-Thảo ơi, khuya rồi đấy.
Ngủ đi, chong đèn mãi.
- Vâng, con đi ngủ đây, U Hai ạ.
Tôi với tay bấm nút điện tắt đèn. Căn phòng nhỏ chợt tối như mực quánh đen. Tôi vẫn ngồi im trên ghế. Cơn buồn ngủ chưa đến, nhưng sợ U Hai mắng mãi làm kinh động giấc ngủ của cô Ba, nên tôi tắt đèn để U ngỡ tôi đã vâng lời. Ngoài phòng khách vẫn còn vang vọng lịch kịch tiếng chạm nhau của đồng, của gỗ. Hẳn U Hai còn bận rộn đánh bóng và lau chùi nốt những lư hương, đỉnh trầm vàng đỏ. Chả còn mấy ngày nữa là đến Tết. Tấm lịch treo trên tường đã đổi mới từ hồi Tết Dương Lịch. Lịch đầy ắp tương phản hẳn câu người ta thường nói bây giờ là những ngày cuối cùng của một năm.
Những ngày cuối cùng của một năm. Tết đến rồi đấy. Tết đến rồi đấy mà tôi nghe ngỡ ngàng, xa lạ làm sao. Hôm rời trường nội trú, bà giám đốc đã tươi cười nhìn tôi chúc mừng:
- Con về nhà vui vẻ nhé. Nhớ mồng tám Tết lên đây để kịp ngày học đầu năm nghe. Tha hồ đi chơi chợ Tết.
Tôi mỉm cười gượng gạo. về nhà cũng vậy, ở trong trường cũng vậy thôi, có gì khác đâu. Nhưng tôi vẫn phải về vì cô Ba đã khẩn khoản, nhất là U Hai nằn nì lên tận nơi đón tôi về. Bây giờ, trong căn phòng quen thuộc cũ, trong bầu không khí ấm áp với hương thoang thoảng mùi hoa nhài từ ngoài vườn đưa vào, tôi vẫn không mất được cảm giác cô đơn, bơ vơ. Tôi mở rộng hai cánh cửa sổ. Qua bóng lá, ánh đèn nhà bên cạnh hắt từng vệt sáng rực rỡ. Từ đó phát ra những tràng cười ròn rã, thích thú. Tôi tưởng tượng đến quang cảnh một phòng khách sáng sủa, hai vợ chồng, mấy đứa con. Người cha ngồi đọc báo, người mẹ đùa với các con. Khung cảnh thần tiên mà tôi đã đọc được trong một quyển sách tập đọc. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi được sống như vậy. Vì một duyên cớ nào đó, ba mẹ tôi rời nhau lúc tôi còn nhỏ. Người cô góa cùng với người giúp việc trung thành là U Hai nhận lãnh phần nuôi dạy tôi. Thỉnh thoảng, hoặc ba, hoặc mẹ đến thăm tôi dấm dúi một ít quà, ít tiền rồi đi. Những cái hôn thân tình nhanh và nhẹ như gió thoảng, trong khi tôi khao khát vô cùng từng vòng tay trìu mến của mẹ của ba. Hai năm nay, hình như ba mẹ tôi đã đi đâu xa, tôi nghe U Hai nói thế, và từ đó, không còn ai liên lạc với tôi ngoài U Hai và cô Ba. Người cô góa già nghiêm khắc, lạnh lùng làm tôi khó thể tìm được một âu yếm hoặc một an ủi nào. Mới 15 tuổi đầu mà tôi già dặn quá đi. Tôi ít nói, ít cười và thích sống một mình. Bạn bè cũng ít thân vì tính tôi không thích hợp với cái tuổi tươi trẻ của chúng. Một đôi khi tôi cũng thèm được cười, được nhảy tung tăng trên sân cỏ trong giờ ra chơi, nhưng tôi vẫn không thể nào nhích chân ra khỏi chỗ ngồi cố hữu của tôi trong sân trường dưới gốc cây thông xanh lá.
- Vẫn chưa ngủ hở Thảo. U đã nói biết bao nhiêu lần, chỉ có những người già mới không cần ngủ, chứ con còn trẻ phải ngủ sớm để có sức mà học hành chứ.
Đèn sáng. U Hai bật đèn nhìn tôi nghiêm khắc. Tôi cúi đầu:
- Con chưa buồn ngủ U ạ. Vả lại, con…
- Con buồn quá chứ gì…
U Hai thở dài. Vầng trán cằn cỗi của U nhíu lại. Mái tóc bạc hơn là hoa râm quấn trễ tràng trong vành khăn màu nâu đậm. U đến bên tôi, bàn tay U vuốt nhẹ trên vai tôi. Tôi rời chỗ đứng trở về giường chuồi người trên tấm nệm mát lạnh. U Hai không nói, chỉ kiên nhẫn bước theo ngồi xuống cạnh tôi. Tôi bảo nhỏ với U:
- U tắt đèn hộ con đi U.
- Nhưng con có chịu ngủ đâu, cứ như thế này có ngày ốm chết.
Tôi bỗng giận dỗi ; nói chua chát:
- Thì con có chết cũng là điều may mà U. Có ai muốn cho con sống đâu.
U Hai bịt miệng tôi. Giọng U nghẹn ngào:
- Này Thảo, không được nói thế nhé. Sao lại nói nhăng như vậy? Còn có U, có cô Ba, có cậu mợ…
Tôi vùng dậy. Cậu Mợ. Tôi chỉ muốn hét lên.
- U đừng nhắc đến ba mẹ nữa.
Con chán lắm rồi. Có ai thèm để ý đến con đâu. Có ai ngó ngàng đến con đâu. U…
U ơi con khổ lắm.
Tôi bật khóc như chưa bao giờ được khóc. Bàn tay U Hai vẫn dịu dàng thoa nhè nhẹ tóc tôi. Buồn tủi, uất ức, tôi khóc mãi hình như lâu lắm mà nước mắt tôi vẫn chảy tràn trề. Khóc được tôi thấy lòng vơi nhẹ hẳn đi. Tiếng U Hai trầm trầm vỗ về:
- Thôi Thảo ạ. Cái số con người cả. Có ngày rồi ba mẹ cũng trở về. Con cái là mối dây liên lạc mật thiết nhất trong gia đình. U tin vậy. Có nhiều cặp vợ chồng cắn đắng nhau hàng chục năm trời, nhưng sau rốt cũng vì con cái mà vượt qua được mọi chuyện.
- U an ủi con đấy ư? Con không tin vào đâu cả. Ba mẹ đã bỏ con mà đi rồi. Ai cũng đi cả. U biết không, tất cả đứa bạn con đứa nào cũng có gia đình ưu ái cả. Mỗi buổi chiều thứ bảy, hoặc anh chị hoặc cha mẹ chúng nó đến đón chúng đi chơi. Rồi chủ nhật đến đưa chúng về trường. Mẹ chúng ôm chúng dặn dò, ba chúng cầm tay, hôn lên trán lên tóc chúng. Còn con, U biết con làm gì không, con được hưởng gì không trong những ngày nghỉ học? Con đứng trên lầu, bên cửa sổ để tủi thân một mình.
Tôi gục đầu vào lòng U Hai. Giá như U Hai là mẹ tôi nhỉ, điều đó cũng đủ an ủi tôi biết bao.
- Nhưng lâu lâu U cũng lên đón con về nhà chơi cơ mà, chỉ tại con một hai nằng nặc đòi ở lại. Thôi, để sang năm, U lên trển đón con thường nhé.
Tôi nói trong nước mắt:
- Nhưng con cần một người ba, một người mẹ. Ngoài ra con không cần ai tất.
U Hai lặng thinh. Tôi thấy mình đã nói quá làm U buồn lòng. Tôi vớt vát:
- Cả U nữa U ạ. Nếu không có U, không biết con có chịu đựng nổi tủi buồn không. U là Mẹ thứ hai của con đó U.
U Hai ôm chặt lấy tôi. Đôi mắt nhăn nheo long lanh ướt. U sắp khóc rồi. Tôi cố lái sang câu chuyện khác:
- À U này, tết năm nay xem ra cô Ba định ăn lớn đấy nhỉ.
U Hai trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên. U lẩm bẩm:
- Thật người lạ. Khi vui, khi buồn, khi khóc.
Rồi U cũng cười xòa, nói to:
- Kể ra thì năm nay cô Ba ăn Tết to hơn mọi năm. U cũng không biết nguyên nhân vì đâu, nhưng hình như cô Ba có người cháu họ về ăn Tết ở đây. U nghe thế nhưng không biết có đúng không.
- Ủa, cô Ba có cháu họ mà trai hay gái? Sao con chẳng nghe cô Ba nhắc đến bao giờ?
- U cũng không biết được. Cô Ba kín quá mà. Nghe nói ngày mai là cô ấy đến.
- Con gái hở U? Không biết lớn chừng nào nhỉ?
- Hình như chỉ bằng con thôi. Thế là có bạn đỡ buồn nhé. U cũng mừng lắm. Như vậy là có họ với con đó, họ xa.
Nhưng tôi không mừng như U Hai. Nhà chỉ có một căn phòng này. Người chị em họ nào đó nhất định sẽ ở cùng một phòng với tôi. Như vậy, tôi sẽ không được quyền ngồi một mình, làm những việc riêng tư một mình, suy nghĩ một mình.
Tôi cảm thấy hơi bực bội. Thế rồi trước mắt tôi, tôi tưởng tượng người chị em họ xa đó với gương mặt khinh khỉnh, lạnh lùng, gương mặt phá bỉnh, vô duyên. Nếu họ biết cha mẹ mình bất hòa chắc họ sẽ làm cao dữ lắm nhỉ. Tôi nghĩ thầm như vậy. Hoặc sẽ thương hại tôi. Cả hai ý nghĩ trên tôi đều thù ghét.
- Tết con định mặc áo màu gì nào?
Tôi giật mình. Ừ nhỉ. Tôi sẽ chọn chiếc áo nào để mặc trong ba ngày Tết. Một ý thích đến nhanh, một chút chua chát lẫn lộn. Tôi buột miệng:
- Con mặc áo dài trắng được rồi.
U Hai kêu lên:
- Áo dài trắng? Con điên rồi! Cữ lắm. Ai lại đi mặc như đưa đám tang vậy. Con lấy cái áo màu hồng mà mặc.
- Trời đất với con làm gì có màu hồng U.
U Hai trừng mắt nhìn tôi. Nhưng chắc U thấy mặt tôi thảm quá nên U vội đánh trống lảng:
- Nếu chưa buồn ngủ, con xuống bếp xem U trở mứt. Đi, nhớ đóng cửa sổ lại.
Người khách mà U Hai nói với tôi đêm qua đã đến. Đó là người chị họ, họ thật xa mà tôi chưa lần nào thấy mặt cũng như nhắc nhở. Uyên, tên chị, thật sự chỉ trạc bằng tuổi tôi, nét mặt ngây thơ tươi trẻ hơn, không giống như tôi đã tưởng tượng. Và quả như đã tiên đoán, sau khi giới thiệu Uyên với tôi, cô Ba bảo hai đứa ở chung một phòng. Ý giả cô Ba muốn tôi vui hơn nhờ có bạn.
Cũng trong ngày hôm đó, tôi được U Hai cho biết một tin không biết vui hay buồn. Ba mẹ tôi sau hai năm làm ăn xa đã trở về Sài Gòn. Hai người có đến thăm tôi, nhưng lại trùng hợp giờ đến, vì không muốn nhìn mặt nhau lúc đợi tôi (tôi phải đưa Uyên đi phố mua vài món đồ cần thiết), cả hai đã bỏ về sau khi đã để lại quà.
- Cái gói xanh là của cậu, còn gói có hoa hồng in là của mợ. Trời, trông mợ trẻ và đẹp ra. Còn cậu thì hơi già.
U Hai nói chuyện huyên thuyên. Hai gói giấy màu tươi nằm chễm chệ trên mặt bàn. Tôi rờ vào gói giấy lòng đau như dao cắt. Ba mẹ có cho con tình thương trong những vật vô tri vô giác này không. Ba mẹ có biết là con chẳng cần gì hơn là một mái nhà có đầy đủ ba mẹ. Những ngày Tết mang ý nghĩa của sự sum họp đầm ấm thân yêu mà sao con vẫn cô đơn, lạnh lùng hơn bao giờ hết Ba Mẹ ơi. Tôi gục đầu trên mặt bàn. U Hai giọng run run vỗ về:
- Con đừng buồn. Tết này thế
nào mợ cũng đưa con đi chơi. Mợ có nói với U như thế. Cậu thì bảo ra Tết cậu
còn ở đây những hơn một tháng cơ.
Tôi quay ngoắc lại:
- Con không cần U à, quà cáp, tiền bạc có nuôi nổi tình thân gia đình không hở U? Con đầy đủ, có áo có quần, nhưng đời sống tinh thần của con lại kém xa những đứa trẻ nghèo nàn trong mái nhà tranh lụp xụp ngoài kia kìa. Phải chi đánh đổi, con bằng lòng ngay. Con không cần gì hết, không cần những thứ vô tri vô giác này.
Tôi chồm dậy vớ lấy những gói giấy quăng lung tung, rồi khóc nấc lên. U Hai hốt hoảng lên đóng cửa phòng lại, nhưng không kịp. Tiếng Uyên dịu dàng ở phía cửa:
- U Hai, chuyện gì xảy ra cho Thảo vậy?
U Hai vắn tắt mấy lời giải thích. Uyên lại bên tôi an ủi:
- Đừng buồn Thảo ạ. Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống lại chẳng ai bằng mình. Dù sao đi nữa, con cái cũng không có quyền oán trách cha mẹ.
- Thôi, cô ở đây chơi với em, cô rán an ủi nó giúp tôi. Tôi tuy chỉ là người giúp việc nhưng thương Thảo như con đẻ. Tôi ở với nó từ ngày nó mới sinh. Thấy nó buồn phiền bỏ cả học hành tôi ái ngại quá.
- Vâng, U cứ tự nhiên, để con nói chuyện với Thảo.
Tôi không còn muốn khóc nữa. Lòng tôi như tẻ lạnh rồi. Ừ, cho dù năm này hay săng năm, giỗ Tết hay ngày vui, sinh nhật, không có tình thân gia đình tôi cũng phải cố mà chịu đựng. Tôi cứ xem tôi như là đứa bé mồ côi, không cha không mẹ. Đau đớn làm gì, nuôi dưỡng làm gì lòng sầu thảm, nỗi ước ao buồn tủi xa vời. Hạnh phúc gia đình bên cha bên mẹ như ngôi sao trên trời xa, đẹp đấy nhưng với tôi thì vô vọng. Tôi lau sạch nước mắt nhìn thẳng vào mặt Uyên:
- Cám ơn Uyên đã an ủi Thảo. Nhưng mà đó, Uyên xem, có ai mà không ao ước được sống đầy đủ bên cha bên mẹ. Có ai mà ngày lễ Tết chỉ biết nhìn thiên hạ vui chơi còn mình thì buồn như đưa đám. Vì vậy nên Thảo khóc, Thảo buồn. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Mười mấy năm sống như vậy cũng quen đi phải không Uyên?
Uyên không nói, dắt tay tôi ra khỏi phòng.
- Mình ra ngoài vườn nói chuyện đi Thảo. Uyên hy vọng là chúng mình sẽ có giải pháp, tệ nhất là cũng làm cho Thảo bớt phiền muộn.
Tôi đi theo Uyên. Buổi chiều đã xuống. Màu trời xám ảm đạm của ngày cuối đông trông buồn lạ. Gió xào xạc qua những cành lá non tươi mướt. Lá khô kêu lào xào dưới chân. Bụi hoa nhài trăng trắng những búp non chờ đến đêm khai hoa. Hoa thược dược dịu dàng căng mịn như nhung. Đã có tiếng trẻ con cười vui áo mới. Tiếng pháo súng tí tách ngoài hè đường. Tôi ngửi thấy mùi mứt nồng ngọt và chút hương trầm nào bay bay.
- Chợ Tết Sài Gòn đẹp quá Thảo nhỉ?
Tôi đáp ngập ngừng:
- Thảo thấy cũng vậy, chỉ ồn hơn và nhiều hàng họ hơn.
Uyên cười:
- Thảo mâu thuẫn thật. Cái đẹp cái vui là ở chỗ bày hàng và người đi mua sắm đồ tết đó. Ngày mai, Thảo dẫn Uyên đi chợ hoa nghe. Không có Thảo, chắc Uyên đi lạc quá.
Tôi cười buồn:
- Uyên muốn thì Thảo hứa. Nhưng mà này, sao Uyên không ở nhà ăn tết mà lại vô đây với cô Ba? Ở nhà ăn tết với gia đình không thích sao?
Uyên lại cười:
- Đâu có, mồng một Tết, ba má Uyên sẽ vô thăm cô Ba rồi Uyên sẽ theo ba mẹ về luôn mà.
Tôi im lặng. Thì ra thế, ai
cũng có gia đình để trú chân, để đưa đón. Rốt cuộc, tôi thấy mình cô đơn quá.
Uyên ái ngại hỏi:
- Thảo lại buồn rồi. Nhưng này Thảo, Uyên hỏi thật là Thảo có thương ba me Thảo không? Ba me Thảo đối với Thảo thế nào?
Tôi lạ lùng nhìn Uyên. Một thoáng dè dặt. Có nên nói hay không. Có nên bày tỏ tất cả chuyện gia đình mình cho người khác biết không? Tôi nhìn kỹ Uyên. Gương mặt Uyên nghiêm hẳn lại, đứng đắn hẳn ra. Kể tâm sự mình cho một người cùng lứa tưởi, dễ dàng thông cảm mình cũng là một điều nên làm lắm.
- Nói đi Thảo. Uyên chỉ cần biết ngần ấy thôi, còn những gì khác, Thảo khỏi phải kể mà.
Tôi thở một hơi dài:
- Được rồi, Thảo trả lời đây. Hỏi rằng Thảo có yêu ba má không thì thật tình, nói cho đúng với những gì mình nghĩ là Thảo yêu cả hai người. Cả ba lẫn mẹ, Thảo vẫn kính trọng, vẫn nhớ thương, vẫn ước ao được nghe lời dịu dàng của mẹ, được ba nắm tay dắt đi dạo phố. Những hình ảnh lờ mờ ngày còn bé thật bé vẫn còn in hình trong lòng Thảo. Thảo nghĩ đó là một cái gì giúp cho Thảo sống được, hy vọng được. Còn ba mẹ Thảo, hai người có thương Thảo không thì Thảo… có thể hai người đều thương Thảo như nhau, bởi vì ba mẹ vẫn còn nhớ tới Thảo, vẫn mong nuôi nấng Thảo cho riêng mình. Khi thì me năn nỉ, khi thì ba năn nỉ đòi Thảo về ở, nhưng…
- Như vậy có nghĩa là ba me vẫn còn thương Thảo?
- Thảo còn tin là thương Thảo nhiều lắm.
Uyên ngập ngừng:
- Thảo xem thử có nên về ở hoặc với ba hoặc với me được không?
Tôi nói to, giọng chắc nịch:
- Không, không bao giờ Thảo về với một trong hai người. Thảo không muốn từ đó, Thảo hoặc mất hẳn ba, hoặc mất hẳn mẹ. Chẳng thà, Thảo cứ sống thế này. Thảo muốn một gia đình toàn vẹn chứ không muốn một gia đình cắt ra làm hai. Mất một trong hai người, Thảo đau đớn như nhau. Thảo van Uyên đừng có khuyên Thảo như vậy.
Sau câu nói đó, cả hai chúng tôi đều yên lặng. Buổi chiều yên tĩnh lạ thường, chỉ còn bước chân dẫm lên lá buồn tênh. Hình như mùa xuân chỉ rực rỡ ở những nơi nào. Những âm hưởng của ngày tết thuở còn bé chỉ lờ mờ như sương, mong manh dật dờ trong tiềm thức. Tôi mới 15 tuổi. Cái tuổi mà nhiều người gọi là tuổi trăng rằm, tuổi mùa xuân. Tuổi mà Tết đến, lễ lạc là chuỗi cười vui dài, là nỗi hân hoan tràn ngập hồn. Tuổi mà áo mới may là ao ước, guốc mới mua là để se sua. Thế nhưng với tôi, hình như có đám mây đen che ánh sáng của trăng tròn, có mưa rào giữa mùa xuân. Tôi không còn ham thích áo mới, guốc đẹp. Tết, lễ là thời gian cô đơn nhất, buồn phiền nhất cho tôi. Chỉ còn một nỗi ước ao tràn trề, ước ao đầy dẫy là có một gia đình đầy đủ bố mẹ trong hòa thuận và niềm vui, thì tôi không bao giờ bắt gặp.
- Giận Uyên đấy hở Thảo?
Tôi nắm lấy tay Uyên nói nhẹ nhàng:
- Không, không phải vậy đâu. Ước gì Thảo có một tâm hồn tươi vui như Uyên nhỉ.
Uyên kéo cánh tay tôi ra dấu ngồi xuống. Ghế đá lạnh buốt. Tôi rùng mình. Uyên ngồi sát bên tôi, nói nhanh và sắc:
- Thảo này, Uyên nhận thấy là Thảo không thể kéo dài tình trạng này nữa. Nếu cứ mãi thế này, có ngày Thảo sẽ liệt giường cho mà xem. Nếu Thảo cứ để cho buồn phiền xâm lấn mình, làm chủ mình thì Thảo đã tự đốt hết tương lai của mình đó. Nhưng Uyên thấy ở trường hợp Thảo, thật khó tránh khỏi. Chỉ còn cách làm thế nào để ba và me Thảo sum họp trở lại. Cha mẹ nào mà không thương con, vả lại Thảo cũng đã biết nghĩ suy rồi. Thảo có thể khuyên can hai người dẹp hết tự ái để vì Thảo, sống cho tương lai của Thảo.
Có thể như vậy được chăng? Có thể có sự sum họp của hai người vốn đã không còn muốn nhìn mặt nhau nữa? Tôi lắc đầu:
- Khó lắm Uyên ơi.
Uyên cương quyết:
- Thảo không biết đó thôi,
chứ Uyên nghĩ rằng có thể được với điều kiện người trung gian phải là Thảo.
Thảo là sợi dây liên kết giữa hai người mà. Nhất là ba me Thảo chỉ vì tự ái cao
mà xa nhau khiến cho gia đình tan vỡ. Thảo nghe lời Uyên, bắt đầu ngay ngày mai
đi. Theo Uyên, đó cũng là bổn phận của con cái nữa. Hãy đóng vai trò hòa giải
trong gia đình với khả năng và địa vị trong gia đình.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ. Những lời nói của Uyên như một vài giọt mưa ngọt ngào rớt xuống lòng tôi. Giọt mua ngọt làm sống lại những hy vọng, hy vọng thật nhỏ nhưng cũng đủ cho tôi tưởng tượng đến một ngày thành công. Ôi sung sướng, hạnh phúc. Tiếng Uyên vang đều đều:
- Nói để Thảo yên lòng : đây không phải chỉ là ý kiến của Uyên đâu mà là ý của cô Ba, của U già nữa. Ai cũng nghĩ là chỉ có Thảo mới giải quyết được tình trạng này.
- Thế mà từ lâu nay, cả U Hai lẫn cô Ba có ai đưa ý kiến đó với Thảo đâu?
Uyên dịu dàng:
- Bây giờ không muộn đâu Thảo ạ. Theo Uyên, bây giờ mới đúng lúc. Mấy năm trước, Thảo còn nhỏ quá đâu có thể nói năng với ai được.
Tôi siết chặt tay Uyên biết ơn. Người bạn mới, người chị họ chưa biết mặt này đã giúp cho tôi ngả đường thoát khỏi cái buồn rầu hắc ám của phiền muộn, bơ vơ.
- Uyên hy vọng là tết năm nay, Thảo được ăn một cái tết gia đình thật vui, thật đầm ấm.
Tôi mỉm cười. Lần đầu tiên tôi cười mà lòng tôi muốn cười. Lần đầu tiên tôi thấy mến yêu một người bạn thật tình. Tôi đưa Uyên đến gốc mai ở cuối sân cạnh hàng rào. Những cành mai vàng như rực rỡ hẳn lên. Cả khu vườn lao xao tiếng gió. Một cánh mai rơi đậu trên tóc Uyên, tôi chợt thốt:
- Đẹp quá.
*
Theo kế hoạch của Uyên, tôi
đến thăm me tôi trước. Chiếc cổng xanh và ngôi nhà với những con số tôi thuộc
nằm lòng ám ảnh tôi mãi trên bước đường đi. Tôi sắp sẵn những câu nói, những ý
nghĩ trong đầu để mong không bị những cảm xúc lấn át cả lời nói. Cổng mở rộng.
Tôi đi thẳng vào trong. Tôi gõ cửa. Hình như có bước chân người di động. Tôi
nín thở. Me tôi kêu lên trước:
- Trời ơi! Thảo. Thật là tình cờ. Con đến thăm me phải không?
Tôi như bứt hơi không trả lời được chỉ gật đầu. Mi mắt cay cay. Tôi giận cho cái tính mau nước mắt của mình.
- Con vào đây. Con có thấy quà của me chứ? Me định đón con tết này đi về miền Tây chơi, thăm cậu Tư luôn thể.
- Me.
Tôi nói một cách khó khăn. Nhưng hình như me tôi không nghe gì cả. Bà lăng xăng lấy nước ngọt. Tiếng ly chạm, tiếng mở, đóng tủ lạnh, tiếng nước đá lộp cộp. Như đãi một người khách. Tôi khó chịu.
- Me, con có việc cần nói với me.
Me tôi ngồi sà vào cạnh ghế. Bàn tay bà vuốt tóc tôi nhẹ nhàng.
- Nào có việc gì cứ nói cho me nghe. Con định xin tiền tiêu Tết chứ gì. Cứ yên tâm, khi nào về thì nhắc me.
Tôi la to:
- Con không cần tiền mà.
Me tôi ngồi nhỏm dậy. Hình như bà đã ý thức được là tôi có chuyện muốn nói thật. Bà lặng thinh đi vào chiếc ghế đối diện.
- Me có biết là con không cần tiền, con không cần vật chất, con chỉ muốn có tình thương của ba của me.
- Thế me vẫn thương con mà. Chỉ một mình con me không thương thì thương ai bây giờ.
Tôi nghẹn ngào đến nói không nên lời:
- Ba me thương con! Thương con mà ba me hàng năm mới đến thăm con một lần, một chút quà, chút tiền rồi me cho đó là đủ sao? Không, con không cần lối thương con như vậy. Con muốn là con trong một gia đình, chung một mái nhà. Ba me có biết là con bơ vơ lắm không? Con buồn khổ lắm không?
Me tôi cúi mặt, giọng bà trầm hẳn xuống:
- Con không hiểu me gì cả. Chuyện ba với me… Thật tình… thôi, mà con cũng không nên nghe chuyện dĩ vãng làm gì. Bây giờ là chuyện của con. Con cứ nghĩ là me thương con lắm là đủ.
- Con làm sao nghĩ như vậy được khi con không được sống trong gia đình đầm ấm. Con nghĩ con có tình thương, tình gia đình sao được, khi ba me không hòa thuận với nhau.
Me tôi suy nghĩ một phút rồi nói nhanh:
- Hay con về ở chung với me đi. Me hứa sẽ bỏ tất cả những dịch vụ làm ăn xa để ở gần con hoài.
- Me ơi, nếu me thương con, sao ba me không dẹp tự ái, chung sống lại với nhau để con được có ba me đầy đủ, có một mái nhà như những bạn bè thân thuộc. Sống một mình tủi lắm me.
Tôi khóc nấc lên. Tôi không dằn được nữa rồi. Tiếng me tôi trả lời như ngọn roi quất mạnh vào tôi, bao nhiêu chua cay, bao nhiêu thất vọng tiến tới chèn ép lấy tôi.
- Không, trăm ngàn lần là me không về với ba con nữa. Me đâu cần ba. Me không thể hạ mình để xin xỏ tình thương của ai cả. Theo me, con nên về sống với me là hơn cả.
Tôi không còn muốn nghe thêm một lời nào nữa. Có lẽ thế giới của tôi là muôn đời bơ vơ, cô đơn trong ngôi trường nội trú, trong căn phòng vắng vẻ, lạnh lùng. Tôi nhỏm dậy chạy vụt ra cửa mặc cho tiếng kêu của me tôi rối rít đằng sau.
Uyên đón tôi ở tận cổng nhà. Thất vọng đến nhanh đến nỗi tôi không còn có thể khóc được nữa. Mặt tôi chắc phải dễ sợ lắm đến nỗi Uyên kêu lên:
- Có chuyện gì vậy Thảo? Làm Uyên sợ quá, Thảo.
Tôi không thể nói với Uyên một lời nào. Tôi cứ thế yên lặng bước vào phòng, nằm vật ra giường, đầu vùi trong tấm chăn lớn. Bây giờ nước mắt mới chảy ra, cuồn cuộn.
- Thảo ơi, nếu me vậy, vẫn còn ba cơ mà. Đàn bà khi nào cũng tự ái hơn đàn ông. Uyên khuyên Thảo nên hy vọng và thử một lần nữa xem. Chiều đến ba Thảo đi.
- Không, Thảo không đi đâu cả. Thảo sợ những câu nói lạnh nhạt quá rồi. Thảo… không ai… thôi Uyên ơi.
- Hay thế này Thảo nhé. Để Uyên đến ba Thảo cho. Chắc với Uyên, Uyên dễ nói hơn. Để Uyên giúp Thảo thử xem. Cho Uyên địa chỉ của ba Thảo thử nào.
Uyên năn nỉ mãi đến khi tôi không chịu được nữa đành trao cho Uyên địa chỉ của ba. Nhưng tôi không còn tin tưởng gì cả. Ba me tôi vẫn còn giận nhau đến thế ư? Tôi còn trông mong gì nữa. Nói như U Hai chắc đó là số mệnh.
Tuy thất vọng, nhưng từ lúc Uyên thay áo dài ra đi tôi bồn chồn nóng ruột vô cùng. Tôi trông Uyên từng giờ từng phút. Mà sao Uyên đi lâu quá đi mất. Tôi giúp U Hai làm xong cả một thau mứt dừa to tướng mà Uyên vẫn chưa về. Có chuyện gì vậy? Uyên đã nói gì và ba có nhận chịu đề nghị ấy không? Tôi thấy thật khó khăn.
Trời sụp tối lúc nào không hay và đến khi bữa cơm được dọn ra Uyên mới về đến nhà. Tôi không tiện hỏi, chỉ chăm chú nhìn mặt Uyên. Gương mặt Uyên có vẻ hớn hở. Trông thấy tôi, Uyên nháy mắt hai ba lần. Chả nhẽ Uyên thành công chăng? Tôi khó có thể ăn thêm bát cơm thứ hai. Cái no từ đâu đến tràn ứ. Uyên hiểu tôi bồn chồn lắm nên cũng không nỡ để tôi chờ lâu. Khi thấy tôi đứng dậy rút về phòng, Uyên cũng theo gót. Cửa phòng vừa đóng lại là Uyên đã nói ngay:
- Có hy vọng lắm, Thảo ơi. Uyên đi là nhất nghe. Uyên còn đến nhà me Thảo nữa. Chính ba Thảo cho địa chỉ đó. Thật tình hai ông bà đều thương Thảo cả. Vì tự ái nên sinh ra khắc nhau đó thôi.
- Thế ba me Thảo bằng lòng hòa thuận với nhau phải không Uyên? Nói cho Thảo nghe từ đầu đến cuối đi.
- Bây giờ chỉ mới là giai đoạn đầu thôi Thảo ạ. Cần phải có sự gặp nhau và sự thông cảm giữa ba và me Thảo nữa. Nhưng Uyên thấy lạc quan vì ba me Thảo đều thương Thảo lắm. Đó là đầu mốc để ba me Thảo dễ dàng dẹp bỏ tự ái đó.
Tôi lo lắng:
- Nhưng làm thế nào để ba me Thảo có thể gặp nhau?
- Uyên lo hết rồi. Hai người sẽ gặp nhau để nói chuyện tại đây này.
- Tại nhà cô Ba?
- Chớ sao! 9 giờ sáng mai, nhưng với điều kiện là không có mặt Thảo.
- Không có mặt Thảo? Như vậy làm sao Thảo biết ba me bằng lòng hòa thuận với nhau thế nào?
- Uyên đề nghị là Thảo tạm lánh mặt trong phòng để ba me Thảo nói chuyện, khi xong xuôi sẽ kêu Thảo ra. Chịu chưa?
Tôi mừng vui quá. Lạy trời cho Tết năm nay là Tết mở đầu cho cuộc sống hạnh phúc, sung sướng nhất của con. Tôi lầm thầm lời cầu nguyện. Uyên nói tiếp:
- Ba Thảo cũng khó ghê, nói mãi ba Thảo mới chịu gặp me Thảo đấy. May cái là ba Thảo biết mặt Uyên hồi nhỏ nên ba Thảo nhận ra Uyên ngay.
Tôi đâu còn muốn nghe gì thêm nữa, chừng đó cũng đủ nhóm lại hy vọng đã một lần tắt ngọn trong lòng tôi hồi sáng nay. Bây giờ hy vọng lại trở về mà cao hơn, tràn trề hơn. Tôi bật tung hai cánh cửa sổ để gió luồn vào phòng thổi phồng tấm màn màu xanh phớt.
- Nhớ xong xuôi việc phải dẫn Uyên đi chợ Tết đó nghe Thảo. Bữa nay tha, mai mốt phải giữ lời hứa đó.
Tôi gật đầu, siết chặt tay Uyên thầm thì:
- Dẫn Uyên đi hết Sài Gòn cũng được nữa là.
Uyên đùa:
- Gọi người ta bằng chị đó ạ. Gọi tên là vô phép lắm đó bạn.
- Vâng thưa chị ạ.
Chúng tôi đồng cười vang. Ngày mai. Chắc ngày mai vui lắm.
*
Tôi lắng tai nghe. Căn phòng
tưởng như có thể vang vọng tiếng nhịp tim đập liên hồi của tôi. Đã hơn 15 phút
rồi, ngoại trừ tiếng mời uống nước của Uyên, ngoài ra tôi chỉ nghe tiếng giày
của ba tôi đi đi lại lại ở ngoài phòng khách. Tim tôi như vỡ tung. Cánh cửa
phòng ngăn chặn những câu nói nhỏ. Nếu không có lời căn dặn của Uyên tôi dám đạp
tung cửa phòng, chạy ra đứng trước mắt hai người khóc lóc van xin. Ba me tôi
ngồi ngoài kia ở phòng khách. Hai người và tôi, đứa con, đang ở trong một căn
nhà. Ước ao đó, bây giờ đã có, chỉ cần những lời nói thân yêu dịu dàng với nhau
là tất cả đẹp đẽ. Mặt tôi đầy ắp nước mắt. Tôi ngồi trên chiếc ghế kê gần cửa
phòng lẩm bẩm cầu nguyện.
- Thế nào, bà có đồng ý với nguyện vọng của con Thảo không?
Tiếng ba tôi. Tôi lắng tai nghe.
- Vì thương con, có thể tôi nhận lời ông, nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì? Bà suốt đời là những điều kiện này, điều kiện khác. Bà không có quyền ra điều kiện.
- Nếu ông không bằng lòng thì tôi không nói. Bởi nếu tôi nhận lời là vì con tôi chứ thật ra tôi đã thề suốt đời…
- Bà là mẹ, bà không làm đầy đủ bổn phận của người mẹ, như vậy bà đâu có thương nó. Đừng viện dẫn lý do này nọ. Tại sao con thảo nó khổ? Vì ai? Chắc bà hiểu hơn tôi.
- Vì ai? Bộ ông tưởng ông có đầy đủ bổn phận vói nó lắm sao? Con Thảo nó khổ là vì ông, vì ông, ông biết không? Lúc nó còn nhỏ, mới hai tuổi, ông…
- Bà im đi, đừng có nhắc đi nhắc lại, ở đây không phải là nhà trống.
- Ông vẫn vũ phu như ngày nào. Như vậy tôi làm sao sống với ông được.
- Bà nên nhớ là tôi không cần, tôi không cần. Cả chục năm nay, tôi không có bà vẫn sống đời sống nhàn nhã như thường.
- Tôi sẽ bắt con Thảo về ở với tôi.
- Bà không có quyền. Con Thảo là con tôi, nó phải ở với tôi.
Tôi bịt chặt hai tai lại. Những câu nói, câu hét ngoài phòng vang vang vào như những lát dao xé lòng tôi thành từng mảnh. Hy vọng tôi tan như bọt nước. Tôi không còn đủ sức để giữ cho người ngồi vững trên ghế. Đau đớn như giết lần tôi. Tim tôi co bóp từng chặp. Ba me có thể cho nhau những lời nặng nhẹ đến vậy sao? Ba me thù ghét nhau đến thế sao? Như vậy con không là gì cả. Con chỉ là gánh nặng bất đắc dĩ. Con chỉ là đứa trẻ vô phúc, vô phúc từ khi nghe ba me cắn đắng nhau, độc ác với nhau. Tôi rũ người ra thành ghế. Cô đơn nghẹn ngào chặn cứng ngang ngực. Có tảng đá nào đặt trĩu trên đầu. Nước đá xát lạnh sau sống lưng. Ngực tôi thắt lại, Tôi hét to lên một tiếng để nước mắt vỡ òa và từ đó tôi không biết gì nữa…
*
Người đàn bà, người đàn ông
ngồi đối diện với nhau trong phòng đợi của một nhà thương. Hai người không nói
với nhau một lời nào. Nhưng hai gương mặt đều mang vẻ lo âu và buồn rầu. Một lúc
sau, người đàn ông lên tiếng trước:
- Chúng ta đã lớn tuổi rồi, sao chúng ta cứ cư xử với nhau như ngày còn trẻ? Người nào cũng tự ái, người nào cũng nghĩ đến riêng mình mà không thèm chú y đến con cái, không thèm biết con cái của chúng ta có thỏa mãn với những tiền bạc, quà cáp mà chúng ta nuôi dưỡng chúng. Chúng ta quên mất đi phần tinh thần của con để đến nỗi ngày hôm nay xảy ra câu chuyện như thế này. Tôi và bà đều có lỗi với con. Tôi và bà đã không làm tròn bổn phận làm cha làm mẹ. Bây giờ, cớ sự thế này, bà nghĩ thế nào…
Người đàn bà gục mặt vào hai tay nghẹn ngào:
- Còn gì nữa, ước ao của con Thảo là muốn có một gia đình ba mẹ hòa thuận nhau, muốn có một mái nhà thật đầm ấm. Tôi với ông đã phá vỡ mái nhà đó trên chục năm nay. Tôi với ông không thèm biết đến hậu quả đáng buồn cho con sau này. Thì hiện tại, những ngày sau này mình sống cho con, sống vì con để con khỏi khổ.
- Thật ra, ngày xưa, chúng ta đã đặt tự ái lên trên bổn phận. Rồi suốt từ đó đến nay, tự ái lại ngăn cản chúng ta hối lỗi. Nếu không có cháu Uyên, có Thảo, chắc chúng ta cứ lầm lẫn hoài như vậy.
- Tội nghiệp con mình. Cứ suốt năm Tết đến, ai ai cũng sum họp với cha mẹ, anh em, chỉ mình nó thui thủi, ba đi đường ba, mẹ đi đường mẹ.
- Thì năm nay, tôi với bà phải làm sao để con nó được ăn một cái Tết thật vui, thật đầy ý nghĩa.
Có tiếng kẹt cửa. Người đàn ông đứng bật dậy, trong lúc người đàn bà ngẩng đầu mắt mở lớn chờ đợi. Vị bác sĩ cổ còn lủng lẳng ống nghe bước ra cùng với cô y tá. Ông tươi cười nói với khách:
- Cháu đã tỉnh lại rồi, mời hai ông bà vào, không có gì đáng ngại cả. Cháu chỉ bị xúc động mạnh thôi. Cháu có thể về ăn Tết kịp mà.
KIM HÀI
(Sóng Vàng)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Tân Hợi, 1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.