Trên
cánh rừng ngập đầy tuyết trắng của thành Vienne,
vào đêm Giáng Sinh, người khách lạ lầm lũi bước đi, không cần biết sẽ về đâu,
không phương hướng, không chủ đích – trong im lặng và lạnh lùng. Đầu đội chiếc
nón vành rộng che sụp cả khuôn mặt, mang áo tơi kín cổ, hai tay vấn sâu trong
túi, đi như trốn chạy với những bước dài vào cõi đen tối mênh mông tuyết trắng.
Sau
lưng, thấp thoáng qua màn đêm mù mịt trắng xóa mưa tuyết, thành phố vươn mình,
lấp lánh ánh đèn đủ sắc. Trên tháp chuông cao ngất một ngôi sao trắng treo chót
vót tận đỉnh, sáng lung linh, mập mờ, như ánh sao mầu nhiệm năm xưa đã dẫn lối
cho ba vị tiểu vương cùng đám mục đồng hướng về thành Béthleem, tìm đến hang đá
nghèo nàn – nơi mà một hài nhi vừa ra đời trên máng cỏ. Không khí trầm, thánh
thót – tiếng đàn cùng tiếng hát đồng ca của đám trẻ nhà thờ với bản thánh ca
mừng Chúa. Hình như người khách không để ý tới, từ lâu, anh ta vẫn chưa lần nào
quay lưng nhìn lại ngôi thánh đường cổ kính đang rộn ràng đón giờ làm lễ, anh
ta chỉ nghe mình tấu lên muôn tiết điệu: tiếng tuyết lún dưới bước chân, tiếng
run rẩy của hàng cây băng giá, tiếng nhấp nháy của ngôi sao trên trời cùng mùi
vị của bầu sương dầy đặc đằng trước mà anh sắp chôn sâu mình vào đấy để trốn chạy
không khí trưởng giả ấm êm đầy hạnh phúc ở thành Vienne cũng như trốn chạy dư
âm tan vỡ của cuộc tình.
Từ
chiều, anh rời bỏ gian phòng nhỏ mà Cherubini
– bạn anh gọi là “Cái chuồng bò”. Căn nhà dơ dáy và tồi tàn quá sức tưởng
tượng. Nước rửa chén bát, tắm giặt từ hôm trước không thoát được, ngập lấp sấp
ngang cổ chân mà khi muốn vào phải lội bì bõm trong làn nước đục trôi lờ đờ
những mẩu bánh mì vụn cùng giấy vo viên. Trên gác xép, bức tường tróc vôi cạnh
bàn ăn loang lổ quầng vàng, di tích của những quả trứng gà mà trong lúc bực dọc
anh đã ném lên. Thức ăn thì vương vãi
khắp trên cây đàn, giá nhạc cuối gác vì anh ta không khi nào chịu rời đàn, cả
giờ ăn. Có lúc anh còn chơi đàn suốt ngày từ đêm nầy đến đêm khác, ngủ vất
vưởng trong xó tối, mắt lờ đờ như hơi rượu xông luôn nhìn qua khung cửa hẹp.
Trên
mọi thứ dơ bẩn, xấu xí của bức tường, bức ảnh bán thân của Lugwid – ông nội anh
ta – ngự trị một cách an lành và trang trọng. Là một nhạc sĩ lừng danh dưới
triều đình Boon, ông đã chết đi giữa lúc đứa cháu trai kháu khỉnh chập chững
học đàn với cha. Người mập mạp, gương mặt đôn hậu, thường mặc áo choàng xanh
lông thú kết viền trắng và hàng nút bạc sáng ngời. Ông mất giữa ngày Noel – và
từ đó Noel đối với anh là nguyên nhân của nỗi bất hạnh đầu đời.
Hàng
năm, mỗi lần Giáng Sinh mọi nhà đều tưng bừng rộn rịp bên cành thông rực rỡ
những tua chỉ bạc phản chiếu những chiếc đèn sao giăng giắc khắp cành. Ngọn nến
hồng soi sáng bao gương mặt hân hoan, người ta quỳ dưới tượng Chúa, cầu nguyện
thành kính những ước mơ hằng ấp ủ. Họ sung sướng, dìu nhau khiêu vũ và tổ chức
linh đình tiệc đêm sau khi chuông nhà thờ vang rền báo hiệu nửa đêm. Còn anh –
người cha yêu quý đã ra đi, người ông kính mến với ngón đàn tuyệt diệu đã vùi
mình dưới cỏ xanh, anh không còn tình thương gia đình để những đêm bên cửa sổ
mở ra khung trời đầy sao mà dạo những điệu đàn rã rời thắm thiết.
Hôm
nay anh rời bỏ căn nhà tồi tàn, trốn chạy thành Vienne
với bầu không khí ngợp niềm tin và thương yêu thánh thiện để ra đi một mình
trong bầu trời mịt mùng không âm thanh lời nói. Ngày xưa, anh thường đùa bỡn,
chế nhạo tương lai “ta sẽ nắm chặt lấy định mệnh và nó sẽ không bao giờ khuất
phục được ta”. Nhưng cuộc đời lắm trái ngang, định mệnh đã bạc đãi anh vô cùng
tàn nhẫn. Guilietta, nàng tiên lứa tuổi 15 khiến anh say mê chỉ thích lời cầu
hôn của bá tước Gallenbeg, Josephine Brunzvick
dịu dàng ngày xưa nay trở thành bà bá tước Deym, rồi Magdalena Willman
với giọng hát tuyệt vời cũng tìm cách xa lánh cho đến Bethina lộng lẫy vương
hậu của nhan sác đã lạnh lùng gạt bỏ trái tim của chàng nhạc sĩ nghèo để khoác
lên chiếc áo của bá tước Arnym.
Anh
tự hỏi, không biết họ ở đâu. Giờ nầy chắc họ đang làm lễ mừng Chúa trong ngôi
nhà sang trọng nào đó với chồng con bên lò sưởi ấm áp, đỏ rực tàn lửa bắn tanh
tách vui tai. Quanh cành thông cổ truyền họ đang khiêu vũ với nhau thật tuyệt
diệu theo tiếng nhạc dương cầm của đứa con đầu lòng mà họ đã dạy nó trong những
đêm hạnh phúc.
Anh
miên man bước mãi, mãi trong thế giới riêng biệt chỉ có nhịp điệu của con tim
và tiếng tuyết rơi nhè nhẹ trên mặt đất.
Dấu
chân in sâu như uất hận buồn bã. Khẽ lắc đầu, anh lại bước nhanh hơn vào bóng
đêm mờ mịt.
Đến
khi kéo vành nón lên, người khách trẻ thấy một khung cảnh thật thần tiên – toàn
rừng cây dầy đặc mà mỗi cành khô xơ xác là một ren tuyết trắng, dưới bầu trời,
muôn vạn vì sao như những viên bảo ngọc nạm trên nền vải đen lấp lánh sáng.
Không gian thật im lặng.
Cái
lạnh se sắt thấm vào tim, người khách chợt nhớ là mình đã đi ngót hai mươi cây
số qua rừng, nỗi mệt nhọc từ đâu xâm chiếm toàn vẹn con người trĩu nặng cả đôi
vai.
Lúc
ấy, anh ta chọt thấy ánh lửa lấp loáng cuối con đường và tới gần hơn nữa mới
nhận ra một mái che nhỏ nhô cao khỏi đám tuyết hỗn độn.
“Một
túp lều, dù tệ thế nào đi nữa, nó cũng giúp ích cho mình”.
Anh
ta buột miệng và rảo bước thật mau.
Đó
không phải là túp lều như anh tưởng mà là một kiểu nhà săn thú với lối xây cất
ngộ nghĩnh lạ lùng : hai tháp tròn có mái che nhô cao lên ở hai góc mặt trước
căn nhà. Qua cửa sổ, anh bắt gặp khung cảnh mà nó đã khiến anh bỏ thành Vienne : một người đàn ông cùng một thiếu phụ với ba đứa
con, quây quần bên cành thông xanh ngắt trang hoàng đơn sơ với đôi chùm lá bạc,
những món đồ chơi bé với mấy chiếc đèn nhỏ được choàng khuất sau lớp lá rậm,
sáng rực rỡ đủ sắc màu.
Ôi!
Đêm Giáng Sinh, đêm an lành của mọi người, đâu đâu cũng vui tươi rộn rã, từ
thành phố náo nhiệt tưng bừng cho đến ngôi nhà ẩn mình trong rừng tuyết.
Bước
đến bên mái hiên, đứng yên lặng một lúc lâu, anh ta mới đưa tay gõ cửa. Tiếng
động vang rõ trong gian nhà ấm cúng chỉ độc một âm thanh tanh tách của củi non
cháy đỏ. Người đàn ông lặng lẽ bước ra.
Cánh
cửa hé mở đem theo ánh sáng vàng vọt đổ chập chờn trên thân người khách lạ soi
rõ khuôn mặt sau vành nón: Anh ta đôi mắt xanh nhạt, rạng rỡ vẻ đôn hậu hiền
lành, gương mặt rắn chắc, hai lưỡng quyền cao đen sạm, môi khẽ mím trên chiếc
cằm rộng khô khan. Dở nón, vuốt lại mái tóc rối bời vì gió tuyết, anh ta nói
khẽ:
“Tôi
là khách lỡ giữa rừng, tôi lạnh quá!”
Chủ
nhà cười niềm nở:
“Thế
thì mời ông vào, chúng tôi sửa soạn làm lễ và dùng tiệc tối vì có lẽ đã đến nửa
đêm”.
Anh
ta bước vào gian phòng hồng rực ánh lửa. Ba đứa nhỏ giương to đôi mắt kinh ngạc
lẫn sợ hãi nhìn người khách lạ nhưng ánh mắt xanh lơ chứa đựng nét dịu hiền
phúc hậu kia đã trấn an được nỗi lo sợ của chúng. Gian phòng tuy nhỏ bé nhưng
thanh nhã với lối bày biện giản dị. Trên tường, mấy bức họa “thiên thần hòa
nhạc” sắp dài theo một câu truyện của Fra Angelico nổi bật phân nửa màu sắc
dưới ánh sáng say mờ dịu của hai chiếc đèn lồng. Bức tường xám, cạnh lò sưởi,
oai vệ bức hình của chủ nhà với nhung phục triều đình. Bỗng trực giác của anh
ta đảo quanh và đọng lại bất thần ở góc phòng, bờ môi mấp máy rung động, một
mãnh lực huyền bí lôi kéo anh bước lại nó – chiếc đàn dương cầm!
Người
chủ nhà đưa tay mời, dáng điệu thân thiện:
“Ông
có biết chơi đàn không?”
Anh
ta như không nghe lời nói và cử chỉ ấy, chân vẫn bước trong mê man về phía cây
đàn, mở nắp nhìn dàn phím, trầm ngâm trước đôi mắt kinh ngạc của hai vợ chồng.
Đôi tay lạnh buốt ướt đẫm lướt nhẹ – như một thói quen – rồi đánh đôi nốt hòa
âm trầm bỗng, tiếng nhạc kỳ bí buông rơi chầm chậm vào căn phòng vắng lặng
khiến cả thảy đều say mê chăm chú lắng nghe. Tiếp theo là bản mục ca ngắn,
tiếng nhạc chập chùng lênh đênh như lướt sóng mường tượng bước chân trần lạnh
cóng của đám trẻ xua chiên chạy vội trên đồng. Âm thanh chợt tắt ngấm trên phím
đàn, không gian chìm trong khắc khoải – đôi tay lại lướt đi – nhạc điệu đổi
mới, trầm lặng vang vang xa gần. Ông ta đang dạo bài Noel giản dị, với đôi tay
xuất thần với phép dùng nhạc truyền diệu một đề tài – một câu chuyện được kể
thật rõ ràng như lời nói:
“Vì
Thiên thần cánh trắng bảo mục đồng rằng : Một vị Chúa cao cả của con người vừa
ra đời trong hang đá ở thành Béthleem. Ngài chính là Chúa cứu thế mà tên ngài
sẽ bất tử. Vậy noi theo ánh sao sáng nhất trên trời các ngươi hãy tới để tung
hô mừng đón ngài”.
“Đám
mục đồng theo lời dạy, tìm gặp ông Joseph và bà Maria trong hang đá ; trên lớp
cỏ, một hài nhi nằm ngủ an lành, gương mặt thật đẹp và vô cùng hiền hậu, giấc
ngủ dưới hơi thở ấm của mấy con bò chầu quanh.
Trong
vầng hào quang sáng rõ tỏa vòng trên máng cỏ, thiên thần bay lượn tung hô tấu
nhạc đón mừng. Đêm ấy đất trời mở hội, vạn vật hoan ca, xa xa có tiếng chuông
đổ réo rắt và trên trời cao muôn vạn vì sao như ngừng lại.
Lũ
mục đồng trở về đem tin vui kể khắp mọi nơi để rồi dưới ánh lửa bập bùng, đoàn
người thắp đuốc hướng về Béthleem với niềm kính mến vô cùng.”
“Sáng
danh Thiên chúa trên trời. Bằng an dưới thế cho người thiện tâm”…
Tiếng
nhạc trầm lắng trong gian phòng vắng ấm áp, đường tơ ngân dài mất hút trên phím
ngà mà tơ lòng người nhạc sĩ rung động không thôi.
Khi
quay lại, anh ta thấy đôi mắt hai vợ chồng long lanh ngấn lệ và niềm kính phục
cũng dâng tràn trên khóe mắt. Anh ta đọc câu hỏi người là ai trong tia nhìn đầy
hân hoan và cảm động. Là ai? Người khách lạ lang thang trong đêm băng giá có lẽ
là một nhạc sĩ đại tài với điệu đàn chinh phục trọn vẹn lòng người và rung động
của con tim.
Anh
sẽ trả lời:
-
Thưa ông tôi là Lugwid Van Beethoven!
Như
làn gió thổi mạnh vào rừng cây xao động, tiếng nói vừa dứt thì hai vợ chồng sụp
xuống bên chân và ba đứa con theo cha mẹ quấn quít nắm tay người khách lạ.
Mầu
nhiệm thay, cao cả thay, giữa đêm đông băng giá, Chúa đã ban cho gia đình ông,
cho ngôi nhà bé nhỏ ẩn mình trong tuyết trắng một món quà vô cùng vĩ đại mà dù
cho vua đầy uy quyền và châu báu cũng không mua được, đó là người nhạc sĩ tài
hoa nức tiếng đã làm se sắt bao tâm hồn chai đá bằng nốt nhạc, cũng là một con
người tuyệt vọng nhất trên đời.
Trong
khi ấy, người nhạc sĩ nắm tay xoa đầu đám trẻ bằng bàn tay thần diệu. Nhìn ánh
mắt ngây thơ ngộ nghĩnh, nhìn ánh lửa bập bùng, anh thấy hạnh phúc vươn lên như
tiếng tuyết rơi trên mái nhà càng lúc càng lớn.
Một
đoạn văn của Homère lướt qua trong trí:
“…
Thế rồi, bình minh chợt đến, những ngón tay hồng dâng lên và đem ánh sáng hạnh
phúc cho người cõi thế”
Chàng
lẩm bẩm: Đây rồi, một ngày vui đã đến với đời tôi…
Phạm Chí Thành
(Nguyên
tác Jead Witolel)
(Trích
tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét