Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

CHƯƠNG I_NGÔI NHÀ HOANG



 CHƯƠNG I


Chiếc xe "ca" liên tỉnh lướt nhanh trên con đường tráng nhựa êm ái, đưa bọn Dũng, Cường, Nga vào một cuộc hành trình đầy hứng thú. Cả ba đảo mắt một lượt quan sát hành khách trong xe ngồi nhìn nhau im lặng như sợ tiếng nói làm tan mất niềm vui đang rào rạt trong lòng.

Gió ngược chiều thổi phần phật qua mép cửa xe. Mùi thơm của cỏ cây, của đồng ruộng lan tỏa không gian. Dũng hít một hơi dài, không khí trong lành buổi sớm mai làm anh khoan khoái. Dũng thốt nói :

- Cảnh đẹp quá !

Cường thoáng giật mình vì lời nói đột ngột của Dũng. Anh mỉm cười quay lại chăm chú nhìn ra khoảng không gian theo tay Dũng chỉ.

Cánh đồng mạ non mênh mông chạy dài đến tận chân trời. Xa xa, các thôn xóm còn chìm trong làn sương mờ ảo. Bóng những ngọn cau lung linh trên nền trời sẫm nhạt. Cường gật gù :

- Đúng là một bức tranh thủy mạc !

Nga từ nãy vẫn ngồi im giữa Cường và Dũng, lúc này mới lên tiếng :

- Có đi xa, mới biết quê hương mình đẹp, các anh nhỉ ! Em mong kỳ hè nào chúng mình cũng được đi chơi như thế này.

Bình minh đang bắt đầu gieo nắng ấm. Hành khách trên xe trở nên ồn ào. Dũng vói tay lấy sắc đựng bánh mì kẹp trứng, chuyền phần quà điểm tâm cho Nga, Cường :

- Không có tôi chắc sáng nay mấy "bạn" đói mất.

Nga chẩu môi, cười :

- Ý, không có Nga sáng nay, thì lúc này hai anh đang nằm mẹp ở nhà.

Như không để ý đến lời Nga, Dũng hướng về phía bạn cao giọng kể :

- Mình đã đeo ba lô định nhảy lên xích lô máy ra bến xe, lúc ấy mới nhớ đến ba ổ bánh mì để quên dưới bếp. Chạy vào đến nơi thì thấy chú mèo đang đứng cạnh kêu "ngao ngao"…

Cả ba cười rộ. Cường ái ngại nhìn bạn :

- Cậu bỏ trước quên sau một phần nào cũng do lỗi tớ đã đến chậm phải không ?

Dũng chợt nhớ lại cảnh chuẩn bị cuộc du hành hồi sáng sớm :

- Đúng thế ! Tự hậu, xin ông tướng đúng giờ cho. Mình chỉ sợ lỡ chuyến xe, nên quýnh quá !

Dũng bận tâm từ nhiều ngày qua. Anh tìm mọi cách thuyết phục ba mẹ cho phép mình và em gái theo Cường về nghỉ hè ờ nhà bà cô của Cường ở vùng ngoại ô Huế. Dũng đã đưa các lý do chính đáng. Nào là những lợi ích thể chất và tinh thần của vụ nghỉ hè ở đồng ruộng, nào là cần tránh không khí bụi bặm và xô bồ của thành phố một thời gian. Rồi Dũng nhắc lại những cố gắng của ba mẹ trong quá khứ từng cho phép đi đổi không khí vào những mùa hè năm trước và hứa sẽ không lao mình vào những cuộc mạo hiểm.

Các lý do Dũng đưa ra vẫn không làm ba mẹ hết băn khoăn. Đoán chừng ba mẹ e ngại sự tham dự của Nga, vì Nga vừa lành bịnh cách đây một tháng, Dũng gặp em gái hỏi ý kiến :

- Chắc mẹ sợ Nga ngã bịnh bất ngờ dọc đường nên do dự không cho phép anh em mình đi nghỉ như mọi năm.

Nga nhìn lơ đãng, im lặng suy nghĩ. Dũng tưởng Nga chưa lành bịnh hẳn nên nói tiếp :

- Hay nếu Nga thấy còn mệt, năm nay em ở nhà vậy, để anh và Cường đi cũng được.

Cô bé dẫy nẩy :

- Nga không chịu đâu, Nga khỏe hẳn rồi !

Mắt cô bé vụt lóe sáng vì một ý kiến vừa thoáng đến :

- A, em nghĩ ra rồi. Bây giờ anh chạy ngay qua nhà anh Cường xin ba má anh ấy can thiệp là ba mẹ chịu ngay.

Dũng hét lên vì mừng. Anh phóng ngay xuống sân sau, cưỡi xe đạp hộc tốc đến nhà Cường. Anh gặp bạn đang đứng tưới cây. Nghe tiếng dựng xe nặng tay của Dũng, Cường quay lại ngạc nhiên :

- Chắc có chuyện vui phải không bồ ?

- Đúng, đúng ! Anh em tớ tìm ra đáp số rồi…

Dũng kề tai bạn thì thầm :

- Bọn mình chỉ cần làm thế nào để các bác ở đây ưng thuận sang thuyết phục ba mẹ tớ là xong ngay.

- Tuyệt diệu !

Cường buông vội bình tưới hoa và xiết chặt tay bạn :

- Tối qua tớ cũng nảy ra ý kiến tương tự. Phen này ắt phải thành công.

Hai đứa rời vườn đi vào nhà. Vừa thấy khóe mắt tươi cười của Dũng và vẻ bí mật trên mặt con, mẹ Cường đã đoán ra ngay câu chuyện :

- Các cậu định "thỉnh" tôi đi thuyết khách chứ gì ?

Dũng, Cường ngạc nhiên, nhìn nhau bối rối. Nhưng giọng nói khoan hòa của mẹ Cường đã hồi sinh hy vọng trong lòng đôi bạn :

- Cháu Dũng cứ yên trí mà chuẩn bị kỹ lưỡng, bác đã có cách làm ba mẹ cháu chấp thuận.

Chiều hôm ấy, cả ba Dũng, Nga, Cường nấp sau màn gió hồi hộp theo dõi câu chuyện giữa hai bà mẹ. Ba đứa đã nhịn thở mỗi khi mẹ Dũng im lặng. Bác Hoàn, mẹ Cường biện luận khéo léo như một nữ trạng sư. Những nào là nhà của cô Thủy Tiên, cô ruột của Cường khang trang, mát mẻ. Nào là không khí nơi đồng ruộng làm chắc da chắc thịt. Nào là đường xá an ninh. Nào là cô Thủy Tiên đã sửa soạn sẵn sàng tiếp đón "khách quí". Nào là Cường sẽ hủy bỏ vụ nghỉ hè, nếu Dũng phải ở nhà v. v…

Cuối cùng tình bạn của mẹ Dũng đối với bác Hoàn đã thắng mọi e ngại. Bà nhìn người bạn gái, dọa yêu :

- Đấy, thôi tùy bác, rồi nếu có chuyện gì rắc rối xảy ra, chúng tôi sẽ sang các bác ăn vạ.

Tiếng cười cởi mở của bác Hoàn như mở lối thoát cho niềm vui dâng ngập trái tim ba đứa. Mẹ Dũng định cất tiếng gọi hai con ra cám ơn bạn, nhưng nhanh như chớp, ba đứa đã từ trong màn gió phóng ra, reo hò tở mở. Hai bà mẹ chợt hiểu, phá ra cười. Nga sung sướng ôm lấy mẹ. Cường và Dũng mỗi đứa nắm chặt một cánh tay bác Hoàn…

Chiếc xe ca đột ngột giảm bớt tốc lực, kéo bọn Dũng trở về thực tế. Phố quận hiện ra với sinh hoạt tấp nập. Cường nhìn đồng hồ :

- Còn chừng nửa tiếng nữa thì đến nơi. Mình sẽ xuống dọc đường !

Người tài xế lại nhấn thêm ga khi xe rời quận. Tiếng động cơ rú mạnh. Con đường trước mặt vươn cao rồi mất hút sau triền dốc thoai thoải. Hai bên đường là đồng cỏ hoang cháy nắng. Dũng liên tưởng đến vụ hè năm trước có lần anh và Cường đã đặt chân đến một cánh đồng hoang, mang nhiều nét tương tự với cảnh đang dàn trải trước mắt. Tại đó, hai đứa đã theo dõi một vụ buôn lậu nguy hiểm. Anh mỉm cười say sưa nói với Cường :

- Không biết vụ nghỉ hè năm nay còn gặp bất ngờ như những lần trước không cậu hả ?

- Biết đâu đấy ! - Cường trả lời với ánh mắt bí mật.

- Các anh lại sắp nổi máu mạo hiểm đi. - Nga xen vào. - Nga cho các anh hay là nếu năm nay các anh còn "phiêu lưu" nữa thì chắc chắn năm tới chúng ta sẽ bị ba má cột chân ở nhà.

Cường nháy mắt ra hiệu cho bạn im lặng. Nga tưởng hai anh "ớn" rồi. nên cố lảng sang chuyện khác :

- Có lẽ giờ này cô Thủy Tiên đang nóng lòng đợi chúng mình, thế nào cũng được bữa cơm trưa đặc biệt các anh nhỉ !

Dũng cười trêu :

- Và sau đó còn nhiều bữa khác đặc biệt hơn do bàn tay khéo léo của cô nữ sinh thủ khoa giao thông công chánh….. ủa quên, xin lỗi, nữ công gia chánh…

Như chợt nhớ ra điều gì, Cường hoảng hốt kêu :

- Chết rồi ! Tớ để quên bức thư mới nhận được chiều qua ở nhà rồi, không khéo của cô Thủy Tiên thì nguy mất, chẳng hiểu nội dung lá thư ra sao…

Đôi chân mày của Cường nhíu lại đăm chiêu :

- Thôi đúng rồi, nét chữ đề ngoài phong bì đích thị là của cô Thủy Tiên.

Cường vò đầu khổ sở tự trách :

- Rõ vô tích sự, có mỗi chuyện nhỏ như vậy mà không nhớ nổi.

Dũng cố trấn tĩnh bạn :

- Lá thư hy vọng không có gì quan trọng. Vả lại tụi mình sắp gặp cô Thủy Tiên rồi, còn thắc mắc làm gì nữa ?

Nga gật đầu chia xẻ ý nghĩ của Dũng. Bề ngoài Cường có vẻ hơi yên tâm, song lòng anh vẫn không hết áy náy.

Chiếc xe vun vút tiếp nối cuộc hành trình. Gió thổi tung mớ tóc rối của Dũng ngồi sát cửa sổ. Nửa khuôn mặt anh ngập nắng, mắt long lanh tin tưởng. Cường nhìn bạn mà nghe lây niềm sảng khoái.

*
Ba người bắt đầu đặt chân vào con đường đất dẫn đến nhà cô Thủy Tiên. Trời đã xế trưa, nhưng không nóng lắm nhờ gió mát. Cường đeo ba lô đi trước dẫn lối, anh chăm chú kiểm soát lại trí nhớ để tin chắc rằng mình đi đúng đường. Đây là lần thứ hai Cường trở lại vùng đất này. Một năm trước đó, anh đã có dịp theo mẹ ghé nhà cô Thủy Tiên trong vài tiếng đồng hồ. Dũng và Nga tiến lên sóng bước. Làng mạc bắt đầu hiện ra tươi sáng. Lối đi có những bụi tre chuyển mình kêu kẽo kẹt. Phần lớn nhà cửa trong làng xây bằng vách đất trộn rơm, ngoài quét vôi trắng, mái lợp rạ. Thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà đúc tường lợp ngói.

Dọc đường họ gặp những đứa trẻ dừng lại mở lớn đôi mắt tò mò. Nga mỉm cười với chúng, bầy trẻ ngạc nhiên một cách thú vị. Vượt qua ngôi cổ tự rợp bóng cây đại thụ, ba người đến một con đường đất rộng. Sinh hoạt trong làng vào giờ này như ngưng đọng. Mọi người đang nghỉ trưa để lấy sức cho nửa ngày làm việc còn lại.

Cường ngừng bước, chỉ tay về phía cuối đường :

- Kia rồi ! Ngôi nhà có mái ngói đỏ bên cạnh bụi trúc.

Giọng Cường hạ thấp hóm hỉnh :

- Chúng mình sẽ đi nhẹ chân để cô Thủy Tiên chỉ có thể khám phá sự đột nhập của bọn mình vào phút chót.

Nga, Dũng cùng đồng thanh :

- Đồng ý !

Họ tiến về ngôi nhà với niềm phấn khởi rộn rã. Đến gần cổng, cả ba đứng nép sang một bên tìm cách vào nhà cho thật kín đáo.

Ngôi nhà được hàng rào kẽm gai bao bọc tứ phía. Trước nhà có sân rộng, một nửa trồng cỏ xanh mịn, một nửa rải đá cuội trắng và trồng cây ăn trái. Dũng lên tiếng nho nhỏ :

- Ta sẽ men theo hàng vú sữa và đột nhập hông trái.

Dứt lời, Dũng hạ nhanh ba lô trao cho bạn và nhẹ nhàng cúi thấp người ra mở then cửa. Nga, Cường lẻn nhanh vào và cả ba vụt đến bờ giếng. Dũng nghe ngóng động tĩnh vài giây rồi anh bất thần hất đầu ra hiệu cho hai người theo mình. Bóng Dũng linh động như một sĩ quan chỉ huy trong một trận đột kích thật sự.

Dũng đã mon men đến hông trái căn nhà. Anh quay lại kiểm soát cuộc "tiến quân" của hai bạn. Họ vẫn đang bám sát anh. Dũng mỉm cười bằng ánh mắt hài lòng.

Trong nhà im lặng không một tiếng động. Dũng quay sang hỏi nhỏ Cường vừa đi lên ngang hàng :

- Lạ nhỉ… Hay cô đang nghỉ trưa ?

Nhưng Nga đã không còn giữ nổi im lặng. Cô bé nói lớn qua hơi thở đứt quãng :

- Thôi mình lại… gõ cửa đi. Khiếp, mấy… anh làm Nga hồi hộp muốn chết !

Nga đưa tay ôm ngực, nụ cười trên môi lệch đi vì mệt.

Đôi bạn trai phá lên cười. Cường bắt tay làm loa hét lớn, trong khi Dũng tiến tới gõ cửa :

- Cô ơi, mau mở cửa cho chúng cháu, sắp có người xỉu rồi đây !

Âm vang giọng Cường vừa dứt thì vẻ vắng lặng lại trở về với ngôi nhà. Dũng gõ cửa thêm mấy lượt nữa. Vẫn không có tiếng đáp. Nga bỗng có linh cảm một điều rủi ro đang xảy đến cho ba đứa :

- Hay cô đã đi vắng ?

Nga hướng sang Cường chờ đợi một câu đáp trấn an. Nhưng Cường lặng thinh. Vầng trán anh hơi nhăn lại, nét đăm chiêu.

- Vô lý Nga à, - giọng Cường phảng phất vẻ ngờ vực. - Tôi đã đánh điện tín từ một tuần lễ để báo cho cô ngày giờ tụi mình sẽ ra đây.

Dũng đã trở lại chỗ hai người đứng, sau khi kết thúc cuộc thanh sát chớp nhoáng quanh nhà :

- Dường như chủ nhân ngôi nhà này đã đi khỏi. Bếp khóa kín, không có mùi thức ăn nấu nướng, còn lu và bể nước đã được đậy nắp kỹ càng.

Ba người nhìn nhau lo ngại. Dũng cố trấn an :

- Chưa vội lo, cứ hãy ngồi xuống nghỉ mệt, biết đâu cô Thủy Tiên chẳng có chút việc gì đó phải vắng nhà trong chốc lát ? Chắc cô cũng về bây giờ.

Nga, Cường đành theo Dũng ngồi xuống. Anh rút từ trong ngực áo chiếc Harmonica xinh xắn, gắn lên môi dạo một nhạc khúc vui tươi. Điệu nhạc gây phấn khởi và tin tưởng lại cho mọi người. Cường và Nga kiểm soát lại đồ đoàn trong hai chiếc ba lô. Khi Cường kéo cái bạt đóng trại ra, một phong thư rơi xuống đất. Cường vội chụp lấy nó, liếc nhanh hàng chữ đề ngoài bì thư, giọng anh lạc hẳn đi :

- Thư cô Thủy Tiên !

Dũng ngừng tiếng kèn, hồi hộp theo dõi từng động tác nhỏ của bạn. Cường xé bì rút ra mảnh "giấy" trắng. Trán anh nhăn lại theo từng hàng chữ. Đến chữ cuối của bức thư, Cường sa sầm nét mặt. Anh thở dài quăng lá thư cho Dũng :

- Tất cả đều tại lỗi tớ…

Đến lượt Dũng ngấu nghiến trang giấy. Anh không tin những điều mình đã đọc là sự thật. Dũng đọc lại lần thứ ba, kỹ lưỡng hơn. Nhưng hàng chữ vẫn còn đó, rõ ràng, minh bạch :

"Các cháu hãy hoãn chuyến đi, chờ cô ra đón. Cô bận vào Qui Nhơn can thiệp cho một học trò chừng đôi ba ngày sẽ trở lại."

Dũng thẫn thờ trao bức thư cho Nga. Thời gian như ngưng đọng lại và khoảng không gian quanh họ bỗng trở nên dửng dưng xa lạ. Cả ba im lặng. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư đang nhảy múa quay cuồng trong óc. Họ có cảm tưởng nghe thấy nhịp tim của nhau.

- Hai anh nghĩ sao ? - Nga rụt rè cắt đứt không khí căng thẳng - Ý kiến… của Nga là… chúng ta nên… trở về nhà để ba má an tâm !

- Khoan đã - Dũng lắc đầu nhìn em gái nửa trách móc nửa van lơn - Để xem còn cách giải quyết nào khác hay hơn không, chẳng lẽ đã lên đến đây lại bò về !

- Nga có lý - Cường ôn tồn can thiệp - Nhưng chúng ta cũng không nên quyết định hấp tấp.

Cường vẫn có tiếng là người chín chắn và điềm tĩnh trước mọi hoàn cảnh, dù mặt khác, khó có ai gan dạ kiên quyết hơn anh. Quá khứ của tình bạn từng chứng tỏ cho Dũng thấy khối óc sắc bén của Cường. Trước một vần đề, Cường thường nhìn ra những khía cạnh mà các bạn trang lứa không nhìn thấy.

Lúc này Dũng biết Cường đang suy nghĩ lung lắm. Anh nóng ruột chờ ý kiến của bạn :

- Tớ nghĩ là trước khi đi Qui Nhơn - Cường nói với nụ cười thoáng trên môi - Thế nào cô Thủy Tiên cũng nhờ hàng xóm canh chừng nhà cửa. Ta nên tìm gặp họ để xem cô còn dặn dò chuyện gì khác không ?

Cường xóc ba lô đứng dậy, tia mắt bạo dạn.

- Nếu không gặp được người coi nhà - Cường tiếp - Mình sẽ tìm đến ông xã trưởng. Chắc chắn ông ta sẽ giúp được mình nhiều chuyện hữu ích vì đàng nào cũng phải ngủ đêm ở đây…

Nga, Dũng gật đầu tán đồng. Cả ba cất bước. Ngay lúc ấy họ nhận ra một người đàn bà đang từ ngoài cổng tiến vào. Từ xa, bà ta đã cất tiếng giận dữ :

- Các cô các cậu ở mô tới mà vào nhà người ta không có phép tắc chi hết ?

Cường bước vội lên đỡ lời :

- Thưa bác, tụi con mới từ Hội An ra trưa nay…

Sau đó ba người hỗ trợ nhau giải thích cặn kẽ hoàn cảnh hiện tại của họ. Người đàn bà dịu giọng :

- Thôi mấy cháu đừng buồn cũng đừng bận tâm làm chi, trong khi chờ đợi cô mấy cháu về, các cháu qua ở tạm nhà bác. Nhà bên đó cũng rộng rãi mát mẻ, tuy không được tiện nghi như…

Nga nhẹ nhàng ngắt lời :

- Bác đừng ngại. Chúng cháu vẫn quen sống giản dị, nhưng có điều chỉ sợ…

- Bác không phiền điều chi mô, vả lại cô các cháu có nhờ bác lo liệu hộ trong trường hợp mấy cháu không nhận được thư nên cứ ra. Bác mến cô mấy cháu bao nhiêu thì cũng thương mấy cháu bấy nhiêu.

Bác ngừng vài giây, nhìn bọn Dũng khuyến khích :

- Thôi mấy cháu qua tắm rửa rồi đi nghỉ cho khỏe. Có lẽ chỉ vài bữa nữa cô mấy cháu về, chừng đó mấy cháu muốn ở chỗ nào tùy thích.

Dứt lời, bác Tư quay gót đi trước dẫn đường. Nga theo sau lí nhí :

- "Cám ơn bác".

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II