Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

CÓ ÔNG GIÀ NÔ-EN KHÔNG? - Văn Trung


Tôi viết bài này trong khi đáp máy bay từ Nữu Ước tới Los Angeles. Hôm nay là ngày 23-12-1961. Ngày mai, khi về Ho-no-lu-lu, tôi phải sẵn sàng có một câu chuyện về lễ Giáng Sinh để kể cho các búp bê hàng xóm của tôi nghe.

Đã có lần các búp bê này hỏi tôi: “Có ông già No-en không bác?” tôi còn nhớ câu trả lời có tính cách hoãn binh của tôi: “À… à… ừ… thôi để tới ngày lễ Giáng Sinh, bác sẽ cho biết.”

Thế mà mai là ngày lễ Giáng Sinh rồi. Tôi biết trả lời các búp bê tò mò mà đa nghi của tôi ra sao cho xuôi đây?

Tôi hy vọng tôi sẽ tới Los Angeles đúng giờ. Nhưng đột nhiên viên phi công báo cho chúng tôi một tin xấu. Los Angeles hiện có đầy sương mù. Không máy bay nào được phép hạ cánh. Máy bay của chúng tôi vì thế phải đáp xuống phi trường Ông-ta-ri-ô không xa Los Anggeles là mấy.

Bây giờ là 3 giờ 12 phút sáng ngày 24-12 chúng tôi vừa đáp xuống Ông-ta-ri-ô, trễ hơn dự định 6 tiếng đồng hồ. Ai nấy đều lạnh cóng, lại thêm mệt mỏi và đói. Tất cả đã trở nên cáu kỉnh. Như vậy là hành khách đáp chuyến máy bay này đều trễ chương trình dự tính rồi.

Đã vậy, phòng điện thoại lại đóng cửa, trong khi thực phẩm hết, cà phê cũng hết. Nhân viên phi trường tỏ ra mệt mỏi chẳng kém gì chúng tôi.

7 giờ sáng. Đồ đạc nằm ngổn ngang trên mặt đất, chẳng cái nào có lá nhãn đề địa chỉ cả. Các đường xe buýt chạy đi đâu? Vào giờ nào? Cũng chẳng ai hay. Tình trạng có vẻ bi đát. Trẻ con thì khóc. Các bà thì phàn nàn điều nọ, cách kia. Các ông cũng chẳng kém. Họ càu nhàu và châm biếm luôn miệng. Tất cả đang chen lấn nhau tìm hành lý. Cảnh tượng diễn ra chẳng có vẻ gì là ngày áp lễ Sinh nhật cả. Đột nhiên, tôi nghe thấy một giọng nói khoan thai, tự tin, phảng phất như tiếng chuông nhà thờ, trong trẻo, dịu dàng, đầy trìu mến: “Anh em đừng lo. Tôi sẽ tìm hành lý cho anh em, và tôi sẽ đưa anh em đi tới nơi, về tới chốn đúng giờ. Tất cả sẽ đâu vào đó.”

Từ lúc gặp cảnh phiền toái, bây giờ tôi mới được nghe một lời nói khích lệ và tử tế như vậy. Tôi quay lại và bất thần thấy một người đàn ông có dáng điệu như nhân vật đặc biệt xuất hiện vào đêm ngày lễ Giáng Sinh.

Ông ta mập và thấp ; nét mặt vui tươi, dễ mến ; đầu đội một cái mũ lưỡi trai, còn để xõa xuống mớ tóc bạc dợn sóng. Ông đi đôi giầy săn. Cái khăn trắng cuốn cổ bỏ thòng xuống phía trước ngực, nổi bật giữa nền đỏ của chiếc sơ mi.

Ông đứng bên cạnh một chiếc xe đẩy nội hóa có bốn bánh như bánh xe đạp. Bên trong cái thùng xe khá lớn, ông chở những bình cà phê hơi nóng đang bốc lên nghi ngút. Bên cạnh là những chồng giấy cứng đã được cắt ra từng miếng.

Ông vui vẻ nói với chúng tôi: “Anh em lại đây dùng chút cà phê cho ấm bụng đi. Tôi sẽ tìm hành lý cho anh em.”

Trong khi đẩy chiếc xe về phía trước để trao cà phê cho từng người, ông hân hoan nói: “Chúc bạn một lễ Giáng Sinh vui vẻ!” Hoặc ông hứa: “Tôi sẽ giúp bạn tìm lại hành lý.”

Sau đó, ông tiến về phía chồng chất những hàng hóa. Khi tìm ra đồ đạc của một người đàn bà, ông đặt tất cả lên chiếc xe, rồi nói với bà ta: “Mời bà theo tôi. Tôi sẽ đưa bà lên xe buýt về La Giô-la.”

Không biết có sức mạnh huyền bí nào thúc đẩy mà tôi đã lẽo đẽo theo sau ông ta từ hồi nào và đang giúp ông phân phát cà phê cho hành khách. Tôi được biết còn một tiếng nữa, xe của tôi mới khởi hành.

Ông già (chúng tôi bắt đầu gọi ông như vậy) có những điệu bộ hơi kỳ lạ khiến mọi người đều bật cười. Trong khi phân phối cà phê, ông lấy hơi thổi vào mũi một đứa bé ; hoặc vừa cười lớn, vừa ca những bài ca Giáng Sinh. Ông đã xoa dịu nỗi bực dọc của hành khách và lôi cuốn họ theo con đường của ông.

Khi có một người đàn bà bị xỉu, ông già đã lo lắng cho bà. Ông đã rút từ xe ra một miếng giấy cứng và làm thế nào mà từ đó, ông đã có một ít muối trắng thơm phức và một cái chăn ấm áp trước sự kinh ngạc của mọi người.

Tới lúc người đàn bà tỉnh dậy, ông bảo ba người đàn ông khiêng bà, đặt nằm trên một cái ghế dài. Kế đó, ông chỉ dẫn cho họ cách sử dụng hệ thống phóng thanh để mời bác sĩ.

Những việc xẩy ra dồn dập từ nãy đến giờ làm tôi quên khuấy đi. Bây giờ tôi mới thắc mắc, không hiểu người đàn ông vui tính hay giúp đỡ này là ai? Tôi liền hỏi ông ta: “Ông làm cho hãng nào?”

Thay vì trả lời tôi, ông già lại bảo: “Bạn có nhìn thấy em bé mặc áo xanh ở đằng kia không? Bé bị lạc đấy. Bạn hãy mang cho bé một thanh kẹo đi. Nhớ bảo bé cứ đứng đấy, đừng có đi đâu, kẻo má bé sẽ không tìm thấy.”

Tôi làm theo lời ông ta. Nhưng rồi tôi lại hỏi: “Ông làm cho hãng nào vậy?”

- “Tôi không làm cho hãng nào cả. Nhưng tôi vẫn sung sướng. Hằng năm, cứ đến tháng Chạp là tôi lại đi ngao du thiên hạ trong hai tuần lễ để giúp đỡ các du khách. Vào những mùa đông lạnh lẽo và lắm sương mù như năm nay, có hàng ngàn du khách cần tới sự giúp đỡ của người khác”.

Trả lời tôi xong thì ông già cũng vừa thấy một thiếu phụ đang sụt sùi khóc tại góc sân đối diện cùng với một đứa bé. Đưa mắt ra hiệu cho tôi, ông già đẩy cái xe về phía hai mẹ con người này. Người đàn bà  đang ngồi trên chiếc va li, tay ôm đứa bé.

Ông già nhẹ nhàng nói với bà ta: “Ồ! Chị có đứa cháu trông kháu khỉnh quá nhỉ! Nhưng có việc gì xảy ra thế?”

Vừa nức nở khóc, người thiếu phụ vừa cho ông biết bà ta đã xa chống tới hơn một năm nay. Bây giờ bà sắp được gặp lại chồng tại Săng-đi-ê-gô. Chồng bà hiện đang chờ bà và chắc chắn không biết gì về sự chậm trễ của bà.. Do đó, chồng bà sẽ buồn phiền. Thêm vào, con bà lại đang đói, mà bà hết cả thức ăn.

Ông già rút một chai sữa nóng ở trong xe ra đưa cho người thiếu phụ và nói: “Thôi đừng khóc nữa. Mọi việc rồi đâu sẽ có đó. Chớ lo!”

Khi dẫn hai mẹ con người đàn bà tới chiếc xe buýt chạy đường Los Angeles, ông già ghi tên người thiếu phụ và địa chỉ của chồng bà ở Sang-đi-ê-gô. Ông hứa với bà là ông sẽ đánh điện cho chồng bà.

Người thiếu phụ vừa ôm đứa bé đang ngủ say sưa trên xe vừa nói: “Xin Chúa chúc phúc lành cho Ngài và xin cầu chúc Ngài một lễ Giáng Sinh vui vẻ cùng với muôn ngàn quà lạ!”

- “Cám ơn chị, tôi đã nhận được một món quà lớn lao nhất mà chị vừa tặng cho tôi.”

Chợt trông thấy một du khách khác đang có điều lo lắng, ông già vội kiếu từ: “Thôi, chị lên đường nhé. Tôi có chút việc cần phải lại đằng kia.”

Ông già rời chiếc xe buýt ; tôi cũng làm theo. Ông quay lại phía tôi, hỏi:

- Bạn cùng đi Los Angeles sao?

- Vâng.

- Thế thì hay lắm! Bạn sẽ là một người giúp đỡ đắc lực. Bây giờ tôi muốn tặng bạn một món quà Giáng Sinh! Bạn hãy ngồi cạnh người đàn bà kia và nhớ săn sóc cho bà cùng đứa con của bà. Khi tới Los Angeles, bạn nhớ gọi điện thoại cho chồng bà ta tại địa chỉ này ở Sang-đi-ê-gô. Hãy nói cho ông ta biết sự trục trặc của máy bay.”

Vừa nói, ông già vừa đưa miếng giấy ghi địa chỉ của chồng người đàn bà cho tôi.

Ông già đã biết câu trả lời của tôi ra sao rồi. Cho nên không cần chờ tôi đáp lại, ông đã đi ngay. Tôi ngồi xuống cạnh người thiếu phụ, ẵm hộ bà đứa bé. Nhìn qua cửa sổ xe, tôi thấy ông già thấp thoáng trong chiếc áo đỏ đang biến mất trong đám đông.

Chiếc xe lăn bánh. Tôi cảm thấy thoải mái, tôi bắt đầu nghĩ tới gia đình và ngày lễ Giáng Sinh. Bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho lũ trẻ hàng xóm về nghi vấn: “Có ông già No-en không?”

Tôi đã được gặp ông.


VĂN TRUNG           
Phỏng theo William J. Lederer



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 117, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 19-12-1973)