Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

CHƯƠNG IV_CÁNH GIÓ


CHƯƠNG IV


- Mây à, Mây có thực tình thương anh không, hay chỉ thương hại thôi?

Mây đưa mắt trìu mến nhìn Chân. Mắt Mây khẽ nhíu lại trách móc:

- Anh chỉ nghĩ như vậy mãi. Mây đã nói là không những Mây thương anh mà còn kính mến anh nữa. Nếu không có anh, Mây đâu có được như ngày hôm nay. Không có anh, Mây đâu tập được cái tính nhẫn nại, chịu đựng, kiên tâm để có thể học hành đến nơi đến chốn.

Chân nhìn Mây, lòng tràn ngập niềm vui sướng. Hạnh phúc nào bằng hạnh phúc Chân đang nắm giữ. Nhưng trong hạnh phúc, Chân vẫn không yên tâm, một bóng mây mờ lúc nào cũng lảng vảng hiện ra. Chân nắm lấy tay Mây, nhìn thẳng vào mắt nàng nghiêm giọng hỏi:

- Nhưng anh vẫn sợ Mây à. Rồi em sẽ nổi tiếng, được nhiều người để ý, còn anh, anh chỉ là một người con trai thật tầm thường, thua kém, nhất là thua kém cả Văn. Người ta có học, giàu có, còn anh…

Mây lắc đầu thật nhanh:

- Sao anh cứ nhắc đến Văn hoài vậy? Văn tốt, nhưng Văn đâu phải của em. Giấc mơ lãng mạn ngày xưa đã vỡ tan từ lâu rồi anh à.

- Nhưng anh nghèo quá!

Mây phì cười:

- Bộ Mây không nghèo hả. Mây phải xin tiền anh. Anh phải bán đồng hồ lấy tiền cho Mây chữa bệnh. Cả hai đứa đều nghèo hết.

Chân nhìn Mây không nói gì nữa, hãy để cho niềm vui xâm chiếm từng tế bào cảm giác. Hãy để cho hai ánh mắt cuốn hút nhau. Đó là câu nói dài nhất của yêu thương.

Bên kia sông, mặt trời chìm dịu mát dưới mây. Gió lay động nhẹ nhàng.

Một lúc lâu, Mây mới nói với Chân:

- Anh Chân à… Bài vở tập luyện kỳ này mệt thiệt là mệt. May mà ông Tân Phong cho em học thêm mấy giờ buổi chiều để theo kịp lớp đó. Nghe ông Tân Phong nói là kỳ thi ra trường tháng tới sẽ chọn lựa mấy người trình diễn trong đại nhạc hội toàn quốc sắp tới, cho nên trường chọn kỹ lắm.

- Thế Mây có mong được chọn không?

Mắt Mây mơ màng, niềm đam mê đốt cháy quả tim Mây. Một cơ hội bằng vàng cho những người mới ra trường như Mây. Nếu thành công trong đêm đại nhạc hội đó là thành công cao nhất của một đời ca hát.

- Mây đâu mong gì hơn anh Chân à. Mây nhất định phải đậu thật cao để ra mắt trong đêm đặc biệt đó. Cứ ba năm mới tổ chức một lần đó anh. Bao nhiêu cố gắng cực khổ của Mây sẽ được trả giá ở đêm họp mặt đó. Nhưng nhiều nhân tài quá Mây đâm lo…

Chân nói, giọng cương quyết:

- Anh chắc là Mây sẽ thành công, bởi giọng hát của Mây có hồn lắm. Bây giờ chỉ còn vấn đề kỹ thuật thôi. Nhưng với sự cố gắng, Mây thành công mà. Đừng có lo…

Mây gượng cười:

- Lại mèo khen mèo dài đuôi rồi. Nhưng không chắc đâu anh. Bởi tất cả những học viên ưu tú của các trường âm nhạc, các trường quốc gia âm nhạc Huế và Sài Gòn nữa. Mà ở đây có hằng bao nhiêu trường dạy ca nhạc nữa.

- Lại nhụt chí rồi!

Mây cãi:

- Đâu có, Mây không nhụt chí đâu, nhưng… biết người biết ta, trăm trận trăm thắng mà anh.

Cả hai cùng cười vang. Sóng nước lăn tăn như cũng cười theo với đôi nhân tình dễ thương đang trong mùa yêu thương.


*
 
Mây đứng trên sân khấu, giữa những vòng tròn ánh sáng đầy màu sắc. Phía trước Mây là khán giả, những vị khán giả khó tính nhất nước. Đó là ban giám khảo của trường ca nhạc Tân Phong. Ông Tân Phong ngồi chính giữa, nghiêm nghị, lầm lì, không tỏ rõ một giọt máu nghệ thuật tính nào cả. Đàng sau ông là một số các vị giáo sư đã dạy cho trường cùng các đại diện thân hữu những trường ca nhạc khác, một số các ca sĩ đương thời. Phía sau cùng là các học viên đã thi, hoặc đang chờ tới phiên mình cùng nhiều thân nhân gia đình của họ.

Cả một đại giảng đường rộng lớn của trường ca nhạc đặt tại lầu thượng của tòa biệt thự Tân Phong đầy nghẹt người. Nhưng những tiếng ồn ào thì tuyệt nhiên không có, ngoại trừ những âm vang của tiếng áo, tiếng quạt, và đôi khi tiếng thì thầm của những khách tham dự, kín đáo nói chuyện hoặc trao đổi với nhau vài ý kiến sau một màn trình diễn.

Hôm nay là buổi thi quyết định của kỳ thi ra trường. Phần nhạc lý đã thi xong từ trước. Kết quả nhạc lý sẽ ấn định số người được thi hôm nay. Và Mây là người đầu tiên trong danh sách các thí sinh xuất sắc được trình diễn đầu tiên.

Hôm nay, Mây mặc một chiếc áo màu vàng hoàng hậu. Màu áo vàng mà Chân đã chọn mãi để làm quà cho Mây ngày sinh nhật của nàng. Chiếc áo lụa lóng lánh óng mướt rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu. Mái tóc huyền dài mướt xòa một phần trước ngực, nổi bật lên khuôn mặt dễ thương, ăn ánh sáng. Ông Tân Phong cũng phải tấm tắc khen thầm là con nhỏ ăn ánh sáng quá. Nhưng riêng Mây, trên sân khấu trong giờ phút bắt đầu thật là hồi hộp. Mặc dù Mây cố gắng nhủ lòng là hãy bình tĩnh, bình tĩnh, nhưng trái tim Mây vẫn nặng như cối đá. Mây cố gắng giấu bớt một bàn tay thừa thãi, lạnh ngắt trong tà áo. Lên sân khấu đầu tiên là sự vui mừng vì biết là mình đã đậu đầu về môn nhạc lý, nhưng thua lỗ ở chỗ chưa định thần được và nhất là chưa hâm nóng mình được trong bầu không khí ca hát. Quen hơn thì dạn dĩ hơn. Bởi vậy, dù Mây đã nhiều lần lên sân khấu trước các anh chị em học viên nhưng bầu không khí những lần đó, khác hẳn hôm nay.

Nhạc dạo đầu đã sẵn sàng. Bài hát đề nghị Mây đã được cho biết trước để tập. Nàng phải hát hai bài, một bài tình cảm và một bài hùng tráng.

Mây đưa mắt nhìn xuống dưới để kiếm một ánh mắt cầu cứu. Nàng nhìn về phía góc nhà, Chân đứng thu hình ở góc trái. Hẳn Chân cũng đang lo âu không kém gì nàng. Ánh mắt của anh không di động ra khỏi sân khấu một giây. Anh đưa tay ra dấu trấn an Mây. Ở giữa nhà cạnh những hàng ghế đầu, hai bóng người chồm lên. Mai và Văn. Mai dùng khăn tay phơ phất. Văn cười với Mây. Những gương mặt thân thuộc quá, và Mây đã bắt đầu bình tĩnh trở lại. Nhạc dạo đã gần dứt… Mây lắng tất cả tinh thần vào bài hát. Một khung trời nào bát ngát hương yêu. Không phải là giảng đường của ông Tân Phong mà là một thảm cỏ tơ vàng, trên đó những giọt nắng đọng hiền hòa, trên đó, bóng tre là ngà xanh mướt, bướm lượn rộn ràng. Âm thanh của tiếng khung quay tơ và lời ru ca dao nồng nàn thương mến.

- “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dịu mấy thu qua. Còn đó, bóng tre êm ru. Còn đó, còn diều vật vờ. Còn có, những đêm sao mờ hồn ta mênh mang nghe gió vi vu...

… Tình có ghi lên đôi môi. Sầu có phai nhòa cuộc đời. Người vẫn thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vui. Đời vui như tiếng hát của lứa đôi… Đời vui như tiếng hát của lứa đôi…”


Mây cúi đầu chào khán giả trong một tư thế dịu dàng.

Tiếng ca đã dứt và âm thanh vẫn còn lẩn quất trong thính giác của mọi người.

Hàng trăm, hàng ngàn tiếng vỗ tay như muốn vỡ cả giảng đường. Ông Tân Phong cười hả hê trên hàng ghế giám khảo. Những vị khác nhìn nhau gật đầu.

Nhưng Mây không biết, Mây không thấy gì cả. Tiếng vỗ tay như du Mây vào cơn đồng thiếp của âm thanh. Nhạc đã dạo một bài hùng tráng, bài Bạch Đằng Giang. Mây đứng vững vàng trên sân khấu. Trước mắt nàng, những vườn cỏ xanh tươi của một buổi chiều vàng xa xôi đã mất hút. Mà đâu đó, Mây nghe như tiếng sóng vỗ bờ. Tiếng hát ca vang, tiếng chân đi, tiếng trống gọi của một trận chiến hào hùng của dân tộc.

- “Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung. Trên trời xanh, muôn sắc đua chen bóng ô. Dưới đáy giòng nước, ánh sáng vẩn vơ nhấp nhô…"

Tiếng hát của Mây cuốn hút tâm hồn của những người dự thính vào cái hồn dũng khí ngày xưa. Máu mọi người như nóng sôi lên. Nếu không là một buổi thi ra trường thì nhất định những tiếng vỗ tay đập bàn nhịp nhàng sẽ phụ họa cho Mây hát.

Nhưng trong cái nhịp thành công đó của Mây, có một người vui không kể xiết mà buồn cũng không kể xiết. Đó là Chân. Từ những giây phút đầu của buổi thi, Chân lo sợ còn hơn Mây lo sợ. Chàng theo dõi từng nhịp hát của Mây, từng nét mặt của ban giám khảo. Nhưng khi thành công của Mây quá rõ ràng. Bỗng nhiên song song với niềm vui, Chân thấy một nỗi buồn len đến rất nhanh. Chân cố gạt đi vì thấy mình ích kỷ. Nhưng không được, Chân không thể tự dối mình, chàng buồn khi nhìn lên sân khấu. Mây không phải là của Chân nữa. Một Mây sáng chói và to lớn. Mây vượt hẳn lên Chân. Chân trước sau gì cũng chỉ là một thằng con trai bán báo lấy tiền đi học nghề. Và Mây bây giờ trở đi sẽ là một Mây khác xưa nhiều lắm. Mây vẫn hát say sưa trên sân khấu. Và dưới này, Chân rũ ra như một cành lá héo. Chân cũng vừa nhìn thấy gia đình bà Tuyết Hoa ngồi đằng kia. Chàng con trai hào hoa, giàu có sang trọng kia đang phất giải khăn tay khen tặng Mây. Cơn ghen ngầm lại đột khởi trong lòng Chân. Chàng biết mình vô lý, nhưng làm sao có thể định nghĩa được ghen và yêu thế nào? Làm sao có thể phân định được tấm lòng của một người đang yêu tha thiết?

Lần vỗ tay sau cùng càng rền vang và càng dài hơn. Mây phải đứng lại cám ơn nhiều lần. Những chiếc máy ảnh bật ánh chớp lên liên tiếp, mặc dù kết quả chưa được công bố và còn bao nhiêu là thí sinh đang chờ đợi bên dưới. Mây bước xuống sân khấu. Những phóng viên nhanh nhẹn đã chen lấn quanh nàng. Một số khán giả ưu ái cũng bước đến khen tặng Mây. Cả Văn cả Mai. Cuộc thi phải dừng lại một lúc. Và sự thành công của Mây quá rõ ràng. Mây rạng rỡ tươi cười hân hoan hơn bao giờ hết. Nàng đưa tay cho Mai nắm và hỏi Mai:

- Mây hát có được không?

Văn cướp lời:

- Cứ nhìn mặt của bác Phong thì biết. Tuyệt lắm. Mây hát tiến bộ không thể tả được. Thật tôi không ngờ.

Mây sung sướng quá. Như vậy là nàng có hy vọng thành công ghê lắm. Nghĩ tới giây phút xướng danh, Mây cảm thấy lòng mình như chơi vơi trên chín từng mây.

- Mây, ngồi đây đi, để cho các người khác lên thi.

Ông Tân Phong cũng quay lại ra dấu với Mây. Các vị giáo sư kéo nàng ngồi cạnh họ và khen tặng không ngớt.

- Không ngờ, em đau bỏ học cả tháng mà tuyệt quá. Phục em thật!

Mai cũng ríu rít át cả lời bà Tuyết Hoa:

- Giấc mơ hồi nào của chị thành sự thật rồi đó nhé.

- Mơ cái gì vậy Mai?

Mây nhìn Văn. Nàng nhớ lại giấc mơ hôm nào xa xưa. Má Mây ửng đỏ. Giấc mơ thần tiên đó không bao giờ Mây quên được. Nhưng Chân, chắc chắn đang đứng ở dưới. Mây nhỏm dậy:

- Suỵt, im lặng để cho những người khác thi.

Giảng đường im lặng như tờ theo dõi bước chân của một nam thí sinh đang đi giữa những vòng ánh sáng màu sắc. Đèn bên dưới mờ đi. Mây không dám di chuyển bởi nàng đang ngồi hàng ghế của các vị giáo sư. Phải để cho họ theo dõi. Đó là kỷ luật của nhà trường. Mây sốt ruột quá, nhưng nóng lòng đành ngồi im. Mây quay đầu xuống bên dưới tìm Chân. Nhưng Mây không thấy gì cả, toàn người là người, không làm sao phân biệt được gì giữa vùng bóng tối lờ mờ.

- Mây

Có tiếng gọi nhỏ. Và bàn tay Văn thòng xuống trao cho Mây một chiếc kẹo cao su. Mây nhận lấy nhưng không ăn được. Không biết Chân đứng ở đâu nhỉ? Tìm mãi chả thấy. Mây cứ nôn nao chẳng theo dõi gì được trên sân khấu.

Người thí sinh thứ hai vừa dứt bản hát cuối cùng của anh. Bài đầu thật tuyệt, nhưng bài ca hùng lại hỏng ở đoạn cuối.

Mây đứng dậy, nàng lợi dụng mọi người đang vỗ tay bàn tán để đi ra. Nhưng một người đàn ông lạ mặt đã len vào chỗ Mây và sà xuống cái ghế trống bên cạnh. Ông nói với Mây.

- Xin lỗi cô, cô có thể cho phép tôi được nói chuyện với cô một vài phút không?

Vị giáo sư bên cạnh chen vào:

- Dịp may của Mây đó nhé. Đây là nhạc sĩ Hoàng Lang, người chuyên môn lăng-xê các ca sĩ nổi tiếng đấy. Ông đã từng lăng-xê cho các ca sĩ như Như Ngọc, Huyền Vân, Dạ Lan, mấy ca sĩ đắt giá nhất nước đấy. Nè anh Hoàng Lang, học trò của tôi đấy, anh liệu giúp nó có chỗ đứng mới.

Hoàng Lang cười vừa phải. Ông chững chạc nhìn Mây như một người quan sát kín đáo và nhỏ giọng:

- Cô ngồi đây đi.

Mây không làm cách nào hơn bèn ngồi xuống trong khi lòng nóng như lửa đốt.

Hoàng Lang giới thiệu với Mây nhà hàng ca nhạc nổi tiếng nhất của ông. Nơi quy tụ những danh ca tài tử thượng thặng trong nước, cũng như quốc tế. Mây đã từng nghe nhà hàng này nhiều lần, một nhà hàng chuyên trình diễn nghệ thuật hơn là bán nước ngọt. Và không một ca sĩ nhà nghề nào mà không mơ ước được có mặt trong thành phần nghệ sĩ của nhà hàng Việt Nam, lớn lao và quy mô hơn cả nhà hàng ca nhạc của ông Tân Phong.

- Tôi gặp cô để đề nghị thẳng với cô một chuyện, đó là việc thâu dụng cô cho nhà hàng chúng tôi. Nói là thâu dụng thì quá đáng, bởi nếu cô làm việc, cô là một nghệ sĩ tự do. Nhưng tính tôi khác hẳn với các người khác là dùng chữ không được khéo léo. Cô tha lỗi cho. Chúng tôi có một ban nhạc và một ca đoàn.

Mây buột miệng:

- Ca đoàn Giữ thơm quê mẹ.

Ông Hoàng Lang cười hãnh diện:

- Đúng rồi, chắc cô đã từng nghe. Với ca đoàn đó, chúng tôi tuyển dụng những nghệ sĩ có giọng ca hoàn hảo nhất nước. Và phải qua ba tháng huấn luyện cực nhọc và khó khăn để tập hát mà không cần mi-cờ-rô, người ta gọi là hát lối hát ô-pé-ra đó. Nếu cô bằng lòng, tôi sẽ đề nghị với cô một hợp đồng.

Mây bối rối không biết nói thế nào nữa. Danh vọng và thành công đến với Mây bất ngờ hơn Mây tưởng.

- Tôi tin cô sẽ thành công dễ dàng, bởi tôi đã nghe ông Tân Phong thuật chuyện về cô. Cô kiên nhẫn và biết cố gắng lắm. Đó là một tính rất tốt cho các thiên tài. Và nhất là nghề của mình.

Mây ấp úng:

- Ông không đợi kết quả… Có người hát hay hơn tôi, giỏi hơn tôi.

Ông Hoàng Lang cười:

- Nghề của tôi mà cô. Thoáng là tôi biết ai sẽ thành công. Cô yên chí đi. Với ca đoàn Giữ thơm quê mẹ, tài nghệ cô sẽ không bị mai một đâu. Nhiều người cứ nghĩ là hát cho ca đoàn lâu ngày sẽ hỏng giọng. Hát đơn ca mới thi thố được tài năng của mình. Nhưng tôi sẽ chứng minh với cô rằng họ đã nghĩ lầm. Hát đa âm rất khó, khó vô cùng. Những ca sĩ nổi tiếng bây giờ không phải là đã xuất phát từ ca đoàn của tôi hay sao?

Ông Hoàng Lang kiêu hãnh tiếp. Lối nói của một kẻ luôn luôn đón trước cơ hội và đánh hơi được chỗ tốt một cách mau lẹ.

- Nếu cô đồng ý, hợp đồng sẽ ký ngay hôm nay, sau buổi trình diễn. Ông Tân Phong sẽ làm chứng. Chắc cô không còn nghi ngại.

Mây ngồi chết lặng trước viễn ảnh huy hoàng của tương lai. Quả thật Mây có nhiều may mắn quá. Định mệnh ưu đãi mình quá. Mây nghĩ thầm.

- Cô bằng lòng?

Mây gật đầu nhè nhẹ. Mây không biết nói sao bởi Mây chưa quen với những lối nói chuyện tương tự, với cách thức làm ăn của những cơ sở quy mô. Mây bối rối, thật sự bối rối.

- Giá có Chân nhỉ.

Nhưng Chân vẫn không thấy đâu. Đèn sáng rỡ. Mây nhìn quanh quất ở chỗ Chân đứng hồi đầu. Chân không còn ở đó.

- Thôi nhé, cô ngồi chơi, tôi lại đầu kia một tí. Cô ngồi đây chờ tôi. Sau khi công bố danh sách thí sinh đậu ra trường, chúng ta sẽ bàn kỹ về hợp đồng làm việc.

Ông Hoàng Lang vừa đi khỏi là Mây đã đứng lên tìm cách len ra ngoài. Nhưng đại giảng đường thì đông đảo, đen nghẹt người. Mây không tìm ra Chân được. Đành chờ khi nào cuộc thi xong xuôi mọi người ra về, chắc Chân sẽ đứng đợi Mây bên ngoài. Yên chí phần nào, Mây vào trong cố gắng theo dõi buổi thi.

Giờ phút quan trọng và hồi hộp nhất của các thí sinh là lúc ban giám khảo họp trong phòng kín để xác định điểm. Ba cô thư ký làm với ba cái máy điện tử. Và do đó, kết quả được định mà không phải chờ đợi lâu.

Bên ngoài. Mây, Văn, Mai, bà Tuyết Hoa quây quần một đám. Mai nhất định là không có ai hát hay bằng Mây cả. Và Mây sẽ là thủ khoa. Riêng Mây, nàng vui mừng và hy vọng nhưng không dám lạc quan lắm. Mây chỉ cười trừ, mắt luôn luôn nhìn về phía phòng giám khảo.

- Kìa.

Hàng trăm tiếng nói cùng thốt lên một lượt. Cả gian phòng im lặng hẳn, khi ông Tân Phong xuất hiện trên sân khấu. Ông tuyên đọc danh sách các thí sinh được đậu ra trường theo thứ tự, và ông nhắc nhở là ba người đậu đầu sẽ được chọn để ra mắt trình diễn trong đêm đại nhạc hội toàn quốc sắp đến.

- Hạng nhất: Nguyễn Thị Như Mây…

Mây run lên. Mắt nàng hoa lên bởi những ánh đèn nhảy múa. Có những bàn tay nắm lấy tay Mây dục dặc. Tai Mây như ù đi bởi những âm thanh. Thành công. Mây thành công rồi. Mây bị đưa đi bởi đà dẫn dắt. Và nàng chỉ hoàn bình tĩnh khi ngồi trên ghế với ly nước ngọt lạnh ngắt trong tay. Mọi người đều tới trước chúc mừng Mây. Mây nhớ đến chuyện cô bé lọ lem. Và bây giờ Mây đang là cô bé lọ lem thật sự rồi.

Ông Tân Phong và Hoàng Lang nói gì Mây cũng không nghe rõ. Một tờ giấy đưa ra. Hợp đồng làm việc. Mây chớp mắt. Nàng đọc sơ qua theo lời nhắc của Văn. Nhưng đọc như là không đọc. Mây không còn nhớ gì cả. Và nàng đặt bút xuống ký. Chữ ký kéo dài đầu tiên trên tấm giấy mở đầu cho con đường thăng tiến.

Bữa cơm thân mật giữa các thí sinh với nhau đã tổ chức vào ngày trước kỳ thi. Và bây giờ Mây được ngồi giữa những người nổi tiếng, những bậc thầy âm nhạc trong một bữa tiệc trà sang trọng trong văn phòng ông giám đốc. Những chiếc bánh ngọt, ly nước cam, cái nem, miếng chả giò ròn, Mây ăn Mây uống như trong mộng. Mây đã ngợp trong sự sung sướng quá mức, trong niềm vui của một hạnh phúc dàn trải dày đặc dưới chân nàng. Hồn Mây như được nhẹ nhàng nâng lên bởi cánh gió, phiêu diêu đưa trải như cuộc đời nàng bắt đầu lên cao.

Bữa cơm chấm dứt. Mọi những từ giã, những lời hứa hẹn.

Mây bước ra cùng với mọi người. Khu vườn dày đặc bóng đêm. Đêm đã trải trên thành phố từ lúc nào. Gió mát phả lên mặt. Mây đã ra khỏi niềm sung sướng riêng mình. Nàng nghĩ tới Chân và muốn chia sớt những những nỗi hạnh phúc của mình. Nhưng Chân đâu rồi? Sao Chân không đợi Mây?

- Mây về nhà Mai chơi nghe?

- Thôi Mây về nhà

- Để bác đưa cháu về.

Mây vẫn trả lời không nhìn lại.

- Thôi bác ạ. Cháu cám ơn bác nhiều lắm. Nhưng cháu có hẹn với người bạn tới đây. Chắc là… chị… ấy quay lại đây bây giờ.

Mai nheo mắt nhìn Mây cười ý nhị. Văn có vẻ hơi nghi ngờ:

- Bạn gái hay bạn trai?

Mây cười cười:

- Trai hay gái cũng được!

Đợi cho xe của gia đình bà Tuyết Hoa chạy khuất, Mây mới lững thững đi bộ về hướng về nhà, vừa đi vừa xem chừng Chân có đón nàng ở đâu đó không.

Nhưng phố xá về đêm tấp nập quá. Những chiếc xe mang đèn pha xuôi ngược buốt mắt. Mây nhìn bắt chóng mặt, Mây đã đi bộ một hồi lâu mà vẫn không có Chân. Hay Chân chờ mình lâu quá nên giận?

Không có lý như vậy. Những câu hỏi quay cuồng trong đầu. Mây chỉ thấy buồn. Cơn vui nào đã lắng.

*


Mây tìm gặp Chân ở đằng sau chợ cách nhà một dãy quán không. Đêm, chợ Cá với hằng trăm mùi vị uế tạp bốc hơi. Không có một ai kể cả những người nghèo khó, đầu đường xó chợ lại có can đảm nằm ngủ đêm giữa chợ, ngoại trừ những bạn hàng bán cá, theo những chuyến xe về trễ nằm ụ chờ sáng sớm bốc cá. Nhưng họ cũng ở mé ngoài nơi có nhiều hàng quán, nhậu nhẹt.

Nếu không nhờ con Thủ, con bà hốt rác chỉ thì Mây cũng không biết Chân ở đâu mà tìm. Chân ngồi trên một sạp chợ, thỏng chân. Điếu thuốc cháy đỏ là đốm sáng rỡ duy nhất trên gương mặt đã chìm khuất trong bóng tối bởi một chồng giỏ không chất cao như núi.

Không biết Chân ngồi đã được bao lâu rồi. Chàng chìm mình trong suy nghĩ đến độ Mây đến sát sau lưng mà chàng cũng chẳng hay.

Mây đứng lặng một lúc. Tại sao Chân lại giận mình? Mình đâu có làm gì để Chân buồn bã. Mây nhẹ nhàng đặt tay lên vai Chân, nhỏ nhẹ:

- Anh Chân.

Chân hơi giật mình một chút. Chàng quay lại. Màu áo vàng lấp lánh. Nhưng Chân vẫn giữ nguyên thế ngồi cũ. Chàng chỉ hỏi với giọng buồn rầu:

- Xong rồi sao? Mây ra đây làm gì thế?

Vừa tức, vừa buồn, Mây muốn òa lên khóc, nhưng vội nín kịp.

- Sao vậy Chân? Em có làm gì đâu?

Chân vỗ vỗ lên bàn tay Mây đang đặt trên vai chàng:

- Không sao đâu, Mây vào ăn cơm đi, anh ngồi chơi một chốc rồi lại về.

Mây tấm tức:

- Anh ngồi chơi ở chỗ này à? Hôi hám, đầy mùi cá ươn, bẩn thỉu vậy mà anh đòi ngồi. Anh buồn Mây mà, nhứt định vậy!...

Chân xoay người lại, chàng nhìn thẳng vào mắt Mây, giọng cứng:

- Anh sống ở đây từ nhỏ nên quen với mùi hôi rồi Mây ạ. Riết rồi không nghe mùi nữa. Từ nhà ra tới đây ngày nào lại không nghe mùi, không bẩn thỉu. Chắc Mây không quen, nhưng anh quen rồi. Nghèo thì cái gì cũng phải quen hết, kể cả mất mát và khổ sở.

Mây trố mắt nhìn Chân. Chưa bao giờ Chân nói chuyện với Mây bằng cái giọng đó.

- Mây về nhà đi.

Mây òa lên khóc. Chân ngồi im một lát, nhưng chàng không ngăn nổi xúc động. Bao giận hờn theo tiếng nức nở của Mây bay hết. Giờ đây chỉ còn nỗi thương yêu và buồn bã. Chân quay lại, chàng cầm lấy tay Mây nói, giọng van lơn:

- Anh xin Mây mà! Thôi, đừng khóc nữa! Anh khổ lắm rồi!... Anh xin Mây mà!

Mây vẫn còn nức nở. Nàng vừa khóc vừa nói:

- Chắc anh không còn thương Mây nữa nên mới hằn học với Mây như vậy! Chớ Mây đâu có lỗi gì với anh đâu! Tại sao anh lại đối xử với Mây như vậy?...

Chân im lặng. Cõi lòng buồn mênh mang theo ý nghĩ. Chàng cúi đầu nói như nói với chính mình:

- Có lẽ không phải Mây làm cho anh buồn. Mây không có lỗi gì cả… Tất cả là vì anh. Có lẽ anh ghen ghét với cái thành công của Mây…

Mây ngạc nhiên hỏi lại:

- Anh ghen ghét với cái thành công của Mây?… Không, không phải vậy!

- Nói ghen ghét thì không đúng đâu Mây ạ. Anh vẫn luôn luôn mong cho Mây thành công mà… Nhưng, nhưng khi thấy Mây rực rỡ trên sân khấu, được tán thưởng, được bao vây, anh thấy mình buồn hơn bao giờ hết. Mây ơi, bây giờ Mây là một người khác rồi. Không phải Mây của cái xóm chợ cá này nữa. Mây đã có danh vọng rồi. Mây sẽ sang trọng, sẽ đẹp đẽ như những kẻ sang trọng đẹp đẽ. Còn anh, trước sau gì anh cũng chỉ là một người thanh niên làm nghề sửa chữa mấy cái tủ lạnh hư, mấy cái máy lạnh, máy giặt… Anh chẳng là ai hết, nghèo nàn, thấp kém…

Chân vùi đầu vào hai bàn tay. Tự ái song song với tình yêu làm chàng đau khổ. Không có gì buồn bằng.

Mây chảy nước mắt. Mây nhớ lại hôm nào. Một đêm xa thật xa. Mây với bộ áo cánh đơn giản bên cạnh những gương mặt, quần áo quý phái. Mây đã đau xót đến chết lặng người về sự thua thiệt của mình. Thấy rõ sự ngăn cách giữa nàng và Văn.

Bây giờ đến lượt Chân. Mây phải làm sao đây? Mây gỡ mấy ngón tay của Chân ra khỏi đầu tóc rối. Nàng nhìn thẳng vào gương mặt đã lấp đi bởi bóng tối, chỉ còn đôi mắt long lanh buồn rầu. Mây nói với Chân bằng tiếng lòng mình:

- Chân ơi, em thương anh thật tình. Không phải thương mà còn kính nữa. nếu không có anh, an ủi, nâng đỡ, khuyên bảo thì làm sao em được như ngày hôm nay. Phải nói là bao nhiêu thành công của em đều là do anh, của anh hết. Nếu sự thành công của em làm anh không được thoải mái, lo âu, thì em cũng bỏ đi, không cần tới nữa…

Mây nín lặng một lúc để dằn bớt cơn xúc động.

- Chân… Chân… anh có nghe em nói không... Đây này, đây là hợp đồng mà ông Hoàng Lang ký với em. Em bỏ hết. Em xé nó trước mặt anh để anh tin là em không cần gì hết…

Mây rút từ ví ra một tờ giấy gấp tư. Nàng trải ra định xé nát. Nhưng Chân đã dằn lại. Chàng gấp tờ giấy rồi bỏ lại vào ví của Mây. Mây òa lên khóc.

Chân cầm lấy tay Mây nói nhỏ:

- Cho anh xin lỗi Mây… Mây… anh hiểu Mây rồi… 

- Bộ anh tưởng rồi Mây thấy giàu sang là quên ơn, quên tình, quên nghĩa, quên thuở nghèo nàn hay sao?

Chân tha thiết:

- Không… anh xin lỗi Mây… Cho anh xin đi em… Bởi anh tủi thân… anh tự ái… Em thông cảm cho anh. Bởi cứ nghĩ anh mãi mãi như thế này, còn em càng ngày càng lên cao, anh thấy mất em ngay trước mắt…

Mây nhìn Chân âu yếm:

- Không, không bao giờ em như vậy hết. Vả lại anh đâu có thua gì em đâu. Nghề nào cũng là nghề. Khi nghèo nàn mình làm công. Khi có tiền, mình mở tiệm, thành chủ... Em không bao giờ nghĩ tới chuyện vẩn vơ như anh hết. Vả lại anh luôn luôn khuyên em là không nên thất chí, cứ kiên nhẫn rồi cái gì cũng xong hết.

Cơn giận hờn mau chóng được xóa tan giữa hai người thương nhau. Mây khẽ bấm móng tay mình vào cánh tay Chân, giọng trách móc:

- Mây cấm anh lần sau nghĩ bậy như vậy nữa nghe. Trời ơi, hồi nãy, anh làm Mây lo muốn chết...

Chân gật đầu. Hạnh phúc đến trọn vẹn quá làm Chân như ngất ngây. Chân mong muốn giây phút cảm thông này kéo dài mãi. Cả Mây cũng vậy. Cả hai im lặng. Chỉ còn hai bàn tay xiết chặt chia sẻ cho nhau nỗi niềm thương yêu, và hai ánh mắt nồng nàn dấu mến.

Một lúc lâu sau, Chân đỡ Mây đứng lên. Chàng nói lời đầu tiên:

- Thôi mình về nhà đi Mây. Ba má chắc chờ dữ lắm.

Tiếng “ba má” thoát ra từ miệng Chân làm Mây thoáng chút thẹn thùa. Má nàng ửng đỏ tưởng như là bóng đêm cũng nhìn thấy. Mây nép sát vào Chân và mặc chàng dìu đi xuyên qua những quán chợ im lìm.

Mây nhớ một đoạn trong bài “Thương Tình Ca” của Phạm Duy. Mây hát nho nhỏ:

“… Đưa nhau vào cõi vô biên, có chim uyên tình thiêng, hát ru êm triền miên…

      Dìu nhau sang bên kia thế giới

      Dìu nhau nơi quê hương mãi mãi 

     Dắt dìu về tới nơi xa vời. Dìu nhau đưa nhau vào cõi nghìn thu..." 

Chân mỉm cười sung sướng. Chàng hơi dừng lại một bước, cúi xuống hôn nhẹ lên tóc Mây và nói thầm như hơi thở:

- Mây là bài hát hay nhất của anh.

KIM HÀI
(4-1972)