Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

GIẤC MƠ CÓ THỰC - Minh Quân


Kính gửi về thầy Thứ của con và các bạn học trường làng Khánh Thiện.
 
Thương gửi tới các em Thiếu Nhi niềm vui sướng của tôi và cầu mong các em cũng có được niềm vui thanh khiết ấy.
 
 
Cách đây gần bốn chục năm, thời nước Việt Nam còn là thuộc địa của người Pháp, bọn học trò chúng tôi được học bài học đầu tiên về tình thầy trò bằng một bài ngắn, in trong “Quốc văn giáo khoa thư”. Chuyện kể ông Carnot, một công dân nước Pha-Lang-Sa, sau khi thành tài đã trở về trường cũ thăm thầy. Hình như ông ta lúc đến thăm thầy ông ta làm Đại tướng mà vào trường vẫn giữ lễ với thầy. Thú thật là giờ đây tôi không còn nhớ rõ ràng bài ấy từ đầu chí cuối, song cái tranh một ông Tây cao lớn, đi ghệt, mặc binh phục đang đứng tiểu ri đám học trò bằng những lời lẽ đại khái như: “Các em hãy xem như ta đây làm nên danh phận mà vẫn nhớ ơn thầy… vậy các em…” đã tác dụng sâu xa đến tinh thần đứa trẻ ưa tôn trọng bậc anh hùng như tôi.
 
Các em có thể cho là tôi có tinh thần… nô lệ, nếu tôi kể luôn sự thật này: vài năm sau đó, tôi lại đọc thêm bài nữa về ông Chu văn An, cũng có nói đến tình thầy trò, nhưng cái tranh một ông già người An Nam ta ngồi trên bộ phản gỗ, vây quanh là đám môn sinh, cũng đều là người lớn, sao mà nó xa vời đối với tôi đến thế. Nó chả gần gũi với tôi tí nào, chả hấp dẫn tí nào. Phải! Tôi thích làm ông Tướng Carnot hơn. Nó oai vệ làm sao! Nó có vẻ có kích thước quá đi, các em ạ! Một ông Đại tướng mà vào trường cũ, thăm lại ông thầy già của mình, lại chịu khó đứng trò chuyện, ban huấn từ với lũ học trò nhỏ xíu mới thật là cảm động, là nhũn nhặn, là đáng yêu biết ngần nào! Chứ còn ông thầy già An Nam thì, xin lỗi các em nhé, trông nó quê quá đi!
 
Ấy vậy, kể từ ngày được đọc bài ông Carnot về thăm thầy cũ, tôi đinh ninh trong bụng là sau này tôi sẽ hành động như ông ấy. Ừ! Tôi sẽ tỏ cho thầy tôi và tất cả các bạn tôi biết rằng tôi đây, tôi đối xử với thầy còn hơn ông Carnot gấp bội ấy chứ. Ông ấy tốt thật nhưng rồi xem, ông còn thua xa tôi. Sao ông ấy không mang đến cho thầy một xấp bánh tráng, vài chục quả ổi, me chua và tô mắm ruốc! Như vậy có phải tình thầy trò còn thắm thiết đậm đà và thực tế hơn không? (Với cái đầu óc lên bảy của tôi thuở đó thì bánh tráng, mắm ruốc và me chua là những món rất được tôi ưa chuộng, chiếu cố tận tình). Ồ, mà không, sau khi suy nghĩ chín chắn tôi thấy rằng mấy món vừa kể có vẻ xoàng xĩnh quá. Tôi ấy ư! Tôi sẽ mang biếu thầy mười chai li-mô-nát, thời đó là thứ quí, hai hộp trái vải, là thứ quí hơn và một con vịt muối khô, vì Mũi Né là xứ biển, ăn cá quanh năm, thầy sẽ thích vịt khô. Tôi sẽ may cho thầy một cái áo xuyến đen thật đẹp, một cái quần vải tây và đôi giày hạ cho đủ bộ lệ. Thầy tôi mặc cái áo xuyến mông mốc suốt chín tháng dạy học và cái quần… không được trắng, đôi guốc thì mòn mau quá mà thầy cứ kéo lê không mấy khi thay.
 
Phải công bình mà nhận rằng trong ba thầy, thầy lớp ba là Hiệu Trưởng, thầy lớp tư là người Huế và thầy lớp năm (tức lớp một bây giờ) thì tình cảm của tôi nghiêng mạnh về phía thầy lớp năm, người đầu tiên đã khai tâm mở trí cho tôi, đứa trẻ có tinh thần thượng võ, quí chuộng ông Đại tướng Pha Lang Sa hơn cụ Chu văn An, dù cụ mới chính là đồng hương của mình, và là đồng nghiệp của thầy tôi.
 
Chao ơi! Cứ tưởng tượng đến lúc tôi đĩnh đạc bước vào lớp năm, tay ôm một bọc to tướng gồm mấy thứ quí giá kể trên – dĩ nhiên tôi có đoàn tùy tùng cận vệ, nhưng tôi không muốn sai họ trong trường hợp thiêng liêng này – tôi ra lệnh dừng ngựa rất xa, thời đó Mũi Né chỉ có hai cách giao thông, di chuyển: một là đi thuyền, hai là đi võng, nhưng làm đến Đại tướng mà ai lại đi thuyền? Thuyền chỉ để chở nước mắm và những người buôn bán nước mắm thôi chớ, phải không các em?
 
Còn đi võng thì… đàn bà quá, coi yếu quá đi, còn gì là hùng khí. Vậy thì, tôi cưỡi ngựa. Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. Vâng, tôi sẽ mặc binh phục kiểu Pha-Lang-Sa (chắc chắn là tôi đi lính cho Pha-Lang-Sa rồi đó nghe, nếu không làm sao tôi đạt chức Đại tướng?) mầu đỏ chói, cỡi con ngựa kim, trắng như tuyết, đi ghệt đàng hoàng…
 
Sau khi cúi đầu thật thấp trước thầy tôi để làm cái gương sáng chói cho lũ học trò lau nhau lên bảy, tôi bèn tiến lên kệ, đặt mấy món quà xuống, lí nhí vài câu nho nhỏ với thầy rồi thì tôi quay xuống ban huấn từ cho lũ nhỏ. Cam đoan là dù mũi đang chảy, chúng cũng không lau vì mải lắng tai (Tôi không nói ngoa đâu, các em ạ: trong ba năm học ở trường làng, tôi luôn luôn đứng đầu môn luận văn mà thời đó gọi là Rédaction-Annamite chớ phải lơ mơ đâu. Tôi cũng rất dạn dĩ, hễ thầy gọi lên bảng đen, thì tức khắc chân tôi đi, miệng nói: “Je vais au tableau” một cách rất là Carnot!)
 
Đó, cứ cung cách, thành tích tôi kể ra, các em thấy tôi có nhiều triển vọng để trở thành một Carnot Annamite lắm chớ?
 
Chắc các em muốn biết tại sao tôi thương thầy lớp năm nhiều nhất? Có gì đâu, vì thầy không quá trẻ và quá dữ như thầy lớp ba và là Hiệu Trưởng, không quá già như thầy lớp tư, thầy lớp năm của tôi thuộc vào lớp tuổi trung niên, lại là người đầu tiên dạy chúng tôi 2 lần 2 là bốn, tập cho chúng tôi gạch hàng rào, mắm môi, mím miệng tô chữ i, chấm cái dấu cho tròn, hất cái đuôi cho khéo… Nhất là thầy luôn luôn bênh vực tôi mỗi khi có vài tên đồng học con trai chế giễu:
 
- Ê! L.! Tên trò sao dài dữ vậy?
 
Hay:
 
- Cả lớp mình không có đứa nào có cái họ kỳ khôi: Công – Tằng – Tôn – Nữ –  Thị – L. như trò.
 
Hoặc:
 
- Con gì lại khác họ với cha, trò há?
 
Thật là những câu độc ác – dù rất vô tâm – của các bạn đồng học con trai, những câu mà tôi tin rằng các văn sĩ thời ấy sẽ viết là những mũi dao nhọn đâm vào quả tim non của người nghe, các em thân mến ạ! Trong lúc tôi xấu hổ đỏ mặt, có khi nước mắt mọng lên mi mà không dám khóc, sợ bị chế giễu thêm, thì may thay: mười lần có đến tám lần thầy tôi bước đến, gỡ rối cho đứa học trò khốn khổ:
 
- Đừng có trêu chọc bạn học như vậy, các con! Không phải L. nó khác họ với cha đâu, mà vì đó là một cách lấy họ theo Hoàng tộc…
 
- Thưa thầy, Hoàng tộc là cái gì?
 
Thầy tôi bèn giải thích rành rẽ cho cả bọn. Vài anh nghển mặt lên, có vẻ “ngán” cái dây mơ rễ má Hoàng phái của tôi trong giây lát, song sau đó, trò trêu chọc lại tái diễn khi vắng thầy tôi.
 
Tận giờ đây, tôi vẫn nhớ như in cái lúc thầy gọi đến tên tôi và giọng ông trầm buồn vì thấy tôi cứ giữ mức trung bình cỡ… gần đội sổ – vì thầy biết rõ tôi có thể đứng cao hơn – Thầy bảo tôi:
 
- L. ơi! Con nhác học quá! Thầy biết con thông minh nhưng con lười lắm. Con phải cố gắng lên coi! Con không nên làm thầy buồn chớ… Tại sao con chỉ ưa và giỏi có Dictée với Rédaction thôi? Phải chú trọng môn toán nữa…
 
Tôi cảm động gần khóc và tự hứa sẽ đứng cao tháng tới. Quả nhiên tôi lên hạng 6 rồi hạng 4 hai tháng sau. Tôi được lãnh một cái “Tableau d’honneur” vào tháng thứ ba, sau đó. Thầy xoa đầu tôi làm tôi phổng mũi lên, nhìn bọn con trai, ra dáng nói:
 
- Đó, tụi bay đừng có khinh ta, ta không thèm học chớ ta đâu có dốt!
 
Nhưng chỉ được chừng đó thôi. Hễ thầy tôi quên tôi đi ít lâu là tôi trở về cứ điểm cũ, gần đội sổ. Tôi tự chống chế bằng luận điệu ngoan cố thế này: Ủa, kỳ không? Chuyện gì mà hành xác ta hoài? Ta đã cố gắng để đạt một cái “tableau d’honneur” đỏ chói rồi kìa, còn đòi gì nữa! Bắt ta cố gắng hoài làm chi, mệt người ta quá! Ngoài bãi biển có nhiều ốc ruốc quá đi, nước biển thì trong, mấy trò nhảy dây, đánh thẻ hấp dẫn quá đi. Mà mấy cây me ở sau trường thì đầy chĩu trái, keo ngoài bụi cũng ngọt chớ có chua đâu? Thầy muốn biết sức học của mình thì mình đã đáp lại sự đòi hỏi đó trong mấy tháng rồi, đủ rồi. Đừng nhiều chuyện. Ta học sao kệ ta, miễn ta lên lớp được là đủ, mà ta biết ta lên lớp được mà, ta đâu có dốt, tại ta không thèm chăm đó chớ. Trong lớp có đứa nào dám vừa đi lên bảng đen vừa nói rành rẽ: “Je vais au tableau” như ta không?
 
Tôi cũng còn có lý do khác để mà lơ là với sự học, vì tôi lấy làm tức tối, thấy thầy như quên mất sự mau mắn, can đảm của tôi đi và thấy trong tháng này thầy quay sang săn sóc cho con bạn cùng bàn: con Ký! Mà con Ký thì có gì xuất sắc đâu: nó làm gì được có cái tên họ hoàng phái dài ngoằng gây chú ý gồm sáu tiếng Công-tằng-tôn-nữ-thị-L.? Nó chỉ được cái là giỏi toán, lúc nào cũng nhất về toán, hơn cả con trai ; nhưng giỏi toán thì nghĩa lý gì? Giỏi Dictée và Rédaction mới cừ chứ! Đồ thứ toán… thì dễ ghét chết đi. À! Được! Thầy thương con Ký hơn mình, rồi thầy sẽ biết. Rồi đây, khi mình làm đến Đại tướng như Carnot, thầy sẽ hối hận vì đã bạc đãi mình, và chắc chắn là cái đứa học trò giỏi toán sẽ quên ơn thầy rất sớm, còn mình thì dù thầy đã xử tệ, mình vẫn nhớ ơn thầy, mình trở về với vịt khô, trái vải, ba thước xuyến đen, hai thước vải tây trắng và 10 chai li mô nát ngọt ngào, sủi bọt. Thầy sẽ hối hận, để rồi coi.
 
Đó, tôi lý luận như thế và yên tâm tiếp tục nhảy lò cò, nhảy dây, đánh thẻ, tiếp tục dốt toán và bôi nhem nhuốc vào “cahier de devoirs” không chút e dè, kiêng nể ; tiếp tục khinh bỉ môn toán học và coi thường con bạn giỏi toán của mình.
 
Thuở ấu thơ, ta có nhiều mộng đẹp. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi khó mà trở thành Đại tướng như Carnot, quên bẵng đi mình là con gái nữa kia.
 
Gần bốn mươi năm qua, từ khi thôi học, lập gia đình, quay tròn, bù đầu trong bổn phận, di chuyển từ quê đến tỉnh, và giờ đây, tôi định cư ở Sài Gòn. Cho đến năm 25 tuổi, tôi vẫn không mấy thiết tha đến thầy xưa, bạn cũ, đến ngôi trường làng nhỏ bé, khiêm tốn.
 
Tôi không là Carnot của Việt Nam , về làm gì chỗ đó?
 
Nhưng từ hơn hai mươi năm sau này, từng ngày một, không hiểu sao tôi ao ước được trở về. Thật ra, Mũi Né không phải quê tôi, song tôi đã sống trọn tuổi thơ dại ở đó. Cứ mỗi năm qua, tôi lại cảm thấy niềm ao ước đó lớn thêm lên, tha thiết thêm lên… không nguôi nghỉ trong lòng tôi.
 
Vâng! Tôi đã vỡ mộng rồi: tôi không thể nào cỡi ngựa kim trắng như tuyết cùng đoàn tùy tùng về trường xưa thăm thầy cũ. 36 năm, chiến tranh dai dẳng, biết thầy tôi có còn sống sót không? Nếu không bị bom rơi, đạn lạc, thầy tôi cũng đã già quá đi rồi. Thầy tôi đã ngoài ba mươi khi dạy lớp năm, năm 1936.
 
Tôi cảm thấy như là mình sẽ trở thành cái cây bị chặt đứt rễ, bị đào trốc gốc nếu không tìm được lại sự liên lạc với trường cũ, thầy xưa. Và tôi nhất định tìm mọi cách để trở về thăm Mũi Né một lần.
 
Và, chao ơi! Tôi đã thực hành được ý định – cái ý định mà tôi nuôi dưỡng trong lòng như người khách dạ hành nuôi ngọn lửa ấm âm ỷ giữa đêm khuya – vào một sáng đẹp trời.
 
Đi xe đò ra đến Phan Thiết, nghỉ lại một hôm, sáng hôm sau, tôi với một cô bạn tìm đến bến xe ra Mũi Né. Tôi đã vượt 23 cây số hơn một tiếng đồng hồ vì con đường quá xấu, nhưng tôi có cần gì? Làm sao tôi có thể kiên nhẫn làm theo lời người bạn tôi đề nghị ở Phan Thiết là “cứ chịu khó chờ đến tết, mình cam đoan với chị là con đường từ Phan Thiết ra Mũi Né sẽ được trải nhựa phẳng phiu, chớ bây giờ đi không nổi đâu, xe chạy xóc dữ lắm. Tết, mình sẽ đưa chị ra đó chơi”. Thôi, tôi nóng ruột quá rồi. Tôi xuống tinh thần quá rồi, tôi phải đi Mũi Né ngay, không chần chờ được nữa. Tôi đã do dự, chần chờ quá lâu rồi! 230 cây số tôi cũng đi chứ kể gì 23 cây số? Đâu phải bổng chốc mà dễ dàng thu xếp để đi! Nay được dịp, lại có thể bỏ dở dự tính trong nhiều năm chỉ vì con đường xấu hay sao? Đâu được, dù sao, tôi vẫn còn chút hùng khí và cương quyết nuôi dưỡng trong lòng đây!
 
Và rồi, tôi gặp lại Ký, con bạn giỏi toán 36 năm về trước, ngay ở cửa nhà nó gần cổng trường Khánh Thiện lúc 11 giờ trưa, ngày… tháng 9, 1973!
 
Tôi không biết nói sao để các em biết là tôi đã vui vẻ, sung sướng đến mức nào. Gần 15 năm qua, chưa bao giờ tôi được vui như hôm đó. Nỗi vui sướng vì được cầm tay bạn cũ, nhìn mái trường xưa làm tôi quên phắt các thầy tôi. Song sau bữa ăn trưa thì tôi nhớ lại ngay.
 
- Ký, vui quá vì gặp mày, tao quên đi, mấy thầy ra sao? Tao muốn đến thăm các thầy mình.
 
Tôi không dám nói đến hai tiếng còn không vì tôi sợ xui xẻo. Làm như mình không nhắc đến hai tiếng đó thì sẽ được gặp các thầy! Ký cho tôi biết là thầy lớp tư của tôi mất đã lâu, thầy Hiệu Trưởng thì đổi về Đà Nẵng, nó không được tin nữa. Nó ngừng lại ngang đó trong lúc tôi sa sầm mặt xuống. Chao! Tôi đã rất mực vui thích khi nhìn được mái trường xưa, trò chuyện lan man cùng bạn cũ, nhưng thiếu các thầy thì tôi sẽ ra sao đây?
 
Nếu có thể, tôi xin ví chuyến đi của tôi như một người cặm cụi ngồi nặn cái kiềng đất ba chân, cẩn thận đem nung chín nhưng vì một rủi ro bất ngờ, kiềng gãy hết một chân. Kiềng còn có hai chân làm sao đứng vững được! Làm sao nó còn ra hình dáng cái kiềng! Ký điềm nhiên tiếp:
 
- Giờ còn lại có mình thầy T. lớp năm của mình thôi…
 
Tôi gắt nó:
 
- Sao không nói liền? Con khỉ, làm ta hết hồn…
 
- Hay chưa! Thì ta nói đây, còn đòi gì nữa! Ta có một cái miệng, làm sao nói hết một lần chuyện của cả ba thầy!
 
Tôi đứng lên, kéo nó đứng lên theo:
 
- Thôi! Đi! Đưa ta đến thăm thầy! Khỏi có nói năng gì nữa.
 
Ký dằng tay tôi ra, ỡm ờ, chậm rãi:
 
- Đi liền đâu được, thầy ở đâu đây mà thăm?
 
Trời ơi! Ký vẫn giữ thói đủng đỉnh như xưa. Thấy tôi sắp cáu, nó biết là không phải lúc đùa dai nên cho tôi biết ngay là thầy ở trong Phan Thiết. Tôi hỏi đi hỏi lại địa chỉ rõ ràng nhưng trong lòng thì không sao khỏi phập phồng lo ngại. Ồ, biết chừng đâu? Biết chừng đâu thầy tôi dời chỗ ở, hay là… Tôi lặng người đi vì kinh hãi, không dám nghĩ tiếp cái điều ghê gớm đó. Tuy vậy, tôi cố bình tĩnh hỏi đi hỏi lại coi lần liên lạc chót của nó với thầy cách đây bao lâu. Trông dáng bộ tôi, Ký phì cười, xác định:
 
- Ta đã nói thầy còn sống là thầy còn sống, đừng lo. Thầy cũng ở yên một chỗ không dọn đi đâu hết. hãy tin ta, ta là người toán học mà!
 
Vậy là đủ. Thầy tôi còn sống, không dọn đi đâu. Tôi không cần biết gì hơn nữa. Kẻ đắm tuyền được cứu thoát, kẻ mất báu vật mới tìm ra cũng chỉ mừng được như tôi thôi. Tôi biểu lộ sung sướng một cách ồ ạt đến nỗi con bạn cũ la lên oai oái và nói với con trai nó – đã 22 tuổi – bằng giọng nghiêm trang giả tạo:
 
- Thuận ơi! Con coi bạn mẹ già rồi mà giống như con nít, phải không?
 
Thuận nhìn mẹ và dì bằng đôi mắt thích thú và tôi như được khuyến khích nên không ngần ngại, đấm thêm bạn vài cái nữa, mới thôi.
 
Chiều hôm ấy, Ký phải đưa tôi ra xe đò về Phan Thiết, vì tôi cương quyết quá nó không cầm nổi. Nó đã dùng đủ lời lẽ để giữ tôi lại, nào bạn cũ còn nhiều, nào bãi biển đẹp, nào cá tươi. Nhưng tôi bảo:
 
- Được, rồi tao sẽ trở lại Mũi Né. Giờ tao phải về Phan Thiết thăm thầy đã.
 
Bảy giờ tối, cái xe cà tàng chở trầu mới về đến Phan Thiết. Tôi và cô bạn xuống xe, đi xích lô về chỗ trọ thay áo quần, rửa ráy qua loa rồi đi tìm nhà thầy ngay. Chúng tôi đều đói, nhưng cô bạn hiểu rõ sự nóng lòng của tôi nên vui vẻ chịu khó đội mưa đến nhà thầy.
 
Và, trời ơi! Thầy tôi đang ngồi đó, với khuôn mặt phúc hậu, tuy có già hơn xưa nhiều. Thầy tôi mặc bộ quần áo lụa trắng chứ không mặc áo xuyến đen như lúc trước, 37 năm qua mà tôi vẫn nhận ra thầy trong phút gặp mặt đầu tiên. Thầy tôi tưởng chúng tôi lầm nhà, hỏi:
 
- Mấy cô đến tìm ai?
 
Tôi xúc động đến bàng hoàng, nghẹn thở và rồi trấn tỉnh sau một giây, tôi cất tiếng:
 
- Thưa thầy, con là L. học trò cũ của thầy đây. Con học thầy lớp năm ngoài Mũi Né năm 1936, thưa thầy! Con chắc thầy không nhớ con, nhưng con, con nhớ thầy rõ lắm. Con ra ngoài Mũi Né và con Ký nó chỉ nhà thầy…
 
Thầy tôi chậm rãi nói:
 
- Học ngoài Mũi Né! Năm 1936! Để coi, thầy không nhớ nổi, học trò đông quá, để coi…
 
Tôi nói mau, quên cả thở:
 
- Thưa thầy, con vội vàng về đây ngay để gặp thầy. Con nghe thầy lớp tư mất rồi, thầy Hiệu Trưởng về Đà Nẵng… con lo quá, con sợ…
 
Tôi nghẹn lại, không nói gì được nữa, ngồi im. Giờ đến lượt bạn tôi lên tiếng thay tôi. Tuy cô ấy không phải là bạn học cũ như Ký, song cô rất hiểu tôi. Tôi sung sướng đến lặng người đi, ngồi trên ghế, tôi nhìn chầm chập vào thầy tôi và bên cạnh ông là cô tôi, cũng hiền lành phúc hậu. Thầy cô tôi lần lượt hỏi đến chức nghiệp, gia đình, con cái tôi, nhất nhất đều được bạn tôi trả lời thay. Tôi cứ ngồi im như vậy mà tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời hiếm có của đời mình. Tôi như mê đi, như sống lại cái hồi đọc bài Tướng Carnot về thăm thầy cũ, sống lại cái mộng trẻ con của tuổi lên bảy ngày xưa.
 
Các em thân mến! Phải! Tôi đã trở về, gặp được thầy cũ, trường xưa, tuy tôi không là Carnot sang cả, tôi không cỡi ngựa kim, không có quà như ý muốn, nhưng tôi sung sướng, hãnh diện biết ngần nào! Tôi đang sống trong giấc mơ có thực đó thì tiếng cô tôi làm tôi thức tỉnh:
 
- Cảm ơn con! Quí hóa biết ngần nào! Con vẫn nhớ đến thầy xưa… Cô cảm ơn con!
 
Về đến Sài Gòn, tinh thần tôi lên cao độ, tôi khỏe mạnh khác thường. Suốt ngày, suốt buổi tôi kể chuyện này cho con cái, cho hết cả bạn bè với cái giọng của vị tướng hành quân toàn thắng. Cho đến nỗi các con tôi phải kêu lên: “Mẹ bữa nay trẻ lại có mười năm”.
 
 
MINH QUÂN    
 
 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 109, ra ngày 5-10-1973)