Hoàng
bực tức quăng mạnh cây bút nguyên tử vì bài toán giải hoài không ra. Hoàng ngồi
thừ ra, nghĩ ngợi. Hoàng nhớ lại vụ dán bích chương cổ động cho báo Thiếu Nhi
ban sáng và càng thêm tức lũ trẻ ranh. Công trình Hoàng lặn lội lên tận tòa
soạn lãnh một xấp đủ màu bích chương hôm chủ nhật vừa qua. Lại hì hục khuấy bột
nên hồ cả buổi để đem đi dán. Vừa thấy mấy bức tường ưng ý, Hoàng bày “đồ nghề”
ra, thùng hồ, và cái sơ dừa để quét hồ… Mấy đứa nhỏ tò mò bu quanh chỉ trỏ và
cười khúc khích… Hoàng dán thật nổi, cứ một tờ màu xanh lá cây, rồi đến tờ màu
đỏ rồi màu danh dương, đến màu vàng… Cả một bức tường rực rỡ hẳn lên. Một vài
gốc me lớn cũng được Hoàng chiếu cố… Hoàng chọn những ngõ hẻm nhiều “thiếu nhi”
để dán… Phương châm của Hoàng là phổ biến tận hang cùng ngõ hẻm.
-
Ê! Nhỏ kia mày dán cái truyền đơn gì đó?
-
Xin lỗi bác, cháu dán bích chương cổ động cho báo Thiếu Nhi. Bác cho phép cháu
dán chừng bốn tấm là sạch cái vách cây đã cũ này.
Một
bà đứng tuổi rõ chuyện, thông cảm bỏ vào nhà. Và Hoàng rút kinh nghiệm phải xã
giao với chủ nhà trước khi dán. Lũ trẻ kéo theo Hoàng như cái đuôi dài.
Có
đứa năn nỉ:
-
Anh ơi! Cho tui vài tấm xếp máy bay đi anh.
Hoàng
cười hứa hẹn:
-
Ừ! Để coi dư mới được chớ!
Hoàng
sửng sốt không biết phải trả lời sao trước đối thủ chỉ lớn bằng thằng Ngọc, em
Hoàng.
-
Ê! Tao hỏi sao mày khi dễ không trả lời? Kênh hả?
Nó
đá dứ thêm vào lon hồ của Hoàng, đồng bọn nó cười rộ lên thích thú. Hoàng
thoáng nghe tiếng chúng chửi thề và những lời xúi giục:
-
Đánh cho nó một trận!
Hoàng
chỉ muốn giải thích công việc trong sạch và vô vụ lợi của mình nhưng tụi kia
không nghe, chỉ muốn đánh nhau.
Hoàng
nhịn nhục trả lời:
-
Tôi đi dán bích chương giùm cho tòa soạn Thiếu Nhi mà!
Các
anh – Hoàng đã phải chịu lép xưng như vậy – xem nè, bích chương đẹp chưa, báo
Thiếu Nhi các anh cứ mua xem hay lắm.
-
Thiếu Nhi là cái quái gì? Bao nhiêu một tờ?
Chúng
nhao nhao hỏi tiếp.
-
Cứ mỗi tuần ra một tờ, bán năm chục đồng thôi.
Chúng
lại chửi thề, bài bác:
-
Mắc quá! Để tụi tao mua truyện “Chú Thoàng” “Charlot” “Hiệp sĩ”… mười tì một
cuốn coi còn rẻ mà sướng ác.
-
Các anh đừng coi các truyện tai hại đó nữa, không có ích gì cho sự học các anh
đâu.
-
À! Cái thằng này dám lên mặt dạy đời. Mà mày định đánh trống lảng sao, tụi tao
hỏi mày rằng ai cho phép mày đi dán trong xóm tụi tao?
To
chuyện rồi đây, thật: “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”.
Đến
đó Hoàng không nhịn nhục được nữa, Hoàng sừng sộ:
-
Không ai cho phép cả, thích thì tôi cứ làm.
-
À thằng này ngon, đánh nó chơi anh em.
Chúng
hăm dọa rồi lùi xa thủ thế nhưng chưa có đứa nào dám xung phong để tấn công cả.
Hoàng
bình tĩnh buông xấp bích chương xuống đất và liếc mắt nhìn quanh, tìm chỗ
thoát.
-
Một, hai, ba…, bảy đứa tất cả – Hoàng đếm nhẩm.
Ba
đứa thấp hơn Hoàng một cái đầu và bốn đứa vào trạc em Hoàng (thằng Ngọc). Chúng
vung tay múa chân y như trong phim đấm đá Hồng Kông mà chúng xem để cướp tinh
thần của Hoàng. Có đưa còn vung chân đá gió ngoài xa nữa chứ. Lũ trẻ đi theo
Hoàng lúc trước không biết bênh phe nào, thấy có trò vui thì đứng giạt ra, vỗ tay
reo hò:
-
Đánh đi! Đánh đại đi, “anh em” hơi sức nào mà nhịn.
Hoàng
hơi cau mày, mỉm cười nghĩ “chưa chắc mình đã sợ”. Tụi kia ỷ đông, đứng gườm
một hồi thì nhào vô. Rõ ràng chúng “đá gió” mà lỵ. Hoàng xoay “tankan” tránh
thật dễ. Lũ du côn thoáng ngạc nhiên. Chúng nó biết đâu, Hoàng chính là một môn
sinh Hiệp Khí Đạo đã được sáu tháng rồi. Tuy chưa tài ba gì nhưng cũng đủ sức
tự vệ, có lẽ cũng đủ để đối phó với lũ nhãi ranh này.
Tụi
nhãi vài đứa châu đầu lại, bàn cách. À, chúng định vài đứa xông vào ôm Hoàng,
để mấy thằng còn lại đánh hôi.
Hoàng
hất hàm:
-
Sao, đánh sức một hay đánh hùa?
Tụi
kia trợn mắt, văng tục:
-
Đánh “hội đồng” nó đi anh em, giựt giấy về chơi.
Hoàng
lùi lại, chân chặn lên xấp bích chương và hơi lo, sợ chúng xé phá.
Trong
phút chốc, hai đứa nhảy vào chụp hai tay Hoàng. Vì không rõ sức của chúng,
Hoàng dùng một đòn “Kokyu” hất hai đứa té lăn. Chưa ngán, chúng xông vào tiếp.
Và chẳng kịp suy nghĩ, Hoàng dùng mấy đòn “shino-nagé”, mở khóa tay và bẻ quặt
một tên. Tên này “oái” lên và vùng vẫy. Hoàng phải vội buông để quật một cú
“Koshi-nagé” bởi một đứa to nhất đám ôm ngang lưng. Địch thủ ngã xuống mông đau
điếng, đó là trình độ Hoàng còn kém đấy, chứ không… có đường gãy xương và nằm
luôn. Tụi còn lại bừng giận, xông tiếp vào đấm, đá… loạn cả lên. Hoàng cũng
trúng vài cú vào bụng, vào đít.
Thằng
nhỏ phách lối hồi nãy tìm đâu được khúc củi, thẳng tay giáng xuống Hoàng. Hoàng
lanh mắt né qua một bước, chụp tay, áp dụng một đòn “Koté-gashi”, bẻ cứng tay
thằng nhỏ. Nhanh nhẹn Hoàng xoay tiếp một vòng và đè thằng nhỏ nằm xuống đất.
Thằng
nhỏ đau khớp xương quá khóc òa lên:
-
Ui da! Đau quá, buông ra không mậy.
-
Ừ! Tao buông ra, mà tụi bây có chịu “huề” chưa?
Tụi
kia ngần ngừ và tính toán. Nhắm không ăn hiếp được Hoàng chúng bằng lòng giảng
hòa. Mấy miếng “võ mèo quào” học lóm ở xi nê làm chúng thua cay đắng.
Lũ
trẻ khán giả cười khoái chí trước sự anh dũng của Hoàng. Chúng bu quanh chàng
hiệp sĩ bất đắc dĩ và hoan nghênh bằng ánh mắt, bằng nụ cười… thật rõ rệt.
Hàng
đã buông tay địch thủ ra. Thằng nhỏ vừa quẹt nước mắt, phủi đất cát bám vì lúc
nãy áp xuống đường, vừa xoay xoay cánh tay trái gân một cách khó chịu. Mấy đứa
té hồi nãy cũng hậm hực nhìn Hoàng với ý không phục.
Đang
giằng co thì có người lớn ở gần đó đi tới. Họ thấy đánh nhau thì rầy rà lũ
nhãi. Sao lại đi ăn hiếp Hoàng, một trẻ cô thế. Thôi! Bạn bè mà, hòa đi rồi ai
về nhà nấy.
Hoàng
cũng không thể tiếp tục công việc được, xách thùng hồ và bích chương ra về. Đám
đông ùa reo và giải tán.
Nếu
Hoàng còn ở lại, chắc sẽ mục kích một lớp tuồng trả thù thật hấp dẫn. Tụi thua
trận ức lắm, chúng đi tìm những bích chương mà Hoàng dán thật kỹ càng để bóc
ra, xé đi. Hay mang đất ướt mà trây trét vào những tờ giấy xanh đỏ vô tội.
Chẳng có người nào đứng ra mà bảo vệ bích chương cả, than ôi!
Buổi
chiều, Hoàng lại đi tìm những mục tiêu mới để dán. Ngang qua đầu hẻm hồi sáng.
Thì… Ô kìa! Sao lại rách tả tơi thế này. Hoàng lo lắng đi rảo khắp mọi chỗ dán
ban sáng, khỏi nói cũng biết tình trạng thảm hại ra làm sao. Vì một đàng chỉ
một người đi dán. Một đàng cả bọn người đi xé.
Hoàng
thất vọng ra về, chẳng thiết gì công việc cả. Thùng đựng hồ cho vào một xó với
sơ dừa, bích chương quăng đại vào gầm bàn học.
Nhớ
đến bích chương, Hoàng vội ngồi xuống xem xét ra sao. E chó hay mèo nó cắn phá
chăng? Ủa, biến đâu mất cả rồi. Thủ phạm kỳ này là ai? Chó Lu, Mèo Muớp? Hay cu
Ngọc, con Trang?
-
Ồ! Thôi đúng rồi, đích thị cu Ngọc, hôm qua mình thấy nó ngồi tỉ mỉ dán cái gì
xanh xanh đỏ đỏ… đây mà!
Hoàng
hoan hỉ khi tìm ra lời giải và chợt bài toán hóc búa cũng bật mở then chốt.
Làm
xong bài toán, Hoàng đi tìm thủ phạm.
-
Ngọc ơi! Ngọc đâu, lại anh biểu coi. Mẹ ơi! Thằng Ngọc đâu rồi mẹ?
Mẹ
Hoàng lui cui dưới bếp và bà đáp rằng: “không biết”.
Con
Trang đang đánh chuyền với nhỏ Lệ hang xóm, mách lẻo cho Hoàng:
-
Thằng Ngọc em thấy nó leo lên gác đó anh.
Hoàng
leo vội lên gác. Quái, sao không có, và cái cửa sổ sao lại mở toang ra thế này?
Hay cu cậu leo lên nóc nhà. Hoàng cũng thử thò đầu ra cửa sổ, vẫn không thấy gì
cả.
Leo
ra mái nhà bên cạnh, Hoàng bắt gặp thằng em nghịch ngợm đang cẩn thận giật giật
ống chỉ trong tay. Nó thả diều. Và diều làm bằng bích chương “Thiếu Nhi”. Chỉ
có lẽ của mẹ.
-
Ngọc! Quá lắm rồi! Leo xuống, từ từ, xuống đây anh biểu.
Thằng
bé lấm lét quấn chỉ lại, mang con diều và men lần xuống.
-
Ai cho em leo nóc nhà thả diều? Mẹ đánh đòn cho xem!
Thằng
Ngọc xanh mặt không đáp được. Hoàng chất vấn tiếp:
-
Ai cho em lấy bích chương của anh dán diều? Và chỉ mua ở đâu hả? Còn xấp giấy
còn lại nữa?
-
Hu hu! Em không có lấy, chị Trang lấy giấy màu bao tập bao sách, em xin có một
tờ hà. Chỉ em lấy của mẹ mà.
-
Lạ chưa! Ai đánh mà khóc? Ối trời ơi! Bích chương của người ta để đó mà dám
lấy. Đứa thì làm giấy bao, đứa thì làm đồ chơi. Mẹ ơi! Mẹ lên mà coi, tụi quỷ
này phá quá xá.
Mẹ
nghe Hoàng la lớn cũng phải chạy lên. Bà ôn tồn khuyên:
-
Thôi con! Tụi nó lỡ rồi, đừng mét với ba, tội nghiệp. Tại con không chịu cất
đàng hoàng, cứ quăng bừa ra đó, tụi nó tưởng giấy bỏ.
Con
Trang đã ngừng chơi, cùng Ngọc lại xin lỗi anh:
-
Xin lỗi anh! Tụi em không biết, tụi em không dám lấy giấy của anh nữa, anh tha
cho.
Hoàng
ôm đầu:
-
Còn nữa đâu mà lấy thêm.
Con
Trang vọt miệng:
-
Còn mà, còn tới mười mấy tờ lận, em xài chưa hết.
Hoàng
cũng chợt nhớ bữa trước vì lười không chịu đi mua giấy dầu về cho em bao tập,
con Trang mới nảy ra sáng kiến độc đáo như vậy. Con Trang thủ thỉ với Hoàng:
-
Anh ơi! Em bao tập bằng bích chương thật đẹp, tụi bạn cứ tranh nhau mà mượn xem
những giòng chữ và hỏi thăm để xin hoài. Chúng cũng thích bao bằng “bích
chương” lắm. Có đứa còn tìm báo Thiếu Nhi mà đọc nữa. Mà có đứa chưa coi từ số
một muốn mượn bào của anh em mình đó, anh bằng lòng không?
Hoàng
bỗng ngạc nhiên, vui vẻ đáp ngay:
-
Vậy hả? Em cứ cho bạn mượn và nhớ bảo nó xem và giữ hộ báo cho cẩn thận nghe!
-
Hoan hô anh Hoàng! Bao tập bằng “bích chương” thật số dách.
Con
Trang, thằng Ngọc sung sướng vỗ tay. Mẹ Hoàng yên tâm đi xuống bếp tiếp tục nấu
ăn. Bây giờ Hoàng mới rảnh mà nhìn đến con diều của thằng Ngọc. Con diều trông
méo mó và hơi nhỏ, lèo lại cột sai, chỉ may thì yếu, chả trách thằng Ngọc cứ
loay hoay cả buổi mà diều vẫn không lên.
Đã
trải qua thời kỳ tuổi thơ, nên Hoàng thông cảm với em lắm. Hoàng biểu con Trang
đưa xấp bích chương còn sót lại.
Hoàng
chọn một tờ thật ngay và lấy dao rọc để làm diều. Thằng Ngọc đưa tre cho anh
vót cung và sườn. Con diều màu xanh chiếm hết bốn phần năm tờ giấy, vuông vức
và xinh xắn.
Hoàng
cắt hai cái tai hình tam giác màu đỏ hai bên, hai cái đuôi cùng màu, cũng thật
nhỏ và lơ thơ. Đuôi chính phải thật to và dài để giữ thăng bằng cho diều thì
màu vàng. Thùng hồ ngày nào lại được sung công. Không đầy tiếng đồng hồ thì diều
mới đã làm xong. Thằng Ngọc hăng hái nhận năm chục của anh đi mua nhợ về để cột
lèo.
Và
một lát sau, cả ba anh em cùng ra lan can để thả diều. Có cả nhỏ Lệ bạn con
Trang nữa. Bây giờ không cần leo tít nóc nhà nguy hiểm diều vẫn bay. Hoàng chỉ
cho em cách thả, giật nhè nhẹ buông chỉ, rồi giật mạnh, rối thả thêm chỉ…
Diều
no gió lên mau. Cu Ngọc chỉ việc toét miệng ra mà ngồi đó giữ chặt ống lon.
Niềm vui của anh em Hoàng cũng lên cao, lâng lâng như cánh diều tuổi thơ trên
ấy.
Con
diều đúng cách và to lớn của Ngọc là đẹp nhất. Lại có chữ Thiếu Nhi đỏ rực nữa
chứ. Chưa bao giờ lũ trẻ có một con diều to và tuyệt như vậy, dù cho chúng làm
bằng giấy bóng đủ màu và tốn tiền. Chúng rất ngạc nhiên theo dõi con diều lạ và
nhất là khi biết diều đó của Ngọc. Chúng đến nhà đòi cu Ngọc phải cuốn diều
xuống cho chúng xem Ngọc Viết chữ gì mà trông hay quá. Ngọc làm le chiều ý
chúng. Chúng lẩm bẩm đọc:
- Thiếu Nhi ra ngày chủ nhật hằng
tuần…
Cha mẹ thương yêu con, nên cho con đọc
Thiếu Nhi.
Tuần báo giải trí và giáo dục.
Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương v.v…
Ôi,
thôi! Tao biết rồi, Thiếu Nhi đọc hay lắm, tao ghiền còn hơn xi nê. Mà Ngọc,
mày làm cách nào có giấy này làm diều?
Thằng
Ngọc hãnh diện đáp:
-
Của anh Hoàng tao xin đó, ảnh làm diều cho tao luôn.
-
Xin ở đâu vậy, còn dư không cho tụi tao bớt?
-
Để làm gì?
-
Làm diều y như mày vậy chớ chi.
-
Cha! Bộ bích chương này xin về cho tụi bây làm diều sao?
Thằng
Ngọc đáp mà không suy nghĩ, nó và con Trang cũng dùng bích chương vào những
việc ác ôn hơn. Chẳng hạn, nó dùng để xếp thuyền thả trôi trời mưa, và xếp vớ
vẩn đủ thứ…
Hoàng
mỉm cười và định ngày mai sẽ đến tòa soạn xin một số bích chương khác để dán
quanh xóm mình. Chắc rằng tụi trẻ hiểu biết quanh đây sẽ để yên và tán thành.
Hoàng sẽ dụ tụi trẻ xem Thiếu Nhi bằng cách cho chúng vài tờ làm diều và cho
mượn báo để xem nữa. Thật là tiện và lợi, tuy phải chịu hy sinh vài tờ bích
chương.
Bên
ngoài cu Ngọc lại thả diều như Hoàng đã chỉ cách lúc nãy. Con diều lạ mắt lên
cao. Lũ trẻ ba hoa rằng vẫn còn đọc được những hàng chữ viết trên đó. Trong tư
tưởng của Hoàng, của Ngọc và ý nghĩ của lũ trẻ, con diều bằng “bích chương”
Thiếu Nhi đẹp, đẹp nhất… và tươi mát như tuổi thơ ngây…
THÁI
LYNH LĂNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 59, ra
ngày 8-10-1972)