Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

CHƯƠNG VI_VƯỢT ĐÊM DÀI


CHƯƠNG VI


Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Anh Tú ơi !

Hôm qua em gặp thằng Vĩnh, nó đưa thơ anh cho em. Em mừng hết sức là mừng. Anh ơi ! Em cứ tưởng anh đã quên em rồi chớ ! Dạ, phải, cha em chết rồi. Tội nghiệp quá phải không anh ? Dạ, em thương ổng lắm, hết giận ổng rồi. Trước nay cha em không có làm gì bậy bạ, ổng chỉ chửi mắng mẹ em với em thôi. Chắc là tại rượu đó, anh Tú. Em thù rượu lắm.

Em còn nhớ có lần anh cho em mượn cuốn sách, trong đó có chuyện một vị hung thần kia nói với người con trai rằng : “Mày phải chọn trong ba điều này : uống rượu, giết mẹ hay là đánh chị mày”. Anh nọ đâu có muốn đánh chị, giết mẹ ? Cho nên chọn ngay cách uống rượu. Ai ngờ uống rượu xong anh ta liền giết mẹ và đánh chị mình… Em thương cha em lắm. Tội ông phải không anh ? Anh Tú ơi ! Chuyện… “

(Tâm toan kể những nỗi phiền muộn khổ sở do hành động cha gây cho nó, song sực nhớ là anh Tú không biết, nên ngưng lại, bụng bảo dạ : “Thôi, kể ra làm chi, tội cha mình, đã qua rồi, đừng nhắc”. Và nó bỏ chữ chuyện đi, viết tiếp :

“Cha em chết chắc là bà Ngọc hay thằng Vĩnh cho anh biết tin ? Dạ, bữa đó ai cũng có qua thăm, con Cúc, mẹ nó, chị bếp, còn bà Tư thì ở luôn cả ngày bên nhà em. Ai cũng khóc hết, bà Ngọc với thằng Vĩnh đi Cấp, chừng chôn cha em hai ba ngày sau đó mới về. Bà có qua thăm mẹ con em. Thằng Vĩnh cũng có đi qua nhà em. Coi bộ nó không làm dóc với em nữa, anh ơi !

Mấy bữa rày, ai cũng tử tế với em, không ác với em nữa, mà em không vui được. Bây giờ, mỗi lần em đi xin lửa, ai cũng vui vẻ gấp cho chớ không hất hủi như trước. Bà Tư không đòi tiền mẹ em nữa, tiền rượu ba em thiếu đó mà. Bà nói :

“Thôi, xí xoá, tao có đòi tao cũng không giàu. Để nó phò hộ cho tao, còn người còn của” Nghĩa là bà nói để cha em phò hộ đó anh hiểu chưa ?

Anh Tú, thằng Vĩnh nó muốn chơi với em, anh ơi ! Anh biểu nó phải không ? Nó nói với em là anh giỏi lắm, biết nhiều thứ tiếng lắm ? Vậy sao cũng phải đi lính ? Anh biểu em kể chuyện dài dài cho anh biết mà em đâu biết chuyện gì nhiều ? Còn anh hỏi em ưng gì, muốn gì thì em xin nói ra liền đây : em ưng ở gần anh. Em ưng được đi học thêm nhiều nhiều một chút nữa. Em ưng có một cái bóng đèn điện trong nhà, đặng tối tối đọc sách chơi. Chưa hết đâu anh ơi ! Em còn ưng có một cái hộp diêm trong nhà để khỏi mỗi bữa mỗi xách mặt tới nhà này nhà kia xin lửa, kỳ lắm.

Thơ của anh đọc hay ghê lắm. Anh viết như trong sách vậy. Em gần thuộc lòng đó anh. Anh Tú à ! Anh biết em thương cái gì không ? Em thương cái thơ anh, em muốn treo lên vách hay là lồng trong kiếng như là ở mấy tiệm hình họ lồng hình mấy cô đẹp đẹp vậy, mà bực quá, em không có kiếng, với lại anh tính coi nếu em lồng thơ anh vô kiếng thì em phải lồng mặt nào ? Mặt nào cũng có chữ hết mà, thấy bên này, mất bên kia, em không chịu, không ưng như vậy. Khó nghĩ chớ, anh? Em tính vầy đây : từ nay anh viết thơ em thì viết hai trang, trang nào cũng viết một mặt giấy thôi. Em ưng như vậy, không phải em tính lồng kiếng đâu, mà điều em ưng trải thơ anh ra, đọc tuốt hết trang này tới trang kia, không phải lật, em muốn thấy hết một lần tất cả những chữ anh viết cho em, như vậy thích lắm. Anh hiểu chưa ?

Thôi, em phải đi nấu cơm. Bữa rày mẹ em thương em rồi. Chắc tại cha em chết ? Em thăm anh nhiều nhiều. Em trông thơ anh lắm, mà em không ưng anh gởi nơi thằng Vĩnh, lỡ nó chơi xấu không đưa em thì sao? Em không tin nó đâu.

Quên chớ, anh thấy có lỗi chánh tả thì nói cho em hay, nghe anh ! Em là Tâm, ký tên dưới đây.” 


*


“ Saigon , ngày… tháng… năm…

Thưa anh Tú.

Được thơ anh, em mừng kinh quá. Em đâu có cãi lời anh ? Em lo học chớ ? Mà em biết học cái gì đây. Anh nói, (quên, em xin lỗi anh, em viết lộn) anh viết rằng “Em đừng buồn, em còn có cả một đời trước mặt, tha hồ học” Thì em cũng nghe vậy chớ không tin. Thì em còn một đời chớ sao! Mà làm sao học ? Hồi còn anh ở đây, anh dạy chớ bây giờ ai dạy em ? Đợi anh về hả ? Chừng nào ? Chắc lâu lắm ?

Mẹ em đã xin rồi, không được, em quá tuổi rồi, không vô trường công được. Còn trường tư thì mắc tiền, tiền đâu ? Mẹ em nói : “Để coi” rồi bà lơ luôn. Em biết mà ! Em biết mẹ em mà ! Mẹ em đâu phải là em mà ưng chuyện học hành ?

À, bây giờ em đọc thông suốt lắm. Em đọc như xối nước trên tàu lá môn, như xối mỡ trên tàu lá chuối vậy đó, anh coi ngon lành không ? Nghĩa là em không có ngúc ngắc trù trừ gì hết, em đọc mau ghê gớm ! Em vô phước lắm phải không anh Tú ? Thì anh coi : cha em chỉ hiền lành, chỉ biết thương em khi ông gần chết. Mẹ em cũng chỉ muốn cho em đi học khi em quá tuổi. Em, em chỉ giỏi khi anh xa em tít mù khơi, làm sao anh thấy được ? Có ai rủi ro hơn em không ? Anh Tú ?

Anh Tú ơi ! Có một chuyện tức cười hết sức : ông y tá xóm mình đó, anh nhớ không, cái ông mà diện như bác sĩ đó mà. Nhớ chưa ? Bữa nay ổng treo tấm bảng có hàng chữ như vầy trước ngõ : “Ở đây có chít thuốc theo toa bát sĩ” . Anh thấy chưa ? Thấy dốt chưa ? Em không ngờ chớ. Phải chi ổng nhờ em, chắc em viết còn ngon lành hơn. Vậy mà con Cúc nó học trước em anh nhớ không ? Mà nó không nhận ra chuyện đó. Anh nghĩ sao về chuyện này ? Tại nó dốt hay là cô giáo nó dốt, cổ dở hơn anh ? Khi em hỏi nó, không, khi em đố nó : “Cúc, mày thấy ông y tá dốt chỗ nào không ? Tao thấy đó” thì nó chu mỏ lên, nghẽo đầu lại, nheo nheo mắt nhìn tấm bảng thiệt kỹ, rồi nói : “Hừ ! Dóc tổ mẹ ! Cái mặt mày mà hơn ổng sao ? Người ta viết vậy còn chê nỗi gì ? Đồ ngu !”

Anh thấy không ? Con gái hỗn vậy đó, mình ngu mà cứ nói người ta ngu ! Em không ưa nó được.

Anh hỏi thằng Vĩnh hả ? Nó tử tế với em lắm, mà em thấy… Không, em có nghĩ xấu cho nó đâu ? Là em phòng xa mà. Với lại em muốn anh gởi thơ thẳng cho em không muốn qua tay nó, mà em lại ngu không nghĩ tới cái chuyện em không có một địa chỉ đàng hoàng để anh gởi thơ ! Phải, anh giỏi quá ! Cái gì cũng biết hết. Thôi, phải chịu vậy, chớ em đâu dám kêu ca gì ? Để rồi chừng yên xong đâu đó, nghĩa là hết giặc giã, em về quê thì có địa chỉ đàng hoàng. Nghĩ cũng kỳ : nhà ở thành phố thì phải có số mà nhà em chẳng có số gì hết.

Quên, chuyện ông y tá chưa hết, để em kể tiếp : chữ viết thì tệ vậy đó mà mỗi lần ổng đi đâu thì ôi thôi ! Em cũng mê luôn. Áo quần sang quá là sang, nhứt là áo ổng : trắng lôm lốp, cổ cao bằng cổ áo dài mấy cô, bên ngực có một cái chữ thập (như dấu cộng) màu đỏ choé, nút thì gài xéo một bên chớ không gài chính giữa đâu. Hồi giờ em chưa thấy ai mặc áo kiểu gài nút một bên hết, anh thấy chưa ? Đi đâu, ổng cũng xách cặp kè kè coi oai lắm. Mà làm bộ ghê chớ : ổng không bao giờ ngó ai hết. Em ghét ổng chớ không thương mà sao hễ thấy ổng là em nhớ anh liền, chắc chắn là ổng dốt hơn anh, mà làm bộ nỗi gì ? Cô giáo Mai cũng dễ thương, cổ cũng không dốt mà không làm bộ đâu. Cổ đi đâu rồi. Anh biết không ?

Còn một chuyện nữa, anh Tín em chị bếp đó, anh biết không ? Đi đâu mất tiêu rồ. Chị bếp khóc dữ.

Chừng nào anh về ? Hay là anh đi luôn ? Chữ em còn xấu lắm hả anh ? Em tập viết luôn đó chớ đâu có làm biếng ? Kỳ này em có nhiều giấy lắm, bà Ngọc cho, thằng Vĩnh cho.

Em chưa viết tập lần nào mà dài như viết cho anh. vậy mà phải chịu khó viết chữ nhỏ, chớ không thì họ phạt, thằng Vĩnh biểu vậy. Em tính xin tiền mẹ đưa nó mua giùm tem để gởi thơ anh mà nó cho em bì thơ, lại có cả tem nữa. Em cảm ơn nó lắm, chắc bà Ngọc biểu đó. Mà em không vui, em nghèo quá, cho tới nỗi không có tiền mua tem viết thơ anh, cái gì cũng nhờ, cũng xin… Em buồn quá, anh Tú à !

Thôi, em thăm anh mạnh giỏi. Em nhớ anh lắm. Em là Tâm, xin ký tên đây !” 

 *

“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Thưa anh,

Bữa nay, bà Ngọc đưa thơ anh cho em chớ không phải là thằng Vĩnh nữa. Lần nào cũng vậy, em mừng quá, xé toạc cái thơ ra, em không ngờ anh có bỏ tem trong đó gởi cho em. Vì vậy nên mấy con tem rơi ra gió thổi bay tuốt (lúc đó em vừa ở bên nhà bà Ngọc cầm thơ anh chạy về, mà chưa đến nhà đã nóng ruột xé liền giữa đường, lại đang có gió mới là ác chớ ! Em rượt theo mấy con tem gần hụt hơi. Rồi em cũng tóm được cổ tụi nó xách về. Tụi nó hơi dơ một chút, mà không hại gì, em lau phủi sạch sẽ, cất dành để viết thơ cho anh). Em cảm ơn anh nhiều lắm, về chuyện cái hình anh gởi cho em chớ không phải chuyện tem, vì tem thì anh không gởi, em cũng cố làm sao cho có mà gởi thơ anh, còn hình thì quý hơn : thấy hình cũng như thấy anh, đỡ nhớ lắm. Anh không khác gì hết, à có : khác cái đầu tóc cụt ngủn ! Với lại hơi ốm. Chắc anh tập tành cực lắm ? Mẹ em nói vậy.

Em nói vậy chớ nếu anh không gởi tem thì em cũng mệt lắm, xin mẹ em thì cũng được mà chắc hơi lâu. Không lẽ em hỏi xin thằng Vĩnh ? Chưa gì nó đã nói phải đến tận nhà bưu điện dưới Sài-gòn mới mua được. Em hỏi bưu điện chỗ nào gần không, thì nó nhún vai một cái, không trả lời em, mà lại nói : “Tướng mày mà xuống bưu điện được thì tao kêu mày bằng anh hai !” Khinh mình quá, anh thấy không ? Em tính gây lại mà nghĩ mình còn phải nhờ nó chuyện thơ nên phải nhịn cho yên.

Em tính chiều nay, khi nó qua lấy thơ em để gởi, em sẽ nói vầy : “Thôi, cảm ơn, tao gởi một mình được” Quên, anh đừng tưởng nó tốt bụng lo giùm gì đâu, đó là bà Ngọc dặn vậy. Bà biểu nó chiều nay qua lấy thơ em về bà sẽ gởi giùm, bà cho bao thơ, tem và gởi nữa. Em sẽ làm cho nó ngán em, không coi thường em nữa mới được. Anh nghĩ có nên không ?

Anh nói là nhà văn họ chỉ viết một trang, quên, một mặt giấy thôi hả anh ? Tại sao vậy ? Họ ưng xài sang chắc ? Anh quen với họ hả ? Anh cắt nghĩa cho em biết, nghe không ?

Có chuyện này hay lắm, chuyện anh Tín (em chị bếp đó mà) anh biết ảnh đi đâu không ? Đi lính. Nghĩa là không giống anh đâu, cái này là tình nguyện mà. Ghê không ? Làm chị bếp khóc sưng cả hai con mắt. Bữa kia chị tìm em, nhờ em đọc thơ giùm. Chỉ không dám nhờ thằng Vĩnh, nhờ thì nó cũng đọc, mà chỉ đang giận nó cái gì đó, (Không biết chữ khổ thiệt, anh thấy không ?) Thơ vầy chớ :

“Trước lúc chia tay biết nói gì ?

Cười ư, chua chát lệ dân mi

Người ơi, hãy lắng niềm cay đắn

Cho khỏi bậng lòng kẻ bước đi”.

“Nếu chị bắt được thơ này thì em đả đi xa rồi. Chị Nghĩa ơi ! Em không muống đi đâu mà em nghỉ ở nhà thì cũng vậy thôi, tài trai ngang dọc hải hồ, phỉ chí nam nhi chớ cứ lo lui cui may đồ cho họ bậng, em buồn lắm. Chị à, em không muống làm thợ may đâu, em ưng làm chiến sỉ ! À, còn số tiền em mượng của chị, chị đừng buồn em, để nửa lãnh lương em gởi về cho chị nghe.

Em sẽ khoác chiến y trong khi trở lại. Chị đừn buồng em. Trong thời dan em đi lâu nhứt là bốn (4) tháng là em về thăm chị. Em Tín của chị.”

Đó anh đọc coi vui không ? Lại có bốn câu thơ nữa chớ. Không phải em học thuộc lòng đâu, em làm gì giỏi dữ vậy, như vầy nè : em đọc thơ xong, chị bếp khóc ròng. Em cũng khóc theo. Em với chị bếp đều thương người ra đi hết, anh thấy chưa ? Mà điều chỉ thì thương em chỉ, em thì thương anh. Em chỉ ưng làm chiến sĩ mà đi, còn anh thì không có ưng, bị bắt buộc. Thấy em khóc, chỉ tưởng em thương chỉ, chỉ ôm em mà hỏi : “Em thương chị lắm phải không ?”

Đáng lẽ em trả lời là em không có thương chỉ, em thương anh, mà em không nói được, nghẹn quá, đang khóc mà, nên em gật đại. Chỉ càng khóc to thêm, làm em càng tủi, càng nhớ đến anh, lại cũng khóc to thêm.

Mấy bữa nay, chị bếp thương em lắm (chắc vì chuyện em khóc bữa đọc thơ) Em không muốn phỉnh chỉ mà em cũng không biết làm cách nào cho chỉ biết sự thật, nên im luôn. Sáng nay, chỉ qua nhà em, đưa cái thơ anh Tín, biểu vầy đây :

“Tâm ơi ! Em viết giùm chị cái thơ cho thằng Tín, chị biết em thương chị nên chị mượn, chớ chị không thèm nhờ thằng Vĩnh”.

“Sao chị không mượn thằng Vĩnh ?” Em hỏi lại như vậy. Chỉ thú thật với em là thằng Vĩnh với anh Tín hay gây lộn, nó hay chê anh Tín nhà quê, nên chỉ không muốn cho nó biết việc nhà, việc cửa của chỉ. Em nhận viết giúp liền. Đó cũng như là viết tập chớ gì, phải không anh ? Mà em buộc chị bếp phải để thơ anh Tín lại cho em coi đặng em dễ trả lời. Anh biết tại sao không ? Nghĩa là em muốn lấy thơ đó, coi mà chép gởi cho anh, để anh thấy rằng anh Tín nói dóc với em. Em không ưa đứa nói dóc. Hồi còn ở nhà ảnh nói vầy chớ “Tao đậu tiểu học rồi đó, mày” Đó, bây giờ anh đọc cái thơ coi, anh biết liền. Em cam đoan với anh là em không có thêm hay bớt một chữ, một cái dấu cũng không. Đặng anh thấy mà biết em tiến bộ ra sao, em không có tiểu học, không có đến trường ngày nào, em chỉ nhờ anh dạy mà thôi.

Quên chớ, chị bếp cho em hai chục đồng (chắc là trả công viết thơ mà không nói ra). Em tính không lấy rồi nghĩ có lấy cũng được. Em cần có tiền để rồi đây hết mấy con tem thì mua gởi cho anh. Em lấy tiền chỉ mà không viết thơ cho chỉ trước, em viết thơ anh trước, ngon lành không ?

Còn một chuyện nữa : bà Ngọc nói bà thấy em sáng ý nên muốn xin giúp cho em vô làm trong nhà in. Hay không ? Mới nghe em mừng muốn xỉu, bây giờ viết thơ anh, em tỉnh táo lại, không dám tin nhiều. Nhà in ? Đâu phải chuyện chơi ? Em có bao nhiêu chữ nghĩa mà dám hý hửng chớ? Em không có tiểu học, chưa vô cửa nhà trường lấy một ngày, ai thèm nhận em ? Chắc em phải cam phận hốt rác cả đời quá, anh Tú ơi ! Em muốn khóc quá, anh ơi !

Bây giờ, em xin ngừng nơi đây, vì em phải viết thơ chị bếp. Anh nhớ trả lời cho em mừng thử em viết có tệ hơn anh Tín không, em có nhiều lỗi không, và chữ em có thua anh Tín không ? Em trông thơ anh lắm đó. Em Tâm xin ký tên”. 


*


“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Thưa anh Tú,

Bữa kia em gởi thơ anh rồi, đọc lại mấy tờ giấy nháp, thì thấy em bậy quá. Em chỉ chép lại cái thơ anh Tín chớ có gởi nguyên cái thơ cho anh đọc đâu mà biểu là anh so sánh chữ ảnh với chữ em ? (so sánh lỗi thì được). Vì vậy em sợ anh la nên phải viết tiếp thơ này, xin anh đừng giận.

Với lại, tuy có ba ngày mà em có thêm nhiều chuyện quá, cần phải nói với anh, để trong bụng chịu không nổi. Trước hết là chuyện anh Tín. Anh biết sao không ? Ảnh có tiểu học thiệt chớ không có nói dóc đâu. Chị bếp có đưa em coi cái bằng tiểu học của ảnh. Bằng đẹp thiệt là đẹp. Em mà có bằng như vậy thì em lồng kiếng treo liền! Em bàn với chị bếp là mua kiếng về lồng cái bằng treo lên cho bớt nhớ (có hình trong đó mà) thì chỉ khóc (chỉ hay khóc lắm) mà nói : “Thôi em ơi ! Treo làm chi ? Với lại nhà cửa của người ta, chớ phải nhà mình sao mà treo lên ?” Chỉ nói sơ sơ vậy là em hiểu liền, chỉ sợ thằng Vĩnh thấy, nó cười chỉ đó mà.

Rồi em còn biết thêm chuyện động trời này nữa, là bà Ngọc đã xin giúp cho anh Tín vô nhà in học việc (sướng ghê không ?) vậy mà vô đâu được hơn một tháng thì chê, không thèm học nữa, nói là “đau lưng quá, chịu không nổi”. Đau lưng, con trai gì mà nói nghe như ông già !

Rồi sao, anh biết không ? Đòi đi học thợ may. Học đâu hai tháng, may được sơ sịa chi đó, lại kêu chán lắm, không chịu nổi. Rồi trốn chị bếp, xin vô lính. Trời ơi ! Có 16 tuổi chớ bao nhiêu. Em nghe phát tức giùm. Phải chi em là anh Tín, có người chị thương yêu như chị bếp, có bằng tiểu học… ảnh có nhiều thứ em ao ước mà em không có, anh thấy chưa ? Vậy mà lại ưa chuyện gì đâu không.

Còn cái thơ em viết giùm chị bếp mới là tức nữa. Viết xong, đọc cho chỉ nghe chỉ không chịu, biểu em bỏ đi, viết lại. Anh biết tại sao không ? Vì trong đó em xưng chị, kêu anh Tín bằng em tử tế, ngọt ngào lắm, cũng không nhắc gì đến chuyện tiền bạc hết. Em viết rằng “Chị nhớ em lắm, chị không buồn em đâu”. Nghe em đọc tới khúc này, chị bếp có bộ giận dữ, chỉ nói :

- Không được, không được, em nói văn chương vậy không được, thằng dịch này phải nói sao cho nó đọc, nó bể hai cái đầu ra kìa !

Em tức quá, một cái thơ, đổ mồ hôi chớ dễ dàng mà viết cho lẹ đâu ? Em mới cằn nhằn chỉ :

- Sao chị không nói trước ? Mất công người ta quá.

Chị bếp nói :

- Thôi, chị xin lỗi, vuốt giận em. Bây giờ chị nói sao em viết vậy là được, dễ lắm, chịu không ?

Thấy em ngần ngừ, chỉ tưởng em có ý làm khó, lại dỗ dành và hứa cho thêm tiền. Em đâu có xấu vậy ? Em nói vậy rồi lấy giấy viết ra. Chỉ đọc một hơi vầy chớ :

“Tín ơi, mày là thằng quỉ. Mày không biết thương con chị mày. Tao để dành bao nhiêu tiền mày ăn cắp hết rồi giờ còn viết thơ về nói là để lãnh lương gởi về cho tao. Tao có xin xỏ mày bao giờ chưa ? Thằng quỉ ? Thôi, tao thí cho mày đó. Đừng có thơ từ gì hết, tao từ mày luôn. Đừng chị đừng em gì nữa hết. Tao chết tao chịu, mày chết mày chịu, tao nói cho… “

Em hoảng quá la lên :

- Trời ơi ! Khoan khoan, để cho người ta đề ngày chớ, chị đọc kiểu đó chết cha người ta, làm sao người ta viết kịp ?

Chị cười xẻn lẻn :

- Thôi, xin lỗi, xin lỗi em ! Ủa, mà phải đề ngày nữa hả, chi vậy, em Tâm ? Đừng đề được không ? Trưa rồi, chị sợ trễ cơm bên nhà quá…

Em nổi tức lên, em nói :

- Trưa thì thôi, đừng viết. Viết thơ thì phải đề ngày chớ đề chi, hỏi vậy em làm sao trả lời được ? Anh Tú dạy vậy đó…

- Thôi được, em đề ngày đi, chị đợi.

Em đề ngày xong, kêu chỉ, biểu đọc lên. Chỉ đọc chậm chậm, em viết theo lời chỉ cho vừa bụng chỉ. Còn bụng em thì không, viết thơ gì mà mắng mỏ nặng nề quá ! Mà thôi, chỉ viết chớ phải em viết đâu mà lo, phải không anh ?

Đang viết ngon lành, tới chỗ “tao từ mày luôn” thì bỗng nhiên đợi hoài không nghe đọc nữa, em quay lại, thì trời đất ơi ! Chỉ ngồi gục như đang ngủ. Rồi thình lình, chỉ nức lên một tiếng, khóc ồ, ồ, ồ… vậy là cái thơ lở dở! Phiền ghê chưa ?

Nói thiệt với anh, đàn bà con gái hay khóc quá, mỗi chút mỗi khóc, vậy mà mẹ em cứ nói em mau nước mắt. Em hay khóc thiệt mà khóc chuyện đáng, chớ có mít ướt như vậy bao giờ ?

Chừng nào anh được hai thơ tiếp này thì cũng trả lời dài dài cho em, nghe chưa ? Em mới chịu, kẻo em buồn lắm. Chừng nào câu chuyện em vô học nhà in được thì em sẽ tin anh hay liền. Mà không em cũng tin nữa. Em của anh đây, em là Tâm đây”.


*


“Sài-gòn, ngày… tháng… năm…

Anh Tú ơi,

Trời ơi, em đợi thơ anh hết sức. Hồi giờ em chưa có trông đợi ai như đợi thơ anh. À, có một lần, cái lần anh hẹn qua dạy em đó, mà anh qua trễ đó, anh nhớ không ?

Đáng lẽ thì em viết thơ anh rồi, mà vì em giận, em buồn nên không viết. Tới sáng nay được lá thơ mỏng tanh, ngắn ngủn của anh em mừng quá, em đọc một nháy con mắt là xong rồi em đọc lại. Bấy giờ em mới nhớ là anh viết ít quá. Mà thôi, vậy cũng đủ rồi. Anh mắc học tập không có thì giờ, miễn anh viết cho em là sung sướng rồi, em đâu dám trách móc chi anh ?

Anh Tú ! Em đã tới nhà in rồi. Em đi với bà Ngọc, sướng không ? Trời ơi ! Thấy muốn chóng mặt luôn vậy, anh ơi ! Vui quá đi ! Nhà in to ghê ! Hồi đầu, em với bà Ngọc vô thì ông chủ nhà in còn ở trên lầu, chưa xuống. Bà Ngọc ngồi đợi trên ghế, chỗ cái bàn giấy của ông, em đứng sau lưng bà hồi hộp hết sức mà cũng để ý nhìn xung quanh. Mấy người thợ ở trần, bận có cái áo lá, lăng quăng chạy tới, chạy lui coi bộ bận rộn dữ !

Máy in chạy phầm phập, phầm phập, máy xén cắt xoèn xoẹt, xoèn xoẹt. Ông thơ ký của ông chủ nhà in thì đánh máy chữ nghe còng cọc, còng cọc tít đằng xa.

Mấy chị con gái thì ngồi tụm lại xếp giấy, đóng sách, tay làm còn miệng thì nói chuyện rào rào. Tiếng giấy chạm nhau nghe lách xách, tiếng kim đóng vô giấy kêu sần sật (Anh biết tại sao em biết phân biệt máy xén, máy in, máy đánh chữ không ? Đó là nhờ bà Ngọc giảng cho em hiểu đó). Em nhìn mê.

Bà còn chỉ cho em mấy người đứng phía trong xa, người nào cũng đang chăm chỉ cúi xuống những cái hộc vuông vuông, tay họ bốc lia lịa, có khi thì họ nhón từng cái một, cái một, rồi đặt xuống một bên. Bà giảng cho em biết thêm đó là toán thợ sắp chữ. Hay quá, hả anh Tú ?

Thình lình, một người trong bọn đó tách ra chạy đâm sầm tới cái máy in (máy in này chưa chạy) nhảy lên ngồi xổm trên máy, săm soi cẩn thận. tay anh ta cầm một cái nhíp, như cái nhíp nhổ râu của cha em mà cái này hơi dài hơn. Cứ một chút lại gắp cái gì đó, rồi bỏ vô trong cái hộp nhỏ xíu mà ảnh cầm theo trên tay, rồi thay vô cái khác có khi không thay, bỏ luôn. Cứ làm một chút, anh ta lại nhìn vô trang giấy to chi chít chữ trải rộng trên máy, ngay trước mặt, rồi lại gắp, bỏ, thay… Hồi đầu, bà Ngọc chưa giảng em tức cười quá đi, tưởng anh ta tìm gắp sâu trong máy chớ. Giờ thì em hiểu rồi : ảnh chữa lại bản vỗ lần cuối trước khi in. Những vật nho nhỏ ảnh gắp, bỏ xuống là những chữ đó.

Em ức lắm, muốn chui tọt vô coi cho rõ mà thấy có cái bảng đề : “vô phận sự cấm vào” nên không dám (biết chữ sướng thiệt, anh thấy chưa ? Đứng ngoài liếc vô, em thấy rất nhiều hộc vuông, hộc nào cũng lổn nhổn những chữ là chữ, sắp thẳng hàng ngay trước mặt mấy người thợ. Bên ngoài, giấy đội tận mái nhà thành ra trong đó tối mò mò, họ phải vặn đèn điện lên để thấy mà gắp chữ.

Lúc này, ông chủ nhà in cũng vừa xuống. Em phải đứng ngay ngắn, vòng tay sau lưng bà Ngọc, không dám nhìn liếc gì nữa. Sợ ông chê là em tò mò, vô phép, anh hiểu chưa ? Em cúi đầu chào ổng, ổng gật một cái mà như không thèm để ý gì đến em, đi thẳng lại chỗ mấy cái máy đang chạy. Máy đặt phía trong sâu quá, em cố nhón chân lên mà chỉ thấy loáng thoáng thôi. Anh mà thấy, em dám chắc anh cũng phải mê luôn : cái máy cứ chao chao như cái sàng, sàng gạo ở quê em ; chừng một nháy là nhả ra một tờ giấy to bằng tờ báo đầy nghẹt chữ, có hình nữa. In mau quá, anh Tú thấy không ?

Đứng chỗ em chẳng nhìn rõ gì, chỉ nghe một tiếng “soạt” một tiếng “cách” nữa rồi thì “phập” luôn một tiếng là mấy cái que đâu trong máy trồi lên, nâng cao tờ giấy in xong quật qua bên kia, anh thợ tức thì đón lấy, đều đều.

Này anh, em cho anh biết một chuyện này hay lắm, mà anh đừng có cười em nghe không ? Nghĩa là vầy : giấy trắng không thơm ! Em đứng gần mấy chồng giấy cao ngất phía trước, không nghe mùi gì hết. Vậy mà khi em đứng gần đống giấy mới in xong (không phải em dám lại gần, người ta đem lại chất gần em) thì em ngửi thấy thơm ghê quá, lạ không ? Một mùi thơm hăng hắc, nồng nồng, ngây ngấy, kỳ lắm làm em thích quá cứ phổng mũi hít hoài, không ngán. Em mê thiệt là mê ! Chưa khi nào em mê cái gì như cái mùi giấy in có mực trong đó, với lại cái máy in nữa. Trời ơi ! Em mà được ở đây chắc em đọc, em ngửi cũng đủ no, cần gì ăn, anh Tú ?

Sao mà em như ghiền cái mùi giấy mực in quá ! Mùi giấy mực, mùi nhà in, cái gì ở đây cũng làm em thèm, em thèm được đứng cặm cụi sắp chữ, em thèm được đứng điều khiển cái máy in, em thèm được dính đầy dầu mỡ, đầy mực in lem luốc trên áo, trên quần như mấy người thợ ở đây quá. Em không thèm ngồi tụm lại đóng sách với lại xếp giấy, giấy chạm nhau nghe lách xách, kim đóng nghe sần sật, nó gì đâu, nó không ngon lành gì hết. Mà lại ngồi với đàn bà con gái, nghe họ trò chuyện thóc mách, ngán chết ! Em là con trai mà, anh Tú !

Anh Tú này, sao anh không làm chủ nhà in ? Anh mà làm ông chủ nhà in thì em sướng biết mấy ?

Thỉnh thoảng, vài người thợ nhà in lại ngừng việc, ngó ra thấy em, có người cười như chào hỏi, có người hầm hầm cái mặt như thể em phá rầy gì họ. Mấy cô con gái xầm xì, xầm xì nho nhỏ. Lại có một thằng lớn hơn em chút thôi, đi ngang em cất giọng anh chị dữ, nó nói vầy đây : “Ê nhỏ, xê mày”. À ! Làm bộ cho người ta biết là mình làm việc mà ! Em không ưa làm bộ, mà anh biết nó làm gì không ? Phải chi nó làm việc gì ghê gớm thì em cũng phục nó, đằng này nó chỉ chực ôm giấy tới cho người ta in mà làm bộ nỗi gì chớ ?

Em không hay ông chủ lại nói chuyện với bà Ngọc hồi nào, vì em mắc nhìn ngắm mà cũng không biết bà Ngọc nói gì với ông. Thỉnh thoảng ông lại liếc sang em một cái. Coi bộ ông hiền lắm, không có vẻ dữ như chồng bà Ngọc. Ông mập mập lùn lùn, lại đeo kính trắng y như cái ông gì trong sách (cuốn sách hồi anh cho em mượn đó, hồi em mới biết đọc sơ sơ đó). Em nghi là ông này giỏi lắm, kính mang dày quá. Đọc sách nhiều quá cho nên cận thị nặng. Phải không anh ?

Thình lình, bà Ngọc gọi em, em nóng bừng mặt, dạ không ra tiếng, lập tức vòng tay chào ông lại lần nữa. Ông nói vầy :

- Trông nó cũng ngoan nhỉ ?

Giọng ông hiền lành, nhỏ nhẹ làm sao ! Trời ơi ! Mà người ông thì to lớn ghê !

Lạ không, anh ? Nghe êm tai quá đỗi. Nhỉ ? Tiếng nói sao giống như người ở trong sách quá vậy hở anh ? Nhỉ ? Tiếng đó hay ghê phải không anh ? Biết chừng nào em cũng nói được như vậy ? Mắc cỡ quá… nhỉ, nhỉ, nhỉ !

Bà Ngọc lễ phép nói :

- Thưa ông, nó ngoan lắm, lại siêng học, chỉ phải cái tội là con nhà nghèo. Được ông vui lòng nhận cho nó học việc ở nhà in, tôi mừng lắm… Xin cảm ơn ông, ông tốt quá ! Tôi cứ sợ ông chê nó còn nhỏ…

- Không sao, bà đừng ngại, tôi rất vui lòng giúp đỡ những đứa trẻ hiếu học. Công việc ở đây cũng không phải nặng nhọc gì mấy, nhất là việc sắp chữ, chỉ cần siêng năng, tinh mắt và tận tâm. Thợ giỏi của tôi nhập ngũ hết rồi. Ê kíp này tồi lắm, thưa bà (ông nhìn kỹ em hơn một chút như ước lượng sức em). Cháu còn nhỏ, chưa biết gì, tôi sẽ cho nó phụ với anh em học dần…

Em lắng nghe vừa hồi hộp vừa sung sướng. Được vậy là quí rồi, em đâu dám mong mỏi gì hơn ? Mặc dù trong bụng em có chút bất bình bà Ngọc về chỗ bà nói : “phải cái tội nghèo” . Nghèo là có tội sao, anh ? Nhưng dầu gì đi nữa, em cũng mang ơn bà Ngọc lắm.

Ông chủ nhà in lại nói :

- Nhà in chúng tôi in khá có tiếng, những sách in ở đây được cái là không bao giờ phải đính chính, các nhà văn có tác phẩm in ở đây đều bằng lòng, nhưng bây giờ hơi bết, tôi đang lo…

Đính chính, tác phẩm là cái gì, anh ? Nghe hay quá ! Phải có anh ở đây, anh đã cắt nghĩa liền cho em. Nhưng rồi em sẽ hiểu, phải không anh ? Cũng như bây giờ, em đã hiểu tiếng xa xí phẩm, tiếng méo mó nghề nghiệp rồi vậy.

Câu chuyện giữa ông chủ nhà in và bà Ngọc vẫn tiếp tục, nhưng em không để ý nữa. Một phần vì có nhiều tiếng lạ, khó hiểu, một phần là bởi em sung sướng quá, mải ngẫm nghĩ đến nỗi sung sướng đó, không còn muốn quan tâm đến điều gì khác.

Anh Tú ! Anh tính chừng nào thì em có thể trở thành thợ nhà in ? Em sẽ có tiền nuôi mẹ, nuôi em bé ? Em sẽ giỏi vì được đọc cả ngày ? (Làm việc ở nhà in mà không giỏi sao được ?) Em sẽ có một cái nhà có số để anh viết thơ về ! Em sẽ ăn mặc đàng hoàng khi ra đường ! Đố con Cúc dám coi thường em !

Biết chừng đâu em sẽ quen với các nhà văn nữa ? Hơ ! Không ! Chắc họ không thèm quen với em, nhưng mà em ao ước khi họ tới lấy sách, họ nói lên để em nghe họ nói thử ra sao ? Có nhỉ như người trong sách không ? Họ hiền lành hay hung dữ ? Họ có làm bộ hay không ? Vậy cũng sướng rồi. Biết chừng đâu, thợ bị đi lính hết, em lớn lên, em thay vào đó, họ tới, họ phải nói chuyện với em, khi ông chủ đi vắng ? Em sẽ nói với thằng Vĩnh vầy chớ :

- Hồi mai tao gặp ông Văn Sĩ ở nhà in, ông có nói chuyện với tao, ông hiền lắm, ông tử tế lắm.

Mà thôi, nói chi nhiều, nguyên một chuyện em được chạy qua, chạy lại lăng xăng trong nhà in, ngửi mùi giấy mực, áo quần đầy dầu mỡ, nhem nhuốc mực in cũng đủ quí rồi !

Quên, anh nói nhà văn họ viết một mặt giấy phải không ? Để em coi thử có đúng không, nghe anh Tú ?

Từ khi ở nhà in về, bên tai em lúc nào cũng vẳng tiếng phầm phập, xoèn xoẹt, lách xách, sần sật. Những hộp chữ cứ lổn nhổn trong đầu em. Máy in cứ sàng sàng chao chao trong đầu em hoài, ngay cả khi em ngủ.

Bộ dạng hiền lành, hoà nhã của ông chủ cứ hiện ra trước mắt em, em phát no ăn không được. Mẹ em nói :

“Coi lo ăn đi, sớn sác chừng đi làm rồi mới biết thân”.

Anh thấy chưa ? Mẹ em không biết gì hết, làm nhà in mà cực nỗi gì ? Cực mấy em cũng chịu được. Miễn em được gần giấy mực, giấy mực thơm quá, anh Tú ơi !

Chắc từ ngày mốt trở đi, em không được rảnh nữa. ban ngày thì đi học việc, tối về còn lo đi đổ rác, phụ với mẹ em. Không sao đâu, anh à, trong lúc đổ rác, kể từ nay em không phiền bực nữa, vì em nghĩ đến ngày mai lại được tới nhà in. Em sẽ làm cái công việc mà em thù ghét này cho tới chừng nào em trở thành thợ nhà in giỏi. Em sẽ có tiền giúp mẹ, nuôi em. Nếu ngày nào thình lình anh về, thì anh sẽ thấy em lớn lên, đàng hoàng lắm.

Chắc em sẽ chậm viết thơ anh, nhưng anh đừng giận em, vì khuya lắm em mới được về nhà. Em còn phải ngủ đặng sớm mai tới nhà in sớm. Mà thế nào rồi em cũng viết thơ anh, có điều lâu.

Hồi giờ em gặp toàn chuyện buồn, chuyện khổ không. Có hai chuyện mà em cho là sung sướng nhứt, đó là chuyện gặp anh, được anh dạy học và bây giờ là em sắp được đến nhà in làm bạn với giấy, với mực, với chữ, với máy in !

Anh có mừng cho em không ? Anh Tú, em thương anh, nhớ anh, biết ơn anh biết bao nhiêu anh biết không ?

Ờ ! Còn chuyện này nữa mới là hồi hộp. Chẳng là vầy, khi gần về, ông chủ hỏi :

- Cháu học lớp mấy ?

Em cứng miệng, bối rối không biết trả lời ra sao cả. May sao, bà Ngọc trả lời thay em như vầy :

- Thưa ông, cháu học ở nhà quê, rồi chạy loạn lên đây, thành thử không học nữa, song nó sáng dạ lắm. Chắc học nghề này được. Nó không giống thằng Tín đâu.

Ông chủ nhà in gật gù ra dáng bằng lòng, không cật vấn gì nữa. Em mừng run. Giờ viết thơ anh nhớ lại, em còn sợ. Bà Ngọc thật tốt bụng phải không anh ? Vì muốn giúp em mà bà phạm tội nói dối, anh thấy không ? Anh hiểu tại sao không ?

Vầy nè : bà sợ nói thật là em chưa bước chân tới nhà trường thì ông chủ nhà in sẽ không nhận, không cho em học việc.

Anh tính một cái nhà in to lớn đầy chữ nghĩa máy móc như vậy, ai lại sơ ý cho một đứa như em vô học ? Bà Ngọc cẩn thận vậy là phải lắm. Như vậy chắc bà nhẹ tội ? Có khi bề trên tha tội cũng nên ? Phải không anh ?

Thôi nghe anh, em phải ngừng lại ở đây. Em nhớ anh lắm đó. Cái hình anh, em cứ giở ra, giở vô hoài đến nỗi nó cũ đi ! Thơ em dài quá phải không ? Em nói cho anh biết, không phải em viết xong liền trong một ngày đâu. Tới ba ngày lận đó.

Anh phải trả lời cho em biết, anh có mừng về chuyện em được vô học việc trong nhà in không ? Anh thử đoán coi em có thể trở thành thợ nhà in không ? Công chuyện có khó không ? Sức em có làm nổi không ? Mà dầu cho khó đến mấy, anh biểu em là em cố làm được liền.

Em Tâm ký tên đây. Nhớ biên thơ cho em, kẻo em trông lắm. Tâm”.

 

Trung Thu năm Mậu-thân 1968

MINH QUÂN