Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

PHÍA SAU NHÀ THỜ - Kim Hài



MỘT

Tuấn ngồi bó gối trên tấm nệm rơm đặt ở góc gác chuông, nổi cao lên đến cạnh bờ thứ nhất của thanh gỗ ngang chống đỡ. Rơm lún đến tận thắt lưng, cứa vào da chân nhột nhạt, ngứa ngáy. Nhưng Tuấn vẫn không rời chỗ của mình. Đấy là nơi tốt nhất để Tuấn có thể đưa tầm mắt vượt khỏi bức rào dày bịt chè hoang, trông vời tận mút con đường dẫn đến quán chú Ba, sát chợ, để thấy được bóng dáng của thằng Ty, thằng bạn mà Tuấn đang ngóng đợi đến mỏi mòn.

- Quái, thằng này sao mãi chả đến. Đã hẹn rồi mà còn quên. Lần này mà tới trễ ông nhét cả đống rơm vào mồm cho xem.

Tuấn đứng dậy, nhún chân trên đống rơm khô, trèo đến nửa vời gác chuông, vắt vẻo trên mấy thanh gỗ ngang màu đen nhớp nháp vì mưa suốt mấy tháng qua. Gió lạnh đập vào lưng và ngực làm Tuấn suýt soa luôn miệng. Vẫn không thấy dáng thằng Ty đâu cả. Chỉ vài bà đi chợ muộn tất tả trên đường về. Tuấn lại leo xuống ngồi phịch trên đống rơm xót. Để giết thì giờ, Tuấn thả người nằm dài, hai chân giải xuôi xuống bờ rơm, rõi mắt ngắm nghía ngôi sao thiêng màu xanh và trắng vĩ đại sừng sững trên nóc nhà thờ vạch một đường hình cong trông lạ mắt.

Chả còn mấy hôm nữa là đến ngày Giáng Sinh rồi. Đi nhà nào Tuấn cũng nhìn thấy ngôi sao năm cánh làm bằng giấy đủ màu trịnh trọng nằm ngay trước cổng. Và xuyên ngang những cánh cửa sổ mở rộng, Tuấn còn nhìn thấy những máng cỏ bằng đá hoặc giấy nhầu tô vôi, nhỏ có, lớn có tùy thuộc vào gia cảnh từng nhà.

Nhưng tất cả những điều đó không làm Tuấn thấy thích thú nhiều ngoại trừ hôm ngồi tẩn mẩn suốt tuần lễ để đắp máng cỏ, hang đá và ngày hoàn thành đứng xoa tay nhìn công trình của mình đẹp đẽ mỹ mãn. Bây giờ thì mặc cho lũ em ở nhà xun xoe, kéo bạn bè về ngắm nghía, Tuấn chỉ nghĩ đến mấy ngày nghỉ lễ sắp tới và kiếm một trò chơi nào tuyệt thích cho bõ cả tháng trời thi cử đệ nhất lục cá nguyệt.

- … Kính mừng Maria đầy ơn phước…

Tiếng đọc kinh chiều râm ran ở bên trong nhà thờ. Tuấn nhỏm dậy, nhón người nhìn vào. Chỉ có mấy cụ già là đến sớm nhất. Nhưng cũng đâu có muộn, chỉ vì trời lạnh quá đó thôi. Mà quái sao thằng Ty đến trễ quá thế nầy. Tuấn bực mình, vươn tay nắm lấy sợi dây chuông gò lưng giật giật. Tiếng chuông đổ hồi khua động hơi lạnh, ròn rã reo vui như không biết gì đến cái giật hơi mạnh tay của Tuấn.

- Tuấn, Tuấn, tao đây nè.

Tuấn thả lỏng dây chuông. Cái dây còn đà giật quăng phớt vào đầu Tuấn đau điếng. Tuấn tức mình, nạt thằng Ty:

- Mầy đi gì mà như bà già 100 tuổi vậy, chờ muốn chết. Ngó bộ mầy đợi đến khi nào trời tối mịt, đi lễ luôn, ngủ luôn.

Thằng Ty nhe hàm răng bị siết ăn đen kịt cả hàm trên cười trừ. Tuấn còn giận nên ngả người nằm trên đống rơm không thèm dậy. Thằng Ty chạy tới phân trần:

- Tao tới nhà thờ sớm lắm mà.

- Bây giờ mà sớm.

- Không phải, tao nói thật, tao tới từ hồi chưa có chuông nhất cơ. Nhưng tại đi với má tao nên không có cách gì ra đây hết. Tao đi xưng tội để Nô-en rước lễ.

Tuấn bật dậy như cái lò xo, tay vỗ đùi đánh đét một cái:

- Chết chửa, má tao cũng dặn tao phải đi xưng tội, vậy mà tao quên mất. Cha còn…

Thằng Ty nhanh nhẩu:

- Chạy lẹ vô đi tao chờ đây. Còn mấy người thôi. Sắp lễ rồi.

Chỉ một loáng sau, thằng Tuấn đã trở ra, miệng cười hớn hở:

- Cha làm hang đá đẹp quá mi há?

- Ừa, cả nhà xứ làm chứ đâu phải mình cha.

Hai đứa lại trở ra ngồi dưới nệm rơm. Tuấn hỏi Ty:

- Mầy nói mình tổ chức chơi cái gì đây?

- Chơi gì thì chơi, nhưng đừng chơi cái kiểu như năm ngoái, cha đuổi tụi mình chạy muốn bở hơi tai. Lại còn về nhà bị đòn mê tơi nữa.

- Nhưng thích quá.

Ty cười:

- Ừ thì thích, nhưng bị đòn đau lắm.

Hai đứa moi óc vẫn chưa tìm được một trò chơi gì hấp dẫn. Một trò chơi phải làm ngạc nhiên tụi bạn và người lớn xôn xao. Thế mới vui, bởi vì đó là sự kết hợp của hai đứa trẻ rắn mắt nhất làng.


HAI

Cả Thọt canh chừng hai thằng bé từ hồi chuông hai đến giờ. Hai thằng nhóc nầy mà ngồi lại với nhau là sẽ có chuyện. Mà lại là chuyện lớn chứ chơi sao. Cả Thọt nhớ hồi Giáng Sinh năm ngoái, hai ông nhóc nầy đã làm cho cả nhà thờ phải nhốn nháo cả lên – Cha xứ cũng phải chạy ra dọa nạt, la mắng. Và chính Cả Thọt đã xách gậy đuổi chúng chạy có cờ. Rồi ngày hôm sau chính Cả Thọt đích thân đến mách với ba má chúng.

Suốt năm, chúng đã làm phiền Cả Thọt không biết bao nhiêu lần. Cả Thọt vâng lịnh Cha trông nom nhà thờ – Mà tụi nhóc thì lại cứ chọn nhà thờ làm nơi chơi đùa, phá phách. Cả Thọt tự phong cho mình cái nhiệm vụ tuyệt đối là giữ gìn nhà thờ đủ cách. Đối với Cả Thọt, đâu có chức vụ nào cao quý hơn nữa. Bởi Cả Thọt, bị thọt chân lại nghèo mạt, tứ cố vô thân, tính tình bất thường, hay giận dữ và rượu chè. Người làng cho là Cả Thọt hơi khùng, nhưng Cả Thọt thì thấy mình phong nhã lắm. Chỉ khi nào lũ trẻ đụng đến cái nhiệm vụ mà Cả Thọt được Cha xứ trao giữ, Cả Thọt mới nổi nóng lên thôi, nhưng với Cả Thọt thì đó là sự nổi giận đúng đắn và cần thiết.

Riêng đối với lũ trẻ, Cả Thọt là một cơn ác mộng, là vật ngăn trở các cuộc vui chơi hồn nhiên tuổi nhỏ của chúng. Đánh đu trên mấy thanh ngang của gác chuông nào đã sao. Lấy trộm mấy đồng bạc cho kẻ khó nào có nhiều nhặn gì. Ấy mà Cả Thọt đã dùng cả hèo gậy để sử dụng với mấy đứa phạm tội. Nhưng lũ trẻ sợ gậy thì ít, mà sợ gương mặt của Cả Thọt thì nhiều. Khi giận, gương mặt ấy xấu xí kỳ lạ : nó nhăn nheo, đỏ gay, mắt toàn tròng trắng, miệng sùi bọt run rẩy với hai gò má giật liên hồi. Đã vậy, Cả Thọt lại còn có cả cái thông minh của một đứa trẻ láu lỉnh, hoang tàng. Không có một âm mưu nào toàn vẹn trước sự hiện diện của Cả Thọt. Cả Thọt khám phá ra lũ trẻ và chúng không cách gì có thể chạy thoát được tầm mắt Cả Thọt.

Cha xứ yêu Cả Thọt lắm, và Cha sẽ tin yêu nhiều nữa nếu Cả Thọt không say sưa rượu chè. Cha vẫn thường nói với người làng là nếu không có Cả Thọt, nhà thờ sẽ không được ai chăm nom chu đáo bằng. Mặc dù vậy, các cụ già tỏ vẻ bất bình ghê lắm vì lời đề cao của Cha. Với các cụ và dân làng, Cả thọt chỉ là một kẻ hạ tiện, khùng khùng, nhưng nói cho cùng, Cả Thọt cũng đáng công. Riêng Cả Thọt, khi biết chuyện lại càng dương dương hơn nữa. Đôi lúc, Cả Thọt còn lớn tiếng phê bình cả chị Bếp và chú thư ký của Cha xứ vì một món ăn không được Cha chiếu cố hoặc một tờ thông cáo thiếu sót.

Mùa Giáng Sinh năm nay, cả Thọt đã ra công dán những sợi tua dài thượt của ngôi sao dẫn lộ, và đắp cỏ vào hang đá to lớn trong góc trái nhà thờ. Càng gần Giáng Sinh, Cả Thọt càng hồi hộp. Lũ con nít thì đông – Có thể chúng sẽ làm đứt tua hoặc phá phách máng cỏ trước khi lễ chính đến. Mấy ngày nay, Cả Thọt rình rọ như một chú thợ săn. Cả Thọt hiện diện ở khắp nới, từ ngoài sân, sau bếp, bên cánh của nhà thờ – không đứa trẻ nào có thể làm bậy trước cặp mắt đe dọa của Cả Thọt. Và hằng đêm, khi làng đã ngủ yên, cánh cửa phòng Cha xứ khép lại, Cả Thọt ngồi một mình ở cửa nhà thờ lặng nhìn mấy cái tua màu phần phật trong gió lạnh, rực rỡ dưới ánh đèn – Sau đó, Cả Thọt đến trước hang đá, cúi sát mặt rờ rẫm lớp cỏ mát mịn, sửa lại thế đứng của chú trừu non bên này, hình 3 vua bên kia và mỉm cười kính cẩn với Chúa Hài Đồng, trong niềm hãnh diện vô biên như một chiến sĩ thành công trở về.

Chiều hôm nay, Cả Thọt giật mình khi thấy hai thằng nhóc Tuấn và Ty ngồi bên nhau bàn tán. Cả hai là thủ phạm của mùa Nô-en năm ngoái. Năm nay, chúng lại âm mưu gì đây?

Cả Thọt cố chồm người ra khỏi cửa sổ để nghe cho rõ, nhưng tiếng đọc kinh râm ran to hơn tiếng xầm xì của hai đứa nhỏ. Men rượu hồi chiều bốc lên khóe mắt, Cả Thọt lầm bầm:

- Để xem tụi mầy tính toán gì đây. Chúa ơi, nếu nó mà phá mấy cái tua. Tao vặn cổ tụi bây từ đằng trước ra đằng sau.

Tuấn và Ty vẫn đang say sưa phô diễn cho nhau ý của mình. Vừa nói, chúng vừa đá chân cho những cọng rơm bay tung tóe. Chả mấy chốc đống rơm lủn mủn khắp vùng sân quanh đó, vương lên cả mấy bậc gỗ của gác chuông.

Cả hai chỉ ý thức được sự tai hại của trò chơi vô ý thức đó khi hai cái đầu trụi tóc bị một sức xô thật mạnh đánh vào nhau tóe lửa. Dù đau điếng có thể ngất đi được, Tuấn và Ty vẫn còn phân biệt được giọng nói và gương mặt nhăn nhíu của Cả Thọt.

- Ông bắt quả tang chúng mầy muốn phá bỉnh lễ nhá. Rơm khô của Cha xứ mà hai ông mãnh định phá à. Lại còn vứt bừa ra sân thế kia. Ai dọn dẹp hả?

Ty buột kêu lên một tiếng tai hại:

- Chết cha, lão Cả thọt.

Cả Thọt. A, chúng dám báng bổ người đứng đắn đấy. Tiện tay Cả Thọt xô mạnh một lần nữa hai cái đầu chạm nhau choáng váng.

Đau quá, Ty đã bắt đầu mếu máo. Hai giọt nước mắt long lanh. Tuấn cũng không hơn gì. Nhưng cái sợ còn lướt thắng cái đau. Lợi dụng lúc Cả Thọt còn lầm bầm trong cổ họng, Tuấn hất chân đạp vào chân Cả Thọt. Đôi chân tật nguyền lảo đảo. Và cả hai đứa đều dằng đầu vọt lên bỏ chạy biến dạng. Cả Thọt nhoài người theo, song hai đứa trẻ nhanh còn hơn hai con sóc. Lão tức mình lớn tiếng rủa xả.

- Cái gì vậy lão Cả?

Cả Thọt quay nhìn người hỏi, nhưng không trả lời mà phun nước bọt phì phì:

- Chúa đày tụi quỷ đó xuống hỏa ngục cho rồi.

Tiếng chuông báo hiệu giờ lễ bắt đầu, người hỏi chạy đi bội vã. Cả Thọt cũng nghiêm trang lẩm bẩm đọc kinh. Chỉ còn nét mặt giận dữ vẫn còn nguyên vẹn trên khuôn mặt Cả Thọt. Lão đọc kinh cầu Chúa tha tội cho tụi trẻ nghịch ngợm. Đồng thời một góc nào đó trong tâm trí, lão định cách túm cổ tụi nhỏ một phen để trừng trị chúng đích đáng hơn..


BA

Đưa tay xoa xoa một bên đầu, Tuấn nhìn về phía nhà thờ dậm chân tức giận. Thằng Ty ngồi chù hụ một đống. Chuyện nầy mà tụi thằng Nam, thằng Bình biết được thì còn gì là danh tiếng của hai đứa. Ngày mai, đi học, thế nào cũng có đứa học lại tụi thằng Nam cho mà xem. Càng nghĩ càng tức, càng ghét. Ty bật la to:

- Lão Cả thọt dữ như con cọp thọt. Tao nói má tao Nô-en nầy không cho lão tiền cho mà xem.

Tuấn thêm vào:

- Tao muốn bứt mấy cái đuôi sao của lão quá.

Ty nhăn mặt:

- Lão mách với Cha xứ thì nhừ đòn.

- Uổng công tao giật cho lão hai hồi chuông chiều. Biết vậy, tao để lão giật cho sướng tay. Mà tại mày đó. Hẹn cứ đến trễ.

- Tại mày tung rơm chớ.

- Chưa có trò chơi nào lại bị bể đầu.

Thằng Ty lại đưa tay xoa đầu. Chỗ cụng sưng lên một cục lớn gần bằng quả trứng gà. “Mối thù” vì vậy càng lớn. Ty đưa ý kiến:

- Mình qua nhà thằng Bình với thằng Nam xem có kế nào không.

Tuấn dẫy nẩy:

- Qua nhà tụi nó để tụi nó cười thối óc à.

Ty dùng dình một chút rồi cả quyết:

- Mình cứ kể tụi nó nghe. Thằng Bình cũng bị lão Cả thảy cho một gậy lên lưng rồi chớ bộ không sao. Tao muốn kiếm cách phá lão Cả Thọt chơi.

Suy nghĩ một hồi Tuấn cặp tay Ty, hai đứa chạy lúp xúp, trên con đường làng đã nhòe nhạt bóng tối. Gió rung rinh mấy bụi cây dại đưa hơi lạnh buốt.


BỐN

Ánh nắng cuối cùng trong ngày vừa tắt, thì khắp các ngõ làng đều sáng lên một lượt với những ánh nến cháy đỏ trong những chiếc lồng đèn màu sắc. Hình tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ được tô vẽ lên hai mặt trơn của đèn ban ngày trông vụng về làm sao, nhưng dưới ánh đèn, nét vẽ đều đặn linh động theo cơn gió nhẹ đưa.

Từng nhà, từng nhà, hang đá rực rỡ, vẽ rực rỡ huyền diệu lạ thường bên mấy ngọn nến trắng lung linh – Trẻ con reo vui và người lớn xôn xao chờ đợi giờ phút kỷ niệm biến cố xa xưa trọng đại nhất trong đời sống Công Giáo.

Nhưng có lẽ rực rỡ nhất, náo nhiệt nhất, xôn xao nhất, phải là ở nhà thờ. Nơi đây ngôi sao thiêng thắp sáng trông thật cao, thật xa như gần với ngôi sao hôm đang nằm chênh chếch ở vòm trời. Dọc theo mấy tua đuôi rải dài là những chiếc đèn lồng cao thắp sáng tạo nên một chuỗi dài ánh sáng, biến đổi hẳn bộ dạng thường ngày của mặt trước nhà thờ.

Bên trong đèn nến sáng trưng lẫn tiếng đọc kinh rì rầm không ngớt. Trong khi đó, bên ngoài sân, trẻ con xúng xính áo mới nô đùa ầm ĩ.

Cả Thọt cũng ăn diện hơn ngày thường. Chiếc áo the đen bằng hàng mỏng dính lất phất bay. Cái quần cháo lòng không nếp rộng rãi kích ống che giấu đôi chân không đều đặn. Trông Cả Thọt sáng láng hẳn ra nếu gương mặt lão tươi cười thêm một tí nữa. Nhưng nhất định Cả Thọt không thể nào thong thả vui cười được, nhất là những ngày như hôm nay. Lũ trẻ con từ khắp ngõ ngách kéo đến nhà thờ đông đến rối mắt. Chúng nô chỗ này, đổ xô vào chỗ kia, đuổi nhau chạy len qua cả mấy hàng ghế trong nhà thờ. Nếu Cả Thọt không đứng trông coi, tụi chúng dám nhào cả vào nơi đặt hang đá, và biết đâu tụi quỷ quái rắn mắt đó lại không đưa tay sờ mó vào – chúng đâu có kể gì đến nơi trang nghiêm thờ tự. Lại còn cây thông đầu cuối nhà thờ nữa chứ. Lão Cả phải cất công đi qua làng bên mới mua được một cây, và phải nửa ngày trời mới trang trí cho ra vẻ. Ấy mà tụi nhỏ cứ xem như là cây vườn không bằng, bíu đu rồi trốn nấp. Thật là nhức đầu.

Cả Thọt rời cánh cửa hông bước ra ngoài một vòng. Đằng gác chuông, một đám trẻ đang đu đưa, la lối om sòm. Lão Cả Thọt tiến nhanh lại. Đúng là một lũ quỷ, Chúa không bắt chúng cho rồi – Lão Cả vừa đi vừa lầm bầm trong miệng câu nguyền rủa. Nhưng sực nhớ hôm nay lễ trọng, lão hối hận làm dấu và đọc một kinh ăn năn tội. Đoạn kinh chưa kịp chấm dứt bỗng đứt ngang. Trước mặt lão, hai ông con Tuấn và Ty cùng một lũ bạn đang đùa phá. Cơn giận dữ từ đâu ùn ùn kéo đến – lão nhớ lại buổi chiều hôm trước. Hai đứa nhỏ phá đống rơm khô khiến lão phải mất cả buổi tối mới dọn dẹp xong, đã vậy mà còn bị Cha sở la rầy nữa vì buổi lễ chiều đó, lão mải mê trừng trị hai đứa bé mà quên soạn đồ lễ ra bàn như thường lệ. Bị la mắng, lão đổ dồn lỗi cho hai đứa nhỏ tinh nghịch. Lão Cả đã thề với lòng là nếu còn gặp chúng héo lánh đến sân nhà thờ, lão sẽ trừng trị chúng đích đáng và tống cổ chúng ra khỏi khuôn viên ngoại trừ các buổi lễ Mi-sa bắt buộc.

Lão bước tới gác chuông bằng bước chân khập khễnh và gương mặt xấu xí nhất của lão. Bóng tối của gác chuông đổ trùm lên mình lão khiến lũ trẻ ham chơi không nhìn thấy Cả Thọt. Khi chúng phát giác ra thì đã muộn rồi. Cánh áo của Ty và Tuấn đã bị lão túm chặt trên tay. Ty kêu lên trong lúc mấy đứa kia bỏ chạy tán loạn:

- Trời ơi, lão Cả… Th…

Cũng may là lời cuối cùng được Ty giữ lại đúng lúc. Lão Cả Thọt dùng ngay cái giọng hầm hừ dữ tợn của mình:

- Chúng mầy cứ phá phách đi. Hôm nay là ngày lễ trọng, không chịu sửa soạn để đi lễ mà còn nghịch ngợm. Nơi đây Cha xứ đã cấm leo trèo sao tụi bây còn dám… Đi… đi vào để Cha xứ trị tội…

Câu nói cuối kinh khủng hơn là gương mặt lão Cả. Cứ tưởng tượng phải đứng im trước gương mặt nghiêm nghị của Cha xứ là lũ nhỏ sợ hãi đến tái người. Tuấn dằn người cố gỡ áo ra khỏi hai bàn tay thép nguội của lão Cả Thọt, nhưng không được. Lão Cả Thọt cố sức lôi hai đứa nhỏ vào nhà thay áo. Nơi đó Cha xứ đang sửa soạn cho buổi lễ nửa đêm.

- Trời ơi… Chết tôi rồi…

Bàn tay Cả Thọt nới ra. Tuấn và Ty vụt chạy như hai con sóc. Lão Cả Thọt lảo đảo, chiếc chân thọt đau như muốn lọi gân. Thằng Bình đã nhân cơ hội lão Cả sơ ý, ngoéo chân lão cứu nguy cho bạn.

Khi lão Cả lấy lại được bình tĩnh thì lão chỉ còn nghe thấy tiếng cười vui rộn ràng trước sân.

- Lũ mất dạy…

Lão Cả nghe trong lòng mình mối tức giận, uất ức đến tận cổ. Lão ước gì mình có đôi tay sắt, và đôi chân bảy dặm, đuổi theo tụi nhỏ, giết chúng, bóp chúng, nghiền nát chúng thì mới đã giận. Lão hậm hực phủi bụi trên áo và đi thẳng ra sau bếp, không nghe cả tiếng Cha xứ kêu lão giật ngược.

Hàng xứ đã đến đông. Chen lẫn tiếng trẻ reo vui là tiếng guốc nện trên sân gạch, tiếng chào hỏi cười nói xôn xao của người lớn, tiếng đọc kinh râm ran càng lúc càng dòn dã.

Lão Cả rót cho mình một ly nước và cố nghĩ đến giờ phút linh diệu trong buổi lễ nửa đêm sắp đến.


NĂM

Sau một gốc dâm bụt lớn mé bên trái sân nhà thờ, Tuấn, Ty và thằng Bình đang ngồi bàn tán kế hoạch trả thù lão Cả.

- Lão Cả Thọt lần nầy biết tay tao.

Thằng Bình tần ngần:

- Như vậy là bỏ trò chơi mà mình định hôm bữa trước rồi hả?

- Ừa, bây giờ chuyện trả thù là chuyện chính.

Thằng Ty vừa nói vừa đưa tay đấm dứ vào không khí. Nhưng Bình thì hình như ít tán đồng, nó nhắc:

- Sao hôm trước tụi mình đồng ý là không phá lão Cả nữa? Phải thương người tàn tật.

Tuấn đưa chiếc cằm nhọn về phía trước rắn rỏi nói:

- Nhưng lão Cả dữ và ác như gấu ấy. Tao ghét lão quá. Lão làm như có mối thù không đội trời chung với hai đứa tao, gặp đâu là lão kiếm cớ đập đó.

Thằng Bình làm thinh. Cả ba đứa lắng nhìn về phía nhà thờ. Hơi sương xuống làm chĩu cả mấy sợi tua dài – Gió lành lạnh gai người.

- Coi chừng Cha xứ biết được thì chết.

Thằng Ty khích:

- Sao mầy hèn vậy, phải tỏ ra anh hùng chứ. Vả lại lão Cả hung ác quá mầy. Người như lão chắc phải xuống địa ngục quá.

- Có trời mới biết tụi mình phá lão. Mà lão có biết cũng không có chứng cớ gì.

- Mầy nhìn xem lão Cả Thọt ở đâu Bình.

Thằng Bình chòi người ra khỏi bóng tối của chùm lá dâm bụt ngáng mắt, cố rõi nhìn vào phía trong nhà thờ. Bóng lão Cả Thọt đi đi lại lại lăng xăng trước bàn thờ.

- Sao Bình?

- Lão Cả đang ở trong nhà thờ – Ối mà giờ này cho kẹo lão cũng không về chỗ của lão đâu. Tụi mình bắt đầu kẻo đến giờ lễ rồi.

Cả ba đứa rón rén như mấy tên ăn trộm men theo bóng cây rậm tiến ra tận phía sau nhà thờ, sau cả dãy nhà bếp rộn rịp. Phía nầy tối mờ, và im lìm khác hẳn phía trước nhà thờ. Nơi nầy, một gian nhà lá, trước kia là kho chứa gạo của nhà thờ, nay được dùng làm chỗ ăn ở cho lão Cả Thọt.

Căn nhà mập mờ với một ngọn đèn Hoa Kỳ leo lét chong trên bàn thờ đơn sơ đặt chính giữa nhà lưng chừng đầu người – Cửa không cài then, cả ba đứa chui vào dễ dàng – Tuấn than:

- Sao tối om thế này? Tụi bây thắp thêm cây đèn nữa đi.

Thằng Ty lên giọng:

- Đồ ngu, đốt đèn để lão Cả thọt để ý trở về nhà là xong đời. Lấy cái đèn nhỏ trên bàn thờ soi đỡ cũng được.

Trong khi đó, thằng Bình kêu lên:

- Lão Cả Thọt có làm hang đá nữa tụi bây. Cha, đẹp ghê.

Ba đứa chạy ùa tới ngắm cái máng cỏ xinh xắn với ba ông vua áo màu óng ánh như ướt dưới ánh đèn.

- Lão Cả có hoa tay ghê tụi bây hả?

- Ủa, mà tụi bây không khênh đồ cho lẹ lên, còn đi lễ nữa.

Tuấn kêu lên:

- Bình ra đằng sau chỗ chuồng bò lấy rơm đi. Tao thấy Cha xứ sai để rơm ở đấy, lấy nhiều nhiều nghe.

Bình chần chừ:

- Mà tối quá, tao thấy gì đâu. Hay Ty mầy cầm đèn che he hé ra sau để tao đi.

Tuấn thì mải khệ nệ kéo cái giường của lão Cả ra phía sau nhà. Tụi nó định bụng phá lão Cả một chuyến cho bỏ ghét. Rơm thì chúng rải khắp nhà. Khuya, sau khi lễ xong, mắt nhắm mắt mở, lão Cã Thọt sẽ vấp té lăn càng và lại còn nai lưng vần cái giường vào nhà nữa chứ. Thế nào thoạt đầu lão cũng tưởng có ăn trộm. Ý nghĩ đó làm Tuấn bật cười.

Rơm đã được thằng Bình rải quanh tứ phía, nhiều nhất là ở cửa ra vào, thằng nhỏ còn chơi rắn mắt treo rơm lên cả vách, bàn ghế – Nhà của lão Cả trông giống như một chuồng rơm.

Tuấn giục giã:

- Mầy ra lấy thêm một ôm nữa vô đây.

Ty cũng giục:

- Lẹ lên kẻo trễ lễ tụi bây.

Tuấn chạy đi chạy lại lăng xăng như cái quay tơ, trong khi thằng Bình biến hẳn ở chuồng rơm.

- Binh – Boong. Binh Boong – Binh Boong…

Tiếng chuông đổ hồi báo hiệu lễ nửa đêm bắt đầu. Thằng Tuấn dừng tay lắng nghe:

- Chết, chuông lễ, nhanh lên Ty, bảo thằng Bình nhanh lên.

Thằng Tuấn cúi xuống phủi mấy cọng rơm dính lên áo mình rồi vụt chạy ra ngoài. Ty la chói lói:

- Đợi tao với chớ, tao để đèn lại trên bàn thờ đã. Đợi tao với Tuấn.

Bình ôm bó rơm chạy vào như một cơn gió lốc:

- Lễ rồi tụi bay… mau… chết…

- Chết… Lửa… Cháy…

Chiếc đèn dầu rơi xuống, vỡ toang, dầu bắn loang tứ phía. Một đóm lửa và cả khối lửa bắt vào đống rơm khô. Bình và Ty sợ hãi cuống quít trong ngôi nhà đầy rơm và lửa.


SÁU

Lão Cả Thọt bước vội về chỗ ở của mình. Năm nào lão cũng để quên quyển Kinh Thánh ở nhà. Tại công việc bận rộn quá đó thôi chứ không phải lão thờ ơ.

Lão lại có tật đi lễ lúc nào cũng phải mang hai vật trên tay, đó là xâu chuỗi tràng hạt và quyển Kinh Thánh mà Cha xứ đã tặng lão từ ngày lão mới về đây.

- Chúa ôi! Cái gì thế kia…

Lão Cả đã nhìn thấy những đóm lửa nhảy múa trong ngôi nhà nhỏ của mình. Lão la lên kinh hoàng:

- Cháy nhà. Lạy Chúa tôi. Cháy nhà…

Lão tiến đến thật nhanh – Lão nghe tiếng la khóc sặc sụa ở bên trong – Gì đây. Một bóng nhỏ đâm sầm vào lão Cả Thọt:

- Cứu… cứu…

Lão đã nhận ra thằng Tuấn, mặt xanh lét vì sợ, đang ríu lưỡi chỉ chỏ vào bên trong.

- Chúa ôi!

Lão kêu lên và chợt hiểu mọi việc. Trong giây phút đầu, lòng tức giận lên cao, nhưng chỉ một thoáng, ngọn lửa làm lão nguôi ngay.

- Mấy đứa nhỏ, Chúa ôi – Lửa quá, làm sao bây giờ?

Nhà thờ náo loạn. Người người cuống quít. Nước được chuyển đến muộn màng. Cha xứ la lên:

- Trời ơi, có ai ở bên trong không?

Một bóng người bên trong căn nhà bốc lửa dềnh dàng lảo đảo to lớn.

- Lão Cả.

Những thùng nước tưới vào người lão dập tắt những đám lửa ngún cháy trên người lão Cả, Ty và Bình.

Không ai hiểu gì hết. tại sao lại có ba người trong gian nhà đó? Nhà của lão Cả mà. Không ai hiểu gì hết, ngoại trừ Tuấn. Tuấn đang gục đầu vào hông nhà thờ khóc nức nở. Và tận trên cao ngất đỉnh nhà thờ, tượng Chúa Hài Đồng nhìn xuống hiền từ, bao dung.


BẢY

Sau đám cháy, gương mặt của lão Cả Thọt càng dễ sợ hơn trước gấp chục lần. Làn da cháy nhăn nhúm trên hai gò má xám. Chiếc chân thọt càng thọt thêm và một bàn tay co rút vì gân bị bỏng.

Tuy nhiên, người trong làng lấy làm ngạc nhiên khi thấy lũ trẻ bọn thằng Tuấn và nhất là hai đứa Bình và Ty cứ lân la ngồi nói chuyện, an ủi hoặc giúp đỡ lão quét dọn nhà thờ sau mỗi giờ tan học.

Người ta bảo nhau là Chúa đã thương xót đến kẻ khốn nạn. Nhưng không ai hiểu được rằng chính tâm hồn cao quý, đẹp đẽ của lão Cả Thọt đã cảm hóa được những đứa trẻ xấu, và giúp lão có được chút yên ủi trong quãng đời còn lại của mình.


KIM HÀI     



(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 15-12-1972)