Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

BÁC THÔNG VÀ TƠ NHỆN MÙA GIÁNG SINH - Hoa Châu Thổ


TRUYỆN KỂ ĐÊM ĐÔNG


Mùa Đông năm ấy trở về với từng cơn gió lạnh rì rào trên khu rừng rậm rạp. Gió nhiều, tuyết phủ đầy mặt đất khiến chú chim Sâu gẫy mất một cánh, chú loạng choạng lê chiếc cánh còn lại bay tìm chỗ trú ẩn cho ấm áp. Mắt nhìn dáo dác chú bỗng mừng rỡ khi thấy khu rừng trước mặt. Chú tưởng tượng cảnh ấm cúng khi nấp mình dưới bác cây đầy lá rậm và chú đã bay tới bìa rừng. Bác cây chú gặp đầu tiên là một cây Phong, áo bạc lấp lánh:
- Bác Phong ơi! Bác có thể cho cháu sống trong các cành lá của bác suốt mùa Đông giá lạnh này không?
- Ha, ha, mi có điên không? Ta chưa săn sóc, che chở cho các  cành của ta, mà còn che chở cho mày sao được. Đi chỗ khác!
Chú chim Sâu buồn bã cố gắng lê bước đến một cây khác. Đây là bác Sồi to lớn, nhưng nỗi vui mừng vừa đến thì bác Sồi đã cất tiếng đuổi chim Sâu ngay lập tức. Lại cố gắng chú chim Sâu vỗ cánh gãy bay đến bác Liễu đang ngắm bóng bên sông. Cũng như hai lần trước, bác Liễu kiêu kỳ sỉ vả mắng nhiếc chim Sâu thậm tệ. Không biết hỏi ai nữa, chim Sâu hoàn toàn thất vọng không biết đi đâu bây giờ. Bỗng nhiên bác Thông già trông thấy chú ta đang ủ rũ dưới mô tuyết lạnh, bác dịu dàng hỏi : “Đi đâu đó, chú chim Sâu kia?”
- Cháu cũng không biết nữa, không ai cho cháu nương náu. Mà cháu lại không thể bay xa hơn với chiếc cánh gãy này.
- Tội nghiệp! Lại đây chú bé, chú cứ lựa lấy cành nào chú thích mà trú ẩn. Này, có lẽ cành bên phải của tôi ấm nhất đấy!
Chú chim Sâu lắp bắp cám ơn bác Thông:
- Cháu cảm ơn bác nhiều lắm, nhưng cháu có thể ở đây suốt mùa được không?
- Vâng, cháu cứ tự nhiên, ở suốt bốn mùa cũng được.
Và chú chim an tâm trong khi bác Thông già hiền từ mỉm cười với chú chim Sâu.
Các bác cây khác thấy thế cùng nhau chế riễu bác Thông. Rồi một đêm tối tăm, lạnh lẽo, Gió Bấc đến viếng khu rừng này, hắn thổi những luồng hơi lạnh buốt vào các cành cây khiến lá rơi lả tả. Hắn muốn cho cả khu rừng trụi lá vì đó là trò chơi hắn thích nhất. Hắn hỏi Vua Gió:
- Con có thể thổi vào bất cứ cây nào phải không cha?
- Ồ! Tùy ý con, nhưng phải trừ những cây nào có lòng tử tế cho chú chim Sâu tàn tật ẩn náu.
Thế là từ đó, dưới làn hơi Gió Bấc, cả khu rừng đều trụi lá trừ bác Thông già. Và cho đến bây giờ con cháu của cây Thông vẫn giữ nguyên lá suốt mùa đông. Và trong đêm Giáng Sinh, cây thông được trang trí trong nhà, ai cũng chiêm ngưỡng được dung nhan của cây Thông hướng thượng, chỉ có lũ Nhện là không thấy gì mới lạ trong nhà. Ở mãi trên gác, chán lắm, chúng bèn dẫn nhau đến xin Chúa Hài Đồng cho lại gần để ngắm cây Giáng Sinh. Thấy chúng năn nỉ quá, Chúa bèn cho phép chúng xem cây Noel lúc mọi người đi lễ.
Tối đến dân Nhện theo thứ tự, từ nhỏ đến lớn, từ Nhện mới sinh đến Nhện lão ông cùng nhau trèo lên cây Noel. Trước mắt dân Nhện, một vẻ đẹp quá sức tưởng tượng của cây Noel. Bởi vậy chúng leo lên, leo xuống, leo ngang, leo dọc trên thân, trên cành. Xem đã rồi chúng im lặng trở về gác nhỏ của chúng.
Đến nửa đêm, Chúa Hài Đồng hiện xuống chúc lành cho cây Thông và phát quà cho trẻ ngoan. Trước cây Thông, Chúa thấy toàn là màng nhện phủ đầy các cành Thông. Chúa chạm khẽ ngón tay vào cây, tức khắc các màng nhện hóa ra óng ánh như bằng vàng. Đẹp biết bao!
Cũng từ đấy, thói quen giăng dây kim tuyến trên cây thông Noel được bắt đầu, cũng là nhờ cuộc viếng thăm của dân Nhện đấy!
HOA CHÂU THỔ        
(kể theo truyện ngoại quốc)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 117, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 19-12-1973)