Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

CÁNH THIỆP ĐẦU XUÂN - Võ Hồng



Buổi sáng hôm nay tôi đến trường với một niềm vui lớn. Những cơn mưa dai dẳng mùa Đông đã nhường chỗ cho ánh nắng rực rỡ màu vàng. Bầu trời như được rửa sạch và không khí như cũng nhẹ hơn, trong trẻo hơn.

Tôi bước vào lớp. Nhiều nữ sinh đang châu đầu vào nhau nói chuyện thì thầm và chuyền tay cho nhau xem những tấm thiệp chúc Tết. Ừ, lúc nãy ở nhà đưa tay xé tờ lịch, tôi đã bâng khuâng khi chợt thấy rằng hôm nay đã mười hai tháng Chạp rồi. Tháng Chạp là mùa của thiệp chúc Tết, của những “Cung Chúc Tân Xuân”, của những “Happy New Year”.

Tôi đứng dừng lại bàn đầu, cầm lên một tấm thiệp có in một bó hoa hồng đỏ. Tuyết liến thoắng liền:

– Thiệp chúc Tết đó thầy. Thầy thấy có đẹp không?

Tôi gật đầu.

– Thiệp nội hóa đó. Thầy coi cái nầy mới “ác” hơn.

Vừa nói Quỳnh Nga vừa nhanh tay nhón cầm một tấm giơ lên tận mắt tôi:

– Cái thiệp chúc Tết này của Mỹ đó.

– In tận bên Mỹ thì cố nhiên là phải “ác” hơn nhiều.

Tôi hỏi:

– Bao nhiêu một tấm vậy?

– Dạ tám mươi đồng.

Tôi cầm lên một tấm thiệp khác vẽ hình một thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài. Nét vẽ đơn sơ và màu sắc tươi mát. Một tấm thiệp khác vẽ một cành hoa lan, lá lan kéo dài ra, vươn lên cao, chao qua chao lại. Những năm gần đây tôi biết rằng có một số nam sinh đệ Nhị, đệ Nhất đến gần ngày Nô-en và ngày Tết chịu khó mua giấy bìa cứng về pha màu ngồi vẽ những cánh hoa nhiều màu như vậy, rồi đem đếm sỉ nơi các tiệm sách. Họ dùng bàn tay, đôi mắt và khối óc để giành lại quyền lợi, một chút nào thôi, bấy lâu nay vẫn nằm trọn trong vòng thao túng của các nhà in Chợ Lớn. Tôi lại hỏi:

– Một tấm thiệp vẽ như thế này giá bao nhiêu?

– Dạ bốn chục.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi vừa tạm đủ để đợi những học sinh đi trễ. Khi các chỗ trống đã có người ngồi lấp đủ, tôi bắt đầu bài học. Vào giờ ra chơi, tôi cho các học sinh xếp vở sách lại nhưng tôi mời họ ngồi lại trong lớp thay vì để họ tản mát ra sân trường.

Tôi nói:

– Trao tặng thiệp chúc Tết, chúc Xuân là một phương thức tỏ cảm tình với bạn bè, với người quen, một phương thức tốt của một xã hội văn minh. Thế nhưng tôi biết rằng trong số các chị em ngồi trước mặt tôi đây chỉ có một số ít mua thiệp và gởi thiệp.

Tôi dừng một chút. Tôi nghĩ đến điều này nhưng tôi không nói: “Những người đó đều có nhiều tiền và có sắc đẹp, do đó họ có nhiều bạn. Những người nghèo hơn, nhan sắc kém cỏi hơn thường cô đơn giữa bạn bè và mỗi lần thấy bạn họ tíu tít giữa những tấm thiệp, tấm hình, dán tem lên phong bì, viết địa chỉ lên phong bì… thì họ càng cảm thấy lẻ loi cô đơn hơn. Luôn luôn có một hố chia rẽ vô hình giữa những người may mắn và những người kém may mắn. Cái hố đó càng ngày càng được xã hội khơi rộng ra, học đường cũng tích cực góp phần đào xới”.

Tôi đằng hắng nói tiếp:

– Năm nay tôi muốn tất cả các chị em ai cũng gởi thiệp và nhận thiệp.

Có tiếng nói vút lên từ mấy bàn chót:

– Đắt lắm, thầy. Bọn em không có tiền.

Nhiều tiếng xì xào. Tôi lắc đầu:

– Tôi không bắt mỗi người phải mua một tấm thiệp thật đắt.

– Rẻ nhất cũng phải hai mươi đồng. Có tiếng nói.

– Cả ngay mười đồng cũng khỏi phải mua – Tôi ngắt lời – chúng ta dùng một phương thức khác. Trước khi trình bày, tôi xin hỏi: chị em có thuộc luật thơ không?

– Luật thơ gì thưa thầy? – Thanh hỏi.

– Luật thơ lục bát.

Bích trả lời liền:

– Dạ thuộc.

– Còn thất ngôn bát cú Đường luật?

Minh Nguyệt:

– Năm đệ Ngũ cũng có học qua. Nhưng con quên.

– Năm đệ Ngũ cũng có học luật song thất lục bát nữa.

Nguyễn thị Tiến, Mơ, Ánh Huyền cùng ồ lên một lượt:

– Quên hết “chọi” rồi thầy.

Tôi vẫy tay bảo im.

– Rồi tôi sẽ giảng lại cho các chị em áp dụng. Cứ yên tâm.

Tôi lại bảng đen giảng sơ qua về thanh bằng thanh trắc rồi tôi đọc một lô tên học sinh để họ phân biệt xem tên nào thuộc thanh bằng tên nào thuộc thanh trắc. Tiếp theo, tôi tập cho họ hiệp vần. Công việc này dễ dàng vì ai cũng có kinh nghiệm khi học cổ văn. Cuối cùng tôi vừa ghi vừa giảng luật thơ lục bát và thất ngôn bát cú Đường luật rồi bắt họ chép vào vở.

– Hãy tạm dùng hai luật thơ đó. Người nào thành thạo thì cứ tự tiện làm thơ mới, song thất lục bát hay thơ tự do tùy ý.

Hồng Mai:

– Còn đầu đề bài thơ?

– Muốn làm đề gì cũng được. Có thể là tả cảnh, là vịnh sử, là trào phúng, là chúc Tết, là tự trào. Ừ, tại sao lại không làm như ông Nguyễn Khuyến? Các chị em có thể làm thơ tự vịnh, tự trào, vẽ lại khuôn mặt và cá tính của mình để cười chơi. Chẳng hạn:

Thân tôi vừa béo lại vừa lùn.
Da mặt đen sì, tóc lại… lại… lại…

Lý vừa giơ một ngón tay vừa đứng dậy nói ngay như sợ ai cướp mất:

– Tóc lại cột dây thun.

Cả lớp cười rộ lên, cười ngặt nghẽo và tôi cũng không thể nín cười được.

Lê, Trần thị Phái, Hiếu, An thì thích quá ôm chầm lấy nhau.

– Không được, không được – tôi nói – Câu thất ngôn gì lại dài đến tám chữ?

Khải ngồi ở đầu bàn cạnh tôi, lộ vẻ sốt ruột, hỏi:

– Mỗi người làm mấy câu thơ như vậy thầy?

– Cũng lại tùy ý. Nhưng ít nhất cũng phải bốn câu. Thất ngôn bát cú thì tám câu, nếu làm bốn câu thì gọi là tứ tuyệt.

Thơ lục bát thì dài bao nhiêu cũng được nhưng tôi khuyên đừng nên làm dài quá, tốn công chép, phí thì giờ mà ý tứ cũng loãng đi.

– Làm xong bài thơ rồi đem nộp thầy chấm hả? – lời của Thu Hương.

– Nạp cho tôi kiểm duyệt lại, sửa chữa đôi chỗ quá vụng chứ không chấm. Tôi sẽ trả lại cho mỗi người và mỗi người sẽ chép làm sáu mươi bản.

Tiếng xì xồ vang lên khắp lớp đồng loạt, nhao nhao, không còn phân biệt được là của ai. Tôi đã đoán trước phản ứng nên tôi không lúng túng, không ngạc nhiên mà chỉ đợi cho cơn ào ạt qua đi. Lợi cố nói to lên, át giọng ồn ào:

– Thầy bắt chép nhiều quá vậy thì chép gì nổi?

– Nói vậy chớ không nhiều đâu. Nếu em làm bài tứ tuyệt mà chép sáu mươi bản thì tổng cộng có 240 câu mà thôi. Ở bên lớp đệ Tứ II tôi thấy thầy Trạch vẫn bắt phạt học sinh chép 200 lần câu: “Tôi không nói chuyện ồn ào trong lớp và không lén hút thuốc nữa”. Chép 200 câu như vậy thì cũng bằng chép tới 400 câu lục bát.

– Dạ phải. Dạ phải. – Ngọc Mai, Vinh, Thanh Thủy cùng nói.

– Mỗi bài thơ như vậy, chép lên trên nửa tờ pơ-luya. Nên mua giấy màu cho đẹp. Để chép sáu mươi bài thì chỉ cần ba mươi tờ, giá dưới mười đồng. Nhà em nào có máy đánh chữ thì cứ đánh máy. Các em lấy bút chì màu vẽ vời tô điểm cho trang thơ của mình thêm đẹp. Cuối bài thơ nhớ đề tên mình và địa chỉ của mình để sau này lớn lên bạn mình có thể tìm đến thăm. Có thể đề thêm biệt hiệu, bút hiệu.

Soa cười:

– Em lấy biệt hiệu là Mỹ Trang.

– Còn em là Kim Hương.

Tôi gật đầu:

– Điều đó không thiệt hại cho ai hết. Cứ tha hồ chọn.

Đoan Hạnh hỏi:

– Nhưng chép ra chi đến những sáu mươi bản vậy thầy?

– Tôi sắp giải thích. Chừng khoảng hai mươi tháng chạp, mọi người đi học mang theo những bài thơ của mình tới lớp sẽ trao đổi cho nhau. Chẳng hạn Thu Hà sẽ trao bài thơ của mình cho Loan. Loan nhận và trao lại một bản của Loan cho Thu Hà. Tiếp theo Thu Hà lại trao một bản cho Cường và Cường cũng lại vừa nhận một bản của bạn vừa trao một bản của mình. Cứ như vậy cho đến hết lớp. Mỗi người mang đi sáu mươi bản và cuối cùng sẽ nhận lại sáu mươi bản, mang đủ bút tích, tên họ, địa chỉ và tâm tình của bạn mình. Sau đó mỗi người sẽ tự đóng lại, dán một cái bìa thật dày vào rồi tùy ý đặt một cái tên cho tập thơ lưu niệm đó.

Trần thị Minh nói:

– Em sẽ đặt tên là “Lưu bút ngày xanh”.

Thương “xì” lên một tiếng:

– “Lưu bút ngày xanh” quê một cục. Lúc nào cũng “Ngày xanh” với “Mầm Non”! Em đặt tên là “Những dòng lưu niệm”.

Tuyết Hồng ngồi ở ghế cửa sổ hành lang gào to:

– Đặt tên là “Khuôn mặt Tứ I” đi thầy.

Tôi lại gật gật đầu:

– Ai muốn đặt tên gì xin cứ tùy tiện. Quê một cục cũng được, quê hai cục cũng không sao.

Hạnh lên tiếng thúc giục:

– Vậy làm đi thầy. Làm mau đi thầy.

– Nhưng biết các chị em khác có ai phản đối không?

Nhiều tiếng cùng la lên một lượt:

– Không ai phản đối đâu thầy. Làm vậy hay đó thầy.

Mọi người chấp nhận sáng kiến của tôi và ai cũng tỏ ra hăng hái bắt tay vào việc. Tôi giao hẹn một tuần, mỗi người nạp bài thơ của mình cho tôi kiểm duyệt. Tôi sẽ đọc một loạt, sửa chữa qua loa, rồi phát trả lại để họ kịp “lên khuôn”. Ngày hăm ba tháng Chạp, không khí tết nhất đã có vẻ tưng bừng bởi cái lệ ông Táo chầu trời. Chẳng còn mấy nhà nhớ mua áo mão, hia giày bằng giấy để cúng đưa ông Táo, chẳng ai mua cá chép để làm phương tiện giao thông cho ông Táo cỡi về chầu Trời, nhưng câu “Hăm ba ông Táo chầu Trời” thì dường như không ai là không nhớ. Và rõ ràng ngày hăm ba tháng Chạp tôi cảm thấy như bước chân đầu tiên của mùa Xuân đang lững thững đi đến, bước chân trang trọng uy nghiêm như bước chân thứ nhất của Armstrong đặt lên mặt nguyệt. Ngày đó học sinh mang thơ của mình đến lớp để trao đổi. Tôi cảm động khi thấy bàn tay nào cũng nâng niu những xấp giấy pơ-luya nhiều màu. Tôi sắp đặt cho cuộc trao đổi diễn ra có trật tự bằng cách gọi tên từng bàn. Tôi bắt một học sinh đi kèm theo “cô dâu” và tôi giải thích:

– Người đi kèm theo đóng vai phù dâu. Hễ “cô dâu” trao quà cho “chú rể” thì chú rể phải trao quà lại. Cô phù dâu nhận giùm quà đó. Nếu để một mình cô dâu vừa trao vừa nhận thì một lát cô sẽ sắp lộn tứ tung hết, và những tờ giấy nhăn nheo gãy nếp hết.

Công việc trao đổi được tiến hành trong sự tươi vui háo hức. Sau mươi phút thì xong. Người nào cũng mê mải đọc những trang thơ đủ màu thuộc quyền sở hữu của mình. Nụ cười nở trên mọi làn môi và ánh mắt sáng rỡ. Nhiều người đọc nhỏ không chịu được phải ngâm oang oang lên. Và phải kéo người bạn ngồi cạnh bắt nhìn sang, bắt đồng ý với mình.

Tôi cũng có được một tập thơ như vậy bởi tôi đã dặn trước mỗi người nhớ biên thêm một tờ dành phần cho tôi. Tôi cũng vui gần như họ. Nội dung các bài thơ thì tôi đã đọc qua rồi nên tôi lưu ý đến những nét vẽ, đến màu sắc. Thật là đủ lối đủ kiểu, từ nét vẽ chân phương hai con chim đậu kề nhau bên cành hoa mai, đến những hình lập thể kỳ dị.

Ngồi ở bàn thứ hai, Hoàng Anh đọc chậm rãi:

Để kỷ niệm, tôi viết dòng lưu bút
Tặng bạn hiền vì nhân dịp Xuân sang.
Khác với những lời văn trong “Cung Chúc”…
Là những câu Đệ Tứ Một ngang tàng.
 
                            * 

 Ngày mùng Một tao chúc mày “dzui dzẻ”
Và mùng Hai thì mạnh cẳng gãy tay
………………………………………..

Hoàng anh không đọc hết bài, đã cười rũ ra, như có ai cù vào nách.

Tôi hỏi:

– Thơ của ai vậy?

– Dạ của Lê thị Hồng.

Tôi đi xuống giữa lớp. Huệ chìa cho tôi xem một bài thơ chép trên pơ-luya vàng vừa nói:

– Bài nầy nghe được chứ thầy?

Tôi nhìn xuống tên: Trương Kiều Như. Đầu đề: Biển vắng.

Nghiêng nghiêng bãi cát hai hàng
Vi vu dương liễu, ngút ngàn dừa xanh
Người trên bãi biển vắng tanh
Sóng tung cao chẳng vỗ quanh tới bờ.

Tiện tay tôi lật một trang khác viết trên giấy hồng. Tác giả than thở vì mình làm thơ không được mà bị thầy bắt làm thơ nên có câu:

Trời! Trời! Thơ khó làm sao
Đặt đi đặt lại câu nào cũng quê
Bạn ơi xin chớ có chê
Vì tôi tự thuở mô tê đã xoàng.

Tuy nhiên sau một chữ ký bay bướm để giới thiệu địa chỉ của mình tác giả lại chơi snag làm luôn hai câu thơ.

Bao giờ bạn muốn tìm tôi
Xin theo địa chỉ dưới thời gặp ngay:

Mai Ngọc Lang
17 Huỳnh Thúc Kháng

Ngọc Anh kéo tay tôi lại:

– Bài thơ này, của Tịnh Thủy không có đề.

– Tay ấy viết gì trong đó?

– Dạ:

Thương con sông nhỏ xuôi nguồn
Độc hành suốt kiếp, nẻo buồn về đây
Mang thân chim nhỏ lưu đày
Lang thang cô độc ăn mày tình thương

Tôi chưa kịp có ý kiến thì Cẩm Lệ chìa cho tôi một bài thơ của Tân Tân.

Này ông Công chánh hỡi ông ơi
Đường xa dơ ghê dơ gớm thôi
Nắng bụi mưa bùn gà lót ổ
Tiếng kêu vang tận đến ông trời

Thật rõ là sáu mươi con người có sáu mươi tâm trạng. Người thì: “Ngày Xuân nhớ mẹ” người thì “Viếng tháp Bà” người tả “Hoàng hôn người thương “Hoa rụng” người than thở “Chiến tranh”

Rừng già bao phủ màu xanh
Tương lai huyền ảo, hiện sinh mơ màng.

Đinh thị Phương thì thao thức vì chiến tranh:

Từ ngày đất nước loạn binh đao
Giấc ngủ ngày xưa tìm thấy đâu?
Tiếng súng hàng đêm vang vọng lại
Giật mình tỉnh giấc ngỡ chiêm bao.

Nhưng dễ thương nhất vẫn là những bài thơ ngắn mô tả những sinh hoạt ở lớp. Nó cho tôi yên tâm rằng những dòng chữ đó bảo đảm là của người ký tên ở dưới bài. Chẳng hạn bài của Nguyệt Thu thì không thể bảo là “chịu ảnh hưởng” của một bài thơ nào của ai hết:

Chiều nay bát phố thấy thầy tôi
Nhớ đến bài thơ “chết bố” rồi!
Biết viết gì đây mai để nộp?
Đành ngồi hí hoáy mấy vần thôi.

Tôi không thể đọc hết mọi bài vào giờ này. Tôi phải đợi một dịp khác thong thả và tôi biết là khi đọc lại, đọc kỹ, tôi sẽ gặp được những ý ngộ nghĩnh, những ý hay bất ngờ bên cạnh những câu còn vụng về, những chữ hiệp vần sai. Nhưng có hề chi? Không bắt buộc cái đẹp phải toàn bích mà đây là một bó hoa có cả lá cả nụ, hơn nữa, đây là một khu vườn có cây ra hoa, có cây toàn lá, có cả những tảng đá, những lối cỏ, những đường mòn. Tôi nhìn xuống những em học sinh rụt rè, ăn mặc xoàng xĩnh, ngày thường vốn cô độc, ít nói, ít cười. Các em luôn luôn mang cái mặc cảm thua sút về nhan sắc, về tiền tài, các em khép nép, e sợ mỗi lần giáo sư kêu lên bảng, né tránh mỗi lần phải tiếp xúc với bạn bè. Từ nhỏ đến lớn chắc chưa hề nhận được một cái thiệp chúc Tết của bạn và cũng chưa bao giờ gởi một cái thiệp chúc Tết cho ai. Những cái ốc đảo hoang vu đó chắc không thể ngờ rằng hôm nay chính tay mình nhận được từ sáu mươi bàn tay bằng hữu những trang thơ vẽ vời xinh đẹp và bằng hữu cũng lại trân trọng nhận từ tay mình những lời thơ vụng về non nớt của chính mình. Những cảm tình gói ghém trong thơ được trao nhận đồng đều không phân biệt người giàu kẻ nghèo, người xinh đẹp kẻ thô vụng. Những trang thơ đó sẽ được các em trân trọng giữ mãi cho đến năm năm, mười năm, hai mươi năm sau.

Võ Hồng  
   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 145-146, Xuân Tân Hợi, ra ngày 15-1 và 1-2-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com