Bằng
cái kéo và với những cái vuốt tay thật khéo, món quà Bảo chọn để tặng
Ba chỉ trong năm phút đã được gói kỹ lại bởi lớp giấy bóng nền hồng và
những lọn noeud đỏ cong vút hoặc lòa xòa xuống góc thật xinh. Nhìn đôi
mắt lấp lánh ánh đèn của Bảo ló lên mặt tủ kính và hai má phúng phính
hồng khi nhận gói quà, cô bán hàng không dừng được, phải bẹo má cậu bé
một cái và hỏi Phượng với nụ cười tươi tắn trên môi:
- Chú bé tên gì thế?
Phượng mỉm cười:
- Tên Bảo đó chị… Nào, Bảo chào chị rồi đi em…
Cậu
bé cúi đầu thật ngoan, Phượng cũng chào cô bán hàng bặt thiệp rồi bước
ra. Sàigòn Tết xôn xao như có một cuộc huy động toàn diện. Quà nào cũng
đẹp, thiệp nào cũng mê hồn. Những nhánh mai vàng rực bông nhô lên lừng
lẫy từ góc phố, góc đường, cả trong trang giấy, tủ kính, hình ảnh. Mấy
cô bé tha hồ lựa thiệp Tết để viết những lời chúc diễm lệ cho bè bạn,
thân quyến. Có cả những cụ đồ trải giấy đỏ, mực son, gò chữ rồng phượng
để trao cho khách hàng bức liễn, câu đối về trang hoàng ngôi nhà. Một
mùa xuân với những truyền thống tuyệt vời của nghìn trăm năm xưa. Hơi
người, khói xe từ đường xông vào làm hai chị em chảy nước mắt
ràn rụa và ngộp cả thở. Bảo đề nghị rẽ lên Bưu Điện để mua ít bánh ngọt
về cho Ba Mẹ.
Phượng dí dỏm hỏi lại:
- Nghĩa là một cuộc trao đổi thứ hai?
Rồi Phượng với Bảo cùng cười mà tự dưng nghe mắt mình thật nóng.
Không
biết Ba Me sáng nay ở bàn làm việc trong sở hay trên đường về nhà có
ngờ được hai đứa con mà Ba Me muốn phải chia xa, phải không nghĩ tới
nhau, phải dứt bỏ liên hệ huyết thống đang cùng nhau chọn những quà
những bánh về làm đẹp lòng Ba, đẹp lòng Mẹ? – Bảo với Phượng tách khỏi
đám người đông đúc, náo nhiệt ở dãy phố Lê Lợi, quẹo lên Tự Do thênh
thang hơn để thả những bước chân chầm chậm về ngã Bưu Điện hoặc Vương
cung Thánh đường. Con đường che bởi những bóng râm nhún nhảy, man mác.
Lá me bay bay lũ lượt, phơi phới trên áo Phượng, trên vai Bảo. Có chiếc
rơi trên tóc Bảo mà vẫn còn lăn.
Phượng đưa tay gỡ hộ em và lắng hồn nghe đôi môi nhỏ huyên thuyên:
- Chị Phượng này, hôm qua học ngữ vựng, em đọc được chữ liền cánh, liền cành…
Cậu
bé dõi mắt lên các bóng mây trắng muốt nổi bật trên bầu trời xanh, như
màu áo xanh Phượng mặc, sừng sững các tháp nhà thờ chót vót cao, huy
hoàng với những cánh bồ câu trắng rực bay sà xuống, tò mò nghiêng đầu
ngắm người đứng, người quỳ dưới vòm cong thánh đường, như trong một
thánh địa cổ xưa nào. Bảo thong thả tiếp:
-
Ừ, liền cánh thì em tưởng tượng được. Một đàn chim bay cùng nhau. Hai
con bay kề nhau, trông xa như cùng chắp một cánh. Thế gọi là liền cánh.
Còn liền cành, sao gọi là liền cành, em chả nghĩ ra nổi…
Phượng quay nhìn em, cái cười tươi như thắp sáng cả giọng nói:
-
Có liền cành chứ em, mà ở trường chị trên ĐàLạt kia. Một cây lớn một
cây nhỏ, lá cành quấn quít nhau chẳng phân biệt được cành nào, lá nào
của cây nào.
- Thế cái bóng nó chắc to lắm chị Phượng há?
- Dĩ nhiên…
Nụ cười cô bé chợt dừng lại ; giọng Phượng nói buồn ghê là:
-
Dĩ nhiên là cái bóng phải to hơn bóng một cây chứ em. Mỗi lần đứng dưới
hai cây ấy, chị cứ ao ước hoài một ngày nào Bảo với chị sẽ cùng đứng
mãi mãi dưới bóng mát của chúng đó, em…
Một
tiếng nấc lặng thầm vang vọng đâu đây. Cô bé muốn có một nụ cười ngấm
mềm nước mắt để vơi bớt xót xa của mơ ước tuyệt nhất đời về Ba Me. Bảo
nhương nhướng mắt nhìn Phượng, chú bé ra dáng chả hiểu gì cả. Phượng vội
vàng nắm tay em, chỉ sang ngôi nhà thờ cao vút nguy nga:
- Mình qua kia rồi băng qua Bưu Điện em…
Hai
chị em rẽ dòng xe cộ từ mấy ngả đường túa về lộ Tự Do. Chả mấy chốc,
hai cái bóng nhỏ nhoi đã bị lấp khuất nắng trong sân nhà thờ mát rợp
gió. Đôi mắt Bảo len lén nhìn vào trong. Sáng thứ hai chả có rộn rịp
người đi lễ, chả có tiếng hòa ca cao vút, tiếng phong cầm nâng tâm hồn
bay bổng như mây phù du. Những âm điệu đã muôn đời được giữ lại nơi đây,
trong những vách tường cao dày nầy, ở các khuôn cửa xanh dài che bởi
những vòm kính lấp lánh rực rỡ. Âm điệu đã muôn đời được giữ lại nơi
đây, bên những dãy ghế đỏ gụ, hàng hàng lớp lớp chạy dài ngun ngút mắt,
trên các đôi môi máy động, cái bóng im lìm in xuống nền gạch loang
loáng ở một góc xéo nắng tạt. Thứ âm điệu ôm sát mái cong cao thẳm, thứ
âm điệu ấm áp, nồng nàn, tỏa một làn ánh sáng ngọt ngào êm ái xuống tâm
hồn những ai ngang qua đây. Bảo kéo tay Phượng:
- Mình đứng đây một chút đi chị…
Phượng
dừng lại theo cái kéo tay chứ hình như chẳng để ý đến câu Bảo nói. Đầu
cô bé ngẩng nhìn đâu xa, trên mái nhà thờ. Bảo thoáng ngạc nhiên rồi
cũng chú mục nhìn theo. Đôi môi cậu bé khẽ hé cười khi nghe tiếng vỗ
cánh phần phật, tiếng ùng ục cùng lúc với hai cái đầu bồ câu trắng toát
nghiêng qua nghiêng lại ló ra trên mái cửa vào trong. Rồi Bảo nhìn
Phượng chăm chú. Miệng Phượng cũng hé cười, nhưng đôi mắt nhíu hẳn lại,
đăm chiêu. Như chợt nhớ đến Bảo, cô bé cúi xuống, đôi má đỏ hồng mầu
rượu ngọt:
- Bảo nầy, xem hai con bồ câu lạ lùng quá kìa…
Mắt Bảo nhìn chị dò xét. Phượng tiếp như có một đậm đà phiền muộn nào âm thầm tan trong giọng nói:
- Chúng muốn ở lại đây nghe loài người cầu nguyện chứ chả chịu về nhà.
Bảo ngây ngô:
- Chúng giống hai chị em mình ghê. Chẳng có khác chi đâu.
Phượng siết chặt hai lòng bàn tay em với mình, buồn bã:
- Bởi vì hai chị em bồ câu mà về nhà, chúng sẽ bị chia xa hoài đó em.
Nhìn mặt Bảo ngẩn ngơ, Phượng nói thầm – Ngay lúc nầy đây, em chẳng hiểu chị nói gì đâu – Thôi mình sang Bưu Điện đi, Bảo nghe.
*
Chiếc
cyclo chở chị em Phượng dừng lại căn nhà số một trăm mười sáu của mười
năm thân yêu trước. Hai chị em bước xuống lề đường. Bác cyclo được dặn
trước nên dừng xe nghỉ mệt, chờ Phượng giây lâu. Bảo với Phượng xem kỹ
lại những gói đồ mình cầm trên tay. Bánh, quà Bảo mua Phượng đem về Ba.
Bánh, quà Phượng mua Bảo đem về Me. Một cuộc trao đổi se lòng. Phượng
với Bảo nép mình bên cổng. Cô bé ngậm ngùi hỏi em:
- Chị vào được không? Me về chưa em?
Bảo lo lắng:
- Có lẽ giờ nầy Me về rồi, chắc vú sáu với Me đang làm cơm đó.
Giọng Phượng thoáng ngạc nhiên:
- Vú sáu còn ở à… – cô bé thở dài – phải chi chỉ có vú Sáu thì có lẽ chị vào được… Chị muốn xem Me ra sao quá đi…
Bảo cũng gật đầu:
-
Phải rồi, vú Sáu thương chị lắm. Vú cứ bảo em đem thư chị cho vú đọc,
nhưng không được vì chị Ngọc cất cả rồi. Chị Ngọc sợ Me biết… Me khó quá
chị ơi…
Mắt Phượng đỏ lên, cô bé nghẹn lời không nói được. Bảo phải an ủi:
- Thôi, hôm nào Me đi ăn tiệc ở nhà bác Hồng, em sẽ nói vú Sáu dẫn em sang chị, rước chị về nhà chơi một buổi…
Cậu bé rút túi quần một cái khăn gấp tư trao cho Phượng:
- Em hứa chắc đó. Thế nào Me cũng đi ăn mà. Chị đừng buồn nữa. Em thấy chị khóc em buồn ghê vậy đó.
Nghe em nói thỏ thẻ, nước mắt Phượng muốn lăn ra nhưng cô bé đã mím chặt môi chùi nhanh và ấn trả khăn tay vào túi em:
- Chị không buồn nữa đâu. Thôi em vào nhà đi và nhớ lại nhà chị, chắc nghe…
Phượng
cúi xuống trán em. Một tiếng chút nhỏ nhẹ bật ra giữa đôi môi chúm lại
cô bé vừa rời khỏi khuôn mặt em. Đôi mắt cậu bé sáng hơn, tròn hơn nhưng
vành mi ướp buồn. Phượng dừng ánh nhìn thật lâu ở hai vì tinh tú rực rỡ
ấy. Cô bé thì thầm trên vầng trán mượt mà, ấm áp:
- Mai mốt về ĐàLạt, chị chả bao giờ quên được lúc nầy đâu… Bảo ơi.
*
- Vú ơi, phải cái lọ nầy để giò thủy tiên Tết năm trước không?
- Cái lọ dài bằng sứ xanh ấy hả?
- Vâng ạ.
- Phải rồi. Con nhớ kỹ ghê. Vú tưởng con quên cả rồi chứ.
-
Không bao giờ con quên được những gì ở trong căn nhà nầy đâu vú ạ. Nhất
là những khi hồi tưởng lại thuở nhỏ sống đầm ấm nơi đây. Con còn nhớ
hai mẹ con cò đứng mò tôm cá giữa giòng nước là của Ba đem từ Nha Trang
về tặng Me khi hay Me có thai em Bảo. Con còn nhớ con búp bê mặc áo đầm
vàng đen đứng trên bậc gỗ cao kia, bên cạnh chiếc xe tăng là Ba mua hồi
con 6 tuổi, em Bảo mới đầy tháng. Bậc gỗ đó cao bằng con nên chơi xong
con thường cất đồ lên trên ấy. mặt búp bê quay sang cười với mẹ con cò…
Mà vú ơi, tại sao Ba mua riêng rẽ mẹ con cò thôi vậy hở vú?
- Tại Cậu nghĩ cò tượng trưng cho người mẹ đảm đang đó con…
- Không vú ơi… chỉ có một mẹ một con nên bây giờ Me mới thế nầy đây.
Giọng
Phượng rưng rưng. Vú lật đật ló đầu ra khỏi bếp gọi Phượng nhưng cô bé
đã xoay ngay lưng lại, lưng ngón trỏ giơ lên chùi hoài đôi mắt. Vú ra
hiệu với Bảo đang đứng chùi bát đĩa bên sống chén:
- Rủ chị Phượng vào bếp chơi đi con.
Bảo giương to đôi mắt tròn rồi hiểu ra, gọi Phượng rối rít:
- Chị Phượng ơi, vào xem vú kho cá nầy, ngon ơi là ngon vậy đó…
Không
tránh được, Phượng phải đi và giấu đôi mắt đỏ của mình bằng cách so đũa
đặt trên 3 cái chén và xới nồi cơm nghi ngút khói. Những hạt trắng bong
mềm mềm gần nhau trông ngon chi lạ. Vú nhắc chừng:
- Hạ hết lửa đi con kẻo khê…
Mãi đến bây giờ Phượng mới nói cười trở lại:
- Vú làm cơm hay quá, con mới ăn ban sáng bây giờ cũng phải đói bụng.
Vú thêm chút nước mắm vào nồi canh, mắt nheo lại vì khói cay:
- Vú đãi con một bữa cơm… hơi trưa trưa mà…
Phượng nhìn sang nồi cá:
- Không biết con phải nói với Ba làm sao khi bỏ cơm trưa nay.
Bảo chen vào:
- Nói chị Ngọc đãi là hay nhất chị Phượng ạ.
Phượng quay đầu cười với em:
- Nhất là Tám, chắc nó chả bằng lòng.
Mặt vú tươi hơn một chút:
- Tám là con trai mà đảm đang quá Phượng nhỉ. Vú xem nó có vẻ để ý vú với Bảo ghê đấy…
- Tại lần đầu tiên nó thấy con tiếp người lạ đó vú ạ…
- Và đi theo người lạ về nhà người ta luôn. Bảo liến thoắng thêm.
Phượng cốc nhẹ đầu chú bé liếng khỉ, tròn mắt:
- Vậy mà chị không dặn, hắn dám mách Ba lắm à.
Bảo ưỡn ngực:
- Như em… em chả sợ… mách cho mách…
Vú bật cười:
- Bảo có vẻ chả thích Tám tí nào, phải không?
- Con ghét hắn.
Vú ra dáng hiểu biết:
-
Tại con sợ chị Phượng thương Tám hơn con chứ gì… Vú, vú thấy Tám thật
thà ấy chứ. Một mình mà lo lắng đầy đủ cho cả hai bố con.
Tiếng Phượng cười ròn tan như nhớ được một chuyện hay ho:
-
Ồ, vú không thấy Tám nêm canh, buồn cười lắm cơ. Phải nhón chân lên mới
thấy trong lòng son đấy… Giá nó ở gần Me thì tuyệt, con sẽ được thưởng
thức những món giống hệt ở đây.
- Ừ ừ… mà Phượng nhìn xem Bảo làm gì lạ ghê kìa.
Theo
ngón tay vú chỉ, Phượng bắt gặp chú bé đang ngồi sẵn sàng ở bàn ăn, hai
tay ôm lấy bụng nhăn nhó. Phượng nhìn vú, hai vú con cùng cười. Vú bảo:
- Nào, mình dọn thức ăn ra ngay.
Phượng đến bên em, cười với đôi má đỏ hồng hồng vì bếp lửa:
- Bảo xấu bụng đói ghê thế?
Bảo vẫn làm ra vẻ thiểu não:
- Tại vú cả ấy chứ. Vú bảo em sang rước chị rồi mới về ăn.
- Tội nghiệp chưa…
Phượng
vỗ nhẹ má em rồi nhanh nhẹn mang chén đi xới cơm. Vú cũng dọn ra những
thức ăn của một bữa cơm đơn sơ: canh với cá. Mãi khi Bảo với vú gắp thức
ăn vào chén, Phượng vẫn còn ngồi im lìm nhìn quanh. Thấy mọi người
nhìn, Phượng mới vội vàng cầm đũa. Bảo hỏi:
- Sao thế chị?
- Chị muốn, mai mốt về ĐàLạt một mình, sẽ nhớ được Bảo với vú lúc ăn dáng điệu ra sao…
Bảo chớp nhanh mắt. Phượng nghiêng mình sang vú nói nhỏ:
- Mà phải chi nhớ được cả Me nữa, vú nhỉ?
*
- Thế Me hỏi con, ai đem cò trên đầu tủ cất vào hộc bàn chi vậy?
Bảo ấp úng:
- Thưa Me con đâu biết.
- Không biết… hừ… con xem nầy.
Me
giận dữ lôi mấy mảnh sứ đen, vụn từ trong hộc bàn ra, gồm một cái mõm
cò mẹ, cái mình cò con và cái chân cò con. Bảo liếc nhìn vú vừa chạy lên
đứng cạnh bên. Mặt vú thoắt tái đi. Me nghiến răng:
- Sáng tới giờ có ai vào nhà nầy đâu… Tại sao con nói không biết?...
Vú đỡ lời:
- Dạ quả sáng tới trưa chẳng có ai vào nhà đâu ạ… mà Bảo cũng chẳng có lên đây nữa đó Mợ…
Me chỉ tay về mấy mảnh vụn, cau mày:
- Thế tự nhiên cò từ đầu tủ leo xuống hộc tủ để bị cấn đồ trong tủ, bể vụn ra à…
Vú
nghẹn lời. Vú biết Phượng ghét hai mẹ con cò lẻ loi, Phượng đem cất vào
tủ chứ chả ai. Nhưng vú chả biết nói sao. Me tiếp tục gay gắt bảo:
- Me ghét thứ con cái nghịch đồ Ba Mẹ rồi chối đây đẩy…
Mặt
Bảo đỏ bừng, mắt Bảo đỏ theo. Trong lòng vú như có lửa đốt. Giá mà Bảo
biết thì đỡ tội. Vú định nhận tội thay nhưng mới há miệng Me Bảo đã đoán
ngay được:
- Thôi vú đừng bênh vực nó. Lần nầy tôi chẳng tha được. Cứ vú mà em nó hư…
Vú
cứng miệng, toan quay sang an ủi Bảo nhưng cậu bé đã vùng bỏ chạy về
phòng. Vú cũng hối hả chạy theo. Bảo gục đầu bên bàn học, tóc ướt nhẹp
mồ hôi. Vú gọi khẽ:
- Bảo, Bảo nầy…
Bảo vẫn im lìm. Vú kiên nhẫn:
- Phượng đem cò từ đầu tủ xuống đấy con…
Cậu bé ngẩng phắt đầu:
- Chị Phượng sao vú?
- Chứ sao… hồi vú bảo con gọi Phượng vào bếp đó… Con không hay à?...
Bảo ngơ ngác lắc đầu, đôi mắt đỏ ngầu lờ đờ:
- Không… vậy mà con chẳng biết…
Vú vuốt mái tóc ẩm nóng cậu bé, miệng có một nụ cười trấn an thật hiền:
- Ừ… con đừng khóc nữa, Phượng biết sẽ buồn… Mợ rầy thế tối lại quên ngay…
Nước mắt lăn lăn, Bảo lắc đầu:
-
Không… Vú ơi, lúc nầy con thấy Me sao ấy. Nhiều lúc con nghĩ là cục nợ
của Me. Me chả thương con nữa. Me theo bác Hồng tối ngày. Con muốn về Ba
cho rồi…
Vú hoảng hốt:
- Ấy! Con đừng nói dại thế. Me con nghe được Me con buồn chết!
Và vú lật đật tiếp ngay:
-
Vú thấy Mợ vẫn thương con nhiều đấy chứ. Sáng nầy đi Me còn dặn nhớ cho
con ăn cơm nầy, con ngủ nầy, vì Me về trưa. Mà bữa nào đi Me cũng dặn
vú kỹ hết đó…
Bảo vẫn lắc đầu:
- Vú ạ… Me biết tính con, con chẳng bao giờ nói láo mà Me còn rầy thế là Me hết thương con rồi…
Vú chẳng biết nói sao. Bảo đã tiến đến giường, ngả lưng xuống và nhắm mắt lại dưới lưng bàn tay che:
- Vú khép cửa phòng hộ con…
Vú nghĩ nên an ủi Bảo thêm một câu:
- Lúc nào Me con cũng thương con hết đó Bảo. Đừng nghĩ dại mà Me con giận, chị Phượng buồn. Nhớ nghe con.
Bảo
nín lặng. Nhưng sau khi vú Sáu khép kín cửa phòng và tiếng chân đã tắt ở
cuối bếp xa, Bảo choàng dậy, chùi kỹ mắt và bước đến tủ để áo quần…
*
- Kiếm con chi thế Vú? Trời nắng nôi thế nầy…
Phượng
vừa hỏi vừa mở cánh cổng nhỏ. Cô bé nhìn quanh. Tám, sau khi báo tin đã
lẩn vào trong nhà. Phượng hơi lo là. Vú như đoán biết.
- Có Cậu ở nhà hả con?
- Vâng, Ba con ở nhà chiều nầy. Mà chuyện gì hở vú?
Phượng hồi hộp hỏi. Vú đáp nhanh:
- Con không hay à? Bảo nó bỏ nhà đi. Vú tưởng nó đến con nên sang đây tìm.
Phượng cắn chặt môi, mặt cô bé tái ngắt:
- Sao? Vú nói sao? Bảo bỏ nhà đi? Mà sao thế, vú làm con sốt ruột quá…
Vú vắn tắt:
-
Phải con cất bức tượng hai mẹ con cò trong tủ không? Nó cấn đồ bên bể
vụn… Me con la Bảo. Bảo giận nên bỏ đi tức thì hồi trưa nầy…
Phượng cố gắng cãi lại:
- Mà vú có chắc không? Không chừng Bảo đến nhà bạn chơi…
Vú quả quyết:
- Thật mà. Tủ quần áo Bảo trống trơn… Mà trước đó Bảo có dọa đến nhà con. Me con bảo vú đi tìm rồi Me con cũng đi tìm một ngả.
Rồi vú hấp tấp:
- Thôi vú về trông nhà… Thật khổ! Không biết Bảo có lại nhà con hay đi đâu. Bé thế mà gan lì ghê là.
Phượng vói theo vú đang vẫy tay gọi xe:
- Không chừng Bảo lại lạc đường… Con cũng đi tìm nữa vú ạ.
Trong
cô bé đã có một quyết định. Trái tim càng đập mạnh hơn khi Phượng đến
gần phòng Ba. Trong mấy giây đồng hồ dừng lại khi nắm tay lại, giơ lên
và sắp sửa gõ cửa, Phượng cố gắng nhắm chặt mắt để yên ổn giây lát kiểm
soát lại hành động. Mình đang làm gì đây? Đồng thời một tiếng nói khác
vang lên từ đâu đấy: Đây có phải là một cơ hội không?
Tự nhiên cô bé rõ ràng thấy mình trở lại bình tĩnh và thẳng thắn gõ nhẹ cửa:
- Ba ơi! Ba…
Có tiếng xê dịch trong phòng, tiếp đó là tiếng mở cửa. Mặt Ba hơi đỏ như đang ngủ bị thức dậy:
- Gì thế con?
Bỗng dưng Phượng trở nên lúng túng. Cô bé nói loanh quanh, có lẽ vì không biết bắt đầu thế nào:
- Con xin lỗi đã đánh thức Ba dậy lúc đang ngủ… nhưng… gấp quá… Ba à…
Cố
bé lắp bắp một cách khó khăn. Nhưng nói xong rồi, Phượng giật mình.
Mình vừa nói cái gì vậy? Không chừng Ba lại chọc quê Phượng như bữa nọ
thì xấu hổ. Nhưng nụ cười Ba đã bao dung nở rộng:
- Gì thế? Bình tĩnh nói Ba nghe nào.
Lần nầy Phượng nói rành rẽ:
- Me rầy em Bảo, em giận nên bỏ nhà đi rồi. Ba với con đi tìm Bảo nha Ba… Vú mới cho con biết đó Ba…
Giọng
Phượng tự nhiên quá, dễ dàng quá, như Me Phượng, Ba Phượng, Bảo đang
cùng ở một gia đình. Em Bảo của Phượng bỏ đi, Ba phải tìm là chuyện dĩ
nhiên… Như có một cuộn lưới sững sờ, từ trên trời rơi xuống và bao trùm
Ba rất đỗi từ từ, mắt Ba căng to, cổ Ba nghẹn cứng lại. Lần đầu tiên,
trước mặt Phượng, Ba tỏ ra kinh ngạc ghê gớm như vậy. Cô bé bối rối siết
mấy ngón tay với nhau:
- Ý kiến Ba sao hả Ba?
Thật trong thâm tâm Phượng nghĩ, nếu Ba từ chối Phượng sẽ không biết nói sao đây. Nhưng Ba đã khéo léo phân giải:
-
Con lớn rồi Phượng. Để Ba nói con nghe. Chuyện đi tìm thì dễ dàng rồi.
Bất cứ một người lạ nào đến nhờ Ba tìm em, tìm con, Ba cũng đều có thể
vui lòng làm được. Đó là một hành động giúp đỡ. Nhưng ở đây là phạm vi
và quyền hạn của Me con. Tám năm trước đây Ba và Me con đã cương quyết
phân ranh như thế rồi. Hơn nữa Ba không muốn làm vụn vỡ thêm những gì,
từ đầu, vốn dĩ đã không còn nguyên vẹn. Con hiểu Ba nói gì không?
Phượng gật đầu mà mắt cô bé rơm rớm:
- Ba ạ, Ba không thương Bảo sao? Bảo như con, cũng là con Ba mà…
Lập luận của Ba như vững chắc thêm:
-
Dĩ nhiên. Ba nghe con Ba đi mất, Ba lo lắng lắm chứ. Nhưng con nghĩ sao
nếu Ba đem được Bảo về nhà. Mai mốt nữa Me con có thể đem con về nhà,
mà con gái thì hay theo mẹ. Con phải biết là Ba sợ…
Phượng
tròn mắt. Trời ơi! Nỗi lo sợ của Ba chỉ có thế thôi sao Ba? Ba chỉ sợ
con bỏ Ba mà đi. Ba tội nghiệp của con! Nếu mà Ba biết mấy năm nay, lần
nào về Saigon con cũng đến thăm mái ấm ngày xưa của bố con mình, thăm em
Bảo, ăn cơm với vú Sáu và đôi khi còn lén để nhìn trộm Me. Ba đáng
thương của con. Nếu con biết được thế, tám năm trước, Ngọc Phượng nhỏ
nhoi của Ba đã không bị đưa lên ĐàLạt, trải qua những năm dài thui thủi,
không bạn bè thân thuộc. Ba ơi Ba, nếu con có thể hãnh diện với tình
thương Ba, con là người đầy đủ nhất trên đời… Phượng mím chặt môi nhưng
một giọt nước mắt nóng hổi cũng rụng xuống ;
cô bé nhỏ nhẹ:
- Ba ạ, như Ba đã nói, con lớn rồi. Ba có thể tin nơi con. Con xin hứa là sẽ không theo Me. Ba đi tìm em Bảo với con, nha Ba…
Như có một quyền lực bí ẩn nào can thiệp, giữa lúc Ba đang lưỡng lự, Tám đột ngột xuất hiện và hối hả giục Phượng:
- Cô ơi… cái cậu hôm bữa lại đây… sao nằm trước cổng nhà mình…
Mặt Phượng xanh hơn. Môi cô bé rung rung, hết nhìn Tám rồi lại
nhìn Ba. Trong tíc tắc đồng hồ, người cha như nghe lại tiếng nói đã
giục Phượng cương quyết gọi cửa. Đây có phải là một cơ hội không? Và
không tự chủ được nữa, cả hai người, Ba và Phượng lao nhanh ra cửa cổng.
Tám đã nhanh nhẹn mở cái cổng nhỏ. Ba nhào ra trước tiên. Bảo đang
chống tay xuống mặt đường gượng đứng dậy. Một cậu bé trạc tuổi đứng cạnh
bên với xe gắn máy luống cuống dựng xe dậy. Vẹt đám trẻ nhỏ lao xao
chung quanh, đôi cánh tay Ba bao dung ghé xuống, cẩn trọng nâng cậu bé
lên. Ba hỏi, như một lời ru êm ấm nhất trần
đời:
- Sao thế con?
- Sao thế Bảo?
Phượng cũng vừa đến nơi và hỏi chen vào.
Bảo hơi cựa quậy trong lòng Ba:
- Không sao đâu Ba à.
Mãi
đến bây giờ, khi nghe tiếng Bảo nói, Ba với Phượng mới thở phào được
một tiếng nhẹ nhõm. Phượng cúi xuống hai đầu gối, nơi cái quần dài rách
toang để lộ ra khoảng thịt rướm máu. Phượng kêu khẽ:
- Ô, sao đầu gối em chảy máu thế nầy?
Đôi mắt hơi chói nắng nên nheo lại một chút, Bảo nhoẻn miệng cười với Ba đang từ từ đi vào nhà:
- Chị Phượng ơi, đừng lo, em không có sao đâu. – Ba ơi, nằm trong lòng Ba, con chẳng thấy đau chi nữa, Ba, thật là hay.
Những nếp nhăn nơi đuôi mắt Ba như kéo dài hơn:
- Thế sao con bị té vậy?
Đôi môi nhỏ liến thoắng tức thì:
-
Con giận Me quá, ôm đồ lại nhà bạn con, nhờ nó chở con đi tìm nhà Ba.
Vú Sáu dẫn đi một lần, con chỉ nhớ mang máng. Hai đứa kiếm hoài, kiếm
hoài. Mãi khi chạy ngang đây, nhận ra nhà Ba, con mừng quá, quên gọi nó
tuột đại xuống xe nên té chúi xuống đất.
Bảo quay đầu nhìn Phượng:
- Còn gói quần áo em lăn ngoài đường, chị có nhặt không?
Phượng đang loay hoay với bông băng, thuốc Tám đưa cho, vừa trả lời:
- Có, chị bảo Tám đem vào nhà rồi…
Nụ cười nở thoải mái trên môi, cô bé ríu rít với Bảo:
- Vú Sáu bảo em, bé thế mà gan lì ghê, đó!
Bảo mới chợt nhớ đến Ba:
- Ba ơi, Ba không sợ Me giận nữa sao?
Đôi má ba thật tròn, Ba nắm cứng tay Bảo:
- Không!
Phượng vừa phết thuốc lên chỗ trầy, vừa cười theo Ba:
- Lúc nầy Ba chả sợ chi hết Bảo ơi…
Ba
vừa định nói chi đó thì nín bặt vì hai ba tiếng xe dừng lại, tiếng hấp
tấp mở cửa rồi tiếng xô cổng. Ba bố con nín thở, Bảo thì thầm:
- Me đến, Ba ạ.
Ba
bế Bảo ngồi hẳn xuống bậc thềm, trông Ba tội nghiệp là. Phượng cũng
ngồi xuống bên để băng vết thương của em cho xong. Vừa làm Phượng vừa
liếc nhìn Ba. Đôi mắt ba nheo hẳn lại, hướng ánh nhìn về Me với vú Sáu
đang xăm xăm đi vào. Hẳn ba lo lắng ghê gớm. Phượng cũng hồi hộp lạ
thường, cuốn băng vụng về trong đôi tay, Phượng đánh rơi mấy lần, như
không làm nổi nữa. Me vòng qua phía Phượng để đến gần Bảo hơn và để
tránh ánh mắt của Ba, Phượng chắc thế.
Giọng Me rắn lại:
- Bảo, con về với Me…
Bảo
im lìm. Cậu bé liếc nhìn Ba vừa lúc ánh mắt Ba cũng cúi xuống, ánh mắt
thăm thẳm, vời vợi. Bảo nhìn Me. Đôi mắt Me cũng thăm thẳm, cũng vời
vợi, lúc dịu dàng, lúc cương quyết. Bảo nhìn Phượng. Khuôn mặt Phượng
sáng rực, trong trẻo, như ra dấu với Bảo: mọi sự sau nầy tùy cả vào em,
rán mà cẩn trọng, Bảo nghe. Thứ sáng rực ngấm dần vào hồn, ánh mắt
Phượng chìm xuống, buồn bã. Trong Bảo cũng có một quyết định. Me lại gọi
Bảo, dịu dàng:
- Bảo, con về với Me.
Tiếng Bảo bật lên đột ngột:
- Không, con về với Ba, Me ạ.
Mắt
Me sững sờ rồi long lanh, trong lúc Ba không dừng được, khẽ hé nụ cười
hiền hòa, mãn ý trên đôi môi. Phượng cũng kinh ngạc nhìn Bảo. Rồi như
một linh cảm tuyệt vời, cô bé chạy tới ôm khít khao cánh tay Me:
- Còn con, con về với Me…
Biến
chuyển quá đột ngột không kịp để mắt Me đổi vẻ lần thứ hai. Nhưng Me
vẫn để Phượng ôm một bên tay. Những giọt nước mắt lưu ly rời khỏi khuôn
mặt thanh tú, dịu dàng như những hạt ngọc. Bàn tay me nở rộng mềm mại
như đóa ngọc lan năm cánh xòe xuống ấp yêu trên mái tóc Phượng. Cô bé có
một thứ giọng nói ngọt ngào như tiếng thở, len lỏi vào huyết quản Me
vừa dừng cơn phẫn nộ:
- Me ơi! Me biết là con nhớ Me đến chừng nào…
Rồi
tiếng chim hồn nhiên ríu rít to hơn như cho cả Ba cùng nghe… – Bây giờ
hai đứa con đổi với nhau rồi. Ở với Ba hoài chán chết!
Cô bé nháy mắt với Ba, Ba hiểu ý cười xòa dễ dãi. Phượng ngước nhìn Me lần nữa, hùng dũng lẫn cả quyết:
- Con về với Me luôn, Me ơi…
Ba cũng bế Bảo đứng dậy. Như chín cơn suy nghĩ, vừa từ tốn vừa dịu dàng đến bên Me, ba nói khẽ với Bảo:
- Thôi bố con mình cũng về với Me luôn, Bảo ạ.
Rồi
Ba trìu mến nhìn Me, nụ cười Ba thật tươi. Nụ cười nở sáng trong mắt
Me. Nụ cười nồng nàn, ngào ngạt tỏa hương trong mắt Me. Me không cười
nổi. Nụ cười Me sũng nước mắt, nhưng mắt Me đã cười thay. Mùa xuân vừa
phơi phới đáp xuống sân cỏ nầy, trong khu vườn nầy, trong ngôi nhà nầy
và choàng vuông áo lụa vào bốn Bố, Me, Con ; thứ lụa ngà óng ả sợi nhưng
mát rợp bao trùm cả vũ trụ. Hãy gìn giữ mùa xuân của các ngươi, thứ mùa
xuân quý giá nhất trần gian vì được nối kết bởi những bàn tay loài
người nhỏ bé đến vô cùng.
Tràng
pháo tay Bảo lốp bốp bất tận. Phượng không vỗ tay nổi, không cử động
nổi. Cô bé chỉ biết đưa mắt dịu dàng nhìn Me, như chỉ được một lần nầy
nhìn kỹ. Phải rồi, khuôn mặt Me hơi ốm, lũng mắt như sâu thêm, chắc Me
buồn nhiều lắm. Tội nghiệp me, mà cũng tội nghiệp Ngọc Phượng của Me.
Chắc Me cũng biết là con thèm gọi tiếng Me đến chừng nào. Ba ơi Ba, nụ
cười trong sáng của ba đã làm muôn vì tinh tú trong bầu trời nầy ngừng
lấp lánh, đã làm những cọng cỏ khô lả trên mặt đất nầy vươn dậy xanh
mướt với mùa Xuân vừa tới, và làm trái tim nhỏ bé chúng con reo vui
trong lồng ngực hồi sinh. Ba có biết thế không Ba. Em có biết thế không
Bảo.
Em có biết là đôi chim bồ câu trên nóc Vương cung Thánh đường – thèm
nghe những lời cầu nguyện hơn trở lại mái ấm – đã tìm về đúng tổ của
chúng rồi không em?
LINH HƯƠNG
(Bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972)