Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

CHUYẾN VỀ CUỐI NĂM - Phan Khương Thái

Mùa len trâu - Ảnh : Xuân Thủy

Mấy hôm nay ông Cả rất bực mình với bọn lái trâu bò. Ông miễn cưỡng phải cho bốn người tá túc là quá lắm vì ông vốn mang tiếng keo kiệt từ lâu. Có đâu mà lo đến cái ăn, cái uống thêm nữa. Chỉ vì hồi xưa, thuở còn ba chìm bảy nổi, ông Cả có gia nhập kháng chiến. Kẹt một nỗi là có anh bạn quen, bây giờ trôi giạt lênh đênh tới đây. Tái ngộ cảnh này ông Cả không ham, chỉ sợ phải dính líu ân oán giang hồ, nên ông phải ép bụng. Ông Cả không chút nao núng khi nghe già Hai giở giọng vừa thuyết phục vừa hăm dọa:

- Anh bán đại bầy trâu già cho tôi đi, bò nữa. Thiệt! Tôi cũng cần cho đủ số, chớ trâu với bò của anh tệ quá. Chưn cheo, nằm cát… đủ cái xấu…

Rồi già Hai hạ thấp giọng như sợ kẻ khác nghe lén:

- Hồi dẫn đàn em qua đây, tôi còn nghe phong phanh tụi cướp Miên hăm lùa trâu bò làng này… Anh coi chừng, tụi nó đếch biết trời đất, dám lựa người già mà khảo nữa đó đa…

Ông Cả cười nhẹ chứ trong bụng hơi lo, và đáp cứng bề ngoài:

- Ối! Tới đâu hay tới đó, thời buổi này cướp mà ló vô đây thì tới số… Có lính quốc gia, rồi tự vệ… đủ sức bảo vệ thôn ấp mà. Thôi anh nhậu tiếp, tôi vừa rồi…

Ông Cả quát gọi thằng chăn trâu. Thằng Tư Cò ở đợ trừ nợ cho vụ đám ma của tía nó, mà hồi đó ông Cả tốn tiền làm giúp. Ông Cả chỉ sợ cái thằng nhỏ thó, mặt thẹo – đàn em của già Hai – rù quến thằng Cò đi theo. Ông Cả còn sợ thằng Cò điềm chỉ tiền của ông để trong nhà thì nguy. Ông Cả la chằng chằng, mà độ chừng thằng Cò khoái theo cái thằng mặt thẹo nghe chuyện trên trời, dưới đất, đủ thứ tào lao…

- Cò à, bữa nay mày ngủ ở chuồng trâu nữa nghe chưa. Nhường cái chái cho ông Hai với mấy anh đây. Mày nướng thêm con khô mực giùm cái…

Ông già Hai cản lại, sau khi ực nốt chỗ đế sót lại trong xị rượu:

- Thôi khỏi anh, tụi tôi đi ngủ đây. Tư Rô, chú đi đốt mớ củi un muỗi coi.

Gã mặt thẹo là Tư Rô, nhỏ nhất bọn và cũng lanh lẹ nhất, đi một lát về, gã nói:

- Hổng có củi, un đỡ bằng mủng dừa, còn tôi vô chuồng trâu ngủ chung với chú em đây cho vui.

- Ừ, cũng được, mà bớt đía cái lỗ miệng lại nghe Tư Rô.

Tư Rô cười hệch hạc:

- Đía gì đâu! Hết nói chuyện vòng vo Tam Quốc, thì nói qua chuyện Tiếu Lâm cho nó đỡ buồn vậy mà.

Tư Cò nằm lim dim nãy giờ. Nghe tiếng động của chân người nhảy qua song ngang cửa chuồng trâu, nó nhích khẽ qua một bên nhường chỗ cho anh bạn. Anh Tư Rô mới có hăm mấy tuổi đời mà dày dạn phong trần, biết đủ thứ chuyện làm nó phục lăn.

Ông Cả đoán không sai, Tư Rô với mục đích dụ dỗ thằng bé non dạ. Thật vậy, Tư Cò mười lăm, mười sáu tuổi rồi mà còn khờ như trẻ lên mười. Coi bộ thằng Tư Cò tin tưởng hết sức khi nghe:

- Cò à! Ngủ chưa?

- Dạ chưa.

- “Qua” kêu tên chú nghe. Chớ kêu thứ, thì hai anh em mình đều thứ Tư hết cũng kỳ. Bữa nay “qua” kể tới chuyện “len” trâu. “Lùa trâu” mà tiếng nhà nghề nói chại theo tiếng Miên đó. Chú biết không? Vui lắm. Tới mùa nước nổi, miệt Hậu Giang bị ngập lụt cho đến trâu bò ốm đói không còn cỏ lúa mà ăn. Chủ trâu phải mướn người dẫn bầy trâu lên núi tìm sống, chờ nước giựt lùa về, trả công bằng lúa từng giạ cho “tằn khạo”.

Thằng Tư Cò thắc mắc:

- Tằn khạo là chức gì hả anh?

- Cũng tỉ như cập rằn, hay người quản lý bầy trâu tứ xứ mấy trăm con vậy. Ông ta mướn thêm năm mười đứa bé chăn giúp. Hồi cỡ tuổi chú em, qua cũng theo nghề đó rồi. Cực nhọc mà vui ghê. Vì cứ ở trần dang nắng cả tháng trường. Yếu sức dám bịnh, mà bịnh nặng dám chết dọc đường như trâu. Vì lúc nào cũng hò hét, đập cây dầm, đếm trâu trên xuồng trống trải, chịu đựng với nắng mưa. Con trâu chết còn có bộ da với căp sừng cho tằn khạo đem về làm bằng cớ trình chủ trâu. Rủi ra chủ trâu nói mình giết thịt hay bán tháo, hoặc bị cướp thì mất uy tín để làm ăn… Về sau, thấy làm hoài chỉ làm giàu cho tằn khạo, “qua” bỏ nghề. Bây giờ đi buôn trâu bò, chắc chắn lại lời hơn.

- Vậy chắc tui đi làm mướn kiểu đó được hả anh?

- Ờ, nếu biết lợi thì dư sức. Còn chèo xuồng, và lùa trâu, và coi đếm… thì học mấy hồi. Nhưng mà nghe “qua” đây, theo ông Hai đi, lùa trâu bò trên cạn khỏe ru.

- Ý, tui đâu có vốn liếng gì mà buôn với bán.

Tư Rô cười ngất trong đêm vắng, rồi giải thích cho Tư Cò nghe, tiếng được tiếng mất như muỗi mòng vo ve:

- Vốn liếng khỉ gì. Toàn là “mượn đầu heo nấu cháo”.

- Nghĩa là sao?

- Thì vay nợ chẳng hạn. Hay mua chịu. Có khi lấy tiền trước của người mua, rồi đi mua ăn lời. Coi như đó là tiền công.

Nhưng Tư Rô quên hay không thèm tiết lộ rằng : y và đồng bọn đã từng quịt nợ, hay mua chịu không trả. Còn ai mà tin tưởng đưa tiền trước thì luôn gặp lỗ lã vì sự việc đã rồi, không làm sao giải quyết được mánh khóe quỉ quyệt của bọn lưu manh.

- Nghe anh nói tui bắt ham, Nhưng trốn theo anh, chắc ông Cả cào nhà má tui. Má con tui còn thiếu nợ với chịu ơn của ổng nhiều.

- Gì mà dữ vậy. Theo nghề hổng đầy nửa năm, chú em dư tiền tậu cái nhà còn lớn hơn của ông Cả. Nghe lời “qua” đi. Mình bỏ hết. làm trai mà! Phải vùng vẫy cho thỏa chí tang bồng. Nhát thít như chú em suốt đời làm tôi mọi cho người chớ ích gì.

Sáng mốt, vừa tờ mờ sáng thì bọn lái lên đường sang Cao Miên theo ngả Trảng Lớn. Ông Cả đã bán hết bầy trâu năm con, chỉ còn giữ lại hai con bò để dành kéo xe. Không phải ông Cả chịu lép vế cái bọn lái “trăm mưu ngàn kế” đó, mà bởi vì ông tính khôn lắm. Ông sẽ dùng tiền bán trâu, đắp thêm chút ít để mua một cái máy cày. Với máy đó ông còn có thể cho lối xóm mướn lại với giá cắt cổ. Chẳng mấy lúc mà lấy lại đủ vốn. Đến chừng ông Cả biểu thằng Tư Cò lo dọn dẹp cho sạch chuồng trâu để khi cần sẽ trồng nấm rơm, mới hay thằng Tư Cò đâu mất. Mấy bộ đồ rách nó giấu trên tấm ván gác ngang sát nóc chuồng cũng được nó lấy theo, nhưng cái nóp của ông Cả cho thì còn đó. Ông Cả giận dữ vì biết chắc thằng Tư Cò cuốn gói để lang bạt giang hồ. Dù rằng từ nay ông khỏi cần thằng Tư Cò chăn trâu, nhưng còn bao nhiêu công chuyện nặng nhọc ai làm đây? Dễ gì mướn đầy tớ đa dụng, lại có thể mắng chửi, đánh đập lúc nào tùy ý. Ông Cả đến nhà má của Tư Cò, vừa cho hay vừa chửi rủa cho đỡ tức giận. Ông còn hăm he thưa lính làm sao cho còng đầu “cái thứ gì mà không biết dạy con”, nào là “quân vô ơn bạc nghĩa”. Má Tư Cò rưng lệ, thiếu điều lạy sống ông Cả để xin lỗi. Má của thằng Tư Cò phải hứa cho con Năm Đẹt – em Tư Cò – làm thế thằng anh nó, ông Cả mới tạm gọi là nguôi bụng. Ông hầm hừ xách ba toong ra về, không quên phân bua bằng một câu ra vẻ đạo đức : - Thiệt là “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”. Thằng Tư nó còn ăn cắp của tôi cũng bộn bạc để theo cái thứ lưu manh. Cái thằng gì mà “tâm hơ, tâm hất”, để nó giữ trâu bò, ban đêm trộm cũng khiêng luôn nó thì kẹt cho tôi đa. Cũng may! (?)

*

Xoay qua, xoay lại… lật bật đã thấy Tết. Nhà nhà đưa ông Táo xong thì lo dựng nêu. Đêm đó, chưa ba mươi mà trời tối đen như mực. Bỗng có tiếng sủa rân, kéo dài từ đầu thôn, đến cuối ấp, rồi dừng lại ở trước căn nhà lụp xụp của má thằng Tư Cò. Con Năm Đẹt đã xin ông Cả về nhà mấy bữa rày để gói bánh tét bán. Con Năm nghe động thì la chó, rồi nó lách tấm phên ra. Một bóng đen xơ xác, đứng lặng, nhìn kỹ rồi con Năm mừng rú lên:

- Trời! Anh Tư, má ơi má! Anh tư về kìa.

Dừng tay cắt mớ rễ kiệu, má thằng Tư nhìn ra, bà buông dao và nghẹn ngào thốt hỏi:

- Tư, mày đi đâu mất biệt hai tháng trời nay? Tao tưởng mày chết bờ chết bụi rồi chớ. Mày coi, nhà cửa chùm ùm, không người quét tước dọn dẹp để đón ông bà. Bàn thờ, lư hương, chén cúng… chờ mày về đó Tư.

Con Năm Đẹt tò mò nhìn nét mặt dày dạn sương gió của anh nó, bây giờ có vẻ đen hơn. Nó toan đóng tấm phên tre thì nghe tiếng thở phì phò mà nãy giờ, giây phút hàn huyên gặp gỡ đầy cảm động đã lấn át sự chú ý của nó.

- Úy, mèn ơi! Trâu ở đâu mà anh Tư dắt về kìa má ơi!

Thằng Tư Cò cười ngây ngô. Nó giải thích việc làm công khai của nó, lẽ ra phải giấu kín:

- Tui lấy của mấy ông lái trâu bò.

- Vậy là mày trộm trâu sao Tư? Con ơi, bộ con làm chuyện phi pháp người ta hay biết thì chết, liên lụy má con tao, khổ lắm Tư ơi!

- Ăn nhằm gì má ơi, má đừng lo, bọn họ bắt hai người rồi. Còn hai người kia lủi trốn đâu mất. Tui quýnh quá, rã hàng ngũ sẵn dắt về đây đại ba con trâu. Tui đi khơi khơi có lính tráng nào xét bắt đâu.

Tết năm đó, má con thằng Tư Cò bán lại cho ông Cả hai con trâu để trừ hết nợ nần. Ông Cả bỗng giở chứng tốt bụng (có lẽ để khoe khoang mình cũng là người biết tha thứ, biết làm ơn) còn cho Tư Cò thêm mớ tiền. Tư Cò sắm cho mấy đứa em nhỏ mấy bộ “Bi-da-ma” mặc lấy le. Không ai biết vì lý do nào Tư Cò giữ lại con trâu thứ ba. Hỏi nó, túng quá nó đáp đại:

- Ờ, thì để coi, rồi tui cũng mần ruộng như ai, chớ bộ chăn trâu hoài sao.

Ba ngày Tết, Tư Cò say túy lúy với chúng bạn. Tụi chăn trâu phục lăn Tư Cò. Vì Tư Cò luôn luôn là người gục sau chót. Dè đâu nó đi buôn trâu bò mà tập tành nhậu nhẹt cứng quá. Bề gì Tết này Tư Cò cũng mười bảy tuổi rồi, nó bày đặt làm người lớn. Làm người lớn song tàn như mấy chuyện nó kể:

- Tụi bây biết không. Già Hai là một tay ghê gớm không ngờ.

Mấy đứa thân nhất mới dám hỏi chặn họng Tư Cò:

- Ghê gì, buôn lậu là cùng.

- Còn hơn vậy nữa. Già Hai mập mờ dùng trâu bò tải “cơm đen”.

Rồi rượu vào lời ra, Tư Cò thao thao tiết lộ bí mật. Cái bí mật mà nhóm người của già Hai giữ kín. Về sau nếu hay xảy ra như vầy họ dám giết chết Tư Cò. Tụi chăn trâu thắc mắc:

- Cơm đen là cái khỉ gì? Sao lại chỉ dùng trâu với bò mà chở?

- Tụi bây đâu có biết. Thuốc phiện đó. Một hôm tổ trác, như mọi lần thì trót lọt. Dè đâu hôm đó bùn khô, tróc ra một mảng, lòi cái mo cau trong đó giấu thuốc. Mấy con trâu với già Hai bị tóm tại trận. Đàn bò lùa theo mập mờ đánh lận con đen cũng bị giữ lại với chú Xán. Còn tao đi ở phồn sau nên trốn thoát. Có cả anh Tư Rô và chú Châm cũng vội tẩu tán tang vật. Thừa lúc hỗn độn, Tư Rô và Bẩy Châm còn mất tinh thần, tao đem ba con trâu tách khỏi phồn (gần sáu mươi con) tìm đường về quê…

- Xa dữ hông! Ở đâu lận mậy Tư?

- Ở tận biên giới Miên Việt, miền núi Thất Sơn… Xém chút nữa tao đi lạc xuống miền núi Sam, núi Sập ở miệt Hậu Giang thì không kịp ăn Tết ở quê nhà.

- Mày dắt trâu ăn trộm đi khơi khơi mà về được, tài quá.

- Chớ sao, dù trâu trộm hay trâu mua tao cũng học được cách uốn sừng, sửa mấy cái xoáy, có thánh mới dòm ra dấu vết đặc biệt. Đi mấy tháng trường, học được có bấy nhiêu. Đâu bữa nào tụi mình đi ăn trộm trâu chơi.

Nghe nói tới đó, tụi chăn trâu vui quá vỗ tay cười nghiêng ngả. Chúng xây tua ực từng ly “séc” rượu đế nghe “trót”, rồi bày đặt “khè” mấy cái và bỏ miếng “mồi” vào miệng nhóp nhép. Rõ ràng mấy ông cụ non. Tụi chăn trâu nói đùa rằng từ nay thằng Tư Cò cũng có trâu như ai, lo mà tậu ruộng rồi cưới vợ là vừa. Tư Cò bẽn lẽn, nhưng tại say cái mặt nó đỏ ké như con tắc kè, có đỏ thêm cũng không đứa nào thấy. Tư Cò chợt buồn khi nhớ đến một tâm sự riêng. Số là con trâu hiện giờ nó nuôi là của chú Ba Tôm ở xóm dưới. Chú thế cho ông Cả, nhưng chắc là nghèo quá, sa sút thêm hoài, dễ gì mà chuộc lại được. Tư Cò định đem về tìm cách giúp đỡ chú Ba Tôm, vì lẽ con trâu đã được bọn ông già Hai “sửa sang sắc đẹp” không ai nhìn ra nổi. Than ôi, chú Ba Tôm đã té mương chết rạng mùng bốn Tết. Không biết vì uất ức thua bài, vốn liếng để dành tậu trâu khác – trâu cũ đã bị ông Cả bán mất – hết sạch, nên chú tự tử hay vì say rượu trúng gió. (?) Chỉ thấy cái mương cạn sệt mà chú Ba Tôm chúi đầu xuống chết thật thản nhiên.

Đôi lúc người lớn gặp thằng Tư Cò thì hỏi chọc nó cho vui:

- Sao? Tưởng thằng Tư mày đi tới Thất Sơn rồi tầm sư học đạo luôn chớ.

Thằng Tư Cò cười và trả lời:

- Dạ, đâu có tính đi tu nên cháu mới về đây.

Ai cũng lắc đầu và bàn về nó:

- Cái thằng coi lù đù mà khôn thiệt. Khi không cái có ba con trâu, hổng chừng nhờ đó mà nó ăn nên làm ra.

Thảng có khi nào Tư Cò nhớ lại dĩ vãng lênh đênh hồi nó còn dại dột, nó chỉ thắc mắc không rõ anh Tư Rô, mà nó thân nhất, bây giờ lưu lạc phương nào. Hình như nó nghe phong phanh Tư Rô đổi phương cách giấu thuốc trong những thùng mắm trên các chuyến xe đò. Cuối năm Tư Rô làm một vố lớn, định giải nghệ ăn Tết luôn. Dè đâu bị mấy trạm kiểm soát khám xét bắt được. Tư Rô nằm tù, chờ ngày kêu án. Đó là những tin sót lại sau cùng mà thằng Tư Cò nhận được, nhưng nó không đời nào dám hỏi thăm cho kỹ. Lúc bình thường đừng hòng có ai cạy răng Tư Cò kể chuyện bọn lái trâu bò, với những bí mật mang nặng trên lưng, dưới bụng… những con vật hiền lành và kín miệng ấy.


PHAN KHƯƠNG THÁI




(Trích tuần báo Thiếu Nhi xuân Quý Sửu, 1973)

Bìa của Vi Vi : Cờ lau trận

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com