Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

CHƯƠNG VI_NGÔI NHÀ HOANG



 CHƯƠNG VI


Ngày hôm sau, trên đường đến nhà bác Tư dùng cơm trưa, Cường vẫn chưa hết thắc mắc :

- Nếu không phải Lợi đặt khúc cây ngang đường, thì còn ai nữa ?

Dũng lắc đầu :

- Tớ chịu.

- Lại còn cánh cửa nhà kho.

Nga đáp :

- Thì anh đã bảo là gió hoặc thú rừng mở mà !

- Thoạt đầu tôi nghĩ như vậy, nay kiểm soát kỹ lại, tôi thấy lời giải thích ấy không hợp lý. Vì gió và thú rừng khó làm được chuyện đó. Tôi đã chẹn một hòn đá lớn tại cửa, thế mà tối hôm ấy xuống xem thì thấy hòn đá bị văng ra xa cánh cửa mấy thước.

Cả ba đã đến cửa ngõ nhà bác Tư. Nga nhận ra bóng Lợi thấp thoáng phía sau bếp, băng trắng ở đầu gối hắn đã biến mất. Nga vẫn chưa hiểu nguyên nhân sự thù hận của hắn đối với bọn cô và có ý định khi gặp Lợi, Nga sẽ hỏi hắn điều đó. Cô bước nhanh xuống bếp. Lợi nhanh chân chuồn ra ngõ sau mất tăm. Nga đành vào bếp phụ cô Tư dọn cơm.

Bữa ăn ngon miệng và cởi mở. Bác Tư vui vẻ kể cho mọi người nghe giấc mơ tối qua của bác. Bác mơ thấy cô Thủy Tiên đi xe đò về đến tận cửa ngõ và bước xuống xe mang theo bao nhiêu quà bánh. Bác mừng quá, ra đồng bắt cua làm cơm thết. Bác kết luận với tiếng cười sung sướng :

- Nên chi bữa nay tôi mới nấu canh cua, làm rứa để cô giáo mau về.

Sau bữa cơm, đôi bạn trai vội quay trở về ngay để chuẩn bị chuyến leo núi. Nga ở lại đùa với mấy đứa bé con cô Tư. Đợi chúng ngủ say, Nga lững thững ra thăm ngôi cổ tự.

Mái chùa bám rêu khuất sau những bụi tre cao. Chùa có những dãy ghế đá kê dưới bóng cây mát, một ao rau muống xanh ngát và những lối đi trải lá vàng. Nga khẽ đẩy then cánh cửa gỗ sơ sài, mở hé và rón rén bước vào. Không khí ở đây tĩnh mịch và linh thiêng.

Nga tìm một góc bàn ngồi đọc sách. Nhưng cô vừa ngồi xuống thì tầm mắt bắt gặp bóng Lợi phía cuối chùa. Lợi ngồi trên một ghế đá, hai tay chống cằm, mắt dõi vào khoảng không. Nga đứng dậy nhẹ chân đi về phía hắn. Lợi không hề hay biết. Hắn đang miên man suy tư. Mãi đến lúc Nga chỉ còn cách hắn vài thước, hắn mới giật mình quay lại. Cô bé tươi cười hỏi :

- Anh dùng cơm chưa ?

Lợi khẽ gật đầu, đứng dậy định đi chỗ khác. Nga ngồi xuống một đầu ghế xi măng, tiếp :

- Vết thương ở đầu gối anh đỡ chưa ?

- Đỡ nhiều rồi cô ạ, chừng vài ngày nữa sẽ lành.

Nga mời hắn ngồi xuống. Hắn tần ngần rồi rụt rè ngồi ghé trên đầu ghế. Nga đề cập thẳng vào vấn đề :

- Chúng tôi vẫn xem anh là một người bạn tốt, sau những việc xảy ra tối qua. Tuy nhiên tôi có điều thắc mắc là tại sao anh lại thù hận chúng tôi như vậy ? Phải chăng chúng tôi có điều gì làm anh phật lòng ?

Lợi đáp nhỏ, chậm rãi :

- Không phải thế, vì cho đến nay tôi vẫn chưa biết cô và hai anh kia là ai ?

- Anh cũng không biết rõ những khách đến ở ngôi nhà đó trước kia ?

Lợi gật đầu.

Nga dịu dàng tiếp :

- Có phải anh muốn đuổi bất cứ ai đến ở ngôi nhà đó không ?
Lợi im lặng, mím môi như đang quyết định nói một điều quan trọng. Hắn chợt quay lại nhìn sâu vào ánh mắt Nga :

- Phải, tôi không muốn ai ở ngôi nhà đó hết !

Nga đặt thêm nhiều câu hỏi, nhưng Lợi im lặng. Một lúc sau, hắn tiếp, giọng buồn buồn :

- Tôi đã sống ở đây với ba tôi cách đây ba năm. Nhưng sau đó vì làm ăn thất bại, nợ nần tứ tung buộc lòng ba tôi phải bán ngôi nhà này lấy tiền trả nợ.

Nga ngạc nhiên :

- Như thế trước kia ngôi nhà ấy là của ba anh ?

Lợi gật đầu, cúi lượm một ngọn cỏ khô vân vê, rồi tiếp :

- Từ khi bán ngôi nhà ấy, tôi cảm thấy mất mát nhiều kỷ niệm. Khi có người lạ đến ở, tôi có cảm tưởng họ đã cướp ngôi nhà của tôi. Họ tàn nhẫn. Tôi không chịu đựng nổi. Tôi phải đuổi họ đi nơi khác.

Nga xúc động và thương cho hoàn cảnh của Lợi, muốn tìm lời an ủi. May mắn một ý nghĩ hay đến với Nga :

- Nếu chúng tôi mời anh nhập bọn, anh nhận lời không ?

- Nghĩa là đến ở ngôi nhà ấy ?

- Ừ, có sao ? Vả lại anh thông thạo đường lối ở đây sẽ hướng dẫn chúng tôi đi thăm các cảnh đẹp của vùng này và chúng ta sẽ sinh hoạt với nhau như những người bạn cởi mở.

Lợi trầm ngâm cân nhắc, thỉnh thoảng vầng trán nhíu lại. Nga cố ép hắn ưng thuận :

- Chiều nay anh đến nhé, chúng tôi dự định leo núi vào lúc 4 giờ.

Có tiếng xe hơi thắng trên con đường đất rộng. Họ ngẩng đầu lên nhìn ra. Chuyến xe hàng đậu lại trên hương lộ. Cửa xe mở và một người đàn ông bước xuống theo sau có con chó lực lưỡng. Ông ta cúi xuống vuốt đầu con vật, rồi ngay người, dáng chờ đợi. Lợi vụt đứng dậy :

- Ba tôi đến.

Hắn quên chào Nga và đi vội đến hàng rào. Cô bé nói vói theo :

- Chiều nhớ đến nhé !

- Để coi đã.

Hắn đáp và không quay đầu lại. Nga lững thững rời ngôi chùa về nhà.

*
Khi Nga về đến ngôi nhà hoang thì gặp Cường và Dũng đang đứng bàn tán trước nhà kho. Nga ngạc nhiên hỏi :

- Ủa hai anh chưa đi chơi núi à ?

- Còn sớm mà ! Cô vào đây tôi chỉ cho xem cái này.

Dứt lời, Cường chui vào cửa kho, tiếp đến Dũng. Nga theo sau hồi hộp. Ba người đã vào đây một lần sau hôm dọn nhà đến, nhưng không thấy gì đáng chú ý, nên từ đó chẳng ai thèm bén mảng. Căn nhà kho cao khoảng hai thước, khá rộng, trước được chủ nhân dùng để trữ nông sản.

Ngay gần cửa, có một số cuốc xẻng đã trở thành vô dụng. Cuối kho còn vài đống bắp, khoai bị mọt ăn rã như bụi phấn. Cạnh đó kê một thùng sắt đựng cát. Trong các xó xỉnh đầy gián và màng nhện.

Cường bật sáng đèn pin và tiến lại chỗ thùng sắt. Anh cúi nhặt một mảnh báo rách cạnh thùng, lật qua lật lại tìm kiếm :

- Đây rồi, Nga đọc kỹ xem.

Nga chăm chú nhìn kỹ chỉ thấy vỏn vẹn hàng chữ 7/6 viết bằng mực nguyên tử ở một góc tờ báo.

- Ai viết đây ?

Cường lắc đầu :

- Không biết.

Anh lật ngang tờ báo tiếp :

- Còn cái hình vẽ này nữa. Cô xem nó giống cái gì ?

Nga buột miệng thốt :

- Giống như cái hang đá anh khám phá hôm kia.

Cường gật đầu, thì thào như sợ người lạ nghe thấy :

- Lạ thật ! Theo Nga thì ám hiệu 7/6 là gì ?

Nga ngẫm nghĩ, đáp :

- Có phải là ngày 7 tháng 6. À… như vậy là ngày tụi mình dọn đến ngôi nhà này đây.

Dũng xen vào :

- Hay lắm, có lẽ Nga nói đúng đấy cậu ạ…

- Ừ, có thể như vậy. Tớ nghĩ rằng tối hôm lộn xộn đầu tiên, cánh cửa kho đã được một bàn tay bí mật mở và chính kẻ bí mật ấy đã để lại tờ báo này. Có điều khó hiểu là tại sao Lợi quyết liệt không nhận là anh ta đã vào kho tối hôm ấy.

Nga láu táu nói :

- Nga vừa gặp Lợi lúc nãy.
Rồi cô bé thuật lại câu chuyện giữa cô và Lợi. Từ lai lịch ngôi nhà, chủ tâm thực sự của Lợi khi giả tiếng chim và thú rừng, lời mời của Nga, hình ảnh ba hắn. Cường hỏi thêm :

- Cô có để ý xem chân ông ta đi gì không ?

- Có, ông ta đi giầy.

- Nga còn nhớ khổ chân của ông ta không ?

- Không, vì Nga đứng cách xa ông ta.

Cường im lặng theo đuổi ý nghĩ riêng. Sau vài giây, anh quay sang Dũng :

- Tớ có linh cảm rằng tác giả của những hàng chữ, hình vẽ này và kẻ để lại vết dép trước cửa hang là một.

Cường chờ đợi thái độ của bạn, nhưng Dũng không có ý kiến, Cường tiếp :

- Được rồi, dù sao đấy cũng chỉ là giả thuyết. Chiều nay khi Lợi đến mình sẽ hỏi khéo anh ta xem sao ?

Mùi ẩm mốc của gian nhà kho khiến Nga nổi cơn ho. Cả ba chạy ra, trán họ lấm tấm mồ hôi.

Đôi bạn trai quyết định hủy bỏ cuộc leo núi vì chiều nay Nga mệt không tham dự được và thay vào đấy là chuyến đi chơi suối.

Họ đã chuẩn bị xong hết đồ đoàn ngồi đợi Lợi, nhưng mãi vẫn không thấy hắn đến. Nga xin Cường, Dũng nán thêm 15 phút nữa, song thời gian qua rồi mà bóng Lợi vẫn biệt tăm.

- Chắc Lợi đi với ba anh ta không về kịp. Thôi chúng mình cứ tiến hành chương trình như thường.

Nga xốc ba lô đứng dậy song Cường đã ngăn lại :

- Dễ thường cô định để chúng tôi thất nghiệp chắc.

Nga cười bằng ánh mắt sung sướng và cả ba đi xuống cầu thang.

Trời còn nắng nhưng không gay gắt. Khí trong như gương và dễ chịu. Họ sóng bước về phía suối, miệng đồng ca một nhạc khúc vui tươi. Màu xanh của rừng núi hiện ra như một lời mời gọi thúc giục. Nga ngước mắt lên trời và nhận ra những cụm mây xám nhạt đang chuyển nhè nhẹ. Gió biến đâu mất. Bóng đêm từ đỉnh núi loang nhanh như vết dầu. Nga nhìn Cường lo ngại :

- Không khéo có cơn giông.

Dũng tranh lời bạn :

- Bất chấp, ta sẽ có dịp đọ sức với thiên nhiên.

Cường vờ dọa :

- Vừa thôi nghe bạn. Ốm lăn ra đấy thì mất cả hè.

Ba anh em đi dọc theo suối tìm địa điểm hạ trại, cuối cùng đã chọn được một mô đất khá rộng nhô ra giữa lòng suối. Cường tung bạt dựng trại, trong khi Dũng khoái chí đứng chống tay lên cạnh sườn nhìn những khóm lau rừng có bông trắng như tuyết. Nga rút từ ba lô ra chiếc soong nhôm và đổ bắp vào. Rồi cô bé bưng nồi nhảy ùm xuống suối. Lòng suối khá rộng nhưng chỉ sâu đến gần đầu gối Nga. Giòng nước tinh khiết luân chuyển êm nhẹ không gây một tiếng động. Nga nghịch ngợm, một tay giữ nồi, một tay tạt nước tung tóe về phía Dũng. Dũng lãnh vài giọt trong mẻ nước đầu, song anh thích thú hét :

- Chấp Nga đấy, còn lâu mới ướt.

Dũng chờ tay Nga chạm mặt nước lại nhảy tránh sang một bên. Cô bé tức mình tát cả hai tay. Nồi bắp được dịp trôi theo giòng nước về phía hạ lưu.

- Anh Dũng, mau anh Dũng, trôi mất nồi bắp.

Dũng ba chân bốn cẳng nhảy ùm xuống suối. Nước tung lên ướt gần hết chiếc quần soọc.

Đúng lúc ấy, Nga nghe có tiếng sấm từ xa vọng lại. Gió bắt đầu nổi lên. Những khóm lau rung nhè nhẹ. Trên vòm trời mây đen từ đâu kéo đến với một tốc độ đáng sợ. Một vài tia chớp vạch ngoằn ngoèo cuối chân trời. Gió to hơn và khu rừng đầy tiếng lá cây cọ vào nhau xào xạc.

Nga hốt hoảng leo lên bờ :

- Thu xếp đồ đoàn nhanh đi kẻo cơn mưa ập đến chạy không kịp bây giờ.

Nga vơ vội bao diêm, cái rựa, nắp soong và dụng cụ hướng đạo vào hết ba lô. Cường cũng vội vàng không kém. Riêng Dũng vẫn thản nhiên khoanh tay nhìn rừng núi chuyển mình. Nga hét lên :

- Anh Dũng, lẹ đi.

Dũng quay lại mỉm cười khoát tay :

- Cô và Cường cứ về đi, tôi ở lại chưa chắc gì đã mưa.

Biết tính Dũng đã quyết, khó ai ngăn nổi, Cường đeo ba lô, nắm tay Nga chạy xuống dốc.

Dũng trở lại lều đóng chặt thêm bốn cọc sắt căng trại rồi dùng một cọc sắt khác khơi rãnh theo chu vi lều. "Tốt lắm rồi !" Dũng tự nhủ và chui vào lều chờ đợi, đối đầu với mưa gió.

Nhiều tiếng sấm nổ rúng động bầu trời, tiếp theo là những vạch chớp dài giăng mắc như những cánh tay thuồng luồng. Gió rít từng hồi cuốn tung đi lá rừng, bẻ gãy nhiều thân cây gẫy gập. Chiếc lều của Dũng run bần bật. Qua cánh gà, Dũng ghi nhận màn mưa trắng xóa từ cánh núi phía trái đang tiến dần về phía anh.

Càng gần, tốc độ di chuyển của màn mưa càng nhanh. Dũng vội đứng dậy cài chặt cánh gà. Những giọt mưa đầu nặng hạt rơi lốp đốp trên lá cây và tấm "tăng" rồi dần dần mưa nhanh hơn, và nước trút xối xả. Ào… ào… ào… Từng trận cuồng phong gầm thét tăng thêm sức mạnh của hột mưa và vật ngã thêm nhiều cây rừng. Vòm trời rung động sấm chớp. Dũng có cảm tưởng thiên nhiên đang nổi cơn thịnh nộ. Hột mưa bắt đầu xuyên qua lều như bụi. Nước ngập rãnh tràn vào bên trong lều. "Nguy rồi !" Dũng buột miệng kêu rồi kéo vội chiếc ba lô lại gần, rút tấm bạt cuối cùng khoác lên người. Nước dâng từ từ ! Dũng kinh hoàng chưa biết phản ứng ra sao, thì may mắn cơn giông tố bắt đầu dịu xuống.

Anh mở khuy cánh gà, ló đầu ra ngoài. Dũng bàng hoàng vì khung cảnh hoang tàn trước mắt. Chung quanh lều của Dũng, cây cối đổ la liệt. Bờ suối lở lói và nước suối đỏ ngầu từ nguồn kéo về cuồn cuộn chảy như reo hò chiến thắng.

Mưa vẫn rả rích và bầu trời đầy sấm chớp. Mây đen vẫn ùn ùn kéo đến. Dũng khoác bạt bước hẳn ra khỏi lều, chạy vội lên phía núi tìm nơi ẩn nấp. Anh phải vượt qua những thân cây kềnh càng, trèo lên những chùm rễ khổng lồ, tránh những rãnh sâu bị nước xoi mòn. Chợt thấy một khoảng tối giữa hai tảng đá lớn, Dũng chui đại vào. Mưa lại trút như thác đổ. Nước đọng thành vũng lớn dưới chân Dũng buộc anh chui sâu vào bóng tối. Đoán chừng là một cái hang, Dũng bật đèn pin xem xét. Đúng là một hang núi khá rộng, sâu và cao hơn đầu người một tí. Dũng di động luồng sáng đến cuối hang kiểm soát. Đúng với dự đoán của Dũng : Đống rơm vẫn còn đó nhưng anh có cảm giác đã có sự thay đổi. Dũng tiến lại cuối hang cắm cúi nhìn : giữa đống rơm có vết trũng gần bằng lưng một người nằm. Cạnh đấy có miếng giấy vụn. Dũng nhặt miếng giấy mở ra xem nhưng không thấy gì.

"Quái lạ ! Chắc chắn là có người vào đây ngủ !" Dũng lẩm bẩm và chiếu ánh đèn xuống nền đất tìm dấu vết khả nghi. Không thấy gì, Dũng trở lại đống rơm ngồi đợi mưa tạnh.

Mưa dai dẳng mãi không dứt. Dũng bắt đầu nóng ruột nảy ý tìm tòi giải trí giết thì giờ. "Ta thử tìm xem vách núi làm bằng thứ đá gì ?" Dũng tự nhủ vậy rồi chiếu ánh đèn lên vách đá. Vách lồi lõm và có nhiều đường nứt dài. Phần lớn đá núi màu xám nhẵn, đôi chỗ xen kẽ với màu đất đỏ. Dũng để ánh đèn ngừng khá lâu trên một đường nứt lớn. Anh chợt thấy hoảng sợ vì ngại nhỡ có con trăn hoặc rắn độc ẩn nấp trong đó bất thần phóng ra tấn công chắc khó chạy kịp. Dũng đứng dậy lùi ra xa. "Hình như lại có cả lá khô !" Nhịp tim Dũng rối loạn với ý nghĩ này. Anh bị giằng co giữa hai lời mời gọi mâu thuẫn.

"Thôi mặc kệ nó, chọc ổ rắn thì không gì ngu xuẩn bằng !" Nhưng một cám dỗ khác lôi cuốn không kém : "Nhỡ là cái gì khác thì sao ?". Dũng do dự, chân bước như máy về phía cửa hang. Anh vói tay bẻ cành cây dài, bứt hết lá rồi trở lại hang, chiếu đèn pin vào lỗ nứt lúc nãy, tần ngần. Dũng đưa cành cây ngang ngực chọc nhẹ vào lỗ, không có vật nào phản ứng. Dũng yên tâm gạt từng chiếc lá úa bít ở cửa lỗ xuống, chiếc lá cuối cùng rơi vào khoảng không để lộ gói giấy màu trắng. Dũng tò mò lại gần thò tay lấy ra, tay anh run run mở lần giấy bao phía ngoài, và từng xấp giấy bạc năm trăm rớt tung tóe trên mặt sỏi. Dũng bàng hoàng tường mình mơ ngủ. Anh chớp mắt, lấy tay cấu má, tắt đèn pin để chắc là mình tỉnh táo. Anh lấy ra thêm ba gói giấy còn lại mở vội bao ra xem : toàn giấy năm trăm ! Anh ngồi sụp xuống cẩn thận đếm : 1, 2, 3, 5, 7, 9… mỗi gói có tất cả mười ghim. Mỗi ghim là năm ngàn. Như thế một gói năm chục ngàn. Bốn gói thành ra hai trăm ngàn.

Dũng gói lại như cũ và mở khuy áo đút hết vào ngực. Ý nghĩ đầu tiên của anh là cho Cường và Nga biết ngay khám phá quan trọng này. Dũng nhìn ra cửa hang : mưa đã dứt từ bao giờ ! Dũng cắm cổ chạy như bay ra khỏi hang rồi đổ xuống suối dọn trại quẳng hết vào ba lô và lại cắm đầu chạy.

Về đến nhà, Dũng ngạc nhiên không thấy bóng ai hết. Dũng lên gác cởi ba lô ngồi thở, đợi Nga và Cường.

Mãi vẫn không thấy ai về, anh quyết định đi tìm họ. Anh đoán có lẽ hai người đang ở nhà bác Tư. Dũng chạy bộ xuống cầu thang và phóng ra con đường mòn. Vào đến làng, Dũng chậm bước cho đỡ mệt. Bất ngờ anh gặp Lợi từ phía trước đi ngược lại, theo sau anh ta có con chó khá đẹp.

Dũng vồn vã :

- À, Lợi, sao chiều nay không lại ? Anh đã hứa với Nga là chiều nay đến với tụi tôi mà ?

Lợi ngần ngừ, mặt thoáng buồn :

- Đáng lẽ tôi đến với các anh, nhưng bất ngờ phải đi với ba tôi lên phố nên…

Dũng ngắt lời :

- Thôi để bữa khác cũng được. Bất kỳ lúc nào rảnh anh cứ đến chơi với bọn tôi, đừng ngại.

Dũng quay nhìn con chó hỏi :

- Con chó nầy của anh ?

Lợi gật đầu giọng thật buồn :

- Vâng, nhưng tôi sắp phải xa nó rồi !

- Sao vậy ?

Lợi giải thích thêm :

- Tôi nuôi nó từ bé, chăm sóc nó, dạy nó vồ banh, nhảy rào, lội nước nay mất nó thật buồn hết sức…

- Nhưng tại sao ?

Lợi thở dài :

- Ba tôi nợ nhiều… Bán hết để trả nợ vẫn chưa đủ. Nay còn có con chó thân yêu này cũng bị người ta xiết nợ luôn !

Dũng hỏi :

- Người ta đòi bắt con chó này ? Ba anh nợ bao nhiêu ?

- Ba chục ngàn. Ba tôi đã trả được mười ngàn, còn thiếu hai chục ngàn. Nếu nội nhựt ngày hôm nay không có trả, chắc phải trao con chó cho người ta !

Câu nói cuối của hắn nghẹn ngào. Mắt hắn hoe đỏ. Dũng bỗng nghe cảm thương người bạn xấu số. Anh không muốn để Lợi mất kỷ vật sau cùng, vì Lợi đã mất mát thua thiệt nhiều rồi. Dũng im lặng, phân vân nghĩ đến số tiền trong ngực áo. Lợi cúi mặt định bỏ đi, Dũng gọi giật lại và không cần suy tính đắn đo :

- Anh muốn tôi cho anh vay số tiền đó không ?

- Sao ? Lợi ngạc nhiên mở tròn đôi mắt. Anh có tiền cho tôi mượn à ?

- Phải, nhưng vời điều kiện là ba anh phải hoàn lại trong vòng một tuần lễ, được không ?

Lợi gật đầu. Dũng mở khuy áo, rút ra gói bạc, đếm 20 ngàn trao cho Lợi. Lợi cẩn thận hỏi :

- Tiền này của anh hả ?

- Anh không cần biết làm gì. Điều quan trong là anh nên nhắc ba anh hoàn lại tôi số tiền đúng hẹn.

Lợi mân mê xấp giấy bạc năm trăm trong tay, hết nhìn tiền lại nhìn con vật trung thành đang đứng sát dưới chân. Dũng bỏ gói bạc vào ngực, cài lại khuy áo, rồi nhìn sâu vào mắt Lợi, căn dặn :

- Anh chớ nói chuyện này với ai khác nghe không ?

Lợi gật đầu, cúi xuống quàng tay ôm con chó để giấu sự xúc động. Dũng bỏ ý định đi tìm Nga Cường, lững thững quay trở về.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII