy cây bút chì trên tay anh. Tâm nhìn theo cho đến khi anh khuất vào nhà mới thôi.

Và từ phút ấy, thằng bé bước chệnh choạng như chân nó không chạm tới đất vậy. Nỗi vui đến bất ngờ quá, đến nỗi nó cứ giật mình thon thót, cứ nơm nớp sợ câu chuyện vừa xảy ra chỉ là cơn mơ.

Tâm liếc trộm mẹ một cái. Lạ thay : mẹ nó vẫn lầm lỳ không có ý kiến chi.

_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III