• Ngày Tết, nước ta có tục dựng cây nêu trước nhà. Tục này do sự tích khi xưa quỷ sứ quấy nhiễu dân gian, đức Phật giáng lâm trừng trị. Bọn quỷ xin tha và hỏi Phật có dấu hiệu gì để lại cho chúng biết mà tránh. Phật trả lời: nơi nào có cây nêu và rắc vôi bột, đó là đất của ta! Từ đó, dân chúng dựng nêu và rắc vôi quanh nhà để trừ tà ma ngày Tết.
• Lễ trừ tịch hay lễ giao thừa là lúc tống cựu nghinh tân. Dân ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc dân gian, hết năm thì phải tiễn ông cũ, đón ông mới.
• Xông nhà hay xông đất là một tục lệ quan trọng trong ngày Tết. Hầu như mọi người đều tin rằng sự hên xui thịnh suy của gia đình mình trong một năm đều do người đến nhà mình đầu tiên vào ngày mồng một. Vì thế, nhiều gia chủ kỹ lưỡng đã tự xông nhà mình bằng cách đi lễ chùa trước giờ giao thừa rồi khi trở về, xông nhà mình trước tiên. Như thế cho chắc ý, chuyện gì trong năm cũng do mình cả, chẳng phải trách ai.
• Mừng tuổi hoặc lì xì có lẽ là một tục lệ đẹp đối với quý vị trẻ nhỏ, và ít đẹp đối với quý vị người lớn. Theo đúng tục lệ, tiền mừng tuổi hay lì xì phải cất riêng, không được tiêu đến vì đó là cái may mắn, nhưng sự thật thì…
• Phần đông dân ta không quét nhà ngày Tết, vì sợ… đổ Thần Tài đi mất.
• Ngày Tết, ai cũng cố gắng vui vẻ, tránh cau có và kiêng những tiếng không đẹp vì sợ bị giông cả năm. Phải chi mọi người đều giữ những đức tính ấy suốt năm thì có lẽ tất cả đã… hạnh phúc!
• Ca dao có câu rằng:
Thừa tiền mua pháo đốt chơi
Pháo nổ trên trời, tiền vứt xuống ao!
Ấy vậy chứ ngày Tết, nếu được đốt pháo, dân ta cũng sẵn sàng vứt tiền xuống ao như thường. Bởi còn gì vui, nhộn và náo nức cho bằng tiếng pháo nửa đêm giao thừa và những ngày xuân!
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần, 1974)