Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

MÙA XUÂN NHƯ NẮNG - Trầm Vi


Bây giờ mùa mưa đã qua. Nắng bắt đầu lên từ sáng sớm. Những giọt nắng vàng trải xuống lá cây, nhuộm thắm cả vùng không gian trước mặt. Dù vậy, trời hãy còn phảng phất lạnh.

Ngỗng mặc áo len đỏ, ngồi ở ngưỡng cửa chơi với con búp bê dì Ngỗng mua cho. Mẹ phơi áo quần lên dây thép. Những mùng, màn, áo len, áo cụt, đồ ngủ của Ngỗng. Thỉnh thoảng mẹ dừng tay sau khi vắt khô một cái áo để nhìn Ngỗng mỉm cười và nhắc nhở cô bé:

- Nào, Ngỗng ngoan nào, đừng bốc cát bỏ miệng chứ. Cưng nhơ quá hà.

Ngỗng toét miệng cười và nhớm mình định bò xuống thềm cấp ra với mẹ, nhưng mẹ đã hét lên âu yếm:

- Ngoan nào cưng, ngồi đó rồi mẹ vào.

Ngỗng loay hoay ngồi xuống chỗ cũ. Tôi bật cười khanh khách. Vất lát cà rốt cuối cùng vào thau nước, tôi đến bên Ngỗng. Với bàn tay ướt tôi áp vào má Ngỗng. Cô bé chun cổ lại và nhăn mặt.

- Nào, lên dì bế. Ngỗng tìm giun đấy hở?

Cô bé hồng và ù như củ cà rốt Đà lạt. Tôi nói điều này cho chị N. nghe, chị cười bảo:

- Cô bao giờ thì cũng cà rốt, su, cải. Năm nay lại làm dưa món, làm hành dầm dấm. Cứ làm, không ai ăn hết rồi đổ. Thật phí của trời.

- Chị nói vậy chứ không có thì cũng buồn. Với lại em biết làm chi cho hết ngày.

- Thì đi chơi, thì dạo phố.

- Đi đâu cũng không bằng ngồi tỉa su, tỉa cải bên Ngỗng, bên chị.

Tôi không nghe chị trả lời. Có lẽ chị cảm động chăng? Nhưng Ngỗng đã trả lời thay mẹ bằng những tiếng bập bẹ:

- … Dì, dì… bánh.

Ngỗng đưa ngón tay bé nhỏ, mũm mĩm chỉ về phía bàn ăn. Tôi đun tay cô bé vào miệng và cắn nhẹ. Ngỗng la lên, rồi rươm rướm khóc. Tôi cứ thích cắn ngón tay mũm mĩm này, ngắt vào đôi má bầu bĩnh kia, hôn lên đôi mắt đen láy và ngây thơ của Ngỗng. Chị N. cứ bảo:

- Thôi cô đem về mà nuôi, cho cô đấy.

- Phải, cho cô đấy rồi ngồi mà khóc. Nhưng dì nghèo quá Ngỗng à, ở với dì Ngỗng chỉ được ăn toàn rau dưa không.

Chị N. thêm:

- Hôm nào dì làm biếng dì cho cháu ăn chè.

Tôi cười chữa thẹn:

- Chớ sao.

Tôi vẫn có cái tật hôm nào làm biếng nấu cơm quá thì chỉ ăn chè qua bữa. Chị N. vẫn chế nhạo tôi về điều này. Tôi rời Ngỗng sau khi dúi vào tay cô bé con búp bê nằm lăn lóc dưới thềm.

- Bánh của bé đây, cầm chơi dì đi làm việc.

Tôi vớt những lát cà rốt đỏ hồng, những miếng củ cải trắng nõn, những miếng su xanh mát mắt ra thau men trắng, rửa sạch rồi bỏ vào sàn phơi. Nắng ấm và vàng ngọt ngào trông đến thích. Chẳng bù với những ngày vừa qua. Ngay khi tôi vừa đặt chân xuống máy bay, tôi đã mang cảm tưởng như mình đang đi vào một xứ sương mù ẩm ướt, mưa và gió. Lạnh đến rùng mình. Lạnh đến co ro, tê buốt. Trời thì thấp chùng như muốn rớt hẳn xuống trần gian những đám bông mây màu chì buồn bã. Bao nhiêu vui như mất đi từ đó. Như khêu lên một ngọn bấc sắp tàn cho cháy bùng lại những sầu đau nào đã một lần đi qua.

Tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến Ngỗng, nghĩ đến chị N. Nghĩ đến nỗi vui mừng bừng sáng trong đôi mắt của chị. Những ngày xa vắng, những ngày buồn bã sẽ không còn. Chúng tôi có nhau sau những ngày dài đằng đẵng mất nhau. Chỉ nghĩ chừng đó tôi cũng đủ thấy lòng ấm áp lẫn rưng rưng. Những thứ tình cảm mâu thuẫn quyện lẫn vào nhau trong cùng một lúc. Nhưng tôi chẳng có đủ sâu sắc để tìm hiểu xem tại sao như thế.

Nhớ đến cảnh chị N. bế Ngỗng đứng ở sân ga. Trời mưa bay bay. Chị N. mặc manteau màu xanh, điểm lác đác những chấm trắng nhỏ như tuyết rơi. Ngỗng đội mũ len màu đỏ rượu chát. Áo len màu đỏ hoa hồng và giày len cũng cùng màu sắc ấy. Ngỗng không nhận ra tôi. Nhưng khi hai chị em ôm choàng lấy nhau gần muốn bật khóc, thì Ngỗng cứ mở mắt tròn như bi ve nhìn tôi không chớp. Tôi hôn tới tấp lên khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé, và nói để ngăn con thác đang âm thầm muốn đổ trong mắt:

- Trời ơi, lạnh rét thế này chị đi đón làm gì.

Mắt chị đỏ hoe, nhưng chị cười:

- Ở nhà sốt ruột quá, không làm gì được. Với lại thích nhìn cảnh Th. Từ trên xe “ca” bước xuống.

Tôi tát khẽ vào má Ngỗng nhưng nói với chị:

- Tội Ngỗng quá, lạnh rét thế mà chị cũng đem theo. Lần sau về không báo tin trước nữa. Chị đứng đây chờ em lấy valise xong rồi về.

Buổi chiều ấy đã qua. Trời cũng đã dứt mưa từ hai ngày sau. Nắng đã lên và ấm như thứ hạnh phúc nồng nàn của ngày gặp gỡ.

Tôi sắp rời những miếng củ cải, những củ hành củ tỏi trên sàn, và nói thầm trong trí : - Nếu không có chúng mày ta biết làm gì cho hết ngày giờ.

Dù sao, nỗi quạnh hiu cũng còn đâu đó và chực xâm chiếm lấy hồn tôi. Nhưng tôi đã nhủ với mình phải cố vui cho trọn vẹn những ngày ngắn ngủi này bên chị N. và Ngỗng. Nhà ít người quá, nên đôi lúc không thể không buồn, không nhớ đến những thiếu thốn trong đời mình. Hạnh phúc gia đình thì mong manh, nhưng cần thiết. Nên tôi hiểu, vật chất không bao giờ là tất cả.

Ngỗng ôm lấy chân tôi bao giờ không hay. Tôi bế xốc cô bé lên hỏi:

- Mẹ đâu rồi nhóc?

- … Cơm…

- À mẹ làm cơm hở. Để vào xem mẹ làm gì nào?

Tôi bế Ngỗng vào nhà bếp. Mùi tỏi chiên tỏa khắp căn phòng nhỏ.

- Đậu xào này, cá thu chiên này, canh rau muống này. Nhất rồi còn gì.

- Mai dì có siêng năng thì nấu xúp légume cho Ngỗng ăn.

Chị N. vừa nhắc cơm xuống vừa nói. Tôi hôn vào mắt cô bé sau mỗi câu nói.

- Mai dì nấu nouille cưng ăn, nấu xúp hành cưng thời, nấu choux facis cưng xơi.

Ngỗng cười dòn tan. Tôi nói nhỏ vào tai chị như sợ Ngỗng nghe:

- Ngỗng cười dòn như cá thu chị chiên.

Chị phát vào lưng tôi một cái:

- Đồ quỷ, ngạo tôi đó hở?



Bây giờ hương trầm nghi ngút. Hai chân đèn sáng loáng cắm hai ngọn đèn đỏ lớn. Bộ lư cũng được chùi và đánh bóng kỹ lưỡng. Hương trầm ngào ngạt lan theo những làn khói lam mỏng. Nải chuối ươm vàng xếp đều đặn từng trái. Vài trái cam, táo, măng cụt được sắp chồng lên. Những thẩu mứt, những đĩa bánh cũng được xếp lên bàn thờ.

Phòng khách sạch sẽ, bao nệm xanh vừa được thay hôm qua. Những bức màn của chị N. đã thay trước một tuần. Bình hoa hồng còn nụ vừa được cắt ngoài vườn thật tươi tắn trên bàn.


Tôi còn lại một mình nơi đây, chị N. bỏ đi đâu vào phòng. Ngỗng từ đầu hôm đã đi ngủ. Mười hai giờ rồi, Giao Thừa đã đến, nhưng năm nay không được đốt pháo. Tôi nghĩ cũng buồn cười. Thời khắc nào trôi qua cũng giống nhau, mà tự ý người gán cho nó một ý nghĩa nên nó trở thành khác. Như giây phút chừ đây tôi không đừng không thấy quạnh hiu quanh mình. Những ngày Tết năm xưa thà đừng có, để một ngày như hôm nay, tôi không phải so sánh ngầm và hờn tủi. Bây giờ gia đình phân tán mỗi người một nơi. Mỗi người có riêng một cuộc đời. Hoàn cảnh đẩy xa nhau những thân tình và tạo nên những khoảng cách, những trống vắng.

Có vài tiếng động nhẹ từ phòng trong đưa ra. Tôi nói lớn:

- Mười hai giờ đúng rồi chị N. mình cúng chứ gì nữa.

Tôi bỗng lặng người khi không nghe tiếng chị N. đáp lại. Cái gì rồi đây? Không, tôi kêu thầm với chính mình như mong tìm lấy ở mình can đảm. Không thể khóc giữa lúc này. Không thể buồn bã lúc này. Tôi rón rén đi vào. Chị N. đang ngồi bên Ngỗng và úp mặt vào bàn tay. Biển sóng như trào đầy trong lòng, như vật vã muốn hất tung một bờ cát chận ngăn để lan khắp cùng trời đất. Tôi cắn môi ngăn giữ.

- Trời ơi, làm gì kỳ vậy? Ra đây đi “bà” ơi. Giao Thừa rồi, Ông Bà chờ con cháu chúc Tết đó. Hai đứa ra cúng xong đi ngủ. Mai ta đi Chùa. Mồng hai chúng ta ở nhà tiếp khách. Chị có bạn chứ? Tuyền hứa sẽ đến thăm em. Khi xa hai đứa không bao giờ viết cho nhau một cái thư, nhưng khi trở về gặp nhau đều tay bắt mặt mừng. Năm nay thì không có H. đến như năm ngoái. Em chẳng buồn vì điều đó. Chị Vân cũng đến em nữa, như thế là đủ rồi.

Tôi chạy lại tủ áo lấy một cái khăn tay đưa cho chị và cười:

- Lau mắt đi cho tôi nhờ với bà chị. Năm mới năm me mà lệ cứ đầm đìa chịu không nổi.

Chị cũng cười với khuôn mặt ướt nước:

- Th. nói như một bà già.

Cắm thêm một tuần nhang khoanh, tôi để chị làm lễ và pha nước trà. Tôi ra đứng ở cửa sổ. Trời không một vì sao. Đêm đen và lạnh. Hoa mai trắng thoảng hương thơm dịu dàng. Năm nay hoa nở đúng ngày. Bốn cây bạch mai nở đều trắng toát. Tôi suốt cả đời chỉ thương mỗi hương hoa này. Những ngày xưa, đêm đêm ngồi học ở bàn, tôi vẫn mở tung cửa sổ để thỉnh thoảng thoáng nghe hương theo gió bay vào.

Bên kia nhà thờ lặng vắng. Tôi mải mê nghĩ gì nên quên mất tiếng chuông đổ lúc Giao Thừa. Năm mới rồi. Thêm một tuổi rồi. Đời tôi, không biết rồi có gì đổi thay. Chị N. đến bên tôi từ bao giờ.

- Vào trong này ngồi đi. Không mưa sao lạnh quá. Th. tưởng tượng chừ bà ngoại làm gì nào?

- Chắc bà ngoại cúng rồi và sắp đi ngủ. Mai bà ngoại mặc áo gấm, đi hài cườm ngồi ở ghế bành đẹp nhất cho con cháu chúc mừng năm mới.

Tôi muốn nói thêm – Không biết bà có nhớ tụi mình , nhưng tôi ngừng kịp. Bà ngoại vẫn thương chị N. nhất trong số những đứa cháu. Năm nay bà ngoại ở lại Saigon chơi nên chúng tôi bơ vơ thêm một chút. Tôi nghịch ngợm chìa tay ra trước mặt chị. Chị N. cười:
- Lớn rồi cô ơi. Như năm xưa thì cũng bỏ vào bàn tay này này (chị lấy tay chị đập lên tay tôi) một cắc bạc, nhưng bây giờ thì không.

Tôi phì cười:

- Giáo sư kẹo quá. Thôi đi ngủ, mai còn dậy sớm cúng Mồng một. Ai bày ra cúng quảy cũng hay mà cũng mệt N. nhỉ.

Chị bây giờ như đã khuây nguôi. Đám mây u ám như đã tan biến. Chị nói:

- Nhà mình năm nay đẹp hơn năm nào hết. Hoa ngoài vườn nở nhiều quá. Chỉ tiếc hai chậu tỉ muội chết khô chết héo từ mùa hạ, không giờ đặt ở ngưỡng cửa đẹp biết mấy.

Tôi tắt đèn. Hôn gởi chị một cái sau khi chúc chị ngủ ngon. Tôi trở về giường mình. Nhưng lời chị nói với theo làm tôi đứng lặng:

- Th., bỗng dưng chị mong có gì xảy ra để Th. đừng đi nữa.

Tôi nhớ những ngày loạn lạc của bốn năm trước. Tôi rùng mình. Chưa lúc nào như lúc này tôi hiểu được lòng chị đối với tôi ra sao. Những lo âu, những khổ sở, những kinh hoàng những giờ phút cận kề bên cái chết, đã từng làm chị sợ hãi bao nhiêu. Nhưng bây giờ, chỉ vì muốn được gần tôi, chị lại có thể chấp nhận những điều đó. Tôi nghẹn ngào. Trong bóng tối, tôi không giấu che lòng mình gì nữa. Tôi để mặc nước mắt rơi. Tôi nhớ ra chúng tôi đã bơ vơ từ nhỏ, nhưng chúng tôi gần nhau. Cho đến một ngày lớn lên, mỗi người theo một con đường, và chúng tôi xa nhau từ đó.



Chị N. bế Ngỗng đưa tôi ra đến cổng. Đêm rồi hai đứa giao kèo trước, không ai được khóc lóc hết. Đưa người đi rồi về chứ khóc là có ý không muốn người đi về nữa. Tôi nói:

- N. mà khóc thì sang năm nhất định Th. không về nữa. Chắc chắn là như thế. “Mưa gió” mệt mỏi lắm, với lại chị muốn người đi chết hay sao mà khóc trước.

Chị “xì” một tiếng:

- Nói bậy. Tại xa thì phải khóc chứ. Nhưng mai chắc chắn không khóc.

Chị đòi đưa lên tận ga nhưng tôi nhất định không cho. Năm ngoái, hồi chưa có Ngỗng, tôi đã không giữ được mưa gió đầm đìa làm H. riễu tôi quá. Năm nay tôi có khóc cũng không ai riễu tôi nữa… Bởi chăng H. đã đi về miền quá khứ. Đã ngủ giấc sầu trong sâu cùng tâm tư là bãi tha ma của một dĩ vãng.

Tôi hôn Ngỗng như mưa lần chót. Chị N. giữ lời hứa, chị cười dặn dò:

- Sang năm về xem Ngỗng lớn nghe. Ngỗng mi lại dì đi.

Ngỗng quàng tay ôm cổ tôi. Cô bé cạ má vào má tôi và nói:

- … mi… mi.

- Cô nhóc tếu quá, mi mà phải nói mi, mi.

Tôi nhìn chị lần cuối rồi lên xe đã chờ sẵn. Ngỗng kêu tôi rối rít. Những tiếng ân cần níu giữ một bước chân đi. Tôi xoay lại nhìn. Chị N. đang úp mặt vào Ngỗng, trong khi Ngỗng vẫn ngây thơ nhìn theo. Lòng nao nao, tôi ngậm ngùi nhìn nắng vàng mơ trải xuống mặt đường, như niềm vui tôi phút chốc này biến tan. Dư hương của ngày đã qua chẳng còn. Nhưng mùa xuân thì vẫn nồng nàn trên những chòm cây ra lá non xanh mướt.

TRẦM VI   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)