Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

TRAO QUÀ NGÀY TẾT - Minh Quân


Thu có nhiều chị gái, nhà lại khá giả nên chẳng mấy khi Thu phải mó tay vào việc bếp nước, giặt giũ bao giờ, đã có người làm hay chị, mẹ quán xuyến hết.

Dạo sau này, mẹ phải bớt đi một người làm vì tiền công đắt, các chị lần lượt lấy chồng, ở riêng nên mẹ càng mệt thêm. Đúng ra thì Thu vẫn có thể giúp mẹ nhưng tính lười, khi rảnh rỗi không có bài vở gì Thu ngồi mơ mộng vớ vẩn chứ không chịu xắn tay áo bao giờ.

Mẹ Thu không được học hành bao nhiêu. Hồi nhỏ nhà nghèo, em đông lại mồ côi cha sớm nên chưa qua bậc tiểu học mẹ đã ở nhà giúp mẹ buôn bán và săn sóc các em. Bây giờ mẹ lấy làm mừng thấy con gái được học nhiều.

Thu yêu nhạc (!) và ưa đọc truyện. Suốt ngày, ngoài giờ học Thu đọc ngấu nghiến hay hát ư ử trong phòng. Có một dạo Thu muốn làm thi sĩ nữa cơ, nhưng về sau Thu nghiệm ra rằng mình không có máu thi sĩ trong tim, nên thôi. Thu cũng đã viết nhiều tùy bút, đoản văn gửi ở báo nhưng bài Thu không được đăng nên Thu đâm nản, cho là mình không có duyên nghiệp với nghề văn. Và Thu tự an ủi:

- Mà thôi, văn sĩ thì danh giá cóc khô gì? Tiếng mình trong, có cơ làm ca sĩ được… ừ. Biết chừng đâu?

Ca sĩ! Trời ơi! Hai tiếng đó thoạt nói lên đã nghe âm thanh êm dịu là dường nào!

Biết chừng đâu… nếu Thu trở thành ca sĩ thực thụ rồi thì vì “cần có thì giờ trao đổi nghệ thuật” mình sẽ từ giã nhà trường vĩnh viễn, từ giã môn toán hóc búa, khó tiêu mà không sợ ba la mắng?

Công bình mà nói, không phải mẹ không biết qua tí gì ước muốn của Thu, nhưng nói rằng biết nhiều thì cũng không đúng nốt, vì lẽ mẹ bận nhiều việc quá, (không gần bên Thu nhiều) và mẹ nhớ đến ngày còn nhỏ của mình bị bó buộc quá đáng nên mẹ muốn để cho con gái được “rộng rãi” kẻo tội! Vả lại, Thu không khéo tay, lại cũng không dịu dàng như các chị, động có sai bảo tí gì thì làm đổ vãi, hay cãi cọ với người làm, gây gổ với các em nên mẹ đâm bực thêm, không thú vị gì mà sai khiến con gái út, vì vậy Thu càng có nhiều thì giờ để mơ mộng xa vời.

Thu chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình phải làm việc vất vả như mẹ. Nếu phải tính đến chuyện nấu cơm ăn thì Thu sẽ chỉ nấu một nồi ăn hai ba bữa, lúc cơm sôi rửa vài quả trứng vứt vào đó, thế là xong.

Thu ghét nhất là việc rửa chén bát, hư cả móng tay và mỗi lần rửa xong kỳ cọ xà phòng mãi vẫn nghe hôi thế nào ấy.

Đã vậy, tính Thu lại khắc nghiệt hay bắt ne bắt nét người giúp việc từng ly từng tý: thịt kho mặn quá, cá rán vàng quá, rau luộc còn cứng, cơm nấu hơi khô, áo là không thẳng v.v…

Khác hẳn các chị: Người nào cũng lo lắng cho Thu, bây giờ Thu không bao giờ săn sóc hai em nhỏ, Thu cho là chúng khó thương và làm bận rộn Thu nhiều quá! Thu nuôi mối ác cảm ghê gớm đối với mấy ông anh rể: cứ hễ họ lò dò đến nhà, lui tới viếng thăm cho quà Thu ít lâu là thế nào Thu cũng mất đi một người chị, không bao giờ sai suyển, vấn đề chỉ là sớm muộn thôi! Mà lúc đầu, tướng nào cũng biết nết Thu cho nên hết sức lấy lòng cô em vợ khó tính. Ấy thế rồi khi mà chị Thu về nhà họ rồi là họ giở mặt liền: hễ có dịp chị về thăm nhà thế nào họ cũng lẽo đẽo đi theo (gớm, làm trò gì thế kia? Trông mà ghét: không lúc nào rời vợ, Thu rủa thầm họ) và không ngớt kiếm cớ trêu Thu hay tố cáo những lỗi mọn của Thu, những lỗi mà trước nay chưa ai khám phá.

Chẳng hạn như trông thấy Thu ôm cặp đi học, chồng chị Mai cười cười, nói:

- Gớm, cô Thu đi học lúc nào cũng đầy nhóc sách vở có nặng lắm không? Anh mang hộ?

Chị Mai vốn thật thà, vội hỏi:

- Em mang chi nhiều cho nặng? Cần học cuốn nào hãy mang, không thì…

Thu chưa kịp chống chế gì, anh ta đã đến, cầm phăng cái cặp và giốc ngược ra. Thu hốt hoảng thấy mấy cuốn “Người đẹp ác quỉ”, “Tình người thôn nữ” và hai bản nhạc “Lính đa tình” với “Sao em không đến” lộn tùng phèo xuống xa lông!

Thu giận tím mặt và sợ đến run. May lúc đó không có ba, (ba đi hớt tóc) ba mà thấy thì chết đòn.

Mẹ đang khâu áo. Máy kêu rè rè nên không hay biết chi cả. Hú vía!

Đến chồng chị Lan thì ác ngầm hơn: anh ta không bao giờ để cho vợ ngồi yên đính hộ cái khuy, cái cúc trong áo cho Thu, anh ta kiếm hết chuyện này đến chuyện kia nói, hoặc rủ chị Lan đi chơi. Nếu không, anh ta bảo vợ:

- Em có làm giúp thì làm cho tụi nhỏ kia, chứ Thu nó lớn rồi, để nó làm lấy cho quen.

Mẹ cũng góp lời:

- Phải đấy, con Thu hư lắm. Cũng tại con đấy, cái gì cũng hứng lấy. Từ nay phải để nó tập cho quen mọi công việc trong nhà, lớn rồi, nhỏ nhít lắm sao?

Chồng chị Tâm là giáo sư toán. Mỗi lần gặp mặt Thu là trù liền:

- Thu! Tôi nói cho cô biết: đứng có tưởng tôi là anh cô nhé. Liệu chừng!

Dễ ghét nhất là mấy bà chị cũng dần dần thâm nhiễm thói ác của mấy ông chồng, họ không bênh vực Thu nữa mà họ về hùa theo các ông ấy. Họ làm như khám phá ra nhiều nết xấu của Thu hơn (kỳ thật thì Thu không thêm bớt chút gì, trước sao sau vẫn thế). Họ tỉ tê với mẹ thế nào mà dạo sau này mẹ ngày càng nghiêm khắc với Thu thêm, mẹ không để cho Thu rỗi rãi ngồi mơ mộng nữa. Học bài xong, mẹ gọi Thu xuống bếp bắt thái thịt, nhặt rau, lau bát.

Không biết các ca sĩ có phải cực khổ như Thu không? Thu, Thu có cảm tưởng như nếu mình trở thành ca sĩ, chỉ những ca hát suốt ngày cũng đủ no! Ôi! Cuộc đời lúc nào cũng bay bướm nhảy nhót, duyên dáng, xinh xẻo như nốt nhạc! Sung sướng, cao đẹp biết chừng nào!

Từ ngày chồng chị Mai khám phá cái cặp no tròn của Thu không phải chỉ chứa toàn sách vở thì mọi người nhìn Thu với con mắt khác. Trước hết là ba ( không biết câu chuyện đến tai ba bao giờ, khởi đầu bằng cách nào, do ai, vì ba vốn nóng tính, nếu ngay chiều hôm đó mà ba biết, Thu sẽ chịu sự trừng phạt xứng đáng. Thu biết chắc như vậy) ba thường bất chợt vào phòng học của Thu, đứng sau lưng hồi nào không biết, lên tiếng dọa:

- Liệu chừng, không lo học, lo đọc tiểu thuyết nhảm thì chết đòn đó Thu!

Đôi khi, ba không vô phòng, ba chỉ đứng ngoài hỏi vào:

- Thu! Lại đọc tiểu thuyết hẳn?

Thu vừa sợ vừa tức mà phải cố nén, thưa:

- Thưa ba con học bài…

Ba cười gằn:

- Ai biết ma ăn cỗ? Bài gì? Đâu đưa cuốn sách học lên tao xem nào?

Thu phải giơ cao cái bìa sách cho ba thấy, ông gật gù:

- Được! Cứ thế là tốt đấy. Mày ma không lo học tao nói với mẹ mày bắt thôi học ở nhà làm việc, khỏi thuê người làm, tốn kém, vô ích. Nhớ là cha mẹ cho đi học chứ không phải cho con đi đua đòi, rong chơi bậy bạ, mơ mộng nhố nhăng, nghe chưa?

Thu lặng người vì uất. Giọng ba cao lên:

- Thu! Có nghe ba nói không?

Thu ứa nước mắt ra nghẹn ngào:

- Thưa ba, nghe!

Ba thêm:

- Người ta chứ không phải chim mà lo ca với hát suốt ngày, nhà này không có mả làm ca sĩ. Dù cho con chim cũng hót có thì, có lúc, nó cũng còn phải kiếm mồi chứ đừng tưởng rằng nó chỉ ca hát không mà no đâu, con ạ!

Thu giật thót mình, chết cha rồi! Sao ông cụ lại biết? Trời ơi! Khổ thân chưa! Ai mà ác thế không biết…

Thấm thoát mà Tết đến. Mọi năm, nghỉ học là Thu chỉ có việc đi chơi. Mứt bánh, giò chả đã có mẹ và các chị. Năm nay chị nào cũng theo chồng đổi đi xa, người làm lại giở chứng xin về thăm nhà, ăn tết đến cuối tháng giêng mới lên. Trời! Số chi mà khổ! Hai thằng con trai vụng về, lóng cóng không giúp chị được việc gì. Đã thế, ba còn ra lệnh cho mẹ:

- Đã đến lúc bà cần nghỉ ngơi rồi đó. Hãy để cho con gái bà trổ tài xem. Bà nuông nó lắm chỉ tổ nó hư thân, về sau có chồng…

Thu có tính khi nào tức là ù tai lại, không nghe gì nữa! Thu bỗng đâm thù ghét mấy ông văn sĩ: họ nói phét, tuổi trẻ vui thú gì đâu? Sao trong các tiểu thuyết của các ông không hề có cô gái nào nhặt rau, bổ củi, thái thịt, nấu canh? Thu đọc toàn những chuyện dạo phố, ca hát, làm thơ, chải tóc và… đọc sách hoặc ăn kem thôi! Á à à… Mai Khanh thì đi nghỉ hè ở Đà Lạt với mẹ, Trúc Đào trồng hoa hồng ngoài cửa sổ và có người giúp việc tưới bón, bắt sâu, Ngọc Anh đi đâu cũng có tài xế của ba lái xe cho, Hà Thủy nhận rất nhiều thư xanh mà không thèm phúc đáp, mỗi tối nhìn xuống cửa sổ phòng mình lúc nào cũng có bóng dáng một hai thanh niên đăm đắm nhìn lên… Trời ơi! Các cô gái trong tiểu thuyết! Sao mà các cô được nuông chiều đến thế. Chẳng cô nào bị la mắng khổ sở như Thu. Chán quá đi mất. Đời như vậy thì thú vị chi đâu? Kiếp trước Thu vụng tu lắm chắc?

Mải than thân trách phận, Thu quên phắt là dì Hảo đến, dì đang trò chuyện với mẹ trên nhà, nên Thu sốt ruột. Gớm! Các bà đến là hay chuyện, chuyện gì mà nói mãi chưa dứt? Mẹ cũng kỳ, ít nhất mẹ cũng không nên quên rằng Thu mới tập làm bếp chứ? Mà hôm nay lại nhiều việc: thức ăn làm cho bữa trưa, phải lo thức ăn ngày tết nữa, quái lạ, sao cũng thìa mứt chanh mà lúc có mặt mẹ thì nó xanh xảnh là xanh mà hôm nay mẹ giao cho Thu thì nó hóa ra mầu ua úa? Lại còn thau mứt thơm, trông mới chán làm sao: dạo năm ngoái mẹ làm cách nào mà nó vàng óng ả, trong suốt y như mầu mật ong trong tổ mới vắt ra, đến gần bên, mùi thơm ập vào mũi làm Thu thèm rỏ dãi mà hôm nay mẹ (theo lời ba) giao Thu làm thử thì nó khen khét, vàng mầu vàng của… cơm cháy, không thơm đành rồi mà khi thằng Hà nó bốc một miếng cho vào miệng thì nó phun phì phì ra kêu lên oai oái:

- Chao ơi mứt thơm của chị Thu y như nước mầu kho cá!

Và chỉ trong một nháy mắt cả xóm đều hay cái tin mứt thơm y như nước mầu kho cá do bàn tay chị gái thằng Hà. Thu giận sôi lên vì thằng em tai ác.

Lại có mùi khen khét: lần này la soong thịt bông. Ủa lạ kỳ chưa? Sao thịt bông của Thu làm lại không trắng? Chắc mình gia nhiều nước mắm quá?

Như thế này là thế nào? Tại sao mình lại vụng về đến mức? Thật chưa bao giờ Thu chán mình, trách mình như lần này.

Nhưng Thu nhìn lại chai tương ớt, nỗi chán chường bỗng biến thành cay đắng, cay hơn cả khi Thu nếm nó, là bởi nó không đỏ đỏ, không có vẻ găn gắt, sanh sánh như mẹ làm mà… mà nó giông giống mầu nâu của áo các bà mặc đi lễ chùa, tệ hơn nữa, chất béo (do mỡ nước phi hành tỏi) không quyện trong ớt mà lõng bõng, bời rời coi không đẹp mắt tí nào. Thằng quỉ Hà – lúc nào lại khỏi nó? – phê bình thế này chứ:

- A! Ha! Chị làm thế nào mà chia rẽ lọ tương ớt như vậy? Dưới bàn tay mẹ nó đoàn kết thắm thiết biết bao!

Thu tím cả mặt, mím môi lại cốc lên đầu nó một cái, quát:

- Đi lên, thằng kia, mày không được cái tích sự gì hết.

- Còn chị thì được chắc?

Thu không dám rượt theo nó vì Thu biết rằng nếu mình mắc mưu nó, để cơn giận chế ngự thì, tình trạng càng đáng phàn nàn hơn, bi đát hơn. Không! Phải bình tĩnh mà tìm cách cứu vãn, tạm gác cơn nóng giận lại một bên. Rồi hẵng hay.

Mẹ vẫn chưa rời bộ xa lông. Lần này thì Thu không chịu nổi nữa. Thu đánh bạo đi lên, tay còn cầm đôi đũa cả, mặt đỏ bừng vì nóng (nóng giận và nóng vì đứng trong bếp) Thu cố sức dịu dàng:

- Thưa mẹ, mẹ chỉ cho con chặt…

Mẹ không để Thu dứt lời, chỉ tay vào con gái, nói với dì Hảo:

- Đó, cô thấy chưa? Tôi đâu có kiếm cách tạ sự? Hôm nay con Tư nó về nhà nghỉ Tết, mà cháu Thu thì,,, cháu chưa biết gì hết, giao cho nó thế nào cũng bị ba nó rầy…

- Chị cứ nói! Con Kim nhà tôi có 14 chứ đã làm gì bằng con Thu, thế mà tôi giao mọi chuyện cho nó hết. Chị cứ ôm ôm lấy, để chúng có thì giờ rảnh nhiều chỉ tổ hư thân.

Mẹ vẫn ngần ngừ, dì Hảo đứng lên:

- Thôi, tùy chị đấy, chị thấy không tiện thì thôi vậy. Tôi về đây. Chị hẳn cứ ở nhà mà lo cho mọi việc hoàn hảo để con gái chị bát phố.

Và dì vùng vằng đi ra, không thèm nói với Thu một tiếng. Thu hơi hãi, vì dì tuy là em mẹ nhưng nghiêm nghị và khó tính, mẹ cũng nể nữa là Thu. Mẹ vội theo chân dì, ra đến ngõ, mẹ níu tay dì lại:

- Cô làm gì gấp vậy? Để tôi xem nào… hay là… hay là tôi cho cháu đi theo giúp cô?

- Giúp tôi? Nó chịu đi không?

- Thế có con Kim đi với cô đó thì sao?

- Chỉ lo con gái chị không đi hãy chứ! Con Kim thì lúc nào dám cãi tôi.

- Thế thì được. Cô hãy cứ cho cháu đi theo với cô. Không giúp được nhiều thì giúp ít, thế chả hơn là…

Thu còn ngơ ngác chưa biết mẹ bảo mình đi đâu với dì Hảo thì dì đã quay lại phía Thu, nói:

- Được rồi, cháu cứ thay quần áo, sửa soạn đi, dì về qua nhà thu dọn một chút. Chốc nữa dì và em Kim sang đón nhé? Cháu cũng nên…

Và dì biến mất trong một nhoáng. Bấy giờ mẹ mới bảo Thu:

- Có một số đồng bào bị thương vừa được tải về, nhưng bệnh viện chật quá, không đủ chỗ cho họ nằm, dì Hảo đã xin được một trại trong trụ sở hội của dì cho họ nằm tạm. Cũng có bác sĩ và y tá đến nữa, nhưng không săn sóc xuể. Dì muốn nhờ mẹ phụ với dì nhưng mẹ sợ đi thì mình con ở nhà không xong, nên mẹ…

Thu lắng nghe, tươi dần nét mặt:

- Được rồi, con đi được…

- Con không sợ à?

- Sợ gì hả mẹ? Con đâu phải con nít?

Thật ra, trong thâm tâm, Thu đang nghĩ tới điều này: được thoát mấy của nợ dưới bếp. Hơn nữa Thu biết dì Hảo là một phụ nữ có tiếng tăm, có thế lực, dì gia nhập nhiều hội, tên dì luôn luôn được các báo đăng lên kèm với những lời ca ngợi.

- Đi với dì chắc vui lắm, với lại (Thu đỏ mặt khi nghĩ đến điều này) không biết chừng lại được chụp ảnh đăng báo cũng nên.

Đang bực mình, Thu bỗng thấy náo nức, vui vẻ như khi sắp dạo phố. Mẹ ân cần:

- Con nhớ phải vâng lời dì nhé, nói năng nên dịu dàng với người bệnh. Nên nhớ, người ta không phải cần những món con mang đến mà người ta cần…

- Có trao quà nữa, hả mẹ?

- Ừ, có một ít quà…

Eo ôi! Thế thì có chụp hình đứt đuôi con nòng nọc đi rồi, chẳng chạy đằng nào nữa! Thú quá đi mất! Thu háo hức hỏi mẹ:

- Thế mẹ có đi lần nào chưa?

- Có chứ, mẹ vẫn đi đấy chứ. Mẹ đã bảo hôm nay trường hợp bất ngờ và vì nhà không có con Tư với lại Tết, còn phải có nhiều việc… mà con chưa quen việc bếp nước… (chợt nhớ ra, mẹ giục) Thôi con đi thay áo đi, chẳng dì lại đến bây giờ đấy.

Thu trao đôi đũa lại cho mẹ, đi rửa tay, thở phào một cái như vừa trút được gánh nặng bốn chục kílô.

Vừa thay áo, Thu vừa khe khẽ hát. Chưa chi cô gái đã hình dung ra một cảnh tưởng tượng hào hứng y như vài bận Thu được nhìn thấy trên màn ảnh. Ấy là cảnh tượng các phu nhân, ái nữ trao quà cho thương binh, trong những dịp lễ lạc chi đó. Á, à à… những chiếc áo may toàn bằng hàng ngoại hóa, kín cổ hay hở cổ, những mái tóc huyền buông lơi hay quấn gọn, cuốn cao lên bày cái gáy trắng ngần… những tràng pháo tay, những lời chúc tụng… nhiều quá Thu không nhớ xuể. Nhưng ngoạn mục và khó quên nhất đối với Thu vẫn là những phút mà các phóng viên đua nhau làm phận sự: có cô thẹn thò (giả vờ?) nấp sau lưng mẹ nhưng mấy cái máy ảnh tai ác (một cách đáng yêu) vẫn không tha, cứ đuổi theo hờm sẵn bên lưng và chờ lúc đương sự vô tình (nghĩa là cố ý) quay lại là bấm lên nghe tanh tách làm cho các món nữ trang đã rực rỡ trên cổ, trên tai, trên tay đương sự cứ sang lóe lên từng chặp, từng chặp không thôi!

Phải nhận rằng dạo sau này chuyên viên quay phim thời sự hàng tuần của ta khá thật. Chả thế mà các nụ cười của phu nhân, ái nữ, ngay cả nụ cười của các thương binh đều tươi hơn hớn và nở bung như hoa vào buổi bình minh! Thu không dám mơ ước đến chuyện được quay phim, còn lâu lắm mới mong chuyện đó, Thu biết thế. Nhưng mà được chụp ảnh thì có hy vọng lắm lắm, cao xanh ạ!

Soi lại gương lần cuối, Thu kín đáo cho sợi dây chuyền vào trong cổ áo.

Sợi dây nạm hạt không to lắm nhưng khá xinh, ánh đèn “phờ lát” mà chiếu vào thì nó cũng nháy nhó cẩn thận kém chi kim cương thật. Ấy, Thu phải cẩn thận thế mới được, chẳng mẹ thấy mẹ lại “kê” cho là diện không nhằm chỗ, đi làm việc thiện chứ có phải đi dự tiệc đâu? Mẹ không hiểu Thu nổi. Hai tâm hồn, hai thế hệ mà!

Đã bốn giờ rồi mà nắng vẫn còn gắt tợn. Nắng này phơi mứt gừng hay mứt bí tha hồ trắng! Thu vừa đi vừa nghĩ thầm. Ủa, sao lặng lẽ thế này kìa, ngoài cổng không chăng đèn, không treo cờ cũng chẳng kết hoa. Chẳng thấy một biểu ngữ nhỏ lớn nào ghi những câu đại khái như “Hoan hô” “Thành kính tri ân” hay “Biết ơn… cảm tạ…” chi cả.

Cũng không có một ai thấp thoáng để đón đưa, hướng dẫn, chào mời. Thu vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng nhưng không để lộ ra nét mặt, lặng lẽ quan sát thái độ Kim và dì Hảo. Họ vẫn không có phản ứng nào trước sự kiện lạ lùng này. Sao thế nhỉ?

Và mãi tận lúc đó Thu mới chợt nhớ ra chuyện quan trọng nhất: Thu chẳng thấy những gói quà thắt nơ xanh đỏ chi cả. Dì Hảo giao cho Thu và Kim mỗi đứa một cái giỏ, giỏ nào cũng đựng mấy thứ làng nhàng như khăn mặt, dầu nóng, sữa hộp, kẹo ho. Eo ơi! Quà cáp chi mà tệ thế? Cầm cho cũng ngượng chin người đi, nói chi đến chuyện chụp hình? Biết thế này để mẹ đi cho xong, nản quá thôi, trời ạ!

Thế này là thế nào? Nhưng kìa, Thu không có thì giờ để thắc mắc lâu hơn, vừa bước lên bậc thềm Thu đã chùn chân lại, toan tháo lui nếu không có dì Hảo và Kim bên cạnh: một cảnh tượng lạ lùng, kỳ quái, ghê gớm bày ra trước mắt Thu, một cảnh tượng mà thoạt đầu, Thu không tin là có thật. Trong cái trại lợp tôn, nhỏ thua cả lớp học Thu, có dễ trên trăm người đang nằm ngồi la liệt, họ nằm ngay dưới sàn xi măng, có trải chiếu, chăn, trải những tấm cói rách hay không có trải gì cả. Đầu gối trên những bọc quần áo bèo nhèo, bẩn thỉu. Một mùi hôi thoang thoảng bốc lên làm Thu nhăn mũi lại. Người nào cũng có một khúc trắng trên mình, không ở đầu thì ở tay, ở chân, ở ngực, ở mông, ở đùi, ở cổ… Từ những chiếc băng quấn có vẻ vội vàng, cẩu thả (vì quá gấp) đó, máu ri rỉ thấm ra… Tất cả đều phờ phạc, tiều tụy như trải qua một cuộc hành trình lâu dài và vất vả lắm. Họ từ đâu đến? Thu còn bàng hoàng, ngơ ngác thì dì Hảo đã vượt lên trước, nói như ra lệnh:

- Vào trong kia trước, các con!

“Trong kia” là một nửa trại, được ngăn bằng những tấm bìa dày. Tại đây có giường tử tế, trên mỗi giường đều có hai hay ba người. Một thoáng so sánh vụt đến với Thu “Trông y như cá hộp ấy”. Nhưng Thu ngưng ngay ý nghĩ đó lại vì thấy mình khôi hài không nhằm chỗ. Những kẻ “hân hạnh” nằm trên giường coi bộ bị thương khá nặng. Băng trắng toát gần khắp người họ. Có người không mặc áo quần chi cả, họ nằm thiêm thiếp mê man, một số đang quằn quại rên rỉ, nhưng rất nhỏ. Lại có mấy cô gái trạc Thu, một cô gãy mất bàn tay mặt và lủng một bên má. Cô nữa có vẻ như bị bỏng, da thịt phồng lên ám khói, chỗ nào không đen, nứt da, thì chảy nước vàng vàng. Mùi hôi hám ở đây nồng nặc lên, Thu buông giỏ “quà” trên tay xuống, bưng lấy mặt, nhắm nghiền mắt, mồ hôi tuôn đẫm áo.

- Coi bộ cháu sợ? Thôi ra ngoài đứng một chút cho khỏe rồi hẵng vô.

Giọng dì Hảo dịu dàng. Thu không đợi dì giục lần thứ hai, vội vàng quay ra ngay, giao giỏ lại cho Kim. 


Ra đến ngoài Thu thở phào một cái thấy khỏe cả người. Gớm y như là lạc vào địa ngục, biết thế này thì chả đi. Mấy cây trứng cá phe phẩy cành lá, ánh nắng chiều đổ dài xuống, có tiếng lao xao ở trong trại vọng ra. Thình lình ông bác sĩ xuất hiện, theo ông ta là hai cô trợ tá tre trẻ. Ba người đi như chạy. Thu ghé mắt nhìn vào khung cửa sổ và Thu thấy Kim, chính Kim, đang cúi xuống từng người một, thì thầm với họ gì đó rồi lục trong giỏ mà Kim xách theo lấy ra từng thứ một trao cho họ. Dì Hảo vẫn mất hút bên trong. Kim tài thật, nó không có vẻ kinh tởm như Thu, nó vuốt trán một đứa nhỏ, lấy cuộn bông ra lau vết máu ở mép tai thằng bé, dịu dàng như người chị săn sóc cho đứa em trai. Kim đặt vào tay một cụ già vật gì nho nhỏ, tròn tròn, rồi Kim lôi từ đáy giỏ ra một cái khăn bông khá lớn đắp lên khuôn ngực trần của cụ. Thu tò mò ren rén bước lại gần, xem cho rõ. Cụ già nhoẻn cười, một nụ cười khô khan, héo hắt, và từ đôi mắt sâu hoắm, nhăn nheo, già nua đó những giọt nước trào ra. Có tiếng xịt mũi của Kim và cô em họ Thu quay vội đi, môi mím chặt, cô như cố nén một xúc động thầm kín sâu xa trong cái thở dài thật mạnh. Chợt bắt gặp Thu đang nhìn mình, Kim ra hiệu cho chị cứ đứng yên rồi tiếp tục công việc.

Từ trong kia có tiếng kêu thét lên rất ngắn, rất mau rồi im bặt hoàn toàn… Cô y tá ban nãy nghiêng người về một bên, khệ nệ bưng cái giỏ lớn tướng, có vẻ khá nặng. Mồ hôi lấm tấm trên trán, trên mũi cô. Tự nhiên Thu thấy ngượng vội vàng chạy đến khuân giúp. Trong giỏ, bên trên đầy ắp những bông băng cũ, đã băng cho bệnh nhân được tháo bỏ, song chắc bên dưới còn có gì khác nên mới nặng thế. Cô y tá nói với Thu:

- Xin cảm ơn cô, nhưng tôi khuân một mình được, nếu có thể, xin cô vào trong giúp em Kim với bà Hảo hai người đang…

Cô bỏ dở câu nói, lớn tiếng gọi một người y công thấp thoáng trước hiên một trại khác:

- Lại đây, giúp tôi cái này chút chú Tư.

Thu như người vừa tỉnh giấc mơ lặng lẽ bước vào trong. Dì Hảo đang hí hoáy ghi chép cái gì đó, chốc chốc lại cúi xuống hỏi người đàn bà nằm dưới chiếu. Kim vẫn bận rộn trong kia, bên bác sĩ và cô y tá còn lại. Khuôn mặt kiều mỵ của Kim in đậm một kinh hoàng khó tả. Cô y tá và vị bác sĩ thì có vẻ mỏi mệt, chán nản, buồn rầu. Nhưng tất cả vẫn ân cần dịu dàng với mọi người.

Trong một thoáng, Thu cảm thấy xấu hổ vì tư cách của mình. Trong một thoáng, Thu hết thấy hôi hám, kinh tởm và sợ hãi.

Thu đã biết thế nào là ái ngại, xót thương.

Thì ra, trong lúc Thu ích kỷ chỉ nghĩ đến những vui thích riêng, những mơ mộng hão, thì xung quanh Thu đồng bào đau đớn thế đó, chịu đựng thế đó, khổ sở thế đó.

Bây giờ thì Thu đã hiểu. Không, những hình ảnh đẹp mà Thu thấy trên màn ảnh, trong ciné không phải là sự thật. Sự thật không có sáng lóe lên, mà máy ảnh của các phóng viên cũng không tìm tới. Sự thật tối tăm, bi thảm hơn. May thay, không phải ai cũng như Thu, người ta biết sống hơn, như dì Hảo chẳng hạn. Dì giúp đỡ kẻ khác như làm một bổn phận chứ không có vẻ từ trên cúi xuống, như một sự thi ân. Dì giúp đỡ tận tâm, chia xẻ thực sự nỗi đau đớn với đồng bào chứ không phải một lối hoạt động tắc trách, hình thức bề ngoài. Trông khuôn mặt dì sáng rỡ tin yêu, Thu biết thế.

Mình phải đổi lối sống. Thu nói với chính mình. Mình sẽ không mơ mộng hão huyền nữa. Mình sẽ có ích cho xung quanh… mình sẽ… mình sẽ…

Trong quyết tâm đó, Thu bỗng thấy chuyện bếp nước, chuyện mứt bánh, chuyện khâu vá, chuyện học hành đều là những chuyện rất vui vẻ, dễ dàng, đều chẳng “mùi mẽ” gì, đều chắng khó nhọc gì.

Cứ nghĩ đến trong lúc mình được sống yên lành bên cạnh cha mẹ, ngày ngày cắp sách đi học, vui chơi trong thành phố, ăn ngon, mặc đẹp, bao nhiêu đồng bào ruột thịt vất vả kham khổ cũng đủ ngượng rồi huống chi bây giờ được biết họ còn bị nhiều đe dọa, chịu nhiều khổ sở, đau đớn; tại một vùng quê hẻo lánh nào đó, trong một sớm, một chiều họ có thể mất mạng, hay bị tàn tật rất dễ dàng và không có phương thế đề phòng, tự vệ, Thu thấy lòng mình nao nao, đau xót tột cùng. Lần thứ nhất quả tim của cô gái thành phố rung động trong một tình cảm vị tha. Hình như cô cảm thấy mình lớn lên, đẹp hẳn ra trong niềm thương cảm chân thành đó. Cô lờ mờ hiểu rằng người ta không thể sung sướng một cách ích kỷ, riêng tư trong khi kẻ khác nhọc nhằn khốn đốn.

Đó, cũng là lần đầu Thu học được một bài học hữu ích không có giáo sư và không phải học bằng những lời lẽ suông trên sách vở mà học trong sự thật.

Thu liếc nhanh về phía hai cô gái bị bỏng và gãy tay, lủng má. Họ cỡ tuổi Thu, có phải sự mất mát này quá lớn đối với một người con gái không? Thu thấy nhói trong tim khi nhớ tới mình lúc nào cũng chẳng vừa lòng. Nguyên sự lành lặn của mình há chưa phải là một diễm phúc lớn lao đó hay sao?

Thu cố nén nhưng sự đau xót, xúc động dâng lên làm cô nghẹn cứng cổ. Thu quay vội đi, chớp đi cho hai giọt nước mọng trên mi rụng xuống.

Dì Hảo nhìn Thu bằng cái nhìn âu yếm khác thường:

- Cháu có mệt không?

Thu hơi ngượng, mình có làm gì đâu mà mệt! Thu bối rối:

- Thưa dì, con chẳng được tích sự gì, đáng lẽ con phải…

- Con đừng ngại, nguyên sự có mặt của con đã có ích rồi. Ngày trước dì cũng như con chẳng khác chi đâu. Không phải bỗng chốc mà ta hiểu và sống được như câu này: “Tạo niềm vui trong sự chia xẻ, ban phát tình thương và giúp đỡ chung quanh”. Dù có một người ích kỷ, vô tâm đến đâu cũng có một lúc họ nhận ra điều tốt, huống là con, con còn nhỏ và chưa kịp… chứ con có phải xấu đâu?

Những tia nắng cuối cùng đã tắt mất tự bao giờ. Kim và Thu nắm tay nhau ra xe.

Thu thầm cảm ơn dì Hảo dù không dành cho Thu những hào hứng mà trước đó mấy giờ thu thực sự ước ao. Và, kỳ diệu chưa, mới cách đây có mấy giờ mà Thu đã như biến đổi thành một cô gái khác, không phải là Thu nữa. Ít nhất – Thu tự thẹn – mình cũng cố sao cho được như Kim.

Lòng nhẹ lâng, Thu tưởng như mình đã tăng một tuổi, dù còn phải đợi hai hôm nữa và nghĩ đến những công việc ở nhà bằng một náo nức khác thường, đầy thích thú chứ không như lúc ra đi.


Minh Quân     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968, ra ngày 15-1 và 1-2-1968)