Con
xề đòi ăn kêu eng éc. Mận bưng vội rổ rau xuống về phía chuồng lợn.
Thấy bóng Mận, con xề càng kêu to hơn. Dưới chân nó, sáu con lợn con
nhao nhao xấn vào bú mẹ.
Mận
đổ vội rổ rau xuống máng ăn. Con xề chúi đầu xuống, ăn lấy ăn để. Đám
lợn con cũng châu đầu vào : vú mẹ hết còn hấp dẫn chúng rồi !
Từ ngoài ngõ, bà Nhỡ nặng nhọc vần bao cám. Bà nhìn về phía chuồng lợn hỏi Mận :
- Xề nó đã đòi ăn rồi à ?
Mận chạy ra giúp mẹ một tay, cùng đem bao cám vào nhà. Con bé kể :
- Con vừa hái rau về, chưa kịp thái ra, chúng nó đã kêu ầm lên, con để nguyên thế cho ăn.
- Rồi tí nữa ra hái thêm ít nữa. Khiếp ! Lứa nào cũng thế, lo ăn cho chúng đến mệt !
Miệng
than, nhưng môi bà Nhỡ lại nở nụ. Chắc là bà nghĩ đến số tiền bán lợn
vào dịp tết này. Con xề đẻ lứa này là ba rồi đấy ! Lứa đầu tiên được năm
con, lứa thứ nhì tám con và lứa này, sáu con. Trong ba lứa, xem chừng
chỉ có lũ lợn con lứa này là háu ăn hơn cả. Bởi thế, chúng lớn như thổi.
Mới khoảng hai tháng mà đã có dáng bằng con Vện nhỡ.
Con
xề và lũ con đã ngốn hết mớ rau, chừng như còn đói, lại kêu ầm lên,
không phải chỉ mình con xề kêu mà lũ con của nó cũng phụ họa theo mẹ. Bà
Nhỡ cùng Mận bước đến bên chuồng lợn. Bà Nhỡ mắng yêu lũ lợn :
- Gớm ! Từ từ để “mẹ” còn lấy thức ăn cho chứ ! “Mẹ” giận bây giờ !
Rồi bà quay sang Mận :
- Mầy chịu khó ra vườn cắt cho chúng nó ít rau nữa đi !
Mận lắc đầu ngoe nguẩy :
- Ăn gì mà ăn tợn thế ! Mặc cho mẹ con nó đói một bữa đã sao ?
Bà Nhỡ lừ con :
- Ở đấy mà ỡm ờ ! Mầy có đi cắt rau không thì bảo ?
Mận phải nghe lời, quay đi. Nó lẩm nhẩm :
- Lũ quỷ chỉ làm rộn mình. Mong sao chóng đến tết để tống khứ đi cho rảnh nợ.
Rồi
con bé nghĩ đến ngày tết sắp đến. Bố mẹ nó đã tính, lứa lợn này, bố mẹ
nó chỉ nuôi đến lúc ấy rồi đem bán. Gần tết, lại được lũ lợn con đang
sức lớn, thế nào bán cũng được giá. Có tiền, bố mẹ nó sẽ sắm một cái tết
thật ra trò, cho bõ mấy năm qua sống khổ cực, tết nhất gì mà chỉ có vài
cọng dưa hành, mấy cái bánh chưng…
Mận
đi xa rồi, bà Nhỡ vẫn còn đứng cạnh chuồng lợn. Bà cúi xuống vuốt ve
từng con lợn. Con xề nghếch mõm lên thở khìn khịt. Bà Nhỡ làm như con
lợn biết nghe tiếng người, bảo nó :
- Để rồi mẹ tẩm bổ cho. Bận nào đẻ xong cũng gầy rộp hẳn đi.
Chợt
bà nghe có tiếng thằng Còm em con Mận gọi trong nhà. Bà vội rời đám
lợn, bước nhanh vào nhà. Thằng Còm đang lần ra ngoài cửa. Bà hốt hoảng :
- Không được ! Tao bảo phải ở trong nhà. Ngoài này gió máy…
Thằng Còm nhăn nhó :
- Nhưng ở trong ấy nóng quá, con chịu không được…
- Nóng thì mặc nóng. Ốm thì phải kiêng khem chứ. Mầy đã uống nửa viên thuốc tao dặn chưa ?
- Rồi ! Nhưng… mai con không uống nữa đâu…
- Sao ?
- Đắng quá !
-
Thuốc đắng mới giã tật được chứ ! (Giọng bà Nhỡ nhẹ đi) Nghe lời mẹ đi
con, vào trong nhà chơi, chiu khó uống thuốc cho chóng khỏi…
Thằng
Còm để mặc mẹ nắm tay kéo vào nhà trong. Bà Nhỡ bắt nó lên giường nằm.
Cái chăn bông cũ bị Còm vất xuống cuối giường, bà kéo lên đắp ngang ngực
con. Còm dẫy nẩy :
- Nóng quá, con không chịu đâu !
Bà Nhỡ sẵng giọng :
- Tao bảo phải nghe ! Mầy muốn đến mấy ngày tết nằm ốm liệt ra đấy hở ?
Còm
lấm lét nhìn mẹ, nó nằm im, chịu đựng. Hơi nóng từ người nó toát ra
luân chuyển trong phần không khí chật hẹp bên trong chăn bông càng làm
nó thấy nóng hơn.
Bà
Nhỡ đã trở ra ngoài, Còm len lén giở chăn ra rồi lấy chân đẩy xuống
cuối giường như trước. Một bên mông nó ê ẩm vì mũi tiêm buổi sáng nay.
Mà có lẽ, vì cả những cảm giác đau đớn còn sót lại của những mũi tiêm
trước nữa.
Còm
ốm đã ngót một tuần. Hôm ấy, đi học về, tự nhiên Còm thấy ớn lạnh. Nó
nói cho mẹ biết. Bà Nhỡ chạy vội đi mua viên thuốc cảm bẻ đôi cho Còm
uống, còn nấu cháo hành hoa cho ăn. Ăn xong, Còm phải đắp chăn bông đợi
ra mồ hôi. Những lần trước bị bệnh, Còm vẫn phải làm như vậy, và bệnh đỡ
ngay. Chẳng ngờ lần này, Còm bị nặng. Đến tối hôm ấy, nó lại lên cơn
sốt dữ dội. Người nó nóng rực như than. Bố nó chạy đến nhà ông y tá cùng
xóm nhờ đến tiêm. Ông y tá cặp thủy và bảo nó nóng đến 39 độ. Còm không
hiểu gì về việc cặp thủy cả, nó có vẻ không tin ông y tá. Nó nghĩ, nước
sôi còn sôi ở cả trăm độ (Còm nghe chị Mận của nó giảng thế),
người nó chắc còn nóng hơn nước sôi, 39 độ thế nào được ! Cơn nóng
khiến Còm mê man nhiều lần. Rồi hết cơn sốt này đến cơn sốt khác, Còm bị
hành hạ cả tuần nay. Mông bên phải của nó đã tiêm đến mũi thứ ba. Ngày
mai này, mông bên trái sẽ tiêm đến lần bốn.
Còm
bỗng giật mình nhìn về phía bàn học. Chị nó, con Mận, đang tìm cái gì
đó trong ngăn kéo. Còm nghĩ đến cuộn chỉ của chị mà nó đã lén lấy cho
thằng Hòe để nó làm hộ Còm con diều. Không biết có phải chị nó đang tìm
cuộn chỉ đó hay không ?
Con Mận quay nhìn Còm, nó hỏi :
- Mầy có thấy cuộn chỉ của tao để ở đâu không hở, Còm ?
Còm toát mồ hôi. Chết rồi, quả đúng chị nó tìm cuộn chỉ. Còm ấp úng :
- Em… không biết.
Mận đứng im ra vẻ suy nghĩ :
- Lạ nhỉ ! Chả nhẽ chị Ngót lấy khâu vá rồi vất đi đâu ?
Đoạn, con bé tìm lại một lần nữa trong ngăn kéo. Không thấy, con bé bỏ ra ngoài.
Còm
nhìn theo chị. Hú hồn hú vía. Thế là thoát nạn. Bây giờ Còm có quyền
yên tâm mơ tưởng đến con diều của nó rồi. Thằng Hòe mà làm diều thì nhất
rồi, vừa đẹp vừa bay cao. Thế nào tết này diều của Còm cũng ăn đứt diều
của mấy đứa bạn cùng xóm ! Người ta đổi con diều bằng cả cuộn chỉ mới
mà !
*
Thêm một con lợn bỏ ăn. Thế là đã bốn con nằm bẹp một chỗ chỉ trong vòng hai ngày.
Mận
tuy ghét lũ lợn vì chúng làm con bé bận rộn suốt ngày, nhưng trước cảnh
này, nó vừa tội nghiệp cho lũ lợn, vừa lo cho gia đình. Dạo này, tự
nhiên sở Mỹ dở chứng, sa thải nhân công. Bố nó chẳng may ở trong số
người bị sa thải. Bố nó thất nghiệp hơn tuần nay rồi. Cái nghề thợ nề
chừng như không còn được dùng tới trong cái khu xóm nằm gần vùng quân sự
này. Chả ai muốn xây cất gì cả. Câu nói đầu môi của mọi người là :
“Thời buổi này, sống nay chết mai, còn lòng dạ nào mà xây nhà xây cửa”.
Thật
ra, việc bố Mận bị thất nghiệp cũng chẳng lấy gì làm quan trọng lắm,
nhất là chỉ mới có một tuần. Khổ nỗi tiền bạc dành dụm bấy lâu nay lại
dồn cả cho thằng Còm. Tội nghiệp Còm, thằng bé bị nặng quá. Đến nay là
gần tháng rồi. Ông y tá ăn không biết bao nhiêu là tiền thuốc và tiêm
cho Còm không biết bao nhiêu mũi. Vậy mà bệnh của Còm chẳng giảm tí nào,
còn tăng là khác.
Một
đôi lần, Còm lên cơn sốt, người nó như có lửa. Thằng bé trở mình, tung
chăn, kéo màn, giằng xé. Lúc ấy, trông nó thật dữ tợn. Nhưng xong rồi,
nó thật tiều tụy, thảm hại. Bố mẹ nó thấy thế, biết là không thể trông
mong vào cái tài trị bệnh của ông y tá nữa, cuối cùng đem con lên tỉnh
nhờ khám.
Mận nghe tiếng mẹ từ ngoài ngõ :
- Khổ cho con tôi, không dè nó bị bệnh thương hàn…
Ông Nhỡ bế thằng Còm, trùm khăn kín mít, đi thẳng vào nhà. Vài người hàng xóm xúm quanh bà Nhỡ hỏi han. Bà được dịp kể lể :
- Họ bảo bệnh cháu có phần nặng lắm rồi. Cũng tại mình để lâu quá mới đem lên cho họ khám…
Rồi bà chỉ tay về phía nhà ông y tá :
- Khổ cho tôi, cũng chỉ vì tin ông ấy…
Hàng xóm góp lời an ủi :
- Bác yên tâm đi, cố lo chạy chữa cho cháu nó.
- Đưa nó lên nhà thương tỉnh cho họ chữa, thế nào mà không khỏi.
- Bác đừng lo, chúng tôi sẽ trông nom việc nhà hộ cho…
Chị Ngót của Mận từ ngoài vườn rau muống trở về, tay bưng một rổ đầy. Chị trao vội cho Mận rồi chạy đến bên mẹ :
- Thằng Còm có sao không mẹ ?
- Khổ cho em mầy rồi Ngót ơi ! Nó bị chứng thương hàn.
Chị Ngót há hốc miệng, lúng búng :
- Thật vậy sao ?
-
Chứ ở đấy mà không thật. Người ta bảo mình ở dưới này thiếu phương tiện
không thể săn sóc nó chu đáo được, phải đem nó lên đấy cho người ta lo
liệu mới hòng khỏi được… Nhưng tao với bố mầy cho nó về, còn phải tính
lại đã…
Ngót lắc đầu :
- Còn tính với toán nữa ? Sao bố mẹ không để nó ở trên ấy cho người ta chạy chữa luôn…
Bà Nhỡ chỉ vào mặt con :
-
Mầy thì biết gì ! Ở đấy tốn kém lắm. Bố mầy thì chẳng biết gì, trông
nom cho con cũng vụng, mà ở nhà cũng chẳng được tích sự gì. Còn tao, nếu
tao lên trên ấy thì đám lợn con ở nhà bỏ cho ai… Chị em mầy lo được
không ? Lũ lợn mà có bề gì thì chết đói cả lũ đấy con ạ.
Đến đây, tự nhiên hai mẹ con cùng quay hướng về phía chuồng lợn. Bà Nhỡ hỏi Mận :
- Đám lợn con thế nào ?
Mận đáp :
- Lại thêm một con nằm liệt rồi mẹ ơi !
Bà Nhỡ chạy đến bên chuồng lợn, nhìn vào, bà gào lên :
- Có khổ cho tôi không này ! Hết con ốm lại đến lợn ốm. Trời bắt tội tôi hay sao ấy mà ?
Mận an ủi mẹ :
- Để con đi hỏi ông y tá xem có thuốc gì cho mấy con lợn uống được không ?
Bà Nhỡ quắc mắt :
- Không có y tá y tiếc gì hết. Xem gương thằng Còm đấy thôi, chưa bảnh mắt ra sao ? Ý chừng mầy muốn đám lợn như em mầy ?
Mận không biết nói sao, đứng im. Chị Ngót của nó đã vào trong nhà, chị nói với bố :
- Bố phải đem thằng Còm lên nhà thương tỉnh mới được.
Tiếng ông Nhỡ :
- Tao thì tao bằng lòng rồi, khổ một cái là mẹ mầy, bà ấy còn tiếc lứa lợn, sợ bà ấy bỏ chúng có bề gì…
- Lợn với chả lợn ! Lợn là con bố mẹ hay thằng Còm là con bố mẹ ?
Tiếng chị Ngót sắc, cao, mà đầy thương yêu.
*
Chị
em Mận chôn xong bốn con lợn con thì vừa vặn bố mẹ hai đứa đem thằng
Còm về. Thằng Còm đã khá, có da dẻ. Nó thò đầu khỏi chăn, nhìn hai chị
và cười thật tươi.
Mận chạy lại cạnh em, líu lo kể :
- Thằng Hòe đưa diều sang cho mầy rồi đấy. Bây giờ tao mới biết, thì ra mầy lấy cuộn chỉ của tao để đổi lấy con diều của nó…
Còm có vẻ sợ hãi. Mận nói :
- Nhưng không sao, tao không đòi đâu, tao cho mầy luôn…
Ngót cũng chạy lại, nâng cằm em, cười nói với mẹ :
- Đấy mẹ xem, nếu không chịu đem lên tỉnh chữa thì làm gì được thế này.
Bà Nhỡ cười không đáp. Ngót theo bố cùng em trai vào nhà. Mận định đi theo thì mẹ nó gọi giật lại :
- Mận !
- Gì mẹ ?
- Chôn lợn chưa ?
- Vừa xong mẹ ạ… Mẹ có tiếc không ?
- Tiếc hở ? Không ! Mất bốn con lợn mà không mất thằng Còm là tao mừng lắm rồi…
Rồi bà lơ đãng nhìn vào trong nhà, nói một mình :
- Lại sắp phải tẩm bổ cho nó, ốm mới khỏi mà ăn giả bữa thì phải biết.
Mận nhìn mẹ nó, mỉm cười. Nó nghĩ đến mấy ngày tết sắp đến nơi. Lại mấy cọng dưa hành, vài cái bánh chưng…
NGUYỄN THÁI HẢI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 145-146, Xuân Tân Hợi, ra ngày 15-1 và 1-2-1971)