Thầy giáo Truyền bước vào
lớp, chiếc máy bay bằng giấy phóng từ góc trái lượn 1 vòng trên không rồi đáp
xuống bàn thằng Hoa đầu sói. Chiếc đầu nhẵn thín khẽ rung lên, nghiêng hẳn qua
một bên để tránh. Có tiếng vỗ tay ầm lên. Hoa đầu sói cau mặt lẩm bẩm:
- Bố con nhà Thiên!
Thầy giáo Truyền khó chịu
thả mình xuống ghế. Cơn buồn ngủ ban trưa chen lẫn cái nóng hắt từ mái tôn
xuống tạo một bầu không khí quá căng thẳng. Thầy dằn mạnh mấy cuốn sách cầm ở
tay xuống bàn. Những bụi phấn trắng nhỏ li ti tung lên cao…
Có tiếng ngáp dài đàng cuối
lớp và tiếng chửi thề nho nhỏ. Thầy giáo Truyền ngừng giở sách, đỡ gọng kính
cho nằm cao lên trên sóng mũi, nhìn xuống.
- Thằng Thị!
Thị – hay Thị Sẹo cũng thế –
là một trong ngũ quỉ của lớp Nhất C này. Sở dĩ cả lớp đặt cho nó cái danh từ không
mấy đẹp đó, vì trên khuôn mặt nó có điểm một vết sẹo nhỏ. Tên “Thị Sẹo” từ một
đứa gọi đến hai… rồi ba, bốn và có lẽ thầy… là người cuối cùng được nghe.
Thầy giáo Truyền liếc mắt
nhìn sang thằng bé ngồi bên cạnh Thị Sẹo. Nó tên Hùng, rất thông minh nhưng ham
chơi và lì lợm. Thầy đã có lần đánh nó năm roi vì không làm toán. Nó không
khóc, lầm lì trở về chỗ ngồi. Ngày mai vẫn thế. Thầy hiểu ý, không đánh nữa chỉ
ôn tồn khuyên nó lần sau cố gắng nhiều hơn : Hôm sau nó làm toán!
Bên cạnh Hùng là thằng bé có
mái tóc dài chải gọn. Cả lớp gọi nó là “Lam Beatles”. Nó tên thật là Lam.
Beatles chỉ là tên của một ban kích động nhạc thời đại có mái tóc dài ôm sát bờ
vai. Lam chăm chỉ hơn hai đứa kia nhưng lại rất thích “a dua”. Những lối chơi
kỳ cục trong lớp xuất phát từ Hùng hay Thị Sẹo đều được nó bắt chước làm theo…
Hai đứa ngồi bên Lam
“Beatles” là Dzũng và Thời. Cả năm thường xưng danh là ngũ quỉ và phá phách đủ
điều… Những ngày đầu năm, thầy giáo Truyền hơi chán nản. Nhưng dần dà rồi cũng
quen… nhất là từ khi thầy tìm ra một phương pháp giáo dục tế nhị và tâm lý
nhiều hơn : Tình thương để cải hóa.
Thầy giáo Truyền lơ đãng
nhìn lên mấy bàn trên. Thằng Hóa, Sinh, Thái ngỡ thầy nhìn mình, nhoẻn miệng
cười… giao cảm. Thầy cười theo. An ủi của thầy đấy, chúng rất chăm chỉ, dễ bảo.
Đôi lúc thầy vẫn thấy mình không cô độc.
… Tiếng nói chuyện thưa dần.
Bọn ngũ quỉ hình như cũng hết đề tài để kháo nhau cũng ngồi yên. Thầy giáo
Truyền lật tiếp trang sách. Bài Việt Sử hôm nay dạy về “Ngày chiến thắng Thăng
Long thành” của Quang Trung hoàng đế, vị vua được báo chí các nước đặt ngang
hàng với Napoléon của Pháp quốc. Thầy lấy giọng giảng bài. Chỉ nghe tiếng lật
giấy lách tách khô khan… tiếng thầy đi vào khoảng không, lạc lõng…
Trống trường nổi lên từng
hồi. Thầy giáo Truyền ngừng giảng xếp vội mấy cuốn sách trên bàn xong quay ra
bục ghi lên bảng đề luận ngày mai. Lũ trẻ nhìn nhau bàn tán. Nhiều cánh tay giơ
cao xin góp ý kiến. Ở bàn đầu có đứa đứng dậy nói với lên:
- Tự do thầy! (?). Xin thầy cho đề tự do.
Thầy giáo Truyền dễ dãi ghi
lên bảng ba chữ thật to bằng phấn đỏ : “Đề tự do”. Cả lớp vỗ tay, la hét. Bác
lao công và vài chú học sinh bé tí đi trên hành lang, dừng lại tò mò nhìn vào.
Thầy giáo Truyền ra hiệu bảo im lặng:
- Các em cố gắng làm dài và
hay nhá!
Ồn ào lại nổi dậy. Thầy nghe
mang máng có tiếng Thị Sẹo hét to:
- Hoan hô thầy!!!
Thầy giáo Truyền mỉm cười đi
ra cửa…
*
Thầy giáo Truyền chải gọn
mái tóc ướt nước, xong thả mình xuống ghế trước “bureau”. Cây vú sữa sai trái
trong vườn xao động. Ngọn gió mát tràn vào cửa sổ hất tung mấy tờ giấy xuống
đất. Thầy bình thản lấy vở luận ra chấm. Bài đầu tiên của thằng Hóa. Câu nhập
đề gọn nhưng thông thường. Thầy cẩn thận sửa lại mấy chữ sai lỗi chính tả rồi
lật sang phần thân bài. Thằng bé tả “Trăng sáng đêm Trung thu”. Ý tưởng khá dồi
dào nhưng xếp đặt lộn xộn.
… Ngoài vườn, có tiếng vú
sữa rơi. Khóm lá góc trái rung mạnh. Thầy giáo Truyền mang vội cặp kính đứng
dậy:
- Lại bọn trẻ!
Thầy chợt nghĩ ra một kế
nhỏ… Rồi đây, sẽ không đứa nào dám vào phá cho mà xem. Nghĩ thế, thầy lặng lẽ
đi ra vườn, men theo bờ giậu…
Cây vú sữa nhà thầy năm nay
cũng sai trái. Thầy sống độc thân nên không làm gì được. Nhưng cứ mỗi tuần, bà
hàng xóm thường đến xin hái đem ra chợ bán. Thầy lấy chút ít gọi là, còn bao
nhiêu biếu cho bà ấy… Bây giờ, bọn trẻ trong làng có đến phá phách, hái đi một
ít cũng chả ăn thua gì. Nhưng khổ một điều là : thấy thầy quá dễ dãi, bọn trẻ
kéo vào đông hơn và đôi lúc còn phá cả giấc ngủ của thấy.
… Thày giáo Truyền mon men
lại gần…
- A! Gan thật! Bọn thằng Thị
Sẹo!
Khi nhận ra lũ học trò nghịch
ngợm của mình, thầy giáo Truyền thấy dễ dãi hơn và bỏ ý định trước. Thầy đứng
xa xa chờ đợi…
Ngũ quỉ say sưa ăn không hay
biết. Thị Sẹo đu người ra cành sai quả nhất, hái một trái ném cho Thời khẽ bảo:
- Của thầy đấy! Ăn cho đã.
Hùng đưa tay quệt vết mủ
dính trên môi, nói với lên:
- Trò ăn của thầy cóc có
tội. Mày không nhớ là chính thầy đã có lần đọc cho bọn mình nghe mấy câu thơ
cũa Nguyễn Trãi à? “Của đời muôn sự của chung” là thế đấy!
Lam “Beatles”, Dzũng, Thời
biểu đồng tình, ăn nhanh hơn…
*
Cho đến khi ngũ quỉ định rút
êm, thầy giáo Truyền mới bước lại gần. Thằng Dzũng thấy trước lao vụt ra ngoài:
- Chết! Thầy bay ơi.
Thị Sẹo rồi Thời, rồi Lam
hốt hoảng lao theo. Thầy giáo Truyền bước qua chắn lối đi, sẽ bảo:
- Các con đứng yên đấy!
Ngũ quỉ dừng lại, đứng im
như trời trồng, đầu cúi thấp. Thầy mỉm cười nhìn lá và vỏ rải rác trên sân nói:
- No cả chứ?
Không đứa nào dám ngước mắt
lên nhìn thầy hoặc trả lời…
- Thôi, các con vào nhà thầy
rửa tay đi. Cứ để như thế, về nhà mẹ lại bảo là… “ăn trộm” ở đâu thì ốm đòn
đấy!
Ngũ quỉ xấu hổ, lí nhí bước
theo thầy. Thị Sẹo đi đầu. Nó thấy thầy dễ dãi quá, nên chợt hối hận : Tình
thương của thầy bao la đến nó không thể nào ngờ được…
… Hôm trước, giờ ra chơi,
thằng Thời bảo là nó thấy ở nhà thầy có cây vú sữa nhiều quả chín. Đang bực tức
vì không thuộc bài, nó vội vàng tìm ngũ quỉ rủ chiều thứ năm lại nhà thầy… Ngũ
quỉ bằng lòng ngay. Và hôm nay, chúng nó thực hiện xong ý định đó, chỉ tiếc…
(!)
Thị Sẹo xích lại gần thầy
hơn, ngẩng mặt lên… Thầy giáo Truyền nhìn nó. Thầy hiểu học trò mình hối hận :
Tình thương cải hóa nó. Thầy cúi xuống vuốt tóc từng đứa, bảo chúng:
- Thầy hiểu các con lắm!
Thị cúi đầu, nước mắt chảy
quanh:
- Thưa thầy, chúng con trót
dại!...
- Thầy biết lắm, và sẽ tha
thứ cho các con miễn là từ nay các con thôi nghịch trong lớp, chăm chỉ học hành
hơn. Tuổi thơ các con cố gắng hưởng thụ lấy kẻo sau này hối hận…
Ngũ quỉ đứng yên lĩnh hội.
Thầy giáo Truyền cảm động, dịu dàng nói tiếp:
- Các con nhớ vâng lời thầy!
Thầy sẽ dạy cho các con những bài học xứng đáng để sau này, khi lớn lên, các
con có đủ tài năng để giúp ích cho đời, cho xã hội…
Ngũ quỉ chào thầy đi ra cửa.
Không đứa nào buồn lên tiếng. Thầy giáo Truyền đưa mắt nhìn theo, sẽ mỉm cười…
*
Cả lớp im lặng. Thầy giáo
Truyền đi ra bục lấy giọng giảng bài Việt Sử tuần này. Dưới kia, ngũ quỉ vòng
tay chăm chỉ chờ đợi.
- Các con! Quê hương chúng
ta đẹp lắm! Các con hãy cố gắng giữ lấy và yêu thương trọn vẹn. Không ai dám
bảo rằng các con không biết yêu quê hương đâu. Các con chăm chỉ học hành, kính
yêu cha mẹ, và tỏ lòng biết ơn những người đã và đang hy sinh cho các con ; thế
là đủ rồi…
Tiếng thầy đi vào không
gian, dịu dàng và ấm cúng…
Tha Hương Bình Phương
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 90, ra ngày
1-5-1968)