Ngày
xưa… tôi xin mở đầu bằng hai tiếng ngày xưa êm đềm đó. Đã lâu lắm rồi, ở một
tỉnh lỵ nhỏ thuộc nước Anh, có một chàng kỵ sĩ tên là Cơ-Rắc. Vóc người cao
lớn, mạnh khỏe, tính tình vui vẻ, rộng lượng.
Ngoài
công việc hàng ngày, anh còn là một người láng giềng tốt được mọi người chung
quanh kính nể, coi trọng. Với ý chí kiên nhẫn, chịu đựng và sức khỏe, Cơ-Rắc đã
lần hồi gây dựng được một tài sản dồi dào không thua gì một nhà quý phái danh
tiếng. Nhưng khác với những bọn ỷ vào sức mạnh kim tiền mà hống hách, nạt nộ kẻ
thế cô, Cơ-Rắc vẫn khiêm nhường giúp đỡ những người nhờ cậy đến mình.
Trong
nhiều năm trước, anh đã mướn một số gia nhân giúp việc, nhưng họ phải ra đi lên
đường nhập ngũ khi chiến tranh bùng nổ. Chiến tranh chấm dứt, thanh bình trở
lại trên mảnh đất thân yêu đã một thời tang tóc, họ trở về với tất cả sự vui
mừng, ôm chầm lấy nhau, hát lên những bài ca tạ ơn Thượng Đế. Nhưng rồi với hai
bàn tay trắng, họ không biết làm gì để sống. Cảm thương họ, Cơ-Rắc đã xuất ra
một số tiền để giúp những người này tìm được kế sinh nhai.
Mỗi
năm, đến ngày Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa Jésus
ra đời tại máng cỏ tồi tàn xứ Bết-lê-Hem, người ta lại bắt đầu rộn rịp tổ chức
liên hoan. Nói đến tiệc tùng, khách khứa, mọi người đều sung sướng, nhất là các
cô thiếu nữ, luôn mơ nghĩ đến những chàng trai mà mình khiêu vũ tối hôm đó.
Cơ-Rắc cũng tổ chức một bữa tiệc của Hoàng Gia.
Ngày
hôm đó, khi tuyết bắt đầu rơi trên nền trời đen huyền của ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, những
người quen lũ lượt đến nhà Cơ-Rắc để ăn mừng sự giàu sang và phú quý của chàng.
Họ hình như không nghĩ đến Chúa – gần 2.000 năm trước đây, lạnh lẽo trong máng
cỏ của chuồng chiên. Từ trong phòng Cơ-Rắc vang lên điệu ca nhạc vũ, tiếng sáo
ngân nga dìu dặt làm mọi người say sưa theo dõi. Sau khi khiêu vũ, tất cả quây
quần ăn uống : những con gà quay vàng trên đĩa bạc, thịt cừu ngon ngọt tỏa mùi
thơm như gợi thèm kẻ muốn ăn. Từng đĩa trái cây chạy dài theo bàn đưa ta đến
một đĩa bánh khổng lồ đặt ở giữa; những dòng kem, sữa dịu dàng chảy. Tiệc tan,
Cơ-Rắc tỏ lòng ưu ái bằng cách tặng những món quà đáng giá bằng vàng và bạc, áo
quần đẹp, ngựa tốt cho thực khách.
Gần
mười năm như vậy, Cơ-Rắc đã đãi tiệc và cho đồ đạc với tất cả lòng thành. Vui
hưởng giàu sang hạnh phúc, Cơ-Rắc đã quên không để ý đến sự nghiệp mà ông gầy
dựng bấy lâu nay đã lần lần sụp đổ bởi nhiều lần vui chơi yến tiệc. Than ôi! Từ
một tài sản khổng lồ dựng lên với biết bao khó nhọc, giờ chỉ còn trơ lại tòa
lâu đài cũ kỹ và mảnh đất cằn cỗi không canh tác. Nhìn lại những người mà có
một lần hay nhiều lần ông giúp đỡ thì họ ngoảnh mặt làm ngơ, không buồn để ý
đến, thật là chán ngán! Vì cuộc sống hằng ngày, con lại ốm, Cơ-Rắc bán lần hồi
gia sản. Nếu có ai đi qua đoạn đường đất đỏ, rẽ sang vườn cây Anh-tạc-líp sẽ
thấy một căn nhà nhỏ nằm cô độc kế cận khu vườn chỉ trồng độc nhất một cây Anh
đào đã qua mùa ra trái. Đó là căn nhà của Cơ-Rắc, nơi gia đình chàng bắt đầu
một đời sống thực là cơ cực, lầm than.
Một
ngày tuyết rơi đầy trên bầu trời, Gia đình Cơ-Rắc lại đón Giáng Sinh trong cảnh
vắng vẻ âm thầm. Không còn ai nữa – những người quen đã ra đi tìm đất sống vì
nạn mất mùa đang đe dọa toàn vùng. Áp ngày Giáng Sinh, Cơ-Rắc không còn chịu đựng
được nữa, chàng cúi đầu khóc nức nở. Với tấm lòng ăn năn, Cơ-Rắc hướng về
Thượng Đế mà cầu nguyện. Từng tiếng nói, Cơ-Rắc bày tỏ những lỗi lầm mình đã
phạm suốt mấy năm qua và xin được tha thứ. Ngồi bất động trên tuyết giá, Cơ-Rắc
cầu nguyện mặc cho tuyết phủ, gió bay. Chàng nài xin bằng những lời vô cùng
thành khẩn, rồi mở mắt ra với một lòng tin tưởng dạt dào. Chàng im lặng bước,
nhưng… kìa, Cơ-Rắc trố mắt ngạc nhiên: Cây Anh đào trơ trụi lá bỗng mọc đầy
những trái chín vàng đỏ ối, cành cũng bắt đầu có lá xum xuê. Cây Anh đào đã hồi
sinh thật rồi! Vui mừng, Cơ-Rắc hát bí bo rồi lẹ làng ngắt một cành đầy những
trái đem vào nhà. Anh thì thầm: “Ta đã được nhận lời – đây sẽ là nguồn sống cho
gia đình ta”.
Mọi
người trong nhà cùng cất tiếng hát…
*
Sáng
hôm sau, Giáng Hương, người vợ yêu quý nhất đời của Cơ-Rắc, xếp một rổ đầy Anh
đào chín đỏ, tươi mát nhất để cho chàng đem dâng tặng Đức Vua.
Cơ-Rắc
và con gái Pép-Ty lên đường, nhắm kinh đô thẳng tiến. Gió lạnh làm hai cha con
run lên từng hồi.
-
Br… br… gr… Rét… quá… cha à…
Cơ-Rắc
nhìn Pép-Ty thương xót:
-
Ráng lên con, hãy đi sát lại gần cha.
Từ
xa, kinh đô đã mập mờ trong bầu trời âm u. Gió lạnh vẫn rít đều trên ngàn hoa
cỏ.
Khi
quan gác cửa nhìn thấy hai cha con Cơ-Rắc với bộ đồ tiều tụy rách nát tiến vào
thì lên mặt xua đuổi:
-
Đi ngay, hạng ăn xin. Muốn ở tù à?
Bằng
một giọng thật lễ phép, Cơ-Rắc thưa:
-
Thưa ngài, chúng tôi đến đây để mang quà biếu Đức Vua.
Ngạc
nhiên, quan gác cửa mở cái nắp rổ lên: những trái Anh đào kiêu hãnh nằm ngoan
ngoãn. Ông ta thảng thốt:
Đất
hình như cứng lạnh dưới chân ông ta. Ông ta biết rằng Đức Vua sẽ trọng thưởng
cho những kẻ nào dâng nó. Với ý nghĩ xảo quyệt, quan gác cửa nói:
-
Anh sẽ không được vào yết kiến Đức Vua nếu anh không hứa cho tôi một phần ba
món quà mà Đức Vua tặng anh.
Hơi
lưỡng lự, nhưng rồi Cơ-Rắc bằng lòng. Quan gác mở cửa thành cho Cơ-Rắc và
Pép-Ty vào. Bước vào tòa nhà chính, Cơ-Rắc phải khựng lại vì một vị quan khác
vừa xuất hiện. Tiến lại gần với một giọng khinh mạn, ông ta quát:
-
Đi ra, đồ dơ bẩn! Ai cho chúng mầy vào đây?
-
Thưa ngài…
-
Không thưa gửi gì hết. Ra ngay cho được việc.
-
Nhưng tôi mang quà tặng cho Đức Vua mà. Đừng vô lý như thế!
-
Quà à? Đâu đưa coi.
Cũng
như lần trước, khi thấy rổ Anh đào của Cơ-Rắc, vị quan này trố mắt ngạc nhiên
và nói:
-
Lạ quá, lạ quá! Anh sẽ không được đặt chân vào đây nếu anh không cho tôi một
phần ba món quà mà Đức Vua tặng anh.
Cơ-Rắc
buộc lòng phải hứa lần thứ hai và hơi nản chí. Nhưng với lòng tin tưởng, anh cùng
con tiến vào phòng đại sảnh. Hai cha con rón rén bước vào trong không khí thật
trang nghiêm. Tưởng đã yên, nào ngờ một vị quan nghi lễ lại lù lù xuất hiện,
tiến tới trước mặt Cơ-Rắc:
-
A… a! Ai cho nhà ngươi hỗn láo thế này? Vào diện kiến Đức Vua mà không được ai
hướng dẫn à? Muốn bay đầu sao chớ?
-
Thưa ngài – Cơ-Rắc kiên nhẫn thưa – tôi mang quà biếu Đức Vua.
Một
lần nữa, rổ Anh dào lại được mở ra.
-
Anh đào vào mùa Đông! Thật không thể tin được. À! Anh không thể lại gần Đức
Vua, trừ khi anh hứa cho tôi một phần ba món quà mà Đức Vua chắc chắn sẽ tặng
cho anh.
Cơ-Rắc
bóp cằm suy nghĩ:
- “Nếu
ta chia quà của Đức Vua cho ba người này thì ta chẳng còn gì nữa. Nhưng đã vào
đây…”
-
Được rồi! Tôi bằng lòng.
Vị
quan hớn hở chạy vào, rồi trở ra mời cha con Cơ-Rắc vào.
-
Cha! Mình vào hở?
-
Ừ, mình vào, con à!
Bước
vào, Cơ-Rắc quỳ xuống trước mặt Vua và dâng rổ Anh đào lên:
-
Kính thưa bệ hạ! Hạ thần mạn phép đến đây để xin biếu món quà nầy: những quả
Anh đào ngon đã chín đỏ tối qua trong nhà của hạ thần.
Chàng
nói một cách đơn giản.
Vua
rất bằng lòng và cám ơn Cơ-Rắc với giọng thân mến. Để thưởng thức, Vua nếm thử
và đưa cho các quan, các mệnh phụ chung quanh cùng ăn.
“Thật
là ngọt”. Mọi người trầm trồ khen. Mùi thơm bay ngập cả căn phòng. Vua cảm thấy
tâm thần sảng khoái, nói với Cơ-Rắc lúc đó đang quỳ mọp:
-
Ta rất cám ơn khanh đã không ngại đường xa, gió lạnh mà dâng cho ta món quà
nầy. Nguyện ơn trên ban phước cho khanh. Bây giờ, khanh muốn gì? Hãy nói đi,
nếu thấy hợp lý ta sẽ ban cho.
Cơ-Rắc
nhớ lại ba lời hứa vừa rồi, ngẩng đầu lên đáp:
-
Thưa Đức Vua! Đất đai, tiền bạc, giàu sang đối với hạ thần nhiều quá. Hạ thần
chỉ xin bệ hạ cho “mười hai cái đập”
-
Tại sao khanh lại có ý nghĩ điên rồ như vậy? Mười hai cái đập! – Đức Vua sững
sờ lập lại – Khanh không sợ mang tội khi quân à?
-
Hạ thần nào dám vậy nhưng xin bệ hạ hãy nhận lời.
Nhà
Vua tức giận và buồn rầu nhưng buộc phải giữ lời hứa.
Cơ-Rắc
bước xuống giữa đám đông để trả quan hướng dẫn “phần thưởng” của ông ta. Giữ
lấy cổ, Cơ-Rắc đập thật mạnh một gậy vào mông rồi ba gậy liên tiếp. Quan hướng
dẫn méo mặt xuýt xoa. Ra ngoài phòng, Cơ-Rắc thưởng luôn quan thư ký bốn cái
đập không kém phần mạnh bạo rồi bước tới bồi luôn quan gác cửa phần quà còn lại
của ông ta.
-
Thế là ta đã làm trọn vẹn lời hứa rồi nhé. Đừng ân hận – Cho chúng bay chừa
thói hống hách, khinh bạc dân nghèo mà còn hay lợi dụng, hối lộ.
Xong
xuôi, Cơ-Rắc trở lại triều đình, quỳ xuống trước mặt Vua:
-
Cám ơn bệ hạ đã cho thần thỏa mãn lời cầu xin đó. Giờ đây hạ thần xin kiếu từ.
-
Khoan… Ta muốn biết lý do những đòi hỏi kỳ cục vừa rồi.
Pép-Ty
thực tình kể lại bằng giọng nói trong và dễ cảm. Nghe xong, Đức Vua cười lớn:
-
Ha ha… ta có lời khen khanh đó. Khanh thật thông minh, ta quyết không bỏ một
người tài ba như khanh đâu.
-
Thần xin cám ơn Bệ Hạ.
Với
sự khoan dung của Cơ-Rắc, ba tên quan lại được tha bổng nhưng phải cách chức về
nhà làm ruộng cho thấm thía với cuộc sống bần cùng.
Từ
đó, Cơ-Rắc được hưởng lại tất cả những quyền lợi của một người kỵ sĩ. Chàng
được chuộc lại tất cả đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Pép-Ty được Vua thương yêu
giữ lại triều đình. Gia đình Cơ-Rắc hưởng đầy hạnh phúc và vui sướng, nhưng
Cơ-Rắc không quên vì sao chàng lại được địa vị ngày nay… Cây Anh đào kỳ diệu,
một câu chuyện ngàn đời còn ghi nhớ giữa mùa đông tuyết phủ, tiếng chuông ngân
của giáo đường thoang thoảng vang vọng từ xa.
CAM
TÒNG
(Phóng tác theo Janet Gray)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số
70, ra ngày 24-12-1972)