MỘT
Lúc tôi đi lấy phấn trở về lớp thì bọn bạn tôi đang ùa hướng về phía thằng
Điệp. Chúng nó giới thiệu Điệp thật xôm trò:
- Thằng Điệp làm trưởng lớp năm rồi đó cô!
- Nó chăm lắm cô ơi! Không đứa nào quét lớp, cô cứ bảo nó, nó quét ngay.
- Nó học cũng giỏi nữa cô...
- Nó nói to nhất lớp.
- Nó khỏe nhất lớp.
- Nó bị đòn mà không khóc đâu cô. Hôm nọ em thấy rõ ràng ở nhà nó đó cô.
Mẹ nó đánh nó mấy cái cán chổi mà nó vẫn lặng thinh, chẳng kêu một tiếng nào.
Thằng Điệp, gương mặt bầu bĩnh, tóc hớt ngắn, xem chẳng khác gì em bé ba
bốn tuổi. Chúng tôi hay gọi đùa nó là Điệp sữa, ý trêu nó trẻ nít quá đi thôi.
Điệp có một cái tật rất đáng yêu: rất hay đỏ mặt. Và kìa! Được các bạn giới
thiệu, Điệp ta đang đỏ mặt, đỏ... đỏ chẳng khác nước đá nhận chế sia-rô!
Cô giáo hiền từ đón mấy viên phấn từ tay tôi. Cô để cả trên bàn, chỉ bẻ
lấy nửa viên, tiến về phía bảng đen. Cô viết:
Danh sách ứng cử viên trưởng lớp:
1. Nguyễn Văn Điệp.
Tôi trở lại chỗ ngồi nhập cùng bạn bè reo ầm lên trong lúc cô đang viết:
- Bầu cho thằng Điệp nghe tụi bay.
- Thằng nào không bầu cho Điệp sữa, ông “cộp” đầu thì đừng trách đấy!
- Hôm nay tao có nguyên một gói kẹo, đứa nào bầu cho thằng Điệp thì nói,
tí nữa tao chia kẹo cho...
Cô giáo phì cười, ra dấu cho chúng tôi im lặng rồi nói:
- Này! Cô bảo cho nghe! Các em làm thế không được đâu. Không được dọa đánh
nhau. Không được hứa hẹn kẹo bánh. Mình phải công bằng, mình sẽ chọn trưởng lớp
bằng lối phổ thông đầu phiếu...
Thằng Minh giơ tay:
- Phổ thông đầu phiếu là gì cơ cô?
- Là có nhiều người ra ứng cử, những người khác sẽ bỏ phiếu cho người nào
mình ưng. Ai nhiều phiếu nhất sẽ được chọn.
- Thế em ra làm “người ra ứng cử’ có được không cô?
- Sao lại không! Cô ghi tên em nhé!
Thằng Minh đảo mắt nhìn chung quanh. Chúng tôi cùng đoán biết nó đang dò ý
chúng tôi rằng: “Tao ghi tên ra ứng cử có được không?”. Chúng tôi ào ào lên
ngay:
- Cô ghi tên cho nó đi cô.
- Minh ơi! Tao bầu cho mày đấy, chốc nữa nhớ đãi tao cốc đá nhận nghe
không.
- Mày mà làm trưởng lớp, mày đừng bắt nạt tao nghe.
Thằng Minh được ủng hộ, khoái chí cười toe toét. Cô giáo lại hỏi:
- Còn em nào muốn làm trưởng lớp nữa không?
Thằng Danh thập thò cánh tay, mắt lấm lét nhìn quanh. Thằng Hưởng ngồi
cạnh biết ý, nắm tay Danh đưa cao lên:
- Thưa cô, thằng Danh muốn làm trưởng lớp đó cô.
- Cô ghi đi cô: Nguyễn Công Danh, tự Danh bụt.
Cô ghi tên Danh rồi quay hỏi cả lớp lần cuối. Không đứa nào giơ tay ứng cử
nữa. Cô bước khỏi bục gỗ bảo cả lớp:
- Bây giờ các em lấy ra mỗi người một tờ giấy nhỏ...
Tiếng xé giấy tập, tiếng xin giấy vang lên ầm ĩ át cả tiếng cô căn dặn:
- ... ưng ai làm trưởng lớp, các em viết tên người đó vào rồi nộp cho cô.
Chúng tôi nghe tiếng được tiếng không nhưng đứa nào cũng “Dạ nghe” thật
rõ. Để rồi sau đó, cả bọn đã phải có những thắc mắc buồn cười:
- Lâm ơi! Mày bầu cho đứa nào đấy? Viết đi rồi viết cho tao luôn thể. Tao
bắt chước mày đấy.
- Tính ơi! Tao nộp tờ giấy bé thế này có được không?
- Eo ơi! Sao bé thế? Hay là tao với mày bầu chung một tờ giấy đi. Mình
viết hai tên.
- Này chúng mày ơi, tao viết tên tao vào có được không?
Phải một lúc lâu, chúng tôi mới góp đủ phiếu cho cô giáo. Cô đựng tất cả
vào chiếc nón của cô. Tôi được gọi lên phụ. Cả lớp còn lại ngồi im. Tôi biết
bọn Điệp, Minh, Danh là hồi hộp hơn cả. Tôi giở từng lá phiếu, đọc tên rồi
chuyền sang cô để kiểm soát. Cô gạch từng gạch dưới tên của ba đứa trên bảng.
- Điệp... Minh... Điệp... Điệp... Danh... Diệp...
Tôi liếc xuống phía thằng Điệp, mặt nó ửng đỏ dần theo tiếng hô của tôi
trên này. Cô giáo cũng nhìn nó và cười. Minh theo gần kịp Điệp. Hai đứa bỏ xa
thằng Danh:
- Điệp... Điệp... Minh... Điệp... Điệp... Minh... Danh...
Tay tôi chạm vào tờ phiếu cuối cùng. Tôi cầm trong tay chưa mở ra, tay kia
với đặt chiếc nón của cô lên bàn rồi mới chịu đọc:
- Danh!
Lá phiếu cuối cùng của thằng Danh làm tăng số phiếu của nó lên chín cái.
Thằng Minh được mười sáu. Điệp những hai mươi. Tôi bước lần về chỗ, vừa vỗ tay,
miệng hét theo nhịp các bạn:
- Điệp... Điệp... Điệp sữa...
Cô giáo gõ thước mãi chúng tôi mới chịu im. Cô gọi thằng Điệp lên trình
diện cả lớp. Điệp bước lên với gương mặt sữa đỏ ửng. Cô cũng gọi Danh,
Minh lên luôn. Cô ôn tồn nói:
- Từ nay em Điệp làm trưởng lớp, em Minh làm phó trưởng lớp một, em Danh
làm phó trưởng lớp hai. Các em chịu không?
Chúng tôi lại hét ầm lên:
- Chịu cô...
- Điệp sữa hát một bài đi.
- Cu Minh làm một màn vũ trấn thủ lưu đồn coi nào.
- Danh bụt phải kể một chuyện cổ tích.
- Thằng Trình lên viết mục lục cuộc vui đi nào.
Tôi quay xuống cốp đầu thằng Lâm một cái vì nó dám nhắc đến tên tôi. Lầm
xoa đầu cười cười:
- Sao mày dám cộp ông?
- Ai bảo mày dám ra lệnh cho ông?
- Ông đề nghị chứ bộ!
- Ông cấm mày đề nghị, biết chưa!
Tiếng cô giáo cắt đứt cuộc đấu khẩu giữa hai đứa tôi:
- Im nghe cô bảo đây. Không có ca hát, chuyện trò gì hết. Cô dặn mấy em
này một chút rồi học ngay. Mất thì giờ quá rồi.
Chúng tôi phản đối nho nhỏ:
- Cô khó quá, năm trước cô giáo lớp ba đâu khó như thế.
- Cô chỉ bắt học mãi. Từ giờ đến cuối năm, còn ối gì lúc để học mà lo.
Nhưng cô giáo bỏ ngoài tai những lời của chúng tôi. Cô dặn ba đứa Điệp,
Minh, Danh những việc chúng phải làm. Rồi ba đứa trở về chỗ. Cô giáo lấy phấn,
viết tựa bài Việt sử: Họ Hồng Bàng.
Chúng tôi vụt im lặng. Tiếng mở tập vở xào xạc vang lên...
HAI
Chúng tôi phải làm việc khá nhiều. Học bài, làm toán, làm luận, tập vẽ,
làm thủ công. Riêng tôi, thỉnh thoảng cô giáo lại bắt về nhà làm một câu cách
ngôn hay tục ngữ bằng giấy màu dán vào bìa cứng để đem treo trong lớp. Anh tôi
truyền cho tôi cái tài viết chữ, kẻ chữ đẹp, chưa thấy giúp ích tôi được gì, nhưng
khiến tôi mệt nhoài thì quá nhiều. Đến lớp, có phải chép bài lên bảng, cô chỉ
giao cho tôi. Lên sửa toán cũng tôi. Viết điểm vào học bạ, cũng tôi nốt.
Lớp chúng tôi vừa có thêm năm đứa con gái, tôi vừa ghi tên chúng vào sổ
điểm danh xong. Đây là một điều lạ ở lớp tôi, lớp nhì độc nhất trong ngôi
trường nhỏ của vùng hẻo lánh này. Trước kia, không lâu gì, mới năm học trước,
trường tôi chỉ có đến lớp ba. Chúng tôi tưởng đâu cũng như những năm trước, học
đến lớp ba rồi thôi, nghỉ luôn ở nhà - Dĩ nhiên phải trừ những đứa con nhà
giàu, được cha mẹ chu cấp ra tỉnh học - Chúng tôi đã về nghỉ hẳn. Nhưng khi các
lớp tựu học được chừng một tháng, đột nhiên chúng tôi nhận được tin trường mở
thêm một lớp nhì. Cha mẹ chúng tôi mừng còn hơn bắt được của, đi ghi tên cho
chúng tôi ngay. Cả những đứa học trước chúng tôi một hai năm cũng đến ghi tên.
Nhưng lạ một điều là rặt con trai. Dường như gia đình nào cũng quan niệm con
gái học đến lớp ba là đủ. Mà chính tôi cũng thấy thế. Làm ruộng, làm rẫy thì
biết qua loa toán trừ, toán cộng là đủ rồi. Cần gì biết thêm nữa. Cho nên lớp
tôi bốn mươi lăm đứa toàn con trai. Việc có thêm năm đứa con gái vì thế là một
việc lạ. Trong năm đứa ấy, có hai đứa cùng học lớp ba với tôi năm vừa qua,
chúng khá lắm, và là địch thủ đáng ngại của bọn con trai chúng tôi về việc học.
Chúng tôi bắt đầu mở màn cuộc “khủng bố tinh thần” bọn con gái. Đầu tiên,
Điệp sữa trổ ngón. Nó giao hẳn việc vệ sinh trong lớp cho con gái. Lý luận của
nó vững lắm: “Con gái thì phải lo việc sạch sẽ, vệ sinh. Nội trợ mà lỵ!”. Kế đó
là một cuộc phá quấy vĩ đại. Số là từ khi có năm đứa con gái vào, chúng tôi phải
ngồi dồn lại, nhường nguyên bàn đầu cho chúng. Chúng tôi bị cô giáo làm áp lực
nên mới chịu, chứ ấm ức trong lòng lắm. Do thế, chúng tôi mới bàn nhau cách phá
bọn con gái cho bõ ghét. Ít lắm cũng cho bọn chúng xuống bàn cuối ngồi một bữa.
Đầu tiên, thằng Danh bàn kế viết nhăng viết cuội lên mặt bàn cho bọn kia
bực mình, nhưng hậu quả là chúng tôi mấy đứa bị phạt. Thằng Điệp “tiến bộ” hơn,
xúi lấy đất, đá bỏ vào hộc bàn bọn con gái. Lại cũng không thành công và
lại mấy đứa nữa bị phạt. Cuối cùng, thằng Lâm đã nghĩ ra một cách thật hay: bắt
kiến lửa ở cây xoài bỏ vào hộc bàn. Buổi học hôm ấy, năm đứa con gái đã phải
xanh mặt cùng ùa ra khỏi bàn đầu. Chúng tôi cười hỉ hả sung sướng. Cô giáo bắt
chúng tôi phải tìm cách đem lũ kiến đi nơi khác, chúng tôi đâu nghe, vờ làm
không được. Cô đành chịu và bọn con gái phải “di cư” xuống bàn cuối mà ngồi -
chúng tôi nhất định chỉ nhường cho cái bàn ấy. Cả cô giáo lẫn bọn con gái cùng
biết là chúng tôi phá nhưng không có bằng chứng gì như những lần trước, đành
chịu.
Phá được một lần, chúng tôi thấy đã mãn nguyện, thôi không phá nữa, “thí
cô hồn’ cho chúng nó bàn đầu luôn. Và chúng tôi bắt đầu gọi cái bàn đầu ấy là
bàn... kiến! Mỗi đứa con gái là một con... kiến!
Năm “con kiến” ghét chúng tôi ra mặt nhưng chẳng làm gì được vì chúng tôi
rất khôn ngoan, không bao giờ phá bọn chúng trước mặt cô giáo nữa. Đồng thời,
tự nhiên chúng tôi cũng thấy xa dần cô giáo, chúng tôi cùng có cảm tưởng cô
giáo đã về phe bọn “kiến” mà bỏ rơi chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã bảo nhau. Chúng
tôi không sợ. Chúng tôi có những bốn mươi lăm đứa kia mà!
BA
Nhất định là cô giáo thiên vị bọn con gái. Chúng tôi để ý từng chút và kết
luận thế. Với lại, cũng dễ hiểu nữa. Có gì đâu. Cô giáo cũng là... con gái, dù
là con gái lớn đi nữa, có hề gì, hễ cứ con gái là bênh con gái rồi. Cũng như
chúng tôi, bọn con trai bốn mươi lăm đứa phải bênh nhau, phải đoàn kết.
Điều chứng tỏ sự đoàn kết của chúng tôi trước tiên phải kể là việc học.
Trong bốn mươi lăm đứa, chúng tôi chọn được mười đứa khá. Mười đứa phải hứa
trước cả bọn là sẽ chiếm hết mười hạng đầu lớp. “Con kiến” nào khá nhất cũng
chỉ cho nó “bò” lên hạng mười một thôi. Và chúng tôi đã thành công ngay tháng đầu.
Mười “chiến sĩ xung phong” được thưởng đá nhận no kềnh bụng (Tôi là một “chiến
sĩ” đấy nhé!).
Ngoài ra, chúng tôi còn đoàn kết trong nhiều việc nữa. Tỉ như vụ cãi nhau
với bọn “kiến” hôm nọ. Hôm ấy, Điệp sữa vào lớp sớm, rủ tôi và Danh bụt đánh
chén một chùm chôm chôm tróc đầu mùa của vườn nhà nó. Ba đứa tôi vất vỏ, hột
bừa bãi. Lúc bọn con gái vào, chúng kêu ầm lên và nhất định không chịu quét dọn
đống vỏ chôm chôm. Chúng tôi lên mặt liền. Điệp sữa thật hách:
- Nhân danh trưởng lớp, tao ra lệnh cho chúng mày phải quét dọn đống rác
này.
“Con kiến” Hạnh có tiếng là đanh đá nhất, cãi ngay:
- Ai bầu mày làm trưởng lớp hồi nào mà mày đòi ra lệnh?
Điệp sữa trợn mát:
- Cả lớp bầu tao. Hai mươi phiếu.
- Nhưng chúng tao có bầu mày đâu.
Thôi chết rồi, con quỷ này lý sự đúng quá. Điệp sữa phải nghệt mặt ra
chẳng biết nói sao. May thay, Danh bụt nhanh trí khôn:
- Ai không biết tụi mày không bầu, nhưng tụi mày vào sau, tụi mày phải
chịu.
- Ai bắt tụi tao chịu?
- Cô giáo bắt!
- Hồi nào?
- Hôm qua!
Danh bụt nổi tiếng là hiền như bụt, thế mà lúc này nó nói dối tỉnh bơ.
“Con kiến” Hạnh đanh đá là thế nhưng cũng thật dễ tin. Nó hỏi lại:
- Thật không dấy?
- Đứa nào nói dối cho đứa ấy xuống hạng bét.
Con Hạnh đưa mắt nhìn các bạn. Mấy đứa con gái nhìn nhau chưa biết tính
sao. Tôi đánh thêm đòn tâm lý:
- Cô còn bảo đứa nào không nghe lời trưởng lớp, nó mà mách cô, cô trừ điểm
hạnh kiểm ngay.
Bọn con gái có vẻ nao núng trước lời dọa dẫm này. Chúng nói:
- Thôi được rồi, cô giáo đã dặn thì tụi tao phải nghe... Tụi mày đi ra
ngoài đi để tụi tao quét dọn.
Chúng tôi hí hửng ra khỏi lớp tìm một chỗ vắng nhìn nhau mà ôm bụng cười.
Điệp sữa khen:
- Hai đứa mày nói dối hay quá, nghe cứ như thật ấy thôi.
Danh bụt vênh mặt:
- Nghệ thuật mà mày!
Ôi chao! Danh bụt dám bảo nói dối là một nghệ thuật chứ! Nó không
hiểu rằng nói dối là một điều xấu. Và sau này chúng tôi cũng phải hối hận vì đã
khuyến khích nó nói dối.
BỐN
Một hôm nọ, Danh bụt lại phô diễn cái “nghệ thuật” nói dối của nó một lần
nữa. Đúng ra, nó phô diễn cả lá gan to bằng cái quạt của nó nữa. Vâng, Danh bụt
quả là gan. Nó dám nói dối cô giáo, nói dối luôn cả lớp!
Lúc điểm danh, cô gọi đến tên thằng Tổn, không thấy thằng này thưa, cô mới
hỏi:
- Em Tổn đâu rồi? có đi học không?
Danh bụt ngồi cạnh Tổn, nhà hai đứa nó cũng ở cạnh nhau. Nó đứng lên thưa:
- Nó nghỉ cô ơi. Bố nó ốm.
Cô ngừng điểm danh, hỏi Danh:
- Ba em Tổn ốm lâu chưa, Danh?
- Thưa cô lâu rồi ạ. Nhưng mới hôm qua thì bệnh trở nặng nên nó phải nghỉ
học ở nhà...
- Tội nghiệp không... Chắc thế nào cô cũng phải đến thăm mới được...
Danh bụt vớ ngay câu nói của cô:
- Thưa cô, em cũng vừa bàn với thằng Điệp rủ thêm vài đứa nữa, đi thăm bố
thằng Tổn...
Điệp sữa ngạc nhiên tròn mắt định cải chính rằng nó có bàn gì với Danh bụt
đâu, nhưng Danh bụt đã nháy mắt ra hiệu. Danh:
- Tụi em đã góp nhau được năm chục đồng, định xin phép cô mua quà biếu bố
nó.
Cô cảm động:
- Các em ngoan lắm, vậy mà không cho cô biết sớm. Thôi này, lên đây cho cô
góp một ít đi...
Danh bụt chẳng ngần ngừ lên bàn cô lấy gọn tờ năm chục mới tinh của cô
trao cho. Nó thưa:
- Thưa cô, cô đừng đi thăm, để em với thằng Điệp, thằng Trình, thằng Minh
đại diện lớp đi là đủ rồi. Nhà nó xa lắm sợ mỏi chân cô...
Cô bằng lòng ngay. Xong, cô quay xuống bảo cả lớp:
- Bố em Tổn ốm, em nào có tiền sẵn thì góp để mua quà biếu...
Cả lớp nhao nhao lên bàn tán. Danh bụt bỗng trở nên quan trọng. Nó lấy
giấy bút ghi tên những đứa đóng tiền. Đến chỗ Điệp sữa, Minh và tôi, nó cùng ra
dấu bảo cứ kệ nó làm, nó sẽ giải thích sau. Chúng tôi cứ ngẩn ra chẳng hiểu gì
cả.
Mãi đến khi cô giáo cho bốn đứa đi thăm bố thằng Tổn, và đã đi được một
quãng xa trường, Danh bụt mới phá ra cười. Chúng tôi xúm lại hỏi nó:
- Mày họp với bọn tao hồi nào mà mày dám nói với cô như thế?
- Có đứa nào góp tiền trước đâu mà mày dám nói là có?
- Bố thằng Tổn có ốm thật không?
Danh bụt không trả lời ngay, nó hẹn đến nhà nó, nó sẽ kể cho nghe đầu
đuôi. Nhưng chúng tôi nóng ruột đòi nó phải nói ngay. Danh đành phải kể:
- Chúng mày còn nhớ tuần trước cô cho mấy đứa mình ăn trứng ngỗng
không?
Gì chứ chuyện ấy làm sao chúng tôi quên được. Hôm ấy, Danh bụt bắt được ổ
chuột con bốn trự đem vào lớp khoe. Chúng tôi nghịch mấy con chuột đỏ hỏn chán
rồi mới nghĩ đến cách phá bọn con gái một mẻ nữa. Chúng tôi đem bỏ cả bốn con chuột
vào hộc bàn bọn con gái. Nhất định thế nào cả lớp cũng được một phen cười vỡ
bụng.
Con Hạnh phát hiện ra đầu tiên. Nó rú lên một tiếng, mặt xanh như tàu lá.
kế đó đến lượt bốn đứa kia. Chúng nó chạy ra khỏi bàn. Cô giáo chạy xuống hỏi:
- Chuyện gì thế?
Con Hạnh lắp bắp thưa:
- Cô ơi... chuột...
Có lẽ cô giận lắm và cô cũng thừa biết thủ phạm là lũ con trai. Nhưng
trước tiên phải tống khứ mấy con chuột đi đã. Cô gọi Điệp sữa. Nó vờ kêu lên:
- Em sợ chuột lắm cô ơi. Cô bảo đứa khác đi...
Danh bụt, Minh cũng từ chối. Thế là đến lượt tôi. Tôi muốn từ chối luôn để
kéo dài nỗi sợ của bọn con gái, nhưng cô đã nói:
- Em Trình đi tìm cái cây nào dài dài một tí gạt chuột ra cho cô.
Chối không được, tôi đành phải làm theo.
Đem lũ chuột ra khỏi lớp rồi, cô mới điều tra tìm thủ phạm. Cô nhất định
phải tìm cho ra mới nghe. Cả bọn con trai chúng tôi cùng chối dài. Cô cứ lập đi
lập lại:
- Em nào nghịch thú thật đi thì cô tha. Nếu không, để cô tìm biết được thì
đừng trách.
Vẫn không đứa nào nhận. Cuối cùng, thấy mất thì giờ quá, cô mới nói:
- Không em nào nhận, cô phạt trưởng lớp.
Điệp sữa xanh mặt đứng lên:
- Thưa cô oan cho em lắm...
- Em là trưởng lớp, em phải chịu tội thay.
Điệp sữa đỏ bừng mặt vì ức lòng. Rồi không biết nghĩ ngợi ra sao, nó khai
tuốt luốt:
- Thưa cô, không phải chỉ có mình em. Có cả thằng Danh bụt nữa...
Danh bụt đứng lên mếu máo:
- Cả thằng Minh nữa cô ơi!
Đến phiên thằng Minh:
- Có thằng Trình nữa đó cô...
Thế là bốn tội nhân tự khai, tự thú để mỗi đứa lãnh một “quả trứng ngỗng”
về “ăn cơm”. Danh bụt là đứa cay cú nhất. Nó lầm bầm: “Có ngày “ông” sẽ trả thù
này!”.
Tôi đoán việc Danh bụt làm vừa rồi có liên quan đến việc này. Quả thế,
Danh tiếp:
- Bố thằng Tổn chẳng có ốm đau gì hết...
Chúng tôi hỏi dồn nó:
- Mày dám nói dối cô hả?
- Mày không sợ bị cô phạt hả?
Danh bụt cười to:
- Còn lâu tao mới sợ. Tao bàn với thằng Tổn để làm vụ này mà lỵ. Cô có hỏi
nó, nó cũng nói như tao vậy: bố nó ốm! Và nó còn xin cô cho nó nói cảm ơn cả lớp
nữa...
Điệp sữa nhớ đến hôm nghịch chuột:
- Chuyện gì mày cũng kéo tao vào. Tao bị phạt chỉ vì mày...
Danh bụt:
- Tao cam doan với mày là không ai biết được chuyện này đâu.
Rồi nó tính toán:
- Tao sẽ trả lại tiền bọn con trai. Tao nói rằng thằng Tổn cùng phe với
con trai, không nhận tiền cùng phe. Mình chỉ giữ lại tiền của cô giáo với bọn
con gái thôi.
- Để làm gì?
- Ngu thế! Thì bốn đứa mình với thằng Tổn dẫn nhau đi ăn uống một phen cho
thỏa thích chứ làm gì.
Chúng tôi cùng nhìn Danh bụt thán phục. Thán phục đủ thứ: nói dối khéo
này, tính toán gọn này, gan to tày đinh này. Điệp sữa nghe Danh bụt “thuyết” về
đồ ăn thì quên hẳn nó là đứa sợ bị phạt nhất. Nó dặn trước:
- Tao ăn thêm kem nữa nghe chưa.
Danh bụt cười:
- Mày đúng là Điệp sữa.
NĂM
Thưa cô kính mến
Hôm cô đi, cô có dặn chúng em: nhớ viết thư đều cho cô nhé! Thì chúng
em viết đến cô đây. Viết rất thành thật, kể cả những chuyện mà đáng lẽ chúng em
phải giấu. Như chuyện Danh bụt nói dối cô để lấy tiền ăn quà. Chúng em dám viết
hết vì cô đã làm cho chúng em cảm động quá, nhất là lúc cô lên xe. Chính Danh
bụt đã khóc khi nhắc lại chuyện nó làm.
Thưa cô,
Một năm trời, cô đã chịu đựng, dạy dỗ lũ học trò nghịch phá như quỷ mà
cô vẫn vui, cô vẫn dạy chăm. Có giận, cô chỉ la rầy thoáng qua, hay phạt ăn số
không là cùng. Điều đó cho thấy cô thương học trò và yêu nghề với cả tấm lòng. Không
bao giờ chúng em quên được buổi phát thưởng cuối năm cũng là ngày tiễn cô về
thành phố. Cô run run trao từng phần thưởng cho thằng Danh, thằng Quốc, con
Hạnh, thằng Lâm và em. Với đứa nào, cô cũng xoa đầu bảo: Lên lớp nhất cố học để
thi đậu đệ thất nghe chưa.
Nhất định chúng em phải chăm học để khỏi phụ lòng cô. Vì nhờ cô tình
nguyện xuống vùng hẻo lánh này dạy chúng em năm lớp nhì mà chúng em khỏi phải
học trễ một năm. Việc tự nguyện của cô còn khiến cấp trên chú ý, do thế mà sau
khi cô ra đi, trên tỉnh đã phái một thầy và một cô khác xuống để phụ trách hai
lớp nhì cũ và lớp nhất mới mở thêm.
Bây giờ, chúng em đã vào học. Thầy giáo mới cũng hiền và chăm như cô.
Nhưng nhất định thầy chẳng thể dịu dàng bằng cô trong những lời dạy dỗ. Điệp
sữa vẫn làm trưởng lớp. Lần này không chỉ có con trai bầu cho nó, mà cả con gái
nữa. Chúng em đã làm lành và chơi thân với nhau. Cũng nhờ cô tất cả. Cô dặn:
Đừng chọc phá nhau nữa nghe chưa!
Thưa cô, không bao giờ còn có chuyện bắt kiến, bắt chuột bỏ vào hộc
bàn của năm đứa con gái nữa. Chúng em đã lớn rồi, sang năm, đứa nào đậu đệ
thất, đi học trên tỉnh, con gái đã phải mặc áo dài, con trai phải mặc áo bỏ
trong quần rồi còn gì.
Thôi, thư đã dài, viết nắn nót có hơi mỏi tay - cô xem em còn viết đẹp
như trước không cơ? - xin phép cô cho chúng em được dừng bút. Chúng em gởi lên
cô tất cả những lời chúc lành. Danh bụt xin cô tha lỗi cho nó. Tết này, nếu có rảnh,
cô xuống chơi với chúng em. Chúng em sẽ đãi cô một bữa trái cây thịnh soạn.
Danh bụt tình nguyện nằm dài cho cô đánh đòn đấy.
Cô nhớ biên thư cho chúng em nghe cô. Mà phải viết bằng mực tím như
chúng em viết gởi cô, chúng em mới chịu đó.
Ký tên: Trình và các bạn lớp nhì cũ.
Biên Hòa, 3 - 72
NGUYỄN THÁI HẢI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 175, ra ngày 15-4-1972)