Mấy
nhóc con dán mắt vào khung kính của chiếc máy thu hình, say mê theo dõi từng cử
chỉ, từng lời đối thoại của các diễn viên. Người nữ diễn viên tóc bạc phơ, phúc
hậu như bà cụ của chúng, đang nghẹn ngào, tức tưởi…
Bà
cụ nói chưa dứt câu, hình ảnh trên khung kính bỗng tắt phụt, thay vào hàng chữ
to “Điểm báo” với điệu nhạc quen thuộc. Ba nhóc con cùng đứng lên, phản đối vu
vơ:
-
Tức quá!
Tức
thật chứ lỵ! Cảnh đang hấp dẫn, lâm ly thế kia mà đã cắt ngang! Nhưng tức nhất
là… đã đến giờ chúng phải vào màn! Đêm nào cũng như đêm nấy, cứ đến mục điểm
báo 9 g 30 là bắt buộc chúng phải lên giường. Nhiều khi bụng ấm ức lắm cơ! Chả
hiểu câu chuyện diễn tiến ra sao, kết thúc thế nào? Nhưng ba má có những lý lẽ
của ba má! Trước nhất là trẻ con cần ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe, và đúng giờ
cũng là một thói quen rất tốt. Lý do quan trọng hơn, chính là trẻ con không nên
coi những mục giải trí dành cho người lớn. Nhiều lần ba má đã tắt ngang một
tuồng cải lương chỉ vì có những cảnh, những lời đối thoại chỉ dành cho người
lớn. Có lần ba bảo chúng nhấc hộ ba một bao gạo, hay ăn thử một quả chuối xanh,
đứa nào cũng cười lắc đầu. Ba đã gật gù giải thích là vấn đề giải trí cũng thế.
Xem ti vi, sách báo, ciné các con cần phải xem những gì thích hợp, lành mạnh và
bổ ích cho lứa tuổi các con. Coi những mục không thích hợp, lợi ích đâu không
thấy mà kết quả nhiều khi ngược lại. Nhưng các con hãy còn nhỏ, nên cần phải
nghe theo sự hướng dẫn của người lớn, ngay cả trong việc giải tán…
Trong
đầu óc ngây thơ của chúng, chỉ hiểu lờ mờ là không nên… Vậy thôi. Nhưng con bé
Uyển nhỏ nhất, đã “chất vấn” ba:
-
Chứ sao “tụi trẻ” hàng xóm nó coi tới khuya, đó ba?
Ba
mỉm cười, ôn tồn:
-
Con biết sao không? Tại vì ba má chúng không để ý đến chuyện giải tán cho
chúng. Con nhớ nhé, ba má có thương yêu lo lắng cho các con mới cấm đoán như
vậy. Ba má thấy cái gì các con xem được thì tha hồ, phải không? Các con có
ngoan phải nghe lời ba má, biết không nào?
Mấy
nhóc con cùng gật đầu, bẽn lẽn…
Vào
giường, bé Uyển chợt huyên thuyên:
-
Hồi sáng, ma soeur Uyển nói gần đến Noel rồi nè! Uyển ngoan, ông già Noel
thưởng cho Uyển kẹo, bánh nè, đồ chơi nữa!
Thế
là ba chị em Uyên, Vũ, Uyển bàn tán không thôi. Đứa thích món nầy, đứa món kia.
Nhưng chỉ được một lúc, đã thấy hai đứa nhỏ im lìm, chúng đang chìm dần vào
giấc ngủ hẳn phải nhiều mộng đẹp.
Bé
Uyên lớn nhất hãy còn thao thức. Bỗng dưng nó thấy nôn nao.
Hôm
nay 15, mai chúa nhật ba được nghỉ. Nó sẽ nhắc ba làm hang đá. Mấy năm trước,
ba đều mua hang đá ở hiệu về trang hoàng thêm. Nhưng năm rồi, ba bảo để tiết
kiệm, nên ba đã tự làm lấy. Những miếng “mốp” trắng mới toanh mua về được ba bẻ
ra từng mảnh vụn, to có, nhỏ có. Lần lượt, ba nhúng từng mảnh vào chén xăng đỏ.
“Mốp” chảy ra biến thành một loại keo đặc biệt tốt. Miếng này chồng lên miếng
kia, chẳng bao lâu hang đá đã thành hình. Có cả những thạch nhũ bên trong hang
đá nữa cơ chứ. Ba đứa bé con cứ há hốc mồm, thán phục nhìn bố. Thỉnh thoảng,
chúng lăng xăng phụ mẹ đưa giúp ba cái này, cái kia.
Ba
đặt hang đá lên mảnh gỗ thông to. Thùng giấy chứa những “đồ phụ tùng” phía sau
xép nhỏ được ba lôi ra. Bụi bám, nhện giăng bên ngoài, nhưng bên trong vẫn thật
sạch. Cẩn thận, ba xếp bộ tượng đất sét nung lên mặt bàn. Mấy sợi dây kim tuyến
vẫn giữ nguyên nét lóng lánh. Cả hai cây thông vẫn hãy còn xanh. Quả chuông
đồng nhỏ hẳn còn sáng bóng! Quả chuông mới xinh chứ lỵ! Năm rồi, mẹ cột vào
phía trên chiếc nơ đỏ trông mới tuyệt! Uyên thích nhất quả chuông nhỏ với tiếng
kêu “leng keng” đáng yêu đó. À! Có cả một bao ni-lông những cọng rơm nho nhỏ
vàng cháy nữa chứ!
Nền
hang đá sẽ được lót bằng gói rơm đó. Bên trên mẹ sẽ xếp tượng, con bò này. Con
bò đang há mồm đo đỏ, hướng về phía máng lừa, nơi Chúa Hài Đồng đang nằm. Mẹ
nói bò hà hơi ấm để sưởi cho Chúa đấy! Cạnh bò, có cả mấy con lừa, vài con cừu
nữa cơ. Chung quanh máng lừa, Thánh Giu-Se, Đức Trinh Nữ Maria, mấy trẻ mục
đồng và mấy vị vua đang quỳ gối, chắp tay thành khẩn chiêm bái. Quả chuông với
chiếc nơ đỏ được mẹ đính phía trên hang đá. Phía ngoài, tuyết trắng được làm
bằng những mẩu gòn mịn màng, sẽ phủ kín. Hai cây thông xanh với tuyết vương
vương sẽ được đặt hai bên cửa hang. Một ngôi sao chổi bằng kim ngân lóng lánh
hướng thẳng vào nơi Chúa ra đời. Mấy sợi dây kim tuyến sẽ được mẹ viền theo cửa
hang. Rồi ba đặt thêm một sợi dây những bóng đèn nho nhỏ xinh xinh, chớp tắt
nhấp nháy đẹp tuyệt trong bóng đêm. Tối đến, mấy đèn trong nhà sẽ được tắt hết,
hang đá đặt ở phòng khách tỏa ánh sáng huyền diệu. Cả nhà sẽ đứng quanh hang đá
chiêm bái tượng Chúa Hài đồng.
Uyên
chợt nhớ đến ngôi sao giấy năm cánh không thể thiếu mỗi mùa Noel. Trên sân
thượng nho nhỏ trước nhà, chắc chắn sẽ có ngôi sao xanh chớp sáng mỗi đêm…
Năm
nay, không biết ông già Noel sẽ cho chị em chúng những gì nhỉ? Ông già Noel
theo mẫu hình, có râu dài tóc trắng, mũ đỏ với túi quà thật to phía sau lưng.
Ông không mang cánh như thiên thần nhưng vẫn bay được trên mây, nhờ chiếc xe có
mấy con lừa kéo! Ngày còn học trong Saint Paul, Uyên có coi cả phim chiếu hình
ảnh ông già Noel đi phát quà cho mấy trẻ con ngoan ngoãn nữa cơ!
Đêm
24, cả gia đình Uyên sẽ đến nhà thờ xem lễ và nhất là để chiêm bái hang đá.
Người lớn ăn mặc trang trọng và trẻ con sẽ được mặc những bộ quần áo đẹp nhất.
Ngoài đường phố, người đi lại dập dìu, thật khó chen chân. Trong nhà thờ, đúng
là khung cảnh một ngày đại lễ. Tiếng chuông sẽ ngân vang, dội vào tâm hồn các
con chiên những âm điệu mơ hồ dồn dập, như thúc giục họ mau chân đến nghiêng
mình bên Chúa. Tiếng chuông nhắc nhở con chiên nhớ lại cũng thời gian ấy, cách
đây đúng 1973 năm, trong một đêm đông lạnh lẽo Chúa đã giáng sinh, làm một con
người như bao con người, để chuộc tội và cứu rỗi thiên hạ…
Đặc
biệt, đêm Noel chị em Uyên sẽ được thức khuya, vì đó là ngày trọng đại trong
gia đình chúng. Lễ đêm xong, về nhà khoảng 10 giờ. Cả nhà sẽ tụ họp ăn
Réveillon. Một con gà quay, dĩa khoai tây rán dòn, một dĩa xôi và mấy ổ bánh
mì, một ổ bánh ngọt… được bày ra. Cả gia đình sẽ vừa ăn vừa thưởng thức chương
trình đặc biệt đêm Giáng Sinh.
Ồ!
Suýt nữa Uyên quên mất một chi tiết tối quan trọng! Đó là việc được quà Noel!
Đi nhà thờ về, khi vừa mở cửa bước vào nhà, chúng bỗng thấy cạnh hang đá mấy
gói quà gói giấy hoa, cột nơ tuyệt đẹp. Chúng reo to, reo ầm lên rồi đến ôm
từng gói quà. Ông già Noel thật cẩn thận, đề tên mỗi đứa! Thế là của đứa nào,
đứa ấy tự mở lấy. Ông bà, ba mẹ sẽ vây quanh chúng, trầm trồ xem quà! Thích
thật! Chả hiểu năm nay Uyên được gì nhỉ? Búp bê đã có năm kia, năm rồi Uyên
được giày vớ. Vũ đã có đầu máy xe lửa, đồ chơi đủ thứ. Uyển cũng thế! Cả bánh
kẹo nữa cơ!
Uyên
nhẩm tính: quần áo đẹp này, đồ chơi hay là sách vở… Thứ gì cũng thích! Nhưng mẹ
bảo rằng tuy ông già Noel ở xa, xa tít trên trời, nhưng ông nhìn biết tất cả
trong mỗi gia đình, đứa bé nào ngoan, đứa nào hư. Ông hiểu rõ mỗi trẻ con thích
gì nữa cơ! Nhưng chúng có được quà như mơ ước không hãy còn tùy! Tùy thuộc
trước tiên vào hạnh kiểm của chúng, kế đó tùy thuộc vào sự hợp lý của ước mơ
mỗi trẻ.
Nói
gì chứ Uyên cũng cảm thấy ngài ngại thế nào ấy! Trong lớp Uyên học chăm lại
được cô khen ngoan này! Nhưng ở nhà, nhiều lúc Uyên cũng hư nữa! Chọc em, giành
ăn rồi cãi vã… Nhỡ ông già Noel cho kèm cây roi thì khổ! Nhưng chắc cũng chẳng
đến nỗi nào, vì từ xưa đến giờ chả bao giờ Uyên bị như thế cả! Tạm yên tâm,
Uyên khoan khoái thở ra một hơi dài trong bóng đêm…
Bầu
trời lấp lánh ánh sao xanh. Mảnh trăng lưỡi liềm tỏa ánh sáng mơ màng. Rồi
tiếng nhã nhạc vang lừng, những cô tiên xiêm y tha thướt, ẩn hiện trong vũ điệu
nghê thường. Nàng tiên chợt biến mất. mấy đám mây ngũ sắc từ đâu kéo đến và ánh
thái dương xuất hiện, rực rỡ. Và ơ kìa! Ông già Noel ngồi trên xe lừa chạy đến,
đậu lên một chòm mây trắng như bông. Ông gia Noel gương mặt đỏ hồng, râu tóc
bạc phơ vừa bước xuống xe, tay cầm túi quà thật to nặng chĩu.
Trẻ
con từ đâu kéo đến, vây quanh ông già Noel. Cả mấy đứa bạn trong lớp cũng có
mặt: Vân Anh, Hương Trang, Bích Liên… Ơ! Có cả mấy đứa con bác Quang, con Yến,
cu Minh, cu Chính!
Uyên,
Vũ, Uyển giục ba:
-
Mau lên ba! Chở tụi con tới mau lên kẻo hết phần!
Ba
cũng hối hả mặc áo, dẫn xe ra ngõ. Chiếc xe nổ máy dòn tan như cũng nôn nao
theo bọn trẻ. Những con đường quen thuộc dần hiện ra: bến Bạch Đằng, Hồng Thập
Tự… Gió thổi lạnh cả hai bờ vai. Uyên và em ngồi nép sau lưng ba, đứa này ôm
chắc đứa kia.
Cuối
cùng, ba chị em nó cũng đã nhập bọn với lũ trẻ, vây quanh ông già Noel. Đứa này
chen lấn đứa kia, xô đẩy nhau, cãi cọ. Thế mà ông già Noel vẫn tươi cười, cứ
xoa đầu đứa này, đứa kia… Rồi ông đặt túi quà xuống, loay hoay mở miệng túi.
Tụi trẻ càng xô lấn dữ dội. Uyên không sao chen vào được! Bé Uyển vừa bị đứa
nào dẫm vào chân, đang khóc vang:
-
Hu! Hu! Hỏng biết đâu! Mét ba cho coi!
Uyên
bối rối quá! Chẳng biết phải làm sao đây! Ba đưa đến nơi, đã tới sở làm rồi,
trưa ba mới rước về! Nó vụng về dỗ em:
-
Nín đi cưng! Lát ông già Noel cho quà!
Con
bé vẫn còn hu hu. Nhưng thật may! Cô giáo của Uyên từ đâu bỗng hiện ra. Cô
nghiêm khắc:
-
Sao các con mất trật tự thế? Năm nay đã học lớp hai rồi cơ mà! Vào hàng!
Lũ
trẻ ngoan ngoãn dạt cả ra phía sau, xếp hàng ngay ngắn, từng hai đứa nắm tay
nhau, cúi đầu im lặng. Uyên thì thầm dặn dò em:
-
Im nghe chưa! Coi chừng cô thấy cưng, cô trả cưng về trường cưng bây giờ!
Con
bé có vẻ sợ, nín khóc nhưng hãy còn thút thít, thút thít. Uyên ôm lấy em, vỗ
về…
Mặt
trời đã lên cao mà Uyên hãy còn ngủ kỹ. Hơn 8 giờ rồi chứ ít à! Vũ chạy nhanh
lên cầu thang, đến lay mạnh vào vai chị:
-
Uyên ơi! Uyên! Dậy đi, xuống coi ba làm hang đá nè!
Uyên
ôm lấy chiếc gối dài, trở sang bên kia. Vũ giằng lấy chiếc gối:
-
Uyên! Dậy coi ba làm hang đá! Ba làm gần xong rồi đó!
Uyên
bàng hoàng dụi mắt. Nó ngớ ngẩn:
-
Gì? Hang đá gì?
Vũ
liến thoắng:
-
Hang đá Noel đó! Uyên quên rồi hả?
Uyên
chợt nhớ đến giấc mơ kỳ thú bèn miên man thuật lại cho em. Thằng bé há hốc mồm
nghe chị kể. Uyên hãnh diện:
-
Chị thấy ông già Noel nè! Ổng có mang theo nhiều đồ chơi nữa…
Vũ
thắc mắc:
-
Sao Uyên hỏng xin?
Uyên
ngẫm nghĩ:
-
Tại tụi nó ồn quá! Cô bắt xếp hàng vô lớp, chưa đứa nào có quà hết!
Noel
năm rồi, Uyên mới học lớp một, nhưng biết đọc biết viết giỏi nên Uyên đã thay
mặt hai em gửi cho ông già Noel một lá thư để xin quà. Nhờ mẹ chỉ chớ thôi Uyên
cũng chẳng biết viết thư thế nào nữa! Mẹ dạy Uyên đề cả ngoài phong bì nữa cơ.
Sau đó, ba nhận đi bỏ thư hộ. Và cách đó hơn tuần, đúng đêm 24, ba chị em chúng
đã nhận được quà, cả một bức thư của ông già Noel nữa. Ông đã ngợi khen chúng
nhưng cũng không quên dặn dò chúng phải bỏ một vài tật xấu. Chúng đã thắc mắc
hỏi ba:
-
Ba ơi! Làm sao thư đến tay ông già Noel hở ba?
Ba
đã giải thích:
-
Thì ba cũng bỏ thư trong thùng thư như thường, giống như khi ba gửi thư cho cậu
Hai chẳng hạn. Nhà Bưu Điện sẽ chuyển thư đi đến người nhận đó con.
-
Mà sao người ta biết “nhà” ổng hở ba?
-
Nghề nghiệp người ta mà con!
-
Mà nhà ổng ở đâu ba?
-
Ở trên trời đó con! Đó là xứ không có trên trái đất. Một xứ thật đẹp đấy con…
-
Bộ cái gì ổng cũng có hả ba?
-
Ừ!
Thế
thì năm nay chúng nó cũng lại viết thư mới được! Uyên đứng lên nắm tay em:
-
Tụi mình viết thư xin quà đi Vũ.
Vũ
ngần ngại:
-
Vũ đâu biết viết làm sao! Uyên viết đi, như hồi đó vậy! Mẹ chỉ đó!
Uyên
tán đồng:
-
Ừ! Rồi! Kêu Uyển lên đi, coi nó thích gì?
Ba
chị em bàn tán sôi nổi, bé Uyển nhắc tới món gì cũng muốn. Uyên lên giọng kẻ
cả:
-
Tụi mình xin mỗi đứa một món thôi chứ! Xin nhiều quá nhỡ ổng không cho làm sao?
Uyển
chu môi:
-
Mà có xin bánh kẹo nữa nha!
-
Ừ! Năm nào ổng cũng cho mình bánh kẹo hết mà! Bộ Uyển quên rồi à?
Thế
là chiều hôm đó, Uyên ngồi nắn nót viết một bức thư cho ông già Noel. Thư được
viết trên tờ giấy học trò phẳng phiu:
Sàigòn
ngày 16 tháng 12 năm 1973
Kính
thưa ông già Noel,
Chúng
cháu là Uyên, Vũ, Uyển viết thư này kính thăm ông.
Năm
nay chúng cháu đều học khá. Chúng cháu vẫn ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ.
Chúng cháu cũng biết nhường nhịn nhau.
Noel
đã sắp đến. Chúng cháu xin ông vui lòng cho chúng cháu xin một ít quà.
Cháu
là Uyên xin được một hộp đựng viết vì cái cũ sắp hư rồi ; Vũ xin được hộp chì
màu mới và Uyển xin con búp bê khác.
Chúng
cháu xin hứa sẽ cố gắng học hành và ngoan ngoãn hơn nữa.
Xin
ông nhận nơi chúng cháu lòng biết ơn và sự yêu mến chân thành.
Kính
thư,
Các
cháu của ông,
Uyên,
Vũ, Uyển.
ÁI THƠ
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 117, số đặc biệt Giáng Sinh, ra ngày 19-12-1973)