Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

LÒNG MẸ - Nguyễn Ngọc Lan

Ảnh : Tâm Bùi

Những đêm mưa đầu mùa gieo vào lòng tôi những cảm giác xốn xang thiếu thốn. Tôi nhớ đến ba, ba tôi đã mất sau cuộc hành quân để lại đứa bé chưa lên 10 và một thiếu phụ trẻ đẹp. Mẹ tôi đẹp lắm, tuổi chưa quá 30 nhưng định mệnh khắt khe không cho mẹ tôi hưởng trọn mùa xuân. 

Sau ngày ba tôi mất căn nhà đã rộng lại càng thêm rộng. Mẹ tôi chỉ biết cặm cụi làm việc, âm thầm nuôi nấng con thơ. Cuộc sống êm đềm của hai mẹ con tôi trôi qua được vài năm sau đó.

Cũng vào đêm mưa đầu mùa, hạt mưa không to, tôi học bài, cảm thấy cả một sự ấm cúng bên mẹ dưới ánh đèn con. Người lặng lẽ khâu áo. Tôi lơ đễnh nhìn khoảng không yên lặng, rồi lại nhìn ra ngoài. Hạt mưa vẫn rơi. Hai mẹ con tôi vẫn yên lặng, hầu như đó là sự lặng yên muôn thuở mỗi lúc đêm về, vì tôi còn bé quá chẳng biết nói chuyện gì, ngoài chuyện học đường tôi đã kể cho mẹ nghe lúc cơm chiều rồi. Tôi miên man lo ra và nghĩ tới nồi chè. Mẹ tôi vừa ra sau bếp. Độ vài phút sau, một tiếng gõ cửa nhè nhẹ với vẻ rụt rè. Tôi chạy ra mở cửa: Một gã đàn ông trong bộ đồ dù xám xịt, cũ kỹ, bụi đất bám đầy.

- Ông muốn tìm ai?

Gã điềm đạm hỏi:

- Đây có phải là nhà bà Trung úy Tấn không?

Tôi nhí nhảnh trả lời:

- Dạ hổng phải, ba cháu ngày xưa là Trung úy Tấn, nhưng chết lâu rồi chỉ có má cháu thôi, má cháu tên là Thùy.

Gã mừng rỡ:

- Thế thì đúng quá, thế có má cháu ở nhà không?

Tôi sẵn sàng đáp:

- Dạ có – Rồi lên tiếng gọi:

- Mẹ ơi có ông nào kiếm mẹ đây nè!

Tôi để mặc gã đứng bên ngoài, chạy vào nhà nắm tay mẹ đi lên. Sau khi hai người chào nhau, gã cất tiếng:

- Chị còn nhớ tôi không?

- Mẹ tôi điềm đạm đáp:

- Dạ, nhớ chứ anh Hùng.

Ánh đèn điện trong phòng bật sáng quá làm tôi chói mắt một lúc lâu, trong khi ấy gã đang loay hoay như muốn ngồi. Mẹ tôi trở ra với tách trà trong tay:

- Mời anh ngồi, lâu lắm tôi không gặp lại anh.

Mùi hương trên chiếc bài vị của cha tôi không còn nữa, làn gió nhẹ khi nẫy đã kéo ra ngoài. Tôi ngồi trong lòng mẹ. Gã đốt thuốc rồi nói:

- 5 năm rồi còn gì nữa chị. Càng ngày tôi càng đổi đi xa hơn, nên Sàigòn bây giờ trông lạ hẳn...

Khói thuốc bay vào mặt làm tôi vô cùng khó chịu, gã tiếp:

- Vừa hành quân xong ở MT, nhờ gần đây nên tôi mới có dịp về thăm chị và cháu.

- Thật cám ơn anh, hiện giờ chỉ còn mình tôi và cháu thôi, ba nó mất đi cũng gần ba năm rồi.

- Tôi có nghe tin anh Tấn tử trận, nhưng đâu có dịp để về chia buồn cùng chị, chắc chị cũng biết.

Trầm ngâm một lát, mẹ tôi hỏi:

- Thế gia đình anh hiện giờ ở đâu?

Gã hớp một ngụm nước trà rồi nói:

- Đời lính mà chị, sống rày đây mai đó, tôi đâu thiết nghĩ chuyện lập gia đình. Hơn nữa...

Câu chuyện 2 người có lẽ còn dài nhưng tôi buồn ngủ quá và thiếp đi trong lòng mẹ, đoán rằng có lẽ khuya lắm gã mới về. Giấc ngủ đến với tôi êm ái quá, nhẹ nhàng quá. Trong vòng tay trìu mến của người tôi cảm thấy cuộc đời như thu hẹp trong giấc mơ nhiều mộng đẹp: Ba mẹ dẫn tôi đi dạo trong vườn của ngoại. Mẹ tôi nhìn cha đang leo lên cây mận. Tôi để mặc đeo đuổi con bướm vàng, bướm đẹp quá tôi mải mê rồi té vào bụi xương rồng, đau quá:

- Ái! – Rồi lồm cồm bò dậy.

Mẹ tôi nói:

- Lại nằm mơ rồi, con ngồi dậy làm chi, mới có hai giờ, thôi ngủ đi, sáng dậy còn đi học.

Tôi ôm mẹ thật chặt, còn người trằn trọc mãi, đến khi tôi tiếp tục chìm dần vào giấc ngủ, bỏ mặc mẹ tôi với khoảng đêm dài còn lại.

Từ đấy về sau, gã đến thường hơn. Hai lần, ba lần... Rồi một hôm tôi hớn hở trở về với bảng danh dự trong tay. Tôi liệng cặp trên bàn, chạy đi kêu mẹ. Chẳng có tiếng trả lời. Tôi chạy tuốt ra sau nhà, miệng lẩm bẩm: "Mẹ đâu mà cửa mở thế nầy". Chẳng thấy gì cả. Tôi đi ngang qua phòng ngủ và nghe tiếng thì thầm. Tánh tò mò nổi dậy, tôi nhìn qua lỗ khóa: Mẹ tôi đang ở trọn vòng tay của gã. Tôi bàng hoàng giữa lúc tiếng gã vẫn đều đặn:

- Thùy đừng làm khổ tôi, tôi trở về đây, cố gắng sống sót về đây để tiếp nối ngày xưa

- Vâng em hiểu, nhưng còn con em biết nó chịu không, dù sao có cũng lớn rồi, hơn nữa nó là con gái, em không muốn nó khổ.

- Nhưng em phải nghĩ đến em, em đừng phí tuổi xuân. Anh sẽ không làm mất tình thương của mẹ con em đâu.

Nước mắt tôi trào ra, tôi muốn khóc òa lên cho mọi người biết rằng tôi đang khổ. Tôi muốn thét lên:

- Thôi ông đi đi.

Nhưng cổ họng nghẹn lại. Tôi lên lầu, úp mặt xuống giường nức nở khóc. Tủi cho mình đã mất cha, giờ đây người ta định cướp mẹ tôi: mẹ tôi trong vòng tay của gã vẫn mãi ám ảnh tôi. Thôi hết rồi! Nước mắt tôi vẫn chảy mặc cho niềm đau dày xéo tâm hồn. Gã là ai? Gã có quyền lực gì mà cướp mẹ tôi? Không, mẹ tôi phải là của tôi mãi mãi. Chiều đến tôi chẳng ăn cơm, khóc chán, tôi trở nên lầm lì. Căn nhà lặng ngắt, mẹ tôi nhìn tôi ái ngại. Trưa hôm sau tôi nuốt cơm chẳng vào. Người ngước mắt nhìn tôi dịu dàng hỏi:

- Sao hôm nay con kỳ vậy? Con có đau không? Mẹ nấu cháo con ăn nhé?

Tôi lặng thinh không đáp. Mẹ đến sờ trán tôi. Bỗng dưng tôi cảm thấy thương mẹ vô hạn. Một cái gì len lén đi vào lòng tôi quặn thắt. Mẹ tôi trở lại bàn cơm tiếp tục một cách uể oải. Người ăn không được là vì người đã thấu được nỗi buồn của tôi hay người buồn cho chính mình? Càng thương mẹ, tôi lại càng tức tưởi. Tôi cũng chẳng muốn ngủ chung với mẹ. Tôi muốn đơn độc để hồn mình dễ dàng đi vào lối rẽ: Hình ảnh của Cúc, con bạn ngày xưa sao đến với tôi dễ dàng quá. Khi còn đi học có lần nó nói với tôi: " Bà ngoại tao nói rằng ông nầy không phải là ba tao, mà ba ruột của tao chết khi tao còn ẵm ngửa. Tao buồn lắm mày ạ, những khi ổng say rượu ổng làm tao sợ quá". Bẵng đi một thời gian tôi thấy nó ở giữa chợ với thúng bánh trên tay. Nó nhìn tôi rồi lờ đi và mất dạng giữa đám đông. Nghĩ lại phận mình tôi nghĩ nếu có gì, chắc không đến nỗi như nó, nhưng tôi chỉ sợ mất đi tình thương của mẹ.

Gã vẫn đến, tôi chẳng thèm chào mà cũng chẳng thèm nhìn mặt gã. Tôi ghét gã ra mặt. Gã nói chuyện với mẹ tôi thật lâu. Một lát sau gã đến bên tôi trao cho tôi một gói quà, tôi cũng chẳng buồn nhìn, gã dịu dàng vuốt tóc tôi và nói:

- Cháu Hường, chắc cháu cũng hiểu được chuyện giữa chú và mẹ cháu. Ngày nay cháu lớn lên cũng nhờ nơi mẹ, cháu cũng biết, mẹ cháu hãy còn trẻ đẹp, cháu đừng để mẹ phải bỏ đi quãng đời tươi đẹp còn lại. Chú nói thế có nghĩa là muốn thay ba cháu trong gia đình nầy. Cháu hiểu?

Tôi gật đầu. Giây phút nặng nề trôi qua. Phải, mẹ tôi còn trẻ đẹp, tội gì người không bước thêm một bước nữa. Tôi nghĩ vậy nhưng lòng tôi tan nát: mất hết cả rồi. Tôi không có quyền trách mẹ tôi, cũng như tôi không có quyền ngăn cản bước đi của người. Là con tôi không thể vượt qua bức tường lễ giáo. Thoáng nghe tiếng thở dài của gã, lòng tôi xao động.

- Em nghĩ sao hở Thùy? – Gã hỏi.

Mẹ tôi nhìn bàn thờ, cất giọng buồn buồn:

- Con em chắc không chịu, tương lai của nó còn dài, mình đừng nên gieo vào đầu nó những ấn tượng không tốt đẹp để rồi làm nó khổ suốt đời.

Gã nhìn điếu thuốc cháy dang dở:

- Nghĩa là không còn gì nữa phải không em?

- Không, dù xa anh, em vẫn cầu mong anh tìm được người bạn nhiều may mắn hơn em, thay em lo cho anh đến trọn đời.

- Cám ơn em, anh sẽ đi thật xa để mẹ con em khỏi phải bận tâm vì anh, để mẹ con em giữ mãi tình thương cao đẹp.

Gã ra đi, nước mắt mẹ tôi nhỏ dài giữa đêm đen vô tận.

*

Thời gian trôi qua, hai mẹ con vẫn sống êm đềm như ngày xưa cũ. Khi tôi đã thật lớn khôn, đã biết được tình yêu, tôi mới hiểu mối tình giữa mẹ tôi và gã: Gã và mẹ tôi yêu nhau. Trong cuộc hành quân gã bị bắt. Vì chờ đợi không được, mẹ tôi phải nghe lời ông bà xuất giá. Sau khi cha tôi mất, gã hy vọng rằng sẽ hạnh phúc với mẹ tôi. Nhưng không, vì tôi mà hai người phải xa nhau. Vì lòng ích kỷ của tôi mà mẹ tôi phải sống trong niềm đơn lẻ. Tôi hối hận, vì đã quá khắt khe với mẹ. Đến khi hiểu ra tất cả đều muộn. Càng nghĩ, tôi càng thương chú Hùng nhiều hơn. Không biết đang vui bên gia đình hay vẫn tiếp nối bồng bềnh vô định. Còn mẹ tôi, mẹ tôi có tha lỗi cho tôi không. Quá hối hận tôi nhắc chuyện ngày xưa, mẹ tôi với nét mặt thản nhiên đáp:

- Con nhắc lại làm gì, mẹ sẽ ở mãi bên con.

Tôi cảm động úp mặt vào ngực mẹ như thời ngây dại, vì: lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào...


NGUYỄN NGỌC LAN    
12 C 5 NBT              


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 4, ra ngày 20-6-1971)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com